Không Nên Chờ Đến Đời Sau Rồi Tu Tiếp

Không Nên Chờ Đến Đời Sau Rồi Tu TiếpTrong đời này ta niệm Phật là có đại nhân, ta quyết lòng đem cái nhân này đi về Tây-Phương Cực-Lạc tức là nguyện vãng sanh, rõ ràng “Nhân” gặp “Duyên” sinh ra “Quả báo” vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn nhân này là nhân thành Phật, nhưng ta bỏ con đường vãng sanh thành Phật, lại chờ vài ngàn kiếp nữa mới nguyện vãng sanh về Tây-Phương, thật là oan uổng!

Trong những tọa đàm trước, Diệu Âm có nói câu này, có nhiều người nghĩ rằng cần phải tu thiện tích phước cho nhiều mới có khả năng vãng sanh, chứ làm gì mà vãng sanh dễ vậy? Vì tự nghĩ thế nên mới dẫn dụ người ta hãy niệm Phật để cầu phước. Cầu cho có phước rồi thì đời sau tiếp tục tu tiếp, chủ trương tiếp tục tu dưỡng phước-đức đến vô lượng kiếp như vậy, mong cho đủ phước để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc!… Thì trong kinh cũng có nói rằng, một người nào trong đời này gặp câu A-Di-Đà Phật, niệm được câu A-Di-Đà Phật, chứng tỏ trong vô lượng kiếp về trước họ đã tu thiện phước nhiều lắm rồi, lớn lắm rồi, thiện-căn phước-đức đã có rồi, khiến cho đời này họ mới dám mạnh dạn mặc cái áo tràng, vào trong Niệm Phật Đường niệm câu A-Di-Đà Phật. Phật đã xác định như vậy, bây giờ chúng ta ngồi đây niệm Phật mà còn nghĩ rằng mình không có nhân-duyên, mình không có phước-đức?!…

Nghe trong các kinh khác, Phật nói muốn về Tây-Phương Cực-Lạc, muốn thành đạo Vô-Thượng phải tu vô lượng kiếp, thành ra quý vị cũng dẫn dắt chúng sanh tu vô lượng kiếp. Nhưng xin hỏi rằng, đời này mình tu như thế này, đời sau nếu mình được trở lại làm người, liệu có ai chỉ cho mình câu A-Di-Đà Phật để niệm nữa hay không? Đó là điểm thứ nhất.

Theo như ngài Ấn-Quang Đại Sư nói, giả sử như đời sau mình không trở lại làm người thì sao?… Ngài nói, nhờ có thiện-căn phước-đức lớn lắm mình mới gặp câu A-Di-Đà Phật. Tuy nhiên, đã sinh lại làm người trong thời mạt pháp của đức Thế-Tôn rồi, thì nghiệp chướng của chúng ta nó cũng tràn trề chứ không phải là yếu đâu, không phải nó thua cái thiện-căn đó đâu à!…

Nếu khôn khéo, mình nhanh chóng, gấp rút gom hết tất cả những thiện-căn phước-đức trong nhiều đời nhiều kiếp dồn vào đây để niệm câu A-Di-Đà Phật, thì ngày hôm nay ta có đại nhân để đi về Tây-Phương. Đi về Tây-Phương rồi thì ta sẽ có được tất cả. Tu hành như vậy thì ta đi con đường một đời thành tựu!…

Nếu bây giờ chúng ta chê bai những công hạnh tu hành trong quá khứ, cứ liệng, liệng cho hết, buông xuống cho trụi lủi đi những thiện-căn trước của mình!… Hoặc là chê bỏ nó đi!… Cứ việc chê bỏ đi!… Chê bỏ rồi tiếp tục lăn lộn trong cảnh sanh tử này mà tạo thiện-căn mới… Chưa biết thiện-căn mới sẽ như thế nào? Nhưng ta đành chịu thêm cảnh sanh tử luân hồi vô lượng kiếp nữa!… Thì đây cũng chính là ta quyết định lấy, chứ Phật không dạy như vậy!…

Bây giờ giả sử như một người không đủ thiện-căn phước-đức đi. Hỏi họ, muốn tạo thêm không? Xin thưa với chư vị, muốn tạo cũng dễ lắm!… Dễ lắm!… Dễ chỗ nào?…

