22 08 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Trong đời chúng ta làm gì thì sau cùng đến giờ phút trước khi xả bỏ báo thân, những hành nghiệp đó lần lượt hiện lại trong tâm chúng ta hết. Những ngày giờ trước khi xả bỏ báo thân, nghiệp ác hiện ra, nghiệp lành hiện ra. Có lúc tâm ta giống như một vị Thánh, tại vì có lúc chúng ta hiền như một vị Phật, cũng hiện ra. Có lúc chúng ta dữ, người ta nói dữ như quỷ, cũng hiện ra luôn. Chư Tổ nói, lúc đó giống như một cuộn phim, nó quay những hành nghiệp. Nghiệp của chúng ta đều có thể hiện lại hết. Vì một đời tạo tác rất nhiều, mà nó dồn lại chỉ trong những ngày tháng cuối cùng, làm cho cái tâm của người ra đi thường bị loạn, bị mê, bị rối lên, người ta không còn tỉnh táo được nữa. Cho nên, một người trước những giờ phút lâm chung mà ở những chỗ hẻo lánh, hoặc những nơi không có người biết đạo ở bên cạnh để nhắc nhở, thì thật sự là tội nghiệp cho họ! Nghiệp chướng tiếp tục hiện ra: lúc hiền, lúc dữ, lúc ma, lúc Phật, lúc ác, lúc thánh thiện… nó quần cái tâm đến điên đảo! Sau cùng họ đành phải xuôi tay đi theo nghiệp nào lớn nhất.
Trong thời mạt pháp này nghiệp ác, nghiệp tam đồ của chúng sanh lớn nhất, nên thường thường khi họ ra đi nếu không bị địa ngục thì cũng vướng nạn ngạ quỷ, không vướng nạn ngạ quỷ thì cũng vướng phải cái hàng bàng sanh. Thật sự là tội nghiệp cho chúng sanh trong thời này! Nếu trong trường hợp đó mà có người biết hộ niệm đến, thì thường thường họ hóa giải được rất nhiều những ách nạn cho người bệnh, vì người biết hộ niệm họ đã biết trước những hiện tượng này. Thường khi khoảng 2-3 tháng trước khi xả bỏ báo thân, hầu hết những người lâm chung đã có những hiện tượng này mà hầu như gia đình không hay.
Ngày hôm qua đang đứng nói chuyện với chư vị, có nhắc tới một người ở Long Khánh. Hôm nay Diệu Âm nhớ lại chuyện này, xin kể cho quý vị nghe.
Bà Cụ đó nằm trên giường bệnh đã hơn một năm rưỡi, không đi được. Con cái thì chỉ biết tu chút chút, kiến thức về hộ niệm rất là yếu. Ở đó cũng có một ban hộ niệm, nhưng họ rất yếu, chưa vững. Khoảng thời gian năm 2003-2004 sự hộ niệm còn rất yếu. Người ta cứ nghe đến hộ niệm thì tới hộ niệm, nhưng không biết làm sao để khai thị, cũng không biết làm sao hóa gỡ những điều khó khăn. Người con của bà Cụ cũng có mời ban hộ niệm. Người hộ niệm tới khuyên bà Cụ niệm Phật, nhưng bà Cụ không nghe. Không những thế, cứ mỗi lần tới niệm Phật thì bà Cụ lại la làng la xóm lên. Bà chửi!…
– Mấy người muốn tôi chết… nên tới niệm Phật cho tôi chết…
Người con để bà Cụ nằm một mình trong một căn nhà rất nhỏ, heo hút. Thường thường đến khoảng nửa đêm thì bà hét la vang làng vang xóm!… Bà la thất kinh hồn vía!… Những người con tưởng bà Cụ là người khó chịu, thường trách bà Cụ rằng, nghiệp chướng đã sâu nặng, tuổi đã già rồi… mà còn khó chịu, không chịu nằm im! Vì rõ ràng, mỗi lần tới hộ niệm bà đều la, người hộ niệm về rồi bà cũng la, để bà ngủ trong nhà một mình cho yên lặng bà cũng la… Con cái không biết, nên cứ nghĩ rằng bà Cụ quá khó chịu!
Có một dịp Diệu Âm ghé ngang tới đó, thì cô con gái tới nói với tôi, ”Anh Năm ơi! Làm sao tới cứu mẹ em“.
Khi nghe diễn tả cảnh ngộ như vậy… Nghe người con gái nói chuyện, tôi cũng đã hiểu được chút chút, thấy được phần nào rồi. Sau bữa đó Diệu Âm đi tới thăm bà Cụ. Trước khi thăm bà Cụ, Tôi tới nói chuyện với người con gái trước. Tôi nói chuyện với người con gái hơn 2 tiếng đồng hồ và dặn dò người con gái phải làm gì… làm gì… để cho bà Cụ có thể khỏi bị ách nạn đó.
Tôi giảng giải rằng coi chừng nữa đêm bà Cụ la như vậy chưa chắc gì là Cụ khó chịu đâu, mà coi chừng bà Cụ bị khủng hoảng, bị sợ hải! Tại vì thường thường những người trước những năm tháng sắp chết, thì những cái nghiệp, gọi là hành nghiệp, nó hiện về: lúc ác, lúc thiện, lúc đen, lúc trắng, lúc vui, lúc buồn… đủ thứ hết. Bên cạnh đó thì oan gia trái chủ họ thường tùng theo đó mà hù dọa nữa, làm cho bà Cụ hoảng kinh hồn vía, thất đởm kinh hồn!
Những người không có kiến thức về hộ niệm thường thường bị vướng nạn này: nạn hãi kinh, hoảng sợ!… Hoảng sợ đến nỗi khi tắt hơi rồi thì tay chân thường co rút lại, và khoảng chừng một tiếng đồng hồ sau thì tái xanh liền, trông người đó thấy dễ sợ lắm! Khuôn mặt của họ trông vào không thể nào an lành được! Dù có vuốt có xoa gì đi nữa cũng không có thể tự nhiên được và thân xác sẽ cứng đơ liền!
Còn trong trường hợp đó nếu gặp được những người biết hộ niệm tới khai giải, giúp đỡ, gỡ rối những chuyện đó, thì tự nhiên họ an lòng.
Ví dụ như ngày thứ bảy này mình đi hộ niệm cho ông Cụ. Thật ra ông Cụ này đâu có gì đâu mà phải hộ niệm? Ông Cụ còn tỉnh queo mà… còn ngồi nói chuyện được mà… Nhưng thực ra những buổi hộ niệm này mới đúng thực sự là hộ niệm. Phải dẫn giải cho họ, giải quyết cho họ, giải lần giải lần, mỗi bữa giải một chút. Sau 2-3 bữa thì bắt đầu nói những chuyện này ra, để cho người ta chuẩn bị. Chuẩn bị cái gì? Ví dụ như nửa đêm mà thấy có những hiện tượng giống như là ác mộng xảy ra, thì nói với người con tới cầm tay người Cha, an ủi người Cha và nói:
“Cha yên lòng đi, con đang hộ niệm cho Cha đây, con niệm Phật cho Cha đây”.
