12 06 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
1.- Phát tâm trợ niệm giúp người khác được vãng sinh Tây phương là việc thay thế chư Phật rộng độ chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi, là việc vô cùng lớn lao. Công đức này không thể nghĩ bàn. Vì vậy phải hết sức cẩn thận nếu không sẽ làm mất đi nhân duyên vãng sinh của người lâm chung! Xin hãy cẩn thận! Xin hãy cẩn thận!
2.- Khi đến nhà người lâm chung, trước tiên hãy mời toàn thể gia quyến đến để nói cho họ biết đây là thời điểm vô cùng quan trọng của người lâm chung. Vì họ đang ở ngưỡng cửa của siêu thăng hay đọa lạc. Trách nhiệm này là của toàn thể gia quyến, nếu gia quyến muốn người lâm chung được siêu thăng không đọa lạc thì mỗi mỗi sự việc đều tuân thủ theo sự chỉ đạo của ban hộ niệm, không được làm điều gì trái lại, đó là việc để người lâm chung nhất định được vãng sinh Tịnh độ.
3.- Khi vào trong phòng người bệnh, ban hộ niệm phải có thái độ thành khẩn, lời nói ôn hòa, để người bệnh nghe được tâm lý không hoài nghi. Trước tiên nên ôn lại và tán thán những việc lành mà bình thường người bệnh đã tạo, khiến cho tâm họ phát khởi sự hoan hỷ, kế đến nói về công đức và bốn tám lời nguyện của Phật A Di Ðà, cùng cõi Cực Lạc vui sướng, làm cho người bệnh sinh vui mừng và phát khởi chánh tín cầu sinh Tây phương. Người trợ niệm nên xem người bệnh như thể người quyến thuộc để có thể có tâm thành khẩn tha thiết. Tuy nhiên, đời nay tuy không phải quyến thuộc của họ mà có thể đời trước, hoặc nhiều đời trước họ đã từng là quyến thuộc của chúng ta. Vì vậy trong Kinh Phạm Võng có nói: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”, điều này bằng con mắt phàm phu chúng ta trong đời sống hằng ngày không thể nhận ra được, chớ hoàn toàn giữa ta và người bệnh lại không có quan hệ hay sao?
4.- Trong phòng người bệnh, ngoại trừ người khai thị ra, không để một lời nói hay một người nào ở lại, không được nói chuyện tạp gì vì khi họ nghe được làm phân tâm, mất đi chánh niệm. Nếu như có bà con thân quyến đến thăm nom thì người trợ niệm nên hỏi họ: “Có phải anh (chị) đến đây vì trợ niệm hay không?”. Nếu họ bảo phải thì mời họ cùng trợ niệm. Bằng không thì gia quyến phải nói rõ cho họ biết để khỏi mất lòng, nên mời họ đến phòng khách tiếp đãi vì khi người bệnh thấy được họ chắc chắn sinh ra sự luyến ái làm mất chánh niệm. Ðây là trách nhiệm của người trợ niệm, không nên vì sợ mất lòng, vì làm chướng ngại cho sự chánh niệm của bệnh nhân, làm mất đi khả năng vãng sinh Tây phương. Ðiều này là hoàn toàn trái với bản hoài độ sinh của chư Phật, lại không thích hợp với tôn chỉ của người trợ niệm.
