17 09 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Con người lúc sắp chết do sự diễn tiến của Nghiệp và Hiện tượng của nghiệp mà có Biểu hiện lâm chung mỗi người mỗi khác. Cũng như khi sắp chết, xác thân sẽ có những chỗ nóng ấm sau cùng. Tìm hiểu biểu hiện lâm chung và hơi nóng đi ra cuối cùng trên xác thân người chết, chúng ta có thể biết được cảnh giới họ đang chuẩn bị tái sanh.
1. Xác định dựa vào hơi nóng sắc thân
Con người khi chết toàn thân lạnh dần, chỗ nào trên cơ thể còn hơi nóng sót lại là nơi đó thần thức xuất ra khỏi thân. Chỗ nóng sau cùng trên cơ thể người chết giúp chúng ta xác định được cảnh giới tái sanh của họ. Bài kệ trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận đã chỉ rõ cho chúng ta vấn đề này.
Đảnh sanh cõi Thánh, mắt sanh Trời
Bụng nóng Ngạ quỷ, tim nóng Người
Bàng sanh nóng ở nơi đầu gối
Nóng ở bàn chân Địa ngục thôi.
Ví như chúng ta sờ vào cơ thể người mới chết, nếu thấy toàn thân lạnh hết chỉ còn hơi nóng ở đỉnh đầu, tất biết người đó được vãng sanh Tịnh độ. Hoặc như toàn thân lạnh hết nhưng còn hơi nóng giữa hai con mắt tức biết ngưòi đó sẽ tái sanh về cảnh trời… Các cảnh giới còn lại chúng ta có thể xác biết qua hơi nóng còn sót lại nơi nào trên cơ thể người mới chết như bài kệ trên đã trình bày.
Có điều, chúng ta cần nên tránh sự hiếu kỳ quá đáng tìm kiếm hơi nóng làm động chạm cơ thể người chết, khiến họ phát sanh phiền não rất dễ đoạ lạc. Việc này nên để những vị tu cao, các Ngài có năng lực vận chuyển hơi nóng đi lên, xác định cảnh giới sắp tái sanh của người mới chết để tìm phương cứu độ.
2. Xác định theo biểu hiện lâm chung
Con người sau khi chết tùy nghiệp mà tái sanh vào cảnh giới tương ưng. Do thần thức cảm nhận cảnh giới tái sanh khổ đau hay hạnh phúc mà tâm thức có lo âu hay sung sướng, biểu hiện qua hình thức trước khi chết. Cho nên, nhìn vào biểu hiện lâm chung của người sắp chết chúng ta có thể đoán định được cảnh giới tái sanh của họ.
Đại để người nào sắp tái sanh về cõi trời… thì biểu hiện sung sướng, thân tâm thơ thới, miệng mỉm cười… Người nào sắp đọa vào tứ ác thú biểu hiện có sự run sợ, thân thể xú uế, tay chân quờ quạng… Chung quy, do cảnh giới tái sanh có khác, mà người chết có những biểu hiện lâm chung không giống nhau.
Trong kinh Pháp cú câu 253, Đức Phật dạy : “ Thân ông bây giờ như lá héo ! Sứ giả thần chết đang chờ ông ! Ông đang đứng trước ngưỡng cửa tử vong! Ông sắp phải làm cuộc lữ hành trên đường trường của cái chết. Vậy mà sao ông chưa chuẩn bị lương thực gì cả?” Chúng ta đang sống và chuẩn bị làm lữ khách trên đường trường của cái chết. Sống và chết luôn là hai việc lớn nhất của đời người, chúng ta dầu muốn dầu không cũng không thể tránh khỏi cái chết. Ai là người có chút lo xa chẳng thể dững dưng qua ngày, buông thả đời mình trong nhục dục, mà ngay bây giờ hãy chuẩn bị lương thực Tín, Hạnh, Nguyện đừng để phải rơi vào cảnh: “Tiền lộ mang mang vị tri hà vãng” (Quy sơn cảnh sách).
