Niệm Phật Cứu Chủ Khỏi Đọa Địa Ngục

Niệm Phật Cứu Chủ Khỏi Đọa Địa NgụcThuở xưa, tại quận Ninh Ba có tên Trương Mân, cha mẹ khuất sớm, côi cút một mình, nương náu với bà con cho qua ngày tháng, sau đến làm mướn với người phú hộ ở cách làng, chuyên nghề bện dép lác.

Thường bữa sớm mai, chàng gánh giỏ đi cắt lác, hay đi ngang qua trước một cảnh chùa, nghe các sãi công phu, chuông trống inh ỏi. Lần nào chàng cũng để giỏ trước cửa chùa, vào xem một lát rồi mới đi.

Hòa thượng thường thấy như vậy, nên một bữa nọ, Ngài kêu chàng mà hỏi rằng: “Nhà ngươi muốn tu hay sao mà ngày nào cũng thấy đến đây?”

Trương Mân nghe Hòa thượng hỏi mấy lời, liền chấp tay thưa rằng: “Bạch thầy! Con muốn lắm, nhưng con là đứa ở đợ với người , không biết tính làm sao mà tu cho được”.

Hòa thượng nói: “Hễ muốn là được, sự tu hành chẳng luận là chủ hay đầy tớ, và cũng chẳng cần người ở am tự hay kẻ tại gia, hễ có lòng thành thì gặp cảnh ngộ nào cũng tu được cả. Như nay ngươi đang ở đầy tớ cho người, nếu ngươi có chí muốn tu thì ta dạy một cách rất dễ dàng , miễn ngươi chí thành thì có hiệu nghiệm”.

Trương Mân nghe nói rất mừng, liền quỳ xuống đảnh lễ mà thưa rằng: “Xin nhờ ơn thầy chỉ giáo dùm cho đề tử!”.

Hòa thượng nói: “Ngươi cứ về tập ăn chay lần lần, trước ăn chay kỳ, sau sẽ ăn trường và giữ năm điều cấm cho tinh nghiêm, rồi cứ thường ngày niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Mỗi khi niệm Phật phải chuyên tâm chú ý, đừng cho xao lãng lúc nào, thì cả đời ngươi sẽ được bình yên , mà đến lúc lâm chung lại được siêu sinh về Tịnh độ nữa”.

Trương Mân nghe sư ông dạy bảo mấy điều thì hết sức vui mừng, bèn bái tạ thầy rồi về nhà cứ y theo lời dạy, thành tâm phát nguyện ăn chay trường và mỗi bửa thường niệm Phật.

Chàng lại đan một cái giỏ bằng tre để trước mặt, mỗi khi niệm Phật một biến, thì ngắt một cọng lác bỏ vào giỏ ấy, như lần một hột chuỗi bồ đề vậy.

Mỗi khi cọng lác đầy giỏ, chàng liền xách đến chùa bạch cùng Hòa thượng, rồi đem ra trước bàn Địa Tạng vái đốt, cứ chí tâm làm như vậy được mười năm.

Một bữa nọ, ông chủ của Trương Mân bị đau chứng ung thư phát thối, người nhà đi tìm rước đủ lương y cứu chữa, nhưng bệnh đã không thuyên giảm chút nào mà càng ngày lại càng nặng.

Một hôm, ông nằm chiêm bao thấy quỷ sứ đến bắt ông dẫn về nơi Minh phủ, bị vua Diêm La quở trách và kể hết những tội ác của ông khi ở trên dương thế.

Ông phú hộ nghe Diêm chúa tỏ hết tội của mình, không sót một khoảng nào, thì liền sợ hãi, lạy lục và khóc lóc xin tha thứ cho về dương thế lo tu phước, hòng chuộc tội đã lỡ lầm.