– Một câu A-Di-Đà Phật thành tâm niệm thì phước tăng vô lượng, phước-đức tràn trề!
– Một câu A-Di-Đà Phật quyết lòng mà niệm Thiện-Căn tràn trề!
– Một câu A-Di-Đà Phật mà niệm gọi là Đại-Nhân-Duyên…

Nhất định ta được trở về Tây-Phương Cực-Lạc. Đó gọi là “Thâm tín nhân quả”…

Nếu mà chúng ta không tin rằng ta niệm một câu A-Di-Đà Phật là do một cái nhân-duyên vô cùng vĩ đại, vô cùng tốt đẹp trong quá khứ, mà chỉ nghĩ rằng: À! Người ta niệm, mình cũng niệm cho vui!… Thì xin thưa thật, ở đây có một trăm người, nếu có một người nào nghĩ rằng niệm câu A-Di-Đà Phật để tìm thêm chút phước-báu, là tự họ đã tách rời con đường thành tựu, đi theo con đường phước-báu để chuẩn bị chịu dập dềnh, dập dềnh vô lượng kiếp nữa trong sanh tử luân hồi rồi mới tính sau. Không biết trong vô lượng kiếp đó tình cảnh của họ sẽ như thế nào?…

Hồi sáng mình nói rõ rệt!… Lỡ lọt lại đời sau mà có được làm thân người đi nữa!… Làm người trong thời mạt pháp này thì sao?… Mạt pháp của Phật pháp có nghĩa là một đời Phật pháp sẽ yếu hơn một đời. Bây giờ chúng ta đã gặp cơ duyên niệm Phật trong cái thế mạnh hơn của Phật pháp, mà ta không chộp lấy cơ hội này để mau chóng đi về Tây-Phương, lại còn có ý niệm chờ đến đời sau!… Chờ khi mà Phật pháp yếu đi!… Chờ cho nghiệp chướng của ta nặng hơn!… Hỏi rằng chúng ta còn có cơ hội để đi về Tây-Phương thành đạo Vô-Thượng được nữa sao?…

Khi hiểu được chỗ này, thì chư vị mới thấy rõ ràng là ta ngồi đây niệm câu A-Di-Đà Phật, thật sự ta đang ở trên con đường thẳng bưng đi về Tây-Phương. Nếu ta đem tất cả thiện-căn phước-đức và nhân-duyên niệm Phật này để dồn vào việc vãng sanh trong một đời này. Nhất định đây là con đường tốt nhất, không có đường nào khác tốt đẹp hơn. Đó gọi là “Thâm tín nhân quả”.

Đừng dại gì dùng cái sơ tín hay cái nông tín, nông tín là niềm tin cạn cợt đó, mà niệm Phật hầu tạo thêm phước để đời sau tu tiếp nhé. Không nên làm như vậy! Làm vậy sẽ tội nghiệp cho huệ mạng của mình lắm!…

Vì sao?… Vì xin thưa rằng, dù thế nào đi nữa, tương lai ta có thiện-căn phước-đức lớn như thế nào đi nữa? Điều này chưa biết! Nhưng bên cạnh đó oan gia trái chủ của chúng ta đang ở sát bên mình đây nè!… Tuy rằng là người tu hành, nhưng anh không quyết lòng đi về Tây-Phương thì họ cũng không quyết lòng buông xả những oán thù mà chúng ta đã gây cho họ đâu!…

Tại vì sao?… Tại vì những người còn kẹt lại trong chốn lục đạo này thì không đủ khả năng trả cái món nợ sinh mạng của họ đâu ạ! Không trả món nợ sinh mạng cho họ, thì nên nhớ cho, nhất định họ không phải là Thánh đâu ạ!… Họ không phải là Phật đâu ạ!… Mà họ là một phàm phu đã bị chúng ta sát hại! Tâm phàm phu là tâm chấp trước nặng lắm! Tâm oán thù của họ mạnh lắm!… Họ không đành lòng tha thứ cho người cắt thịt, lột da họ đâu à!…

Nghĩ thử, chính ta là người đây này, cũng có lý trí đây này… Nhưng một người nào đó lỡ đụng chạm tới tự ái của chúng ta một chút thôi, mà ta còn căm thù lên, căm thù xuống tới mức không biết ngày nào mới có thể xả được! Nhiều khi người ta tới tạ tội, người ta quỳ lạy mình để xin lỗi mà mình cũng không chịu tha thứ!…

