17 09 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Sư tỷ Khoan Kim từ sau khi thoát khỏi nạn hỏa tai, càng cung kính tin Phật niệm Phật hơn, và gặp ai cũng tuyên dương sự linh cảm của Phật, Bồ Tát. Nhưng người con thứ ba đã đến tuổi đi lính phải phục vụ trong quân đội ba năm, cuộc sống của bà liền trở thành vấn đề khó xử. Không biết như thế nào mới tốt đây? Sư tỷ liền khẩn thiết van cầu Quán Thế Âm Bồ Tát một cách rất là cung kính rằng: “Tín nữ Khoan Kim xưa kia ngu si không biết về nhân quả báo ứng, đã tạo ra rất nhiều ác nghiệp, cho nên tai nạn, khổ nguy trùng trùng, hiện nay được nghe chánh pháp, rất cảm tạ Phật, Bồ Tát đã phò hộ con được sống bình an qua ngày. Nhưng giờ đây cầu xin Phật, Bồ Tát giúp cho con một việc: Xin giúp con tìm được một việc làm có tiền lương cao một chút do vì hiện nay tiền lương ở nhà máy giày dép cao su một ngày chỉ có 5 đồng, con trai của con sắp vào lính ba năm, cuộc sống ngày ba bữa trong ba năm này của con sẽ phải khó khăn. Đệ tử tự biết đây là một yêu cầu gần như vô lý với Phật, Bồ Tát nhưng vì tín nữ đã hơn năm mươi tuổi, lại không biết chữ, tự mình đi tìm việc rất khó, dám xin Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn tìm cách giúp con giải quyết vấn đề sinh sống trong ba năm này”. Sư tỷ sớm tối đều cầu xin như thế. Quán Thế Âm Bồ Tát thật là linh nghiệm vô cùng, không phụ sự cầu xin của người chí thành. Có một đêm, sư tỷ bỗng nhiên nằm mộng thấy một cô gái khoảng mười lăm, mười sáu tuổi nói với bà: “Khoan Kim! Bà muốn có một công việc tốt, sáng mai lúc cầm hộp cơm đi làm, phải đi đường nhỏ không được đi đường lớn, sẽ có quý nhơn giúp đỡ cho bà”. Nói xong thì biến mất. Sáng hôm sau, lúc sư tỷ mang hộp cơm ra cửa, nhớ lại cảnh trong mộng đêm trước, nửa tin nửa ngờ. Nguyên là mỗi ngày đi ra khỏi nhà đều đi theo đường lớn, nhưng hôm nay đổi hướng đi đường nhỏ thử xem. Đi được nửa đường thì ở bên bờ tường của một ngôi nhà cao cấp có một cô gái cười cười đến hỏi bà: “Bà tên là Khoan Kim muốn đi đến hãng giày dép cao su làm phải không? Bà vội vàng đáp phải, nhưng trong lòng lại rất lấy làm lạ: cô gái làm sao lại biết rõ thế? Cô gái lại nói: “Chủ tịch Hội đồng Quản trị của chúng tôi sáng sớm kêu tôi đợi bà ở đây, ông ta mời bà vào trong có chuyện muốn nói với bà”.