Diêm chúa thấy ông đã ăn năn tự hối và nghĩ đến Trương Mân mỗi khi niệm Phật có cầu nguyện cho ông, nên phán rằng: “Ngươi khi ở trên dương thế đã làm nhiều điều ác đức, cho vay đặt nợ một vốn năm bảy lời, lập mưu này bày kế nọ mà lo chứa tiền của cho nhiều, chẳng thương kẻ khó, lại làm nhiều sự ức hiếp cho người nghèo. Nếu chiếu theo luật Diêm đình mà phán xử, thì phải bỏ nhà người vào rừng kiếm non đao thì mới đáng. Nhưng vì ngươi có một đầy tớ tên là Trương Mân, rất trung tín không ai bì, thường bửa hay niệm Phật, lại có lòng cầu nguyện cho ngươi, nhờ vậy mà ngươi được giảm bớt tội. Nay ngươi nên đền ơn cho nó một ngàn nén bạc, để nó làm những điều từ thiện thì mới được tiêu tội và thêm phước cho ngươi!”

Ông phú hộ nghe vua Diêm la phán dạy như vậy thì mừng rỡ vô cùng, liền giật mình thức dậy. Ông bèn kêu tất cả vợ con đến và thuật lại điềm chiêm bao ấy thì cả nhà nghe nói đều lấy làm kỳ.

Ông bèn kêu Trương Mân nói rằng: “Con đến ở cùng ông đã lâu, không dè con có lòng chí thành, biết ăn chay niệm Phật đến nỗi cảm kích đến Diêm đình, lại thành tâm cầu nguyện cho cả nhà ông được thêm phước thọ. Nay ông còn sống trên dương thế cũng nhờ công đức của con, vậy ông cho con một ngàn nén bạc, tự ý con liệu việc gì làm có phước thiện, thì con lấy bạc ấy dùng!”

Trương Mân nói: “Thưa ông! Con vì nghèo cực, đến ở mướn cùng ông, manh áo bát cơm cũng nhờ ông bảo dưỡng. Con có chút công đức thì đâu xứng đáng cái ơn ấy mà ông cho bạc nhiều như thế! Con thưa thiệt cùng ông! Cách nay 10 năm, con có đến chùa gặp ngài Hòa thượng thương con, dạy cách ăn chay niệm Phật, nên con thành tâm tu niệm lâu ngày và thường cầu nguyện cho ông được phước thọ tăng long, để đền đáp lại ơn cao dày trong muôn một. Đó cũng là bổn phận của con phải làm.

Nếu ngày nay ông vâng lời Diêm vương cho tiền bạc, thì con biết để làm gì. Cha mẹ đã mất, vợ con cũng không nên con không dám nhận. Vậy con xin thưa lại cho ông rõ điều này: Nguyên ngày trước, con vào chùa thường nghe Hòa thượng giảng về sự tu phước và nói rằng việc lập chùa, đúc tượng Phật, bố thí cho kẻ nghèo đói và bắc cầu đắp lộ cho người đi, thì được nhiều phước đức. Con nghe nói cũng muốn làm, nhưng ngặt vì không tiền, nên không thể đạt kỳ sở nguyện. Thôi ngày nay số tiền ông hứa cho con đó, xin để lại lập một cảnh chùa, còn dư bao nhiêu thì ông bố thí cho dân nghèo trong làng và làm một cái cầu bắc ngang sông này cho hành khách qua lại để khỏi bị cái họa đắm đuối, thì con rất vui lòng!”

Ông phú hộ nghe mấy lời của Trương Mân xin, bèn thỉnh Hòa thượng đến chứng minh cho ông phát nguyện ở giữa Phật đài, rồi cách ít lâu bệnh ông lành như cũ.

Khi vừa mạnh, ông liền kêu thợ đến cất một cảnh chùa gần bên nhà ông, để cho Trương Mân ở tu hành, còn dư tiền bao nhiêu thì đem ra bố thí cho kẻ nghèo và bắt cầu đắp lộ, y như lời của ông đã nguyện.


