Vì Sao Niệm Phật Cho Người Sắp Lâm Chung Tốt Hơn Tụng Kinh?

Vì Sao Niệm Phật Cho Người Sắp Lâm Chung Tốt Hơn Tụng KinhKhi hộ niệm chúng ta niệm Phật, dùng công đức niệm Phật mà hồi hướng cho oan gia trái chủ thì cũng có tác dụng tương tự như đọc Kinh Địa Tạng. Nhưng niệm Phật có lợi hơn vì được phần vãng sanh. Nghĩa là, vừa tiêu bớt nghiệp, nếu nghiệp không hết thì cũng được đới nghiệp vãng sanh. (Đới nghiệp vãng sanh nghĩa là còn nghiệp nhưng mang nghiệp đi vãng sanh). Còn tụng kinh Địa tạng thì tiêu bớt nghiệp cho nhẹ bớt tội, nhẹ nhưng dễ gì hết, thành ra đành phải tùng theo nghiệp mà chịu sanh tử luân hồi. Có thể thoát điạ ngục, chứ không được đới nghiệp vãng sanh Tây phương, một đời thành tựu đạo quả.

Cúng thí thực để hoà giải chư đẳng vong linh cũng không sao. Cúng thí thực cũng là lòng từ bi thương xót chúng sanh, cũng vừa có hình thức lo lót, gỡ bớt những rắc rối từ chúng đẳng vong linh, chúng loại cô hồn, v.v… trong pháp giới.

Nhưng cúng thí thực thường bị vướng vào cái lệ là phải cúng thường xuyên, vì chúng vong linh các nơi khác có thể tới, nếu kẻ có người không đôi lúc cũng phiền hà! Sợ rằng chúng ta không có giờ, hoặc bận bịu đi làm, có ngày cúng, có ngày không cũng tạo trở ngại về sau. Cho nên, cúng thí thực nên dành cho các chùa, miễu… họ làm thì hay hơn, vì ở đó có người thường trực cúng thí hằng ngày, chúng ta đem tiền tới cúng dường cho chùa, nhờ chùa họ làm.

Tụng kinh Địa tạng thì giống như niệm Phật. Hình thức có khác nhưng mục đích đều để hoá giải oan gia trái chủ, giải bớt nghiệp cho người bệnh. Có thể liệt kê ra vài điều cụ thể hơi khác sau đây:

1/Tụng kinh thì cần phải có lòng chân thành trì tụng, lúc tụng phải thành khẩn nhiếp tâm vào lời kinh mới có hiệu dụng, nếu tụng không chân thành thì không có hiệu dụng lắm. Còn niệm Phật thì chỉ có 6 chữ nên rất dễ nhiếp tâm.

2/ Tụng kinh dài quá thường bị lộn, bị quên làm tâm dễ xao lãng, lo ra… còn niệm Phật thì không thể quên được, tâm không lo gì lời kinh cho nên dễ nhiếp tâm niệm Phật, cầu Phật gia trì, tiếp độ dễ dàng.

3/Tụng kinh thì nguời bệnh không thể tụng theo được, khó hiểu được ý kinh và lời kinh. Còn niệm Phật thì người bệnh có thể niệm theo dễ dàng, hiểu dễ dàng.

4/Tụng kinh rất khó khai thị, hướng dẫn, còn niệm Phật thì khai thị hướng dẫn thường xuyên, nhắc nhở kịp thời, thấy chướng nạn xảy ra kịp thời khai thị, hướng dẫn, điều giải, vỗ tay, hoan hô, khích lệ… làm cho người bệnh lên tinh thần, thấy hết khổ, hết sợ chết, vui vẻ cầu vãng sanh.

5/Tụng kinh gieo duyên Phật pháp thì được, chứ trực tiếp cứu độ vãng sanh thì rất phiêu phỏng. Còn niệm Phật thì trực tiếp cứu độ vãng sanh. Nếu niệm có yếu đi nữa thì cũng kết duyên Phật pháp. Rõ ràng, niệm Phật thì có lợi hoặc ít ra cũng được huề vốn, còn tụng kinh nếu tốt thì được huề vốn còn không thì bị lỗ. Như vậy niệm Phật vẫn hay hơn.

Nên nhớ, 10 niệm tất vãng sanh là niệm 10 câu Phật hiệu trước phút xả bỏ báo thân, chứ không phải tụng 10 bộ kinh.

Cho nên, lúc còn tỉnh táo thì có thể tụng kinh để vừa lòng người(!), tụng vài biến rồi niệm Phật cũng tốt chứ không có gì trở ngại, chứ còn cứ tiếp tục tụng kinh cho đến chết luôn thì coi chừng người chết bị lỗ vốn, vì họ không biết đường nào để vãng sanh! Không biết thì phải đành theo nghiệp thọ báo trong lục đạo thôi! Xấu tốt khó đoán lắm! Vì nên nhớ, oan gia trái chủ luôn luôn là mối nguy hại đáng sợ cho người chết. Không biết điều giải, không dễ gì họ buông tha. Nghiệp chướng nặng nề, gỡ một đôi phần không thấm thía gì đâu!

