22 10 2012 | Gương Vãng Sanh |
Pháp sư Khả Cứu đời Tống. Sư thường niệm kinh Pháp Hoa cầu sanh Tịnh Độ. Trong chương Tam Bối Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ, đoạn thứ tư có nói: Hễ ai tu học hết thảy pháp Đại Thừa, hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì A Di Đà Phật cũng đến tiếp dẫn giống hệt [như người chuyên tu Tịnh Độ]. Đủ thấy pháp môn này bao dung hết sức rộng lớn. Pháp sư Khả Cứu ngồi vãng sanh, mất đã ba ngày, sống lại, bảo các đồng tu: “Tôi đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, trông thấy tình hình hoàn toàn giống như kinh đã dạy”. Ngài lại nói những ai tu Tịnh Độ trong cõi đời, hoa sen trong ao bảy báu ở Tây Phương đều có ghi tên. Người Thượng Phẩm vãng sanh là lão hòa thượng của Quảng Giáo Viện tại Thần Châu. Khi ấy, lão hòa thượng còn chưa vãng sanh. Ngoài ra, còn có Tôn Thập Nhị Lang ở Minh Châu và chính sư Khả Cứu đều là đài vàng. Kém hơn là đài bạc, người chứng được đài bạc là Từ đạo cô. Pháp sư Khả Cứu thuật tình hình đã thấy cho mọi người nghe rồi lại vãng sanh. Sau này, Tôn Thập Nhị Lang lâm chung, nhạc trời vang rền hư không; khi Từ đạo cô lâm chung, có mùi hương lạ ngập thất không tan.
Pháp sư Hoài Ngọc, khi lâm chung, thấy A Di Đà Phật cầm đài bạc đến đón, Sư nghĩ ta bình sinh công phu rất đắc lực, cớ sao chỉ được đài bạc, tợ hồ chẳng cam lòng. Ý niệm vừa khởi, chẳng thấy A Di Đà Phật nữa. Sư lại dốc hết tánh mạng niệm Phật bảy ngày bảy đêm không ngớt, A Di Đà Phật lại hiện, cầm đài vàng tiếp dẫn.
Trong thế gian, người tu pháp môn Tịnh Độ chân tâm niệm Phật cầu vãng sanh, hoa sen của người ấy bèn sáng ngời, rực rỡ chóa mắt. Nếu giải đãi, biếng nhác, hoa liền khô héo. Đổi dạ chuyển sang tu pháp môn khác, hoa liền chết khô. Hết thảy sự vật trong Tây Phương đều chẳng sanh diệt, chỉ có hoa sen trong ao bảy báu là có sanh, có diệt. Sự tươi, khô, sanh, diệt ấy do hành nhân cảm thành, chứ không liên quan gì tới A Di Đà Phật.
Khi niệm Phật, tâm tánh năng niệm chẳng thể nghĩ bàn, nhưng phải dùng chân tâm, đừng dùng vọng tâm. Niệm Phật bằng chân tâm thì xử thế đãi người tiếp vật cũng phải dùng chân tâm. Niệm niệm cầu sanh về Tịnh Độ, khi còn sống trên đời thì hết thảy thuận theo tự nhiên, chớ nên cưỡng cầu. Một câu Phật hiệu đầy đủ viên mãn Tam Học, Tam Huệ, và ba món tư lương, mà cũng đầy đủ viên mãn vô lượng hạnh môn, nhất tâm chấp trì sẽ có thể viên siêu, viên đốn.
Trích Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký Phần 9
Pháp sư Tịnh Không giảng thuật
Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
20 10 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Từ lúc chúng ta biết được phương pháp hộ niệm mới thấy được người vãng sanh, và khi thấy người vãng sanh rồi mới giật mình tỉnh ngộ rằng con người chúng ta sống trên đời này, khi chết đi bị đoạ lạc nhiều quá mà chúng ta không hay. Phải nói là khi biết được chuyện này rồi, nhiều lúc suy nghĩ lại mình sợ mà rịn mồ hôi trán ra!