Và nhắc nhở cho người đó biết là:
“Nếu mà Cha, nếu mà Mẹ quyết lòng thành tâm niệm Phật thì thường có 25 vị Bồ-Tát bảo vệ cho Mẹ, thường có chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ cho Mẹ…”.
Khi người đó vững lòng tin như vậy, khi đã phát tâm chân thành niệm Phật, thì dù người ta ở một mình đi nữa, họ cứ nghĩ rằng bên cạnh họ đang có quang minh của Phật che chở, đang có chư vị Bồ-Tát phóng quang gia trì, đang có chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ, họ thấy rằng không bao giờ bị đơn lẻ một mình, thì tự nhiên họ yên tâm, vững dạ…
Chính người niệm Phật cũng vậy, khi ta quyết lòng niệm Phật, ví dụ nếu nghe người ta nói: Trời ơi!… Tại chỗ đó có “Ma” nhiều lắm! Có ách nạn gì đó ghê lắm! Hiện tượng gì đó ghê lắm! Đối với một người thực sự biết niệm Phật, họ vẫn vững lòng đi qua chỗ đó tỉnh bơ, không sao hết. Nhưng một người không tin vào câu A-Di-Đà Phật, lòng tin chưa vững, tự nhiên họ cảm thấy lo sợ, tâm hồn chập chờn! Đi ngang có con chim, con gì đó… vừa mới rục rịch trong bụi thì hồn vía họ lên mây!… Giật mình ù té bỏ chạy! Tâm hồn hải kinh!… Chính vì vậy, nếu người biết được sự hộ niệm thì cái phước phần này không dễ gì tìm được đâu?
Ở trong bệnh viện tâm thần, khi họ thấy người đó hét la hay là trợn mắt, giật mình, nửa đêm la hét là họ tới chích một mũi thuốc là xong, đơn giản. chích mũi thuốc gì? Mũi thuốc an thần cho ngủ ngon. Cái thân thì ngủ ngon thật đó… Nhưng cái tâm của họ đang chới với trong những cảnh giới hãi hùng mà không ai hay biết!…
Có nhiều người không biết về hộ niệm, cứ tưởng hộ niệm là sự thăm lom! Những người thế gian đến thăm người bệnh, thì:
– Càng thăm người bệnh càng sợ!
– Càng thăm người bệnh càng lo!
– Càng thăm người bệnh càng hãi kinh!
Tại vì sao?… Vì người bệnh đó đang sợ mà người ta còn nói những chuyện sợ cho họ nghe nữa! Người bệnh đó đang buồn không biết lúc chết rồi mình sẽ sao đây!… Người thăm lại buồn, lại khóc, lại gợi lên cảnh não nề sanh tử biệt ly nữa! Tất cả những hiện tượng bất tường đó đổ dồn cho người bệnh, làm cho người bệnh hứng chịu những cảnh đau khổ vô cùng!
Nhìn xem, những người hộ niệm đến thường thường họ làm gì? Ví dụ, như chúng ta đây, là người thân, là người bệnh… nếu đêm đêm hay thấy cái này cái nọ… xin chư vị đừng lo, hãy nhiếp tâm lại niệm Phật, đừng nên sợ hãi gì cả.
Trong cuốn “Khuyên Người Niệm Phật” Diệu Âm nói với “Ông Già” như vầy, nếu nửa đêm Cha gặp cơn ác mộng, Cha gặp ma, gặp quỷ hay cái gì đó… Cha cứ niệm Phật đi, thành tâm chắp tay lại niệm một câu: “Nam Mô A-Di-Đà Phật”, thì tự nhiên những hiện tượng đó sẽ chao đảo. Nếu nó không chao đảo, Cha niệm một tiếng nữa đi: “A… Di… Đà… Phật”… thì nó cũng phải lui, nếu không lui thì 3 tiếng bắt buộc chúng cũng phải lui, vì Cha đã được quang minh của Phật che chở, có chư vị Thiên-Long Hộ-Pháp che chở, có chư vị Bồ-Tát bảo vệ. Vì thế, không sao hết, cứ vững lòng đi.
Thế thì, hộ niệm là gì? Hộ niệm không phải chỉ tới an ủi người bệnh, mà hộ niệm là dạy cho người bệnh biết cách thoát ra những cảnh đó. Rõ ràng chắc chắn như vậy.
Khi chúng ta biết được những vấn đề này rồi, mình cảm thấy sung sướng lắm! Khi ta nằm xuống, dù bệnh chưa có gì là nặng, mới bệnh sơ sơ thôi, thì người hộ niệm đã tới thăm hỏi, người hộ niệm đã tới chỉ dẫn cho chúng ta rồi. Khi nằm mơ màng thấy gì đó… À! Thấy Ông Nội mình về, Cha mình về, hay những người thân đã quá cố… họ cứ về an ủi, chỉ vẽ!… Ta biết liền!… Nếu là người không biết đạo, họ thích hiện tượng này lắm! Thích Cha Mẹ mình về bảo vệ!… Còn người đã niệm Phật, rõ đạo lý, thì hầu như đã biết rồi… Hãy chắp tay lại, niệm:
“Nam Mô A-Di-Đà Phật,
Xin chư vị hãy phát tâm niệm Phật cầu về Tây Phương. Tôi không biết giữa tôi và chư vị có duyên như thế nào? Nếu là duyên lành, thì xin chư vị hãy hộ pháp cho tôi, để chúng ta cùng nhau về Tây Phương thành đạo. Nếu là duyên ác, tôi xin thành tâm sám hối với tất cả chư vị. Tại những lúc mê muội, tôi đã lỡ lầm rồi. Bây giờ tôi quyết lòng niệm Phật cầu về Tây Phương. Tôi về Tây phương rồi tôi quyết sẽ trở về đây cứu độ chư vị. Xin chư vị hãy phát lòng niệm Phật, đừng nên báo hại tôi nữa”.
Mình thành tâm nói như vậy. Còn gì nữa? Người hộ niệm cũng thành tâm giảng cho chư vị biết những điều này. Thường thường nếu mình lo trước, thì những chuyện này chỉ cần một lần, hai lần khấn cầu như vậy là có thể giải tỏa hết. Hay lắm! Và sau đó người bệnh được an nhiên tự tại.
Cho nên khi đã biết rõ được phương pháp hộ niệm này, xin thưa rằng, chúng ta đang ở trên con đường vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, chắc rằng sẽ hoàn toàn khác với những người có tu nhưng mà không biết sự hộ niệm!…
Nên nhớ cho, vì tu trong một đời này cái công phu tu hành yếu quá, công đức ít quá so với nghiệp nhân và tội ác mà chúng ta đã gây ra cho chúng sanh trong vô lượng kiếp. Công đức yếu nên không bù đắp được cho họ. Còn tệ hơn nữa, chúng ta tu hành mà nhiều khi quên hồi hướng cho họ. Chính vì lẽ này, mà sau cùng những oán thân trái chủ họ tràn tới bao vây đòi nợ, nghiệp báo bủa vây chung quanh và bắt đầu nó quần… nó quần riết… rồi những cái nghiệp nào lớn nhất, (thường thường là cái nghiệp tam đồ), nó hiển hiện ra… Bên cạnh đó oan gia trái chủ thì tạo cho ta duyên với những cái nhân chủng trong tam đồ, họ kéo chúng ta xuống trong những cảnh giới xấu đó để trả thù.
