Điều Kiện Để Vãng Sanh Tây Phương

Điều Kiện Để Vãng Sanh Tây PhươngĐiều kiện tiên quyết để vãng sanh về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà, không có gì khó khăn, cũng không có gì bó buộc lắm, mà trái lại, bất luận ai, sang hèn, giàu nghèo, trí thức hay thiếu học đều có thể có được. Muốn được sanh về cõi Tịnh độ, trước tiên cần phải đủ ba điều kiện sau đây:

1. Đức tin chắc chắn

Trong kinh Hoa Nghiêm có nói: “Tin là mẹ các công đức. Tin có thể thành tựu quả bồ đề”. Lòng tin có ba khía cạnh:

a) Tin Phật là đáng sáng suốt từ bi cứu khổ mọi loài. Vì muốn cứu độ chúng sanh mau hết khổ sanh tử, nên Ngài mới chỉ bày cảnh Tịnh độ của Phật A Di Đà là một cảnh có thật.

b) Tin giáo pháp của Phật nói ra là đúng đắn chơn thật, dạy chúng ta phải nhất tâm niệm Phật, cầu vãnh sanh về cảnh giới của Phật A Di Đà. Chúng ta tin chắc theo giáo pháp của Ngài mà tu hành thì sẽ được thành công.

c) Tin ở nơi sức mạnh của mình. nếu ta thật tâm tin chắc: ta là Phật sẽ thành, nhất tâm trì niệm danh hiệu Phật, quyết chắc sẽ được vãnh sanh cõi Tịnh độ.

2. Lập nguyện vững vàng

Nguyện là ý muốn tốt đẹp. lập nguyện vững vàng nghĩa là thiết tha mong muốn, lập chí nguyện không thối chuyển, quyết sinh về Cực lạc, dù có gặp bao trở ngại gian lao, khổ sở. Phải có tấm lòng thiết tha, không giờ phút nào xao lãng ý muốn được về gần Phật A Di Đà, như con đi xa thiết tha được về gặp mẹ.

Trong mọi công việc lớn lao, chí nguyện là quan trọng. Không có chí nguyện, thì không có gì thành tựu được cả. một nhà văn đã viết rất đúng: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Người có chi nguyện, như thuyền có lái, như ngựa có cương. Từ việc đời cho đến việc đạo, muốn thành công, điều cần yếu là lập chí nguyện cho vững vàng.

3. Thực hành theo đúng chí nguyện

Đã so chí nguyện rồi, phải thực hành theo đúng chí nguyện. Thực hành ở đây là luôn luôn trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, niệm luôn luôn trong khi đi đứng, nằmd ngồi, cho đến “nhất tâm bất loạn”.

Tóm lại, điều kiện tiên quyết để vãng sanh về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà, không có gì khó khăn, cũng không có gì bó buộc lắm, mà trái lại, bất luận ai, sang hèn, giàu nghèo, trí thức hay thiếu học đều có thể có được. Đó là: Có đức tin mạnh mẽ, lập nguyện vững vàng, thực hành theo đúng chí nguyện. Có đủ ba yếu tố Tín, hạnh, Nguyện, là có thể bước lên đường đi đến cõi Cực lạc. Cuộc hành trình ấy có thể chậm có thể mau, có thể khó khăn có thể dễ dàng, nhưng ai đã có đủ ba điều kiện ấy, thì thế nào cũng đến đích, Đức Phật A Di Đà lúc nào cũng sẵng sàng chờ đợi để đón tiếp chúng ta, như mẹ chờ con đi xa về. Nhưng nếu mẹ chờ con mà con không nhớ mẹ, không muốn quay về, thì mặc dù có gần nhau đi nữa, cũng chẳng khác gì hai người xây lưng lại với nhau mà đi, một người đi về phương Nam, một người đi về phương Bắc, càng đi càng xa, không thể gặp nhau được nữa. Trái lại, nếu con nhớ mẹ, một lòng muốn gặp mẹ, trong lúc mẹ cũng đang nhớ và chờ đợi con thì cũng như hai người hướng về nhau mà đi, mọt người ở phương Tây đi về phương Đông, một người ở phương Đông đi về phương Tây, mặc dù có cách xa muôn trùng, thế nào cũng sẽ gặp nhau.

Ta tin có Phật A Di Đà, ta quyết tâm thực hiện chí nguyện ấy, thì mặc dù cõi Cực Lạc cách xa mười muôn ức cõi, khi lâm chung, ta cũng sẽ được đức Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ra để tiếp độ ta về cõi ấy.

