01 09 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Xin thưa thực là tất cả các pháp môn, các hạnh tu đều là sám hối hết, chứ không phải là đọc kinh Lương-Hoàng-Sám là sám hối, không phải ta đọc kinh Thủy-Sám là sám hối. Không phải!
Sám hối! Khi bước vào trong đạo tràng tu hành dù dưới hình thức nào cũng là sám hối. Tu là sửa đổi. Sám hối chính là sửa đổi những sai lầm của mình. Cho nên mình thấy rõ rệt rằng, những người mà thường chuyên sám hối, tốt hay xấu? Rất là tốt! Cần không? Rất là cần. Nhưng mà cuối cùng thì nghiệp họ diệt không nổi, và sau cùng rồi hình như là, không thấy một hiện tượng nào gọi là thoát vòng sanh tử. Không có một hiện tượng nào vãng sanh. Chính vì chủ trương diệt nghiệp thì nghiệp nó diệt mình, chủ trương đối đầu với nghiệp nên bị nghiệp đối đầu với mình. Nó đối đầu với mình tức là nó ứng hiện trước mặt mình, ứng hiện trước cái tâm của mình bắt mình phải đối trị với nó.
Cho nên, cách của người niệm Phật là không đối diện với nghiệp, mà đối diện với gì? Đối diện với A-Di-Đà Phật. Lạy A-Di-Đà Phật. Niệm A-Di-Đà Phật. Nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Trước mặt mình là A-Di-Đà Phật. Lúc lâm chung người ta đem tấm hình A-Di-Đà Phật đến trước mặt mình để cho mình nhìn. Rồi mình còn đi đâu? Đi về Tây Phương Cực Lạc chứ không phải đi diệt nghiệp. Đó là điều quan trọng vô cùng. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ trên bảng đó:
– Khéo giữ cái miệng không nói lỗi người.
– Khéo giữ cái thân không để mất luật nghi.
– Khéo giữ cái ý đừng có nghĩ tầm bậy tầm bạ.
Rõ ràng đây là sám hối. Chính như vậy là sám hối. Chứ không phải sám hối là đọc các bài sám hối lên. Không phải chúng ta cứ đọc: “Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp, giai do vô thỉ tham sân si…”. Không phải đọc cái câu đó là sám hối. Câu đó là nói cho mình biết tất cả đều do miệng nè, thân nè, ý nè sinh ra, tạo ra hết. Chúng ta phải khéo gìn giữ cái đó tức là sám hối. Cho nên phải cẩn thận. Một câu A-Di-Đà Phật tức là sám hối.
Tôi nhận được bài viết về Ngẫu-Ích đại sư. Chúng ta đi có kinh có điển hết. Chúng ta đi theo Tổ theo kinh hết. Ngài nói, “Người niệm Phật rất kiêng kỵ kẻ không có chủ trương”. Đây là lời của Tổ nói: “Nay vầy mai khác. Khi gặp nhà thuyết giáo thì muốn tầm chương trích cú, học luật, học kinh. Gặp người tu Thiền lại mong tham cứu thoại đầu, theo cơ phong chuyển ngữ. Gặp bậc Trì Luật thì thích ôm bát khất thực, tu hạnh đầu đà… Thế nên sự sự không rồi, điều điều chẳng trọn. Đâu biết rằng, khi câu Phật hiệu niệm được thuần thục thì ba tạng mười hai phần kinh đều gồm ở trong đó, một ngàn bảy trăm công án cơ quan hướng thượng đều ở trong đó, ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, tam tụ tịnh giới cũng ở trong đó”.
Tại vì người ta không tin, không vững lòng nơi câu A-Di-Đà Phật, nên mới đi tìm đầu này đi tìm đầu nọ. Vô tình bị xen tạp! Xen tạp là cái đại kỵ trong đường vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nên nhớ cho thật kỹ điểm này.
Chính vì thế, xin thưa là đừng bao giờ nghĩ rằng sám hối là đọc một cái bài kinh lên là sám hối. Đi vào đạo tràng, ngày đó là ngày tịnh khẩu, nếu mà ta thốt lên một lời nói chính là ta đã tạo nghiệp. Tại sao như vậy? Là tại vì ta không gìn giữ cái nghiệp của miệng, ta đã phạm giới. Phạm giới thì sao? Nhất định tuần sau ta không làm như vậy nữa, đó tức là sám hối, chứ không phải là đọc bài kinh sám hối đó mà tiếp tục tới đạo tràng cứ dùng thân-khẩu-ý phá hết những giới luật trong nhà chùa.