Biết được những điều này, khi tu hành ta cố gắng tập buông xả cho nhiều để cho tâm của chúng ta đừng vướng tới cái nghiệp của tam đồ, và niệm Phật phải thành tâm, cố gắng lập công khóa niệm Phật nhiều hơn nữa để cho nghiệp chúng ta càng tiêu đi, đem công đức hồi hướng cho pháp giới chúng sanh để cho sau cùng chúng ta được các Ngài thông cảm hộ trì.
Có ban hộ niệm thì chắc rằng chúng ta vững tâm hơn để được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
20 08 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Yếu vô phiền não, yếu vô sầu
Bổn phận tùy duyên, mạc cưỡng Cầu
Vô ích ngữ ngôn, hựu khai khẩu
Vô can kỷ sự, thiểu đương đầu.
Bài thơ này gói trọn cả một lời khai thị tuyệt vời giúp cho chúng ta giữ tâm an tịnh.
“Yếu vô phiền não”. Yếu là chính yếu, là quan yếu, là cái điều quan trọng nhất. Vô là không. Yếu vô phiền não là cái điều quan trọng là làm sao cho cái tâm của chúng ta đừng có phiền não. Tại vì mình nhớ cái tâm phiền não thì sau cùng mình bị phiền não. Cái tâm mình vui thì sau cùng mình vui. Cho nên đúng lời chư Tổ nói: “Yếu Vô Phiền Não, Yếu Vô Sầu“. Điều chính yếu là đừng để cái tâm mình sầu bi. Đạo Phật là đạo LY KHỔ ĐẮC LẠC. Khổ là sầu khổ, là phiền não. Phải tự mình ly cái này ra.
Như vậy: Gặp một cảnh giới nào mà chúng ta sợ nay không sợ. Gặp một cảnh trạng nào mình buồn nay nhất định đừng buồn. Tất cả những cái đó đừng để nó chui vào trong tâm. “Yếu Vô Phiền Não Yếu Vô Sầu“, hay vô cùng!
“Bổn phận tùy duyên, mạc cưỡng Cầu“. Khi mình làm một việc gì lúc nào cũng coi có thuận duyên hay không? Nếu thuận duyên thì làm, không thuận duyên thì niệm Phật, chớ nên ráng sức quá đáng, vì khi ráng sức quá đáng, khi làm việc gì ngoài bổn phận của mình thường thường tạo ra phiền não. Cho nên bổn phận phải tùy duyên.
Ví dụ: Cái việc làm đó là việc làm của một người khác, nếu người ta nhờ mình hổ trợ giúp đỡ, mình sẵn sàng giúp đỡ giúp đỡ. Được thì giúp đỡ, không được thì cũng vui vẻ, đừng nên chấp vào đó mà sinh ra phiền não. Chữ “Mạc” là chẳng. “Mạc cưỡng cầu” là đừng nên cưỡng cầu, thì tự nhiên cái tâm nó an tịnh. Hay lắm câu này nếu giải ra cho thật là sâu sắc… Hay lắm! Một buổi này giải không hết đâu.
“Vô ích ngữ ngôn hựu khai khẩu”. câu này cũng thật sự là hay! Tổ nào cũng nói như vậy hết. “Vô ích ngữ ngôn” là những lời nói gì vô ích. “Hựu” là chẳng, đừng… đừng có nói, đừng “Khai khẩu”. Vô trong đạo tràng khi muốn nói một câu gì mà thấy rằng câu nói này vô ích… thì đừng nói.
Chính vì vậy, những đạo tràng trang nghiêm thường thường chư Tổ nhắc nhở rằng, nói chuyện thì bỏ đi, đọc kinh thì bớt lại, còn niệm Phật thì nhiều thêm một chút. Những đạo tràng trang nghiêm thường thường có tổ chức những ngày tịnh khẩu, tại vì tịnh khẩu như vậy tức là “Hựu khai khẩu“, là đừng có khai khẩu. Khai là mở, khẩu là miệng, đừng mở miệng ra nói. Nhờ vậy mà tránh bớt những chuyện thị phi, chấp trước, nói người này xấu người kia tốt, nói những chuyện của thế gian ra… Chính những cái chuyện của thế gian này nó trói chúng ta lại, nó trói riết… nó trói riết, nó trói đến lúc nằm xuống rồi thì gặp toàn là những chuyện đó. Tất cả đều do chính cái tâm của mình đã làm sai, để chính mình chịu chứ không ai chịu cả. “Vô ích Ngữ Ngôn” là những ngôn ngữ, lời nói vô ích, không có ích sự gì, không có giúp ích cho mình trên con đường vãng sanh thì đừng nên nói.
“Vô can kỷ sự thiểu đương đầu“. “Vô can” là không có can hệ; “Kỷ sự” là chuyện của mình. Chuyện mình là quét nhà, chuyện của người ta là nhổ cỏ. Người ta có nhổ cỏ mà sót cũng kệ người ta. Mình quét nhà cứ lo quét nhà, còn người ta nhổ cỏ thì để người ta nhổ cỏ, không mắc mớ chi lại ra chỉ dạy người ta nhổ cỏ, vì cái chuyện nhổ cỏ không phải là cái chuyện quét nhà của mình.
Mình là người niệm Phật, người ta là Karaoke. Karaoke thì kệ người ta, karaoke đâu có liên quan gì tới chuyện niệm Phật, đâu mắc mớ gì mình lại chen vô. Cho nên “Vô Can” là vô can hệ. “Vô can kỷ Sự” là những chuyện gì những điều gì không có liên quan tới mình. “Thiểu Đương Đầu” là giảm bớt lại, nói chung là đừng có đương đầu, đừng có xen vô.
Đây gọi là châm ngôn, những khai thị của các vị Tổ nhắc nhở cho chúng ta giữ cái tâm thanh tịnh. Mình giữ cái tâm mình thanh tịnh, an lạc, vui vẻ, hòa nhã, thoải mái, không sợ không sệt, không buồn, không lo… thì khi chúng ta nằm xuống những cái tập khí vui vẻ, an lạc, thoải mái, không sợ chết, thích về Tây Phương, thương yêu mọi người cũng thoải mái tự nhiên ứng hiện về. Những người như vậy có niệm Phật, lại được hộ niệm rất dễ vãng sanh. Còn nếu sơ ý cứ tham chấp vào, cứ để những phiền não, ưu sầu, nào là lộn xộn, thị phi… nó nhập vào tâm của mình, lúc đó dù có hộ niệm cũng khó được vãng sanh!
Đây là những lời của chư Tổ khai thị để cho chúng ta lấy đó làm kim chỉ nam. Nhất là, phải “Y Giáo Phụng Hành” để một đời này được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
18 08 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Thường thường chúng tôi hay nói, “Tu” là bắt đầu từ đây tu thẳng cho đến ngày chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, chứ không phải tu là trở về trong quá khứ, nhớ đến những lỗi lầm của mình. Tại vì:
– Nhớ đến cái lỗi của mình thì mình khổ!