Sở dĩ con người bị đoạ lạc nhiều quá là tại vì nghiệp chướng sâu nặng quá rồi, không còn cách nào có thể vượt thoát cái ách nạn trong thời mạt pháp này. Con người cứ nhìn thấy những gì hiển hiện trước mắt thì cho đó là đúng, không biết chuyện đọa lạc, nên chúng sanh cứ tiếp tục rơi vào những cảnh khổ vô cùng vô tận, hãi hùng vô cùng mà không hay!
Sở dĩ như vậy là tại vì đã là nghiệp chướng sâu nặng mà không biết tu. Rất nhiều người không tu. Đời mạt pháp này không tu thì chắc chắn phải bị nạn! Trong khi đó thì có người cũng tu mà thường lại tu thử. Đây cũng là điều thực tế, cứ đi dạm hỏi thì biết. Nhiều người tu thử lắm! Có nghĩa là, thấy người ta tu mình tới để coi thử? Cứ đứng xa xa để nhìn thử?
Cũng có những người tu thực chứ không phải tu thử, họ quyết tâm tu nhưng lại không có hướng tu rõ rệt, gọi là tu mà không biết đường đi, thành ra suốt cuộc đời tu hành của họ cũng không thành tựu được gì cả. Những dạng người này cứ thấy người này tu như thế này, mình chạy theo. Rồi thấy người khác tu cách khác, mình cũng chạy theo. Thấy người này đưa ra phương pháp này, mình chạy theo. Thấy người khác đưa ra phương pháp khác, cũng chạy theo…
Hòa Thượng Tịnh-Không nói, “Theo một thầy thì có một đường, theo hai thầy thì có hai đường, theo ba thầy thì có ba đường, theo bốn thầy thì có bốn đường”… Ấy thế mà có nhiều người theo cả hàng chục thầy, thì như đứng giữa ngả ba đường, cuối cùng phân vân không biết đường nào mà đi? Bên cạnh đó, oan gia trái chủ cài bẫy giăng giăng khắp nơi, nhất định không để cho mình lựa chọn con đường thoát ly sanh tử luân hồi.
Hay hơn nữa là người tu hành có đường đi, có hướng đến rõ rệt. Nhưng lại không chịu “Lập Hạnh”. Tức là biết đường đi, biết điểm về nhưng mà không chịu đi, hoặc đi chập chững, gọi là không chịu lập hạnh. Không chịu lập hạnh, thì việc tu hành cũng giống như người tu mà không có hướng. Tức là đến sau cùng họ có thể hưởng được một chút ít phước báu nào đó trong đời sau mà thôi.
Khi hiểu được chút ít đạo rồi thì mình mới thấy có điều này. Tức là trong đời này mình tu hành tốt, nhưng nếu không được thành tựu, không được giải thoát tam giới, thì những công đức, phước báu mà mình tu được trong đời này nó chỉ cộng thêm vào những phước báu mình đã có trong vô lượng kiếp.
A-lại-da thức của ta nó giống như một cái thùng, cái thùng chứa vô đáy… Cái khổ là ở chỗ này! Chứ nếu mà ta tu tốt như vậy mà đời sau ta hưởng ngay được cái phước này, thì có thể ta được sung sướng. Nhưng khổ một nỗi, là khi lâm chung, cái tâm của mình đã bị mê rồi, những cái chướng nạn của mình nó ngăn cản rồi, phước mình tu trong đời này nó trộn lộn xộn trong cái thùng chứa đó, rồi nó khởi lên nhân nào mình đi theo cái nhân đó…
Cho nên nhiều khi người tu tốt, có tạo phước, nhưng sau cùng lại hưởng cái quả xấu là sở dĩ do cái điểm này. Nghĩa là, cuối cùng mình không hưởng được cái phước mình đã tu. Cái phước mình tu được đó có thể trở thành cái nhân trong vô lượng kiếp về sau, trong khi đời này cái nhân ác lại hiện ra. Một khi nhân ác hiện ra, thì nó đưa ta vào trong tam ác đạo làm ta bị lãnh những cái quả xấu ác, những cảnh đau khổ!… Còn cái phước mình tu trong đời này sẽ chờ cái duyên, hoặc cho đến khi nào ta vượt qua tam ác đạo rồi mới hưởng. Nó khổ là khổ chỗ này!