Nói tóm laị, niệm Phật có lợi lạc rất nhiều, tụng kinh cũng có lợi, nhưng không nhiều bằng niệm Phật.

Cố gắng giúp cho nguời bệnh niệm được 10 câu Phật hiệu A-di-đà Phật lúc lâm chung cầu sanh cực lạc thì giúp họ vãng sanh thoát vòng sanh tử thật quí hoá vô cùng, thật là một đại ơn huệ cho họ.

Cư sĩ Diệu Âm Úc Châu

Lâm Chung Trì Chú Không Tiêu Nghiệp Liền Bỏ Trì Chú Để Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng Sanh

Lâm Chung Trì Chú Không Tiêu Nghiệp Liền Bỏ Trì Chú Để Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng SanhCư sĩ Trương Trân Ngọ thời Dân Quốc, sang Nhật học Y và học Mật Tông. Sau ông mắc bịnh thũng, nghiệp cảnh hiện tiền. Lúc bình thường, ông trì chú thấy có linh nghiệm, lúc này trọn không có hiệu quả gì. Ông bèn chuyên niệm Phật thì nghiệp cảnh mới tiêu diệt. Ông liền dẹp hết thuốc men, nhất tâm trì danh. Vợ ông khuyên hãy nên ăn uống, ông bảo:

– Bà đừng khuấy nhiễu tôi, chỉ nên giúp tôi niệm Phật và thỉnh đạo hữu họp lại trợ niệm. Tôi sẽ đi trong ngày hôm nay.

Ðạo hữu đến, đồng thanh trợ niệm. Ông cũng nương theo đó, niệm theo rõ ràng; đoạn kết ấn, niệm Phật mà qua đời.

(Theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục, bản in lần thứ ba)

Nhận định:

Lâm chung nghiệp cảnh hiện tiền, há chẳng phải là để thấy trước ác đạo đó chăng? Lúc ấy, trì chú hoàn toàn chẳng có công năng gì, may nhờ chuyển sang niệm Phật và nhóm đạo hữu lại trợ niệm thì nghiệp mới tiêu, được vãng sanh. Những kẻ bỏ Tịnh Ðộ để tu Mật, khá nên lấy đó làm gương!

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Nhờ Liên Hữu Trợ Niệm Đắc Lực Được Vãng Sanh Tây Phương

Nhờ Liên Hữu Trợ Niệm Đắc Lực Được Vãng Sanh Tây PhươngCư sĩ Dương Liên Hàng thời Dân Quốc, người huyện Dư Diêu tỉnh Triết Giang. Nhà nghèo, làm nghề buôn bán. Nghe lời ông Ðồng Giác Hàng tu Tịnh nghiệp, lâu ngày đối với giáo nghĩa giải ngộ siêu quần.

Ông tham dự Liên Xã niệm Phật. Vì bị bịnh nên lại sát sanh, dần dần xa lìa các liên hữu. Sau bịnh nguy kịch, liên hữu bảo ông ắt phải chết. Tự xét mình không thể nào qua nổi, ông hoảng sợ, hối hận, bèn gắng sức đến trước Phật, tận tình bày tỏ, dốc lòng thành sám hối, lại giữ Ngũ Giới, thề chẳng tái phạm.

Từ đấy trở đi, ông buông bỏ vạn duyên, quét sạch ái dục, nhất tâm thầm niệm Phật hiệu đợi lúc lâm chung. Liên hữu biết công năng trì danh của ông nông cạn nên trước hết vì ông thỉnh người trợ niệm. Hai ngày sau, liên hữu cũng trợ niệm. Ông chợt thấy thần khí thanh sảng, mộng thấy quang minh. Ðến canh hai, liên hữu sắp ra về, chẳng biết rằng đến lúc đó, việc trợ niệm đã có hiệu lực. Ông liền bảo:

– Tôi chưa đến được Tây Phương, xin liên hữu lớn tiếng niệm Phật trợ niệm suốt đêm, đừng để lỡ!

Mọi người lại cao giọng niệm Phật, lại luôn luôn khích lệ ông. Chợt ông mỉm cười bảo:

– Tôi nay đã đến Tây Phương rồi, hoa sen đẹp quá! Ao báu đẹp quá! Quang minh đẹp quá!

Mắt ông nhìn chăm chú vào tượng Phật mà qua đời. Mọi người vẫn trợ niệm đến khi thân ông đã lạnh mới thôi, chẳng cho người nhà khóc than. Ðến trưa hôm sau, đảnh đầu ông vẫn còn ấm, thọ ba mươi tuổi!