– Nhớ đến những cái lỗi của mình thì thấy mình có lỗi!
– Nhớ những cái lỗi của mình thì mình đau khổ vì những cái nghiệp đó.
– Và đó là cái Duyên làm cho những cái nghiệp đó nó hiển hiện về và bắt ta phải hưởng cái hậu quả, tức là cái quả báo của nghiệp đó, vô tình ta cứ bị lăn lộn trong cái “Nghiệp Nhân Quả Báo” mà không thoát được!
Trong khi pháp môn niệm Phật là gì? Phật cho chúng ta gói những cái nghiệp đó lại. Gói bằng cách nào?
– Khi buồn hãy cất tiếng niệm Phật lên.
– Khi nhớ tới nghiệp thì hãy cất tiếng niệm Phật lên.
Giận gì đi nữa cũng phải cất tiếng niệm Phật lên. Luôn luôn nhiếp tâm vào câu A-Di-Đà Phật, chứ không phải luôn luôn nhớ tới cái lỗi của mình, tại vì nhớ tới cái lỗi của mình thì rất là nguy hiểm cho người ĐỚI NGHIỆP VÃNG SANH. Còn nếu chúng ta là người tu tự lực thì có quyền nhớ, tại vì nhớ nghiệp thì mình mới cố gắng diệt nghiệp. Nghĩa là lăn xả vào chuyện đấu tranh diệt nghiệp, gọi là ĐOẠN HOẶC CHỨNG CHƠN. Tự họ phải đi lấy. Đó là “Đường Tự Lực”. Còn ta là “Đường Nhị Lực”, là nương theo đại lực A-Di-Đà để mình về Tây Phương.
“Ức Phật, Niệm Phật, hiện tiền đương lai tất định kiến Phật”. Đây là câu của Đại-Thế-Chí nói trong kinh Lăng-Nghiêm, tức là: Tưởng Phật, nhớ Phật, nghĩ Phật, niệm Phật chứ không phải là nghĩ nghiệp, nhớ nghiệp, tưởng nghiệp, đau khổ vì nghiệp, lo sám hối vì nghiệp.
Sám hối cũng là một câu A-Di-Đà Phật niệm tới cùng. Khi câu A-Di-Đà Phật nhập vào tâm rồi thì tự nhiên câu A-Di-Đà Phật nó thải ra, thải ra, thải ra những cái nghiệp, nó thải ra những cái nhân chủng xấu của mình. Được hay không? Hết hay không? Không cần biết! Cứ cho nó thải ra, nó thải ra, nó bao lại, gọi là phủ nghiệp lại. Cho nên có câu: “Bất phạ Niệm khởi, đản phạ Giác trì” chính là ý nghĩa này. “Phạ” là sợ. Nếu mình cứ lo sợ tới cái nghiệp thì nhất định cái nghiệp nó sẽ hiện ra, nó hiện cho đến lúc mình lâm chung, nó quay mình như con vụ, gọi là trùng trùng duyên khởi! Cái nghiệp đó nó nổi lên bao vây mình trong lúc lâm chung. Nhất định mình bị trở ngại!
Bây giờ cứ nhớ tới câu A-Di-Đà Phật, nhớ tới Tây Phương Cực Lạc, nhớ tới hình ảnh A-Di-Đà Phật, một lòng mà niệm thì tự nhiên câu A-Di-Đà Phật nó chiếm trọn cái tâm chúng ta và nó sa thải những cái nghiệp ra, nó bao cái nghiệp lại, gọi là đới nghiệp, bao nghiệp mà đi vãng sanh, chứ không phải là sám hối cho hết nghiệp rồi mới nguyện vãng sanh. Hoàn toàn để tự câu A-Di-Đà Phật nó sám cho nó sám, tự câu A-Di-Đà Phật nó diệt sao thì diệt, kệ nó, mình chỉ lo nghĩ tới A-Di-Đà Phật, nghĩ tới về Tây Phương… Đây là đi thẳng.
Nhất định xin quý vị phải nhớ là: Không được quay trở lại trong quá khứ mà nhớ tới những cái lỗi lầm của mình. Không được quay vào những lúc mình làm bậy mà đau mà khổ!
Tại vì mình đau mình khổ thì lúc đó là cái nhân chủng xấu nó hiện ra và mình đang trả cái quả xấu. Nếu mình tiếp tục nghĩ như vậy đến lúc mình nằm xuống rồi, người ta tới khuyên:
– Anh ơi! Anh niệm Phật đi.
– Trời ơi! Trong quá khứ tôi sám hối chưa hết!.
Mình đang lo nghĩ cái nghiệp tức là mình đã trở về trong quá khứ, mình chìm vào trong đó, mình bị sai! Cho nên đi thì phải đi cho thẳng tắt. Nhất định A-Di-Đà Phật đã dành tất cả những năng lực của Ngài để đón những người nghiệp nặng tình sâu đi về Tây Phương thành đạo Vô-Thượng, vì thật ra đại nguyện của đức A-Di-Đà chính yếu là cứu những người tội chướng sâu nặng như chúng ta. Vì những người này thật ra họ là những vị Phật, nhưng mà “Vị Phật” đã mê rồi, nên họ làm những điều sai! Làm điều sai mà không cứu họ thì “Vị Phật” này sẽ tiếp tục lăn lộn trong lục đạo luân hồi và có thể bị đọa vào trong tam ác đạo! Đây là một điều mà chư Phật thương hại chúng sanh, không nỡ nào bỏ chúng sanh.
Hôm trước chúng ta có nói đến: “Tam Thế Phật: quá khứ, hiện tại, vị lai”. Phật vị lai chính là chúng ta. Phật vị lai chính là tất cả chúng sanh. Đó là hiểu nghĩa của đại thừa, chúng ta phải hiểu rõ như vậy. Cho nên mong chư vị đừng nên quá nhắm vào những chuyện sám hối.
Sám hối là “Bất Nhị Quá”. Sám hối là đừng làm như vậy nữa. Ví dụ: Trước đây ta nói chuyện sai lầm, nay nhất định không nói như vậy nữa. Thân khẩu ý cần gìn giữ, tức là sám hối. Sau đó, một lòng một dạ niệm Phật để đi về Tây Phương. Xin nhớ cho kỹ điểm này, đừng nên sơ ý mà đi ngược lại trong quá khứ thì chúng ta bị kẹt. Kẹt trong nhân quả, kẹt trong hậu quả xấu, chúng ta mất phần vãng sanh. Xin nhớ kỹ điểm này.
-“Có sám hối là bớt được nghiệp. Trước khi ta xả bỏ báo thân bớt rất nhiều”…
Đây là câu nói hay! Đây là lời nói chung. Nhưng trong khi sám hối, mà thấy vấn đề sám hối là cái hạnh nghiệp chính, thì chúng ta đã biến “Trợ Hạnh” thành “Chánh Hạnh“. Ở đây nếu chư vị quyết lòng ngày nào cũng lo sám hối, thì biến việc sám hối thành chánh hạnh, trong khi đó chánh hạnh của người niệm Phật là niệm câu A-Di-Đà Phật.