Trở về với chuyện tu hành của chúng ta, xin thưa thực với chư vị, niệm Phật vãng sanh về Tây Phương là lời của đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật dạy cho chúng sanh trong thời mạt pháp. Ngài nói rõ rệt, thời mạt pháp chỉ còn có niệm Phật mới thành tựu. Không niệm Phật không thể thành tựu.
Vì sao vậy?
– Vì nghiệp chướng của chúng sanh trong thời mạt pháp nặng vô cùng.
– Vì căn cơ của chúng sanh trong thời mạt pháp hạ liệt vô cùng.
– Vì đức độ của người trong thời mạt pháp mỏng vô cùng.
Chính vì nghiệp chướng sâu nặng, căn cơ hạ liệt, đức độ mỏng manh, nên bắt buộc chúng sanh phải nương theo đại lực của A-Di-Đà Phật mới có hy vọng thoát vòng sanh tử.
Mà nương như thế nào? Xin nhắc lại, không tu thì bị đọa lạc, tu thử cũng chẳng qua gieo được chút duyên nào đó trong vô lượng kiếp về sau, trong thời gian vô lượng kiếp mình vẫn có thể bị đọa lạc. Tu đúng đường nhưng mà đi không tới, thì rốt cuộc nhiều lắm, gọi là nhiều lắm chứ không phải chắc chắn, là hưởng được một ít chút phước báu nào đó trong cảnh nhân thiên là cùng, vẫn có thể bị đọa lạc…
Nếu thực sự muốn được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, thì cố gắng Lập Hạnh.
Những lời nói này chẳng qua là khai triển ba cái tư lương của pháp môn niệm Phật chứ không có gì khác: “TÍN – NGUYỆN – HẠNH”. Tín thì chúng ta nói nhiều rồi, những người chưa tin phải tin, phải tin đi, tin mau mau đi. Nếu chần chờ, không tin mau mau, tức là cứ để chừng nào thấy rõ ràng rồi mới tin, thấy người ta vãng sanh rồi mới tin, đòi có được chứng minh rồi mới tin… thì nhiều khi suốt cuộc đời mình không bao giờ gặp được một sự chứng minh đâu! Vì sao vậy? Vì niềm tin bạc nhược! Niềm tin bạc nhược thì không khởi được thiện căn phước đức. “Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn”. Niềm tin mình không có mạnh, thì trưởng dưỡng thiện căn của mình không được, mà thiện căn của mình không trưởng trưởng được, thì không có cái duyên để gặp được hiện tượng vãng sanh đâu!…
Cho nên khi Phật nói mình phải tin, nhất định phải tin. Khi niềm tin mình vững vàng rồi thì tự trong tâm mình khởi ra trí huệ, tự trong tâm mình khởi ra công đức, khởi ra thiện căn… tự nhiên mình có cơ hội để gặp. Xin thưa thực với chư vị, một lần điện thoại về Việt Nam là một lần tự nhiên tôi thấy hứng khởi lên và muốn đem cái lòng hứng khởi này nói cho chư vị biết là thực sự người ta vãng sanh nhiều lắm. Không phải là ít đâu! Từ trước tới giờ chúng ta chưa thấy được hiện tượng này đâu à, mà bây giờ hiện tượng người ta vãng sanh bất khả tư nghì. Họ vãng sanh bất khả tư nghì, nên ta nhất định phải tin tưởng. Chỉ có tin tưởng được vậy thì bao nhiêu sự nghi ngờ xóa tan hết.
