Làm Thế Nào Để Báo Hiếu Cha Mẹ Cửu Huyền Thất Tổ Một Cách Trọn Vẹn Nhất?

Làm Thế Nào Để Báo Hiếu Cha Mẹ Cửu Huyền Thất Tổ Một Cách Trọn Vẹn Nhất?Trong kinh Phật có dạy rằng, người học Phật thì đức hạnh đầu tiên là “Hiếu dưỡng phụ mẫu”. Tại sao chúng ta lại nhắc tới sự hạnh hiếu dưỡng phụ mẫu? Vì xin thưa thật là chính ông bà, cha mẹ, những người thân kính quyến thuộc của chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp vụng tu nên bị đọa lạc nhiều lắm. Ta thường gọi là hồi hướng công đức cho các chư vị vong linh, chứ thật ra thì ông bà, cha mẹ chúng ta nhiều lắm trong đó. Khi ta biết đường tu như thế này, thường thường là ông bà cha mẹ chúng ta nghe được thì họ mừng lắm, đang hằng giờ mong cầu đứa con, đứa cháu, tức là chúng ta, hồi hướng công đức cho họ. Nếu chúng ta không có công phu tu hành, không có công đức, hoặc có mà nhiều khi quên hồi hướng công đức cho họ, thì chính những người thân của mình lại nổi cơn sân giận nhiều hơn là người thường đó.

Nếu sau này có cơ duyên đi hộ niệm cho người ta, quý vị mới thấy được những điều này, là hầu hết những hiện tượng gọi là nhập thân báo đời, thì có thể nói hơn 90% là dòng họ của người đó. Không cha thì mẹ, không mẹ thì ông nội, ông ngoại, ông chú, ông bác gì đó… Thường thường là như vậy. Có những người rất là hung hãn. Tôi đã gặp nhiều trường hợp mà chính người thân nhập vào người thân, mà mỗi lần nhập vào như vậy thì họ cầm dao cầm búa đâm vào người. Dễ sợ lắm! Họ đánh người thân, họ tìm cách giết người thân đó, và mỗi lần như vậy, họ nói:

– Tại sao mày giết tao? Tại sao mày hãm hại tao? Tại sao tao có làm gì tội lỗi với mày mà mày đối xử tệ như vậy?…

Quý vị không tưởng tượng được đâu! Họ căm hờn như vậy. Đó là những trường hợp mình biết, còn những chuyện căm hờn khác xảy ra khắp nơi mà mình không hay.

Ví dụ như trong vô lượng kiếp của chúng ta, thì chúng ta có vô lượng vô biên ông bà cha mẹ đã bị đại nạn. Khi chúng ta tu hành như thế này thì thường thường những ông bà cha mẹ đó có thể cảm ứng được, cứ mong sao cho một đứa con một đứa cháu hồi hướng công đức. Bây giờ thứ nhất là thấy một đứa con một đứa cháu đang biết tu hành mà không chịu hồi hướng. Thứ hai là tu hành tà tà, tu hành giỡn giỡn, tu hành không vững, hồi hướng không có một chút xíu nào hết, làm cho họ càng ngày càng đau khổ hơn. Góp phần làm cho niềm sân hận nảy sinh ra.

Phật dạy người Phật tử đầu tiên là phải “Hiếu dưỡng phụ mẫu”. Nếu chúng ta biết niệm Phật, biết con đường về Tây Phương, thì sự hiếu dưỡng này phải cụ thể một chút, không phải cứ đợi tới tháng bảy mùa Vu Lan báo hiếu, tới làm một cái lễ gì đó gọi là báo hiếu! Không có bao nhiêu hết trơn! Mà hằng ngày chúng ta niệm Phật hồi hướng công đức, thành tâm hồi hướng thì tự nhiên công đức này biến Pháp giới.

Trong công cứ của chúng ta gọi là Cửu Phẩm Liên Đài, thì tờ đầu tiên chính là tờ “Báo Ân Niệm Phật”, trong đó có bốn câu:

Phật ân Thân ân.
Hạo thiên võng cực.
Dục báo chi đức.
Niệm Phật đệ nhất.