5.- Lúc trợ niệm hoặc niệm bốn chữ “A Di Ðà Phật” hoặc niệm sáu chữ “Nam mô A Di Ðà Phật”. Niệm nhỏ hay lớn, thấp hay cao nên hỏi qua người bệnh là tốt hơn cả. Nếu như bệnh nhân bị cấm khẩu, vậy thì không nên niệm Phật quá nhanh, nếu nhanh thì nghe không rõ ràng, cũng không nên quá chậm vì chậm sẽ gây nên hôn trầm, cũng không nên quá cao, nếu cao thì người trợ niệm không thể trì niệm lâu dài và cuối cùng cũng nên đừng thấp quá, nếu thấp quá sẽ nghe không rõ ràng. Vì vậy người trợ niệm nên niệm không cao, không thấp, không nhỏ cũng không to, mà nên niệm từng câu, từng câu rõ ràng, từng chữ từng chữ khoan thai, khiến cho thần thức người bệnh nghe từng chữ từng câu rõ ràng. Niệm Phật như vậy mới là chân chính trợ niệm. Không nên tùy tiện theo ý nghĩ riêng mà niệm, lúc thì cao, lúc thì thấp, lúc nhanh lúc chậm, trợ niệm như vậy thì người bệnh không lợi ích chi. Tóm lại, chúng ta phải hiểu rằng nguyên nhân trợ niệm cho người lúc lâm chung vì họ khí lực cạn kiệt suy sụp không thể tự mình khởi lên ý niệm nhân duyên niệm Phật mà họ hoàn toàn nhờ vào sự trợ giúp của tha nhân niệm hồng danh A Di Ðà Phật. Vì vậy chúng ta cần phải niệm rõ ràng, làm cho tâm người bệnh, niệm niệm quay về an trú trong câu niệm Phật, luôn luôn thấy rõ hết thảy sự việc, và luôn chánh niệm. Niệm niệm tương tục không gián đoạn, đến lúc lâm chung nhất niệm niệm Phật, liền được vãng sinh. Ðây cũng là trách nhiệm chung của chúng ta thay thế Ðức Phật nhiếp độ chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi.
6.- Có khi trợ niệm trong một thời gian đã lâu, bỗng nhiên người bệnh tinh thần trở nên tỉnh táo, hoặc có thể nói chuyện, hoặc than thở, hoặc cơ thể có thể hoạt động và nhiều dấu hiệu khác. Trong trường hợp này người trợ niệm nên biết đây là dấu hiệu cho thấy trong vòng khoảng 2 giờ nữa họ sẽ tắt thở. Ví như một ngọn đèn dầu, dầu trong đèn từ từ cạn thì ánh sáng cũng do đó từ từ mà tắt. Nhưng trước khi dầu hoàn toàn hết thì tự nhiên ngọn đèn bùng lên trong giây lát rồi mới tắt. Thỉnh thoảng nghe nói có trường hợp người bệnh như trên, vì người trợ niệm chưa có kinh nghiệm nhận thức nên ngừng việc trợ niệm, trường hợp này hết sức nguy hiểm. Vì vậy chúng ta là những người trợ niệm cần nhận thức rõ vấn đề nêu trên.
7.- Khi ban trợ niệm vừa mới đến nơi mà gặp trường hợp bệnh nhân vừa mới tắt thở hoặc đã tắt thở trước đó một, hai hoặc ba tiếng đồng hồ, người trợ niệm nên biết đây là giây phút vô cùng quan trọng, tốt nhất trước tiên lớn tiếng khai thị, sau đó mới bắt đầu trợ niệm. Vì sau khi người bệnh tắt thở, không luận là thân quyến có khóc hay là không, tâm họ luôn luôn rối loạn. Nếu lớn tiếng khai thị tâm của họ, có thể biết được do hai nguyên nhân sau :
1.- Tâm người bệnh có quy y (quy vào danh hiệu Phật) nên biến phiền não thành chánh định.
2.- Cũng đã có phát nguyện cầu sinh Tây phương (tâm vui vẻ nghe danh hiệu là có thể sinh Tây phương).
Người khai thị nên lớn tiếng hướng dẫn họ như sau: “Hỡi ông (bà) gì! Mọi chuyện lành dữ trong quá khứ xin ông (bà) đừng nên suy nghĩ đến nữa, tài sản con cháu trong nhà hãy nên xả bỏ, không nên mảy may một niệm chạy theo, một lòng niệm Phật A Di Ðà để được vãng sinh sang cõi Cực Lạc. Tất cả chúng tôi sẽ niệm Phật trợ niệm cho ông (bà), ông (bà) nên dồn hết tâm lực nghe câu niệm Nam mô A Di Ðà Phật. Hãy an trụ vào đó mà vãng sinh Cực Lạc”. Sau khi khai thị xong là bắt đầu trợ niệm ngay. Nếu như người làm chung bình thường có tín nguyện niệm Phật cầu vãng sinh Tây phương thì nhất định được vãng sinh Tây phương. Nếu như bình thường có tín nguyện cầu sinh Tây phương thì nghe được danh hiệu trợ niệm thì công đức không thể nghĩ bàn. Như trong Kinh Ðịa Tạng có nói: “Người nào lúc lâm chung, nghe được một danh hiệu Phật, có thể tiêu trừ được trọng tội vô gián địa ngục”. Cho nên người trợ niệm vào giây phút lâm chung công đức niệm Phật thật lớn lao thay.