Con người đó!… Có lý trí đó!… Có tâm hồn đó!… Mà còn tệ như vậy đó!… Đừng nói chi những chúng sanh yếu hơn mình, họ mê muội hơn mình mà mình sát hại họ?!… Chính vì vậy mà oan gia trái chủ của chúng ta, xin thưa với chư vị, nếu một đời này mà họ biết rằng mình không phải là người đi thành Phật, thì không dại gì họ lại tin tưởng ở một người còn tham đắm cõi trần này đâu à! Một người đời này có khả năng thành tựu, trước tự giải thoát, sau cứu được oan gia trái chủ giải quyết oán thù, đền trả nợ nần mà không thèm đi, lại chờ, lại hẹn vài ngàn kiếp nữa!… Không ai dại khờ gì đi tin sự khất nợ phiêu phỏng của hạng người phàm phu tham chấp này đâu à!…

Chính vì thế, ách nạn cũng tại đây, mà giải ách nạn cũng tại đây. Nếu chúng ta quyết lòng thành tâm đi về Tây-Phương thành Phật, thì một lời nói khuyên nhủ điều giải oan gia trái chủ sẽ giải quyết nhẹ nhàng, thoải mái. Nếu chúng ta không chịu về, ngập ngừng, chập chững… thì lời điều giải sẽ không có ảnh hưởng gì hết! Chính vì thế, mà nạn tai hay là phước báu, Cực-Lạc hay là đọa lạc… đều ở từ trong tâm này mà ra hết.

Nếu chúng ta quyết lòng đi về Tây-Phương, trên thì A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ, dưới thì oan gian trái chủ hộ trì, giữa thì chư Thiên-Long Hộ-Pháp chuẩn bị bảo vệ cho chúng ta con đường đi thành Phật… Còn nếu chúng ta rời khỏi con đường vãng sanh thành đạo, tức là chúng ta đi theo con đường đọa lạc, không bao giờ có một vị Long-Thiên Hộ-Pháp nào lại đi bảo vệ một người còn muốn trôi nổi trong lục đạo luân hồi đâu! Không có một vị Bồ-Tát nào lại bảo vệ cho một người muốn đi xuống dưới tam ác đạo để thọ nạn đâu!

Chính vì thế, chúng ta hãy ráng cố gắng quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật. Chư vị nhìn đi… Đó!… A-Di-Đà Phật đó! Ngài sẽ gởi hai mươi lăm vị Bồ-Tát đến bảo vệ cho chúng ta liền. Hai mươi lăm vị Bồ-tát ngày đêm gia bị và không biết là bao nhiêu chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ chúng ta. Chúng ta đi con đường an lành, thanh thản về Tây-Phương vừa thành Phật, trên thì tròn Phật đạo, dưới phổ độ chúng sanh. Cơ hội này biết bao nhiêu là sung sướng…

Mong cho chư vị lấy cái “Nhân-Duyên” này nhất định đi về Tây-Phương thành đạo nghe chư vị.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư Sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

1000 Người Niệm Phật Hết 999 Người Niệm Phật Giả

1000 Người Niệm Phật Hết 999 Người Niệm Phật GiảPháp môn Tịnh độ là nương tựa Phật lực cứu giúp. Tín là tin thế giới Tây phương Cực Lạc có Phật A-di-đà. Nguyện là mong muốn mình mau sinh về thế giới Cực Lạc kia, chán lìa thế giới Ta-bà này. Hạnh là phải chí thành niệm, giữ một câu thánh hiệu Nam mô A-di-đà Phật. Chỉ cần đầy đủ ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh thì sẽ nương theo đại thệ nguyện lực của Phật A-di-đà cứu giúp, ra khỏi sinh tử, vĩnh viễn đoạn trừ luân hồi. Đây là pháp môn vô cùng thâm diệu và tiện lợi nhất trong tất cả pháp môn mà Đức Phật đã dạy.

Nói theo lý, một câu A-di-đà Phật là nhờ Phật lực cứu vớt, chắc chắn bảo đảm vãng sanh về Tây phương. Nhưng vì sao ngày nay người niệm Phật nhiều mà người được vãng sanh lại ít? Đây là vấn đề rất quan trọng và nghiêm túc, ngày nay người niệm Phật nhưng không được vãng sanh quan trọng là do “thiếu Tín, Nguyện lại sợ chết, căn bản là không muốn vãng sanh”. Ngày nay, người niệm Phật chỉ cầu sống lâu, cầu mạnh khỏe bình an, cầu giàu sang, công việc thuận lợi, cầu tất cả lợi ích ở thế gian; nhưng không cầu vãng sanh về Tây phương.

Một chữ Chết thì có thể kiểm nghiệm người niệm Phật có đầy đủ Tín, Nguyện hay không? Hãy tự hỏi lòng mình, chúng ta có sợ chết không? Nếu như chết ngay lập tức thì Phật A-di-đà liền đón chúng ta vãng sanh về Tây phương, chúng ta có bằng lòng không? Một người niệm Phật thật sự là người chán lìa cõi Ta-bà này, thích cầu về cõi Cực Lạc thì nhất định cho sự chết là như trở về. Bất cứ lúc nào, họ cũng mong sớm theo Phật A-di-đà về thế giới Tây phương Cực Lạc thì tuyệt đối không sợ chết, luôn mong muốn vãng sanh liền. Còn người niệm Phật giả tạo trong ngoài khác nhau, Tín, Nguyện không thật là người tham sống sợ chết, không muốn chết, không muốn vãng sanh, cầu sống lâu, có rất nhiều lý do ràng buộc. Chúng ta nên biết tâm người nào sợ chết, không muốn chết, không muốn cầu vãng sanh thì trái với tâm Phật A-di-đà, không đủ ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh thì làm sao họ thành tựu vãng sanh về Tây phương được?

Ngày nay, một nghìn người niệm Phật thì có chín trăm chín mươi chín người niệm Phật giả. Nếu người niệm Phật thật sự thì một chữ Chết thường ở trong tâm, tự mình luôn kiểm nghiệm, chỉ cần người niệm Phật không sợ chết, thích chết, bất cứ lúc nào cũng đón cái chết, luôn mong cầu sớm được vãng sanh về Cực Lạc; đây là người niệm Phật thật sự “chán lìa Ta-bà, thích cầu Cực Lạc”. Như thế, một nghìn người niệm Phật, nghìn người vãng sanh; vạn người niệm Phật vạn người vãng sanh, không một người nào mà không sanh về Tây phương.

Pháp sư Tịnh Không

Tam Tâm Nhị Ý Niệm Phật Chẳng Thể Thành Tựu

Tam Tâm Nhị Ý Niệm Phật Chẳng Thể Thành TựuLiên Trì Đại Sư đau lòng rát miệng khuyên dạy chúng ta: “Nguyện tịnh nghiệp đệ tử lòng tin chuyên nhất, chẳng sanh hai tâm”. Những đệ tử Phật tu tịnh nghiệp chúng ta, ở đây Liên Trì Đại Sư mong chúng ta chuyên tâm, chớ có tam tâm nhị ý! Tam tâm nhị ý thì hết sức đáng tiếc, bỏ lỡ cơ duyên một đời này chẳng thể thành tựu!

Người tu những tông phái khác, như Tông Thiên Thai, Trí Giả Đại sư niệm Phật vãng sanh. Do vậy, tổ sư tông Thiên Thai từ đấy về sau mãi cho đến đời cận đại, Đế Nhàn pháp sư niệm Phật vãng sanh, Đàm Hư pháp sư, Bảo Tịnh pháp sư đều là những vị tổ sư cận đại đọc tiếp ➝

Càng “Đấu Tranh” Càng Khó Vãng Sanh

Càng Đấu Tranh Càng Khó Vãng SanhTrong thời mạt pháp này tìm cho ra một người tu hành để một đời này giải thoát khó dữ lắm! Thứ nhất là vì con người trong thời này không chịu tu. Người chạy theo đường lục đạo sanh tử thì nhiều, còn tu hành thì không chịu tu! Lại có người muốn tu mà lại không tu theo con đường liễu giáo thành đạo, mà thường đồng hóa chữ “Tu Hành” với một chút phước báu gì đó cho vui vui, cho tốt tốt… giống như những hội đoàn xã hội!

Trong khi đó thì pháp môn niệm Phật để vãng sanh về Tây Phương là cái pháp môn chính yếu của đức Thế-Tôn dạy cho chúng sanh thực hiện, để trong thời mạt pháp này được vãng sanh mà rất nhiều người không tin. Chính vì vậy mà hôm qua mình có đưa vấn đề là hãy cố gắng Nhiếp Tâm Niệm Phật, quyết lòng trong một báo thân này mình về Tây Phương, đừng có nên mở cái lục căn mình ra để tiếp nhận những trào lưu bên ngoài mà coi chừng chúng ta bị loạn tâm, bị chao đảo…

Ví dụ, như nghiên cứu nhiều quá là mở cái ý ra. Một khi mà cái ý mở ra thì chúng ta bị vướng vào gọi là “Tri Chướng”. “Sở Tri Chướng” là những kiến thức của thế gian nó ngăn cản con đường vãng sanh thành đạo. Và hơn nữa, khi mình tu niệm Phật để vãng sanh, tức là do thiện căn phước đức của mình lớn lắm mới gặp được và tin tưởng câu Phật hiệu. Hòa Thượng Tịnh Không nói, đi ra ngoài mình nói chuyện niệm Phật vãng sanh với người ta, một trăm người, nhiều khi tìm không ra một người, một ngàn người chưa chắc gì tìm ra được hai người tin tưởng! Lạ lắm! Quý vị đi cho thiệt nhiều rồi mới thấy. Như vậy thì người chống đối, bài bác, người ta tìm cách bẻ cong bẻ quẹo chuyện vãng sanh là sự thường, nhiều lắm!…

Trong kinh Đại-Tập, Phật có đưa ra danh từ gọi là “NGŨ NGŨ”. Hôm qua mình có nhắc tới ngũ ngũ, thì hôm nay nói ngũ ngũ luôn. “Ngũ Ngũ Kiên Cố“. Ngũ là năm. Ngũ-Ngũ là năm lần 500 năm. Phật chia ra cứ 500 năm thành một kỳ. Trong kinh Đại-Tập Phật chia làm năm kỳ, thì kỳ cuối cùng tức là cái kỳ 500 năm lần thứ năm, tức là 2500 năm, ứng với chính cái thời kỳ chúng ta đây. Nhất định chính là thời kỳ chúng ta. Thời kỳ này Phật gọi là “Thời Kỳ ĐẤU TRANH KIÊN CỐ”. Ngài không nói tới thời kỳ thứ sáu, không có 500 năm thứ sáu, tại vì 500 năm lần thứ năm là thuộc về mạt pháp, mạt pháp này nó sẽ kéo luôn tới 9000 năm nữa. Đây là trong thời gian đấu tranh kiên cố. Cho nên khi mình tu hành cần phải cẩn thận!…

Thời kỳ thứ nhất là “Giải Thoát” 500 năm, rồi thời kỳ “Thiền Định” 500 năm. Hai thời kỳ này thuộc về “Chánh Pháp” (1000 năm). Rồi đến thời kỳ “Đa Văn“, thời kỳ “Tháp Tự“, thuộc về “Tượng Pháp” (1000 năm).Thời kỳ Tượng Pháp, triết học mở ra nhiều lắm. Rồi Tháp Tự, tức là chùa chiền cũng mọc lên như nấm. Đó là phước. Nghĩa là, cũng còn chút phước của thế gian, thuộc về Tượng Pháp. Qua đến 500 lần thứ năm, tức là từ 2000 năm trở đi thuộc về mạt pháp, sự “Kiên Cố” này nó không nằm ở những vấn đề khác mà nằm ngay ở chỗ “Đấu Tranh“. Đấu tranh dữ lắm! Cho nên khi chúng ta biết tu rồi, thì phải biết sợ cái chuyện này. Khi mở cửa ra nghiên cứu, thường thì ta đọc toàn là những chuyện đấu tranh không thôi!

Có một lần tôi qua bên Mỹ, rồi qua bên Canada, thì tình cờ tôi đọc một bộ sách dày như thế này… dày vầy nè. Tôi lật qua sẹc sẹc, chứ không phải là đọc. Người ta đưa ra những lời chống đối Phật giáo. Họ chống không thể tưởng tượng được! Nghĩa là bất cứ một người nào xuất hiện ra trên thế gian này mà dưới hình dạng là một vị Sư, là một vị Tăng-Ni, là một Phật tử, một Cư Sĩ tu học Phật, cũng đều bị chống hết. Họ chống đến nỗi mà thành một bộ sách, hình như là hai-ba tập, dày như thế này! Khi nhìn vô… Xin thưa thực… mình không dám đọc! Tại vì mình đọc những lời đó, nếu lỡ mà nó thâm nhập vô tâm của mình, thì mình bị biến thành người có tâm phỉ báng Phật pháp. Dễ sợ lắm!