Có nghĩa là ân Phật, ân Cha Mẹ, “Hạo thiên võng cực” là lớn bao trùm cả pháp giới, lớn lắm, không có cách nào mình có thể diễn tả nổi. “Dục báo chi đức” là muốn báo đền cái công đức này, “Niệm Phật đệ nhất” là không có gì bằng niệm Phật hết.

Chúng ta niệm Phật ở đây không phải là chỉ tu riêng cho chúng ta đâu, mà tu luôn cho Ông-Bà, Cha-Mẹ, Cửu-Huyền Thất- Tổ nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta nữa. Hằng ngày ráng cố gắng tinh tấn hơn, thay vì chúng ta dành thời gian đi chơi uổng lắm! Hãy dành thêm thời gian niệm Phật, thay vì chúng ta cứ nghĩ này nghĩ nọ, buồn khổ để làm gì?…

– Một cơn buồn xảy ra phá tan biết bao nhiêu công đức.
– Một sự lo âu nổi lên phá tan biết bao nhiêu công đức.
– Một sự khổ sở nổi lên nó nhập vào trong tâm chúng ta: Nếu không súc sanh thì cũng là ngạ quỹ, không ngạ quỹ cũng là địa ngục.

Cảnh khổ là cảnh tam ác đạo. Rơi vào đó thì làm sao có cơ hội ly khổ đắc lạc để đi về Tây Phương được?… Chính vì vậy, vì không biết tu nên nỗi khổ nó cứ đến, càng ngày càng thâm nhập vào chúng ta. Trong lúc ngồi trong Niệm Phật Đường thay vì ta nhiếp tâm niệm Phật quyết lòng về Tây Phương, thì những cái cảnh khổ đó cứ hiện ra trong lúc chúng ta đang niệm Phật, vô tình câu niệm Phật chúng ta không mang lại một công đức nào hết trơn. Chính vì không nhiếp tâm nên không có công đức. Không có công đức thì không hồi hướng được cho pháp giới chúng sanh, không có hồi hướng được cho ông bà cha mẹ…

Xin thưa thật, báo hiếu cha mẹ không phải cha mẹ còn sống mới báo hiếu, mà phải cần hồi hướng luôn cho cả cha mẹ ông bà đã qua đời rồi, tại vì ông bà cha mẹ của chúng ta nhiều khi không được sự hướng dẫn tu hành, nên thường bị đọa lạc, họ chờ từng ngày từng giờ… Đừng nên báo hiếu bằng cách chờ tới ngày giỗ kỵ làm vài con gà để cúng mà báo hiếu cha mẹ… Sai lầm vô cùng! Làm vậy cha mẹ mình càng ngày càng bị đọa lạc…

Khi chúng ta biết được báo hiếu không có gì khác hơn là quyết lòng quyết dạ vãng sanh về Tây Phương. Xin thưa thật công đức vãng sanh về Tây Phương chính là cái công đức báo hiếu triệt để. Tại sao vậy? Vì Hòa Thượng thường hay nói rằng, khi chúng ta vãng sanh về Tây-Phương thì ngày đó là ngày ông-bà, cha-mẹ, cửu-huyền thất-tổ của chúng ta thoát được cảnh tam ác đạo. Người ta đang chờ từng giây từng phút cái ngày chúng ta vãng sanh để cho họ thoát khổ. Tôi không nói là họ đi về Tây Phương, mà họ thoát được ba cảnh khổ. Mình biết rằng không phải ta chỉ có một ông cha, hai ông cha, ba ông cha, mà có tới vô lượng vô biên ông cha, vô lượng vô biên đứa con, vô lượng vô biên ông nội bà nội… họ thoát được. Cái công đức này lớn vô cùng lớn.

Chính vì vậy mà sắp tới đây chúng ta sẽ cố gắng tìm cách tăng thêm chương trình Tinh Tấn Niệm Phật. Thay vì một ngày, ta tiến lên hai ngày, tiến lên ba ngày, được bao nhiêu người tu bao nhiêu người. Để chi? Để góp phần với chư vị trên thế giới cùng nhau hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, giải bớt tai nạn và quyết lòng vững vàng đi về Tây Phương.