Ví dụ, như gặp một vị Sư, một vị Sư làm sai, ta nêu cái lỗi của vị Sư lên. Lúc không biết tu thì ta nêu sao nêu! Lúc đã biết đạo rồi nhất định đừng có nêu cái lỗi của vị Sư. Tại vì trong kinh Đại-Tập, Phật nói, “Mình nói một điều sai trái của một vị Sư giống như là sỉ vả vào mặt Phật vậy“! Câu này nặng lắm! Vị Sư đó làm sai, kệ họ. Họ có nhân quả của họ, không mắc mớ gì khi vị đó làm sai mà ta phải chịu xuống địa ngục! Đó gọi là sám hối.
Ví dụ, như một vị Thầy, khi mình nói họ sai, thì do cái ý chúng ta đã khởi cái niệm sai, mà khi nói cái sai của người ta thì cái thân chúng ta không kính trọng người đó. Tự nhiên từ một cái đó mà thân khẩu ý phạm hết. Như vậy thì ta sám hối có chục lần đi nữa, đọc cả vạn bài kinh đi nữa ta vẫn bị lỗi như thường.
Chính vì vậy mà khi ta biết được chuyện này, thực ra sám hối nằm ngay tại tâm này. Tâm gì? Tâm hiền lành chất phát, “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người. Khéo giữ thân nghiệp bất phạm oai nghi. Khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh vô nhiễm”. Cứ lấy đó mà làm, chính là sám hối của kinh Vô-Lượng-Thọ, chứ không phải là cầm bài kinh này đọc, cầm bài kinh kia đọc là sám hối. Nếu sơ ý chúng ta đi đến chỗ gọi là tạp tu.
Với pháp môn niệm Phật, bây giờ mình đang trì kinh A-Di-Đà, quý vị cứ đọc hoài kinh A-Di-Đà, đọc lên đọc xuống đọc cho thuộc lòng, thuộc lòng thì phải hiểu nghĩa. Mình coi, từ đầu chí cuối trong kinh A-Di-Đà, Phật có bao giờ nhắc đến hai chữ “Sám Hối” đâu? Phải không? Phật nhắc gì? Phải cố gắng nhiếp tâm niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn. Và gì nữa? Ngài nói bốn lần là phải nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
“Người nào mà nghe ta nói về A-Di-Đà Phật thì phải phát tâm tha thiết vãng sanh về đó”.
Ngài nói tới bốn lần nguyện vãng sanh. Không có chỗ nào Ngài nói sám hối hết. Tại sao như vậy? Tại vì nhiếp tâm niệm Phật là sám hối.
Để kết thúc, quý vị nghe những lời của ngài Ngẫu-Ích Đại Sư. Ngài nói thấm thía lắm! Cho nên chúng ta đi có kinh có điển. Chúng ta đi phải đúng đường, không nên đi sơ ý. Ngài nói:
– Người chân thật niệm Phật, buông bỏ cả thân tâm thế giới là đại bố thí.
Mình cứ tưởng đem một đồng bạc ra cho người này, đem một cái gì đó ra cho người kia là bố thí. Cái đó gọi là tiểu bố thí mà thôi. Cái tiểu bố thí đó mà nhập trong tâm rồi, thì nhất định vì cái bố thí này mà mình hưởng chút khen tặng, chút phước báu nào đó trong cõi Nhân-Thiên là cùng, không vượt qua tam giới. Mà người “Chân năng niệm Phật”, gọi là chân năng niệm Phật là chân thật và siêng năng niệm Phật, buông xả thân tâm thế giới, không nghĩ ngợi gì hết, lục đạo luân hồi đều buông xả hết, cạnh tranh ganh tỵ bỏ luôn… Đây là người đại bố thí. Tại vì sao? Tại vì người này khi về trên Tây Phương rồi thì họ cứu độ đến vô lượng vô biên chúng sanh. Trong hiện tại bây giờ người ta quyết tâm niệm Phật, thành tâm niệm Phật như vậy, xin thưa thực là trong vòng bốn mươi dặm chung quanh chúng sanh đều hưởng cái công đức của họ. Cái bố thí này lớn không tưởng tượng được, gọi là bố thí Ba-La-Mật.