(theo Cận Ðại Vãng Sanh Truyện)

Nhận định:

Công phu trì danh nông cạn mà được vãng sanh là do sức liên hữu trợ niệm. Trợ niệm khẩn yếu như thế đó. Xin hãy đề xướng rộng rãi. Nếu như không có liên hữu thì xin hãy dùng băng niệm Phật để trợ niệm, tạm dùng làm phương tiện cũng có thể được hưởng đại lợi vãng sanh vậy!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Bệnh Nặng Dụng Công Mãnh Liệt Niệm Phật Liền Thấy Phật Vãng Sanh

Bệnh Nặng Dụng Công Mãnh Liệt Niệm Phật Liền Thấy Phật Vãng SanhCư sĩ Tiền Dực Sơn tự Vạn Dật đời Thanh, người huyện Thường Thục, làm nghề nấu rượu, thích chè chén. Ít lâu sau, ông tu Tịnh nghiệp, tận lực sửa đổi lề thói cũ, tránh sát sanh, dứt rượu thịt, khuyên mẹ ăn chay trường niệm Phật.

Một người con của ông bịnh lao, niệm Phật qua đời, mọi người phỉ báng, ông vẫn thờ Phật như cũ. Vợ mất, ông vẫn điềm nhiên, cự tuyệt người khuyên tục huyền:

– Có con nhưng nó đã mất rồi, tôi cưới vợ nữa để làm gì? Chí tôi xuất thế, lẽ nào còn thèm thuồng có người nối dõi ư?

Nhà cửa bị lửa cháy, ông hướng lên không, nguyện:

– Nghiệp của tôi đáng bị lửa cháy, chỉ xin đừng làm tổn hại đến nhà hàng xóm.

Lửa tắt, quả nhiên nhà hàng xóm vô hại. Ông chợt mắc bịnh thổ huyết, tâm sanh tử càng thiết tha, niệm Phật càng mạnh mẽ. Ðến lúc bịnh nguy kịch, ăn vào là ói ra ngay. Người chú là Tạ Phượng Ngô kể chuyện cổ đức nhịn ăn để thấy Phật, ông vui vẻ bảo:

– Có phương cách tiện lợi lớn như vậy, tôi phải dũng mãnh làm theo!

Ông liền tắm gội, đến trước bàn Phật, thắp hương, phát thệ: giữ trai giới bảy ngày, bỏ tiền phóng sanh cầu sanh Tịnh Ðộ. Ðêm ngày niệm Phật chẳng sót, có khát chỉ ăn dưa mà thôi. Có người hỏi: “Cả đêm chẳng ngủ, chẳng mệt mỏi hay sao?” Ông nói:

– Chẳng ngủ có lợi là niệm Phật được nhiều. Lúc tôi chưa bịnh chẳng được an nhàn; nay do bịnh mới được nhàn, đúng là lúc phải dốc sức, làm sao còn mệt nhọc được?

Hết kỳ hạn, thần thức hôn loạn, ông cả sợ, chắp tay đặt trên gối, ra lệnh đốt ngón tay. Ông Tạ nói:

– Lúc này, ngươi phát nguyện ấy thì cũng giống như đã đốt ngón tay rồi, chẳng bằng nhất ý cầu về Tây Phương thì hơn.

Ông liền nhắm mắt niệm Phật, lúc đầu còn miễn cưỡng, sau do dụng công mạnh mẽ, dần dần thần chí an định. Lại được mười mấy người trợ duyên, tiếng niệm Phật liên tục suốt ngày đêm. Ông chợt thấy Tây Phương Tam Thánh hiện tiền, quang minh, tướng hảo, toan cất thân lên kim đài; chợt nghe trên không có tiếng nói:

– Thân ông chưa sạch!

Ông liền sai lấy nước thơm tắm gội xong, Tam Thánh hiện như cũ, liền bảo người nhà rằng:

– Tôi đã đến được Tịnh Ðộ, thấy vô số hoa sen, tôi ngồi trên đó, sướng chẳng thể nói nổi!

Ông chỉ vào thân mình bảo:

– Ðây chẳng phải là thân ta!

Một lát, lại bảo:

– Phật đông nghẹt cả nhà!

Ngồi hướng về Tây, qua đời, thọ ba mươi tám tuổi.

(theo Tục Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)

Nhận định:

Ðoạn được rượu thịt là tham độc đã hết. Bị cười chê chẳng đoái hoài là sân độc đã hết. Con chết, vợ mất vẫn điềm nhiên là ái căn đã đoạn. Cự tuyệt lời khuyên lấy vợ lần nữa, chẳng mong có người nối dõi là si độc đã hết.

Vì vậy, gặp phải nghịch cảnh, ông vẫn có thể chẳng thối thất cái tâm ban đầu; dù bịnh tật khổ sở vẫn giữ vững chánh niệm. Dù vì nghiệp chướng hiện tiền khiến thần thức hôn loạn, ông vẫn có thể dụng công mạnh mẽ, lại được trợ duyên nên nhanh chóng cảm được tướng tốt lành là đài vàng, thần hồn ngao du cõi Sen, thật đáng làm gương vậy!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập