Tại Sao Chúng Ta Cần Phải Hộ Niệm?

Tại Sao Chúng Ta Cần Phải Hộ Niệm?Hộ niệm là gì?

Hộ niệm là niệm Phật cầu nguyện cho một bệnh nhân khi nhận thấy thuốc chữa trị không còn tác dụng đối với người ấy nữa, khi mà người bệnh sắp qua đời. Sự nhất tâm của người trợ niệm cùng với công năng của sự niệm Phật sẽ gia hộ cho người bệnh sớm chấm dứt đoạn hành trình cuối cùng trong cuộc đời mình. Nhờ vậy, người bệnh sẽ được tự do, thanh thản và được vãng sanh về cảnh giới của chư Phật. Không có gì hạnh phúc hơn được sống và chết như thế.

Khổng Tử từng nói: “Người nào mà buổi sáng nghe được đạo, buổi chiều chết cũng thỏa lòng”. Tại sao vậy? Tại vì chết không là gì cả đối với người đã nghe được đạo. Người ấy thật sự đã vượt lên trên những ý niệm tầm thường lúc họ chết. Hộ niệm chính là giúp họ đạt được điều này. Hộ niệm là cầu nguyện chư Phật và chư Phật ở đây là đạo vậy. Dù cho trong quá khứ họ đã làm gì đi nữa cũng không sao. Nếu trước đây họ có một chút ít phước thiện và trong lúc lâm chung lại được những người bạn đạo thân thiện đến hộ niệm thì họ vẫn có thể vượt thoát khổ đau. Nhờ sự hộ niệm, họ nghe được danh hiệu Phật và nhập vào chánh đạo nên được vượt thoát khổ đau.

Phút lâm chung là thời điểm nguy kịch nhất đối với người hấp hối. Đấy cũng là cơ hội cuối cùng để cho người hấp hối có thể chuyển đổi. Cho nên, với tư cách là một người Phật tử, chúng ta phải hộ niệm cho mọi người khi cần thiết.

Tại sao chúng ta cần phải hộ niệm?

Chúng ta thường nghĩ rằng, khi một người tắt thở tức là người ấy đã chết. Điều này không hoàn toàn đúng.

Theo sự diễn tả trong kinh thì sau khoảng 8 giờ đồng hồ, tâm thức sẽ tách khỏi thể xác và sẽ trở thành “thân trung ấm”. Thân trung ấm là một trạng thái tâm thức trung gian giữa sự chết và tái sinh. Trong vòng 7 tuần sau, những người thân của người chết nên tiếp tục niệm Phật trợ duyên, tụng kinh, bái sám và mời những người Phật tử khác cùng hành lễ để trợ duyên cho người chết được siêu thoát.

Ở đây có một vấn đề cần phải được làm sáng tỏ. Khi một người chết, xác thịt của người ấy trở về với cát bụi, nhưng còn phần tâm thức của người ấy thì sao, điều gì sẽ diễn ra với nó, nó có tồn tại mãi mãi không?

Vấn đề này được kinh điển diễn tả rằng, trong vòng bảy tuần sau khi chết, ba loại nghiệp sẽ tham gia quyết định nơi đến của thần thức, nơi mà người ấy tái sinh. Ba loại nghiệp đó là: Trọng nghiệp, tập quán nghiệp và cận tử nghiệp. Trong đó, cận tử nghiệp có sự chi phối mạnh nhất.

Thứ nhất là sự quyết định của trọng nghiệp. Trọng nghiệp là những việc lành lớn hoặc là những việc cực ác mà người ta đã từng làm lúc còn sống. Kết quả của những nghiệp ấy đã được xác định cụ thể. Người nào gieo những hạt giống thiện thì khi quả chín muồi, họ sẽ được sinh lên thiên giới hoặc thác sanh về cảnh giới của chư Phật. Nếu người nào gieo những hạt giống bất thiện thì kết quả họ sẽ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh. “Tất cả những gì người ta đã tạo ra, dù tốt hay xấu, chính họ sẽ là người nhận lãnh những kết quả ấy”.

Thứ hai, con người thường có những thói quen và những sở thích. Người tốt thì có thói quen tốt và ngược lại, người xấu thì có thói quen xấu. Một khi sở thích đã trở thành thói quen thì khó lòng thay đổi được chúng. Khi một người mới chết, nếu không có sự chi phối nào khác thì người ấy sẽ đi theo những người có thói quen tương tự với mình và sẽ tái sinh ở đó.

Thứ ba, cận tử nghiệp thường gắn liền với ý niệm của người hấp hối. Những ý niệm cuối cùng của người chết sẽ quyết định là sẽ tái sinh vào trong sáu cảnh giới của cõi dục hay là được thác sanh về cảnh giới của chư Phật. Ý niệm cuối cùng ấy rất quan trọng. Nếu người hấp hối không có những trọng nghiệp, cũng không có thói quen và ý niệm cuối cùng cũng không rõ ràng gì cả thì thần thức sẽ bị lấp lửng như những làn sóng vô tuyến. Khi người ấy nghe tiếng khóc than của người thân thì sẽ nảy sinh ý niệm muốn quay trở lại. Nếu lúc ấy mà nghe tiếng niệm Phật thì người đó sẽ không bị vướng bận bởi những âu lo của cuộc đời. Ý niệm muốn quay trở lại là nguyên nhân dẫn đến tái sinh trong sáu cõi hữu tình, trong khi ý niệm không bị ràng buộc bởi những lo âu của trần thế là nhân tố dẫn đến sự thác sanh về cảnh giới của chư Phật.