Trích Những Vấn Đề Cần Biết Khi Lâm Chung”
Biên soạn: pháp sư Thế Liễu
Dịch giả:Thích Tâm An
11 06 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Ông (bà) nên hiểu rằng không luận là người nào, hai việc bệnh khổ và tử vong là điều không thể tránh được. Nếu ông (bà) có bệnh khổ thì không nên để tâm vào bệnh khổ đó mà hãy chuyên tâm nhất ý niệm Nam mô A Di Ðà, niệm niệm rõ ràng, tưởng đến việc vãng sinh thì bệnh khổ tự nhiên giảm nhẹ bình thường.
Người niệm Phật chúng ta, đến giây phút lâm chung bất luận là việc gì đều nên buông xả để tâm được thanh thản nhẹ nhàng, chỉ nương tựa vào một câu Nam mô A Di Ðà, thanh minh rõ ràng, niệm niệm chấp trì danh hiệu thì khoảng 3 ngày, 5 ngày, cho đến 7 ngày được vãng sinh. Từ đầu chí cuối chỉ một tâm niệm cầu sinh Tây phương nếu có thể y theo lời tôi nói, thì tôi bảo đảm ông (bà) nhất định được vãng sinh, không nên giống như người thế tục không có sự hiểu biết đến lúc lâm chung nếu có bệnh khổ chỉ kêu mẹ kêu cha, chỉ cầu thiên thần, quỷ thần giúp đỡ, đây là sự mê lầm vô cùng lớn lao. Chúng ta cần hiểu rằng người niệm Phật lúc lâm chung, không luận có bệnh hay là không. Cốt yếu là nên cầu lòng từ bi của Phật A Di Ðà sớm đến tiếp dẫn. Còn Thiên, Thần, Quỷ chỉ nằm trong lục đạo luân hồi, là còn sinh tử, làm gì có sức mạnh năng lực mà ông (bà) cầu nguyện, cầu thoát khỏi sinh tử luân hồi?
Chỉ có lòng từ bi và 48 lời nguyện của Phật A Di Ðà cùng năng lực và thần thông quảng đại của Ngài mới có thể cứu độ chúng ta thoát ly sinh tử được. Nếu ông (bà) còn ôm lòng cầu nguyện thiên thần, quỷ thần giúp đỡ thì hãy nên xả bỏ đi, nhất tâm niệm Phật cầu sinh Tây phương. Còn quý ông (bà) thọ mạng chưa hết thì niệm Phật có thể tiêu trừ nghiệp chướng của mình, như vậy bệnh cũng đã hóa vui rồi. Bằng ngược lại thọ mạng ông (bà) đã hết thì ông (bà) nhất định vãng sinh. Giá như niệm Phật chỉ cầu lành bệnh mà không cầu sinh Tây phương thì dù thọ mạng ông (bà) đã hết thì Tây phương khó mà sinh, hoặc thọ mạng chưa hết, bệnh nhất thời khó mà lành, song chẳng những không tốt mà sự khổ vì bệnh lại càng gia tăng. Ông (bà) cần hiểu rằng: Chúng ta sống ở cõi Ta bà ô trược này phải chịu nhiều khổ não hay sao? Nếu được vãng sinh thì thọ hưởng được nhiều vui sướng hay sao? Nếu ông (bà) còn có tâm cầu khẩn trời, thần, quỷ gia tâm giúp đỡ, điều này cho thấy ông (bà) còn sợ chết, nếu còn tâm sợ chết thì tâm ông (bà) cùng với tâm nguyện của Phật A Di Ðà cách xa nhau. Vì thế Tây phương khó mà sinh được, phải chịu khổ hải sinh tử mãi mãi, không có ngày xuất ly.
Nếu ông (bà) còn tâm sợ chết thì tự trách mình. Tại sao ta đã phát tâm niệm Phật, quyết chí cầu sinh Tây phương làm sao còn đeo mang tâm niệm sợ chết tự mình làm chướng ngại cho việc vãng sinh của mình? Vì vậy mình muốn vãng sinh thì nên khẩn thiết nhất tâm niệm Phật cầu Phật từ bi sớm đến tiếp dẫn.