Sư tỷ Khoan Kim lúc đó trong lòng vô cùng ngạc nhiên đi theo cô gái vào trong. Ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị hỏi bà một cách rất thân tình: “Bà tên là Khoan Kim, con trai bà sắp vào lính ba năm, cho nên bà muốn tìm một chỗ làm có lương tương đối khá phải không?”. Bà liền đáp phải. Ông Chủ tịch lại nói: “Nhà máy của chúng tôi có một cô nhân viên làm tạp vụ, chuyên lo về công việc nấu nước pha trà, nhưng cô này lại để móng tay quá dài, lại sơn đỏ chót, cho nên bình trà, chung trà, mâm đều rất dơ, tại cô ta sợ gãy móng tay, cho nên rửa cái gì cũng không sạch. Bây giờ cần đổi người khác, chỉ cần hàng ngày rửa sạch những dụng cụ uống trà là được rồi, mời bà đến đảm nhiệm công việc. Thế nào? Lương mỗi tháng là 450 đồng, cuối năm lại thưởng một tháng lương nữa”. Sư tỷ nghe ông Chủ tịch nói thao thao một hồi, vui mừng vô cùng nói: “Cám ơn ông Chủ tịch rất nhiều có lòng tốt giúp đỡ”
Sư tỷ Khoan Kim từ lúc bỏ nơi làm việc mỗi ngày 5 đồng chuyển vào nơi tiền lương mỗi tháng 450 đồng, bà làm việc rất chăm chỉ. Nhưng trào lưu của thời thế những hãng xưởng lớn mà mướn mấy bà già làm nhân viên tạp vụ như thế rất là ít có, cho nên trong xưởng có một số viên chức mắt nhìn thấy một bà già bưng trà đi ra đi vô ở văn phòng có hơi ngứa mắt, liền nửa đùa nửa thật kiến nghị với ông Chủ tịch rằng: “Thưa ông Chủ tịch! Ông mướn bà già này bưng trà, thật không hay chút nào!”. Có người còn nói xen vào: “Thưa ông Chủ tịch! Nếu như không tìm được người trẻ tuổi, tôi ngày mai lập tức dẫn đến một cô vừa thông minh vừa lanh lợi đến thay thế cho”.
Ông Chủ tịch vội vàng nói: “Không được! Không được! Việc này xin các anh tha cho, do vì tôi đã hứa với Quán Thế Âm Bồ Tát rồi, Bồ Tát kêu tôi giúp bà ta ba năm”. Lúc đó mọi người trong văn phòng đều cười rộ lên, cho là ông Chủ tịch nói chuyện thần thoại, liền hỏi ông ta: “Bồ Tát làm thế nào ước hẹn với ông bảo ông giúp cho bà già này ba năm chớ?”.
Ông Chủ tịch liền nói với mọi người rằng: “Bà Khoan Kim này không phải là bà con của tôi, tôi lại cũng không có quen biết bà, không tin thì các người hỏi bà ta xem lập tức có thể chứng minh. Do vì cái đêm trước mời bà ta lại làm, tôi chiêm bao mơ mơ màng màng, nhìn thấy một cô gái khoảng mười sáu tuổi, cô ta nói với tôi cô là Quán Thế Âm Bồ Tát hóa thân đến nhờ tôi, do vì có một tín nữ lớn tuổi rất thành khẩn với Phật pháp, con trai của bà ta sắp đi lính ba năm, cho nên cuộc sống gặp khó khăn, yêu cầu tôi thuê dùng ba năm, trong thời gian đó, nếu như có người phản đối, ông cũng không được nản lòng, giúp ba năm đến nơi đến chốn. Lúc bấy giờ tôi liền hỏi cô gái đó rằng: “Vị lão tín nữ đó tôi lại không quen biết bà ta, làm sao đây?”. Cô gái đó lại nói: “Lão tín nữ tên là Khoan Kim, hơn 7 giờ sáng mai, trong tay cầm hộp cơm đi đến làm ở nhà máy giày dép cao su, sẽ đi ngang qua cửa nhà của ông, ông chỉ cần phái người theo giờ đó đứng đón ngoài cửa là được rồi”. Nói đến đây thì cô gái biến mất.
