Niệm Phật Cầu Hết Bệnh Sẽ Mất Phần Vãng Sanh

Niệm Phật Cầu Hết Bệnh Sẽ Mất Phần Vãng SanhNhân tiện trong những giờ nói về tu hành cần phải “Khế Lý – Khế Cơ”, Diệu Âm xin nêu ra một vài điều sơ suất rất tế vi trong pháp tu niệm Phật mà kinh nghiệm đã gặp qua, từ sự sơ suất đó mà nhiều người đã không được vãng sanh một cách hết sức đáng tiếc! Nói đáng tiếc có nghĩa là đúng ra họ được vãng sanh, nhưng chỉ vì một sơ suất nhỏ, chú ý lắm mới thấy, không chú ý không thấy, nên cứ tưởng là đúng, nhưng sau cùng thì kết quả thực sự là hơi buồn!…

Hôm qua chúng ta có nhắc đến lời nguyện vãng sanh, là chúng ta phải đơn giản gọn gàng:

– Nam Mô A-Di-Đà Phật con nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
– Con thèm vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
– Xin Phật cho con về Tây Phương Cực Lạc.
– Con muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nói sao nói, mình nói gọn như vậy cũng được, nhất là trước những giờ phút lâm chung xin đừng có nên dài dòng cái đuôi phía sau, nhiều khi chính cái đuôi đó nó lộ ra một cái gì sơ suất chính trong tâm chúng ta. Ví dụ như hôm qua mình có nói một người đã nguyện: ” Nam Mô A-Di-Đà Phật, nếu mà con số phần đã hết thì cho con vãng sanh liền, nếu mà số phần con chưa hết thì xin cho con hết bịnh để con tiếp tục tu hành…”. Nghe qua thì thấy không có cái gì sai hết, tại vì người ta vẫn nguyện vãng sanh, nhưng thực ra cái tâm nguyện này là tâm nguyện sợ bịnh, mà nhiều khi còn sợ chết nữa trong đó! Thực ra thì chính những lời này là lời mà chư Tổ dùng để dặn dò những người không biết pháp môn niệm Phật. Ngài dặn như vậy để cho mình an tâm quyết lòng nguyện vãng sanh, mình vô tình lại bỏ lời nguyện vãng sanh mà đem cái lời giải thích của các Ngài thành lời nguyện, nên sức nguyện của mình không đủ mạnh, thành ra không có cảm ứng, không có tương ưng với đại nguyện, và sau cùng có thể mất phần vãng sanh một cách oan uổng!

Hôm nay mình nói thêm một chút nữa về những điều tế vi trong lời nguyện. Có nhiều người khi bịnh xuống rồi thì phát nguyện như thế này:

– Nam Mô A-Di-Đà Phật, một đời con làm thiện làm lành, con quyết đi về Tây Phương để cứu độ chúng sanh. Hôm nay con bịnh quá cho nên niệm Phật không được, nguyện Phật thương tình cho con hết bịnh để con niệm Phật để về Tây Phương. Khi con hết bịnh rồi con phát nguyện con sẽ làm tất cả những việc thiện lành khác để giúp đỡ cho chúng sanh, còn ngày nào con làm việc thiện lành ngày đó.

Đại khái như vậy… Lời nguyện này nếu những người không hiểu đạo, nghe qua người ta thấy vĩ đại lắm. Nhưng thực ra lời nguyện này cũng đi lệch với pháp tu rồi. Tại vì chư Tổ thường hay dặn chúng ta: Nguyện là nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, không được nguyện hết bịnh. Các Ngài khuyến tấn chúng ta rõ rệt là cái thân bịnh này nhất định nó có định kỳ rồi. Nếu ta là một vị ở trên Tây Phương Cực Lạc giáng sanh xuống đây, tái lai xuống đây để làm đạo, chúng ta cũng giả đò bịnh, giả đò sao đó cũng được, thì các Ngài muốn nguyện sao nguyện, và các Ngài muốn đi thì đi, muốn về thì về. Thực ra nhiều khi các Ngài không cần nguyện nữa là khác. Các Ngài giáng sinh xuống đây thấy một chúng sanh khổ các Ngài cứ lăn xả vào làm việc giúp đỡ chúng sanh, các Ngài không niệm Phật nữa, vì các Ngài là người đã ở trên cõi Tây Phương thị hiện xuống đó thôi. Còn chúng ta là một người hạ căn phàm phu, thì nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp nó đã đúc kết đến đời này rồi. Cái thọ mạng này thực ra là để trả nghiệp. Mình sinh ra mình phải trả nghiệp 70 năm, nhất định cầu trước một năm, tức là 69 năm không được, tại vì mình phải trả cho đủ 70 năm. Khi thọ mạng đến rồi, trong khi phước báu của mình nhiều quá, mình cầu thêm nửa tháng nữa để hưởng cũng không được.

