22 07 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Muốn về được Tây-Phương thì lòng “Khiêm Nhường – Chí Thành – Chí Kính” là điểm chính yếu để chúng ta thành đạo. Thật sự chúng ta đều là hàng hạ căn phàm phu! Đã là hàng hạ căn phàm phu thì chỉ nhờ tấm lòng chí thành chí kính mà được đức A-Di-Đà tiếp dẫn ta về Tây-Phương.
Có dịp nào đó quý vị về Việt Nam, hãy đi hỏi những vị hộ niệm, người ta sẽ kể cho quý vị nghe những chuyện vãng sanh. Hầu hết ban hộ niệm nào cũng đều có sự nhận định hơi giống nhau một điều này, là chỉ có người nào tánh tình hiền lành, chất phát, thật thà, khiêm nhường mới dễ được vãng sanh. Nhờ kinh nghiệm này, mà các ban hộ niệm không cần đòi hỏi người bệnh đó tu giỏi, tu dở. Người ta không cần điều tra là công phu trong quá khứ của người này như thế nào, mà chỉ cần họ thấy người này hiền lành, chất phát thì họ rất hoan hỷ, những vị thành viên trong ban hộ niệm cũng rất sốt sắng đến hộ niệm cho người đó.
Những người trưởng ban hộ niệm kể lại chuyện vãng sanh, hầu hết họ đều chú ý về yếu tố hiền lành này. Nếu gặp một người bệnh hiền lành thì họ có thể đoán trước rằng người bệnh đó trên chín mươi phần trăm sau khi ra đi sẽ để lại thoại tướng rất là tốt. Lạ lắm! Tình thật, Diệu Âm cũng không phải là người lịch lãm lắm trong phương pháp hộ niệm, nhưng cũng từng tham dự hộ niệm qua một số ca rồi, cũng rất đồng ý với sự phán đoán này.
Những người nào càng hiền lành chừng nào, càng chất phát chừng nào, càng thật thà chừng nào lại càng dễ vãng sanh chừng đó. Lạ lắm!…
Trong những khoảng thời gian gần đây có một số người chủ trương niệm Phật nhất tâm bất loạn để vãng sanh, và thường đưa ra những phương thức giúp cho người đồng tu niệm Phật được nhất tâm bất loạn. Diệu Âm thấy rằng những chương trình này tốt chứ không phải xấu, tại vì nhất tâm bất loạn là cái điểm cao tột của người niệm Phật. Nếu ta công phu chứng đắc được ta sẽ an nhiên tự tại vãng sanh về Tây-Phương. Đến lúc đó chúng ta không cần nhờ đến những người hộ niệm làm chi. Đây là điều đáng khen.
Nhưng thực tế, trong thời đại này, với cái căn cơ cỡ như Diệu Âm đây, tình thật mà nói là không cách nào có thể đạt được cái cảnh giới nhất tâm bất loạn! Vì vậy, khen thì khen, nhưng chính Diệu Âm này không dám thực hiện! Diệu Âm chỉ thường khuyên rằng, chư vị hãy cố gắng khiêm nhường, thật thà để cầu cảm thông được với A-Di-Đà Phật, cảm thông với chư vị đại Bồ-Tát, và nhất là cảm thông chư vị oan gia trái chủ để khi mình nằm xuống chỉ cần chắp tay lại nói một lời:
– Nam Mô A-Di-Đà Phật. Chư vị ơi! Hồi giờ tôi mê muội, tôi làm sai rồi!… Bây giờ tôi thành tâm xin sám hối với chư vị. Xin chư vị buông tha cho tôi, chúng ta hãy cùng nhau về Tây-Phương thành đạo. Tôi hứa ngày nào còn sống, tôi còn niệm Phật hồi hướng công đức cho chư vị. Ngày mà tôi về được Tây-Phương Cực-Lạc rồi, tôi sẽ quyết lòng tìm mọi cách để cứu độ chư vị…
Xin thưa, chỉ cần một lời nói chân thành như vậy, một lần, hai lần, ba lần thì tự nhiên những oán nạn về oan gia chủ nợ hình như biến mất đi hồi nào không hay. Nhất là được những người hộ niệm đến bên cạnh mình, tiếp sức với mình, thành khẩn điều giải oan gia trái chủ, thì hầu hết những oán nạn đều có thể được giải tỏa. Tôi chỉ nói hầu hết chứ không dám nói một trăm phần trăm đâu.
Ấy thế một khi chúng ta muốn niệm Phật cho nhất tâm bất loạn, nếu là người thượng căn, hàng đại Bồ-Tát thì không có vấn đề gì xảy ra cả. Nghĩa là thật sự họ an nhiên tự tại vãng sanh. Chứ còn nếu hàng trung hạ căn như chúng ta mà mơ cầu đến chuyện đó thì thật sự thường gặp phải những chướng nạn khá lạ lùng!…
Hôm nay Diệu Âm cũng xin thưa lại những việc có thật đã xảy ra, để chư vị tự suy nghĩ thử, hầu thấy được con đường nào là dễ hành, con đường nào là khó tu?…
Thứ nhất, khi mình niệm Phật mà quyết lòng cầu nhất tâm bất loạn, thì với cái hạng căn cơ như chúng ta thường thường đưa đến tình trạng vọng tưởng nhiều lắm, có những chứng đắc giả nó ứng hiện ra. Rồi vì tâm cơ của mình yếu quá nên không nhận ra được đó là hão huyền! Những điều hão huyền đó càng ngày càng thấm sâu vào tâm, đến một lúc nào đó mình không còn sáng suốt để nhận ra nữa!… Vì thế mà sau cùng rất dễ bị hại!
Ở tại Úc, Diệu Âm có một người bạn đã quyết lòng niệm Phật cầu nhất tâm bất loạn. Anh đã chứng những cảnh giới gì đó không biết, mà nghe kể ra thì cũng hay lắm! Cách đây gần hai năm Diệu Âm có thành tâm khuyên anh ta hãy giữ lòng khiêm nhường niệm Phật đi thì hay hơn, đừng nên mơ cầu thái quá. Nhưng anh vẫn khẳng định là mình có chứng đắc. Anh ta đôi lúc có thấy được hào quang gì đó phóng đến và trí huệ của anh hình như sáng ra!?…
Có nhiều lúc anh ta gặp tôi thì nhìn qua, nhìn lại, nhìn phía sau… Dường như anh đang nhìn thấy được cái quang minh gì đó? Lạ lắm!… Tôi nói, thôi đi!… Tôi không có quang minh gì đâu. Anh hãy lo niệm Phật đi, cố gắng đừng có mong cầu như vậy nữa nhé… Nhưng anh không nghe theo.
Thì cách đây cỡ hai tháng, tôi có đến thăm anh, nhưng lần này tôi lại đến thăm một người đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi! Anh ta phải vào trong bệnh viện tâm thần, bác sĩ tâm thần đang theo dõi liên tục. Tôi không biết bây giờ tình trạng của anh như thế nào?… Tôi đã đoán biết rằng hiện tượng bất tường này có thể sẽ xảy ra cho anh ta, nhưng tôi đã khuyên hai-ba lần rồi, mà anh ta không nghe theo. Tôi đành chịu thua! Không biết cách nào khác hơn là đành chờ đến ngày anh ta thọ nạn rồi đến thăm mà thôi! Thấy anh bị nạn, tôi cũng định dùng phương pháp điều giải để hóa gỡ dùm cái chuyện nhập thân, nhưng chỉ mới nói chuyện qua được có một lần, sau đó thì có một vị nào đó giới thiệu tới một thầy pháp nào hay lắm! Vậy thì cũng tùy duyên thôi, chứ tôi cũng không biết làm cách nào khác hơn?
Có một vị khác nữa cũng tới nói với tôi rằng, “Mình đã đột phá được cảnh giới Hoa-Nghiêm rồi”. Chư vị có biết đột phá cảnh giới Hoa-Nghiêm có nghĩa là sao không?… Có nghĩa là người đó đã “Minh Tâm Kiến Tánh” rồi, là thuộc hàng Sơ Trụ Bồ-Tát rồi đó. Sơ Trụ Bồ-Tát mới bắt đầu đột phá được tới cảnh giới Hoa-Nghiêm. Tức là họ đã trở về được với “Chân Tâm Tự Tánh” rồi.
Vị này có những năng lực giống như là thần thông rất cao vậy. Ví dụ như anh đang nghĩ gì, ngày hôm qua anh đã làm gì, họ có thể nói ra vanh vách hết. Vị đó ở cách xa Diệu Âm cỡ trên một trăm năm mươi cây số, nhưng có thể nghe được mình nói gì. Có một thời gian Diệu Âm bị bệnh, buổi sáng không tụng kinh được, thì sau một tuần vị đó đến thăm và hỏi Diệu Âm như thế này:
– Tại sao trong tuần qua chú không tụng kinh? Trong khi hàng ngày mỗi sáng thường khi chú tụng kinh Vô-Lượng-Thọ, mà tại sao trong tuần qua chú không tụng?
Tôi nói:
– Dạ, tại vì con bị bệnh…
– Anh không cần nói tôi cũng biết rồi. Tôi nhập vào trong định và quán thì thấy được quang minh của anh, tôi biết anh bị bệnh. Chính vì vậy mà tôi về thăm anh đây.
Vị đó nói như vậy. Tức là chứng tỏ đã có một sự chứng đắc gì đó khá cao?… Có nhiều vị khác thấy vậy phải quỳ xuống muốn tôn làm sư phụ. Ấy thế mà có một dịp đến gặp Hòa Thượng Tịnh-Không, thì khi tiếp vị đó khoảng năm phút, Hòa Thượng đã quyết định dứt khoát mời vị đó ra khỏi Tịnh-Tông. Sau đó ra ngoài ở khoảng chừng hai tháng sau thì vị đó đã bị trở ngại vô cùng!…
Những chuyện này Diệu Âm biết qua, xin kể sơ lại thôi. Đây là những bài khai thị rất tốt để cho chúng ta biết rằng, sự chứng đắc đối với hàng phàm phu chúng ta khó lắm! Đã khó mà chúng ta cứ muốn làm, nhiều khi tâm nguyện chúng ta thì quá cao, mà lực của chúng ta thì quá yếu, gọi là “Lực bất tòng tâm”… Có nghĩa là cái tâm chúng ta muốn đạt cảnh giới cao, mà cái khả năng, cái năng lực của chúng ta không đạt tới được! Khổ một nỗi, đạt không tới được mà cái tâm của chúng ta vẫn cứ vọng cầu. Nếu đạt tới gọi là chánh cầu, đạt không tới gọi là vọng cầu. Hễ vọng cầu thì thường ứng với vọng cảnh! Ứng tới vọng cảnh, nhưng khổ một nỗi là tâm chúng ta chưa sáng, trí huệ chưa khai, nên thường lầm lẫn! Lầm lẫn giữa vọng cảnh và chứng đắc, thành ra bị vướng nạn! Tu hành mà sơ ý, sau cùng rất dễ bị nạn là như vậy…
Với lòng thành tâm, trong thời gian gần đây Diệu Âm luôn luôn khuyên đồng tu nên nghe lời dạy của ngài Ấn-Quang để tu hành, hãy cố gắng giữ tâm niệm khiêm nhường, khiêm cung, từ ái… để tu mới tốt.
– Nhờ cái lòng khiêm cung và chí thành mà chúng ta cảm thông được với chư Thiên-Long Hộ-Pháp gia trì.
– Nhờ cái lòng khiêm cung chúng ta mới điều giải được với các vị trong pháp giới hữu duyên.
– Nhờ cái lòng chân thành rất dễ cảm ứng với đại nguyện của đức A-Di-Đà.
Ngài đã phát một lời thề là người nào nghe danh hiệu của Ngài mà chí thành tin tưởng, vui vẻ, rồi đem các công đức lành hồi hướng về nước của Ngài rồi cầu nguyện vãng sanh về Tây-Phương thì Ngài sẽ cứu chúng ta về Tây-Phương. Đây là lời đại thệ Ngài cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh, bao gồm cả thượng, trung, hạ căn đều được tiếp độ về Tây-Phương Cực-Lạc. Đại nguyện này cũng chính là để cứu độ những người phàm phu tục tử như chúng ta.
Thấy được điều này, Diệu Âm xin khuyên rằng, chúng ta hãy mau mau xác định ta là hàng phàm phu hạ căn. Giả sử như mình nói sai một chút, vì mình là hàng thượng căn mà lại cho là hạ căn thì càng tốt. Người thượng căn mà tánh tình khiêm nhường như vậy lại càng dễ thành đạo. Nếu ta là hàng trung căn mà cứ tự nhận mình là hạ căn thì lại được Ngài tiếp đón còn dễ hơn nữa. Chứ nếu mình làm những cái gì đó vượt qua căn cơ của mình, mơ cầu những gì vượt qua căn cơ của mình thì thường thường tâm thượng mạn dễ tăng lên lắm! Một khi thượng mạn tăng lên, ít khi cảm thông được với chư vị Thiên-Long Hộ-Pháp, ít khi cảm thông được với chư vị Bồ-Tát. Ngược lại, thường dễ bị oan gia trái chủ cài vào những cái bẫy làm cho chúng ta bị hại, khó có thể ngăn ngừa được! Chính vì thế sau cùng thường bị nhiều khó khăn!…
Ngưỡng mong chư vị cố gắng lấy lòng khiêm nhường này để chúng ta cùng nhau tu hành, nương nhau đi về Tây-Phương thành đạo…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư Sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
19 07 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Chúng sanh sai khác với Chư Phật, Bồ-Tát là ở chỗ nào? Chư Phật, Bồ-Tát biết, biết chúng sanh từ đâu đến và chết rồi sẽ về đâu, còn phàm phu thì không biết, không hiểu được sanh tử từ đâu đến và chết sẽ đi về đâu, cho nên rất là sợ cái chết.
Chư Phật, Bồ-Tát thì biết rất rõ ràng, ở nơi này chết rồi đâu phải là chết, là xả bỏ cái thân này thôi. Thân không phải là ta, thân giống như bộ quần áo mà thôi, y phục bị rách, bị dơ, bị hư rồi thì hãy cỡi nó ra đi, bộ quần áo này đã chết rồi, không cần nữa rồi, phải thay cái khác mới hơn, không có chết gì cả.
Vậy thì các vị đều hiểu được sáu đường luân hồi? Cái thân của bạn xả bỏ đi rồi, thông thường mà nói sau bốn mươi chín ngày bạn lại được một cái thân thể mới. Tuyệt đại đa số bốn mươi chín ngày là họ đi đầu thai rồi. Vậy thì trong bốn mươi chín ngày này, thân trung ấm cũng có tâm địa thiện lương, còn người đại thiện đại ác họ không phải trải qua bốn mươi chín ngày, người đại thiện đại ác không có trung ấm.
Trong kinh Phật có nói rất rõ: Người đại thiện vừa mới tắt thở thì lập tức sẽ sanh thiên ngay, không có trung ấm, còn người đại ác chết sẽ đọa địa ngục ngay, địa ngục vô gián, lập tức đọa ngay. Còn hạng tiểu thiện tiểu ác thì còn phải gặp mặt những phán quan, Diêm Vương.
Đầu thai trong nhà Phật gọi là vãng sanh, thời gian dài hay ngắn không có nhất định, nhưng thường thì dài nhất là bốn mươi chín ngày, trong bảy tuần đại khái là đi đầu thai, lại thay một cái thân thể khác. Người có tâm hành thiện thì càng đổi càng được thân đẹp, người có tâm hành bất thiện, có tâm tạo ác, thì càng đổi thân họ càng kém hơn, đổi thành thân súc sanh, đổi thành thân ngạ quỷ, kém hơn so với thân người.