Trích Chuẩn Bị Cho Cái Chết
Tác giả: Thích Nguyên Liên
16 09 2010 | Gương Vãng Sanh |
“Người không tin Phật, không sanh vào nhà ta. Ông Lữ dạy con, đời đời được vinh hoa”.
Hai câu trước là nói về ông Lữ Mông Chánh đời Tống, ông là một vị Phật tử thuần thành. Mỗi ngày vào sáng sớm, khi lạy Phật lạy Tổ đều lấy hai câu này làm câu cầu nguyện sau cùng của thời khóa hàng ngày. Hai câu sau là đời người sau khen ngợi ông Lữ dạy con có phương pháp, tứ đại đồng đường (4 thế hệ: ông bà cố, ông bà nội, bố mẹ, con cái ở chung trong một gia đình) hưởng lộc đều là đệ tử Tam bảo, vinh hoa phú quý làm quan đến chức Tể Tướng.
Lời tục ngữ nói rất hay: “Gia đình muốn hưng thạnh, hãy nhìn xem con cháu”. Mỗi gia đình đều có con cái, đều mong ước chúng trở thành hữu dụng. Nhưng hiện đang đời mạt pháp, có thể có được mấy người giống như ông Lữ dạy dỗ cháu con học Phật để được nhờ lợi ích của Phật pháp? Thật có thể nói là ít thấy như lông chim Phụng, sừng Kỳ lân. Mặc dầu là ít có, khó được, nhưng bút giả (bà Khán Trị) rốt cuộc đã thấy được một vị, ông ta chính là cư sĩ Lâm Thanh Giang mới vãng sanh gần đây, tuy không có tài hoa như ông Lữ, nhưng sự dạy dỗ con cháu học Phật, giúp đỡ cho ông vãng sanh lúc mạng chung, hiện được tướng lành không thể nghĩ bàn, thật đáng quý, khó thể có được, sự thật như sau:
Lão cư sĩ Lâm Thanh Giang, quê của ông ở một làng bên bờ biển ở Ngô Thê, hiện ở số 15 đường Đại Trí, thành phố Đài Trung. Ông tự kể lại khi mới vừa sinh ra đời, liền đã chịu một tai nạn lớn. Do vì nhà ông ở bên bờ biển, ông mới sanh hai mươi ngày bị trời mưa lâu, nước biển dâng lên, có mấy làng đã bị nước biển dâng lên cuốn đi, biến thành biển cả mênh mông, nhìn không thấy bờ mé! Cả nhà ông ta vội vã dùng chiếc bè tre đánh cá, chất hết người cả nhà và lương thực lên trên chiếc bè tre đó, mặc cho nước cuốn trôi, trong đó có một người sản phụ bồng một đứa trẻ chưa đầy tháng, đó là Lâm Thanh Giang. Ở trên chiếc bè tre đó trôi nổi 20 ngày, thật là chín phần chết, một phần sống. Vượt qua lần tai nạn này có người nói: “Nạn lớn mà không chết, ắt có phúc về sau”. Cái hạnh phúc đó của Lâm lão cư sĩ là cái gì? Có lẽ chính là việc về già được sự lợi ích do học Phật nghe pháp.
Lâm lão cư sĩ tư chất thông minh tự nhiên, tuổi thiếu niên đi học rất có trí nhớ, phần lớn những sách đọc qua rồi thì không quên, cho nên những thứ ông đã học như: địa lý, y học, số mạng, bốc thuật (coi bói), tướng thuật và thơ văn, thảy thảy đều giỏi, có thể cùng với người nói chuyện trên trời dưới đất gì cũng được. Mặc dù nghề nghiệp của ông là buôn bán, nhưng nếu có thời gian rảnh, ông liền khám bệnh bốc thuốc cho người bất kể là trị những chứng bệnh khó khăn gì, phần nhiều là thuốc đến là hết bệnh, cho nên những bệnh nhơn được trị khỏi khắp nơi rất nhiều, hết thảy đều là kết duyên, không bao giờ nhận tiền của ai, cho nên ở trong làng những bà con bạn bè đều khen ông là: “đệ nhất thiện nhơn”. Do bởi nhân duyên làm lành mà vốn dĩ y theo ngày tháng năm sanh của ông tự coi số thì thọ mạng tối đa của ông là năm mươi bốn tuổi, so với lúc ông vãng sanh hồi năm ngoái là bảy mươi chín tuổi, tính ra thọ thêm được hai kỷ, nếu như không thọ thêm hai mươi bốn năm thì cũng đã sớm giống như những người thường, đi vào luân hồi lục đạo rồi!