Lúc đó sư tỷ Khoan Kim nói với mọi người: “Thì ra là lòng từ bi của Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng những báo mộng cho ông Chủ tịch, đồng thời cũng chỉ điểm cho tôi, kêu tôi lúc đi làm buổi sáng, không được đi đường lớn mà đi theo đường nhỏ sẽ có quý nhơn giúp đỡ, không ngờ thật sự gặp được nhân duyên đặc biệt này. Hồi lúc trước ông Chủ tịch kêu vào làm một cách thân tình như thế, trong bụng tôi hết sức hoang mang: ông Chủ tịch làm sao biết tôi rõ như thế?… Qua lần giải thích đó mới biết là lòng đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn của Quán Thế Âm Bồ Tát đã giải quyết dùm cho tôi. Thật là Phật pháp vô biên không thể nghĩ bàn!”. Sư tỷ cảm động nói: “Từ hôm đó, sau khi ông Chủ tịch giải thích chuyện kỳ diệu không thể nghĩ bàn, trong ba năm trời, không còn người nào nói ra nói vào gì nữa”. Chuyện kể tới đây, tôi liền hỏi sư tỷ: “Ông Chủ tịch đó là ai, tên họ là gì?”, sư tỷ nói: “Ông ta họ Trương tên Kiết, ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của nhà máy bột mì Quảng Nguyên. Trên đây hoàn toàn là sự thật. Đây là chuyện cảm ứng chuyển nghiệp thứ hai của sư tỷ Khoan Kim do niệm Phật mà được.
Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí
17 09 2010 | Gương Vãng Sanh |
Việc đau xót thống khổ nhất trong đời không gì hơn CHẾT, không ai là không biết cũng không ai có thể tránh khỏi. Do đây Đức Thế Tôn với tâm từ bi vô hạn, không hỏi mà tự nói, giới thiệu ra pháp môn Tịnh độ, dạy người tin sâu, nguyện thiết, chuyên cần niệm Phật cầu sanh Tây phương. Nên biết việc vãng sanh Tây phương cần phải ở nơi một niệm cuối cùng của tự bản thân là chủ yếu, đồng thời cũng phải cần các liên hữu trợ niệm đúng pháp, nhưng mà lục thân quyến thuộc, thường không có biết trợ giúp niệm Phật để đưa thần thức của người mất vãng sanh Tây phương Cực lạc thế giới, hưởng thọ sự an lạc mãi mãi, mà ngược lại đau xót khóc lóc kêu la, đẩy thần thức của người mất rơi xuống ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu sự khổ sở lâu dài, đau thương vô cùng! Nay lại đưa ra đây một truyện niệm Phật được vãng sanh, một truyện thật, đứng mà hóa sanh Tây phương như sau:
Mười năm trước đây, cư sĩ Lại Luyện Lương từng nói với tôi một kỳ tích vãng sanh. Ông ta nói gần nhà của ông có một vị sư tỷ tên Ấu đã 68 tuổi. Bà bình thường không biết chữ, chỉ chuyên tâm niệm Phật, bà chỉ có một cô con gái nên gả con bắt rể. Phật thất hai mùa Xuân, Thu của chùa Linh Sơn bà đều tham gia, thấy các bạn đồng tu nam nữ đều mặc áo tràng trang nghiêm tề chỉnh. Một hôm liền nói với con rể rằng: “Chiếc nhẫn vàng này của má, con đem đi bán dùm cho má”. Con rể hỏi: “Má già rồi đâu có dùng tiền làm gì, phải bán chiếc nhẫn làm cái gì?”. Bà liền đáp rằng: “Má rất mong có một cái áo tràng, kỳ đả Phật thất sắp đến rồi, má cần mặc để tham gia Phật thất”. Con rể hỏi bà: “Áo tràng cần bao nhiêu tiền, con may cho má, hoặc mua là được rồi, không cần bán chiếc nhẫn vàng đâu!”. Sư tỷ Ấu nói cần 200 đồng.
Sáng sớm ngày thứ nhất của kỳ Phật thất, sư tỷ Ấu liền tắm rửa, mặc chiếc áo tràng mới may, chuẩn bị, trước thắp hương, đốt đèn lạy Phật ở nhà, rồi đi chùa Linh Sơn đả Phật thất. Lúc đó, gần nhà có một vị liên hữu là A Tam Muội, dậy sớm, liền đến hẹn với sư tỷ cùng đi đả thất. Sư tỷ Ấu nói: “A Tam Muội, cô đi trước đi, tôi phải lạy Phật ở nhà trước”. Sau khi A Tam Muội đi, sư tỷ Ấu mặc áo tràng vô cùng vui vẻ, quỳ xuống lạy Phật ba lạy, xong ngẩng đầu lên chiêm ngưỡng Thánh tượng, thì thấy tượng Tam Thánh chuyển động vòng tròn, đồng thời khói hương trong lò hương cũng chuyển động, trong lòng không khỏi càng nghĩ càng cảm thấy kỳ lạ, mà càng nhìn thì càng chuyển.