Tuyệt đại đa số trong bốn mươi chín ngày là đi chuyển kiếp rồi, nhưng không hiểu được là bị luân hồi vào đường nào? Đại đa số là vậy. Nhưng cũng có số ít trong bốn mươi chín ngày vẫn chưa đầu thai, có không ít số đó, thậm chí đến mấy năm, đến mười mấy năm vẫn chưa có đầu thai, đều ở trong tình trạng trung ấm. Có đó!
Vậy hạng người này là người nào? Là những người rất chấp trước họ vẫn chưa đi đầu thai. Đặc biệt người chấp cái thân thể này, chúng ta thường nói là giữ cái thây ma, họ vẫn chưa có đầu thai. Họ không rời bỏ nổi cái thân này. Loại ma như vậy phần nhiều như thế nào? Chúng sống ở trong phần mộ. Còn nữa… Ví dụ như đối với nhà cửa mà họ không nỡ bỏ thì thường họ cũng khó đi đầu thai, còn căn nhà đó thì biến thành “Nhà Ma”.
Trích HT Tịnh Không Khai Thị Lúc Lâm Chung
17 07 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Sau khi thần thức rời khỏi thân xác rồi thì họ hoàn toàn không còn cảm giác gì, nhưng lúc họ vừa mới rời khỏi thì có. Cho nên lúc này là lúc quyết định.
Xưa kia chư vị Đại Đức Tổ Sư có dạy chúng ta khi giúp các vị liên hữu trợ niệm vãng sanh điều đặc biệt phải chú ý không được chạm vào người của họ, không chỉ là không được chạm vào cơ thể mà ngay cả giường chiếu của họ cũng không được đụng vào, vì lúc này họ có đau khổ, khi họ đau khổ họ sẽ sanh tâm sân hận, sanh tâm sân hận sẽ gây bất lợi cho họ.
Vậy người niệm Phật khi dấy khởi tâm sân hận thì coi như họ cắt đứt duyên vãng sanh rồi. Ở con người bình thường sanh tâm sân hận, mình phải xem nghiệp lực của họ, nghiệp chướng nặng họ sẽ đọa vào địa ngục. Cho dù nghiệp chướng không nặng đi nữa, thì họ cũng sẽ đầu thai vào loài súc sanh. Họ đầu thai vào loài gì trong đường súc sanh? Loài rắn độc, loài thú dữ, họ sanh vào loại này. Vì tâm sân mà đi đầu thai.
Cho nên trong tám tiếng đồng hồ khi vừa chết, nhất định không được đụng vào người của họ, tốt nhất là sau mười hai đến mười bốn tiếng đồng hồ, lúc đó mới hơi an toàn. Sau đó bạn có thể thay quần áo cho họ, nhập liệm họ. Vì sau khi con người tắt thở, thần thức chưa có rời khỏi ngay, bạn phải hiểu cái lý này. Nhưng nếu thật sự niệm Phật vãng sanh thì không có thân trung ấm.
Việc này ở trong kinh, đức Phật có nói rõ, có ba hạng người không có thân trung ấm. Tắt thở là đi ngay:
– Thứ nhất là người niệm Phật, người vãng sanh vừa tắt thở thì liền sang thế giới Cực Lạc ngay.
– Thứ hai là được sanh thiên, phước trời rất lớn, họ không có trung ấm, tắt thở rồi họ sanh thiên ngay.
– Thứ ba là đọa địa ngục, đọa địa ngục không có trung ấm, khi vừa tắt thở thì lập tức đọa địa ngục ngay.
Ba hạng người này, ngoài ra tất cả đều có trung ấm. Cái khổ của địa ngục đó không biết là nghiêm trọng biết bao nhiêu so với tứ đại phân tán. Cho nên khổ nhỏ họ không nhận, họ lại không nhận nó mà để đi nhận khổ lớn!
Trích HT Tịnh Không Khai Thị Lúc Lâm Chung
Các Phúc Đáp Gần Đây