Tóm lại bệnh khổ phát hiện lúc lâm chung, là do oan gia ác nghiệp nhiều đời của chúng ta sở cảm, họ hiện ra ngăn cản nên phát hiện thành nhiều loại khổ não khiến tâm chúng ta sinh phiền não, làm chướng ngại cho việc niệm Phật vãng sinh. Nếu chúng ta hiểu rõ được như vậy thì không bị các loại ma chướng sở chuyển. Ðiều tốt nhất là chúng ta nên chí thành khẩn thiết niệm Phật, niệm niệm không buông lơi, dồn hết tâm lực nương tựa vào danh hiệu Nam mô A Di Ðà Phật thì được vãng sinh Tịnh độ.
Trích Những Vấn Đề Cần Biết Khi Lâm Chung”
Biên soạn: pháp sư Thế Liễu
Dịch giả:Thích Tâm An
05 06 2012 | Gương Vãng Sanh |
Cụ Ngô Thị Y pháp danh Diệu Cẩn (tên chứng minh thư: Ngô Thị Ý), sinh năm 1913 vừa vãng sinh vào ngày 8/4 (nhuận) năm Nhâm Thìn. Hơn 60 năm tín hạnh nguyện sâu theo pháp môn niệm Phật, Cụ đã trở thành tấm gương niệm Phật không mệt mỏi cho biết bao thế hệ Phật tử chùa Giác Tâm, quận 5, TP.HCM.
Sau khi hay tin Cụ mất, Đại đức Thích Giác Đạo và đạo tràng Phật tử chùa Giác Tâm đã đến tư gia tại số 22/1/34B Nguyễn Văn Săng, Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh cùng con cháu hộ niệm cho Cụ.
Kết quả sau hơn 4 tiếng Đại đức Thích Thanh Thắng khai thị, niệm Phật và cùng đại chúng nhất tâm quán tưởng Đức Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn, với tiếng niệm Phật tha thiết không ngừng nghỉ, toàn thân cụ bà mềm trở lại, gương mặt tươi rạng, môi đỏ, hơi ấm tụ trên đỉnh đầu.
Niềm tin mách bảo cụ bà Ngô Thị Y pháp danh Diệu Cẩn sẽ được vãng sinh, Đại đức Thích Giác Đạo, Đại đức Thích Thanh Thắng và Phật tử chùa Giác Tâm cùng con cháu sau khi làm lễ hoả táng xong đã quyết định xin đem toàn bộ tro cốt của cụ từ Đài hỏa táng Bình Hưng Hoà về chùa Giác Tâm để nhặt cốt.
Cụ Ngô Thị Y dự lễ tắm Phật tại chùa Giác Tâm
Sau 2 tiếng sàng lọc tro cốt, quý Thầy, Phật tử chùa Giác Tâm và con cháu cụ đã nhặt được nhiều viên xá lợi trong như thuỷ tinh, đặc biệt có một viên như người đang quỳ chắp tay và một viên màu đen, một viên tròn màu trắng đục và 2 cục trắng như vôi bên trong chứa rất nhiều những hạt xá lợi nhỏ, một mảnh xương sọ có màu hồng và một số sợi xá lợi nổi màu ngọc bích.
Con cháu Cụ cho biết, khi mất, Cụ không mang theo bất cứ đồ trang sức nào, ngoài điệp quy y và chuỗi tràng bằng gỗ mà Cụ vẫn thường đeo.
Cụ Ngô Thị Y và Đại đức Thích Giác Đạo, trụ trì chùa Giác Tâm. Ảnh PhatTuVietNam.net
Việc Cụ bà kiên trì tu theo pháp môn niệm Phật không ngừng nghỉ sau khi vãng sinh để lại xá lợi đã tạo nên niềm hoan hỷ, cũng như sự phát tâm kiên cố của tất cả Phật tử chùa Giác Tâm.
Dưới đây là một số hình ảnh xá lợi của cụ bà Ngô Thị Y, pháp danh Diệu Cẩn:
Hộp đựng xá lợi cụ Y. tại chùa Giác Tâm (Ảnh: Ngọc Lài)
Văn Hiền
03 06 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Hỏi: Thân Trung Ấm Còn Có Cơ Hội Niệm Phật Vãng Sanh Không?
Trả lời: Cư sĩ Hồ, tổng cán sự của đạo tràng chúng ta đã học Phật được mười bảy năm, nhưng mẹ của cô thì không có học Phật, mẹ cô là một người rất lương thiện, nhưng chưa từng biết đến Phật pháp, thấy con gái học Phật bà cho là mê tín.