– Niệm Phật không khởi tham sân si mạn là đại trì giới.
Chân năng niệm Phật bất khởi tham sân si mạn tức đại trì giới. Như vậy, rõ ràng người nhiếp tâm niệm Phật chính là người trì đủ tất cả các giới. Người tới đạo tràng đang niệm Phật muốn làm cái này, muốn làm cái nọ, động hết tâm người ta, hoàn toàn không trì giới gì cả! Mất hết rồi. Chính vì vậy mà thường thường người ta nói, “Thà khuấy mà đục vạn dòng sông cũng không được quyền động đến một người niệm Phật”. (Ninh động thiên giang thủy, bất động đạo nhân tâm). Khi mà người ta đang niệm Phật, mình la lên một tiếng: Làm động tâm người niệm Phật! Mình nói chuyện một tiếng: Động tâm người niệm Phật! Cho nên, tu hành mà không biết đường tu tự nhiên mình phá giới. Phá giới thì sao? Bây giờ mình phá giới, mình có sám hối cho mấy đi nữa thì cũng bị cái nạn này: Bao nhiêu công đức mình mất hết. Chính vì vậy mà mình phải biết đường đi rõ ràng, đừng nên sơ ý mà đi sai đường.
– Niệm Phật không quản nhân ngã thị phi là “Đại Nhẫn Nhục”. (Câu này là: Chân năng niệm Phật bất quản nhân ngã thị phi tức Đại Nhẫn Nhục).
– Niệm Phật không gián đoạn không tạp vọng là “Đại Tinh Tấn”.
– Niệm Phật không còn mộng tưởng thô tế là “Đại Thiền Định”.
– Niệm Phật không bị các pháp khác mê hoặc, lôi cuốn là “Đại Trí Huệ”.
Quý vị tưởng tượng đi, ngài Triệt-Ngộ Đại Sư nói: “Nhất cú Di Đà… Tam tạng kinh điển bao gồm trong một câu A-Di-Đà”. Như vậy thì pháp niệm Phật, từ trên tới Đẳng-Giác, xuống tới phàm phu như chúng ta, xuống tới các hàng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nữa… cũng là một câu A-Di-Đà Phật này mà thành Phật. Bây giờ mình cứ tưởng tượng thử, một sự sám hối nào mà có thể đưa một người từ cái hàng địa ngục lên tới Tây Phương thành Phật không?
Chuyện trong thiên hạ, có ngài Lương-Võ-Đế, bà thứ phi của Ngài chết. Chết biến thành súc sanh, Ngài phải nhờ cả hàng ngàn vị Tăng (là cao Tăng đắc đạo) tới lập ra đàn tràng, gọi là đàn tràng Lương-Hoàng-Sám để mà cứu độ người vợ. Cứu được đến đâu? Một cái năng lực vĩ đại như vậy, (Tại vì Ngài là một đế vương mà), cứu được lên một cảnh trời. Trong khi ngài Quan-Mục-Nữ niệm Phật có một ngày mà thôi, tất cả địa ngục sạch trơn. Mình coi cái năng lực nào lớn hơn?
Trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, Phật nói: “Dẫu cho một chúng sanh làm tội ngũ nghịch thập ác sẽ xuống dưới địa ngục, nhưng trước những giờ phút lâm chung có người nhắc nhở thành tâm sám hối”. Sám hối cách gì? Cũng là một câu A-Di-Đà Phật. Niệm một câu A-Di-Đà Phật ngài A-Xà-Vương-Thế vãng sanh về Tây Phương tới Thượng Phẩm Trung Sanh. Quý vị coi, cái năng lực của câu A-Di-Đà Phật nó mạnh như thế nào.
Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật nói: “Dẫu cho những người trong tam ác đạo nghe danh hiệu của Ta mà phát lòng tin tưởng nguyện vãng sanh về nước Ta, niệm đến mười niệm mà không được vãng sanh về Tây Phương, Ta thề không thành Phật”… Cho nên năng lực của câu A-Di-Đà Phật nó mạnh vô lượng vô biên. Chính vì thế mà cứu độ đến tất cả chúng sanh. Chưa có một pháp môn nào mà nói lên là cứu độ tất cả chúng sanh.