Làm thiện, làm Lành… tức là sám hối. Làm thiện làm lành phải là trợ hạnh. Nếu quý vị đưa chuyện làm thiện làm lành lên thành chánh hạnh thì nhất định tam thiện đạo thì hy vọng có thể tới, nhưng vẫn còn trong lục đạo luân hồi, nhất định không thể vượt qua tam giới, không thể đi về Tây Phương Cực Lạc.
Sám hối là làm thiện làm lành chứ không có gì cả. Như vậy làm thiện làm lành là cái quả báo trong lục đạo luân hồi. Niệm câu A-Di-Đà Phật là quả báo về Tây Phương thành đạo Vô-Thượng. Mình tưởng tượng về Tây Phương thành đạo Vô-Thượng còn làm được, huống chi là làm cái nghiệp lục đạo luân hồi. Cho nên, sám hối thì chư vị phải lo sám hối. Nhưng ví dụ như, cộng tu ở đây từ đầu cho tới cuối chúng ta thấy có sám hối đâu? Nhưng mà thật sự ta đã sám hối rồi. Vì sao như vậy? “Thành tâm niệm một câu A-Di-Đà Phật phá trừ tám mươi ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội”. Xin thưa, đây không phải là sám hối sao?… Nếu mà cứ: ”Nam Mô A-Di-Đà Phật con xin thành tâm sám hối, con xin thành tâm sám hối”… Nếu đứng trước một người bệnh sắp sửa chết mà ta cứ nhắc những lời sám hối này, thì làm cho người ta cứ càng ngày càng nghĩ về cái lỗi lầm của họ, chìm vào trong những cái tội lỗi của họ, chìm vào những cái sai lầm của họ. Họ sẽ sợ mất hồn mất vía luôn! Họ không còn niềm tin nào để đi về Tây Phương Cực Lạc được. Chính vì vậy mà mới thấy, nếu quý vị coi trong phim cô Trần Thị Kim Phượng, tôi bày cho Cô đó sám hối như thế nào? Cô ta đã làm đại tội, Phá Thai! Trong khi cái thai gần bảy tháng rồi mà dám phá! Tình trạng gia đình sao đó không biết?…
Khi Cô khai lên, nếu mà người hộ niệm không biết, cứ bắt Cô sám hối đi, sám hối đi… Nhất định Cô đó bị đọa lạc! Tại vì Cô sợ!
Trong khi Cô khai ra. Tôi khen. Tôi nói, Cô thành tâm như vậy thì tốt lắm! Thôi bây giờ Phật đã tha cho Cô rồi đó, phải quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật đi, nhất định Cô sẽ về Tây Phương để Cô cứu lại những cái chuyện lỗi lầm của Cô. Quyết tâm đi nha. Đừng sợ nữa nha.
– Dạ! Như vậy con được về Tây Phương không?
– Được! Không sao hết. Bây giờ Cô đã thành tâm rồi. Bây giờ đừng nhớ cái này nữa nha. Hãy một lòng một dạ niệm câu A-Di-Đà Phật đi.
Cô quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật:
– Nam Mô A-Di-Đà Phật xin cho con được về Tây Phương trong đêm nay…
Cứ như vậy mà khen tặng Cô ta. Sau cùng rồi Cô ta được vãng sanh bất khả tư nghì.
Cho nên, nên nhớ là:
– Không được chìm cái tâm mình trong quá khứ.
– Không được chìm cái tâm mình trong tội lỗi.
Vì chúng ta đã là người có nghiệp chướng sâu nặng, tâm trí mê mờ, trước khi biết tu chúng ta đã làm quá nhiều điều sai lầm lắm rồi! Bây giờ nhất định phải quên cái đó đi, đừng làm cái đó nữa mà lo niệm Phật.
Nhiếp tâm niệm Phật, nhất định đi về Tây Phương. Nhiếp tâm nghĩ tới lỗi lầm nhất định bị chui vào những cái tội ác trong quá khứ mà trả nghiệp, sẽ đau khổ vô cùng!
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
16 08 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Hòa Thượng Tịnh Không thường dạy rằng muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì ta có cái mức công phu niệm Phật “Lý Nhất Tâm Bất Loạn” mới an toàn vững vàng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. “Sự Nhất Tâm Bất Loạn” chỉ phủ phục nghiệp chướng chứ chưa diệt được nghiệp chướng. Công phu yếu nhất để có hy vọng là “Niệm Phật Thành Phiến“, là cái trạng thái gần gần với Sự Nhất Tâm Bất Loạn. Muốn niệm Phật đến Nhất Tâm Bất Loạn hay đến Niệm Phật Thành Phiến thì ta phải kiết thất niệm Phật quanh năm. “Kiết Thất” là cứ định kỳ bảy ngày, tịnh khẩu niệm Phật từ sáng đến chiều, nhiều khi niệm qua đêm luôn.
Nhưng mà… có lần Ngài nói, muốn kiết thất niệm Phật thì số lượng tham gia cỡ sáu người, bảy người là đủ, không thể quá mười người, và người chủ thất phải là một người có bản lãnh thì mới dám tổ chức Phật thất. Nếu người chủ thất không có đủ bản lãnh thì kiết thất coi chừng bị “Tẩu Hỏa Nhập Ma!“, tức là bị ma chướng! Chính vì vậy, ngài Lý Bỉnh Nam nói, trong thời này không thể “Kiết Thất Tinh Tấn” để niệm Phật được! Tại vì thường thường là tâm cơ của chúng ta trong cái thời đại này thật sự là hạ liệt!…
Tập khí quá nặng! Nghiệp chướng quá lớn! Oan gia trái chủ quá nhiều!
Chính vì vậy mà Ngài khuyên không nên!
Khó một nỗi, muốn cho Niệm Phật Thành Khối, Niệm Phật Thành Mảng, Niệm Phật Thành Thục thì phải kiết thất. Mà kiết thất thì Ngài nói coi chừng bị ma nhập! Chính là Ngài Tịnh Không nói như vậy. Bây giờ chúng ta thấy khó khăn đối với đạo tràng chúng ta! Chúng ta biết rằng, để cho một người được vãng sanh, thì cái tiêu chuẩn thấp nhất là niệm Phật cho thành khối, nhưng ta niệm Phật thành khối cũng không chắc gì được. Cho nên ta chủ xướng rất mạnh về phương pháp hộ niệm. Nhờ hộ niệm như vậy mới có sự hỗ trợ, nó phủ lấp cái chỗ trống là công phu còn quá yếu của người niệm Phật chúng ta.
Tuy nhiên, xin thưa thật với chư vị, dù có hộ niệm rồi, biết rằng hộ niệm rất là bất khả tư nghì, nhiều nơi người ta hộ niệm mà được vãng sanh thật sự, nhưng cũng không thể nào ỷ y vào đó được. Tại vì chưa chắc gì khi lâm chung, chúng ta sẽ được cái phước phần như những người đã có cái cơ may được hộ niệm vãng sanh.
Chính vì vậy mà đạo tràng chúng ta cố gắng gìn giữ sự cộng tu 365 ngày không thể nào mất một ngày, còn cố gắng vận động công phu sáng, rồi trưa, rồi chiều. Ráng cố gắng lên.