Xét như chuyện niệm Phật của Trương Mân cứu chủ đã nói trên đó, thì biết pháp môn Tịnh độ dễ tu và dễ đặng, lợi cho mình và lợi cho người, thật là một pháp đứng đầu trong Phật pháp.

Nói về phần dễ tu dễ chứng, chẳng những người thượng trí tu được mà thôi, lại hạng người ngu cũng tu được nữa – chẳng những người giàu sang tu được mà thôi, lại hạng người nghèo hèn cũng tu được nữa – chẳng những người thông thả tu được mà thôi, lại hạng người bận việc cũng tu được nữa – chẳng những nhiều người xuất gia tu được mà thôi, lại hang người tu tại gia cũng tu được nữa.

Nếu đã tu được thì chắc rõ cái hiệu quả “Hiện tiền phước thọ, một hậu vãng sinh” quyết không sai chạy một mảy, dẫu cho người nào mỗi bữa niệm Phật mà tán tâm hay vọng tưởng đi nữa thì đời sau cũng được hưởng sự an lạc nơi cõi nhân thiên, chớ không bao giờ bị đọa.

Còn nói về phần lợi mình và lợi người, thì chẳng mình tự tu tự độ lấy mình mà thôi, đến khi người biết thể theo cái bi nguyện của Phật, Bồ tát, mỗi bữa sau khi niệm Phật, nếu chú nguyện cho cha mẹ, ông bà, họ hàng quyến thuộc đang hiện tại hay đã quá vãng rồi, thì phần mấy người đó sẽ được nhờ cái ảnh hưởng ấy, nếu sống thì thêm phước thêm duyên, nếu chết rồi thì cũng đặng siêu sinh về Phật quốc, Thiên đường là khác.

Bởi vậy, cho nên Trương Mân niệm Phật mà người chủ được tha tội hoàn hồn, thì đủ biết cái thần lực diệu dụng của Phật pháp thật là vô lượng vô biên.

Vậy xin ai là người đã có lòng tín ngưỡng theo pháp môn Tịnh độ, không nên lấy chỗ chưa nghe chưa thấy của mình mà cho là hoang đường, rồi khinh thị hai chữ “Niệm Phật” thì uổng lắm.

Trích: Gương Nhơn Quả
Trích lục trong Phật học tạp chí “Từ Bi Âm”

Niệm Phật Có Những Lợi Ích Gì?

Niệm Phật Có Những Lợi Ích Gì?Lợi ích của pháp niệm Phật thật vô lượng vô biên, tựu trung có thể chia làm hai phần: lợi ích về Sự và lợi ích về Lý.

1. Lợi ích về Sự:

a) Niệm Phật sẽ trừ được các phiền não.

Những người gặp các cảnh khổ, như tử biệt sanh ly, nhà tan cửa mất, tai nạn bất thường v.v ..sanh các phiền não, nếu biết chí tâm niệm Phật, thì các phiền não khỗ đau dần dần tiêu tan. Vì sao lại có kết quả tốt đẹp như thế? Vì tâm ta cũng như dòng nước luôn luôn tuôn chảy. Nếu chúng ta pha vào những chất cáu bẩn, thì nước trở thành đục bẩn; nếu chúng ta pha vào những chất thơm tho, thì nước sẽ trở thành thơm mát. Nếu tâm ta chỉ nhớ nhgĩ đến những tai nạn khổ đau, thì luôn luôn sẽ bị phiền não khuấy đục. Khi ta niệm Phật thì sẽ cố nhiên nhớ Phật, quên đau khổ. Ðem sự nhớ Phật này thế cho cải hóa sự đau khổ; một giờ niệm Phật thì sẽ đổi được một giờ sầu khổ, một ngày niệm Phật thì đổi được một ngày khổ đau. Cứ như thế, nếu niệm Phật được tăng chừng nào, thì sự buồn phiền đau khổ sẽ giảm đi chừng ấy. Cho nên cổ nhân có câu “Một câu niệm Phật giải oan khiên”.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp vừa qua, chúng tôi đã đem phương pháp niệm Phật này chỉ cho một số người sầu khổ gần như điên cuồng, vì sự nghiệp bị tiêu tan, con cháu mất lạc, họ thu lượm kết quả rất là tốt đẹp.

b) Niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh.

Chúng sanh hằng ngày nhớ nghĩ đến những điều tội lỗi như tham, sân, si v.v ..miệng thốt ra những điều tội ác, thân làm những việc xấu xa. Ðó là những ác nghiệp của chúng sanh. Nay nếu chúng ta niệm Phật, thì chúng ta không còn thì giờ để nhớ nghĩ việc tội lỗi nữa và thực hành những ác nghiệp trên nữa. Như thế là niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh. Niệm Phật càng nhiều thì niệm chúng sanh càng ít. Niệm Phật hoàn toàn thì niệm chúng sanh dứt sạch.

c) Niệm Phật sẽ làm cho thân thể được nhẹ nhàng an ổn.

Bệnh tật của chúng ta, một phần do thể xác, nhưng một phần củng do ảnh hưởng của tinh thần. Nhiều người mất ăn bỏ ngủ vì uất hận, nhục nhã v.v.. Do đó, uất khí tích tụ lâu ngày trong người, mà sinh bệnh mất ăn bỏ ngủ. Gặp những trường hợp như vậy, nếu chúng ta niệm Phật cho ra tiếng, thì những nỗi uất hận đè nặng lên tâm can chúng ta sẽ như được trút ra cùng hơi thở, cùng tiếng niệm, và thâm tâm ta được nhẹ nhàng dễ chịu. Những người yếu tim, nếu biết niệm Phật sẽ mau bình phục. Vì bệnh yếu tim thường làm cho người bệnh hồi hộp, lo sợ; nay nhờ niệm Phật nên tâm định, tâm định thì những sự hồi hộp lo nghĩ giảm đi. Do đó mà ăn được, ngủ yên và bệnh mau bình phục.

d) Niệm Phật tâm trí sẽ sáng suốt, học hành mau nhớ.

Những người tâm trí loạn động thì tối tăm, như ngọn đèn bị gió, không sáng được. Nhờ niệm Phật, tâm trí sẽ định tĩnh, như ngọn đèn có ống khói, không lay động. Do đó tâm trí sẽ phát chiếu, như ngọn đèn tỏa ánh sáng vậy.

đ) Niệm Phật, khi lâm chung sẽ được sanh về Tịnh độ.

Như chúng ta đã thấy ở trên, niệm Phật đem lại cho chúng ta nhiều ích lợi thiết thực trong đời sống hiện tại, về phương diện thể chất lẫn tinh thần, về tính tình lẫn trí huệ. Nhưng cái lợi ích lớn nhất là ở đời sau. Nếu chúng ta thực hành pháp niệm Phật này, đúng như lời Phật dạy, cho đến “nhất tâm bất loạn” thì sau khi lâm chung, sẽ sanh về Tịnh độ, được luôn luôn thấy Phật nghe pháp, làm bạn với thánh hiền, và có đủ nhiều thiện duyên để tiếp tục tu hành cho đến quả Phật.

2. Lợi ích về Lý:

Khi hành giả niệm Phật được “nhất tâm bất loạn”, thì các vọng tưởng hết, chơn tâm thanh tịnh hiện ra. Chơn tâm không sanh diệt hư hoại là “Thường”, chơn tâm thanh tịnh vắng lặnglà “Tịch”, chơn tâm sáng suốt vô cùng là quang cảnh “Thường-Tịch-Quang Tịnh-độ” chỉ ở nơi chơn tâm ta, chứ không nơi đâu khác.

Lại nữa, chơn tâm không hoại diệt là”Phật Vô-lượng-thọ”; chơn tâm chiếu soi vô tận là “Phật Vô-lượng-quang” và đó cũng tức là “Thanh -tịnh diệu pháp thân của Phật A-Di-Ðà”.