Xin chư vị đừng nên chao đảo tinh thần. Giữ một câu A-Di-Đà Phật nhất định ta sẽ thành tựu. Nếu không giữ câu A-Di-Đà Phật, xen kẽ những cái chuyện khác thì nhất định ta đây có niệm Phật cho mấy đi nữa cũng không được vãng sanh.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
31 08 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu đến quý đạo hữu bài viết về mẹ của anh Minh Triệu (hình bên trái). Điều đặc biệt là anh không phải là một người bình thường, mà anh đang mang một chứng bệnh teo cơ bắp toàn thân không cử động được. Nội dung bài viết thật cảm động với tấm lòng nhân hậu vô bờ bến của một người mẹ mà tác giả đã âu yếm gọi là “người đàn bà chung thuỷ duy nhất trên cõi đời”.
Tôi tỉnh thức sau một giấc ngủ hôn mê. Tôi hoang mang mất hết định hướng không gian và thời gian. Trong giây lát, tri thức tôi dần dần hồi phục để biết đây không phải là gian phòng quen thuộc của tôi. đọc tiếp ➝
31 08 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Mẹ là người Phụ nữ nông thôn thuộc xã hội cũ. Mẹ không biết chữ, không ăn chay, nhưng trong lòng Mẹ luôn hiện hữu hình bóng của đức Đại Từ Đại Bi Cứu khổ Cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.
Hồi tôi còn nhỏ, lúc đó làng tôi có rất nhiều người đến xin ăn, Mẹ tôi sắm sửa một ít thức ăn đem đến tận tay cho họ, tuy rằng không nhiều nhưng có thể cứu đói tạm thời. Thời gian trôi qua như vậy, nhà tôi trở thành nơi dừng chân của kẻ hành khất. Tôi còn nhớ, mùa đông năm ấy tuyết rơi trắng cả bầu trời, từng cơn gió lạnh thổi về buốt giá, một người phụ nữ dẫn con đi qua, người con vừa đói vừa lạnh, ngoài kia những bông tuyết vẫn rơi đều trên lá, cảnh vật như vô tình. Đến làng tôi, người phụ nữ kiệt sức ngồi tựa vào gốc cây bất động. Mẹ tôi đang ở nhà, bỗng nghe tiếng trẻ thơ từ gốc cây vọng lại, liền lật đật chạy đến chỗ có hai Mẹ con và đưa họ về nhà. Một tay Mẹ đốt cỏ sưởi ấm cho họ, một tay pha thuốc cho họ uống, mẹ còn tìm những bộ áo quần khô ấm cho họ mặc. Lúc đó có người hỏi mẹ tôi: “Bà làm như vậy là vì mục đích gì?” Mẹ trả lời ngay: “Không mục đích gì cả, tôi chỉ làm theo lương tâm mình mách bảo, có Bồ Tát Quán Thế Âm chứng giám là được”.
Sau năm 1958, kẻ ăn xin đã bớt đi rất nhiều, nhưng thay vào đó là những người thợ sửa nồi, sửa giày từng đoàn kéo đến làng tôi. Mỗi lần đến như vậy, họ đều mở sạp hàng ngay trước mặt nhà tôi. Có khi đến bữa cơm không có chỗ ăn cơm, họ liền vào nhà tôi ăn. Mẹ tôi tiếp khách như thế nào thì đối đãi với họ như thế ấy. Khi đó tôi còn nhỏ, chưa hiểu mô tê gì ráo, nhưng vì những việc như vậy mà tôi hay thầm trách Mẹ tôi.
Mẹ biết và nói với tôi: “Con à, chúng ta mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau, họ đều có nỗi khổ tâm riêng, nhất là những người phải xa nhà rày đây mai đó. Anh con cũng như họ, tha phương cầu thực, người khác giúp đỡ anh con, bây giờ mẹ giúp đỡ họ thì cũng chính như giúp đỡ gia đình mình vậy”.
Mọi người trong làng đều nói mẹ tôi có tấm lòng Bồ Tát. Những lời nói đó thật không ngoa chút nào. Mẹ tôi đối với lân lí xóm giềng, bất kể ai gặp khó khăn đều hết lòng giúp đỡ.
