Có người hỏi rằng: “Chỉ cần thấy tánh ngộ đạo liền vượt qua sanh tử, cần chi phải chuyên tâm niệm đức Phật kia để cầu sanh qua phương khác?”
Đáp rằng: “Người tu hành chân chánh nên tự mình xem xét, cũng như người uống nước tự biết nóng hay lạnh. Nay còn có bài văn quy kính này, có thể dùng để phá đi nhiều sự sai lầm.
Này các vị! Nên tự xét chỗ hiểu biết và việc làm của mình, có thật được thấy tánh ngộ đạo, được Như Lai thọ ký, được nối ngôi vị Tổ sư, được như các ngài Mã Minh, Long Thọ hay chăng? Được tài biện thuyết không ngại, được Tam-muội Pháp Hoa như ngài Thiên Thai Trí Giả hay chăng? Tông chỉ và giảng thuyết đều thông, chỗ hiểu biết và việc làm đều đầy đủ như ngài Trung Quốc sư hay chăng? Các vị đại sĩ ấy đều để lại lời dạy rõ ràng, hết lòng khuyên bảo pháp vãng sanh. Đó thật là lợi mình lợi người, nào phải đâu dối người dối ta? Huống chi đức Phật đã ngợi khen, tự thân dặn dò cặn kẽ. Noi theo các bậc hiền xưa, kính vâng lời Phật dạy, quyết định không thể sai lầm. Lại như trong Vãng sanh truyện có ghi lại, xưa nay nhiều bậc cao sĩ, sự tích rõ rệt, nên thường đọc kỹ các truyện ấy để tự mình soi tỏ.
Lại nữa, phải thường tự biết mình, liệu rằng đến lúc mạng chung, sống chết gần kề, có chắc chắn sẽ được tự tại hay chăng? Nghiệp ác nặng nề từ vô thủy đến nay, liệu sẽ không hiện ra nữa chăng? Báo thân này liệu có chắc chắn được thoát khỏi luân hồi hay chăng? Trong ba đường dữ với các loài chúng sanh khác nhau, liệu có thể tự mình vào ra tự do, thoát mọi khổ não hay chăng? Trong mười phương thế giới, khắp cõi trời người, liệu có thể tùy ý thác sanh không ngăn ngại hay chăng? Nếu mình chưa được như vậy, đừng vì một lúc tự cao mà đến nỗi phải chịu chìm nỗi nhiều kiếp. Tự mình bỏ mất điều lợi tốt đẹp, rồi sẽ trách ai? Hỡi ôi! Thương thay! Than vãn cũng không kịp nữa!
Việc tu hành thường rơi vào một trong bốn trường hợp, xin chọn nêu ra dưới đây.
Một là:
Tu thiền, không Tịnh độ,
Mười người, lầm đến chín.
Cảnh âm vừa hiện ra,
Liếc qua, liền theo đó.
Nghĩa là: Nếu chỉ hiểu rõ lý tánh mà chẳng phát nguyện vãng sanh thì sẽ lưu chuyển trong cõi Ta-bà, chịu cái họa sa đọa. Cảnh âm đó là trong khi thiền định có ma ấm phát hiện ra. Như trong kinh Lăng Nghiêm có nói rõ: Do năm ấm mà sanh ra năm mươi cảnh ma. Người tu thiền khi mới thấy những cảnh ấy không rõ biết, nên tự nghĩ rằng đã chứng được Vô thượng Niết-bàn. Bị mê hoặc không biết, nên phải đọa vào địa ngục Vô gián.
Hai là:
Không thiền, chuyên Tịnh độ,
Muôn người không sai một.
Chỉ cần được thấy Phật,
Lo gì không chứng ngộ?
Nghĩa là: Nếu chưa rõ lý tánh, chỉ nên nguyện vãng sanh. Nhờ nương theo Phật lực, chắc chắn sẽ được về Tịnh độ, chẳng còn gì phải nghi ngờ.