Tóm lại, người niệm Phật đến khi hết vọng, ngộ nhập được chơn tâm rồi, thì Phật A-Di-Ðà hay cảnh Tịnh độ cũng chỉ ở nơi tâm mình hiện ra, chứ không phải đâu xa. Vì thế nên kinh chép:”Tự tánh Di-Ðà, duy tâm Tịnh độ” là vậy.

Xuyên qua các đoạn trên, chúng ta thấy pháp niệm Phật được sự lợi ích vô cùng. Nếu những người không tin có Phật A-Di-Ðà, có cảnh Tịnh độ mà chí tâm niệm Phật, thì cũng được nhiều lợi ích như trên.

Trích Con đường tu Tịnh độ
Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại

Phim Phật Thuyết Kinh A Di Đà

Phim Phật Thuyết Kinh A Di ĐàA-di-đà kinh là bản rút ngắn của Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh. Đây là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh Độ tông, lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Kinh này trình bày phương pháp nhất tâm niệm danh hiệu A-di-đà Phật và sẽ được Phật A-di-đà tiếp độ về cõi Cực lạc lúc lâm chung (niệm Phật).

Kinh A Di Đà do đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết về y và chánh báo của đức Phật A Di Đà nơi thế giới Cực lạc ở phương Tây, cách cõi Ta bà này mười muôn ức cõi Phật. Kinh cũng chỉ bày pháp môn niệm Phật để được vãng sanh về cõi Cực lạc của đức Phật A Di Đà.

Theo vi.wikipedia.org

Niệm Phật Giải Oán Kết Vong Hồn Theo Quấy Phá

Niệm Phật Giải Oán Kết Vong Hồn Theo Quấy PháMột câu Nam mô A Di Đà Phật là thuốc A Già Đà trị hết muôn bệnh. A Di Đà Phật lại là đại chú vương, xưng niệm hoan hỷ thì giải được oán kết, gặp dữ hóa lành. Đoạn văn dưới đây chính là câu chuyện niệm A Di Đà Phật giải thoát được vong hồn quấn quýt theo quấy phá.

Năm năm trước ở một khu đất phồn hoa náo nhiệt ở thành phố Đài Bắc có một thanh niên phóng xe như bay chở một cô gái đẹp, chạy như giông như gió lạng lách ẩu tả, đến nỗi cô gái chở phía sau bị té xuống chết cũng không hay, lúc đó có rất nhiều nam nữ hiếu kỳ vây lại xem, mọi người đang lúc tội nghiệp cho cô gái này, bỗng có một người đi đến kêu to: “A Tam! A Tam!”, trong những người đứng xem có người tên A Tam liền ứng thinh đáp to: “Tôi đến đây, tôi đến đây!”. Nguyên vị A Tam này là thợ hớt tóc trong tiệm hớt tóc gần đó, do vì có khách muốn hớt tóc cho nên ông chủ cho người học việc đi kêu A Tam về hớt tóc cho khách.

Tục ngữ có câu “Trời có bão táp không lường, con người có họa phúc trong sớm tối”. A Tam, anh chàng thanh niên tốt, sống có khuôn phép này bắt đầu từ tối hôm đó, sau nửa đêm ở trong cảnh giới nửa tỉnh nửa mê nhìn thấy một cô gái đẹp đến rủ anh ra ngoài chơi, liền mở cửa sau đi theo cô ta.

Đến khi trời sáng, một mình A Tam ngồi ngủ gật dưới cột điện, bị người ta phát hiện mới kêu anh ta thức dậy đi về. Liên tục một tuần lễ như thế, ban ngày làm việc, ban đêm cô gái kia đến dẫn đi chơi, sáng sớm đều nằm ngủ gật trên đất bên ngoài. A Tam tự thấy không ổn, liền bỏ việc về quê.

