Pháp Môn Trì Danh Hiệu Phật Vãng Sanh Cực Lạc

Pháp Môn Trì Danh Hiệu Phật Vãng Sanh Cực LạcNiệm Phật tu hành không chơn là không niệm Phật nhiều, hoặc cho rằng lúc mạng mất tâm còn mời người đến trợ niệm là được; lòng ham muốn phần nhiều chỉ là thành gia, lập nghiệp, mua xe, mua nhà… các điều bận rộn. Bận rộn mãi với miếng ăn, thức uống, chơi bời, dục lạc hưởng thụ bèn nói rằng không có thời gian niệm Phật. Lúc bình thường thì không biết niệm Phật, trong tâm không có Phật. Ba nghiệp thân, miệng, ý lại không thanh tịnh, lúc mệnh chung bệnh khổ rất nhiều, thần trí hôn mê, ác nghiệp hiện ra trước mặt, bàng hoàng lo sợ, sáu thần không chủ, tình ái lại không bỏ được, tà nghiệp hiện tiền, tâm sanh điên đảo, không biết niệm Phật, càng không thể nói là chuyên nhất niệm Phật được, có người trợ niệm cũng uổng vậy. Bởi vì sao? Vì thần trí của người hôn mê, tà niệm hiện tiền, tâm sanh điên đảo, không biết niệm Phật. Người không dựa vào chính mình được, dựa vào người khác cũng dựa không được. Người nhà cũng không biết thời gian người mệnh chung, người nhà chỉ trông nom bệnh tình của người, đến lúc mời đoàn trợ niệm (ban hộ niệm) đến để trợ niệm, có người trợ niệm chẳng vãng sanh, lúc không có người trợ niệm thì đã chết rồi! Người không như lời dạy, không như pháp thì nhân như thế, quả như thế đó!

Cho là việc đời bận rộn ư! Vì lúc hưởng thọ dục lạc, há có thể chẳng e dè thấy nhân sâu xa; chợt vì cái vui khoảnh khắc, chuốc lấy họa ương nhiều đời.

Cần phải biết rằng, giả như giàu có, vàng ngọc đầy nhà, gia thế rạng rỡ, cũng khó tránh khỏi lúc suy tàn già bệnh; có đủ ngàn điều khoái lạc,vô thường đến lúc kề bên, một khi mất thân người rồi, khổ ơi là khổ! Hãy xem người xưa mấy ai có được tốt đẹp trọn đời? Chỉ có niệm Phật tu hành – vãng sanh thế giới Cực Lạc. Lìa khổ được vui – chơn lạc – mới là đường chánh.

Tác giả: Huỳnh Lão Cư sĩ
Hải Huyền Viên Giáo dịch

Cẩm Nang Tu Đạo [Audio]

Cẩm Nang Tu ĐạoKinh Hoa-Nghiêm dạy rằng: “Chúng sanh như người bệnh, Thiện-tri-thức như bác-sĩ, lời dạy của Thiện-tri-thức như thuốc hay. Thuốc hay thì đắng, song trị lành được bệnh.”

Tập Cẩm-Nang này đúc kết tinh hoa những lời dạy của vị Thánh-tăng cận đại – Hòa-Thượng Quảng-Khâm (1892-1986). Là người đã giác ngộ, mỗi lời dạy của Ngài trực tiếp phá vỡ vô minh, khiến ta giác ngộ như Ngài.