Ba là:
Tu thiền, tu Tịnh độ,
Như cọp mọc thêm sừng.
Đời nay dạy dỗ người,
Đời sau làm Phật Tổ.
Đã hiểu sâu pháp Phật nên có thể làm bậc thầy dạy dỗ người khác. Lại phát nguyện vãng sanh, nên càng nhanh chóng lên địa vị Bất thối. Có thể nói là:
Lưng đeo tiền mười vạn,
Cưỡi hạc lên Dương châu.
Bốn là:
Không thiền, không Tịnh độ,
Giường sắt, cột đồng chờ.
Ngàn muôn kiếp trôi lăn,
Trọn không người cứu hộ.
Nghĩa là: Người đã chẳng rõ lý Phật, lại không nguyện vãng sanh thì muôn kiếp phải trầm luân, không do đâu mà ra khỏi.
Này các vị! Muốn vượt thoát sanh tử, mau chứng đạo Bồ-đề, trong bốn trường hợp nêu trên xin hãy chọn lấy trường hợp nào là tốt nhất để làm theo.
Trích chương Thiền sư Vĩnh Minh Thọ răn người chưa ngộ đừng khinh Tịnh độ
Sách QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Tác giả: ĐẠI SƯ TÔNG BỔN
NGUYỄN MINH TIẾN dịch và chú giải
NGUYỄN MINH HIỂN hiệu đính Hán văn
Trong đời có những kẻ chuyên tu tham thiền, luôn nói rằng chỉ riêng tâm này là Tịnh độ, ngoài ra không còn Tịnh độ nào khác, tự tánh vốn là Di-đà, ngoài ra chẳng có Di-đà nào khác.
Nói như vậy đều là sai lầm. Vì sao vậy? Lời ấy rất cao siêu, chỉ e nói được mà chẳng dễ gì đạt tới. Cõi Tịnh độ bên phương tây, không còn tham, luyến, sân, si. Tâm chúng ta hiện nay, liệu có thể thật không tham, luyến, sân, si hay chăng? Cõi Tịnh độ bên phương tây, chuyện ăn mặc chỉ nghĩ đến là có, muốn tĩnh lặng thì tĩnh lặng, muốn đi thì đi. Chúng ta thì nghĩ đến chuyện mặc mà chẳng có áo, nên rét buốt làm cho khổ não; nghĩ đến chuyện ăn mà chẳng có cơm, nên đói khát làm cho khổ não; muốn tĩnh lặng mà chẳng được tĩnh lặng, nên sự xáo động làm cho khổ não; muốn đi mà chẳng đi được, nên những trói buộc làm cho khổ não. Như thế mà nói rằng chỉ riêng tâm này là Tịnh độ, thật chẳng dễ đạt tới.
Đức Phật A-di-đà, phước huệ gồm đủ, thần thông quảng đại, biến địa ngục làm hoa sen dễ như trở bàn tay, nhìn khắp các thế giới vô tận dường như trước mắt. Chúng ta nghiệp chướng nặng nề, tự thân còn lo phải đọa địa ngục, huống chi có thể biến ra hoa sen được sao? Chuyện xảy ra cách vách còn không thấy được, huống chi thấy khắp các thế giới vô tận hay sao? Như thế mà nói rằng tự tánh vốn là Di-đà, thật chẳng dễ đạt tới.
Người tu thiền đời nay, sao có thể quên Tịnh độ mà chẳng tu? Sao có thể bỏ Phật Di-đà mà chẳng muốn thấy? Kinh Đại A-di-đà dạy rằng: “Trong mười phương có vô số Bồ Tát vãng sanh về cõi Phật A-di-đà.” Các vị Bồ Tát còn muốn vãng sanh, chúng ta sao lại chẳng muốn? Liệu ta có thể hơn được các vị Bồ Tát hay sao? Theo như lời ấy thì cái lý “duy tâm Tịnh độ, tự tánh Di-đà” thật là rộng lớn nhưng không trọng yếu, cao siêu mà chẳng cần thiết. Những kẻ tu hành chưa chứng ngộ, lầm lạc rất nhiều.