Quê của A Tam ở trên núi, thôn Đồng Lâm, Bắc Cấu Khanh, Vụ Phong, Đài Trung. Nhà có một mẹ già mù lòa và mấy anh em. A Tam về nhà qua ngày sau phụ giúp với ông anh cả, dùng xe tải hàng ra ngoài chở hàng cho người ta, đến tối về nhà.

Bà mẹ liền kêu A Tam đến trước mặt nói: “Con mỗi lần lúc sắp ra ngoài. Mẹ đều dặn dò bảo con ở bên ngoài không nên kết giao tùm lum với con gái, con lại cứ không nghe. Con mới về ngày hôm qua, hôm nay đã có con gái đến kiếm, cái tiếng đi mang giày cao gót, lại còn miệng kêu A Tam, A Tam không ngớt! Mẹ hỏi là ai muốn tìm A Tam cũng không trả lời”.

A Tam liền đáp với mẹ mình rằng: “Mẹ à! Con từ nào đến giờ ở bên ngoài sống có khuôn phép đàng hoàng, chưa từng kết giao với cô gái nào”.

Tức thời liền cùng với mấy anh em của anh ta đi tìm kiếm bên trong bên ngoài nhà đều tìm không ra bóng dáng cô gái nào. Nhưng tối hôm đó vào nửa đêm thì cô gái lại đến cùng A Tam mở cửa sau ra ngoài chơi, sáng sớm A Tam lại ngồi ngủ gật dưới cây, thế là lại bị người kêu tỉnh dậy.

A Tam ở Đài Bắc trong một tuần lễ, mỗi đêm đều bị chuyện như thế xảy ra, nhưng tự mình không biết là thế nào, bây giờ về ở nhà quê cũng là như thế, không biết có cách gì mới có thể giải quyết?

Lúc bấy giờ ở trên núi thôn Bắc Đồng Lâm, mọi người đều tin thờ một tượng Vương Gia Công. Mẹ của A Tam liền đi mời đồng cốt và thỉnh Vương Gia Công về hỏi bệnh của A Tam là bệnh gì?

Thì ra thần cũng có chút thần thông, thần dựa vào đồng cốt nói: “Bệnh của A Tam là do mười ngày trước đây ở chỗ nào đó của Đài Bắc nhìn thấy một cô gái té chết bên đường, người bạn trai dùng xe chở cô gái này tên là A Tam. Lúc đó có người gọi to A Tam thì vị A Tam này của chúng ta cũng to tiếng trả lời “Đến đây! Đến đây!”.

Lúc đó hồn cô gái bị té chết đang trong lúc mênh mang mù mịt không có chỗ nương, nghe được cái tên A Tam, tức thời quấn theo không buông”. Đồng cốt nói tiếp: “Cách tốt nhất là đưa u hồn của cô ta về Đài Bắc”.

Mẹ của A Tam lại nói “Phải dùng cách gì để đưa?”. Đồng cốt lại nói: “Phải dùng hình nộm (rơm)”. Tức thời dùng rơm làm thành một hình người, cao khoảng bốn thước (thước Tàu) mặc áo đỏ quần đen, chân cũng mang giầy, trên đầu buộc một chiếc khăn bông, vẽ mày, mắt, miệng, mũi, vào lúc sau nửa đêm, Vương Gia Công với đồng cốt đưa hình nộm này đến bên trạm xe, buộc vào dưới cột điện, đồng cốt liền đốt rất nhiều giấy vàng bạc ở đó kêu u hồn ngồi chuyến xe thứ nhứt đến Đài Bắc tìm người yêu của mình là A Tam.

Hình nộm người con gái buộc ở dưới cột điện, những người qua lại ở xa xa đã có thể nhìn thấy rồi. Ở dưới cột điện có một người con gái đẹp đứng ở đó bất động, đi lại gần nhìn mới rõ là hình nộm làm bằng rơm, làm sáng sớm hôm cô bị giật mình sợ đến hồn bất phụ thể, có thể nói sợ lớn bệnh lớn, sợ nhỏ bệnh nhỏ.

