Không Có Tín Tâm Thì Thiện Căn Không Phát Khởi Được

Không Có Tín Tâm Thì Thiện Căn Không Phát Khởi ĐượcNiềm Tin vô cùng quan trọng! Thế gian pháp làm một việc gì muốn thành công phải có lòng tin vững vàng. Phật pháp lại càng chú trọng về niềm tin. Pháp môn Niệm Phật lấy chữ “Tín Tâm” làm khởi đầu cho tất cả.

Hồi sáng này mình nói lòng tin tạo ra công đức, nhờ công đức tăng thêm thiện căn, rồi thiện căn nó làm cho niềm tin vững hơn, vì niềm tin vững hơn nên công đức của mình lại tăng lên nữa, từng nấc từng nấc đưa đến chỗ thành tựu. Những lời này là để củng cố niềm tin cho nhau. Xin chư vị vững lòng tin tưởng. Những người nào niệm Phật mà chưa phát khởi niềm tin, mau mau phát khởi niềm tin, nếu không thì công cuộc tu hành của chúng ta coi chừng trở thành như: “Dã tràng se cát biển đông!”.

Hôm nay chúng ta tiếp tục nói về “Niềm Tin”. Niềm tin có sự đối trị của nó. Trong kinh Phật nói:

– Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn.
– Tín năng siêu suất chúng ma lộ.
– Tín năng thành tựu Bồ-đề đạo.

Ba điểm này quan trọng vô cùng.

– Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn. Người không có thiện căn phước đức thì nhờ tín tâm mà được trưởng dưỡng lên. Khi phước đức của mình được trưởng dưỡng lên, thì vô tình nghiệp chướng của mình nó lại lu mờ xuống. Như vậy trưởng dưỡng thiện căn đối trị với nghiệp chướng.

– Tín năng siêu suất chúng ma lộ. Cái niềm tin vững vàng nó giúp mình vượt qua tất cả những “Nghiệp Ma”. Nhờ sự đối trị này mà nghiệp chướng bị kiềm chế, ma nghiệp cũng bị kiềm chế, khiến ta “Thành tựu Bồ-đề đạo”. Hay lắm! Điều này hay lắm quý vị ơi!

Chướng ngại chúng ta có ba dạng:

– Một là Nghiệp Chướng.
– Hai là Phiền Não Chướng.
– Ba là Báo Chướng.

“Nghiệp Chướng” được câu “Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn” đối trị. Nghiệp chướng chúng ta có kèm theo cái gọi là “Oán Thân Trái Chủ Chướng”, là những thứ oán thù và nợ nần chúng ta đã tạo ra trong quá khứ, nó đã thành hình rồi.

Còn “Ma Chướng”? Ma chướng chính là “Phiền Não Chướng”, chứ không phải là “Ma này” “Ma nọ”, thè lưỡi, nhe nanh! Không phải. Ma chướng chính là phiền não chướng. “Phiền não chướng” là Tham-Sân-Si-Mạn-Nghi-Ác Kiến. Sáu thứ này là ma chướng. Tu hành:

– Khởi một niệm nghi là Ma chướng.
– Khởi một tâm sân giận lên, địa ngục nhập vào: Ma chướng!
– Khởi lên một tâm tham lam, ngạ quỷ nhập vào: Ma chướng!

Dễ sợ!… Khi phân tích cho rõ ra mới thấy tại sao có nhiều người tu hành rất lâu mà sau cùng không được thành tựu? Là vì không biết rõ chỗ này. Bây giờ mình đi từng bước từng bước thì sẽ thấy rõ hơn.

– Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn. Cái nghiệp của mình trong quá khứ đã làm rồi, xin thưa không cách nào có thể làm cho nó tiêu được. Cũng giống như chúng ta thường hay nói, ví dụ trong một cái hũ này có chứa hạt đậu đen và hạt đậu trắng. Nghiệp chướng ví như hạt đậu đen, phước báu ví như hạt đậu trắng. Tức là trong cuộc đời chúng ta từ vô lượng kiếp tới bây giờ, cũng có lúc làm thiện, cũng có lúc làm ác. Làm ác tạo ra nghiệp ác: Hạt đậu đen. Làm thiện tạo ra nghiệp thiện: Hạt đậu trắng. Trắng – Đen trộn lẫn với nhau. Giả sử như ban đầu Đen – Trắng bằng nhau: Màu xám xám. Bây giờ chúng ta biết trưởng dưỡng những thiện căn phước đức của mình lên, làm lành cho nhiều đi. Ngày nào cũng bỏ hạt đậu trắng vào, thì đến một lúc nào đó mình nhìn cái hũ, hũ lớn lắm nghen, chứ không nhỏ đâu, mình thấy hình như nó trắng non à. Mình hốt lên một nắm thấy toàn là hạt đậu trắng không. Đây chính là điều mà chúng ta nói đó!…

Đừng bao giờ duyên tới những nghiệp ác. Đừng bao giờ khởi lên những chuyện ác. Để cho cái nghiệp ác của mình nó nằm im đó. Nghiệp ác mới thì mình không tạo ra, và cái tâm thiện lành của mình cứ bỏ mãi những hạt đậu trắng vào, thì đến một lúc nào đó lượm lên ta thấy toàn hạt đậu trắng không thôi. Hạt đậu đen còn hay mất?… Còn nguyên vẹn trong đó, không mất.

Trong lúc mình bỏ hạt đậu trắng nhiều như vậy, nhưng đến cuối cùng mình lại không lượm hạt đậu trắng, mà cứ muốn moi dưới đáy tìm cho được hạt đậu đen, thì mình hưởng cái quả của hạt đậu đen đó, nghĩa là bị đọa lạc! Trong khi đó, hạt đậu trắng còn không? Còn nguyên vẹn.

Chừng nào mới hưởng hạt đậu trắng? Khi nào mình hưởng hết cái quả của hạt đậu đen, nghĩa là trả hết tất cả những nghiệp ác rồi mới hưởng được hạt đậu trắng đó. Nguy hiểm là chỗ này!

Tại sao lại phải bị hạt đậu đen? Tại vì phiền não chướng. Như chúng ta niệm Phật mà lòng tin không khởi được, không phát được. Niềm tin không khởi phát thì thường thường là phiền não chướng đang nổi lên. Ví dụ vô trong đạo tràng, tất cả mọi người đều trang nghiêm. Họ trang nghiêm vì họ tin tưởng, họ thành kính. Mình không trang nghiêm chứng tỏ là mình không tin tưởng, không thành kính! Thành kính thì trong lúc tu người ta tạo phước đức. Không thành kính thì cũng gọi là tu hành nhưng mình tạo nghiệp. Rõ rệt!…

Chính vì vậy, xin nhắc đi nhắc lại rất nhiều về chuyện này, ta thường đưa ra nhiều dạng người tu hành bốn-năm chục năm mà sau cùng thất bại. Một trong những lý do, là vì sơ ý chỗ này.

Hôm trước ta có đưa ra một ví dụ, như một người giàu có mà thích đi casino, (tức là cờ bạc). Biết tu tức là biết tạo phước, mà thích đi casino nên làm có tiền xong thì đi casino liền. Đốt hết! Mình tu thì tạo ra phước. Tạo ra phước mà không kiềm chế được phiền não của mình, nổi lên cơn sân giận thì tiêu hết! Tiêu hết rồi thì tu nữa, (tại vì biết tu mà). Tu thì có phước nữa, có phước nữa nhưng giận một cơn nữa thì đốt hết nữa! Nhiều người tu bảy-tám chục năm mà còn giận hờn, đố kỵ, ganh tỵ… thì phước tiêu hết, đức tiêu hết, có thể thua một người mới tu được có một tuần hai tuần mà cuộc đời của họ hiền lành. Cho nên “Tín năng siêu suất chúng ma lộ” là ở chỗ này.

Ví dụ cụ thể hơn, như hôm thứ bảy vừa rồi mình đi hộ niệm, một cụ già trên 80 tuổi, mình tới khuyên niệm Phật, nếu mà vị đó phát khởi tín tâm liền, không chần chừ nữa… Không cần biết là vị đó hồi trước có tu không? Không cần biết. Nhưng một ngày trước khi ra đi mà phát khởi niềm tin vững vàng…

– Bác ơi! Chắp tay lại niệm Phật nhé.

Bác chắp tay liền lập tức.

– Niệm A-Di-Đà Phật cầu về Tây Phương, quyết định nghe bác.
– Dạ, tôi quyết định. Cậu ơi! Hồi giờ tôi làm sai quá, thì bây giờ làm sao?
– Không sao đâu. Vững vàng đi. Phật cho phép đới nghiệp.

Tin liền lập tức, không chần chờ nữa. Nếu hai-ba ngày sau cụ chết. Trong hai ba ngày đó cụ đã niệm câu A-Di-Đà Phật rồi. Khi thấy mệt mệt, kêu chúng tôi tới hộ niệm… thì có thể cũng có hy vọng… Có nhiều người được hộ niệm từ sáng cho đến chiều mà được vãng sanh. Quý vị thấy rõ ràng không? Còn chần chừ? Còn cứ muốn hẹn nay, hẹn mai? Hậu quả sẽ khác hẳn liền! Tại sao vậy? Niềm tin không có. Còn như người đó tự nhiên phát khởi niềm tin liền lập tức thì khác. Hồi giờ không tin tại vì không ai hướng dẫn, chưa có duyên. Nay gặp duyên có người hướng dẫn thì tin liền…

“Tin liền” và “Chần chừ”, hai cái giá trị này hoàn toàn khác nhau! Khác một trời một vực. Tin liền, tức là niềm tin khởi lên mạnh mẽ: “Tín năng siêu suất chúng ma lộ”. Tất cả những giận hờn, những ganh tỵ, những câu mâu, những luyến ái, tham, sân, si, mạn, nghi… tự nhiên buông hết. Ngay từ đó niệm câu A-Di-Đà Phật mà siêu suất chúng ma lộ!…

“Ma” nó dẫn mình duyên tới những cái “Nghiệp Chướng” trong quá khứ, nó dẫn mình duyên tới những cái “Oán Thân Trái Chủ Chướng”. Chính nghiệp chướng và oán thân trái chủ chướng này tạo cho mình cái “Báo Chướng”. Báo chướng này đưa mình đi xuống ba đường ác. Nếu cái “Ma Chướng” này bị ngăn đi, cắt đi, tức là tất cả những cái duyên của nghiệp chướng, oan gia trái chủ chướng bị cắt, thì những nghiệp chướng này không trở thành quả báo. Oan gia trái chủ thông cảm không hãm hại mình. Mình niệm Phật hưởng cái quả báo vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Đơn giản như vậy.

Chính vì vậy mà có những người hồi giờ không biết tu gì cả, nghe nói hộ niệm vãng sanh, mừng quá, chạy tới kêu. Dù người ta chưa bao giờ bước tới đạo tràng này, nhưng chỉ cần mình tới nói chuyện, họ phát khởi niềm tin, nhiều khi họ đi ngon lành hơn mình, đừng nên khinh thường. Còn như chúng ta ở đây tu, ngày ngày chúng ta cũng nói hộ niệm, ngày ngày chúng ta nói về Tây Phương, củng cố niềm tin cho nhau để đi về Tây Phương, nhưng chúng ta lại tu tà tà! Vì sao lại tu tà tà? Hổm nay tôi nói rất nhiều rồi, có thể vì oan gia trái chủ đã xúi để hại ta! Tu tà tà thì thiện căn phước đức của chúng ta trong quá khứ không khởi lên được. Tại sao vậy? Tại vì niềm tin của chúng ta tà tà. Niềm tin tà tà thì “Tín Năng” không có thể nào “Siêu suất chúng ma lộ” được. Tín này không thể nào trưởng dưỡng chư thiện căn được. Không có niềm tin nhất định không thể thành tựu đạo Bồ-đề.

Bồ-đề Đạo đối trị với Báo Chướng. Thành Bồ-đề đạo tức là thành Phật. Lên Tây Phương thì báo chướng cũng chịu thua, không cách nào báo hại mình được nữa, mà lúc đó là mình đi trên cái báo chướng đó, mình đi trên cái nghiệp chướng đó, mình dùng thần thông đạo lực đi cứu độ chúng sanh, vì chúng sanh mà chịu khổ. Chư Phật hạ sanh xuống cõi trần là thị hiện vì chúng sanh các Ngài chịu khổ, chứ không phải xuống đây các Ngài chịu nhân quả đâu à! Các Ngài đi trên nhân quả rồi, đã trở về chơn tâm tự tánh không còn cái đó nữa, thì ta cũng tập theo các Ngài về Tây Phương để thành đạo Vô-Thượng, chúng ta đi trên cái mức đó, đi cứu độ chúng sanh. Ở từ đâu? Bắt nguồn từ niềm tin này.

Cho nên ngũ căn, ngũ lực bắt đầu từ chữ “Tín” mà đi hết. Đi về Tây Phương cũng bắt đầu chữ “Tín”. Nếu không tin, ví dụ như bà cụ nói chuyện leo lẻo đó, mình nghĩ rằng ít ra cũng một năm nữa chưa chắc gì đã đi. Thế mà mình chưa kịp tới lần thứ hai thì bà cụ đã đi rồi. Quý vị thấy không? Đây là nghiệp chướng đã tràn lên rồi, bao phủ rồi, oan gia trái chủ đã tràn lên rồi. Tại sao như vậy? Tại vì không có tín tâm, không có tín tâm nên không khởi phát được thiện căn phước đức, nên không vượt qua được ma chướng. Xin nhắc lại, Ma Chướng chính là Phiền-Não Chướng!

Như vậy, thì nếu còn giận, xin chư vị đừng giận nữa, tức là chúng ta bỏ được ma giận: “Ma Địa Ngục”. Chúng ta tham lam, tham tiền, tham bạc, tham vàng… tham đồ gì đó, tham luyến gì đó, toàn bộ là ngạ quỷ chướng hết trơn. Một niệm tham nổi lên, ngạ quỷ nhập vào. Quỷ nhập thân này, không phải là do quỷ nào cả, mà chính là tâm tham chúng ta khởi ra. Thực sự là như vậy!

Ta hiểu được như vậy rồi, thì tất cả đều do chính cái tâm ta tạo ra hết. Hôm trước tôi gặp ở trên Internet có một người email hỏi tôi:

– Bây giờ từ sáng tôi tu năm tiếng đồng hồ, chiều tôi tu hai tiếng đồng hồ, một ngày tôi tu bảy tiếng đồng hồ như vậy, tôi quyết tâm cho được thành tựu. Nhưng tại sao bây giờ tôi bị trở ngại như vầy… như vầy… nhiều quá! Vậy thì làm sao đây?

Tôi trả lời liền lập tức:

– Tại vì chị tu không có người hướng dẫn. Chị thấy rằng mình ngon quá nên muốn đóng cửa tự tu một mình, không chịu kết hợp với đồng tu. Khi tới một đạo tràng, chị thấy người ta tu dở hơn chị, nên chị về nhà tự tu một mình. Chị tu một mình nên bây giờ mới bị như vậy. Phải không?

Tôi nói tiếp:

– Mau mau ngưng ngay lập tức, mỗi lần gặp như vậy thì ra rửa mặt đi, rồi kêu năm-bảy người tới tu chung với nhau. Nếu không có người thì tới một đạo tràng nào đó mà tu với người ta. Kêu nhiều người tới kể hết tất cả những chuyện này cho họ nghe, kể hai-ba người nghe thì tự nhiên chị hết chướng nạn…

Thực sự tại vì người ta không hiểu được đạo lý duy tâm, nên mới bị ma chướng! Ma chướng chính là cái tâm phiền não của mình. Biết được vậy rồi, thì người nào có nghi phải buông mối nghi liền lập tức. Người nào thấy chưa tin, phải tin liền lập tức.

– Ma chướng chính là giải đãi.
– Ma chướng chính là lười biếng,
– Ma chướng chính là cạnh tranh ganh tỵ,
– Ma chướng chính là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến…
– Ma chướng chính là những thứ đó.

Tất cả những thứ đó là ma chướng, nó mở cửa ra cho “Ngoại Ma” nhập vào khiến mình bị nạn.

Chính vì vậy, họa cũng do mình, phước cũng do mình, gọi là: “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu”. Họa phước không có một hình tướng nhất định, không có một thực thể nào hết. Chính mình chiêu cảm nó đến, chính mình mời nó đến.

Có người đi tu được pháp hỷ sung mãn, đó là điều thành tựu. Từ từ tiến lên. Có những người đi tu, thì càng tu càng bị phiền não, tại vì không chịu buông ma chướng ra. Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến bỏ chưa được! Bỏ được thì chúng ta thành tựu. Nhớ những điểm căn bản này để chúng ta niệm một câu A-Di-Đà Phật với lòng tin tưởng sắc son vững vàng, chúng ta đi về Tây Phương thành đạo Vô-Thượng. Hay hơn là xuống dưới tam ác đạo để chịu khổ vạn kiếp, rồi chờ đức Di-Lặc Tôn Phật xuống cứu. Làm sao Ngài cứu được? Ngài Di-Lặc Bồ-Tát gần 600 triệu năm nữa mới xuống đây thị hiện thành Phật nghen chư vị, không phải dễ đâu. Trong khoảng thời gian đó chưa chắc gì ta được làm người để có dịp nghe pháp âm của Di-Lặc Tôn Phật đâu à!…

Khổ như vậy nên ráng mà lo lấy để đi về Tây Phương, trong một đời này gặp A-Di-Đà Phật thành tựu đạo quả. Ta sẽ theo ngài Di-Lặc Tôn Phật xuống đây cứu độ chúng sanh, hay hơn là nằm chỗ nào đó để chờ Ngài cứu độ!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Chỉ Cần Giữ Kỹ Một Câu “A Di Đà Phật” Là Thành Công

Chỉ Cần Giữ Kỹ Một Câu A Di Đà Phật Là Thành CôngNgài Liên Tông Ngũ Tổ, Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư dạy: “Trong kinh nói quả vị của chín phẩm không ngoài hai tâm: định tâmchuyên tâm. Người tu theo định tâm thực hành theo định quán trong 16 phép quán sẽ được thượng phẩm thượng sinh. Người tu chuyên tâm chỉ niệm danh hiệu Phật. Các thiện đồng về, hồi hướng phát nguyện được vào hạ phẩm. Người niệm Phật phải một đời nương về đức Phật, chuyên tu hết lòng. Nằm hay ngồi mặt phải thường hướng về phương Tây. Khi đi, đứng, kính lễ hoặc niệm Phật phát nguyện, phải khẩn thiết chí thành, không có niệm khác như đến hình ngục đề lao, hoặc oan gia theo đuổi, nước lửa ép ngặt. Nên hết lòng cầu cứu, mong được thoát vòng nguy khổ, mong mau chứng được vô sinh, rộng độ các loài, làm hưng thạnh Tam bảo, thề trả bốn ơn. Chí thành được như thế chắc chắn sẽ được vãng sinh, khỏi uổng phí một đời. Như có người hoặc nói thực hành mà không làm, sức tin rất ít, mỗi niệm không nối tiếp nhau, ý thường bị gián đoạn. Giải đãi như thế, khi lâm chung mong được vãng sinh, chỉ e nghiệp chướng ngăn che, sợ khó gặp bậc thiện tri thức, bị gió lửa (trong thân) bức bách, chánh niệm khó thành. Vì sao? Vì hiện đời là nhân, lâm chung là quả. Nên biết rằng, hạt giống chắc, quả sẽ tốt. Tiếng hòa thời vang thuận, hình thẳng thì bóng ngay”.

Đại sư Ưu Đàm dạy: “Người chơn chánh tu hành cốt yếu phải cầu sinh về thế giới Cực lạc, phải chuyên ý vào một niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Một niệm là bổn sư, một niệm là hóa Phật. Một niệm có khả năng phá tan sự kiên cố của địa ngục, một niệm là kiếm báu chém hết các tà. Một niệm là đèn sáng chiếu vào đêm tối, một niệm là thuyền lớn qua biển mê. Một niệm là liều thuốc hay trị lành bệnh sinh tử, một niệm là con đường tắt ra khỏi ba cõi. Một niệm là bản tánh Di Đà, một niệm là duy tâm Tịnh độ. Muốn được một niệm này, chỉ cần giữ câu Nam Mô A Di Đà Phật ở một chỗ đừng cho thất lạc, mỗi niệm thường hiện tiền, mỗi niệm không lìa tâm. Rảnh cũng niệm như thế, bận rộn cũng niệm như thế. An vui cũng niệm như thế, bệnh cũng niệm như thế. Sống cũng niệm như thế, chết cũng niệm như thế. Một niệm được rõ ràng không trại, không mờ, cần gì hỏi ai để tìm đường về!”.

Người tu Tịnh độ, cốt yếu phải thoát khỏi sinh tử. Đó là việc lớn, không phải nói rồi bỏ qua. Phải nhớ vô thường mau chóng, thời gian không hẹn cùng người, phải quyết tâm làm cho thành công. Nếu bán tín, bán nghi, nửa tiến, nửa lùi, rốt cuộc không làm được việc gì, làm sao thoát luân hồi sinh tử! Nếu lòng tin được chắc, mau phát lòng đại dõng mãnh, đại tinh tấn. Không cần thấy tánh hoặc đại triệt đại ngộ, chỉ cần giữ kỹ một câu Nam Mô A Di Đà Phật, không ai làm lay chuyển nổi. Chuyên lòng nhất chí hoặc tham niệm, quán niệm, nhớ niệm, mười niệm, hoặc mặc niệm, chuyên niệm, lễ niệm, hệ niệm. Mỗi niệm ở lòng thường nhớ thường niệm. Đứng niệm, đi niệm, ngồi niệm, tâm niệm không cho luống qua. Hiệu Phật không rời tâm, mỗi ngày mỗi giờ không cho xen hở. Niệm liên tục khít khao như gà ấp trứng cần hơi ấm đều đặn mới có thể nở con. Niệm được như thế mỗi niệm kế nhau, lại lấy trí huệ để quán chiếu, mới biết Tịnh độ ở trong tâm mình, đó là công phu tiến tu của bậc thượng trí. Như thế là giữ được tâm định, làm chủ được tâm mình. Lúc ấy, dù ở trong hoàn cảnh thuận nghịch hay khổ vui, trước mắt chỉ có một câu A Di Đà Phật, không còn một niệm nào khác thay đổi trong tâm, không còn tạp tưởng thụt lui, chắc được vãng sinh về thế giới Cực lạc. Nếu quyết dụng công như thế, tất cả nghiệp chướng sinh tử nhiều đời nhiều kiếp tự nhiên tiêu diệt, những tập khí trần lao tự nhiên hết sạch. Chính mình thấy Phật A Di Đà, không lìa bổn niệm. Công thành hạnh đủ, nguyện lực giúp nhau, đến khi lâm chung chắc sinh thượng phẩm.

Người đời nay quy y đầu Phật, phần nhiều hoặc vì bệnh khổ mà phát tâm, hoặc vì báo đáp ơn song thân mà niệm Phật, hoặc vì bảo vệ gia đình, sợ tội đọa địa ngục mà trì trai. Tuy họ có lòng tin nhưng không có ý nguyện thoát khỏi sinh tử, niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, do đó không phù hợp với kinh, với bản nguyện của chư Phật.

Người tu Tịnh độ cần phải một lòng cương quyết, tu theo pháp môn ra khỏi Tam giới, nguyện bỏ Ta bà, vãng sinh Tịnh độ, tha thiết như người khách lạ bơ vơ nơi xứ người muốn mau được về quê cũ. Người cầu sinh Tịnh độ nguyện lực phải mạnh mẽ mới mong tựu thành. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Người sắp đến giờ lâm chung các căn đều hư hoại, chỉ có sức nguyện kiên cố không bao giờ mất, ý nguyện sẽ dẫn dắt chúng ta, chỉ trong chốc lát đến nơi mình mong muốn”.

Ngài Ngẫu Ích đại sư nói: “Pháp môn niệm Phật thật không có gì đặc biệt, kỳ lạ. Chỉ cần tin sâu, nguyện thiết, niệm Phật liên tục. Rất tiếc đời nay, có một số người thấy phương pháp niệm Phật thực hành được dễ dàng, cho là thiển cận, để dành cho kẻ quê mùa. Chính vì thế, lòng tin của họ không sâu, việc làm không gắng sức. Suốt ngày rong ruổi, Tịnh nghiệp khó thành. Người niệm Phật chỉ quý ở lòng tin sâu, phát nguyện vãng sinh, luôn luôn hết lòng niệm Phật. Ngày đêm có thể mười muôn, năm muôn, ba muôn câu Nam Mô A Di Đà Phật. Cần phải lấy quyết định không bao giờ thiếu làm tiêu chuẩn, suốt đời không bao giờ đổi thay. Nếu làm được như thế, người đó quyết sẽ được vãng sinh. Nếu được vãng sinh, vĩnh viễn không bao giờ thối chuyển”.

Người niệm Phật không trụ tâm, buông bỏ thân và thế giới là đại bố thí. Niệm Phật không khởi tâm sân si là đại trì giới. Niệm Phật lòng không còn tính thị phi, nhân ngã, là đại nhẫn nhục. Niệm Phật thuần nhất tâm không gián đoạn là đại tinh tấn. Niệm Phật không theo đuổi vọng tưởng là đại thiền định. Niệm Phật có tâm tịch chiếu, không bị mê hoặc lôi cuốn là đại trí tuệ. Cốt yếu là một lòng không loạn động chứ không có gì lạ cả.

Ban đầu, khi niệm Phật cần phải lần chuỗi, ghi được rõ ràng, định rõ thời khóa, quyết định không thiếu. Lâu dần thuần thục, không niệm cũng thành. Tự niệm được như thế dù có ghi số hay không cũng được. Nếu mới phát tâm, lại muốn không chấp tướng, muốn được viên dung tự tại, đều do lòng tin không sâu, việc làm không gắng hết sức, đều là việc đứng bên bờ sinh tử, đến khi lâm chung không thế nào vãng sinh được.

Liên Trì đại sư dạy: “Hoặc có người hỏi, ngày nay người niệm Phật cũng nhiều, tại sao người thành Phật lại ít?”. “Vì có ba nguyên nhân:

01. Có người miệng tuy niệm Phật, nhưng trong lòng không làm điều thiện, nên không được vãng sinh. Dám mong mọi người đã niệm Phật, cần yếu phải y theo lời Phật dạy. Phải chứa đức tu phước, phải hiếu thuận với mẹ cha, trung với vua, anh em hòa thuận, vợ chồng cung kính. Cần phải chí thành tin thật, ngọt dịu nhẫn nại, công bình chính trực, phương tiện giúp người. Cần phải lấy lòng từ bi đối với tất cả, không sát hại sinh mạng, không làm nhục kẻ dưới, không khinh chê người kém hơn mình. Nếu người có lòng không tốt, dù có niệm Phật, chắc chắn niệm bị thối lui. Trái lại, người tích đức, tu phước, luôn làm việc lành, niệm Phật chắc được thành Phật.

02. Có người miệng tuy niệm Phật, trong lòng tạp nghĩ loạn tưởng, do đó không được vãng sinh. Dám mong mọi người khi niệm Phật, cần phải an định tâm vượn, ý ngựa. Niệm mỗi chữ được rõ ràng, mỗi tâm thường chiếu sáng như chính mình đối với Phật ở Tây phương không dám tán loạn. Nếu niệm Phật được như thế, chắc chắn sẽ được thành Phật.

03. Có người tuy miệng niệm Phật, trong lòng chỉ cầu sinh về chỗ giàu sang. Hoặc nghĩ ta là phàm phu không thể về Thánh địa được, chỉ mong khỏi mất thân người là tốt rồi. Những ý tưởng ấy hoàn toàn không phù hợp với tâm Phật, vì đức Phật chỉ hướng dẫn chúng ta vãng sinh Cực lạc, trái lại chúng ta từ chối không muốn sinh. Tâm mình trái với tâm Phật, vì thế không được vãng sinh. Dám mong tất cả mọi người, nếu niệm Phật phải quyết chí cầu sinh Cực lạc, không nên nghi ngại. Người ở cung trời giàu sang tột bậc, phúc hết còn bị đọa lạc, huống chi người giàu ở đời này có được bao lâu! Nếu sợ ta là phàm phu không được vãng sinh, song tất cả phải đều từ phàm phu mới tiến lên Thánh quả. Ai dám nói chúng ta không được vãng sinh? Vì thế, chúng ta cần phát tâm rộng lớn, lập chí kiên cố thệ nguyện vãng sinh, thấy Phật nghe pháp, chứng quả vô thượng, độ thoát tất cả chúng sinh. Niệm Phật như thế chắc sẽ được thành Phật.

Có câu: “Đường tuy khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông”. Sự quyết định là động cơ chính để tiến đến thành công, vì trên đường lý tưởng, không phải lúc nào cũng đầy hoa thơm cỏ lạ, mà thường lắm chông gai. Nếu chúng ta không quyết chí tiến lên, chắc sẽ bị rơi vào vực thẳm. Vì thế, chư Tổ thường khuyên chúng ta phải quyết chí đi theo con đường của ta đi, chậm hay mau thế nào cũng có ngày đến đích. Huống chi, đường về Cực lạc đã có đức Bổn sư chỉ dạy, chỉ cần chúng ta cố gắng một chút là có thể thành công, như Triệt Ngộ Thiền Sư dạy:

“Sáu chữ Di Đà phải khắc ghi
Đứng bờ vực thẳm gắng từng ly,
Cảnh trần như ngựa qua song cửa
Tịnh độ không còn lệ rớm mi”.

Trích Thư cho người em Tịnh Độ
Thích Hồng Nhơn

Thời Nay Có Nên Thiền – Tịnh Song Tu?

Thời Nay Có Nên Thiền - Tịnh Song Tu?“Thiền-Tịnh song tu”. Có tu Thiền, có tu Tịnh thì mạnh như con cọp thêm sừng. Nhiều người nghe như vậy mới cho rằng phải tu Thiền, phải tu Tịnh. Trong khi đó thì ngài Đại-Thế-Chí Bồ-Tát trong kinh Lăng-Nghiêm có nói: “Đóng hết sáu căn lại, thanh tịnh niệm Phật liên tục, không nhờ một phương tiện nào khác, tâm ta sẽ tự khai mở”. Ta thấy hình như giữa ngài Đại-Thế-Chí và ngài Vĩnh-Minh nói hơi ngược ngược với nhau! Một người thì nói không cần phương tiện nào hết, còn ngài Vĩnh-Minh thì hình như khuyên ta nên tu cả hai, vừa Thiền vừa Tịnh, tu như vậy thì giống như con cọp mà thêm cái sừng, tức là không có gì có thể địch lại!…

Vấn đề này, khi chúng ta đọc Đại Sư Ấn-Quang văn sao thì Ngài giải thích rất rõ. Đến khi nghe Hòa Thượng Tịnh-Không giải thích nữa thì mình thấy lại càng rõ hơn. Thật sự thì hai vị này giải thích rất thấm thía! Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói rằng, lời của ngài Vĩnh-Minh Đại Sư: Hữu Thiền, hữu Tịnh-độ, du như đới giác hổ, có ý nghĩa rằng, người tu Thiền là người có ý chí rất mạnh, có một trí huệ rất sắc bén mới tu được. Họ quyết lòng tự lực để thành đạo. Đây là những người thượng căn thượng cơ, chí khí rất lớn. Chí khí lớn thì ví như con cọp, nghĩa là rất mạnh! Đã mạnh như vậy mà niệm thêm một câu A-Di-Đà Phật nữa, thì đường tu của họ càng vững hơn, càng mạnh hơn nữa, giống như con cọp có thêm cái sừng. Con cọp đã mạnh mà thêm cái sừng nữa thì ai có thể chống lại nổi!

Ngài mới nói là, được như vậy thì đời này sẽ là Nhân Sư và đời sau sẽ làm Phật Tổ. Tương lai sẽ là Phật là Tổ. Ấn-Quang Đại Sư giải thích như vậy. Đến khi Hòa Thượng Tịnh-Không thì Ngài giải còn rõ hơn nữa. Ngài nói, Đại Sư Vĩnh-Minh nói như vậy là tại vì Ngài đang bị khó khăn! Trong thời nhà Tống, nhà Đường, pháp môn Thiền Định đang rất thịnh hành. Lúc đó người ta chê pháp môn niệm Phật là của bà già. Ngài Vĩnh-Minh thực sự là A-Di-Đà Phật tái lai, Ngài thị hiện trong thời đại đó. Ngài đóng một vai trò đi ăn cắp, ăn cắp kho của nhà vua để mua cá trạch phóng sanh. Sau cùng thì Ngài bị án tử hình. Nhưng trước bản án tử hình thì Ngài chỉ cười hè hè! Không sợ!.. Nhà vua mới hỏi tại sao nhà ngươi không sợ? Ngài nói:

– Ta chỉ có một cái mạng này mà cứu không biết bao nhiêu mạng chúng sanh, thì đâu có gì mà sợ. Cứ giết ta đi, ta về Tây Phương.

Thấy vậy nhà vua mới khoan hồng cho Ngài. Ngài xin xuất gia sau đó trở thành Quốc Sư.

Hòa Thượng Tịnh-Không nói, A-Di-Đà Phật sao lại không chịu tu pháp môn niệm Phật mà tu pháp môn Thiền, rồi sau cùng mới khuyên ta chuyển qua Tịnh-Độ? Là tại vì Ngài muốn làm gương cho tất cả mọi người…

– Ta là một vị Thầy của Hoàng Đế đây.
– Ta là người tu Thiền Định đây… Chứng đắc đây!… Nhưng ta vẫn khuyên các con phải niệm Phật.

Khi Ngài chuyển qua niệm Phật, thường thường các hàng đệ tử cứ theo hỏi:

– Sao Hòa Thượng tu thiền mà bây giờ Hòa Thượng lại niệm Phật?…

Bây giờ biết làm sao? Ngài mới nói:

– “Hữu Thiền” là ta đang tu thiền, mà còn “Hữu Tịnh-độ”, tức là có niệm Phật nữa, thì ta giống như con cọp mà thêm cái sừng. Đời này ta làm Thầy, là thầy của Quốc Vương, đến đời sau ta làm Phật.

Đây là ngài Tịnh-Không giảng đại ý như vậy. Rất hay!

Có nhiều người trong thời này căn cơ quá yếu, mà vội vã chụp lấy những lý đạo cao siêu, rồi bám theo hành trì, thì sẽ đưa đến tình trạng không có “Khế cơ”. Những chuyện hổm nay chúng ta nói rất nhiều. Căn cơ chúng ta thực sự không đủ khả năng tự mình vượt qua ách nạn sanh tử luân hồi. Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói: “Giả sử như Bồ-Đề Đạt-Ma Sư-Tổ mà có tái sinh trong thời này thì Ngài cũng phải dạy chúng sanh niệm Phật mà thôi. Tại vì căn cơ thời này không thể nào tự lực chứng đắc được”. Chính vì vậy mà các vị Tổ Sư luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải vững vàng tin tưởng vào câu A-Di-Đà Phật.

A-Di-Đà Phật phát một đại thệ “Mười niệm tất sanh”, nhất định đại thệ này Ngài giữ cho đến vô lượng vô biên kiếp về sau. Có nhiều người nói rằng, ba nghìn năm trước Phật dạy như vậy, nhưng bây giờ thời gian đã chuyển biến, thì mình cũng phải chuyển biến chớ? Đâu có thể nào giữ mãi một chỗ được? Nhiều người nghĩ như vậy, nên chủ trương rằng, trong thời này đã văn minh rồi, ta hãy tự lập ra những gì mới mẻ một chút để tu hành!…

Xin thưa rằng, thọ mạng của A-Di-Đà Phật đến vô lượng vô biên kiếp, và thọ mạng của mình khi về Tây Phương cũng vô lượng vô biên kiếp. Thời gian từ lúc Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật thị hiện xuống thế gian này, rồi tịch diệt cho tới ngày nay chưa tới ba ngàn năm. Chưa tới ba ngàn năm. Với thời gian này nếu một người xuống địa ngục mới thọ hình có một ngày rưỡi!… Lên trên các cảnh giới trời, ví dụ cảnh trời Hóa-Tự-Tại chẳng hạn, thì mới có đâu khoảng hai ngày rưỡi à!… Còn lời thề của Đức A-Di-Đà Phật cứu độ tất cả chúng sanh nó lưu truyền từ bây giờ cho đến mãi mãi mãi về sau…

Hòa-Thượng Tịnh-Không nói, cho đến khi nào mà những người có duyên với Ngài niệm được câu A-Di-Đà Phật, về cho được tới Tây Phương rồi, không còn một người nào lọt lại trong cảnh lục đạo luân hồi, thì lúc đó Ngài mới thị tịch. Mình hãy thử tưởng tượng đi, làm gì mà có chuyện hết được? Nhất định! Mình đem một con cá đi phóng sanh, mình niệm cho nó ít ra cũng hai ba chục tiếng A-Di-Đà Phật. Chủng tử A-Di-Đà Phật đã nhập vào A-Lại-Da Thức của nó rồi. Bây giờ thì nó không biết gì hết, nhưng vô lượng kiếp về sau nhất định cái chủng tử này sẽ hiện ra, và khi nào con cá đó đi về Tây Phương thành đạo rồi Ngài mới tịch. Vậy thì chúng ta yên chí đi, đừng bao giờ lo ngại nữa.

Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói:

– Nếu chư Phật trên mười phương bỏ câu A-Di-Đà Phật, thì chư Phật không cách nào cứu độ hết được tất cả chúng sanh.
– Nếu trong cửu pháp giới bỏ câu A-Di-Đà Phật, thì cũng không có cách nào vẹn toàn thành đạo Vô-Thượng được.

Cửu pháp giới chúng sanh là gì? Là lục đạo cộng thêm Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát nữa. Chúng ta chỉ mới là Nhân, là con người thôi. Xin quý vị phải tin tưởng vững vàng. Có vững vàng như vậy thì tự nhiên trong một đời này nhất định chúng ta được vãng sanh.

Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục mổ xẻ những vấn đề liên quan tới những điều cụ thể của người khi bệnh, để chúng ta vững tâm. Vì xin thưa thực, tất cả chúng ta ai cũng có nghiệp chướng rất nặng!…

– Chúng ta bệnh là do nghiệp.
– Chúng ta bị vào trong bệnh viện, bị mổ xẻ là do nghiệp.
– Chúng ta bị ung thư, tất cả đều là do nghiệp hết.
– Làm ăn thất bại, tất cả đều có nhân quả hết…

Khi biết được Nhân-Quả rồi, chúng ta phải vững vàng, yên chí đi. Vì Nhân-Quả nó trói buộc phải khổ như vậy, nên chúng ta phải tiếp tục trong cảnh sanh tử luân hồi không bao giờ thoát nạn được!

Ấy thế, từ trong cảnh vô cùng tăm tối như vậy, nay gặp được câu “A-Di-Đà Phật” cũng giống như ta gặp được ngọn đuốc. Nghiệp chướng là cảnh tối tăm từ vô lượng vô biên kiếp, giờ đây gặp một ngọn đuốc, đuốc “A-Di-Đà Phật”. Câu A-Di-Đà Phật là ngọn đuốc, khi thắp lên thì sáng trưng, tự nhiên bao nhiêu cái nghiệp của chúng ta tan biến hết trơn rồi. Nếu thực sự chúng ta muốn bỏ cái nghiệp đi, chúng ta muốn liệng cái nghiệp đi, thì nhất định từ đây chúng ta sẽ hết rồi, không còn nữa đâu. Ta chỉ xả bỏ báo thân một lần chót nữa, tức là cái nghiệp chúng ta nó làm cho chúng ta bị một đại nạn nữa, đó là đại nạn “Tử”, đại nạn bỏ báo thân này một lần nữa là xong…

Niềm tin vững vàng, niệm một câu A-Di-Đà Phật, tức là “Tịnh niệm tương kế”. đừng nên xen tạp… Được như vậy thì nhất định A-Di-Đà Phật sẽ đưa ta về Tây Phương. Về được Tây Phương thì lúc đó:

– Ta không còn là phàm phu vị nữa.
– Ta không còn là những người bình thường nữa.
– Ta là những vị Đại Bồ-Tát trên cõi Tây Phương.
– Ta sẽ dùng tất cả những thần thông đạo lực của chân tâm tự tánh này mà đi cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh, giúp cho họ thoát khỏi ách nạn của nghiệp chướng giống như ta đã từng thọ qua trong vô lượng kiếp.

Xin chư vị vững vàng tin tưởng như vậy để cho trong một đời này tất cả chúng ta đều được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Cả Đời Niệm Phật Nhưng Bệnh Gần Chết Thì Lại Không Thích Niệm Phật

Cả Đời Niệm Phật Nhưng Bệnh Gần Chết Thì Lại Không Thích Niệm PhậtHỏi: Kính bạch thầy, mẹ con là người chuyên tu theo pháp môn Tịnh độ niệm Phật. Con biết bà đã niệm Phật thường xuyên trên 20 năm, nhưng không hiểu tại sao trong lúc bà bị bệnh nặng nằm ở bệnh viện điều trị, con mở máy niệm Phật cho bà nghe, bà la rầy con, vì bà không thích nghe niệm Phật. Con không biết lý do tại sao, kính nhờ thầy giải đáp giùm. Cám ơn thầy.

Đáp: Vấn đề nầy, nó thuộc phạm vi tối hệ trọng trong lãnh vực chuyên sâu về lý nhân quả. Nếu Phật tử không hiểu rõ thì cũng dễ sanh nghi, đôi khi còn mất tín tâm nữa không chừng. Thật ra, sự niệm Phật lâu năm của cụ bà, đó là tích lũy nghiệp. Nghiệp niệm Phật nầy không bao giờ mất. Tuy nhiên, Phật tử nên hiểu rằng, nhân quả Phật nói, được đặt định trên chiều thời gian, phải xuyên suốt qua ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai. Cái nghiệp nhân mà cụ bà niệm Phật hiện nay, chắc chắn là bà sẽ được lợi ích ngay trong hiện tại và mai sau nữa.

Còn sở dĩ bà bị bệnh nặng mà bà có thái độ không chịu niệm Phật và cũng không thích nghe tiếng niệm Phật, theo tôi, có thể là có hai nguyên nhân: xa và gần. Nguyên nhân xa, đó là vì do cái nghiệp nhân mà bà đã gây tạo trong quá khứ. Nghiệp nhân nầy đến đây nó thuần thục, chín muồi nên bà phải trả cái quả báo. Có thể trong quá khứ, ở một kiếp xa xưa nào đó, bà không tin Phật pháp, khi có người bị bệnh nặng, người ta niệm Phật thì bà lại tìm cách cản ngăn không cho, nên nay bà phải chịu trả cái quả báo như thế. Đó là luận theo cái nhân xa xưa.

Còn nếu xét cái nhân trong hiện tại, biết đâu trong lúc bà bị bệnh nặng, cơ thể của bà bị hoành hành đau nhức gây ra tình trạng thật khó chịu, nên tâm thần bà đâm ra bấn loạn. Do đó, nên khi nghe tiếng niệm Phật bà cảm thấy thật khó chịu hơn. Vì vậy, mà bà không cho Phật tử mở máy niệm Phật. Vả lại, Phật tử cũng nên kiểm điểm lại thật kỹ, xem mình hay những người thân khác có làm điều gì trái ý nghịch lòng bà không? Có gây ra điều gì bà hờn giận không? Vì người bệnh nhất là đang trong lúc đau đớn khó chịu, rất dễ sanh tâm tự ái giận dỗi hờn mát lắm. Đây là một tâm lý rất thường tình của bệnh nhân mà Phật tử và những người thân nên lưu tâm cẩn thận. Có đôi khi Phật tử làm cho bà buồn giận mà Phật tử không hay biết. Trái lại, bà thì đã ôm ấp sự tức giận nầy chất chứa sâu trong lòng. Do đó, nên có thể bà ghét Phật tử mà bà không nói ra để làm theo ý muốn của Phật tử chăng!

Có thể hằng ngày lúc khỏe mạnh, bà chỉ biết niệm Phật ngoài miệng suông thôi, nhưng sự tu hành để sửa đổi tâm tánh, thì bà không mấy hiểu để thật hành đúng như lời Phật dạy. Có người niệm Phật cả đời, nhưng thật ra chỉ là miệng niệm mà tâm không có niệm. Do đó, nên gặp cảnh xúc duyên trái ý nghịch lòng, thì tam bành lục tặc vẫn nổi lên mạnh mẽ la ó mắng chửi om sòm. Vì tập khí sân hận của họ còn quá sâu nặng ngập tràn. Đó là vì không có học hỏi để biết cách chuyển hóa phiền não và pháp môn mình đang tu. Tình trạng nầy đa số Phật tử chúng ta đều mắc phải.

Thiết nghĩ, vấn đề nầy, Phật tử cũng nên theo dõi bệnh trạng và cá tánh của bà để tìm hiểu rõ hơn. Nếu như căn bệnh của bà không có gì hành hạ đau nhức khó chịu, mà bà lại sanh tâm không thích nghe tiếng niệm Phật như thế, thì có thể là bà bị trả cái quả báo trước kia mà bà đã gây ra.

Để Phật tử hiểu rõ hơn về lý nhân quả, từ khi gieo nhân cho đến khi kết quả, trong Duy Thức Học có chia làm ba loại:

1. Dị thời nhi thục.
2. Biến dị nhi thục.
3. Dị loại nhi thục.

1. Dị thời nhi thục, có nghĩa là từ khi gây nhân cho đến khi kết quả, phải khác thời gian mới chín ( thục ). Như một học sinh, khi mới bắt đầu vào trường học là nhân, đến khi đổ đạt thành tài là quả. Từ khi đi học cho đến khi đổ đạt lấy bằng tốt nghiệp cuối cùng như tiến sĩ chẳng hạn, phải trải qua mất thời gian rất lâu. Đó gọi là khác thời gian mới chín. Cũng thế, trường hợp của bà biết đâu do cái nhân cản ngăn kích bác người ta niệm Phật xa xưa, nay đến thời gian thuần thục chín muồi, nên bà phải trả cái quả báo đó.
2. Biến dị nhi thục, nghĩa là biến đổi khác đi rồi mới chín. Như trái xoài, lúc nhỏ thì màu xanh và chua, nhưng khi chín thì biến đổi màu vàng và ngọt.
3. Dị loại nhi thục, nghĩa là khác loài mới chín. Nghĩa là từ khi gây nhân cho đến khi kết quả phải trải qua thời gian biến đổi rồi mới chín. Như ta gieo hạt lúa cho đến khi thành bông lúa để gặt hái phải trải qua thời gian biến đổi. Từ lúc gieo mạ, rồi nhổ mạ ( không gọi là nhổ lúa ) đem cấy, thành bụi lúa ( không gọi là bụi mạ ) v.v… cho đến khi lúa chín rồi mới gặt. Phải trải qua thời gian biến đổi như thế mới kết thành quả.

Do đó, cho ta thấy, cái nhân mà bà đã cản ngăn không cho người ta niệm Phật trải qua thời gian lâu xa, nay đến lúc chín muồi, tất nhiên, là bà phải trả cái quả báo đó. Luật nhân quả không bao giờ sai chạy. Tại vì chúng ta chưa có hiểu rõ đó thôi. Nếu luận về cái quả hiện tại, thì cái cận tử nghiệp ( nghiệp gần chết ) của bà không mấy tốt. Chúng ta nên tìm mọi cách để thức nhắc cho bà để cho bà sớm hồi tâm chuyển ý. Để chuyển nghiệp nặng mà thành nghiệp nhẹ. Song có điều cái tích lũy nghiệp công phu tu hành niệm Phật trong hai mươi năm qua của bà chắc chắn sẽ không bao giờ mất. Nghiệp nhân nầy, nó sẽ kết thành quả báo mà bà sẽ thọ hưởng trong tương lai.

Tóm lại, lý nhân quả rất phức tạp, không phải đơn thuần như chúng ta tưởng. Vì từ khi gieo nhân cho đến khi kết quả, nó còn đòi hỏi các trợ duyên, tức những điều kiện phụ thuộc khác. Chính những điều kiện phụ thuộc nầy giúp cho cái chánh nhân được thành tựu tốt hay xấu. Nếu những điều kiện trợ giúp tốt, thì cái chánh nhân kia sẽ phát triển theo chiều hướng tốt. Ngược lại, thì cái chánh nhân sẽ không phát triển tốt được. Vì thế, Các điều kiện phụ thuộc nầy là những trợ duyên rất quan trọng. Trong nhà Phật có nêu ra nhiều loại trợ duyên. Vì phạm vi trả lời câu hỏi có hạn định, nên chúng tôi không tiện trình bày hết các loại trợ duyên nầy.

Một khi chúng ta đã hiểu được lý nhân quả phần nào rồi, thì chúng ta sẽ không có gì phải thắc mắc những việc xảy ra trong đời sống. Bởi tất cả đều do chúng ta định đoạt tạo lấy. Nhân tốt thì quả tốt, nếu chúng ta chịu khó quan tâm chăm sóc tốt. Nhân và quả như bóng theo hình, như vang theo tiếng. Tùy hình và tiếng như thế nào, thì bóng và âm vang sẽ đáp lại như thế đó. Luật nhân quả rất công bằng không thiên vị một ai. Do đó, chúng ta phải nên cẩn thận trong khi nói năng, hành động, hay suy nghĩ, tất cả đều có nhân và quả cả.

Hy vọng qua những điều trình bày đại khái trên, sẽ giúp cho Phật tử hiểu qua phần nào về hiện tượng không mấy tốt của bà hiện nay. Phật tử nên tìm đủ mọi cách để khuyên lơn an ủi nhắc nhở cho bà. Nếu thường ngày trong lúc còn mạnh khỏe bà hay tin tưởng nghe theo vị Tăng, Ni nào đó, thì Phật tử có thể thỉnh vị đó đến để khuyến nhắc khai thị cho bà. Có thể nhờ đó mà bà hồi tâm chuyển ý nghe theo. Đó là điều rất tốt cho bà trong lúc bà bị bệnh nặng hay hấp hối. Phật tử và tất cả người thân trong gia đình, nên cố gắng nhẫn nại chiều theo ý muốn của bà, đừng gây ra bằng những lời nói, thái độ hay hành động không tốt mà làm cho bà khởi tâm sân hận nóng giận, thì quả đó là điều rất tai hại cho cận tử nghiệp của bà.

Kính chúc Phật tử được dồi dào sức khỏe, đạo tâm kiên cố để làm tròn bổn phận của một người con chí hiếu.

Thích Phước Thái