Đến khi bà bị bệnh, bị bệnh nặng một số bạn đạo của con gái bà đến bệnh viện trợ niệm cho bà, bà cũng niệm theo nhưng nửa tin nửa ngờ, bà hay hỏi: Có thật không?… Có phải thật vậy không?…
Cho nên việc trợ duyên rất là quan trọng, có được vị Pháp Sư thường hay khai thị cho bà, nhắc nhở bà hãy niệm Phật cùng với mọi người, có vậy bà mới đi được.
Tang lễ của bà được tổ chức tại viện Hỏa Lâm Đài Loan, là một đạo tràng Tịnh-Tông của chúng ta, nơi đây đã làm Phật thất cho bà, Tam Thời Hệ Niệm bảy tuần Thất bốn mươi chín ngày. Cũng coi như là bà tốt duyên, có hơn ba trăm bạn đạo niệm Phật suốt ngày đêm không gián đoạn, bốn mươi chín ngày không gián đoạn.
Linh cửu của mẹ cô được quàn tại phòng kế bên niệm Phật Đường. Cô đã gặp một bà cậu. Mẹ cô đã nhập vào người của bà ấy, nhập vào người của bà cậu đó và báo rằng bà ấy cũng biết là mình đã qua đời, bà còn báo rằng:
“Tại sao các vị lại tốt với tôi như vậy?”… Bà rất kinh ngạc!… “Có phải là nhờ con gái của tôi không? Tại sao lại tốt với tôi như vậy?”…
Đây là lần đầu bà báo tin, chúng tôi đều khuyên bà ấy niệm Phật, khuyên bà cầu sanh Tịnh-Độ, hiện tại bà là thân trung ấm. Sau khi nghe xong bà vô cùng cảm tạ. Sau khi cảm tạ rồi thì bà hỏi Phật pháp.
“Thế nào là Phật, tại sao lại phải niệm Phật, niệm Phật có lợi ích gì không?”
Chúng tôi có một vị Pháp sư trẻ tuổi giảng giải cho bà hiểu, bà hỏi rất nhiều và sau khi nghe giải đáp rồi bà rất hoan hỷ nói:
“Được! vậy thì tốt tôi sẽ nghe kinh”.
Bà muốn nghe kinh người nhà cho bà nghe bằng tivi, tivi được đặt bên cạnh quan tài mở kinh Địa-Tạng, lại nữa… đích thân bà yêu cầu mỗi tối thì thay đĩa. Xem xong rồi phải đổi cái khác, người đi thay đĩa rất là vất vả nên bà dặn cô con gái bảo phải tìm một cái đầu máy hát karaoke nào có thể phát bốn trăm trang bài hát, đi tìm cái máy đó. Quả là có. Cô đã tìm được, trong đó chứa bốn trăm trang. Mở kinh Địa-Tạng cho bà nghe suốt ngày đêm không gián đoạn, sau đó không thấy nhập hồn nữa. Hình như là hơn hai tuần không thấy.
Hơn hai tuần sau bà lại nhập lên lần nữa, cô hỏi là bà đã đi đâu? Bà nói là:
“Không có đi đâu chỉ nghe kinh”.
Sau khi nghe kinh suốt ngày đêm, khoảng mười mấy ngày bà lại nhập lên nói là:
“Bây giờ không cần nghe kinh nữa mà cần niệm Phật, nói tôi muốn được vãng sanh mà tại sao đức A-Di-Đà vẫn chưa đến rước tôi nữa?”…
Khoảng thời gian sau cùng bà niệm Phật đến ngày chung thất Tam Thời Hệ Niệm, ngay ngày thứ bốn chín bà lại nhập xác về nói là:
“Rất cám ơn mọi người đã cho bà tăng thượng duyên này, rất là cảm ơn. Bà đã vãng sanh Thế giới Cực Lạc rồi”.
Mọi người hỏi là bà đã ở phẩm vị nào?…
“Hạ Phẩm Trung Sanh”
Một người chưa từng biết đến Phật pháp mà sao lại được như vậy? Là do thân trung ấm được độ, bà là người thứ nhất mà chúng tôi đích thân chứng kiến.