Cơ duyên học Phật của Lâm lão cư sĩ là vào lúc nhà ông ở đường Dân Tộc, thành phố Đài Trung làm hàng xóm với cư sĩ Giang Ấn Thủy. Giang cư sĩ mới rủ ông đi nghe kinh, niệm Phật với lão ân sư Lý (Lý Bính Nam), rồi thọ đại giới Bồ Tát. Từ đó hai thời khóa sáng tối không gián đoạn, đều là cùng ông bạn già đồng ra vào cùng nhau tu trì. Ông chẳng những tự tinh tấn tu hành, đối với việc dạy dỗ con cái, ông cũng rất chăm chỉ, tạo thành một gia đình Phật tử thuần thành, nhất là đối với đứa cháu nội Diệu Đường càng chú trọng, đặc biệt mỗi sáng chủ nhựt vào tuần lễ Đức dục Nhi đồng của liên xã, ông đều bảo cháu nội Diệu Đường đến tham gia niệm Phật, nghe chuyện. Về sau lại khích lệ cháu nội gia nhập lớp bổ túc Quốc văn, sau khi học xong lớp bổ túc Quốc văn lại tham gia đại hội diễn giảng của thanh niên tân xuân ở Liên xã. Diệu Đường trước sau đã có bốn lần kinh nghiệm, đây đều là do sự hun đúc của ông nội, Diệu Đường chẳng những ăn nói lanh lợi mà còn do cội gốc gia đình có ăn học (có gien) được truyền thừa y bát của ông nội (những sở đắc của ông nội), chí nguyện sau này cũng muốn hành nghề chữa bệnh làm nghĩa giúp đời, cứu giúp những người bệnh.
Lão cư sĩ Lâm Thanh Giang năm rồi bảy mươi chín tuổi, sức khỏe bỗng suy yếu, tứ đại không điều hòa, nằm bệnh triền miên sáu tháng, nhưng lúc ông đau đớn vì bệnh, chỉ cần người trong nhà ở trước mặt ông, vì ông mà niệm Phật thì ông không có kêu đau gì cả, về sau các người trong nhà bèn chia ban ra niệm Phật suốt ngày đêm không ngớt và thỉnh ân sư Bính Công về khai thị cho ông, dạy cho ông buông bỏ vạn duyên, nhứt tâm niệm Phật. Đến ngày 22 tháng 12 ÂL lúc nửa khuya, Diệu Đường nhắm mắt niệm Phật bên ông nội, bỗng nhiên nhìn thấy một đám người muốn xông vào cửa lớn, nhưng hai bên cửa lớn: phía bên trái có Bồ Tát Già Lam Thánh chúng đứng, tay cầm đại quan đao, phía bên phải có Hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát đứng, tay cầm hàng ma chữ. Hai vị Bồ Tát này dùng đại quan đao và hàng ma chữ chận đứng đám người đó lại rồi đuổi đi; nhưng không bao lâu lại có một đám người khác đến nữa, liên tiếp ba lần đều như thế, Diệu Đường nhìn thấy cảnh này rất rõ ràng, liền biết là oan nghiệp đời trước đến đòi nợ bị thần hộ pháp của Phật giáo chặn đứng đuổi đi… Sáng sớm lão cư sĩ nói với con dâu (mẹ của Diệu Đường) rằng: “Tối nay Ba sẽ vãng sanh Tây phương”.
Diệu Đường liền chạy đến Liên xã thỉnh các vị trợ niệm, có ban trưởng ban Vũ Đức là Hoàng Thái Vân và một số người đến trợ niệm cho ông, từ sáng sớm ngày đó bắt đầu niệm, niệm đến hơn 10 giờ tối. Sau khi các vị trong ban hộ niệm đi về, thì cả nhà do Diệu Đường hướng dẫn niệm Phật, không bao lâu, bỗng nhìn thấy một đạo hào quang từ cửa xẹt vào đối thẳng với tượng Phật A Di Đà, liên tiếp ba lần phóng ánh sáng như thế, lúc đó lão cư sĩ Thanh Giang trên mặt lộ vẻ khoan thai vui vẻ, miệng mỉm cười vãng sanh Tây phương, lúc đó đúng 11 giờ đêm. Vì phải sắp đặt bàn linh đang lúc Diệu Đường muốn đi ra ngoài cửa để đi mua đèn cầy, thì thấy hào quang rực rỡ trên hư không từ hướng Tây chiếu thẳng vào nhà, vì nhà của ông tọa vị hướng Đông, quay về hướng Tây. Lúc Diệu Đường về nhà thì người anh đang niệm Phật bên ông nội nói với Diệu Đường rằng: “Lúc em đi ra ngoài mua đèn cầy, anh đang niệm Phật ở đây thì bỗng có một làn hương thơm bay lại, không phải mùi của đàn hương, cũng không phải là mùi thơm của hoa, mà là mùi thơm rất lạ ở thế gian này ít có!”. Cả nhà đều chuyên tâm nhứt ý niệm Phật mãi đến trời sáng không dứt đoạn. Đã trợ niệm được tám giờ, lúc đó bà nội của Diệu Đường muốn đến bên người bạn đời đã từ giã cõi trần, khó tránh khỏi buồn thương liền nhè nhẹ vén cái mền đang đắp ra thì bỗng nhiên một mùi thơm lạ sực nức mũi! Con cháu, mọi người cả nhà, ai cũng đều khen ngợi Phật pháp vô biên không thể nghĩ bàn!
Do bốn tướng lành ở trên, suy ra thì biết lão cư sĩ Lâm Thanh Giang, chắc chắn vãng sanh Tây phương không còn nghi ngờ gì nữa. Con dâu của ông càng khen ngợi may nhờ Phật, Bồ Tát gia bị nên vãng sanh vào ban đêm, trợ niệm tròn đủ tám giờ, không có động đến thân thể ông, cũng không có ai khóc, được sự thuận lợi cho việc trợ niệm vãng sanh, nếu không thì lục thân quyến thuộc mấy chục người thân thiết nhưng họ chưa từng biết niệm Phật nghe pháp, vừa nghe người thân qua đời, chắc chắn chen chúc mà đến, làm sao có thể ngăn được họ không gào khóc om sòm. Đây cũng là phước báo thù thắng của Lâm lão cư sĩ lúc lâm chung vãng sanh Tây phương không có chướng ngại.
Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí
16 09 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Đây là câu chuyện cảm ứng của cháu gái Trần Phi Lâm. Cô cháu họ này mới đầu cũng không tin Phật và cực lực phản đối lòng thành tin Phật của ông chú nhưng Trần cư sĩ rất từ bi, hễ gặp mặt là khuyên cô ta niệm Phật, giảng cho cô ta nghe về đời người ở thế gian khổ nhiều, vui ít, tai nạn nhiều, nghịch cảnh nhiều, phiền não nhiều, muốn lìa khổ được vui cần phải niệm A Di Đà Phật, lúc nguy cấp, sợ hãi càng phải cố sức niệm A Di Đà Phật. Nhưng cô cháu của ông cũng chỉ như đàn khảy tai trâu, không chịu nghe theo!