Chính vì vậy mà để thoát khỏi cái ách nạn gọi là “Đấu Tranh Kiên Cố” thì xin là, mình phải giữ cái tâm mình thanh tịnh. Cố gắng: Rời bỏ những cái kiến thức. Rời bỏ những cái thị phi. Rời bỏ những cái buồn phiền. Rời bỏ những cái, theo như Phật nói, là tam nghiệp thân khẩu ý.

Cái này nó quan trọng lắm! Nếu ví dụ như mình tu như thế này, gặp một người tới, người ta nói mình là loại người dị đoan mê tín, nếu mình mở lời cãi lại thì nhất định cái tâm của mình sẽ vướng vô cái bãi lầy này… cái bãi “Đấu Tranh”. Nếu người ta viết một bài báo chửi mình, mà mình viết trả lời họ, thì nó lôi cuốn mình vô trong vòng gọi là “Đấu Tranh Kiên Cố” liền! Cái cạm bẫy này dễ sợ lắm! Chính vì vậy mà Hòa Thượng Tịnh-Không… Quý vị nghe cứ nghe những lời của Hòa Thượng nói, không biết người ta có hiểu không(?), chứ còn tôi thì hiểu rõ lắm. Không biết sao chứ tôi hiểu rõ lắm. Ngài nói: Người ta chửi mình… Nhất định mình không được chửi lại. Người ta nói xấu mình… Nhất định mình không nói xấu lại. Người ta có quyền phỉ báng mình… Nhất định mình không phỉ báng lại.

Tại vì nếu người ta hạch hỏi mình những điều để cho mình cãi, mà mình cãi lại, thì mình bị lôi vào con đường đấu tranh. Mà lôi vào con đường đấu tranh chính là cái bẫy, cái cạm bẫy vô cùng nguy hiểm của suốt thời mạt pháp! Mà khi chui vào đó rồi thì nhất định không thể nào có thể vãng sanh, không thể nào vượt qua tam giới. Cho nên, hồi trước mình không biết tu thì mình thường hay chống người này chống người nọ, nói xấu người này nói xấu người nọ, thì nay mình biết tu rồi, phải biết sợ cái cạm bẫy của thời mạt pháp! Nhất định không được chống. Bây giờ người ta chống mình, chống tới đâu đi nữa, cứ để những lời chống đó bay vào trong không gian, nó mất hút đi… thì nhất định mình sẽ vượt thoát cái cạm bẫy này. Nếu không, quý vị tưởng tượng, hễ mình chống một cái thì cái chân mình lún vào trong cái bẫy. Mình cứ tưởng tượng có những cái bẫy, giống như cái bẫy chuột hay cái bẫy heo gì đó, nó quặp hai cái chân mình. Nếu tay mình mà giơ lên, thì hai cái tay mình đút vào hai cái bẫy khác nữa. Tưởng tượng như tay mình, chân mình, tứ chi của mình đã bị những cái bẫy giữ rồi, nó kéo sệt… sệt… sệt… sệt… Kéo sệt vào hầm lửa! Làm sao mà mình có thể thoát ra được? Không cách nào có thể thoát ra được!

Vậy thì, khi mà chúng ta biết được con đường vãng sanh về Tây phương, thì Phật nói những câu hết sức đơn giản, không có gì khó khăn. Đừng đem những cái chuyện của thời “Đa Văn“, tức là triết học, là những đạo lý cao siêu, những cái gì bóng bảy của thời “Đa Văn” áp dụng vào đây. Không được! Tại vì chỉ áp dụng được trong thời gọi là tượng pháp và tiền thời tượng pháp. Bây giờ đã đến thời mạt pháp rồi, ta không có quyền làm như vậy. Tại vì căn cơ chúng ta yếu lắm. Thời kỳ “Tháp Tự” cũng đã qua rồi. Tại sao vậy? Tại vì cái phước báu của con người thời mạt pháp quá yếu rồi, không còn nữa. Chính vì vậy mà ngài Ấn-Quang Đại Sư đưa ra một cái mẫu đạo tràng trong thời mạt pháp này. Không biết là Ngài có nói như vậy không? Mà thực ra hình như là trong tâm của Diệu Âm cứ nghĩ như vậy. Là tại vì thời này là thời “Đấu Tranh Kiên Cố“. Muốn tránh được cái “Đấu Tranh Kiên Cố” thì không có cách nào khác hơn là hãy âm thầm lặng lẽ mở một cái đạo tràng rất nhỏ, 10 người, 20 người, âm thầm lặng lẽ: Không mở bảng hiệu. Không trương cờ xí. Không có quảng cáo, cũng không có làm cái gì cả.