Có một người Trung Quốc nói rằng: “Khi bạn đánh vào cái chiêng một nghìn lần, thì lần đánh sau cùng sẽ tạo nên âm thanh hòa điệu”. Hộ niệm là “gõ lần cuối cùng để tạo nên sự hòa điệu” ấy. Có nghĩa là dùng sự hộ niệm để điều chỉnh ý niệm của người hấp hối, để khơi gợi và để tác động trực tiếp vào tâm thức của người ấy. Một ý niệm thiện lành thì sẽ đưa đến sự tái sanh ở cõi lành, một ý niệm bất thiện thì bị tái sinh vào ác đạo. Tuy nhiên, người sắp lâm chung cần phải được chăm sóc hết sức cẩn thận trong giờ hấp hối. Khi một người hấp hối là họ bắt đầu khởi một ý niệm, chúng ta phải hộ niệm để gợi mở, để truyền cảm hứng và để dẫn dắt dòng tâm thức của người đó. Đây là lý do mà chúng ta cần phải hộ niệm.

Hộ niệm có lợi ích gì?

Như quí vị đã biết, có bốn giai đoạn trong đời sống một con người, bốn giai đoạn ấy là: sanh, già, bệnh và chết. Chúng còn được biết đến như là bốn định luật của cuộc sống. Chúng ta hãy bỏ qua ba giai đoạn đầu và chỉ tập trung vào giai đoạn cuối cùng, đó là “chết”. Từ xưa cho đến nay, đã có rất nhiều vị anh hùng, nhưng không có ai trong số họ thoát khỏi sự chết. Tuy nhiên, để chết trong yên bình hay không thì người ta có thể điều khiển được.

Mọi người đều mong ước có được cuộc sống thú vị và yên bình. Cũng như vậy, mọi người mong ước được bình yên khi chết. Lúc hấp hối, người ta thường rơi vào bốn trạng huống: 1. lo âu về cái chết, 2. đau đớn, 3. không muốn dứt bỏ đời sống hiện tại và 4. không tỉnh táo. Nếu bốn trạng huống ấy không thực sự chi phối đến người chết, nhưng người ấy lại chết trong tiếng than khóc của người thân thì sẽ không thể ra đi một cách yên bình được. Tuy nhiên, nếu chúng ta hộ niệm cho người ấy lúc hấp hối thì chúng ta có thể truyền cảm hứng, an ủi, nhắc nhở và dẫn dắt người ấy hướng về chánh đạo. Trong tiếng niệm Phật, người ấy sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn bởi sự nhớ nghĩ chơn chánh và tự thấy mình không còn bị ràng buộc bởi những lo âu, sợ hãi thường tình. Do đó, người ấy sẽ được tái sinh về cảnh giới của chư Phật một cách an nhiên.

Khổng Tử nói rằng: “Khi con chim sắp chết, tiếng hót của nó thật não ruột, khi một người sắp chết, họ nói thật thân ái”. Điều này chứng tỏ không ai muốn chết trong khi người ta vẫn còn thở. Khi nhận thấy điều đó không thể có được thì người ta sẽ mong ước có được một nơi an toàn để bám vào. Nhờ sự hộ niệm, người hấp hối có thể nương vào ánh hào quang của Phật để thoát ra khỏi những âu lo thường tình và tìm đến nương tựa nơi Đức Phật. Người ta sẽ đến được nơi an nghỉ cuối cùng, đó là cảnh giới của chư Phật. Đây là một lợi ích của sự hộ niệm.

Một lợi ích khác của sự hộ niệm là dùng những “luồng tư tưởng” lành được sinh ra bởi những đạo hữu đang niệm Phật để khai mở ý niệm đầu tiên nhất của người hấp hối. Sau đó làm cho ý niệm lành ấy tiếp tục được điều chỉnh cho hợp với những ý niệm thiện khác trong mười pháp giới. Bằng sự nỗ lực thích đáng, nghiệp thiện ấy sẽ đến được với giới hạn của những hạt giống thiện. Người hấp hối sẽ tập trung vào ý niệm thiện ấy một cách nhất tâm và sẽ được vãng sanh về cảnh giới của chư Phật.

Người ta thường ý thức được rằng, một ý niệm thiện khởi lên là thiên đường hiện khởi và một ý niệm bất thiện khởi lên là địa ngục xuất hiện. Tư tưởng trong hiện tại quyết định cảnh giới tái sanh là thiên đường hay địa ngục. Hộ niệm bằng cách niệm Phật là thôi thúc người hấp hối hãy khai mở một ý niệm thiện trong hiện tại và nắm vững lấy nó, chứ không để xảy ra bất cứ một sơ suất nhỏ nào, vì điều ấy sẽ khiến cho người ta đi lạc đường.

Những nguyên tắc khi hộ niệm

Người bệnh thường bị hành hạ bởi sự đau đớn trước khi chết. Sự đau đớn ấy không thể diễn tả nổi. Vì thế, người bệnh cần có “sự thanh thản” trước và sau khi chết. Người ấy sẽ ra đi hết sức bình yên trong sự thanh thản. Có một số nguyên tắc cần được tôn trọng khi hộ niệm: 1- Không di chuyển thân thể của người chết, 2- Không được khóc than, 3- Không nên gây ồn ào không cần thiết, 4- Niệm Phật một cách trang nghiêm.

Trước hết là không được di chuyển thân thể của người chết. Từ khi trút hơi thở cuối cùng, người chết cần có sự thanh thản, bất kỳ sự di chuyển nào cũng làm cho thể xác người chết càng đau thêm. Trong lúc đau đớn, người chết sẽ sinh lòng căm hờn. Chính lòng căm hờn này dẫn người chết đến chỗ sa đọa. Việc tắm rửa và thay áo quần cho người chết nên tiến hành trước lúc người ấy chết hoặc là sau khi chết khoảng 8 tiếng đồng hồ. Điều này rất quan trọng.

Thứ hai, không được khóc than. Mọi người cho rằng, khóc cho người chết là một nghĩa cử thông thường của con người. Một khi có người chết, chúng ta khóc bên xác của người ấy. Điều này chỉ đem đến sự buồn phiền cho người chết mà thôi. Thay vì khóc than, chúng ta hãy ngăn những dòng nước mắt lại và niệm Phật một cách thành kính để cầu cho người ấy được sanh về cõi Cực lạc. Như thế thì cả người sống và người chết đều sẽ cảm thấy tốt hơn. Nếu ai đó không ngăn được sự khóc than thì nên đi nơi khác và khóc cho thỏa lòng rồi hãy trở lại. Như thế thì sẽ làm dịu bớt sự dồn nén ở trong lòng.

Thứ ba là không nên gây ồn ào không cần thiết. Khi có người chết, thân quyến và bạn bè đến viếng và sẽ có không ít vấn đề được bàn tán ngay sau khi người ta chết. Khi có quá nhiều quan điểm và lời huyên thuyên không ngớt thì chỉ làm mất đi sự yên tĩnh và làm phân tâm những người hộ niệm. Tốt hơn là nên thảo luận và sắp xếp công việc ở một phòng khác hoặc là ở bên ngoài. Hãy giữ cho căn phòng người chết đang nằm được yên tĩnh. Mọi người hãy niệm Phật trong sự điềm tĩnh và hãy để cho người chết chỉ nghe tiếng niệm Phật mà thôi. Được như thế thì người chết sẽ có thể nhất tâm và dòng tư tưởng thanh cao của họ không bị gián đoạn. Đây mới là cách trợ giúp phù hợp nhất.

Thứ tư là niệm Phật một cách trang nghiêm. Tất cả những người Phật tử hay không phải Phật tử, sau khi hiểu được lợi ích của sự hộ niệm, họ thường mời những người giúp đỡ đến để chuẩn bị cho việc hộ niệm. Cần phải quan sát sự chuyển biến của người hấp hối, khi thấy người thân của mình đang nằm, vẫn còn thở, sắp tắt thở, đang trút hơi thở cuối cùng, lúc ấy hãy mời mọi người hộ niệm cho họ. Mọi người nên cùng nhau niệm Phật trong sự trang nghiêm để cầu cho người đang nằm được vãng sanh về cõi Cực lạc.

Có một vài điểm cần lưu tâm trong khi gia đình có người hấp hối:

a. Chỉ di chuyển thân thể người chết sau 8 giờ kể từ lúc tắt thở. Điều này sẽ hơi bất tiện nếu đấy là khu vực có quá nhiều bệnh nhân. Chúng ta có thể chuyển nguyên cả cái giường mà người chết đang nằm đến phòng khâm liệm và tiếp tục hộ niệm cho đến tám tiếng đồng hồ. Sau đó, chúng ta có thể chuẩn bị cho việc khâm liệm.

b. Nếu người chết đang trong tư thế ngồi, cứ để vậy và không cần phải phủ khăn áo gì cả. Tuy nhiên, chúng ta không được để cho thể xác bị nghiêng. Và sau 8 tiếng thì chúng ta sẽ chuyển đổi.

c. Không cần phải mặc áo quần tốt cho người chết, chỉ cần phủ lên thân thể họ một tấm ra sạch là được. Cuối cùng thì thể xác ấy cũng được mai táng hoặc là hỏa thiêu, cho nên việc mặc quần áo tốt cho họ cũng không có lợi ích gì. Nếu như đem những áo quần tốt đó cho người thân của mình dùng lúc đang còn sống thì tốt hơn, nó sẽ làm tăng thêm phần giá trị cho người ấy.

d. Sau 8 đến 12 tiếng, chúng ta vẫn tiếp tục sắp xếp cho tang lễ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiếp tục hộ niệm.

Làm gì khi “nhạc đã cất lên mà người vẫn chưa đi”?

Có một câu châm ngôn rằng: “Tiếng nhạc cất lên và người thanh thản ra đi”. Niệm Phật thật ra là hát “bản nhạc vô sanh”. Sau khi nhạc cất lên thì người hấp hối nên từ giã cõi trần. Tuy nhiên, đôi khi sự việc lại không diễn tiến như vậy. Tiếng niệm Phật cất lên mà người vẫn chưa ra đi, người ấy vẫn còn sống. Lúc ấy chúng ta nên làm gì? Trường hợp này giống như sau khi chúng ta niệm Phật trợ tiến cho người hấp hối nhưng người ấy không chết, họ vẫn tiếp tục sống thêm 10 năm nữa. Chúng ta nên làm gì trong trường như thế? Đấy là kết quả tốt, là một trường hợp đáng mừng, là một điềm lành. Bởi vì công năng của việc hộ niệm đã làm hồi sinh. Nhờ phước đức của việc hộ niệm mà người hấp hối đã thoát khỏi bệnh tật, mạng sống được kéo dài ra. Như thế không tốt hơn sao?

Hộ niệm là xưng niệm “Nam mô A Di Đà Phật” xung quanh người đang hấp hối. Việc làm này gợi cho người đang hấp hối hay đã chết nhớ lại rằng, biển khổ là không bờ, sám hối là tự cứu lấy mình. Người hấp hối sẽ nắm lấy cơ hội này để hướng sự chú ý vào nội tâm nhằm nhận ra bản tánh thanh tịnh vốn có của mình. Khi chúng ta nhìn thấy được bản tánh cũng có nghĩa chúng ta nhìn thấy được Phật tánh và sẽ được quay về với cảnh giới của chư Phật.

Tỷ kheo Tai Kwong -Minh Phú lược dịch (Nguyệt San Giác Ngộ 175)

Niệm Phật Trong Tạp Niệm

Niệm Phật Trong Tạp NiệmNgười niệm Phật là người cất bước trên con đường về Cực Lạc. Không luận là niệm nhiều hay ít, tán tâm hay nhất tâm. Hễ có niệm Phật là có chủng tử Phật, không sớm thì muộn cũng về đất Phật. Tuy nhiên điều quan trọng nhất của niệm Phật là có lòng tin.

Tin Phật Thích Ca không bao giờ nói dối. Tin Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn và tin mình sẽ được vãng sanh. Chỉ cần đủ niềm tin như vậy một cách vững vàng kiên cố thì bước đi đến Cực Lạc chắc chắn phải tới.

Niệm là cất bước đi, tin là phương tiện giúp cho việc đi mau tới. Riêng về tán tâm niệm Phật cũng đừng lo ngại chi cả, vì có ai lại biết được là mình nhất tâm, nếu biết mình đang nhất tâm niệm Phật thì cái biết này đã là tán tâm rồi.

Cho nên có thể hiểu nhất tâm niệm Phật là giờ phút chót của đoạn đường đến Cực Lạc. Nhưng nói vậy không có nghĩa là ta không có được giây phút nhất tâm nào lúc đang niệm Phật. Dĩ nhiên là phải có, mà có đây cũng được xem như không, vì đã nói khi biết được nhất tâm là đã có sự động (biết) trong khi niệm Phật rồi. Thành ra có nhất tâm hay không điều này ta đừng lo ngại .

Cái lo ngại nhất của người niệm Phật là quên niệm Phật. Khi ta quên niệm Phật thì ngay lúc đó ta đã dừng lại bước đi tới hướng về Cực Lạc, mà đứng lại cũng còn may mắn chỉ sợ ta bị đẩy lùi nữa là khác. Người ta thường nói không tiến ắt phải lùi nghĩa là vậy. Những hình ảnh tư tưởng tham vọng, sân hận là sức đẩy xô ta lùi lại sau. Sức đẩy của chúng có thể mạnh hơn câu niệm Phật nếu ta niệm lơ là biếng trễ.

Chúng ta cũng đừng lo ngại rằng niệm Phật xen vào công việc giao tế sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh là bất kính. Trong hoàn cảnh vậy, đây mới là sự niệm Phật chí thành tinh tấn, bởi đó chứng tỏ định lực nhớ ghi của ta đã vững vàng.

Hơn nữa niệm Phật là niệm cái tánh giác Phật tánh của mình thì việc khắc ghi mãi tánh giác ấy vẫn hợp với Phật pháp. Và hẳn nhiên trong tình huống như thế không thể nào niệm ra tiếng được, mà chỉ nhớ ghi thôi. Nhớ rằng ta đang biết câu niệm Phật trong đầu đang tuôn chảy. Do vậy nếu có lo ngại là lo ta có thường nhớ câu niệm Phật hay không?

Với công việc lao động bằng tay chân thì còn dễ niệm, chớ việc làm tính toán nghĩ suy bằng trí óc hay vào những lúc hầu chuyện với người làm sao niệm được! Trường hợp như thế ta phải giải quyết hoàn tất công việc đó, nhưng cố gắng làm sao trở về với câu niệm Phật được lúc nào hay lúc đó. Đây không phải là điều gượng gạo phân tâm, khó xử mà là phương tiện luyện tâm niệm Phật vậy.

Trong cuộc sống hằng ngày tâm niệm của ta thường lăng xăng chạy theo muôn chuyện, đầu óc chẳng bao giờ muốn ngừng nghỉ, bởi vậy mỗi câu niệm Phật hay bị xen vào những tạp niệm. Nhưng thử nghĩ nếu ta không niệm ngay lúc này mà đợi đúng giờ đúng khắc trì kinh mới niệm thì làm sao định lực niệm Phật có đủ sức để trừ khử tạp niệm ngày càng dung dưỡng trong ta.

Chẳng nói gì ngoài giờ tụng kinh lễ Phật mà ngay luôn giờ phút trang nghiêm thanh tịnh trước bàn Phật tạp niệm vẫn tấn công vào. Việc này cho ta thấy, là ta đã quá xem thường tạp niệm, nên dễ duôi, tự do cho nó vào ra thoải mái. Hay đúng hơn là ta đã không thực tập niệm Phật ngay trong tạp niệm.

Nếu ta thực sự không ngại gì niệm Phật trong lúc bận bịu, rộn ràng, lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, làm việc, tiếp chuyện v.v…mỗi mỗi giây phút niệm Phật, có mặt trong giờ phút vừa thức dậy đi vào cuộc sống, cho đến đặt lưng xuống ngủ, kể cả đến lúc nhắm mắt ngủ quên mới thôi, thì ta có lo gì tạp niệm nổi lên trong giờ phút trì kinh trước điện Phật.

Hay dù cho tạp niệm có móng lên trong lúc trang nghiêm đó, thì cũng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc rồi sẽ biến mất đi. Bởi đó là do ta có thực tập, sẵn sàng ứng phó với tạp niệm, và vậy không còn lo lắng. Thế là ta trở về với lời kinh tiếng kệ một cách dễ dàng.

Chúng ta có thể đồng ý rằng còn sống là còn có tạp niệm. Vì tạp niệm là do duyên căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với cảnh trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) tạo ra bao hành động của thân và tâm. Bằng hình thức này, mức độ kia bất cứ người nào trong xã hội vẫn không trốn chạy được tạp niệm, tuy vậy chúng ta cũng thấy có tạp niệm con người mới có phân biệt điều tốt việc xấu, và như không có phân biệt, thì làm sao con người phát triển được những tư duy.

Các vị Thánh, Tổ ban sơ cũng từ tạp niệm mà cuối cùng đi dần đến nhất niệm, cũng như mượn phương tiện trở về cứu cánh. Vậy thì niệm Phật trong tạp niệm vẫn là một việc rất quý, khó hành, huống chi muốn có nhất niệm phải từ tạp niệm mà ra, chỉ sợ là, ta có niệm được trong lúc tạp niệm hay không! Hay suốt đời sống chìm trong tạp niệm.

Nói rõ lại con đường đi đến Cực Lạc trước sau gì cũng hiển lộ rõ ràng trước mắt người niệm Phật. Và phương tiện để đưa hành giả niệm Phật đến đích mau hay chậm, chắc chắn hay không là do sức niệm Phật của hành giả. Cuối cùng thì niệm Phật muốn được nhất tâm thì phải niệm ngay trong tạp niệm.

Trích Hương Thơm Niệm Phật
Thích Phổ Huân

Chọn Pháp Môn Trong Thời Đại Văn Minh

Chọn Pháp Môn Trong Thời Đại Văn MinhĐời người ngắn ngủi chập chờn như giấc chiêm bao không thật có. Bao toan tính xây dựng hoa mộng trong đời là việc nửa chừng bỏ dở, rồi theo nghiệp mà đi để quay về mang kiếp hình khác, lại tiếp tục xây mộng giả. Nhưng nghiệt ngã thay cho nghiệp thức kia không chỉ chọn cảnh người mà tránh cảnh thú, hay ngạ quỷ, địa ngục…Vì vô minh vọng ác chẳng kể gì đêm tối hố thẳm, nghiệp thức đã tạo phải trầm luân mãi sáu nẻo luân hồi.

Thương cho chúng sanh cứ lao theo trần cảnh chẳng muốn quay về. Đức Phật từ bi giảng dạy đủ mọi phương tiện pháp môn, hầu tùy tâm tự thích chọn lựa. Người tâm tưởng sáng suốt, tư duy nhạy bén căn tánh lưu thông thì chọn pháp môn đốn giáo nhận thẳng chân tâm, thấy tánh là Phật như pháp tu Thiền định. Người muốn đi sâu vào lý pháp chân như của vạn pháp Phật mầu thì chọn pháp tu Viên giáo theo Hoa Nghiêm tông v.v…Và người muốn nương vào Phật lực cùng với tâm lực cầu sanh về cảnh Phật để hoàn tất con đường tu thì chọn pháp môn Tịnh Độ chẳng hạn.

Tất cả những phương tiện như vậy đều đưa chúng sanh về đến mục tiêu giải thoát. Tuy nhiên dù con đường đã sẵn có, mục tiêu quá rõ ràng vậy mà vẫn còn xa tít mờ mịt với chúng ta. Có phải chăng đời nay đúng là đời mạt pháp. Trong quyển “Phật Học Tinh Yếu” của cố Hoà Thượng Thích Thiền Tâm phần nói về Phật Pháp Trong Ba Thời có tóm lược bốn thuyết về thời kỳ Phật pháp “…Các bậc danh đức bên Trung Hoa đều thể dụng thuyết chánh pháp 500 năm, tượng pháp 1,000 năm, và y-cứ theo kinh Đại Bi thêm vào phần mạt pháp 10,000 năm (9).” Và Nhơn Vương Kinh Sớ nói: “có giáo lý, có hành trì, có quả chứng gọi là chánh pháp. Có giáo lý, có hành trì không quả chứng, gọi là tượng pháp. Có giáo lý không hành trì, không quả chứng, gọi là mạt pháp (10)”.

Có thể nghĩ rằng thời tượng pháp không phải không có người chứng đạo, nhưng vì khó gặp khó thấy nên ví là không. Riêng thời mạt pháp cũng vậy, kẻ hành trì đúng pháp khó thấy khó gặp, chớ không phải không có. Từ đây lại thấy, thời mạt pháp người hành trì mà còn khó thấy, nói chi người chứng quả. Xét lại điều nói trên không phải cho là hoài công vô ích ở việc tu hành đời nay; mà đây là lời cảnh tỉnh để thức ngộ tánh giác cho việc giải quyết sinh tử. Vậy thì suy ra con đường tu tập của chúng ta phải thế nào để gọi là có hành trì và chỉ cần có hành trì thôi cũng là quý lắm rồi. Vì ngay thời tượng pháp có hành trì mà còn không quả chứng huống chi thời mạt pháp kinh nói không có hành trì, nghĩa là hành trì không đúng theo chánh pháp vậy, hay rõ hơn hành trì không đem đến sự thoát ly sinh tử. Thế thì làm sao giải quyết xa lìa sinh tử luân hồi ?

Trong đường nan giải mịt mù này ta hãy quan sát tìm lại con đường nào khả dĩ giúp ta không hoài công phí sức có được một chút hành trì cho đúng nghĩa của hành trì mà Phật dạy trong đời mạt pháp. Xem lại pháp môn tu của Phật, được biết đến hiện nay gồm có mười pháp môn tu theo mười tông phái: 1) Câu Xá Tông, 2) Thành Thật Tông, 3) Tam Luận Tông còn gọi là Tánh Không Tông,4) Duy Thức Tông còn gọi là Pháp Tướng Tông, 5) Pháp Hoa Tông còn gọi là Thiên Thai Tông 6) Hoa Nghiêm Tông còn gọi là Hiền Thủ Tông 7) Luật Tông, 8) Thiền Tông, 9) Tịnh Độ Tông 10) Mật Tông còn gọi là Chơn Ngôn Tông.

Trong các pháp môn của những tông này hẳn nhiên là những con đường chắc chắn tiến tới giải thoát. Tuy thế trong các môn đây chỉ có pháp môn Tịnh Độ là có tha lực của đức Phật hộ trì tiếp dẫn. Còn lại các môn khác đều hầu như do tự lực hành đạo. Việc tự lực này không nói ai cũng rõ là phải khó hơn là nhờ tha lực. Lại hiểu đơn giản của tự lực là tự mình quyết định, tự mình tầm kiếm, tự mình đến nơi, và nếu có nhờ tha lực thì cũng nhờ rất ít, chớ thâm tâm tư tưởng vẫn hằng nuôi ý chí độc lập vào nghị lực của cá nhân mình.

Với ý nghĩ như vậy, thì người tu các pháp môn khác không phải là Tịnh Độ mà được quả chứng, phải là người có đầy đủ nghị lực, hay nói cho đúng phải là bậc thượng căn, thượng trí …

Thời Phật còn tại thế Ngài đã không nói là phương pháp này khó, phương pháp kia dễ, phương pháp này các ông nên tu, phương pháp kia các ông nên bỏ v.v…mà Ngài chỉ nói ra những điều chân lý, tùy hợp với căn cơ của mỗi người. Trong Phật pháp do đó nghe nói đến khế kinh có nghĩa kinh hợp với chân lý và căn cơ, thời đại hiểu biết của chúng sanh.

Vậy thì xét lại trí lực, căn cơ của con người bây giờ và hoàn cảnh thời đại ngày nay cách Phật quá xa, có thể cho ta một quyết định chọn lựa pháp môn sao cho thích hợp để hành trì mà không uổng tiếc.

Ôi thật may thay con đường thẳng tắp lối đi sáng tỏ đã được đức Phật chỉ bày rõ ràng dễ hiểu đó là con đường Tịnh Độ. Đường đi Tịnh Độ không phải gian nan hiểm trở, không phải đơn độc hành trì, và lại càng không phải đòi hỏi hành giả trí lực cao thâm, căn cơ trung, thượng hoàn cảnh nhất định nào đó v.v…

Đường đi Tịnh Độ chỉ là lối đi êm ái nhẹ nhàng trong niềm tin mãnh liệt của chánh pháp. Bất cứ người nào, không phân biệt nhỏ lớn, giàu nghèo, si mê, trí tuệ nếu sống đúng nhân cách thương người, mến vật rồi thực hành pháp môn này không kể ít hay nhiều chỉ thành tâm tha thiết thì nhất định sẽ được Phật gia hộ, khi lâm chung chắc chắn sanh về thế giới Phật A Di Đà.

Đặt trọn niềm tin với tịnh độ không có nghĩa là phó thác, ký nhờ. Người thực hành pháp môn này cũng phải gia công gắng sức nhớ ghi, quán tưởng, nhất tâm trì danh hiệu Phật, và với sự dụng công này, cũng được xem phải có tự lực. Cho nên pháp môn Tịnh Độ không hoàn toàn có nghĩa nhờ tha lực. Pháp tu Tịnh Độ lại có điều huyền diệu là không bị lệ thuộc vào chướng duyên nào trong việc hành trì. Hành giả niệm Phật có thể niệm Phật bất cứ nơi đâu mà không lo ngại nơi đây thanh tịnh nơi kia ô nhiễm. Do không hạn cuộc nên mới thích hợp với thời đại văn minh ngày nay.

Có người nghĩ rằng lao đầu vào công việc sinh nhai hẳn phải tạo nhiều nghiệp ác, nhưng lẽ nào khi ngã bệnh lại nhớ niệm Phật vài câu mà được vãng sanh? Trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo, nhà vua khi thưa hỏi với tỳ kheo Na Tiên cũng có nghi vấn như vậy. Vua hỏi “Nói rằng người ở thế gian làm điều ác đến trăm năm khi chết nếu biết niệm Phật, sau khi chết được sanh lên cõi trời, lời nói như vậy, tôi không tin. Lại nói một khi sát sanh chết liền đọa vào địa ngục Ni Lê, tôi cũng không tin. Tỳ kheo Na Tiên đáp: Có người cầm viên đá nhỏ để trên mặt nước, đá đó nổi hay chìm? Vua trả lời chìm vậy. Na Tiên Tỳ-Kheo nói, như bưng trăm tảng đá lớn để trên chiếc thuyền, thuyền kia chìm hay nổi? Vua đáp: không chìm vậy. Tỳ kheo Na Tiên nói rằng: Trăm tảng đá lớn để trong thuyền, thuyền vẫn không chìm. Người tuy có đại ác, nếu một khi biết niệm Phật, nhờ đó mà không đọa vào địa ngục Ni Lê, liền sanh lên cõi trời sao lại không tin? Viên đá nhỏ kia chìm như người làm ác không biết có Phật, không biết niệm Phật, sau khi chết đọa vào địa ngục Ni Lê, chuyện đương nhiên như thế, vì sao lại không tin? Nhà vua nói: hay thay ! hay thay !(11)”

Thế thì chúng ta thấy, xét cho cùng ở hoàn cảnh, tình huống mà con người phải bị lôi kéo vào dòng thác lũ của vật chất, văn minh dục lạc, thì lối thoát trở về với chân tâm khó có thể tìm ra được bằng con đường tự thân, tự lực. Trong quyển “Các tông phái đạo Phật”(12) của Đoàn Trung Còn, phần nói về tông Tịnh Độ có nhắc đến Ngài Pháp Nhiên bên Nhựt. Trong thời gian tu hành thiền niệm Ngài đã đọc hết năm ngàn quyển kinh trong ba tạng kinh bằng chữ Hán, lại xem hết các kinh dẫn giải về đức Phật A Di Đà của tổ sư Viễn Công bên Tàu. Xét thấy hoàn cảnh, căn cơ thích hợp với pháp môn Tịnh Độ nên Ngài quyết định hành trì, chọn lựa pháp môn Tịnh Độ làm con đường hoằng hóa. Cuộc đời tu hành của Ngài được rất nhiều người kính mộ. Ngài được tôn là vị Giáo tổ kể từ đó. Trước khi nhắm mắt Ngài có viết tờ chúc truyền lại cho môn đệ như sau: “Đời nay không phải tham thiền thẩm xét về trí như mấy bậc hiền xưa. Đời nay ta phải thành tâm mà tưởng Phật, niệm Phật. Ta sẽ được về nơi Phật quốc, ta sẽ được giải thoát chớ chẳng không. Vậy ta cứ niệm Phật một cách vững vàng …” Lúc Ngài thọ bệnh mà tịch cập môi vẫn không ngớt niệm A Di Đà. Ngài hưởng thọ bảy mươi chín tuổi, mất năm 1212 cách đây hơn bảy trăm năm.

Qua lời dạy của Ngài chúng ta thấy một điều chắc chắn pháp môn Tịnh Độ hẳn phải là con đường dễ nhất làm ngọn đuốc dẫn chúng sanh ra khỏi đêm tối luân hồi. Bởi cách đây hơn bảy thế kỷ mà Ngài dạy là đời nay không phải tham thiền, thẩm xét, tư tưởng học hỏi trí tuệ như bậc hiền xưa, thì thử hỏi sau bảy trăm năm nền văn minh vật chất đã quá tiến bộ, phức tạp, con người lại phải chạy theo đà văn minh rầm rộ này thì nghĩ lại lời Ngài dạy ta phải giựt mình. Tuy nhiên ta cũng nên hiểu thêm, điều Ngài nhấn mạnh ở việc niệm Phật cầu vãng sanh là then chốt chớ không phải bát bỏ học hỏi, tư tưởng v.v…Như thế việc nhận ra khả năng và hoàn cảnh để chọn cho mình một lối tu là một điều thực tiễn mà mỗi người chúng ta phải tự lo liệu.

Kết lại đời nay đã rõ ràng không phải là thời chánh pháp hay tượng pháp, thế nên chúng ta hãy nhìn lại những bước đi của người trước mà thực hành theo pháp môn huyền diệu này như trong Đại Tập Kinh đã dạy: “Mạt thế ức ức người tu không có một người giải thoát; chỉ nương pháp môn niệm Phật mà ra khỏi luân hồi (13).”

Trích Hương Thơm Niệm Phật
Thích Phổ Huân

Yếu Chỉ Pháp Trì Danh Niệm Phật

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khuyên chúng ta nên phát nguyện sanh về Cực Lạc thế giới. Lần thứ nhất trong kinh A Di Đà, đức Phật Thích Ca nói được sanh về cõi Cực Lạc không phải tầm thường. Người thiện căn, phước đức ít, không sanh về được. Như vậy nghĩa là sao ? Phải thiện căn phước đức nhiều mới được thọ sanh. Muốn được thiện căn phước đức nhiều thì phải làm gì?

Đức Phật Thích Ca nói: “Ai nghe nói đến danh hiệu Phật A Di Đà rồi chuyên chấp trì”, cũng như quý vị mấy ngày qua niệm Phật đó, như vậy tất nhiên là được thiện căn phước đức nhiều. Nhưng niệm Phật mà được gọi là Chấp trì danh hiệu cũng không phải thường, không phải chuyện dễ làm được!

Chấp trì nghĩa là sao? Nghĩa là nắm giữ hay cầm giữ. Thí dụ như hiện tại, quý vị nhìn lên đây thấy tôi đang nắm cái gì ? Tôi đang nắm cầm cái mão, và cái mão dụ cho danh hiệu Phật A Di Đà. Bây giờ tay tôi chỉ còn nắm cầm cái mão, ngoài cái mão không còn nắm cầm cái gì hết. Nếu cầm vạt áo mà quý vị nói tôi đang cầm nắm cái mão thì đâu có được phải không ?Cái mão này tỷ dụ cho danh hiệu Phật A Di Đà. Cũng tương tự như vậy! Nếu trong tâm mình đang niệm Phật mà còn niệm nào khác thì không thể nói là niệm Phật (như ở đây tôi đang cầm cái mão chung với cái vạt áo thì không thể gọi là chỉ cầm cái mão được). Cho nên, tiếng Chấp trì thực hành cũng khó lắm chứ không phải dễ, nghĩa là một thứ thôi. Chấp trì danh hiệu Phật chỉ là một thứ danh hiệu Phật thôi. Nếu trong tâm mình có một cái tưởng hoặc một niệm, một suy nghĩ gì khác, đâu thể gọi là chấp trì. Như tay tôi như vầy thì gọi là chấp trì cái mão, mà bây giờ thêm vạt áo nữa thì không thể nói chấp trì cái mão được, có phải vậy không ?

Khó chớ không phải dễ đâu! Việc làm từ phàm đến Thánh đâu phải chuyện thường, phải tinh tấn cố ggắng nhiếp tâm. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy, nếu mình nhiếp trì danh hiệu Phật được từ một ngày, hai ngày đến sán ngày, bảy ngày thì được nhất tâm bất loạn, gọi là niệm Phật Tam Muội, là Chánh định. Người như vậy, lúc sắp lâm chung sẽ được Phật A Di Đà cùng với Thánh chúng hiện đến trước người đó. Người đó thấy Phật cùng với Thánh chúng thì Chánh niệm hiện tiền, được vãng sanh về Cực Lạc thế giới (nghĩa là bỏ thân này liền sanh về Cực Lạc).

Việc làm từ phàm đến Thánh, từ khổ đến vui mà tóm tắt mau lẹ như vậy nên đức Phật Thích Ca nói đó là một điều lợi lớn . Cho nên, đức Phật khuyên tất cả mọi nguời đều nên phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc. Đó là lời khuyên phát nguyện lần thứ hai trong kinh A Di Đà.

Lần thứ nhất là khuyên phát nguyện sanh về thế giới Cực Lạc để sống cùng với những bậc Thượng thiện nhơn, Nhất sanh bổ xứ. Kế đến là được Phật A Di Đà và các Thánh chúng đến hiện thân trước mặt, người đó được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Vì vậy mọi người nên nghe theo đây mà phát nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc. Đó là lời khuyên phát nguyện lần thứ hai của đức Phật Thích Ca.

Huynh đệ nên nhớ bốn chữ Chấp trì danh hiệu trong kinh, cũng như tôi thí dụ nắm giữ cái mão này, để mà kiềm giữ cái tâm mình. Khi mình xưng danh hiệu “ Nam Mô A Di Đà Phật”, làm sao trong tâm mình chỉ có “ Nam Mô A Di Đà Phật “ mà thôi. Đừng có cái gì khác, đừng cho một niệm gì xen vào hết. Ví như khi tôi nắm giữ cái mão này thì chỉ nắm giữ cái mão này thôi, chớ không có gì khác xen vào, chỉ có một thứ thôi. Mình tập như vậy lâu ngày thì tâm nó dần quen. Ban đầu khó lắm chứ không phải dễ, đủ thứ chuyện nó xen vào trong tâm mình. Không phải một chuyện, hai chuyện, ba chuyện đâu; cũng không phải một chục, hai chục, ba chục mà là hàng trăm chuyện, không phải ít đâu! Quý Phật tử cứ nghiệm ở nơi tâm mình thì biết, nhưng mà tại sao vậy ? vì từ lâu mình luôn sống trong tạp niệm, nó quen quá rồi. Khi đã huân tập thành thói quen mà bắt nó chỉ nghĩ một thứ thôi, việc đó không phải dễ dàng.

Dù rằng không phải dễ nhưng cứ cố gắng làm, lần hồi nó cũng quen, lâu ngày tạp niệm tự bớt, mình sẽ nhất tâm lại . Nhất tâm là sao ? Nghĩa là chỉ chú tâm ở nơi câu niệm Phật “ Nam Mô A Di Đà Phật”, lâu dần tâm nó cũng quen đi, lần bớt xao động, lần sẽ dừng lại.

Cũng có nhiều người đến than thở với tôi là muốn giữ cái tâm lại, nhiếp tâm để chấp trì danh Phật mà làm hoài nó vẫn cứ chạy. Vì cái chạy đó nó quen lâu năm rồi. Không phải lâu năm trong đời này, mà nó đã lâu năm trong nhiều đời trước nữa. Cho nên, mình phải cột, phải nắm lại, rồi lần lần “ cột nắm” cũng dần quen. Khi đứng lại thì nó cũng quen đứng luôn. Vậy nên phải thật chịu khó.

Thành thật nói với đại chúng, tôi biết niệm Phật hồi năm 14 tuổi, đến 21 tuổi mới về chùa. Thì cũng vậy, cũng chuyên về niệm Phật, tu pháp môn Tịnh Độ, đến bây giờ kể ra là bảy mươi mấy năm cũng trì danh hiệu “ Nam Mô A Di Đà Phật”, mà bây giờ niệm lực cũng còn yếu lắm, chứ không được mạnh đâu. Thật là khó! Cảnh duyên nơi này đủ chuyện quyến rũ, đủ chuyện lôi kéo, đủ chuyện nó xen vào. Sự lôi kéo với xen vào đó do mình đã huân tập nhiều đời, nhiều năm quen chạy theo rồi. Nó chạy theo thuần quá, nó quen quá rồi, bắt nó dừng lại tất nhiên phải dày công lắm, nhưng mà mình phải cố làm. Không làm thì đời này mình trắng tay, không được gì hết trong Phật Pháp. Vì thế, Phật dạy lúc nào cũng phải tinh tấn tu hành.

Tóm lại, đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy mình những cái nghe biết ở cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, sự sinh hoạt nơi cõi Cực Lạc, khuyên bảo mình phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc để chuyển từ phàm phu lên bậc Thánh, từ nơi cõi luân hồi này lên bậc Bất thối chuyển để thành Phật. Đức Phật Thích Ca dạy như vậy đó. Ngài nói chẳng phải riêng ở nơi Ngài mà muời phương Chư Phật đều tán thán việc này (trong kinh mình tụng chỉ nói tắt nơi sáu phương, kỳ thật là mười phương Chư Phật cũng đều tán thán việc sanh về thế giới Cực Lạc).

Vả lại, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cuối cùng cũng nói pháp môn Tịnh độ. Pháp môn niệm Phật để sanh về cõi Cực Lạc mà Phật nói đây khó tin lắm, chứ không phải dễ (rất khó tin). Nên trong kinh A Di Đà, vị nào có tụng thì biết, Chư Phật mười phương đều khen ngợi đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở nơi cõi này mà giảng dạy pháp Môn niệm Phật để sanh về cõi Cực Lạc là rất khó, khó hơn ở cõi ngũ trược mà thành Phật. Nơi cõi ngũ trược mà thành Phật đã khó, song nói pháp môn này lại càng khó hơn.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau đó nhấn mạnh lại rằng: “Đúng như vậy! Đức Phật ở thế gian này nói pháp môn niệm Phật, cầu sanh về cõi Cực Lạc là rất khó”. Bây giờ, quý Phật tử ở đây đều tin, đều phát nguyện, sớm tối tu hành niệm Phật cầu sanh về cõi đó, như vậy tất nhiên là việc khó. Chư Phật mười phương và Đức Phật Thích Ca nói khó mà quý vị đã làm được rồi. Việc khó tin mà quý vị quyết tâm làm thì cũng làm được. Như vậy việc này hy hữu ít có lắm, nên phải cố gắng tinh tấn tu hành, đừng nản (đừng nghĩ mình niệm Phật sao nó cứ loạn, niệm Phật sao không nhất tâm, niệm Phật sao kiềm giữ không được…)

Chúng ta phải nghĩ thế này: “ Chỉ vì thói quen mà thôi, mình chịu khó luyện tập kiềm giữ thì cũng có thói quen luyện tập kiềm giữ .Thói quen này thuần thì nó có sức mạnh. Có sức mạnh rồi thì không có gì khó đâu, cứ cố gắng làm rồi sẽ thành công”.

Cũng mong nơi tất cả đại chúng đều tinh tấn nhất tâm tu hành. Cầu nguyện từ lực đức Phật A Di Đà, cũng như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng với mười phương Chư Phật, cho đến các vị Bồ Tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Chư Thượng thiện nhơn đến gia hộ cho tất cả Phật tử. Tất cả chúng ta khi bỏ thân này, đều được sanh về thế giới Cực Lạc, xa lìa xanh tử luân hồi, không còn sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não, hưởng sự an vui, tự tại, giải thoát.

Mong mỏi tất cả đại chúng, ai nấy đều thành công trong pháp môn niệm Phật, chấp trì danh hiệu Phật để được vãng sanh Tịnh độ, thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà!

Trích Yếu chỉ pháp trì danh niệm Phật (Bài thuyết pháp đầu tiên tại chùa Vạn Linh, (núi Cấm) ngày 23/11/2003 Quý Mùi)
HT. Thích Trí Tịnh