Thực sự như vậy. Đây là lời Tổ dạy, cho nên xin chư vị, chúng ta hãy an tâm về vấn đề sanh tử. Tại vì khi đi hộ niệm mình mới thấy rõ rệt điều này, có những người ngày đêm cầu chết: “Con đau quá rồi, cầu Phật, cầu trời, cầu miễu gì đó cho con chết”. Họ cầu chết từng ngày, từng giờ, thế mà không chết. Ở tại quê của Diệu Âm có một bà Cụ, 99 tuổi, bà thèm chết đến nỗi bà làm một cái quan tài để tại đầu hè, bà trải chiếu trong cái quan tài và bà nằm trong cái quan tài đó để cho chết. Khi bịnh không ai dám tắm nước, còn bà thì khi bịnh bà lấy nước xối ướt hết áo quần, rồi đến nằm trong cái quan tài đó cho chết, thế mà không chết. Bà thọ trên 100 tuổi, không chết là không chết, không kiêng không cử gì hết, mà cứ nằm… nằm trong quan tài rồi đậy cái nắp lại một nửa, để ló cái lỗ chui vô vậy thôi. Trông chết mà không chết. Tại vì cái thọ mạng người ta nó có định rồi, không mắc mớ gì mà mình sợ hết.

Khi bịnh xuống, lời nguyện của mình nó xác định cái tâm nguyện vãng sanh của mình. “Nam Mô A-Di-Đà Phật, con một đời làm thiện làm lành, chắc chắn con muốn về Tây Phương với Phật, nhưng mà bây giờ đau quá xin Phật thương con cho con hết bịnh để con niệm Phật”. Rõ ràng mình đang nguyện hết bịnh. Chư Tổ dạy nếu mà mình nguyện hết bịnh thì cái bịnh của mình không hết, nhưng nếu lúc đó cái thọ mạng của mình hết thì vì lời nguyện hết bịnh, bắt buộc mình phải trôi theo thân bịnh này mà tiếp tục thọ sanh trong lục đạo luân hồi, không biết là cảnh giới nào. Nếu mình nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc một cách tha thiết, nếu cái thân mệnh này hết hạn thì nhờ lời nguyện này mà cảm ứng với 48 đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật, mình được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu cái thọ mạng của mình chưa hết, có nghĩa là ba tháng nữa, năm tháng nữa, một năm nữa… thọ mạng mới hết, thì nhờ cái lòng tha thiết có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh tự nhiên được chư Bồ-Tát gia trì, được thần lực của A-Di-Đà Phật gia trì, vì đây là một hành giả đã đủ Tín-Nguyện-Hạnh để đi về Tây Phương, thì tự nhiên cơn bịnh sẽ giảm, nó giảm một cách rõ rệt. Có rất nhiều người, Diệu Âm nói rõ ràng là rất nhiều người, đã có hiện tượng này. Lạ lắm! Có nhiều người đã hết bịnh một năm rồi ra đi, có nhiều người hai năm, có nhiều người ba năm, có nhiều người đến nay hiện tại bây giờ là gần sáu năm rồi, từ một bịnh ung thư chuẩn bị chết mà không chết. Có nhiều người bác sĩ đã khám, có ung thư khắp người, như vậy mà niệm Phật tự nhiên cũng khoảng mấy tháng sau thì thực sự không còn ung thư nữa. Lạ lắm chư vị!

Những điều này nói ra đối với khoa học người ta không tin, nhưng Diệu Âm tha thiết nói với chư vị, hãy tin đi, vững vàng tin đi, chắc chắn. Ví dụ như hồi chiều này có khoe mấy tấm hình cho anh Thiện Bình coi, tôi chỉ cho Thiện Bình về cô bác sĩ Vân Hương ở bên Đức, chính người thân của chị là người bị ung thư chuẩn bị chết. Chị là một người bác sĩ trị bệnh ung thư nhưng đành phải bó tay! Nhờ khuyên cô đó niệm Phật, quyết lòng buông xả, không cần gì nữa hết, niệm Phật bảy tháng sau thì tự nhiên bịnh ung thư không còn nữa. Lạ lùng! Hiện tại bây giờ vị đó vẫn còn sống và chính Diệu Âm có gặp trực tiếp được người bịnh đó. Quý vị thấy lạ lùng chưa? Không thể nào mà mình tưởng tượng ra được!

Cho nên khi bịnh xuống mà mình nguyện cầu cho hết bịnh, với lời nguyện này mình tưởng rằng mình tha thiết đi về Tây Phương, nhưng thực ra nó đã dấu cái tâm sợ chết trong đó. Hay nói rõ hơn, mình giả đò nguyện vãng sanh, chứ thực ra mình sợ chết. Chư Tổ nói, đã sợ chết thì nhất định không thể vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Những người có phước báu, những người có tiền bạc thường là người sợ chết. Còn những người khổ khổ một chút, người ta thấy đời này quá khổ, nên không tha thiết nữa. Vì không tha thiết nữa, nên trước những cơn đau họ thèm vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Sự thèm muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, sự nguyện cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc quá mạnh, nó mạnh đến nỗi mà họ quên mất cái đau luôn…

Hôm qua chúng tôi nêu ra một trường hợp như chính Phụ Thân của Diệu Âm. Là một người bị bịnh, hai vị bác sĩ đứng nhìn thấy một hiện tượng lạ mà phải ngỡ ngàng! Những hiện tượng này nếu ở trong bệnh viện, họ phải chích cái thuốc giảm đau cực mạnh, nếu không thì Ông Cụ đau đớn phải lăn lộn từ trên giường lăn xuống đất. Thế mà Ông Cụ cười hè hè. Mà đặc biệt nữa, là Ông Cụ quyết định không chịu đi vào bệnh viện. Không chịu đi! Nói đi về Tây Phương thì đi chứ đi nhà thương thì không đi. Ông Cụ cười hè hè cho đến khoảng chừng mười-mười lăm phút trước khi ra đi là hết cười nữa rồi, rồi ra đi.

Quý vị hãy coi cái phim của bà Nguyễn Thị Cúc ở Gia-Lai, tám năm nằm trên giường bệnh, hộ niệm mười ngày tỉnh dậy, tỉnh dậy rồi nhưng ngồi dậy không được mà nằm trên giường, chắp tay bái: “A-Di-Đà Phật cho con về Tây Phương”. Bà tha thiết đi về Tây Phương. “Nam Mô A-Di-Đà Phật cho con về Tây Phương”. Chỉ vậy mà thôi, bà Cụ đã biết được giờ vãng sanh. Vì sao vậy? Vì trong những giờ phút trước khi xả bỏ báo thân cái tâm nguyện của Cụ quá mạnh, nó mạnh đến nỗi cảm ứng đến 48 lời nguyện của Đức A-Di-Đà mà được vãng sanh. Quý vị coi bà Phan Thị Diệu Anh, người ta xúi dục bà, người ta củng cố tinh thần bà, khuyến tấn bà đến nỗi trước giờ chết bà nói, “Bây giờ tôi mừng quá rồi, tôi muốn nhảy, tôi nhảy múa”. Có nhảy được không? Nhảy mà mấy người chung quanh sợ bà té. Nhờ nỗi vui mừng đó, cộng thêm sự thèm muốn đi về Tây Phương, quyết đi về Tây Phương, bà quên hết tất cả, cơn đau cũng quên luôn, không còn nữa. Nói về tâm lý cũng đúng, mà nói Phật lực gia trì thì thật sự là có. Không phải dễ!…

Còn trước những giờ phút đó mà ta nói Nam Mô A-Di-Đà Phật, con tu nhiều quá rồi, sao Phật không cho con hết bịnh để con niệm Phật cho nhất tâm để con về Tây Phương… Đó là cái tâm sợ chết! Đó là lời nguyện sợ bịnh! Nguyện hết bịnh thành ra mất phần vãng sanh. Có rất nhiều cuộn phim vãng sanh, quý vị coi lại những phim vãng sanh rồi, thấy đó mình mới hiểu rằng, được vãng sanh hay không đều nằm trong giây phút này.

Chúng ta nói ở đây là trong lúc chúng ta còn tỉnh táo chứ không phải nói trong lúc chúng ta lâm chung. Nếu không chuẩn bị ngay bây giờ, chưa chắc gì khi lâm chung tinh thần của chúng ta mạnh bằng những người đó. Trong khi những người đó lại tu ít hơn ta, mà người ta thì có tinh thần mạnh hơn ta. Tại sao ta lại thua họ?

Không chịu vững mạnh ngay từ bây giờ, cứ chờ đến giờ phút lâm chung tưởng rằng ta ngon hơn sao? Nhưng mà coi chừng tinh thần chúng ta hình như yếu hơn đó. Vì yếu hơn nên oan gia trái chủ cũng có những đòn thế dành cho những người tu hành với tâm không vững!… Sau cùng vướng nạn là tại vì vậy.