Ở thập niên 60, kinh tế trong làng gặp lúc túng quẫn, mọi người đói rách lầm than, mà nhà tôi được cái có mấy anh trai làm việc ở xa thường hay gửi tiền về nhà, nên kinh tế có phần đỡ hơn người khác. Tuy vậy, Mẹ tôi không dám ăn, không dám xài, đem tiền cho người ta mượn hết, đến lúc nhà cần tiền để xài thì trong tay không còn một đồng nào. Nhưng mẹ tôi thà tự xoay xở chứ không bao giờ đến nhà người ta đòi nợ, trong lòng luôn nghĩ mọi người đang gặp khó khăn hơn mình.
Ngoài ra, Mẹ còn dùng cây cỏ thuốc để chữa bệnh cho mọi người. Cứ đến mùa hè, bà con lối xóm đau đầu nghẹt mũi đều đến nhà tôi xin thuốc.
Mẹ dù rất bận rộn, nhưng vẫn dành thời gian đi nhổ cây cỏ thuốc, đem về rửa sạch và phân ra từng loại rồi chế biến thành thuốc chữa bệnh. Tôi thường giúp Mẹ giã và sao thuốc, giúp là giúp vậy chứ tôi chẳng biết thuốc gì là thuốc gì. Có một năm, ở nhà, tôi hỏi mẹ làm như thế để làm gì. Mẹ xoa đầu tôi nói: “Nói ra con cũng không hiểu đâu, làng trên xóm dưới cỏ cây đều khô trụi, lấy đâu ra thuốc mà uống?” May mà cuộc sống bây giờ điều kiện vệ sinh tốt, bệnh ghẻ lở bớt đi rất nhiều, hơn nữa bây giờ có thuốc tây rất công hiệu.
Mẹ ở nhà thường hay hỏi nhà nào gặp khó khăn, ai khổ đau, ai lầm lỡ, trên gương mặt Mẹ lúc nào cũng biểu hiện sự lo âu, khắc khoải. Mãi cho đến bây giờ hình ảnh ấy vẫn còn khắc sâu trong đầu tôi. Mẹ làm như cuộc đời này tất cả nỗi khổ của người khác đều do Mẹ tạo ra! Mỗi lần nói xong một câu gì Mẹ đều niệm Nam Mô A Di Đà Phật hoặc Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi còn nhớ, ở thời kỳ “Văn Cách”, Mẹ thường nói với mấy anh em tôi: “Bây giờ là thời loạn, xấu tốt bất phân, các con nên làm việc thiện cho nhiều, tuyệt đối không làm kẻ ác nhân, làm ác nhân sau này ắt sẽ gặp ác báo”. Nhờ chúng tôi biết phận nên cũng chưa làm gì xấu xa, nếu không, Mẹ tôi ở dưới cửu tuyền sẽ không yên lòng.
Mẹ không hiểu Phật pháp nhiều, không biết thiền, chỉ biết niệm Quán Âm Bồ Tát và A Di Đà Phật. Nhưng bà ngoại thì khác, bà là người đọc qua nhiều sách, thiên văn, địa lý cổ kim đều thông, đồng thời là người hướng Phật “Hành sở ứng hành, thọ sở ứng thọ, chư ác bất tác, chúng thiện phụng hành”. Mẹ tôi lúc nhỏ đã chịu ảnh hưởng của bà ngoại về đối nhân xử thế.
Sau này tôi nghe Mẹ tôi kể rất nhiều về những mẩu chuyện thiện ác nhân quả báo ứng, những câu chuyện này thời ấu thơ mẹ tôi nghe bà ngoại kể, vì thế mẹ thường nói với chúng tôi: “Phàm làm việc gì phải ngay thẳng vô tư, làm hết lòng bằng chính lương tâm của mình. Đừng bao giờ cho rằng người khác không biết việc của mình làm, tuy rằng có thể họ không biết, nhưng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát biết”.
Anh em tôi có ngày hôm nay là nhờ mẹ tảo tần hôm sớm nuôi nấng dạy dỗ. Ba tôi thì một đời lam lũ, là người nông dân hiền lành chất phác, chỉ biết an phận thủ thường. Mẹ tôi trừ việc lao động chân tay, còn giáo dưỡng chúng tôi trưởng thành. Mẹ không biết chữ, nên trong cuộc đời đã chịu nhiều cay đắng.