Đối với pháp môn niệm Phật, thì “Tin Tưởng” ví như có chiếc thuyền. Muốn qua cái bể khổ ta phải có chiếc thuyền. “Phát Nguyện” là có cái bánh lái. Ta phải phát nguyện cho vững vàng. Đừng có phát nguyện hết bệnh, đừng có phát nguyện được trí huệ gì cả. Hãy phát nguyện vãng sanh về Tây Phương là nhất định ta phải đi về cho tới Tây Phương, tức là cái bánh lái của ta phải lái thẳng về Tây Phương. Đừng có lái con đường nào khác… Hãy lái thẳng tới Tây Phương Cực Lạc, đó gọi là “Nguyện”.
Con thuyền đã có, bánh lái đã có. Còn “Hạnh” thì sao? Hạnh chính là Lập Hạnh! Ngài Tĩnh-Am nói dễ hiểu vô cùng. Hạnh là lập hạnh. Lập hạnh là hãy ráng sức mà chèo, chèo một ngày hai chục tiếng đồng hồ, ráng sức mà chèo. Vợ con, bạn bè… cùng nhau trên thuyền mà chèo, chèo cho nhanh lên. Chèo nhanh để ta vượt qua cho được cái biển khổ mênh mông này. Nếu mà chèo chậm chạp thì con thuyền chúng ta qua đoạn đường này không nổi. Nếu có thuyền rồi, có bánh lái rồi, mà không chèo thì con thuyền chúng ta cũng cứ dập dềnh, dập dềnh tại bể khổ này, sau cùng nó cũng sẽ chìm xuống bể khổ này mà thôi! Chúng ta về Tây Phương không được.
Đối với “Lập Hạnh”, Diệu Âm thấy rằng chúng ta nên cố gắng. Đã tu thực thì ráng mà đi về Tây Phương chư vị ơi! Tôi biết rằng có người có thể một năm hai năm, có người có thể mười năm, có nhiều người mới nói vậy mà tháng sau đã đi rồi… Trong một tháng đã đi rồi mà cái “Hạnh” chúng ta chưa tốt, câu A-Di-Đà chưa nhập tâm, chúng ta còn lơ là… Thôi chịu thua rồi! Lúc đó chịu thua! Oan gia trái chủ đã chận hết rồi. Cho nên, đừng bao giờ nói để tháng sau tôi mới niệm Phật… Không đâu ạ! Đây là lời nói của oan gia trái chủ đó! Họ khiến mình nói như vậy đó! Tại vì họ biết rằng mười hai ngày nữa là mình phải chết rồi đó chư vị! Vì thế, họ nói là mình chưa chết, mà hãy chần chừ… chần chừ cái đã!…
Cho nên trong vấn đề lập hạnh niệm Phật này, giả sử những vị mắc bận đi làm, thì dành một ngày có thể một tiếng, một tiếng rưỡi, dành trọn thời gian đó để niệm Phật. Trong một tiếng rưỡi niệm Phật như vậy, chúng ta có thể niệm được năm ngàn câu A-Di-Đà Phật rồi! Còn nếu người già rồi, đã bệnh rồi, đã “pension” rồi không còn đi làm nữa rồi…Trời ơi! Thời gian này là thời gian thích đáng để chúng ta niệm Phật. Đừng có chần chừ nữa. Tôi nói thật tôi sắp xếp tất cả những thời gian, tại vì xin thưa, chư vị mà thấy tôi làm việc, tôi làm việc suốt ngày, nhiều khi trưa ngủ một chút mà cũng chập chờn… Tại vì nhiều chuyện quá đi, tôi muốn cắt mà cắt không được. Đúng là cái số của tôi là số bất phước!…
Phải lập công cứ. Khi mà công chuyện đã ổn ổn rồi, tôi sẽ quyết lòng đóng cửa lập công cứ để tu. Tại vì tôi biết rằng chắc chắn cái huệ mạng này của tôi không ai có thể cứu được. Nếu tôi không niệm Phật, nếu không có lập hạnh ra để niệm Phật ngày đêm, tôi sợ rằng chưa chắc gì đã vượt qua ách nạn của cái nghiệp khổ mà tôi đã tạo ra trong vô lượng kiếp! Chính cá nhân của Diệu Âm này, trước khi biết tu đã tạo nhiều điều sai lầm vô cùng! Giết hại sinh vật quá nhiều, bắn chim quá nhiều, suốt cá quá nhiều, làm những chuyện vô cùng tai hại. “Nhân duyên quả báo tơ hào không sai”. Nghĩ đến chuyện đó mình không cách nào tu lơ là mà có thể vượt qua ách nạn.