Bởi vậy, trong tập Cẩm-Nang này, bạn sẽ thấy mỗi lời dạy của Ngài đều vô cùng sâu sắc, trực tiếp song đơn giản; ngắn gọn, dễ hiểu mà hàm súc. Ðây là điểm then chốt dị biệt giữa lời nói của người đã ngộ Ðạo và kẻ chưa tỉnh giác. Kẻ còn mê muội thì cần lời giảng cao xa, sâu sắc, dùng trò chơ trí thức chữ nghĩa, song thiếu thực dụng nội tại. Những lời dạy của Hòa-Thượng Quảng-Khâm là những lời mà không ai có thể bắt chước đặng, bởi vì những lời ấy được lưu xuất từ một nội tâm thâm chứng và một cuộc đời chân thật thực nghiệm, “sống” trong sự thâm chứng ấy mỗi ngày. Ngài chỉ ăn một bửa ngọ và chỉ ăn trái cây; ngủ thì ngủ ngồi; áo mặc thì chỉ một vài bộ. Ngài rất ít lời, không nói chuyện dông dài, bàn luận thế sự tạp nhạp. Cả đời, vật sở hữu của Ngài hoàn toàn không! Chẳng có xe hơi, chẳng có trương mục ngân hàng hay thẻ tín dụng, nhà riêng, Tivi, tủ lạnh, radio…. tất cả Ngài đều không có. Chính bởi vì, và chỉ có, cuộc sống rỗng không như vậy nên Ngài mới thực sự an trụ trong cảnh giới Chân Không của tự tâm. Ðây thật là điều quý báu để chúng ta, kẻ hậu học, nhất là người xuất gia, phản tỉnh và thức tỉnh.

Ðối tượng trọng tâm của tập Cẩm Nang này là người xuất gia, song hoàn toàn ứng dụng cho kẻ tại gia. Khi đọc Cẩm Nang, bạn hãy hình dung như có một vị Tăng già hiền từ, chín mươi tuổi ngoài, đang nói chuyện cùng mình vậy.

Sách này, đọc là để áp dụng; đây không phải là tiểu thuyết, truyện, hay sách nghiên cứu để tăng kiến thức. Khi được đọc để áp dụng như thuốc lành trị bệnh hay như gậy đỡ chân, thì tập Cẩm Nang này sẽ giúp chúng ta đổi cái nhìn, sửa thói hư tật xấu, trừ suy nghĩ lầm lẫn, hướng dẫn bước tu đúng đắn. Khi đó, ánh sáng bất tận của Chánh Pháp sẽ chắc chắn tràn ngập nơi nơi trong tâm bạn và những gì quanh bạn.

Tác giả: hòa thượng Quảng Khâm
Giọng đọc: Tâm Từ

Dưới đây là một vài hình ảnh của cố hòa thượng Quảng Khâm:

Hòa thượng Quảng Khâm lúc 88 tuổi

Hòa thượng Quảng Khâm lúc 88 tuổi

Hòa thượng Quảng Khâm lúc 96 tuổi

Hòa thượng Quảng Khâm lúc 96 tuổi

Hai ngày trước khi hòa thượng viên tịch

Hai ngày trước khi hòa thượng viên tịch

Làm Thế Nào Để Tâm Được Yên Khi Niệm Phật?

Làm Thế Nào Để Tâm Được Yên Khi Niệm PhậtHỏi: Khi hành trì niệm Phật, con tưởng ngồi một mình chỗ yên vắng thì không bị vọng tưởng. Nhưng trái lại, càng thanh vắng chừng nào thì tâm con càng loạn tưởng nhiều chừng nấy. Hễ con cố đè nén, thì chỉ được một chút thôi, rồi bao nhiêu thứ nghĩ nhớ lung tung cũng đâu vào đấy. Vậy xin thầy từ bi hướng dẫn cho con phương pháp nào để tâm con được yên lúc niệm Phật?

Ðáp: Bệnh nầy là bệnh chung của người tu. Dù chúng ta tu bất cứ pháp môn nào, tham thiền, niệm Phật, Tụng kinh, trì chú v.v… ít nhiều gì cũng đều có vọng tưởng dấy khởi. Nếu như bặt dứt hết vọng tưởng, thì đã thành Thánh rồi. Được thế, thì còn nói tu hay không tu làm chi nữa. Vì còn vọng tưởng, nên chúng ta mới tu. Mục đích của sự tu hành là chúng ta muốn dẹp trừ hết vọng tưởng. Vì chính nó là đầu mối dẫn chúng ta đi tạo nghiệp thọ khổ. Nhưng muốn diệt trừ nó, không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là đối với người sơ cơ mới bước chân vào đạo. Khi ứng dụng tu, thì vọng tưởng dấy khởi lên rất mạnh. Đó là do tập khí nhiều đời cũng như hiện đời mà chúng ta đã huân tập. Nếu là người tu lâu, hành trì miên mật, thì lũ vọng tưởng sẽ giảm bớt và yếu đi nhiều. Tuy nhiên, Phật tử nên nhớ, vọng tưởng dấy khởi mạnh hay yếu, tương tục hay gián đoạn, thô hay tế, tất cả còn tùy theo sức huân tu hằng ngày của mỗi người.