Một là giải cái ách nạn cho chính mình. Mỗi người chúng ta ai ai cũng đầy hết cả nghiệp ác trong này nè. Người ta chuẩn bị, người ta chờ từng giây từng phút mà khởi lên đó. Oan gia trái chủ của mỗi người nhiều lắm ở trong đó. Nếu chúng ta không thành tâm niệm Phật, không quyết lòng niệm Phật thì các vị đó không bao giờ đoạn đành bỏ quên cái mối thù sát sanh hại mạng của họ đâu. Chính vì họ không biết về nhân quả, nên họ không bỏ, họ không xả. Nghiệp ác này nó cộng vào cộng nghiệp của chúng sanh mà sanh ra tai nạn. Hòa Thượng Tịnh-Không nói, cái nạn tai trên thế giới của chúng sanh bây giờ lớn lắm rồi, tại vì trong vô lượng kiếp tới giờ ta đã làm nghiệp ác lớn quá rồi chứ không có gì cả.

Quý vị nghĩ thử coi, lập một cái Niệm Phật Đường lên tốn tiền, tốn bạc, tốn công, tốn sức, tốn đủ thứ… nhưng nhiều lắm cũng chỉ có năm người, mười người, hai chục người… tới niệm Phật mà thôi. Còn hàng vạn người khác không bao giờ niệm Phật đâu à!… Hàng triệu người khác người ta vẫn tiếp tục sát sanh hàng ngày. Nạn sát sanh giải không được.

Hiểu được điều này rồi, khi đến Niệm Phật Đường niệm Phật chúng ta phải trực nhớ là mình đang ở trong cái cơ hội vãng sanh thành đạo, thoát tất cả những ách nạn mà trong vô lượng kiếp chúng ta bị đọa đày. Khi mà thoát rồi, chúng ta sẽ có năng lực đi cứu độ chúng sanh, đi cứu cái ách nạn này. Cho nên muốn hết những nạn sóng thần, thì nhiều người vãng sanh về Tây Phương thì cái nạn này mới hết. Thực sự như vậy.

Một người mà vãng sanh thì người ta có thần thông đạo lực, họ đi giải cứu những ách nạn này. Chư Phật mười phương thay phiên nhau cứu độ chúng sanh, nhưng mà cứu không hết. Nạn tai nhiều quá! Chúng ta phải hiểu được như vậy thì ráng cố gắng mà tu để về cho tới Tây Phương Cực Lạc, hợp tác với chư Phật mười phương. Rồi khi ngài Di-Lặc hạ sanh xuống, mình cũng theo Ngài xuống đây hoằng dương Phật pháp cứu độ chúng sanh. Đây là sự thực!… Xin chư vị vững lòng tin tưởng. Tín-Hạnh-Nguyện, Tín-Hạnh-Nguyện mà đi.

– Nếu Lòng Tin chưa vững, nay tin cho vững đi.
– Nếu Sức Nguyện của mình sai lầm, nay nguyện lại đi. Càng vãng sanh sớm chừng nào càng hay chừng đó. Chính sức nguyện này là cái duyên rất đậm để chúng ta về Tây Phương.
– Còn Hạnh là gì? Làm lành lánh dữ là trợ hạnh. Niệm câu A-Di-Đà Phật thiết tha về Tây Phương chính là Chánh Hạnh.

Cho nên Chánh Hạnh, Trợ Hạnh phải phân minh. Một lòng một dạ ngày ngày trì giữ câu A-Di-Đà Phật. Quyết lòng! Người nào niệm năm ngàn thì ráng cố gắng lên bảy ngàn, tám ngàn câu A-Di-Đà Phật một ngày. Đã được tám ngàn rồi thì tại sao không tăng lên chín ngàn?… Tăng lên mười ngàn? Ngài Ấn-Quang Đại Sư đưa ra cái mẫu mực năm chục ngàn là tại vì Ngài thấy cái ách nạn của thế giới lớn quá đi! Ngài đã quỳ xuống lạy chúng sanh niệm Phật để mà tiêu tai giải nạn, để mà chính mình được thoát nạn.

Xin chư vị quyết lòng niệm Phật nhất định đi về Tây Phương thành đạo Vô Thượng cứu độ chúng sanh…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Vì Sao Niệm Phật 10 Niệm Có Thể Diệt Tội Nhiều Kiếp?

Vì Sao Niệm Phật 10 Niệm Có Thể Diệt Tội Nhiều Kiếp?Hỏi: Tạo tội chướng đã nhiều vì sao niệm Phật 10 niệm có thể diệt tội nhiều kiếp được?

Đáp: 10 câu hiệu Phật nhất định trừ diệt được các tội trong nhiều kiếp. Vì sao được biết? Xin đem vài thí dụ để giải thích. Có người chứa củi một ngàn ngày, chỉ cần châm một mồi lửa nhỏ thì đống củi ngàn ngày bị cháy trong nửa ngày là tiêu sạch. Tội nghiệp phiền não cũng như đống củi, niệm Phật cũng như mồi lửa, tội chướng từ vô lượng kiếp đến nay do một công đức câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà tất cả tội chướng đều tiêu diệt. Tội chướng cũng như ngôi nhà tối, niệm Phật cũng như đèn sáng. Nhà tối ngàn năm, đèn sáng vừa chiếu đến các bóng tối liền trừ, công đức niệm Phật lại cũng như thế. Tội chướng từ vô lượng kiếp đến nay do công đức niệm Phật A Di Đà mà tất cả tội chướng đều tiêu diệt. Nên biết niệm Phật nhất định trừ diệt được các tội trong nhiều kiếp. Quán Kinh nói: “Ông xưng danh hiệu Phật nên các tội tiêu diệt, ta nay đến rước ông.” Niệm Phật mười tiếng công đức còn vô biên, huống chi có người một ngày niệm được mười muôn danh hiệu Phật A Di Đà, hoặc 1 ngày niệm được 20 muôn câu A Di Đà Phật. Công Đức 1 ngày niệm Phật còn vô biên huống là 2 ngày đến 7 ngày công đức vô cùng.

Kinh A Di Đà nói: “Khi sắp lâm chung, mau thì 1 ngày chậm thì 7 ngày niệm Phật liền được vãng sanh Tịnh Độ. Lại nói: “Chúng sanh sanh về cõi ấy đều ở vị Bất thối.” Địa vị bất thối là hàng Bồ tát Bát địa, đây là pháp vãng sanh của Thượng Phẩm Thượng Sanh. Vì sao được biết? Ví như ở thế gian người mua nhà cửa, người có nhiều tiền thì mua ngôi nhà đẹp, nếu tiền của ít thì mua ngôi nhà xấu. Niệm Phật công đức rất nhiều nên sanh về Tịnh độ dự vào Thượng Phẩm, niệm Phật ít thì sanh về Hạ Phẩm. Đức Như Lai nói các công đức lành của 8 muôn 4 ngàn pháp môn chỉ có pháp môn niệm Phật là pháp tối thượng. Đức Như Lai tuy nói các công đức lành duy có Pháp môn niệm Phật là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nếu đem các tạp thiện mà so với niệm Phật thì ít căn lành, ít phước đức, pháp môn Niệm Phật thật chẳng phải của các môn khác có thể sánh kịp.

Lại nữa, pháp môn Niệm Phật y theo Kinh nói thì rất khó gặp. Vì sao được biết? Kinh Đại A Di Đà nói: “Thuở quá khứ có một quốc vương, phát khởi lòng tin nghĩ sẽ thực hành yếu pháp Niệm Phật liền đến gặp thiện tri thức, quyết chí cầu pháp Niệm Phật. Lúc bấy giờ thiện tri thức mới đáp rằng: Này đại vương chỗ cốt yếu của pháp Niệm Phật này, lý rốt ráo thật khó nghe. Nhà vua quyết tâm học pháp Niệm Phật nên đáp: Thưa Đại sư, xin Ngài vui lòng vì tôi mà nói pháp yếu Niệm Phật, tôi sẽ trọn đời cúng dường để ngài sai xử. Khi đó Thiện tri thức đáp: Này đại vương! Nếu ngài muốn biết pháp yếu Niệm Phật trước phải bỏ ngôi vua, ở đây phục vụ cung cấp cho ta không thối chuyển, ta sẽ vì vua mà nói pháp yếu Niệm Phật. Lúc ấy nhà vua bỏ ngôi vua theo hầu thiện tri thức cung cấp những điều cần dùng, không nề khổ cực, không sanh lòng thối chuyển. Nhà vua nghe dạy về pháp Niệm Phật Tam Muội, vua chuyên tu pháp này, sau đó gặp 2 muôn 8 ngàn Chư Phật đều vì nhà vua mà nói Niệm Phật Tam Muội. Nhà vua nghe được pháp Niệm Phật nên được thành Phật.” Huống chi ngày nay được nghe và chí thành tin niệm, đâu thể không được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Ức ức chúng sanh bị chìm đắm trong đường ác, chẳng được thành Phật, chỉ vì không gặp được pháp môn Niệm Phật. Nên biết pháp môn Niệm Phật thật khó gặp.
 
Trích Niệm Phật Kính
Tuyển tập: Đại Sư Đạo Cảnh và Đại Sư Thiện Đạo

Niệm Phật Cầu Nhất Tâm Bất Loạn Sẽ Bị Trở Ngại

Niệm Phật Cầu Nhất Tâm Bất Loạn Sẽ Bị Trở NgạiKhi đưa ra một chương trình tu tập để “Nhất tâm bất loạn” thì đối với những người căn cơ cao, chư đại Bồ-Tát là chuyện bình thường không có gì lo sợ, nhưng mà lo sợ cho những người căn tánh hạ liệt, nghiệp chướng sâu nặng. Người căn cơ cao, tâm đã định, thì “Nhất tâm bất loạn” đối với họ là chuyện đương nhiên. Còn những người căn tánh hạ liệt mà nói về “Nhất tâm bất loạn” thì gọi là không “Khế cơ”, có thể đưa đến chỗ chướng ngại! Chính vì vậy, những chương trình “Nhất tâm bất loạn”, ít khi người ta phổ biến rộng rãi, mà thường thường chỉ phổ biến nội bộ, nội bộ trong những người căn cơ cao, vì khi đã “Nhất tâm bất loạn” thì chỉ nhìn là họ đã biết rồi. đọc tiếp ➝

Niệm Phật Cầu Bình An Thịnh Vượng Là Không Hợp Bản Ý Của Phật

Niệm Phật Cầu Bình An Thịnh Vượng Là Không Hợp Bản Ý Của PhậtỞ các xứ thuộc Bắc Phương Phật Giáo, người niệm danh hiệu Phật A Di Đà chiếm phần tối đa. Riêng tại Việt Nam, trong hàng tăng, tín chẳng những có nhiều người tu theo pháp môn Niệm Phật, mà một vài giáo phái tuy không phải đạo Phật, nhưng họ cũng niệm hồng danh đức giáo chủ ở Tây Phương. Song xét ra, số người niệm Phật tuy nhiều mà kẻ không rõ mục đích của sự trì niệm cũng chẳng ít. Vì vậy sự niệm Phật của họ không hợp với bản ý của đức Thế Tôn. Thử kiểm điểm lại, ta sẽ thấy:

* Có những vị đi chùa thấy người niệm Phật cũng bắt chước niệm theo, hoàn toàn không chủ định. Hành động này tuy cũng gieo căn lành phước đức về sau, nhưng không hợp với bản ý của Phật.

* Có những vị niệm Phật nguyện cho tiêu tai khỏi nạn, cầu gia đình khỏe mạnh bình yên, việc sinh hoạt càng ngày thêm thạnh vượng. Nguyện cầu như thế cũng tốt, nhưng không hợp với bản ý của Phật.

* Có những vị đời sống gặp nhiều cảnh không vừa ý, sanh nổi u buồn phẩn chí, niệm Phật cầu cho mình hiện tại và kiếp sau không còn gặp cảnh ấy nữa, sẽ được xinh đẹp vinh hoa, mọi việc đều thuận lợi như ý. Cầu như thế cố nhiên vẫn tốt, nhưng không hợp với bản ý của Phật.

* Có những vị cảm thấy cuộc sống trần gian không điều chi hứng thú, dù cho sang giàu quyền thế cũng còn nhiều lo lắng khổ tâm. Họ hy vọng dùng công đức niệm Phật để kiếp sau được sanh lên cõi trời, sống lâu nhàn vui tự tại. Cầu như thế cũng là điều tốt, nhưng không hợp với bản ý của Phật.

* Lại có những vị, nghĩ mình tội chướng đã nhiều, trong một kiếp này dễ gì giải thoát, nên niệm Phật cầu cho kiếp sau chuyển nữ thành nam, xuất gia tu hành, làm bậc cao tăng ngộ đạo. Cầu như thế có thể gọi là xuất cách, nhưng còn thiếu trí huệ và đức tin, cũng không hợp với bản ý của Phật.

* Vậy niệm Phật thế nào mới hợp với bản ý của Phật?

– Đức Thế Tôn thấy rõ pháp hữu vi đều vô thường, tất cả chúng sanh vẫn sẵn đủ đức tướng trí huệ của Như Lai, nhưng do bởi mê bản tâm nên tạo ra nghiệp hoặc, mãi chịu sống chết luân hồi. Dù cho được sanh lên cõi trời, khi hưởng hết phước rồi, cũng bị sa đọa. Vì thế, bản ý của đức Thế Tôn muốn cho chúng sanh do nơi pháp môn Niệm Phật sớm thoát khỏi khổ sanh tử luân hồi.

Chư Phật trong nhiều a tăng kỳ kiếp đã từng huân tu phước huệ, nếu kẻ nào xưng niệm hồng danh của Như Lai, sẽ được vô lượng vô biên công đức. Lại, đức A Di Đà Thế Tôn đã lập thệ: Nếu chúng sanh nào niệm danh hiệu của Ngài cầu về Cực Lạc, kẻ ấy khi mạng chung sẽ được tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương, chứng lên ngôi bất thối chuyển. Đem công đức vô lượng của sự niệm Phật, mong cầu những phước lợi nhỏ nhen ở cõi người, cõi trời mà không cầu vãng sanh giải thoát có khác chi trẻ thơ đem hạt châu ma ni vô giá đổi lấy viên kẹo để ăn? Như thế thật là phí uổng không xứng đáng chút nào! Lại nguyện lực của Phật rất lớn, người nào nghiệp chướng dù nặng mà chí tâm niệm Phật ngay một đời nầy cũng được tiếp dẫn vãng sanh. Cầu đời sau làm cao tăng ngộ đạo, là thiếu trí huệ và đức tin, làm sao bảo đảm bằng hiện đời sanh về Tây Phương, thành bậc Bồ Tát ở ngôi bất thối chuyển? Cho nên bản ý của đức Thế Tôn là muốn cho chúng sanh niệm Phật để thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, và sự giải thoát ấy lại có thể thật hiện ngay trong một kiếp.

Nhưng tại sao chúng ta cần phải thoát vòng sống chết luân hồi?

– Đó là vì ở trong nẻo luân hồi chúng ta xác thật đã chịu nhiều nỗi thống khổ lớn lao. Nếu người học Phật mà không để tâm như thật quán sát nỗi thống khổ ấy, thì dù học Phật cũng không được kết quả tốt, bởi không có tâm lo sợ cầu thoát ly. Kinh nói: “Nếu tâm lo sợ khó sanh, tất lòng thành khó phát.” Đức Thế Tôn khi xưa thuyết pháp Tứ Diệu Đế cho năm người nhóm ông Kiều Trần Như, trước tiên đã nói về Khổ Đế, vẫn không ngoài ý này. Vậy chúng ta thử y theo thuyết Khổ Đế của đức Phật đã chỉ dạy, mà quán sát nỗi thống khổ của kiếp người. Như thế ta sẽ có được một quan niệm rõ hơn: “Tại sao mình lại cần phải mau thoát vòng luân hồi sanh tử?”

Trích Niệm Phật Thập Yếu
Cố HT Thích Thiền Tâm