Cô gái bị giật mình hoảng sợ té ngã hôn mê đó là một cô nữ sinh cao đẳng năm thứ ba họ Chu tên là A Lập. Sáng sớm mỗi ngày khi trời còn chưa sáng đã phải chạy xe đạp xuống núi, từ con đường thôn Đồng Lâm đi ngang qua Bắc Cấu Khanh, rồi lại từ Vụ Phong chuyển đến thành phố Đài Trung đi học, chuẩn bị thi đại học.

Đó là một cô gái trẻ 19 tuổi tài năng và học vấn đều giỏi. Chu A Lập sáng sớm hôm đó sương mù trắng xóa mù mịt, xa xa thấy một cô gái trẻ, trong bụng nghĩ lạ quá, còn sớm như vậy đứng ở đó làm gì?

Đang lúc không biết là cái gì đó thì xe đã đến qua đó, vừa xem biết là hình nộm mặc áo, tức thì lông tóc dựng đứng, đầu cảm thấy to lên như cái đấu, sức khỏe không chịu đựng được nữa, không thể đi học được, lại quay về nhà. Bắt đầu bị bệnh luôn không dậy được, đầu đau như muốn vỡ kêu khóc ầm ĩ, muôn phần đau đớn, trong một ngày mời về mấy vị Đông, Tây y bác sĩ, đều chẩn đoán không ra bệnh.

Người dân trên núi nơi A Lập ở này đều tin thờ Thái Tử Gia. Cha của A Lập liền đi thỉnh Thái Tử Gia đến cầu xin đạp đồng lên chỉ bảo. Thái Tử Gia này có thể nói là khá thông minh, ông ta dựa vào đồng cốt nói:

“Cái đầu đau của A Lập thuốc men trị không hết được đâu, ta cũng không có cách nào trị lành được, do vì có một con quỷ nữ quấn theo quấy phá, thần không có cách đuổi đi, cần phải thỉnh bậc chân tu đến tụng kinh niệm Phật, siêu độ cho nó thoát khổ, đó mới là biện pháp rốt ráo (tốt nhất)”.

Cha của A Lập lại hỏi Thái Tử Gia rằng: “Phải đi đến nơi nào thỉnh bậc chân tu?”. Thái Tử Gia dựa vào đồng cốt nói: “Gần thì trước mắt, xa thì ngàn dặm”. Cha của Chu A Lập tức thời nghĩ đến sư phụ Phổ Độ ở trên núi đối diện (em gái của cô Chơn tức cô Phụng đã thế phát thọ giới, truyện 27, 28, 29) và cô Chơn, hai người là chân tu hành.

A Lập vẫn cứ đau đầu chịu không nổi, cha và anh của cô hai người liền đỡ cô đi gặp sư phụ Phổ Độ và cô Chơn, rồi nói rõ lại những lời của Thái Tử Gia lên đồng đã nói, xin nhờ giúp cho việc tiêu tai bạt độ.

Sư Phổ Độ và cô Chơn tức thời tụng một quyển Kinh Di Đà, 49 biến chú vãng sanh, tụng chú đại bi, Bát nhã Tâm kinh mỗi thứ 7 biến, hồi hướng bố thí cho nữ quỷ được siêu sanh thoát khổ, và cho A Lập một xâu chuỗi, dạy cô cách niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, niệm một câu lần một hột. Lại thuyết minh tiếp: “Một câu A Di Đà Phật chính là đại chú vương, muốn tránh tà tự mình niệm mới kết quả, tự mình liền có thể tiêu tai khỏi nạn do vì tà ma quỷ quái không dám lại gần”. A Lập nghe xong thấy rất có đạo lý, vô cùng cám ơn, về nhà liền gắng sức niệm Thánh hiệu “A Di Đà Phật” mãi, niệm luôn mấy giờ, đầu nhẹ nhàng như thường lúc nào không hay.