Nay xin kể ra đôi chuyện để làm chứng cứ.
Thiền sư Thanh Thảo Đường tái sanh là Tăng Lỗ công, thiền sư Triết Lão tái sanh chịu nhiều lo âu, khổ não, Cổ Trưởng lão tái sanh sa vào phú quí, ni sư trì kinh Pháp Hoa lại sanh làm kỹ nữ nhà quan. Đó đều là những người chẳng tin Tây phương, nên phải trôi lăn trong luân hồi mà chịu khổ não. Nếu họ tu trì pháp môn Tịnh độ, chắc chắn đã được dự hàng Thượng phẩm thượng sanh! Chỉ tại chẳng tin, thành ra xấu tệ. Chi bằng đứng trên đất thật, trì tụng tu hành, ắt được thẳng sanh về Tịnh độ, thoát khỏi luân hồi. Như vậy, sánh với lời nói hư vọng chẳng thiệt kia, xa nhau như trời với đất!
Hoặc có kẻ hỏi rằng: “Tham thiền vẫn khó thấy tánh, còn học đạo tiên thì sao?”
Đáp rằng: “Chẳng tu Tịnh độ mà muốn học đạo tiên, đó là bỏ hòn ngọc đẹp trước mắt để đi tìm thứ đá giả ngọc mà chưa chắc có. Thật sai lầm lắm thay! Vì sao vậy? Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng: Có mười hạng tiên, thảy đều sống được ngàn muôn tuổi. Nhưng khi tận số phải trở lại luân hồi, chưa từng hiểu được chân tánh, cho nên cũng đồng với sáu đường chúng sanh mà thành ra bảy đường, vẫn là trong vòng luân hồi vậy.
Người đời học đạo tiên, muôn người chẳng thành được một. Nhưng dù có thành, cũng chẳng thoát luân hồi. Vì lẽ bám chấp vào hình thần, nên chẳng bỏ được. Nhưng hình thần đó cũng là vọng tưởng do chân tánh hiện ra, chẳng phải chân thật. Cho nên thơ Hàn Sơn nói rằng:
Cho dù tu được thành tiên,
Khác nào như giữ xác chết.
Chẳng bằng người học Phật tự rõ lẽ sống chết, không gì trói buộc được.
Trong khoảng mấy trăm năm nay, người học đạo thành tiên duy chỉ có Chung Ly và Lữ công mà thôi. Nhưng người theo học Chung Ly và Lữ công, đâu phải chỉ có ngàn muôn người? Chỉ những người mà ta quen biết, số ấy cũng đã chẳng ít, nhưng rốt cuộc thảy đều chết mất, vùi thân dưới ba tấc đất! Đó là uổng phí tâm lực bình sanh, rốt lại chẳng ích gì cả. Há chẳng nghe chuyện Đồng Tân ném kiếm chém Hoàng Long, trở lại bị Hoàng Long hàng phục đó sao? Đến khi gặp được thiền sư Hoàng Long, Đồng Tân mới ngộ được chân tánh và hiểu đạo, đọc kệ rằng:
Bỏ bầu, bỏ túi, đập đàn bể,
Chẳng tham vàng bạc nhiều vô kể.
Từ gặp Hoàng Long được chỉ dạy,
Mới hay từ trước đã sai đường.
Lại chẳng nghe chuyện pháp sư Đàm Loan đời Hậu Ngụy hay sao? Trước nhận được mười quyển kinh tiên nơi Đào Ẩn Quân, tỏ ra hớn hở tự đắc, cho rằng có thể đạt tới địa vị thần tiên. Sau gặp ngài Bồ-đề Lưu-chi, thưa hỏi rằng: “Đạo Phật có thuật trường sanh chăng? Người tu có thể trừ bỏ sự già, chết được chăng?”