Để chi? Để âm thầm len lén trốn tất cả cái đoàn người đó, cái đoàn người mà coi như là ức ức người đi vào con đường khổ nạn! Chỉ có con đường biết lén lén trốn ra, thoát ra, để niệm Phật đi về Tây Phương. Chính vì vậy, chúng ta lập cái đạo tràng này y hệt mẫu đạo tràng của ngài Ấn-Quang, bảng hiệu không có, âm thầm lặng lẽ, bốn bên hàng rào khóa lại, âm thầm mà tu… Nhất định những thứ: Nào lễ lộc, nào là cờ xí… tất cả những thứ đó đóng hết, để quanh năm suốt tháng cùng nhau niệm Phật. Thì cái mẫu mực này là mẫu mực của ngài Ấn-Quang đưa ra để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu mà chúng ta không theo Ngài, xin thưa thực, Ấn-Quang Đại Sư là ai? Là ngài Đại-Thế-Chí, Ngài đã thấy trước hết trơn rồi. Ngài nói bây giờ… Phật giáo đến cái thời mạt pháp này cũng không còn khả năng để cứu chúng sanh nữa. Ngài nói vậy đó…

Ngài Hạ-Liên-Cư cũng đưa ra một cái mẫu mực để tu tập, không có lập ra cái chùa, không có lập ra cái Tôn-Giáo, mà lập cái “Hội-Đoàn”, gọi là “Tịnh-Tông Học-Hội“. Cái hội đoàn niệm Phật, âm thầm niệm Phật. Cứ ngày ngày niệm câu “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”, không thêm không bớt gì hết, để quyết lòng đi về Tây Phương. Cho nên gọi là “Tịnh-Tông Học-Hội” chứ không phải là Tịnh-Tông Giáo-Phái. Không phải như vậy.

Thực sự mình không biết sao? Nhưng các Ngài đưa ra những mẫu mực, mà khi đi sâu vào thời mạt pháp này mới thấy là những cái quyết định của các Ngài quá tuyệt vời! Vậy mà hình như chúng sanh không tìm ra, nhưng ngài Tịnh-Không đã tìm ra được. Ngài nói bây giờ nếu mà lập lên một cái đạo tràng to, trang nghiêm, rùm beng như vậy, nhưng mà vô trong đó rồi mới thấy. Thấy gì? Đấu tranh kiên cố! Dễ sợ lắm! Tình thực mà nói dễ sợ lắm! Không cách nào có thể tịnh được! Bây giờ làm sao? Hãy rút về âm thầm làm thành một cái hội nho nhỏ. Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói, một cái nhà nhỏ, cỡ chừng 5, 10, 20 người là đủ, rồi âm thầm lặng lẽ niệm Phật đi về Tây Phương, thì đây là những đạo tràng thành tựu trong thời mạt pháp này.

Cho nên khi mình hiểu được như vậy, mà cố gắng lập ra cái chỗ này chắc có lẽ cũng nhờ chư Phật gia trì, chư Long-Thiên gia trì nên chúng ta mới lập được, để âm thầm lặng lẽ một đường mà đi. Như vậy, thì rõ rệt đây cũng là cái phước phần của chúng ta trên con đường vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Mong tất cả chư vị hiểu được cái lý đạo âm thầm này, chúng ta hãy gắn bó với nhau, lặng lẽ… Đừng nên thấy chỗ kia sao thịnh vượng quá, mình cũng muốn thịnh vượng như vậy. Không! Đạo tràng này nhất định không phải là “Đạo Tràng Thịnh Vượng“, mà gọi là “Đạo Tràng Thành Tựu“. Nên nhớ! Thịnh vượng là của thế gian pháp, thành tựu là của Phật pháp.

Chúng ta đi con đường lặng lẽ mà thành tựu, chứ không phải rườm rà để thịnh vượng. Càng thịnh vượng thì chúng ta đối đầu không nổi! Mong cho tất cả chúng ta ai ai cũng vững tâm một lòng niệm Phật, rồi hỗ trợ cho nhau một cách tích cực trong những giờ phút cuối cùng. Đây là hành động cuối cùng và nhất định là cần thiết để giải quyết tất cả những ách nạn còn sót lại trong con đường tu hành để chúng ta vững tâm về Tây Phương gặp A-Di-Đà Phật.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm(Minh Trị)