Mười mấy năm về trước, cháu gái của Trần Phi Lâm muốn dời nhà đến Hoa Liên kinh doanh buôn bán, cư sĩ Phi Lâm liền thỉnh tượng Tây phương Tam Thánh, lộng kiếng, tự mình đem đến bến xe Đài Đông cho cô ta. Lúc chia tay ông còn ân cần dặn đi dặn lại cô cháu phải chí tâm thành ý niệm A Di Đà Phật. Cô cháu họ Trần sau khi dời đến ở Hoa Liên kinh doanh buôn bán rất tốt, có một hôm do việc làm ăn cô đi vào làng, đến nửa đêm mới cỡi xe đạp về nhà, đi qua một con kênh bên đường lúc không để ý cả người lẫn xe đồng rơi xuống con kênh. Con kênh này chỉ sâu hơn người một chút mà thôi, tự mình rất dễ leo lên. Lúc đó cô cháu họ Trần phủi bụi đất trên mình, rồi xem lại tứ chi, không có bị thương chút nào hết, liền lo kéo chiếc xe đạp lên, lúc muốn kéo lên đó, lại rất kỳ quái, phía sau dường như có người kéo xe trở xuống. Cứ thế, hễ muốn kéo lên lại bị kéo trở xuống mấy lần. Lúc đó cô cháu họ Trần sợ đến nỗi lông tóc dựng đứng, sợ đến nỗi hồn bất phụ thể. Vào lúc tiến thối lưỡng nan, không có cách nào, liền nhớ đến việc ông chú ở Đài Đông thường dạy cô niệm A Di Đà Phật, khi gặp lúc tai nạn nguy cấp càng phải to tiếng niệm Phật. Cô cháu họ Trần liền chắp hai tay lại, cố sức to tiếng niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Thành tâm thành ý niệm được khoảng nửa tiếng đồng hồ thân tâm cảm thấy an nhiên, tâm sợ hãi đã không còn nữa. Bỗng nhiên trên đường có một chiếc xe ba bánh chạy đến, người đánh xe đến trước mặt cô cháu họ Trần, liền thắng xe lại, không nói một tiếng nào, liền kéo chiếc xe đạp lên, lại mời cô cháu họ Trần lên xe ba bánh, đưa xe đạp đặt lên trên xe ba bánh, người đánh xe liền chở cả cô cháu họ Trần lẫn xe đạp về đến cổng nhà của cô.
Cô cháu họ Trần trong lòng rất cảm tạ người đánh xe trẻ tuổi mạnh khỏe nầy, sau khi xuống xe, muốn lấy tiền nhiều một chút cho anh ta, nhưng lúc quay đầu lại thì không biết đã đi đâu mất rồi! Lúc đó đã là nửa đêm, cũng không biết tìm ở đâu. Qua ngày hôm sau, sáng sớm cô vẫn cứ nhớ cái ân của người đánh xe ba bánh, muốn đưa tiền cho anh ta, liền đến bãi xe ba bánh tìm trong mấy người phu xe, hỏi tới hỏi lui cả ngày, mọi người đều nói tối hôm qua không có ai chở cả người lẫn xe ở đó. Sau đó cô liền nghĩ lại sự cảm ứng lúc đang nguy cấp cố sức niệm A Di Đà Phật mới có sự hóa hiện xe ba bánh đến cứu mình. Cô ta lại nhớ đến tượng Phật của ông chú đưa cho ở bến xe Đài Đông, liền về nhà lục tìm xem, chỉ thấy tướng hảo trang nghiệm của Phật A Di Đà rất giống với phước tướng của anh phu xe ba bánh. Lập tức treo lên, rất là cung kính mua về hương hoa quả phẩm, đèn cầy để cúng dường lễ bái. Lại nhớ đến tinh thần từ bi của ông chú, đích thật là ân sâu như biển, liền từ Hoa Liên đi về Đài Đông đến chú Trần Phi Lâm nói ra việc cảm ứng này. Câu chuyện trên đây là do chính miệng Trần cư sĩ nói với tôi.
Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí
16 09 2010 | Gương Vãng Sanh |
Trong một chùa miền quê của tỉnh Bình Định, có một ngôi chùa nhỏ giữa làng. Trụ trì ngôi chùa này là một vị Thượng tọa, xuất gia từ nhỏ, nhưng không được học hành Phật pháp sâu rộng.