Cách công phu này không phải là kiết thất, mà để tạo cái thói quen công phu được thuần thục một chút, để cho cái câu A-Di-Đà Phật càng ngày càng thâm nhập vào trong tâm, và trong tháng tới chúng ta tiến thêm một chút xíu nữa, một tháng ta tổ chức hai ngày tịnh khẩu tinh tấn niệm Phật.
Như vậy là chúng ta chỉ có “Kiết Nhật“, nghĩa là chỉ có “Kiết” từng ngày, một ngày mà thôi, chứ không dám kiết tới Phật thất, nhằm để tập lần tập lần, phải tập như vậy chứ chúng ta không dám đi quá mạnh bạo. Mặc dù là chính tôi đây có dự trù hết tất cả những gì cần cho kiết thất, những công cứ… Nhưng mà thật sự là chưa dám đưa ra. Chỉ tập sự để coi thử cái năng lực chúng ta đi tới đâu.
Tại sao lại kiết thất mà bị tẩu hỏa nhập ma? Các Ngài nói rõ rệt, là tại vì cái lực chúng ta không đủ sức, gọi là “Lực Bất Tòng Tâm“. “Lực Năng Tòng Tâm“ không đủ, tức là cái khả năng, cái năng lực chúng ta không đủ, mà gọi là “Bất Tòng Tâm“. Cái tâm của những người muốn được Nhất Tâm Bất Loạn, nhưng mà cái lực không đủ. Vì lực không đủ mà cố ép buộc có thể trở nên vấn đề “Tẩu Hỏa Nhập Ma!“.
Ngài Tịnh Không nói rất cần người chủ thất vững, là tại vì sao? Vì người chủ thất là người phải nhạy bén trong lúc điều hành. Cũng giống như chúng ta kết bè với nhau niệm Phật thế này, thật ra chúng ta cũng có sự trợ giúp tối đa cho nhau. Ví dụ, thấy một người buồn buồn! Ta tới vỗ tay hỏi, ”Tại sao anh buồn vậy“. Thấy một người kia khổ khổ! Ta tới nói đùa, “Thôi vui đi!“. Chỉ cần một cái vỗ tay, một cái vỗ vai đơn giản như vậy mà có thể cứu người đó hồi nào không hay…
Chính vì vậy, ngài Tịnh Không khuyên rằng trong thời đại này nhất định không thể nào đóng cửa tự tu một mình, gọi là nhập thất một mình. Có nhiều người sơ ý nhập thất một mình, thì theo như ngài Tịnh Không khuyên, đây là chuyện không nên! Tại vì nhiều khi không có một người nào bên cạnh, không có một người chủ thất để hỗ trợ mình một cách tích cực, nhiều khi mình vướng nạn, gỡ không được!…
Vì vậy mà trong những ngày cộng tu, chúng ta cố gắng tham gia để tập lần, tập lần… gọi là cái thói quen niệm Phật. Khi bước vào đạo tràng hãy cố gắng bỏ rơi những cái gì của thế gian bên ngoài, để tập cái tâm chúng ta thanh tịnh từ từ, từ từ… Lần lần, lần lần bước lên… Cho đến một lúc nào đó chúng ta có thể niệm Phật… Kiết Phật nhất, rồi kiết Phật nhị, kiết Phật tam…
Trước khi mà kiết Phật nhị, hai ngày liên tục, chúng ta cũng phải tập luyện dữ lắm mới lên nổi. Chứ còn không, nếu sơ ý chúng ta chưa chắc gì sẽ thành công! Có như vậy thì công phu niệm Phật của chúng ta mới có thể thành phiến được. Mà có như vậy thì sự hộ niệm mới vững vàng.
Tôi xin đưa ra đây một câu chuyện để chứng minh cho lời nói của ngài Tịnh Không rất là chính xác. Cách đây cỡ mười một năm, có một lần tôi qua bên Âu Châu thì biết một câu chuyện như thế này vừa mới xẩy ra tại đó. Có một người thường kiết thất niệm Phật một mình. Người ta nói là vị này công phu cũng khá lắm. Năm đó đến tham gia một kỳ an cư kiết hạ. Trong khi buổi trưa tất cả mọi người đang ăn cơm thì không thấy vị đó đến ăn cơm. Sau khi ăn cơm xong mọi người đi ra thì thấy người đó đã ra sau vườn thắt cổ tự tử!… Dễ sợ! Nghe nói mà rùng mình! Vị đó để lại một lá thư viết: ”Tôi đi về Tây Phương trước nghen quý vị”.
Rõ ràng!… Bây giờ chúng ta thử suy nghĩ người đó có đi về Tây Phương được hay không? Biết liền! Chính vì thế mà ngài Tịnh Không nói, trong cái thời mạt pháp này nhất định chúng ta tu hành phải kết bè với nhau mà tu, không được tự tu ở nhà một mình. Khi nghe đến câu chuyện đó, tôi trực nhớ đến lời Ngài nói làm cho tôi giật mình và tỉnh ngộ ra liền. Thực sự là lời nói của ngài Tịnh Không làm cho tôi tỉnh ngộ ra từng chút từng chút và những lời nói của Ngài có sự chứng minh rõ rệt.
Tại sao người đó lại để lại một cái lá thư: “Tôi đi về Tây Phương trước nghen quý vị“? Phải chăng câu nói này đã xác định là có cảm ứng? Có cảm ứng mà tại sao lại làm những hành động như vậy? Hoàn toàn sai pháp!
Không bao giờ có hiện tượng một người đã thực sự chứng đắc, đã cảm ứng mà làm như vậy! Mình có thể đoán ra thì biết liền: CẢM ỨNG VỌNG! Vọng tâm cảm ứng vọng cảnh! Vọng cảnh nó hiển hiện trong tâm xui khiến người đó làm bậy mà không hay!
Chính vì vậy mà thường thường khi tu hành muốn được vãng sanh, muốn tránh được tất cả những ách nạn, không có cái gì khác hơn là như hổm nay chúng ta đã nêu ra rồi. Nhất định phải có tâm chân thành, chí thành, chí thiết.
TÍN – HẠNH – NGUYỆN:
– NGUYỆN là nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc chứ không phải là nguyện được cảm ứng.
– HẠNH là niệm câu A-Di-Đà- Phật chứ không phải bon chen những chuyện khác. Và
– NIỀM TIN vào pháp môn phải vững vàng.
Bên cạnh đó phải nghe lời khai thị của ngài Ấn Quang cho thật kỹ.
– Nhất định phải giữ tâm thanh tịnh.
– Nhất định phải giữ tâm khiêm nhường.
– Nhất định đừng bao giờ đem những cái khó khăn của thế gian để vào trong tâm của mình.
Cũng ý như vậy, Hòa Thượng Tịnh Không nói đơn giản hơn, là phân biệt chấp trước nên bỏ. Vì bỏ phân biệt chấp trước quá khó! Thì cách nói của ngài Ấn Quang nghe còn dễ hơn: Thường thường cho mình là phàm phu hạ căn, coi tất cả mọi người là Bồ-Tát, hãy cố gắng giữ tâm thanh tịnh, đừng đem cái lỗi của người khác vào tâm mình.