Trường hợp của Phật tử, Phật tử nghĩ rằng, khi ngồi chỗ thanh vắng niệm Phật thì không bị vọng tưởng dấy khởi. Nghĩ thế là lầm to. Vì càng thanh vắng, vọng tưởng càng dấy khởi mạnh bạo. Lý do, là vì khi Phật tử đối cảnh xúc duyên, tâm ý Phật tử luôn luôn duyên theo cảnh. Khi ấy, Phật tử không biết đâu là cảnh và đâu là vọng tưởng. Hai cái đang hòa quyện nhau, do đó mà Phật tử không thể phân biệt tách rời ra được. Đó là lúc Phật tử hoàn toàn sống theo cảnh động. Nhưng khi Phật tử ngồi niệm Phật chỗ thanh vắng, bấy giờ Phật tử có chút tâm yên nên mới nhận ra không biết bao nhiêu thứ vọng tưởng lăng xăng dấy khởi.

Thật ra, đó là những pháp trần. Vì khi Phật tử tiếp xúc với cảnh duyên, thì khi ấy sáu căn thu nhiếp sáu trần, nên mọi hình ảnh của sáu trần đều rơi rớt lưu vào trong tâm thức. Đến khi ngồi một mình niệm Phật nơi thanh vắng, thì lũ chúng nó có cơ hội phát khởi rất mạnh. Cho nên người tu hành khi tham thiền, quán tưởng, niệm Phật v.v… thì rất sợ lũ pháp trần nầy. Tuy nhiên, khi nó dấy khởi, Phật tử không nên đè nén hay đàn áp chúng nó, mà chỉ cần Phật tử nên sáng suốt nhìn kỹ vào bộ mặt thật của chúng, thì chúng nó sẽ tan biến ngay. Cho nên, khi hạ thủ công phu, Phật tử đừng sợ vọng tưởng khuấy rối, mà chỉ sợ Phật tử không sáng suốt tỉnh thức kịp thời để nhận diện rõ mặt thật của chúng đó thôi. Vì chúng là giả dối không có thật. Khi biết rõ chúng rồi, thì chúng không thể làm hại gì mình được.

Khi niệm Phật, Phật tử nên nhớ là phải nhiếp tâm vào câu hiệu Phật. Miệng niệm tai nghe rõ ràng. Tâm luôn theo dõi từng lời, từng chữ của câu hiệu Phật. Khi đang niệm, bỗng tạp niệm xen vào, Phật tử đừng sợ chỉ cần biết nó một cách nhẹ nhàng, thì nó sẽ lặng xuống. Bấy giờ Phật tử cứ tiếp tục niệm Phật. Điều quan yếu của pháp môn niệm Phật là phải tâm niệm. Miệng niệm tai nghe không chưa đủ mà phải chú tâm niệm. Niệm như thế lâu ngày, vọng tưởng sẽ giảm bớt dần và đến khi nào tâm được thuần thục, thì Phật tử sẽ dần đạt được nhứt tâm bất loạn. Nhưng bước đầu bao giờ cũng rất khó khăn. Tôi thành thật khuyên Phật tử không nên nản chí. Cổ Đức có dạy: “niệm Phật không khó mà khó ở bền lâu. Bền lâu không khó mà khó ở nhứt tâm”. Kính chúc Phật tử có nhiều sức khỏe tinh tấn niệm Phật và sẽ có ngày đạt thành sở nguyện.

Thích Phước Thái

Đối với hành giả sơ cơ đang ở giai đoạn đầu của việc niệm Phật, thì vọng tưởng khởi lên rất nhiều và thi nhau quấy phá. Lúc đó, cần phải niệm Phật thành tiếng rõ ràng và dùng xâu chuỗi để đếm số câu Phật hiệu mình niệm để cho khỏi quên. Cốt để buộc chặt cái tâm mình lại cho nó khỏi rong ruổi. Giống như kẻ chăn bò, phải dùng sợi dây thừng xỏ vào mũi bò thì mới điều khiển được con vật hung hăng.