Sư tỷ Ấu nghĩ không ra tại sao, mặc nguyên áo tràng đến mấy nhà liên hữu ở gần mời họ đến xem tại sao Tây phương Tam Thánh và lư hương đều quay vòng? Bốn, năm vị liên hữu theo bà đến xem, mọi người đều nói không thấy gì. Lúc các vị liên hữu cùng nhau đồng lời nói, nhưng không thấy sư tỷ Ấu trả lời, quay lại nhìn, thì thấy sư tỷ Ấu đứng yên không nhúc nhích, hai tay chắp lại mỉm cười quy Tây rồi, các vị liên hữu tức thời đúng như pháp, trợ niệm cho sư tỷ và bảo người nhà không được khóc, mà cùng trợ niệm, lại kêu con rể của sư tỷ đến chùa Linh Sơn mời A Tam Muội đồng về trợ niệm. Lúc con rể sư tỷ đến chùa gặp được A Tam Muội nói với cô: “Má tôi đã vãng sanh Tây phương, mời cô về trợ niệm”, thì A Tam Muội làm sao chịu tin, do vì cô ta sáng nay còn gặp sư tỷ Ấu, lại còn hẹn với sư tỷ đồng lên chùa Linh Sơn tham gia Phật thất mà! Truyện kỳ tích vãng sanh Tây phương này, tôi cũng có hỏi qua sư tỷ A Tam Muội, chứng minh đích xác, không có nửa câu giả dối.
Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí
17 09 2010 | Gương Vãng Sanh |
Cơ sở hoằng pháp Vụ Phong của Liên xã Phật giáo ở Đài Trung có một vị liên hữu tên Tằng Lâm Hiệp, mọi người đều gọi cô là sư tỷ Hiệp. Nhà ngoại của cô ở số 57 thôn Đồ Thành, làng Đại Lý huyện Đài Trung, mẹ tên là Lại Vật, do được con gái khuyên dắt không ngừng nên thâm tín Phật giáo, là một vị lão tu hàng ngày niệm Phật cầu sanh Tây phương.
Sư tỷ Hiệp có một người em trai tên là Lâm Vạn Thành, ưa thích săn bắn, bà mẹ từ sau khi tin Phật thường khuyên dạy con trai rằng: “Vạn Thành à! không luận là những con vật lớn hay nhỏ, đều biết tham sống sợ chết, chúng nó với con không oán không thù, con làm hại nó, bắn giết nó, sao nhẫn tâm làm vậy? Điều làm mẹ bận tâm, chính là con sát hại sanh mạng tạo nghiệp như thế!”. Nhưng mà tập khí của Vạn Thành khó sửa, nói như gió thổi qua tai ngựa, căn bản là không nghe những lời nói này của bà mẹ.