Cứ như vậy mà tu hành. Chí thành chí kính thì tự nhiên được cảm ứng. Nhất định cảm ứng của người chí thành chí kính là “CẢM ỨNG CHÂN”, không thể nào là “CẢM ỨNG VỌNG”. Nhờ như vậy mà, Ngài nói thêm một lần nữa, về được Tây Phương Cực lạc là do lòng chí thành chí kính của mình mà cảm ứng với Phật, chứ không phải là do được chứng đắc. Người đó đã sơ ý, cứ tưởng rằng mình chứng đắc nên xảy ra như vậy!
Người thế gian này không chịu suy nghĩ kỹ mới sinh ra những chuyện đáng tiếc, làm cho cả một cuộc đời tu hành sau cùng đi vào con đường rất nguy hiểm!
…
Ngày hôm qua chúng ta có nhắc đến những câu chuyện kiết thất, thì hôm nay xin tiếp tục những câu chuyện đó. Năm ngoái có một vị Thầy email tới hỏi Diệu Âm, thật ra vị Thầy này là người cháu, Thầy đã tu được hơn mười năm và Thầy cũng muốn kiết thất niệm Phật. Trước khi kiết thất thì Thầy email tới hỏi là bây giờ Thầy muốn “Kiết Thất Niệm Phật“. Xin cho ý kiến? Diệu Âm có lấy ý kiến của ngài Tịnh Không ra mà khuyên. Ngài nói rằng, “Tự Kiết Thất Niệm Phật“, tức là đóng cửa tu hành một mình chỉ dành cho những người đã “Khai Ngộ”. Người đã khai ngộ rồi thì nên tìm những nơi tịch tịnh mà kiết thất tu hành để sớm có đường thành đạo. Còn khi chưa được khai ngộ, nghĩa là chưa vững đường đi thì không nên tự nhập thất. Vì khi cái tâm của mình chưa khai, những phiền não của mình chưa giải tỏa được, mà vội vã nhập thất, thì không nên! Vì nếu thành tựu được thì tốt, nhưng nếu lỡ có những chuyện gì trở ngại xảy ra thì không ai có thể giải cứu được!
Trong thời này đã mạt pháp rồi! Chúng sanh đều có nghiệp chướng sâu nặng, oán thân trái chủ nhiều. Khi nhập thất, về hình thức thì thấy hay, nhưng Hòa Thượng Tịnh Không nói rằng rất là nguy hiểm!…
Chính vì thế, tu hành chúng ta nên kết nhóm với nhau để niệm Phật. Diệu Âm cũng lấy lời khuyên đó mà nói với Thầy. Thầy thấy đúng, nên Thầy không muốn nhập thất nữa, và Thầy cũng dùng một hình thức tu tập tương tự như chúng ta. Diệu Âm nói với Thầy nên tìm khoảng chừng năm, mười, mười lăm người Phật tử cùng nhau ngày ngày tu hành niệm Phật. Thầy thì hướng dẫn người ta niệm Phật, người ta thì hộ pháp cho Thầy, tất cả cùng nhau niệm Phật. Đây là con đường mà chư Tổ khuyên chúng ta nên làm.
Ở đây chúng ta đang xây dựng một Niệm Phật Đường để niệm Phật, xin thưa thật là chúng ta phải cùng nhau đi từng bước, từng bước một. Muốn tương lai sẽ tu hành tinh tấn hơn, chúng ta không thể đùng một lúc thực hiện liền được, mà phải thực hiện từng bước, từng bước. Trước khi thực hiện những công phu tu hành tốt hơn, chúng ta cần phải giải tỏa những chướng ngại trước.
Thành lập một ”Nhóm Niệm Phật” hay một ”Đạo Tràng“, xin thưa chư vị, khó dữ lắm! Như hôm qua mình nói, một người tự kiết thất một mình thường thì ai cũng khen hết, nhưng sau cùng thì dễ vướng phải những kết quả không theo ý muốn! Để tránh được những tình trạng đó, không có gì khác hơn là tự chính mình hãy cố gắng cởi bỏ những phiền não càng nhiều càng tốt, để cho khỏi bị vướng phải chướng ngại. Thứ hai nữa là chúng ta phải thành tâm cầu chư Long Thiên Hộ Pháp, chư Phật, chư Bồ-Tát gia trì. Thành ra, Diệu Âm đây khi làm bất cứ cái gì cũng đều chắp tay lại thành tâm nguyện cầu các Ngài gia trì. Vì chỉ có các Ngài gia trì mình mới có thể thành tựu, còn khi các Ngài la rầy thì nhất định chúng ta sẽ bị thất bại! Cho nên, kiết thất, làm đạo… thấy vậy chứ khó dữ lắm!…
Ngài Tịnh Không nói muốn kiết thất, thì người “Chủ Thất” phải là một người có bản lãnh. Nghĩa là sao? Nghĩa là người chủ thất phải có đầy đủ tâm lý, đức độ, tín lực, sự nhạy bén… để cứu gỡ trong những trường hợp có người nhập thất bị trở ngại. Tại vì nếu không có những yếu tố này thì nhập thất rất dễ bị… theo như Ngài nói, là “Tẩu Hỏa Nhập Ma“, và câu chuyện ngày hôm qua mình đưa ra là một chứng minh.
Hôm nay chúng tôi xin kể một vài câu chuyện khác để thấy rõ hơn. Có nhiều người sau một thời gian nhập thất rồi đi ra tuyên bố đủ thứ hết, như chọn ngày, chọn giờ vãng sanh. Nhưng sau cùng thì không có như vậy, mà kết quả thì ngược lại! Có những vị nhiều khi cũng có tới Tịnh Tông Học Hội tu hành với một thời gian cũng khá lâu, và có được những sự “Chứng Đắc” hơi lạ lùng! Rồi đi khoe ra khắp nơi, làm cho, phải nói là, có người phải nghiêng mình kính phục! Nhưng khi đối diện với ngài Tịnh Không thì chỉ nói chuyện có năm phút, Ngài đã mời ra khỏi đạo tràng, nhất định Ngài không chấp nhận! Khi có hiện tượng đó xảy ra làm cho người ta ngỡ ngàng!
Tại sao vậy? Thực tế, sau cùng người ta mới thấy rằng, Hòa Thượng giải quyết rất đúng. Vì sau khi bị mời ra xong, khoảng một vài tháng sau thì những người đó bị trở ngại vô cùng! Nếu thật sự đã được chứng đắc thì không bao giờ có chuyện đó đâu!
Chính vì vậy, chúng ta muốn được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc… thì xin thưa rằng, nên nhớ một điều là trước khi biết tu, chúng ta đã sơ ý tạo ra quá nhiều nghiệp ác với chúng sanh rồi, vay nợ máu với chúng sanh quá nhiều rồi, và mối oán thù sinh mạng này không dễ gì người ta tha thứ! Như vậy thì không dễ gì người ta lại nhẹ nhàng để cho mình ra đi vãng sanh đâu.