Ngược lại, mẹ của A Lập kêu to đau đầu, liền kêu A Lập đem xâu chuỗi đến cho mẹ mượn niệm. Cũng lần từng hột niệm một câu A Di Đà Phật… niệm được mấy giờ khỏe rồi, nhưng cái đầu của A Lập lại đau trở lại, lại đòi xâu chuỗi trong tay của mẹ lại niệm. Cha của A Lập liền chạy qua cô Chơn lần nữa nói rõ sự việc và xin thỉnh xâu chuỗi nữa, cô Chơn một lần nữa dặn dò ông: “Niệm Phật, không phải tay cầm chuỗi mới có thể niệm được. Không có chuỗi và ở bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào đều có thể niệm, chỉ ở trong giấc ngủ hoặc đang trong nhà xí thì không thể niệm ra tiếng, nhưng phải nhớ niệm thầm, cũng không phải đợi lúc đau mới niệm, lúc bình thường không kể là nam hay nữ, già hay trẻ đều phải niệm, càng niệm càng tiêu tai, tăng thêm phước thọ”. Về sau cả nhà A Lập bình an, đối với sư Phổ Độ và cô Chơn rất là cảm đội ơn đức và tin sâu Phật pháp vô biên, không thể nghĩ bàn.

Chúng ta nói trở lại câu truyện hình nộm mặc đồ kia, hai ngày nay đứng bất động dưới cột điện, một truyền ra mười, mười truyền ra một trăm, một trăm truyền ra một ngàn, người trên núi không có người nào dám đi qua đó, ông trưởng thôn bèn đi đến nhờ cô Chơn, nói:

“Các sư cô, cứu người thì phải cứu đến nơi đến chốn, cái hình nộm mặc đồ buộc luôn ở đó là điều lành ít dữ nhiều, trong làng không có người nào dám đụng đến nó, xin các sư cô phát tâm từ bi mở nó ra đốt bỏ đi để tránh gây ra nhiều tai ương.

Xin nhờ! Xin nhờ!”. Sư Phổ Độ và cô Chơn liền nhận lời nói: “Được rồi, sáng sớm ngày mai bắt đầu làm là được rồi”. Qua sáng sớm hôm sau, sư Phổ Độ và cô Chơn đốt ba cây nhang, hướng vào hình nộm mặc đồ nói:

“Nữ cô hồn! Ngươi ở đây tạo tội nghiệt, hại người, tội rất sâu, chúng ta thương xót cho ngươi, cho nên bây giờ tụng kinh, chú, niệm Thánh hiệu A Di Đà Phật bố thí cho ngươi, siêu độ cho ngươi thoát ra ba cõi, vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới, vĩnh viễn thoát khỏi cái đau khổ lớn của luân hồi sanh tử, đây mới là cứu cánh cho ngươi”.

Nói xong, liền tụng một quyển Kinh A Di Đà, Chú Vãng Sanh, Chú Đại Bi, Bát nhã Tâm kinh v.v… lúc niệm lại Thánh hiệu A Di Đà Phật, thuận tiện liền mở hình nộm xuống, tháo bung hết toàn thân, lấy lửa đốt, trong khoảnh khắc biến thành một đống tro. Cuối cùng lại hồi hướng rằng: “Nguyện công đức thù thắng của kinh chú này hồi hướng cho cô hồn được siêu thăng”.

Tiếp theo quét đống tro đó xuống khe nước lớn, nước cuốn trôi đi. Từ đó những người dân nam nữ già trẻ trong thôn Đồng Lâm này đã biết được điều hay tốt của việc niệm Nam mô A Di Đà Phật, có rất nhiều người phát tâm quy y theo Phật.

Trích Những Chuyện Niệm Phật Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: nữ cư sĩ Lâm Kháng Trị
Thích Hoằng Chí dịch