Ngài Bồ-đề Lưu-chi đáp rằng: “Sống hoài không chết là đạo Phật của ta.” Liền đưa cho bộ kinh Thập lục quán và nói rằng: “Ngươi nên tụng đọc kinh này, thì chẳng còn phải sanh trong ba cõi, chẳng còn đi vào sáu đường, những cuộc thăng trầm, họa phước, thành bại đều chẳng động tới mình, đời sống dài lâu không cùng. Cho nên, đó là thuật trường sanh của đạo ta vậy.”
Đàm Loan tin sâu lời dạy của thầy, bèn đốt kinh tiên mà chuyên tu kinh Thập lục quán, cả những khi thời tiết thay đổi hay thân có tật bệnh cũng không biếng trễ. Vua Ngụy cảm vì chí cao thượng của ông, lại khen ông tự mình tu hành và giáo hóa cho đời, lưu truyền rất rộng, nên ban hiệu là Thần Loan.
Ngày kia, pháp sư bảo đệ tử rằng: “Mọi cảnh khổ địa ngục phải biết sợ, chín phẩm vị tịnh nghiệp phải lo tu.” Rồi dạy đệ tử lớn tiếng niệm Phật A-di-đà. Ngài Thần Loan quay mặt về hướng tây, nhắm mắt, cúi đầu mà tịch. Lúc ấy, tăng chúng và cư sĩ đều nghe có tiếng nhạc vi diệu từ phương tây đến, giây lâu mới ngừng.
Theo đó mà xét thì pháp môn Tịnh độ rất là thẳng tắt. Như phép thần tiên, có được điều chi thì giấu kín mà chẳng truyền, bảo rằng tiết lậu thiên cơ có tội. Còn pháp môn nhà Phật thì chỉ e truyền ra chẳng được rộng, những muốn độ hết chúng sanh mới thôi. Đó là từ bi rộng lớn, chẳng dễ suy lường, chẳng phải đạo thần tiên có thể so sánh được.
Trích chương Long Thư Vương cư sĩ khuyên người tu pháp Tịnh độ thẳng tắt
Sách QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Tác giả: ĐẠI SƯ TÔNG BỔN
NGUYỄN MINH TIẾN dịch và chú giải
NGUYỄN MINH HIỂN hiệu đính Hán văn
Con được sống an lành đến hôm nay cũng chính vì nhờ biết niệm Phật. Nên khi được nghe quý thầy giảng những lời Phật dạy, con luôn ghi nhớ và hành trì theo. Nhờ thế trong lòng con rất an lạc. Con hoàn toàn tin tưởng vào sự nhiệm mầu của Phật pháp.
Trước đây, chồng con bị chứng ung thư gan di căn lên phổi, định sẽ chết trong vòng một tháng nữa. Vì mong cha có nơi nương tựa tâm linh, các con của con đã chọn nơi chùa Hoằng Pháp, dù rất xa xôi để xin được quy y. Khi ấy, còn hơn một tháng nữa mới tới khóa quy y nên chúng con xin thầy cho quy y ngoại khóa. Với tâm tư lúc nào cũng nghĩ đến chúng sinh, thầy đã chấp thuận.