Chính vì vậy, chúng ta muốn vãng sanh thì luôn luôn phải nhớ, nhất định phải nhớ cẩn thận điều này, là chúng ta chỉ có thể tu từ đây cho đến ngày vãng sanh, nhưng những nghiệp đã tạo ra trong quá khứ bắt buộc phải trả. Nhưng khổ nỗi, nếu chúng ta phải trả những cái nghiệp đó thì chắc chắn không cách nào có thể vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc được. Chính vì vậy, Đức A-Di-Đà Phật đã cho chúng ta được “Đới Nghiệp Vãng Sanh“. Đới nghiệp bằng cách nào? Đới nghiệp cũ chứ không phải đới nghiệp mới. Ngài Tịnh Không đã nói rõ ràng. Như vậy thì tốt nhất những tập khí, những phiền não chúng ta phải tìm cách rời ra, phải bỏ đi, để tránh tạo nên những nghiệp mới, càng tránh chừng nào càng tốt chừng đó. Còn nghiệp cũ thì sao? Phải thành tâm sám hối, sám hối dữ lắm. Sám hối bằng cách nào? Xin thưa là cũng một câu A-Di-Đà Phật mà sám hối.
Ở đây mỗi sáng sớm chúng ta có thời khóa hai giờ công phu, trong đó có ba mươi phút lạy Phật. Trong lúc lạy Phật như vậy, tâm chúng ta phải thành tâm sám hối, cuối giờ công phu phải hồi hướng tất cả những công đức này cho Pháp giới chúng sanh, cho những vị oán thân trái chủ trong nhiều đời nhiều kiếp. Và trong những lúc tu hành này, khi hồi hướng công đức như vậy, cũng giống như chúng ta khai thị cho họ, chúng ta điều giải với họ, nguyện cầu họ giải bỏ những oán thù đi, để cho ta thì được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, còn họ thì kết được cái duyên đại lành đại thiện với A-Di-Đà Phật, nhờ cơ duyên này họ cũng được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu họ đi vãng sanh trễ hơn ta, thì khi ta vãng sanh trước ta phải có cái tâm nguyện sẽ quay trở lại cứu độ họ. Nếu họ ngộ đạo trong lúc chúng ta hồi hướng công đức cho họ, có thể họ vãng sanh trước, thì họ về họ cứu lại chúng ta. Tại vì nên nhớ rằng, Pháp giới chúng sanh vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc đều trở thành A-Duy-Việt-Trí Bồ-Tát hết và khi họ đã vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì họ cũng thành Phật như ta.
Như vậy điều quan trọng để chúng ta hộ niệm cho một người dễ dàng được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, thì luôn luôn nên nhớ rằng, đừng bao giờ để cho đến cuối cùng, lúc hấp hối, lúc lâm chung, hay lúc mê man bất tỉnh rồi mới kêu ban hộ niệm. Đến lúc đó, chúng ta vì nể tình cũng đành phải đi… cố gắng đi, nhưng một trăm phần, nhiều khi chưa tới được một phần để cứu được người đó vãng sanh!
Cho nên, khi chúng ta biết được phương pháp hộ niệm là chúng ta biết được phương pháp tu, xin hãy cố gắng…
Một là buông xả cho nhiều, rất nhiều, buông xả cho hết những cái phiền não, những cái tập khí của thế gian.
Vào trong Niệm Phật Đường chúng ta phải cố gắng giữ thanh tịnh, nhiếp tâm niệm Phật, hỗ trợ cho nhau. Thật sự chính những nơi có năm người, bảy người… kết hợp lại này mới vững vàng cho chúng ta niệm Phật, chứ không phải là những nơi quá đông đảo. Ngài Ấn Quang nói, những nơi quá đông đảo thường thường… ví dụ như, lâu lâu kết hợp lại một ngày để gieo duyên thì được, chứ còn “Kiết Thất”, theo như ngài Tịnh Không nói, kiết thất không thể nào kiết quá mười người, vì quá mười người thì có sự lộn xộn: ăn uống, nói chuyện, rầu rĩ… mỗi người mỗi khác đã khó rồi… Vì thế, chính những cơ sở nho nhỏ thanh tịnh này là những nơi, theo như ngài Ấn Quang nói, là những đạo tràng thành tựu trong thời mạt pháp. Chúng ta nương theo Ngài làm đúng như vậy, và nhờ lực của đại chúng, đông thì quá phiền não, ít thì lực quá yếu cứu không nổi, chỉ vừa cỡ chừng năm, mười, mười lăm, hai chục người… cỡ đó thì hay nhất và chúng ta cũng cố gắng làm như vậy.
Nên biết rằng cái nghiệp chướng của chúng ta nhiều quá! Oan gia trái chủ nhiều quá! Xin hãy cố gắng tu hành thêm. Ngày hôm nay chúng ta có thông báo rằng, tháng 11 chúng ta cố gắng tu hai ngày, một ngày chủ nhật đầu tháng, một ngày chủ nhật giữa tháng để chúng ta tập luyện phương pháp tu và cố gắng hằng ngày ta gặp nhau để cùng cộng tu, trau dồi cái công phu để tiến dần, tiến dần… rồi sau cùng chúng ta sẽ tiến đến thực hiện phương pháp gọi là “Tu Công Cứ“, có nghĩa là tập cho cái tâm chúng ta trói liền với câu A-Di-Đà Phật.
Công cứ là như thế nào? Ví dụ như chúng ta ráng cố gắng đạt được một ngày hai chục ngàn câu A-Di-Đà Phật, ba chục ngàn câu A-Di-Đà Phật. Cố gắng thực hiện như vậy, tùy sức của mình mà cố gắng. Những lúc làm công cứ này thì không kể những thời gian làm công khóa ở đây. Ví dụ, như đang tu đây chúng ta không được tính. Mỗi buổi sáng chúng ta có niệm Phật hai tiếng đồng hồ, không được tính. Những lúc nghe Pháp mà cũng niệm Phật, không được tính. Chỉ được tính, ví dụ như trong khoảng thời gian tu từ chín giờ sáng đến mười hai giờ, hoặc từ hai giờ chiều đến năm giờ chiều thì lúc đó chúng ta có thể tính vào công cứ được. Chúng ta có thể đi kinh hành, có thể đi dạo vườn… dạo vườn cũng như đi kinh hành, miễn là lúc đó chúng ta đang nhiếp tâm niệm Phật, thì cũng có thể áp dụng để tính vào công cứ được. Còn những lúc, ví dụ như thời khóa cộng tu từ sáu giờ tối đến tám giờ rưỡi tối, hoặc là từ năm giờ sáng đến bảy giờ sáng, không phải là công cứ.
Nhắc lại, lúc nghe Pháp không phải là công cứ, lúc coi ti vi, thái rau, bửa củi… không phải là công cứ.
Chúng ta phải tiến lần lần thực hiện điều đó. Muốn tiến lần lần đến đó, thì bây giờ phải rào đón trước, mở tâm trước, làm sao cho tâm của mình hòa với tâm Phật, làm sao cho câu A-Di-Đà Phật nhập lần nhập lần vào tâm. Chúng ta đang đi từng bước, từng bước để sau cùng tất cả mọi người khi nằm xuống, trong tâm của chúng ta chỉ còn có câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Hộ niệm chính là như vậy.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
289/398Đầu«...10...288289290...300...»Cuối
Các Phúc Đáp Gần Đây