Mong tất cả chư vị quyết lòng nguyện vãng sanh. Rõ ràng! Minh bạch! Đừng ngại, đừng ngùng gì nữa cả, chắc chắn chúng ta được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Chú Sa Di Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng Sanh

Chú Sa Di Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng SanhTheo lời Hòa Thượng trưởng lão Huyền Tôn kể rằng, những ngày Hòa Thượng còn ở quê nhà, nơi Tổ đình Thiên Ấn – miền Trung, có một chú sa di tên Diệu Mãn. Thường nhật Chú chỉ làm công việc quét chùa. Chú người hiền lành, ít nói, tánh tình ngồ ngộ. Đặc biệt trong chúng, ai nhờ việc gì đều hoan hỷ làm ngay. Cũng chính vì vậy, chú thường bị quí sư huynh đệ la rầy, sao đang làm việc này lại bỏ đi làm việc kia… Tuy vậy, nhưng lúc nào chú cũng hoan hỷ, không ai thấy chú câu chấp việc gì bao giờ.

Chú Diệu Mãn thường lấy niệm Phật làm công phu tu hành. Ngày ngày, tháng tháng, năm năm… hai thời công phu sáng tối chú gìn giữ đều đặn. Ai làm gì thì làm, mặc người nói ra nói vào điều chi, thậm chí có ai chọc ghẹo, chú cũng hoan hỷ im lặng cười xòa.

Thời gian thấm thoát trôi qua, cho đến một hôm, giữa buổi thọ trai, chú Diệu Mãn đắp y ra tác bạch với Hòa Thượng Bổn Sư và đại chúng, chú chấp tay cung kính thưa: “Bạch Hòa Thượng và đại chúng, con nay xin thành tâm đảnh lễ ân đức của Hòa Thượng và đại chúng đã trưởng dưỡng con cho đến ngày hôm nay, nay thời gian đã đến, con tác bạch xin Hòa Thượng cho phép cho về với Phật”. Đại chúng ngẩn ngơ nhưng bình thường thấy chú Diệu Mãn ngồ ngộ, nên tưởng hôm nay chắc chú ấy cũng giỡn chơi. Hòa Thượng dạy rằng: “Này Diệu Mãn, tiết trời lúc này đang mùa mưa, con về với Phật mùa này cũng ướt át lắm, thôi để 23 tết đưa ông Táo về trời, rồi con hãy đi luôn cho tiện.” Chú Diệu Mãn đáp: “Mô Phật, bạch Thầy, Thầy dạy như vậy, con xin vâng”.

Sau lần tác bạch ấy, đại chúng không nhắc gì thêm về việc ấy nữa. Cứ nghĩ tánh chú ngộ nghĩnh vậy mà. Chú Diệu Mãn trở lại công việc thường ngày, vẫn hoan hỷ, vẫn ngồ ngộ, vẫn quét chùa như ngày nào. Mọi người ai nấy dường như đã quên lời tác bạch của Chú Diệu Mãn hôm nao.

Thời gian thấm thoát trôi qua, đến ngày 23 tháng chạp gần Tết năm đó, giữa cái chộn rộn, xôn xao của những ngày cuối năm, quí huynh đệ đột nhiên thấy Chú Diệu Mãn thần sắc lạ hơn ngày thường, y áo chỉnh tề bước lên hậu Tổ, lễ Tổ xong rồi ngồi thế hoa sen chấp tay niệm Phật. Đại chúng ai nấy đều thấy lạ, và đâu đó trong tâm khảm của mỗi người đều cảm được một điều gì đó rất tôn nghiêm, rất kính cẩn. Tự dưng không ai còn khởi niệm đùa cợt trước thái độ của chú Diệu Mãn trong giờ phút ấy nữa. Chú thưa với đại chúng rằng : “Nhờ chư huynh đệ hoan hỷ thỉnh Hòa Thượng từ bi lên tụng cho Diệu Mãn thời Kinh tiếp dẫn”.

Quí Thầy hấp tấp chạy mau xuống thưa với Ôn Hòa Thượng, thỉnh Ôn lên hậu Tổ. Khi Ôn đã lên tới, chú Diệu Mãn chấp tay cung kính thưa: “Bạch Thầy, hồi trong năm con đã bạch Thầy cho con về với Phật, Thầy dạy lúc đó trời mưa quá không tiện đi, đợi cuối năm hãy đi. Nay đã là ngày 23 tháng Chạp, thời giờ đã đến. Con xin Thầy cùng đại chúng từ bi tụng Kinh tiếp dẫn cho con.”