Thầy xuất gia với lòng ngưỡng mộ Tam Bảo và được Hòa Thượng bổn sư của thầy dạy nghi lễ, coi ngày giờ, cúng đám cho Phật tử. Ngày đêm thầy thường tụng kinh, niệm Phật. Thầy thường dạy cho đệ tử cũng như Phật tử, “Tu hành là trì trai, giữ giới, tụng kinh, niệm Phật, để sau khi quá vãng được về Tây Phương Tịnh Độ, hết khổ được vui, chứng đạo bồ đề.”
Công quả trong chùa, thầy có một ông già tên ông Hai. Ông Hai cũng đi tu từ nhỏ nhưng căn tánh ám độn, học không vô, chỉ đánh chuông, quét chùa, và làm công quả. Ông tu với Hòa Thượng bổn sư của thầy. Vì thấy chùa đơn chiếc nên Hòa Thượng cho ông Hai về công quả giúp cho Thầy. Ngoài thì giờ công quả tưới bông, tưới cây, đánh chuông, quét chùa, ông Hai chuyên niệm Phật. Ai nói gì ông cũng bỏ qua, khen ông không mừng, chê ông không giận. Ông chỉ lo làm tròn bổn phận và niệm Phật mà thôi.
Năm ấy, ông Hai trên 70 tuổi, sức khỏe còn tốt, không có bịnh hoạn chi. Một hôm, ông thưa với thầy trụ trì, “Thưa thầy, hôm nay thầy có đi đâu không?”
Thầy trụ trì nói, “Hôm nay tôi về chùa tổ cúng tổ.”
Ông Hai nói, “Cúng tổ, năm nào cũng cúng. Bữa nay, thầy ở nhà, con về Tây Phương nhờ thầy hộ niệm.”
Ông Hai nói thêm, “Con nói thật đó.”
Thầy trụ trì nói, “Thôi, ở nhà thì ở. Sang năm về cúng tổ cũng được.”
Gần trưa, ông Hai nấu nước tắm, thay quần áo. Đến trưa, ông mặc áo tràng lên thỉnh thầy trụ trì hộ niệm. Ông Hai lên chùa, mở cửa, lên hương đèn, bắc ghế cho thầy trụ trì ngồi một bên hộ niệm. Ông đứng gần giữa chùa, chí thành lễ Phật, xong ngồi xuống, xoay mặt vô bàn Phật niệm Phật. Tiếng ông nhỏ dần và đầu ông gục xuống, im lặng. Thầy trụ trì đưa tay lên mũi ông thì ông đã đi rồi.
Thầy trụ trì đánh trống Bát Nhã lên. Phật tử nghe tin ông Hai tịch trước bàn Phật nên kéo về đông nghẹt chùa. Một giờ sau, Phật tử thỉnh xác thân ông Hai xuống nhà tây, lo tang lễ.
Khi đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, Phật tử hùn tiền mướn bảy chiếc xe hơi đưa đi thật long trọng.
Đến ngày 49, Phật tử ra thăm mả, không ngờ mả của ông đã được xây thật tốt đẹp. Hỏi ra mới biết, có người khác xóm xây mả của cha, nhưng thợ đã xây lầm mả của ông Hai. Thế rồi Phật tử thương lượng để hoàn tiền lại.
Thế mới biết, người tin Phật niệm Phật chắc chắn sẽ được Phật rước về Tây Phương Tịnh Độ, như truyện ông Hai nói trên. Tôi có mấy câu thơ:
Đi đứng niệm Phật thường,
Sáu chữ nhiếp tâm vương.
Ba nghiệp thường thanh tịnh,
Theo Phật về Tây Phương.
Trích Góp Nhặt Lá Bồ Đề
Tác giả: Thích Tịnh Nghiêm
358/398Đầu«...10...357358359...370...»Cuối
Các Phúc Đáp Gần Đây