Niệm Phật Tiêu Nghiệp Chướng

Niệm Phật Tiêu Nghiệp ChướngKinh nói: “Niệm một câu A Di Đà, tiêu 80 vạn ức kiếp tội lớn nơi đường sanh tử. Hằng ngày trong mọi nơi mọi lúc, đi xe đi tàu, rửa chén quét nhà đều có thể niệm Phật dễ dàng, lâu ngày thuần thục, nghiệp chướng tự tiêu.”

Phẩm “Hạt muối” trong tăng chi bộ kinh có ví dụ rằng “Một người dân đen đánh trộm một con dê của một nhà giàu có thế lực, có thể bị đánh đập đổ máu tại chỗ và bị tù tội. Nhưng một đại quan của triều đình bắt trộm con dê của nhà giàu có thế lực ấy thì không bị đánh đập, cũng không tù tội. Ví như một nắm muối thả vào một hồ nước lớn hay con sông lớn thì độ mặn không đáng kể, nhưng nếu nắm muối ấy cho vào một ghè nước thì độ mặn lại đáng kể. Cũng thế, cùng phạm một tội, với người tâm tư bỏn xẻn không tu tập giới định tuệ thì kết quả có thể đi vào địa ngục, nhưng với người có tu tập giới định tuệ, có từ tâm rộng rãi thì kết quả xem như không có”. Người niệm Phật, tức là đang tu giới định tuệ mà thường rải tâm từ cứu độ chúng sanh thì nghiệp chướng bao đời đều tiêu hết.

Trích Di Đà Huyền Chỉ
Kim Đài

Không Về Cực Lạc Còn Về Nơi Đâu?

Không Về Cực Lạc Còn Về Nơi Đâu?So sánh cõi Ta Bà với cõi Cực Lạc:

Chúng sanh cõi Ta Bà

1. Thân máu mủ hôi dơ từ thai ngục chui ra

2. Mỗi người tạo nghiệp khác nhau, tướng mạo xấu xí, các căn không đủ.

3. Toàn là chịu khổ. Nếu có chút vui, ấy là lấy khổ làm vui, các khổ đó là:

– Khổ về sanh: từ tử cung xú uế chui ra.

– Khổ về già: thân thể suy hao, tóc bạc da nhăn.

– Khổ về bệnh: thân thể do đất nước lửa gió hợp thành, giả hợp bất thường.

– Khổ về chết: cuộc sống mong manh, cái chết thình lình.

– Khổ về ân tình chia cách: Sợi dây ân tình cha mẹ vợ con khó dứt.

– Khổ về oan gia gặp gỡ: những kẻ thù ghét thường hay gặp gỡ.

– Khổ vì cầu không được: sự nghiệp khó thành, công danh thất bại.

– Khổ vì năm ấm bức bách: thân tâm nhiễm ô, tham dục lẫy lừng.

4. Trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi:

Người có tu, nếu được chút ít định lực rồi cũng thối thất, đâu dám mong đến đạo Bồ đề.

5. Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi:

Giành giựt vật lộn với đời, rất nhiều kẻ sống lang thang, không tạo được một mái nhà. Kẻ ở vỉa hè, người nằm xó chợ, xin ăn đầy dẫy, mù điếc bơ vơ.

6. Sống trong vô minh tăm tối:

Tham dâm, sân hận, si mê, chấp thân này là thật, các căn lẫy lừng như núi lửa chờ phun, vọng tưởng, phóng túng, không lúc nào ngừng nghỉ, thường sống theo ác kiến: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.

7. Thường gây chiến tranh để giành giựt của cải địa vị, vì quyền lợi mà giết hại lẫn nhau.

Đại chúng cõi Cực Lạc

1. Thân kim cương bền chắc từ hoa sen báu hóa sanh.

2. Đủ 32 tướng tốt, đồng xinh đẹp như nhau.

3. Đều hưởng sự vui, không có các khổ

– Không sanh khổ, vì từ hoa báu trí giác hóa sanh.

– Không lão khổ vì là thân kim cương không biến hoại theo thời gian.

– Không bệnh khổ vì là thân na la diên bền chắc.

– Không tử khổ vì thọ mạng vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, đồng với thọ mạng Phật Vô Lượng Thọ.

– Không có cha mẹ vợ con nên không bị khổ về ân tình chia cách.

– Được các bậc thượng thiện nhơn dắt dìu giúp đỡ, nên không bị khổ về oan gia hội ngộ.

– Cầu chi được nấy nên không bị khổ về đau buồn thất vọng.

– Vì là thân hóa sanh nên rất uyển chuyển linh động, do đó dứt được thân kiến vì tâm thanh tịnh, nên không bị khổ về năm ấm lẫy lừng.

4. Vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi vì đều vào bậc bất thối, tiến lên địa vị Phật.

5. Thọ dụng tự nhiên: cung điện bằng bảy báu tự nhiên hiện thành. Muốn mặc có mặc, muốn ăn có ăn, y phục bát đĩa và thức ăn tự hóa hiện ra theo ý của mình. Nếu muốn cúng dường, đồ cúng tự hiện.

6. Trí tuệ sáng suốt, biện tài vô ngại. Dứt tham sân si, không còn thân kiến, các căn thanh tịnh, không vọng duyên phóng dật. Được năm thứ thần thông: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông.

7. Trụ ở bậc chánh định, không còn thối chuyển nơi đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, phân thân khắp mười phương thế giới làm lợi ích quần sanh.

Cảnh duyên cõi Ta Bà

1. Có đủ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

2. Hầm hố, gò nỗng, rừng rậm, chông gai.

3. Thời tiết đổi dời, nóng lạnh bất thường. Hay bị tai nạn nước lụt, hỏa hoạn, bão tố, động đất.

4. Các ma cùng ngoại đạo não loạn người tu.

5. Lời ái véo von, sắc dâm khêu gợi, lò mổ, quán rượu, đảng cướp nhà dâm, ác thú muỗi mòng đâu đâu cũng có.

6. Song lâm đã khuất, Long Hoa còn xa.

7. Đèn quang minh đã tắt, chúng sanh sống mãi trong đêm dài tăm tối.

8. Quan Âm Thế Chí, chỉ được nghe danh các người chung quanh, tà sư bạn ác.

9. Đồ ăn thức uống bị nhiễm độc chất suy hao cơ thể.

10. Thọ mạng ngắn ngủi, tu tập dở dang.

Thắng duyên cõi Cực Lạc

1. Không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cả đến tên gọi ba đường ác này cũng không có.

2. Vàng ròng làm đất, cây báu vút trời, lầu chói trân châu, hoa đua bốn sắc.

3. Không có đêm ngày nóng lạnh, vĩnh viễn là thế giới trường xuân.

4. Phật hoá tinh thuần, ngoại ma tuyệt tích.

5. Không có người nữ. Nước, chim, cây, lưới, gió nhạc thường diễn pháp âm, nghe rồi liền được thanh tịnh.

6. Thường được thấy Phật, được nguyện lực của Phật nhiếp thọ gia trì.

7. Quang minh của Phật chiếu đến thân làm cho tâm Bồ đề kiên cố.

8. Thường được gần gũi các đức Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, các đại Bồ tát, thường được dắt dìu. Mọi người chung quanh đều là bậc thượng thiện.

9. Nước tắm, đồ ăn, thức uống đều làm cho căn lành thêm lớn.

10. Thọ mạng vô cùng, đồng với Phật và Bồ tát, an nhiên tu tập trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp.

Trên đây chỉ lược sơ so sánh đôi phần, hơn kém đã rõ, cốt giúp các bạn đồng tu chọn chỗ quy hướng cho đời mình, cùng phát tâm dự hội Liên Trì:

Tịnh Quang mãi ngóng con về.
Không về Cực Lạc, còn về nơi đâu?

Trích Di Đà Huyền Chỉ
Kim Đài

Cõi Này Tu Thiện Một Ngày Đêm Hơn Trăm Năm Làm Lành Nơi Cõi Tây Phương Cực Lạc

Cõi Này Tu Thiện Một Ngày Đêm Hơn Trăm Năm Làm Lành Nơi Cõi Tây Phương Cực LạcTrong pháp hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký trong kinh Bảo Tích có nói: ‘Nếu có chúng sanh ở trong cõi Phật ấy tu các phạm hạnh suốt cả ức trăm ngàn năm vẫn chẳng bằng ở trong thế giới Sa Bà này, chỉ trong khoảng thời gian khảy ngón tay khởi tâm từ bi đối với chúng sanh. Công đức người ấy đạt được còn nhiều hơn thế nữa. Huống hồ là trong một ngày một đêm trụ trong tâm thanh tịnh’.

Kinh Tư Ích cũng dạy: ‘Như người ở cõi tịnh trì giới suốt một kiếp; người ở cõi này thực hành lòng từ trong khoảnh khắc vẫn là tối thắng’.

Kinh còn dạy: ‘Ta thấy trong những cõi Hỷ Lạc và cõi An Lạc không có khổ não, cũng không có danh từ khổ não. Trong những cõi ấy mà làm các công đức thì chẳng đáng kể là lạ. Ở chốn phiền não này mà nhẫn được sự chẳng thể nhẫn, lại còn dạy người khác pháp này thì phước ấy mới là tối thắng’.

Kinh Thiện Sanh cũng nói: ‘Lúc Phật Di Lặc xuất thế, thọ giới suốt trăm năm cũng chẳng bằng [thọ giới] một ngày một đêm trong cõi ta. Vì sao vậy? Trong thời của ta, chúng sanh có đủ cả năm thứ nhơ bẩn. Này thiện nam tử! Bát Trai Giới đây chính là con đường dẫn tới trang nghiêm vô thượng Bồ Ðề’.

Tôi dẫn nhiều kinh như trên nhằm chứng minh rằng trong cõi này, ngay trong khoảng ‘uống khổ, ăn độc, chưa từng yên nghỉ’ này mà hành nhân lại có thể trai giới thanh tịnh, nhẫn nhục, tinh tấn thì công đức của người ấy vượt xa những người khác trong các cõi Phật phương khác. Trong cõi này, tu hành dù ‘một ngày một đêm hơn cả làm lành suốt trăm năm trong cõi Phật Vô Lượng Thọ’, ‘trong mười ngày mười đêm hơn hẳn làm việc thiện suốt ngàn năm nơi các cõi Phật phương khác’.

Trích Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác
Vận Thành Hạ Liên Cư hội tập
Hoàng Niệm Tổ chú giải
Như Hòa dịch Việt

Nhà Ngoại Cảm Phan Thị Bích Hằng Nói Về Cõi Âm Với Tộc Họ Phan [Video]

Nhà Ngoại Cảm Phan Thị Bích Hằng Nói Về Cõi Âm Với Tộc Họ PhanKhông nhằm mục đích khuyến khích sự mê tín dị đoan, thông qua bài nói chuyện giữa nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và dòng tộc họ Phan, chúng tôi một lần nữa muốn nhắn nhủ với các bạn sơ cơ rằng chết không phải là hết. Đạo Phật vốn chú trọng luật nhân quả mà phảng phất trong các câu chuyện của cô Hằng chúng ta càng nhận rõ hơn về vấn đề này: gieo nhân nào ắt gặp quả nấy. Như trong câu chuyện bà lão khi còn sống thích lừa người làm cho ăn phân trâu, đến khi nhắm mắt hài cốt khi tìm thấy lại nằm trong giữa bãi phân trâu. Hay câu chuyện khi sinh thời người dì cho đứa cháu nuôi ăn cơm với phân gián sau này chết đi hồn trở về đòi ăn cơm trộn lẫn phân gián… Những gì nhà ngoại cảm Bích Hằng “nhìn thấy” và kể lại giúp chúng ta có câu trả lời về những khúc mắc mà xưa nay chúng ta thường tự hỏi như chuyện thờ cúng, tập tục đốt vàng mã… Qua đó, người thật lòng tu đạo hãy lo tích phước lũy thiện ngay từ giờ phút này chớ để khi lâm chung e rằng quá muộn màng vì phải chịu quả báo khổ đau ở những đời sau.