Vì vậy, Mẹ quyết tâm cho chúng tôi học hành đến nơi đến chốn. Cũng vì việc học của anh em chúng tôi mà mẹ phải bán đất bán ruộng không một chút do dự nào, nhưng nhà tôi ruộng đất chẳng là bao nên Mẹ phải thức thâu đêm để may vá kiếm thêm tiền nuôi chúng tôi ăn học. Mỗi khi mùa đông đến thì tiếng cọc cạch của chiếc máy may cũ kỹ trong nhà tôi không bao giờ ngừng nghỉ. May mà sau này xã hội thay đổi, nếu không anh em tôi có thể sẽ không được đến trường đến lớp.
Tôi nhớ, hồi còn đi học, Mẹ sợ chúng tôi thi không được lên lớp, nên mỗi khi kỳ thi đến, tôi thấy mẹ đối trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đốt hương lâm râm cầu nguyện, mong sao cho chúng tôi vượt qua kỳ thi dễ dàng. Lúc đó tôi còn nói với mẹ mê tín như vậy thì được ích gì, mẹ liền mắng tôi: “Đừng nói tầm bậy! Tâm thành tắc linh. Con nói không có ích gì, vậy tại sao có người học giỏi nhưng thi rớt lên rớt xuống? Con không tin thì thôi, chứ Mẹ thì tin lắm!” Nói ra cũng lạ, tôi học thì dốt đặc cán mai, mà hồi đó từ cấp Ι thi lên cấp ΙΙ rất khó, từ cấp ΙΙ lên cấp ΙΙΙ càng khó hơn. Toàn huyện chỉ có một hai trường cấp ΙΙΙ, mỗi trường chỉ lấy có hai lớp, nhưng tôi may mắn được lọt vào một trong hai trường đó, đây có lẽ là lời cầu nguyện của Mẹ tôi đã làm động lòng đến trời cao?
Mẹ xa chúng tôi đã tám năm, thọ 88 tuổi. Mẹ ra đi thật nhẹ nhàng, chẳng đau ốm gì. Ngày nay, lúc nào nhớ Mẹ, tôi đem chuyện Quán Thế Âm Bồ Tát và Mẹ kể cho con mình nghe. Bây giờ nghĩ kỹ lại, những việc làm của Mẹ tôi lúc còn tại thế hình như phảng phất đâu đó hình bóng của đức Quán Thế Âm. Mẹ tuy mù mờ về Phật pháp, nhưng trong lòng Mẹ luôn nghĩ về điều thiện, cho nên những việc Mẹ làm vừa phù hợp với Phật lý, vừa thắm đượm tình người. Đây gọi là “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”; đồng thời cũng chính là nguyên nhân để chúng tôi nhớ sâu sắc về Mẹ.
Thiên Trúc, mùa Vu Lan 2010
Thiện Long – Hàn Long Ẩn dịch
31 08 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Có một cô bé vì làm quấy nên bị mẹ quở mắng, cô cãi lại mẹ rồi tức giận bỏ nhà ra đi. Cô đi lang thang từ sáng đến tối mà chẳng biết về đâu, bụng đói meo vì không có gì bỏ vào cả, trong túi của cô cũng chẳng có tiền.
Đến gần tối mà cô bé vẫn còn lang thang trên phố. Nhìn vào nhà ở hai bên vệ đường, thấy mọi người quây quần bên bữa cơm tối, tiếng cười nói vui vẻ khiến cho cô càng buồn bã thêm. Bữa cơm gia đình đủ mặt những người thân thật ấm cúng biết chừng nào. Giá như không bỏ nhà ra đi thì giờ này cô đang ngồi ăn tối ở nhà cùng ba mẹ và anh chị em. Nghĩ đến đây cô bật khóc.
Cô bé đi ngang qua một xe mì gõ, nghe mùi thơm phưng phức, bụng cô càng đói cồn cào, chân đang bước bỗng chùn lại. Bác bán mì thấy cô bé mặt mũi tèm lem đứng trước xe mì trông có vẻ đang thèm thuồng lắm. Bác gọi cô lại và hỏi:
– Cháu muốn ăn mì phải không?
Cô bé e dè đáp:
– Vâng, cháu đang đói lắm. Nhưng cháu không có tiền.
Bác bán mì tỏ ra thông cảm:
– Không sao đâu. Bác đãi cháu, cháu hãy vào ngồi đi.