Thế nên xin thưa với chư vị, hổm nay chúng ta hô hào chuyện lập hạnh, thực ra là để tự mình cứu mình mà cố gắng đi. Nếu không thương mình, thời gian nhiều quá mà không chịu niệm Phật. Ở đây chính phủ nuôi mình ăn, mình không làm cũng không chết đói mà không chịu niệm Phật!… Ở nhà mình nếu có người bệnh, thì mình ráng mà niệm Phật với người nhà của mình để cứu người nhà của mình! Năm ngàn hãy niệm thêm năm ngàn nữa đi, thành mười ngàn. Rồi mình cũng niệm mười ngàn nữa đi để kéo người nhà theo. Nhờ như vậy mà tất cả chúng ta đều đi về Tây Phương hết.
Xin thưa thực, với cách tu như thế này, đối với những pháp môn khác thì không bao giờ có một chút hy vọng nào vượt qua tam giới đâu à! Nhưng mà với cách tu như thế này, niệm Phật, ăn ở hiền lành thôi… A-Di-Đà Phật quyết thề sẽ đưa ta về tới Tây Phương để ta thành đạo Vô-Thượng. Quý vị ơi! Quý vô cùng.
Nguyện cho chư vị hiểu được những chỗ này mau mau phát tâm niệm Phật, tự mình phát tâm đừng đợi ai mời, đừng chờ ai nhắc nữa hết. Vì chính mình lo trước cho mình, đừng để mất phần vãng sanh.
Đã tới đây rồi mà để mất phần vãng sanh thì oan uổng lắm chư vị ơi!…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
16 10 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Chúng ta tu thành công về được cõi Cực Lạc thì cùng với chư Phật, Bồ tát, La hán thật ngày ngày ở chung một chỗ. Sự vui sướng đó, ngoài thế giới Cực Lạc ra, đâu còn nơi nào có được như vậy. Các vị làm sao chẳng muốn tu để được về cõi nước Cực Lạc!
Đồng thời, khi đã đến đó rồi, thần thông của chúng ta có thể lớn vô cùng. Thứ nhất là nhãn quan của chúng ta hiện này chỉ thấy được chừng vài chục bước. Nếu như có một bức tường hoặc một tờ giấy, hay là vào ban đêm chỗ không có ánh sáng thì sẽ không thấy một chút nào. Về được Tây Phương Cực Lạc rồi thì không luận là ngày hay đêm, luôn luôn có các thứ ánh sáng, không lúc nào tối, cũng không có chỗ nào tối. Ban ngày ban đêm đều như nhau. Chỉ xem hoa sen khép lại là ban đêm, hoa sen nở là ban ngày. Và không luận là xa đến mấy ngàn muôn vạn dặm và qua mấy ngàn vạn muôn thế giới, cho dù có vô cùng vô tận núi non ngăn cách cũng không có chỗ nào là không thấy. Ngay đến chỗ tối tăm cùng cực cũng vẫn sáng sủa nhìn thấy rõ ràng. Xa cho đến thế giới Ta Bà này vẫn còn có thể thấy. Đó gọi là Thiên nhãn thông.
Thứ hai là lỗ tai của chúng ta chẳng qua nghe được thanh âm rất gần, hơi xa một chút thì nghe không rõ. Đến thế giới Cực Lạc thì không luận xa đến mấy ngàn muôn vạn dặm vẫn nghe được rõ ràng. Còn ở thế giới của chúng ta những thanh âm rất nhỏ thì nghe không được rõ ràng. Đây gọi là Thiên nhĩ thông.