Đời người có sanh ắt có tử. Thời kỳ vãng sanh của lão tín nữ Lại Vật đã đến, sư tỷ Hiệp thỉnh sáu vị liên hữu ở cơ sở hoằng pháp Vụ Phong phân ban ra phụ trách trợ niệm. Lão tín nữ Lại Vật hưởng thọ bảy mươi chín tuổi, mỉm cười quy Tây vào lúc 3 giờ chiều ngày 17 tháng 5 ÂL, các nhân viên trợ niệm sau khi lão tín nữ vãng sanh, niệm tiếp tám giờ nữa, niệm xong mọi người lưng đẫm mồ hôi. Sư tỷ Hiệp lúc đó đang đứng hóng mát ở dưới cây trước cửa lớn, liền thắp nhang khấn thầm rằng: “Má! Má có thể an tâm đi Tây phương được rồi, nhưng lúc này cần phải hiển bày một chút kỳ tích khiến cho Vạn Thành và con Ngọc (con dâu) biết sửa lỗi lại tu hành”. Đang lúc đó bỗng nhiên “Pằng! Pằng! Pằng!”, ba tiếng nổ to như sấm chói lỗ tai, mọi người đều hoảng sợ giật mình! Thì ra là cây súng săn để trong tủ áo trong phòng của em trai Vạn Thành bị cướp cò (tự nhiên nổ) và bốc cháy, ngọn lửa trong tủ áo cháy lan ra ngoài, đến cái mùng trên giường, mọi người đều vội vã đi lấy nước lại cứu hỏa. Tháng 5 năm đó là trời hạn, mấy lu nước đều dùng sạch, đang lúc ngàn cân treo sợi tóc đó thì có một người chở một xe bò nước đến trước cửa, nhờ đó hóa giải được nguy hiểm. Tra xét lại xem thì là cây súng săn phát hỏa, quần áo đồ đạc bị đốt thành tro, bươi tìm trong đống tro được một cái bao giấy, mở ra xem thì là giấy tờ quyền sở hữu nhà đất và tiền mặt 20.000 đồng, đây là tiền chuẩn bị sẵn lo đám cho mẹ của sư tỷ Hiệp, vẫn còn nguyên phong chưa bóc ra, không có bị cháy hư một chút nào hết.
Vợ của Lâm Vạn Thành tên là Ngọc lúc đó đang ngồi trên ghế mây dựa dưới hành lang, bỗng nhiên hai mắt nhìn thẳng trong hư không, bất tỉnh nhân sự. Mọi người cho là vì bị giựt mình quá mà hôn mê, các vị liên hữu liền to tiếng niệm cầu đức đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát, và cũng phái người đi mời bác sĩ Khôn Hải đến tiêm thuốc. Lúc bác sĩ đến thì A Ngọc đã tỉnh táo rồi, cô ta nói với mọi người rằng: “Những lời các vị vừa nói, tôi nghe rõ từng câu, muốn nằm xuống thì dường như có người kéo không cho nằm xuống, mắt nhìn thấy trong hư không một vầng kim sắc quang minh giáng lâm, chính là Phật A Di Đà tiếp dẫn má chồng tôi; má chồng tôi mặc áo bào đen lớn, tay cầm chuỗi, mặt mày tươi vui, nương kim sắc quang minh theo Phật A Di Đà bay về Tây phương”. Sư tỷ Hiệp liền hỏi cô ta: “Phật A Di Đà hình dạng như thế nào?”. A Ngọc đáp: “Giống như bức tượng vẽ lớn Đức Phật A Di Đà mà chúng ta cúng dường, nhưng Đức Phật A Di Đà trong hư không, trang nghiêm, đẹp hơn nhiều”.
Các vị bằng hữu, Phật pháp vô biên thật là không thể nghĩ bàn! Tại sao cây súng tự nhiên phát hỏa? Tiền và giấy tờ sở hữu nhà đất tại sao lửa không cháy được? Lại cảnh Phật A Di Đà tiếp dẫn người mất khiến cho người con dâu không có căn lành được chính mắt nhìn thấy lâu đến mười phút? Nếu như chỉ có đốt cây súng, không thấy được kim thân Phật A Di Đà thì không thể độ được A Ngọc phát tâm tin Phật như hiện nay, riêng một mình A Ngọc chính mắt thấy mẹ chồng vãng sanh, nếu như không đốt tiêu cây súng săn thì cũng không trừ hết được tập khí ác săn bắn của Lâm Vạn Thành đổi ác làm lành, thật là sự linh cảm kỳ diệu tột bậc.
Chúng sanh nổi chìm trong biển khổ sanh tử rất là đáng thương. Mong rằng mọi người thật tâm niệm Phật, khuyên người niệm Phật, phát tâm Bồ đề cứu nhân độ thế, lấy tự thân mình làm chiếc thuyền độ sanh trong đời này, chở khắp hết chúng sanh đồng đến Hải hội Liên trì.
Hãy niệm: Nam mô A Di Đà Phật!
Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí
17 09 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Theo đại sư Cổ côn (đời Thanh), người niệm Phật muốn được thành công phải nắm vững bốn yếu quyết sau:
1. Người niệm Phật không cần tham cầu Tịnh cảnh
Xưa nay, có một số vị khi phát tâm niệm Phật chỉ lo ham cầu tịnh cảnh (như cầu thấy Phật hiện thân, cầu thấy cảnh giới Tịnh độ…), chứ không đặt nặng vào việc cầu vãng sanh Tịnh độ, đây quả thật là đại bịnh. Bởi cầu tịnh cảnh mà không cầu vãng sanh Tây Phương, kẻ niệm Phật đó chẳng khác cầu cát mà bỏ vàng, niệm Phật với tâm như thế không phù hợp với ý Phật “chấp trì danh hiệu Phật, một lòng cầu nguyện vãng sanh” (kinh A Di Đà), không thể đạt thành công đức vô lượng và không thể vãng sanh.
2. Người niệm Phật không cần tham thoại đầu “ niệm Phật là ai ?”
Người niệm Phật lấy cái tâm thanh tịnh bản lai của mình mà niệm đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương, rồi nhờ đức Phật A Di Đà hiển lộ cái tâm bản lai thanh tịnh của mình. Mỗi khi khởi tâm niệm Phật là tâm ta hướng về tâm Phật, tâm Phật hướng về tâm ta. Tâm ta và tâm Phật rõ ràng, tâm ta và tâm Phật là một, lý cảm ứng đạo giao bất khả tư nghì. Vì thế đương lúc niệm Phật mà đi hỏi niệm Phật là ai, tức là trên cái đầu của mình lại đặt thêm một cái đầu nữa, cỡi lừa mà lại đi tìm lừa.
3. Người niệm Phật không cần dứt trừ vọng tưởng
Ngày nay có nhiều người tu các pháp môn khác, thấy ai niệm Phật họ bèn khởi tâm chê bai : “ Người niệm Phật mà còn vọng tưởng thì không đạt thành kết quả”. Nhưng họ không biết rằng, người niệm Phật tuy còn vọng tưởng vẫn có thể đới nghiệp vãng sanh. Ngài Linh Phong dạy: “kẻ tín thâm nguyện thiết mà tâm còn nhiều vọng tưởng thì kẻ đó sẽ được Hạ phẩm hạ sanh. Tuy là Hạ phẩm hạ sanh nhưng chẳng ngại gì, vì đồng được bậc thiện nhân câu hội chung một chỗ, cùng thọ dụng pháp lạc, há không phải là đại dụng hay sao ?”.
4. Người niệm Phật không cần cầu nhất tâm
Người tán tâm niệm Phật thường ngày niệm không thoái chuyển, lâu ngày tự nhiên sẽ thành tựu sự nhất tâm. Như thế nhất tâm bất loạn là do tán niệm định số mà thành. Chúng ta niệm Phật tuy không cần cầu nhất tâm nhưng cứ tương tục niệm Phật thì nhất tâm bất loạn sẽ hiển bày.
Trái lại người nào niệm Phật chỉ lo cầu nhất tâm mà bỏ qua pháp tán niệm định số, thì chẳng khác nào kẻ không nấu cơm mà cầu có cơm ăn, không chịu khó học mà muốn thành tài giỏi… là điều không thể xảy ra.
Cho nên, đối với các bậc hữu duyên của tông Tịnh độ, chúng ta chỉ cần lập chí quyết định trì danh niệm Phật mà không cần phải tham cầu tịnh cảnh, không cần xem câu niệm Phật như một câu khán thoại đầu; không cần nghĩ đến chuyện còn vọng tưởng hay không vọng tưởng, không cần phải cầu nhất tâm bất loạn. Mà chúng ta thường ngày cứ chuyên trì Thánh hiệu Phật A Di Đà “đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật”, từ đây cho đến khi chết, chúng ta quyết định sẽ được vãng sanh.
Trích Chuẩn Bị Cho Cái Chết
Tác giả: Thích Nguyên Liên
357/398Đầu«...10...356357358...360...»Cuối
Các Phúc Đáp Gần Đây