Thời gian không gian lúc ấy dường như ngừng lại, mọi người từ Hòa Thượng xuống tất cả huynh đệ, tâm trạng ai ai cũng tràn đầy cảm xúc khó tả. Hòa Thượng xướng bản Kinh A Di Đà, đại chúng cùng hòa theo. Chú Diệu Mãn vẫn chấp tay an tọa nơi đó. Tụng xong bản Kinh, Hòa Thượng đến xem thì thấy Chú đã an tịnh ra đi tự lúc nào !

Chú Diệu Mãn đã an tường ra đi, ra đi biết trước giờ khắc. Ra đi giữa sự tiếp dẫn của Hòa Thượng Bổn Sư và các sư huynh, sư đệ. Ra đi giữa bổn nguyện trong Kinh A Di Đà, ra đi có định hướng. Ôi, Phật Pháp thật nhiệm mầu làm sao !

Chú Diệu Mãn ra đi nay đã hơn 70 năm, nếu đại chúng chưa đủ duyên lành, thì ngày nay tấm gương nhất tâm tu trì ấy, thế hệ mai sau đâu dễ gì được nghe Hòa Thượng trưởng lão Huyền Tôn kể lại. Chúng con xin thành tâm cảm niệm ân đức Hòa Thượng đã kể lại những mẫu chuyện chuyên tu chuyên hành như vậy, để đàn hậu tấn chúng con càng thêm vững bước trên con đường chấm dứt sinh tử luân hồi.

Trích Giữ Tâm Một Chỗ, Việc Gì Cũng Xong
TKN Thích Nữ Giác Anh

Gà Vãng Sanh [Video]

Gà Vãng SanhTrong cuốn băng thâu âm lời khai thị trong Phật Thất, pháp sư Đàm Hư có kể nhiều chuyện vãng sanh hiện thời. Ngài có nhắc tới chuyện một con gà trống vãng sanh. Khi pháp sư Đế Nhàn làm phương trượng chùa Đầu Đà, trong chùa có nuôi một con gà trống. Con gà trống ấy mỗi ngày đều theo đại chúng tụng kinh sớm tối, nó cũng theo đại chúng đến trai đường. Mọi người ăn cơm, cơm, rau rơi xuống đất nó đều nhặt ăn hết, ăn sạch sành sanh. Có một hôm lên tụng kinh, sau khi tụng kinh xong, mọi người đều rời khỏi, con gà trống ấy không đi. Thầy Hương Đăng xua nó đi: “Mọi người đi hết rồi, ta phải đóng cửa, ngươi hãy mau đi ra”. Con gà trống to ấy không đoái hoài tới thầy ấy, đi tới giữa đại điện, đứng ở đấy, nghển cổ nhìn tượng Phật, kêu ba tiếng, rồi đứng chết ngay ở đó. Pháp sư Đế Nhàn chiếu theo lễ tiết dành cho người xuất gia hỏa táng nó. Đây là chuyện súc sanh vãng sanh mà lão pháp sư Đàm Hư đích thân chứng kiến. Con người nếu chẳng khéo niệm Phật sẽ thua cả súc sanh! Công đức lợi ích vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới cái nói bất tận, quý vị hãy khéo nghe lời khai thị của Đàm lão pháp sư.

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong
Video giảng sư: ni sư thích nữ Như Lan

 

Khai Thị Của Một Vị Chân Tu Đã Đạt Bất Niệm Tự Niệm

Khai Thị Của Một Vị Chân Tu Đã Đạt Bất Niệm Tự NiệmTrong những pháp môn Phật dạy, tôi cả đời chuyên tâm nơi pháp môn Trì danh niệm Phật. Pháp tu niệm Phật có nhiều, trì niệm danh hiệu Phật là một trong những pháp niệm Phật. Đây là pháp môn dễ tu, dễ thực hành nhất, dễ thành tựu. Về chỗ thành tựu cũng như chỗ đạt được rất rõ ràng từng bước, từng nấc tiến, có thể diễn nói, có thể khắc nghĩa. Do cái rõ ràng mà người được nghe, người được biết, nghe cũng dễ mà biết đúng cũng dễ. Chỉ quan trọng là phải có lòng tin chân thật, chí nguyện vãng sanh chân thật và thực hành đúng pháp siêng năng. Được vậy, thì đã nắm vững ở pháp môn niệm Phật. Nếu lúc tu hành có sai cũng dễ nhận biết, làm đúng mình cũng tự biết, khi được mình cũng tự biết.