Hòa thượng Thích Thiện Hoa

Bài pháp Điều Kiện Sinh Về Lạc Quốc do thầy Thích Chân Tính chủ giảng:
 

Hành Giả Niệm Phật Chớ Để Mất Phần Nhập Phẩm

Hành Giả Niệm Phật Chớ Để Mất Phần Nhập PhẩmNgười tu khi niệm Phật phát nguyện cầu sanh về Tây Phương, nơi ao thất bảo ở cõi Cực Lạc liền mọc lên một hoa sen. Nếu cứ tiếp tục niệm không gián đoạn, thì hoa sen ấy lần lần to lớn mãi lên. Trái lại tự nhiên hoa cũng héo tàn. Chừng nào phát tâm tinh tấn trở lại, sẽ có một hoa sen khác hóa hiện. Hoa sen đó do sức tu niệm của hành giả hiện thành, tùy nơi công hạnh cao thấp mà có hơn kém, chia thành chín phẩm, từ Hạ Phẩm Hạ Sanh lên đến Thượng Phẩm Thượng Sanh. Tuy nói khái ước có chín phẩm, nhưng vì công hạnh của người tu rất khác biệt, nên thật ra trong ấy bao hàm đến vô lượng phẩm. Chẳng hạn như trong xã hội đại khái có ba giai cấp: quyền quí, trung lưu và bần khổ; nhưng thật ra trong mỗi giai cấp đều có nhiều thứ bậc hơn kém khác nhau. Phẩm sen ở Cực Lạc cũng như thế.

Tu Tịnh Độ tùy nơi căn cơ và hoàn cảnh nên công hạnh của mỗi người thành ra sai biệt. Có những vị mỗi ngày niệm tới số trăm, số ngàn, lên đến số nhiều muôn. Nhưng dù bận việc bao nhiêu, ít nhứt mỗi ngày hành giả phải có mười niệm, bằng không sẽ mất phần “nhập phẩm”, nghĩa là không được dự vào chín phẩm sen ở cõi Tây Phương. “Nhập phẩm” là danh từ riêng của người tu Tịnh Độ, nó gợi ý nhắc nhở hành giả đừng quên phần niệm Phật. Mười niệm cũng gọi là Thập Niệm Pháp. Đấy là phương thức của ngài Từ Vân sám chủ, căn cứ theo chương Hạ Phẩm Hạ Sanh của Kinh Quán Vô Lượng Thọ mà chế ra, để dành riêng cho những người quá bận về công việc nước hay nhà có thể niệm Phật và vãng sanh Cực Lạc. Phương pháp này gồm có mười niệm, mỗi niệm là một hơi thở, mật ý đi về chỗ “mượn hơi nhiếp tâm.” Người hơi dài có thể mỗi hơi niệm mười mấy câu, kẻ hơi ngắn chỉ bảy, tám câu cũng được. Cứ mỗi hơi niệm Phật gọi là một niệm, mười hơi là mười niệm. Sau khi niệm xong mười hơi, tiếp tục đọc bài kệ hồi hướng:

Nguyện sanh Tây Phương cõi Tịnh Độ.
Mẹ cha là chín phẩm sen lành.
Hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh.
Độ khắp tất cả loài hàm thức.

Nguyện xong, lễ Phật ba lạy rồi lui ra. Phương pháp này phát xuất bởi lòng từ bi vô lượng của Phật, Tổ, dù người đa đoan công việc thế mấy, cũng có thể thật hành để bước lên đường giải thoát.

Về chỗ niệm Phật mười hơi, có điểm cần chú ý là cứ để tự nhiên đừng kéo dài hoặc rút ngắn. Nếu chẳng thế tất sẽ mang chứng bịnh “thương khí.” Trung Luân pháp sư khi đến Bắc Bình giảng đạo, một hôm có ông lão đến nói: “Tại tôi niệm Phật, nên bây giờ sanh chứng lãng tai và đôi khi không nghe chi hết.” Pháp sư hỏi duyên cớ, ông lão đáp: “Có vị đại đức bí mật truyền cho tôi một phương pháp niệm Phật. Vị ấy bảo: “Phép niệm mười hơi, hiện tại các hòa thượng, thượng tọa không ai biết cả, bởi trong ấy có một khẩu quyết mà bây giờ đã thất truyền.” Tôi thành khẩn cầu pháp, vị đó dạy mỗi hơi phải niệm suốt một tràng chuỗi, gồm một trăm lẻ tám câu. Tôi y theo lời, cố gắng thật hành, và lỗ tai sanh ra lùng bùng rồi lãng điếc từ khi ấy. Vậy chẳng biết phương pháp niệm như thế có đúng lời Phật dạy chăng?” Ngài Trung Luân nghe xong bác bỏ, trách vị đại đức kia đem pháp Phật biến thành pháp ngoại đạo, diễn nên kết quả hại người. Rồi Ngài từ từ đem nguyên lý Thập Niệm Pháp giảng cho ông lão nghe.

Đây là một câu chuyện mà người niệm Phật phải lưu tâm, để rút lấy phần kinh nghiệm.

Trích Niệm Phật Thập Yếu
Cố hòa thượng Thích Thiền Tâm

Yếu Chỉ Tam Muội Trong Pháp Môn Niệm Phật

Yếu Chỉ Tam Muội Trong Pháp Môn Niệm PhậtYếu chỉ của tam muội trong pháp môn niệm Phật là sự “lắng nghe” chứ không cốt niệm cho nhiều mà tâm chẳng rõ. Lắng nghe càng rõ sức tam muội càng tự tập trung, tự thanh tịnh. Thanh tịnh càng rõ ràng càng tăng trưởng trí tuệ.

Tam muội cũng gọi là nhất tâm, cũng có nghĩa là chánh định. Chánh định trong niệm Phật đã gồm chánh kiến, chánh niệm, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, chánh tinh tấn, kể cả chánh tư duy trong Bát chánh đạo. Đặc biệt, niệm Phật tam muội bao trùm các căn cơ, trình độ nào tu cũng được, hoàn cảnh nào áp dụng cũng được. đọc tiếp ➝

Giữ Chánh Niệm Phục Ma Vương

Giữ Chánh Niệm Phục Ma VươngÐa số chúng ta đây đều biết, Phật có tướng hảo quang minh, Ma cũng có tướng hảo quang minh. Phước báo của Phật vô cùng to lớn, phước báo của Ma cũng không kém. Phật có hào quang kim sắc của Phật nhu hòa khiến cho chúng ta mỗi khi tiếp xúc đều có cảm giác nhẹ nhàng tươi mát, an ổn, vui vẻ, tự tại. Ma cũng có hào quang kim sắc, nhưng dưới ánh sáng chói lọi của Ma, con người sẽ cảm thấy sợ hãi không yên.

Tóm lại, hào quang của Ma so với hào quang của Phật không có khác, chỉ khác ở chỗ sau khi con người tiếp xúc rồi có những cảm giác hoàn toàn trái ngược nhau.

Làm thế nào để tránh khỏi ánh sáng của Ma? Không bị Ma tổn hại? Ðiều này hết sức quan trọng, quý vị không thể hiểu rõ. Phương pháp hữu hiệu nhất để đối phó:

Quý vị phải luôn giữ Chánh Niệm. Khi giữ được chánh niệm, chẳng những Ma không thể làm tổn hại, ngược lại sanh lòng tôn kính và hộ pháp.

Khi xưa, đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi thị hiện tám tướng thành đạo, Ma Ba Tuần liền đến và dùng đủ mọi thủ đoạn uy hiếp cản trở. Ðức Thế Tôn chánh niệm phân minh, như như bất động.

Sau cùng Ma không còn cách nào để phá hại nữa, nên sanh lòng tôn kính, bái phục, nguyện làm hộ pháp cho Ngài. Do đó tâm niệm của chúng ta cần phải tương ưng với Giới – Ðịnh – Huệ, ba môn học, đây là phương thức quan trọng nhất để đối trị với sức cản trở, lay động của Ma.

Những người nào dễ bị Ma làm tổn thương nhất?

Xã hội ngày nay, những người tu học Phật pháp, đặc biệt là giới thanh niên, bị nhập Ma rất nhiều. Những ai thích có thần thông, cảm ứng đều dễ bị kết duyên với Ma. Ma sẽ lợi dụng nhược điểm đó của quý vị đến lay động quấy phá. Cho nên người tu học Phật pháp trong thời đại này cần phải có cảnh giác cao độ.

Khi niệm Phật phải giữ tâm thật chân thật, không nên mong cầu cảm ứng. Trong kinh điển Phật dạy chúng ta như thế nào, chúng ta ngoan ngoãn làm theo. Ðiều gì Phật nói chúng ta không nên làm, chúng ta quyết định không làm.

Phật dạy chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta cầu sanh Tịnh Ðộ. Phật bảo chúng ta liễu sanh tử, thoát khỏi luân hồi, chúng ta tuyệt đối không luyến tiếc với lục đạo. Thuận theo lời chỉ dạy của Phật, Ma sẽ không làm gì được đối với chúng ta.

Giới trẻ ngày nay đa số vì muốn có thần thông, có cảm ứng, nhưng đâu ngờ đã tự mình làm hư hoại hết cả tương lai tốt đẹp của chính mình.

Thật là điều đáng tiếc vô cùng! Quý vị nên hết sức thận trọng, nhất là phải có sự cảnh tỉnh đối với con cháu, bà con quyến thuộc, bởi vì trong lúc quý vị khởi tâm mong cầu thần thông, cảm ứng, Ma liền có dịp giả hình dáng Bồ Tát, giả Phật Di Ðà đến mê hoặc và lừa gạt dẫn dắt quý vị đi theo. Nhiều vị đồng tu lo rằng: “Nhỡ khi lâm chung Ma giả Phật A Di Ðà đến rước thì sao? Nếu chúng ta không phân biệt được giữa Ma với Phật thì công phu niệm Phật nỗ lực tu hành bấy lâu sẽ chẳng còn!”

Ðối với điều này xin quý vị hãy yên tâm. Ma tuy lừa gạt người, nhưng nhất quyết chúng không thể giả dạng Bổn Tôn tức Phật A Di Ðà. Bởi vì Phật có Thần Hộ Pháp. Khi chúng ta phát tâm chân thật niệm Phật đều được các vị thần Hộ Pháp bảo hộ cho chúng ta, thần Hộ Pháp nhất quyết không dung thứ cho các loàii yêu ma quỷ quái giả mạo Bổn Tôn. Nếu chúng dám giả mạo sẽ bị tội nặng.

Ngược lại nếu chúng giả dạng các vị Phật khác đến gạt quý vị, chúng không phạm tội. Cho nên quý vị niệm Phật A Di Ðà, đến lúc lâm chung nhất định phải chờ Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn. Nếu thấy Phật Thích Ca, Phật Dược Sư đến rước đó là Ma giả dạng đến lừa gạt.

Trong tình trạng như vậy, quý vị phải tập trung tinh thần, nhất hướng chuyên niệm hồng danh A Di Ðà Phật, và mặc nhiên không thèm để ý đến, tức thời những hình ảnh đó sẽ tự biến mất. Những kiến thức này hết sức quan trọng, quý vị nên lưu ý.

Người niệm Phật thỉnh thoảng mơ thấy Phật A Di Ðà, như vậy là công phu niệm Phật được cảm ứng. Nếu thường xuyên thấy Phật thì phải cẩn thận, coi chừng công phu không đúng hoặc có vấn đề.

Nhiều người hỏi: “Lúc mới niệm Phật tôi thường mơ thấy Phật A Di Ðà, tới nay, niệm Phật đã nhiều năm rồi, lại không hề thấy. Như vậy có phải tôi bị thối chuyển so với lúc ban đầu không?” Trả lời: “Cũng có thể thối chuyển”. Nếu không bị thối chuyển cũng không nên thường xuyên mơ thấy, thường xuyên mơ thấy là ma cảnh. Cho dù quả thật mơ thấy Phật cảnh hiện ra cũng không nên sanh tâm chấp trước, sanh tâm tham và vui mừng.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có chỉ dạy cho chúng ta phương pháp đối phó với ma cảnh như sau: “Khi gặp cảnh giới hiện ra, phải giữ tâm không để ý đến, không tìm hiểu sâu vào”.

Vì sao? Bởi vì khi Ma hiện ra có nghĩa là công phu của quý vị đã đạt tới mức khả quan, nếu không Ma cũng chẳng thèm tới để làm gì. Mục đích của chúng đến để chướng ngại, phá cho tan nát công phu tu tập và đạo tâm của quý vị.

Cho nên ý nghĩa câu hồng danh A Di Ðà Phật giúp chúng ta giữ tâm như như bất động trước Ma cảnh rất quan trọng và rất tương quan mật thiết với công phu tu tập của chúng ta.

Hòa thượng Tịnh Không