Bụng đang đói, cô bé bưng tô mì ăn ngấu nghiến một cách ngon lành. Ăn xong, cô đứng lên cúi đầu chào bác bán mì và nói lời cảm ơn. Không kiềm được xúc động, cô bé khóc tức tưởi:
– Cháu cảm ơn bác! Bác thật là một người tốt. Bác với cháu không quen biết mà bác lại đối xử với cháu tốt như thế, chẳng như mẹ cháu là người thân của cháu mà lại không thương cháu.
Bác bán mì xoa đầu cô bé nói:
– Cháu không nên nói như thế. Bác chỉ cho cháu một tô mì thôi mà cháu đã cảm kích đến như vậy, trong khi đó mẹ cháu đã cho cháu cả cuộc đời mà cháu không biết ơn của mẹ. Mẹ đã sinh ra cháu, nuôi dưỡng và dạy dỗ cháu, công lao ấy to lớn biết chừng nào, vậy mà chỉ vì một lúc dỗi hờn cháu đã bỏ mẹ mà đi.
Nghe đến đây cô bé bật khóc nức nở:
– Cháu thật vô tâm! Cháu có lỗi với mẹ nhiều lắm.
Cô bé nghĩ, chắc mẹ đang tìm kiếm cô khắp nơi, không gặp cô chắc mẹ lo lắng lắm. Cô vội chào bác bán mì và chạy mau về nhà để nói với mẹ lời xin lỗi.
Về đến nhà, cô đã thấy mẹ đứng trước cổng chờ cô. Vừa trông thấy con, bà hết sức mừng rỡ chạy đến ôm cô vào lòng và khóc:
– Từ sáng đến giờ con đi đâu để mẹ tìm khắp nơi mà không gặp. Con có biết mẹ lo lắng lắm không?
Cô bé òa lên khóc và nói lời xin lỗi mẹ:
– Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ! Từ nay con sẽ vâng lời mẹ. (Kể theo Cửa sổ tâm hồn)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Cha mẹ là người có công ơn to lớn đối với chúng ta, là người gần gũi, thân thiết và yêu thương chúng ta hơn ai hết. Cha mẹ đã sinh thành, nuôi khôn lớn và dạy dỗ chúng ta nên người, biết bao công lao khó nhọc không thể kể hết. Nếu không có cha mẹ làm sao chúng ta có mặt trên cuộc đời này.
Thế mà vì những giận hờn nông nổi, có người đã phủi ơn cha mẹ một cách mau chóng, hoặc vì chạy theo bóng sắc, tiền tài mà lắm người quên bỏ cha mẹ của mình. Không ít những đứa con chỉ vì không được cha mẹ chìu lòng hoặc bị cha mẹ rầy la quở trách mà tự vẫn hay bỏ nhà đi hoang, ôm niềm oán hận cha mẹ. Không ít những đứa con vô tâm chỉ biết làm cho cha mẹ lo lắng, buồn khổ bằng những hành vi sai trái như lười biếng học hành, tập tành ăn chơi hưởng thụ, sống đua đòi theo chúng bạn… Nhưng dù con ngoan hay hư hỏng thì cha mẹ vẫn dành cho con sự bao dung và thương yêu vô bờ.
Khi có ai đó dành cho ta tình cảm tốt đẹp hoặc giúp đỡ ta điều gì, ta hết sức cảm kích và tỏ lòng biết ơn. Nhưng công ơn cha mẹ đối với ta như trời cao biển rộng thì ta lại không để ý. Mấy ai tự xét lại mình đã làm được những gì để đáp đền công ơn cha mẹ. Mình đã làm gì cho cha mẹ được vui? Mình đã làm gì để cha mẹ tự hào? Mình đã quan tâm chăm sóc cha mẹ chu đáo về đời sống vật chất lẫn tinh thần hay chưa?
Chỉ khi làm cha mẹ, chúng ta mới hiểu hết tình thương yêu và những vất vả nhọc nhằn của cha mẹ. Cho nên Đức Phật dạy, muốn báo hiếu cho cha mẹ đầy đủ và ý nghĩa nhất thì ngoài việc kính yêu, hết lòng chăm lo phụng dưỡng cha mẹ, chúng ta cần phải biết hướng cha mẹ làm điều lành, kính tin Tam bảo, tu tập Chánh pháp để tạo an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, có như thế mới mong đáp đền công ơn cha mẹ.
Phan Minh Đức
287/398Đầu«...10...286287288...290...»Cuối
Các Phúc Đáp Gần Đây