Từ ngày quy y, nhờ hồng ân của đức Phật gia hộ và đức độ thầy dắt dìu, và cũng nhờ vào sức niệm hồng danh A-di-đà mà chứng ung thư của chồng con không hề gây đau nhức, vẫn có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Hai ngày trước khi chết, chồng con vẫn vui vẻ, tỉnh táo nói rằng “Vài ngày nữa tôi sẽ ra đi. Bà ở lại gắng tu, niệm Phật và sống vui vẻ với con cháu”. Hai ngày sau, buổi sáng chồng con còn ăn hủ tiếu bình thường như mọi ngày, đến xế chiều ăn một chén cháo. Ăn xong, đi tắm rửa sạch sẽ và lên giường nằm nghỉ. Vì đã có lời trăng trối từ hai ngày trước nên con cháu đều về đủ. Các con đứng trang nghiêm chắp tay niệm Phật. Chồng con cũng niệm theo đến khi máy đo huyết áp chỉ còn 6, con của con hỏi: “Ba ơi! Có thấy Phật A-di-đà cầm bông sen về chưa ba?”. Chồng con nói “chưa”. Đến hơn hai giờ sáng hôm sau, mạch nhảy rồi ngưng, rồi nhảy lại. Con hỏi: “Ông ơi! Có thấy Phật A-di-đà cầm bông sen về tiếp dẫn chưa ông? Chồng con gật mạnh đầu và O tròn cái miệng nói “có”.
Thường người sắp chết thường mê man nhưng chồng con lại rất tỉnh táo. Trả lời xong thở nhẹ hai cái là nhắm mắt ra đi. Nhà có thờ Phật Quan Âm lộ thiên, khi con ra thắp hương thấy có chim sẻ từ đâu bay về. Lúc lịm trong quan tài có chim thật to đậu trên nóc nhà kêu thánh thoát. Cây mai ngay cửa sổ chồng con nằm chẳng biết ra hoa khi nào mà nở vàng rực, và lần lượt nguyên vườn mai cây nào cũng nở hoa. Cả xóm ai cũng bảo thật là lạ. Có sư cô ở Tịnh xá Ngọc Bát nghe tin đồn cũng cùng Phật tử vào thăm và cúng thất cho mỗi tuần.
Kính lạy thầy,
Giờ đây, trong lòng con tràn trề niềm an lạc vô biên, và một niềm tin vững chắc rằng chúng con sẽ về được thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà nếu biết tu tập tốt.
Tôi nhận thức được, thực chất căn bản của lục đạo luân hồi đó là giữa chúng sanh với nhau, oan oan tương báo, trả nợ lẫn nhau, vô tận vô biên, không bao giờ chấm dứt, trong thời gian đó nếu không chấp nhận thọ báo, sẽ tạo thêm nghiệp mới, khiến cho việc thọ báo sau nầy lại trồng thêm nhân mới, tìm trăm phương ngàn kế, lấy của người làm của ta, kết quả là nếu số mạng có sẽ có, số mạng không có, trộm cũng không được. Nếu số mạng của chúng ta có bằng cách dùng hình thức ăn trộm để đoạt được, sẽ tạo ra tội nghiệp thâm sâu.
Bất cứ việc gì, bất cứ người nào, trong gia đình, ngoài gia đình, bề trên, cấp dưới, phàm làm khiến cho ta tổn hại, đều phải gánh chịu thọ báo. Gia quyến lục thân, đều do tứ nhân tương tụ (tứ nhân là trả nợ, đòi nợ, trả ơn và báo oán) bất luận chúng ta thọ báo bao nhiêu oan ức, không những không được sân hận, ngược lại phải sám hối cho nghiệp chướng của chính ta, tội nghiệp của đời trước nay phải trả, nếu đem lòng sân hận, làm sao không tạo thêm nghiệp mới?
Tất cả mọi nơi đều có oan gia trái chủ đến gây nạn (làm khó dễ) chúng ta phải phản tỉnh lại, tại sao họ không tìm người khác để gây phiền phức, đều do trong đời quá khứ, chúng ta có làm điều gì sai lỗi với họ, ta phải tu nhẫn nhục, làm nghịch tăng thượng duyên.
Trích Văn Phát Nguyện Sám Hối
Giảng sư: Lão hòa thượng Tịnh Không
Video trích từ đĩa Kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa tập 9 do HT Tịnh Không giảng
Các Phúc Đáp Gần Đây