Điều thứ ba, chúng ta chẳng qua có thể hiểu được tâm tư trong lòng của chính mình. Còn tâm tư trong lòng người khác, không luận là người rất thân rất tốt như cha mẹ, anh em, vợ chồng đều chẳng thể hiểu được. Về đến Cực Lạc rồi thì tâm tư trong lòng của mọi người, ta đều hiểu được. Vả lại, không luận là quyển sách nào chúng ta chưa từng đọc qua, những sự tình và những đạo lý được nói trong quyển sách đó tự nhiên chúng ta đều có thể hiểu được. Người không biết chữ tư nhiên đều sẽ biết. Đây gọi là Tha tâm thông.
Điều thứ tư là những việc đã trải qua của chính mình mà có thể nhớ được, đều là những việc từ năm sáu tuổi trở về sau. Còn những việc từ ba bốn tuổi trở về trước chúng ta chẳng nhớ được. Nếu sanh về Cực Lạc rồi, chẳng những có thể nhớ được sự việc trong một đời này mà sự việc suốt một đời, mười đời, mấy trăm, mấy nghìn, mấy vạn muôn đời về trước đều có thể nhớ được hết. Đây gọi là Túc mạng thông.
Điều thứ năm là hiện tại chúng ta đi bộ, người rất khỏe mạnh lại thường đi quen, đi suốt con đường tối đa một ngày thì đi được một trăm dặm là cùng. Sanh về Cực Lạc rồi, chẳng đến một phút là có thể đi cùng khắp thế giới vô cùng vô tận ở mười phương mà không có một chút mệt nhọc và cũng không một chút khó khăn nào. Người ở trên thế giới của chúng ta hoặc gặp những nơi có núi cao, hoặc là có sông to, dòng lớn, biển cả, hoặc găp thời tiết có gió lớn, mưa to, tuyết phủ thì đều chẳng thể đi được. Nếu sanh về cõi nước Cực Lạc rồi, làm người ở đó thì có thể muốn đến chỗ nào lập tức đến liền chỗ đó. Đã không có một trở ngại nào mà lại rất nhanh. Đây gọi là Thần túc thông.
Chỗ tôi đã nói ở trên gọi là Ngũ thông. Trong Phật pháp mà được năm thứ thần thông này thì đã hơn các vị thần tiên pháp lực cao cường, và hơn rất nhiều. Lại thêm một thứ nữa là Lậu tận thông. Đây gọi là Lục thông. Chẳng qua cái thông thứ sáu này nhất định phải là bậc A la hán đắc đạo mới có thể hoàn toàn chứng đắc. Những gì gọi là Lậu tận thông? Đó là những phiền não như tham, sân, si v.v… không còn một mảy, các thứ công đức đều được viên mãn, hoàn toàn tốt đẹp. (Ba chữ tham, sân, si giải thích như thế nào? Chữ “tham” là ý nói lòng tham lam chẳng biết đủ. Chữ “sân” là trong tâm phát lên lửa giận. Chữ “si” là nói trong tâm có chuyển đổi không hợp đúng với đạo lý. Ba thứ đó đều gọi là ý nghiệp vì là nghiệp tạo ra nơi tâm ý. Sở dĩ gọi là ý nghiệp bởi vì ba thứ tâm này tạo ra các thứ nghiệp ác, thật là nguyên nhân tạo ra các ác nghiệp. Mỗi người phải luôn cảnh giác).
Trích Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam
Hoàng Hàm Chi
Thích Hoằng Tri dịch
14 10 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Có lần Đức Thế-Tôn gặp một đàn kiến, chỉ đàn kiến và nói với ngài A-Nan: “Con biết đàn kiến này trải qua bảy đời Phật rồi mà chúng vẫn còn làm con kiến”. Quý vị tưởng tượng đi, chúng ta ở đây là thân người, một cái cơ may vô cùng trong cái thời mạt pháp này mà gặp được câu A-Di-Đà Phật, xin thưa thực đúng là cơ hội cuối cùng cho ta thoát nạn. Đã là cái cơ hội cuối cùng thì không có cơ hội thứ hai. Nếu mà chúng ta sơ ý không chịu bám víu lấy cơ hội này để quyết lòng vãng sanh về Tây Phương, thì thôi không còn có cơ hội nào khác nữa hết.
Ngày hôm qua có một vị tới đây ngỏ ý muốn chúng tôi tới hộ niệm. Tôi mới nói hãy về liên lạc với gia đình đi, và tôi bày cho cái cách tu, là khuyên bà cụ mỗi ngày hãy niệm năm ngàn danh hiệu A-Di-Đà Phật. Nghe nói vậy thì Cụ đó giựt mình nói, “Ôi! Tôi mệt quá! Tôi niệm không nổi!”. Tôi mới nói, nếu cụ niệm không nổi thì con cũng không có cách nào có thể hộ niệm cho cụ vãng sanh được.
Thực ra, cái tiêu chuẩn năm ngàn câu đó chẳng qua là sự thử thách đầu tiên đó thôi. Tiếp theo đó phải tăng lên mười ngàn, tăng lên hai chục ngàn, tăng lên ba chục ngàn… thì may ra chúng ta mới có khả năng vượt qua cái ách nạn sinh tử luân hồi trong một đời này. Còn không thì xin thưa thực, hôm trước chúng ta đã nói rồi, “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu”, nó:
– Bắt buộc mình phải cố gắng,
– Bắt buộc mình phải kiên trì,
– Bắt buộc mình phải vượt qua tất cả những ách nạn.
Chúng ta ở đây kiết thất niệm Phật, kiết nhất tịnh khẩu niệm Phật thực ra là để chi? Để tất cả những tập khí gì chúng ta cố gắng bỏ, ráng bỏ, ráng bỏ… Nếu không ráng bỏ thì những tập khí này nhất định sẽ lôi mình lại trong lục đạo luân hồi.
Chúng ta phải nhớ rằng, đới nghiệp vãng sanh là đới những nghiệp cũ, không thể nào đới những nghiệp mới. Đối với những ngày tháng trước chúng ta làm điều gì sai, A-Di-Đà Phật không có màng cái chuyện đó đâu à! Ngài sợ là sợ cái tập khí chúng ta không chịu bỏ. Chư Thượng-Thiện-Nhơn trên cõi Tây Phương, các Ngài mong muốn chúng ta về trên đó hội tụ với các Ngài. Các Ngài nói:
“Chư vị mà làm các điều sai lầm trong quá khứ, tôi không sợ, tôi chỉ sợ cái tập khí của chư vị không bỏ được”.
Trong kinh A-Di-Đà, Phật nói người về bên Tây Phương là để hội tụ với chư Thượng-Thiện-Nhơn. Chư vị biết là “Thiện Nam Tử – Thiện Nữ Nhân”, có cái tiêu chuẩn của nó, chứ không phải là chúng ta cứ đi tới Niệm Phật Đường niệm vài câu A-Di-Đà Phật, niệm vài giờ A-Di-Đà Phật là Thiện-Nam-Tử, là Thiện-Nữ-Nhân. Không phải đâu! Hoàn toàn không phải!
Trong những giờ tới chúng tôi sẽ cố gắng khai thác chỗ này, quý vị sẽ thấy. Trong ý định của chúng tôi là trong năm Tân-Mão này, chúng ta hô hào lần lần, tức là trước khi mở ra một chương trình gì chúng ta đều hô hào, hô hào tinh tấn hơn nữa. Tức là hiện tại bây giờ chúng ta hai tuần có nửa ngày tịnh khẩu niệm Phật. Quá ít! Chúng ta phải tiến lần lên hai tuần chúng ta có hai ngày liên tục tịnh khẩu niệm Phật, đúng 48 tiếng đồng hồ không nói một lời nào hết. Đây là tập sự.