Hỏi: Tại Sao Trong Khoảng Thời Gian Được Tiếp Xúc Phật Pháp Của Thân Trung Ấm Ngắn Như Vậy Mà Lại Được Vãng Sanh?
Trả lời: Vì trong kiếp quá khứ Bà đã có tu qua pháp môn này, nhưng tu chưa có thành công, nên đời này khi lâm chung được nghe lại khiến cho thiện căn đời trước trỗi dậy, dõng mãnh tinh tấn buông bỏ vạn duyên, không có lưu luyến tí nào, cho nên Bà ấy mau chóng được thành tựu.
Việc hy hữu khó được hơn là, bà ấy còn sống không tin Phật, chết rồi cũng không tin Phật. Đến khi chết rồi thân trung ấm nghe được Phật pháp Bà ấy đã nhận rõ, nghe theo những lời trợ niệm này, Bà ta không còn là thân người mà là thân trung ấm nghe theo lời trợ niệm cũng được vãng sanh.
Nguyên nhân tất cả đều là do thiện căn đời trước, chứ trong đời này không có duyên nghe được Phật pháp, vừa nghe qua họ liền giác ngộ, vậy thì cũng giống như người này ý chí, tín tâm kiên định như vậy. Từ trường của Ma không làm ảnh hưởng đến họ, họ vừa khởi tâm thì đức Phật A Di Đà liền phóng hào quang và họ được lợi ích. Chỉ cần mình vừa khởi niệm thì liền được gia trì. Cho nên qua đó sự cảm ứng thật không thể nói hết.
Hỏi: Người Chết Tiến Vào Thân Trung Ấm, Được Bạn Bè Làm Phật Sự Siêu Độ Và Suốt Bốn Mươi Chín Ngày Niệm Phật Cho Họ. Xin Hỏi Như Vậy Có Thể Siêu Độ Cho Thân Trung Ấm Vãng Sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc Không? Có Phải Cũng Nên Dựa Vào Tự Thân Của Thân Trung Ấm Niệm Phật Cầu Sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc Mới Có Thể Nhờ Ân Phật Tiếp Dẫn Không? Thân Trung Ấm Còn Biết Tự Mình Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Không?
Trả lời: Tự thân trung ấm niệm Phật cầu vãng sanh rất ít thấy, thực sự rất là hiếm có, nhưng quả thật là có. Câu chuyện về mẹ của cư sĩ Hồ, chính là hiện tượng mà bạn hỏi đây. Bà ấy quả thật được vãng sanh.
Lúc sanh tiền Bà không có biết Phật, sau khi chết rồi mới học Phật, nghĩa là sao?… Trong bốn mươi chín ngày, đại khái là trong khoảng bốn mươi chín ngày đó, mọi người ngày nào cũng tụng kinh niệm Phật hồi hướng cho Bà. Thân trung ấm của Bà vẫn chưa có rời khỏi, thân trung ấm rất là cảm động, Bà muốn nghe kinh, phát tâm niệm Phật cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Thời gian sau cùng của ngày thứ bốn mươi chín Bà lại nhập xác về báo với mọi người là đức Phật A-Di-Đà tiếp dẫn Bà hạ phẩm trung sanh. Cho nên sau khi con người tắt thở việc trợ niệm suốt bốn mươi chín ngày rất quan trọng, rất là quan trọng.
Việc này có được vãng sanh hay không?… Thực sự mà nói chúng tôi nghĩ là tương đối chính xác, vì thiện căn trong đời quá khứ của Bà sâu dày, trong kiếp quá khứ Bà đã từng học qua Pháp môn này, do trong đời này Bà sanh trong gia đình giàu sang nên quên sót, lơ là rồi. Đến khi sắp chết gặp thiện duyên này nên Bà được ngộ, đây là sự thật.
Nên khi bạn hỏi chúng tôi hiện có chứng cứ, chúng tôi có thí dụ trung ấm có thể vãng sanh, nhưng còn phải nhờ vào thiện căn của mình đời trước, rồi đời này mới gặp được thiện duyên nên được nhiều người trợ giúp như vậy. Lúc đó Niệm Phật Đường có hơn ba trăm người niệm Phật giúp Bà suốt bốn mươi chín ngày, đây là Pháp duyên rất khó mà gặp được.
Pháp sư Tịnh Không khai thị
298/398Đầu«...10...297298299...310...»Cuối
Các Phúc Đáp Gần Đây