Chúng ta tu hành cần phải có hợp lý, hợp cơ. Căn cơ chúng ta yếu quá mà áp dụng một cách mạnh mẽ thì sợ rằng chúng ta chịu không nổi! Thì bây giờ chúng ta phải tập sự trước, tập lần lần. Hôm nay chúng ta có nửa ngày tịnh khẩu, hãy vui vẻ thoải mái với thời gian này để chúng ta tập cho trong thời gian sau, chúng ta tăng lên, thay vì nửa ngày chúng ta sẽ tăng lên một ngày, rồi chúng ta tăng lên hai ngày, hai ngày, đúng 48 tiếng đồng hồ nhất định không mở miệng ra nói chuyện. Để chi vậy? Xin thưa chư Tổ dạy rằng: “Bớt đi một câu chuyện, niệm thêm câu Phật hiệu, đánh chết tập khí đi, để chân tâm hiển lộ”. Lời Tổ dạy như vậy đó. Ngài dạy cho những người phàm phu tục tử chúng ta chứ không dạy cho ai hết. Chính cái thị phi, chính cái nói chuyện nó phá tiêu hết tất cả các công đức của người niệm Phật. Cho nên Ngài dạy rõ ràng… “Bớt đi một câu chuyện”. Nói chuyện thế gian làm chi? Nói câu chuyện thị phi làm chi? Hãy “Niệm thêm câu Phật hiệu”.
Quý vị hãy phát tâm ra, quyết thề đánh chết cái tập khí đi. Cái tập khí gì? Tập khí không chịu niệm Phật mà niệm chuyện lục đạo luân hồi. Phải đánh chết cái tập khí này thì chơn tâm chúng ta mới hiển lộ, không hiển lộ tại đây thì chư Thượng-Thiện-Nhơn sẽ tiếp đón chúng ta về Tây Phương với các Ngài, rồi các Ngài sẽ giúp cho ta hiển lộ chơn tâm tự tánh. Chúng ta chỉ cần buông đi, bỏ đi. Nhất định:
– Ngày hôm qua ta ghét một người nào, hôm nay quyết định không ghét nữa.
– Ngày hôm qua ta nói một người nào xấu, nhất định hôm nay không nói xấu nữa.
– Ngày hôm qua ta giận dữ, nhất định hôm nay đừng giận dữ nữa.
Tại vì chúng ta phải làm người hiền. Chỉ làm người hiền là được.
– Người hiền thì không có tham.
– Người hiền thì không có giận, tại vì giận nó kèm chữ dữ, chứ không phải nói là lành.
Thiện lành! Cứ vậy mà tu. Sẵn sàng Niệm Phật Đường tại đây sẽ hộ niệm cho chư vị vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Chư Thượng-Thiện-Nhơn trên cõi Tây Phương sẵn sàng đón chư vị về đó, dù rằng trong quá khứ mình làm lỗi như thế nào thì các Ngài không sợ chuyện đó. Các Ngài chỉ sợ rằng cái tập khí này không chịu bỏ.
Đã không chịu bỏ thì A-Di-Đà Phật ngày đêm buông tay xuống để tiếp độ chúng sanh, nhưng mà cái hoa sen của chúng ta trên cõi Tây Phương đã tiêu rồi. Chư Thượng-Thiện-Nhơn đã biết được cái tập khí này nó còn hiển hiện ra, hễ tập khí còn hiển hiện ra thì không cách nào có cảm ứng được, không cách nào vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc được.
Chính vì vậy, xin thưa… chư vị ơi! Quyết lòng mà hạ quyết tâm tu hành, một lòng một dạ ăn ở hiền lành là được. Buông xả vạn duyên ra, thành tâm niệm Phật, chỉ vậy thôi, bao nhiêu cái nghiệp trùng trùng trong quá khứ chúng ta được đem nó về Tây Phương để hội ngộ cùng chư Thượng-Thiện-Nhơn, và chúng ta thành Phật.
A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Các Phúc Đáp Gần Đây