Chúng ta cũng chẳng cần quan tâm để ý đến những vọng niệm quấy phá, hãy coi chúng nhưng những người khách vãng lai đến rồi lại đi mà thôi. Phương pháp niệm Phật nào cũng chỉ đưa hành giả đi đến Định tâm. Khi niệm Phật thì tâm được tĩnh lặng, buông xả mọi tạp tưởng. Giống như ly nước dơ, muốn cho trong cần phải để yên lắng, để cho cặn dơ từ từ lắng xuống.

Trong khi niệm Phật, thì danh hiệu Phật xuất phát từ tâm, thành tiếng ở miệng, tai lắng nghe, tiếng lại trở về tâm. Tâm tưởng, miệng niệm, tiếng đậu ở tai, rồi lại trở về nơi tâm xuất phát. Cứ tuần tự diễn biến như thế, thì mọi tạp niệm đều chấm dứt.

Muốn đạt đến cảnh Nhất Tâm Bất Loạn thì không có cách nào mới lạ cả. Chỉ cần 1 lòng Tin kiên cố, rồi tập trung tâm lực 1 cách toàn diện vào việc niệm Phật. Phải niệm sao cho tiếng nọ nối tiếp tiếng kia, không có kẻ hở ở giữa. Việc tập trung tâm thức hoàn toàn vào câu Phật hiệu sẽ dễ dàng đưa hành giả đi đến điểm Nhất Tâm.

Với Niệm Phật chỉ cần 1 cái tâm chất phát đơn thuần, 1 lòng Tin kiên cố, 1 chí Nguyện cầu vãng sanh thiết tha, và Hành trì tinh tấn bền lâu. Lâu ngày niệm lực dần trở nên mạnh mẽ, sẽ đưa hành giả đạt đến Nhất Tâm Bất Loạn.

Trích Tịnh Độ Luận

Ðịnh Kỳ Tinh Tấn Niệm Phật

Ðịnh Kỳ Tinh Tấn Niệm Phật (Phần 1/2)Ðược vãng sanh hay không toàn là do có tín nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn. Phật dạy từ một ngày đến bảy ngày trì danh nhất tâm bất loạn, cho nên phải định kỳ [niệm Phật] cầu chứng. Chúng sanh đời mạt pháp tu các công đức, tín nguyện chẳng chắc chắn, phế bỏ công phu càng dễ, cho nên càng phải nên hạn kỳ tu tập thì mới phát được tâm thù thắng, tạo thành hạnh thù thắng.

Ở đây, tôi trích lấy những pháp yếu tinh tấn của cổ đức và khuôn mẫu Phật thất để đại chúng tuân hành theo, cầu được chứng đắc ngay trong hiện đời.

2.1. Lược trích “Cách truy đảnh niệm Phật” của Tam Phong đại sư

Niệm Phật cầu nhất tâm bất loạn, chỉ lấy một câu Phật hiệu cực lực truy đảnh, đã mạnh mẽ lại càng mạnh mẽ hơn, tinh thành một phiến thì chẳng suy lường đến chuyện quá khứ, chẳng đoái hoài đến chuyện vị lai, chẳng nắm giữ tâm thức hiện tại. Ba tâm đoạn sạch tức là đoạn cả tiền tế lẫn hậu tế.

Ðây là do xét đến cùng, niệm đến cực, thấy, nghe, chạm cảnh, gặp duyên, cắt đứt nẻo tâm, đạt đến mức cõi hư không nát như bột, đại địa chìm lỉm, vật lẫn ta cùng tiêu, một pháp chẳng lập, [sự việc] trước mắt như sâm la vạn tượng hiện bóng trong tấm gương tròn lớn, trọn không có lấy một điểm để diễn bày, phân biệt. Thân tâm rỗng rang như mây bồng bềnh. Tình cảnh này gọi là “nhất tâm bất loạn”. Ðến mức này thì chẳng còn có tâm gì để mà loạn cả!

Nếu chưa đạt đến cảnh giới này thì dù có tạm thời thanh tịnh cũng chỉ là tạm ngưng lặng mà thôi: lúc thanh tịnh thì có, lúc động loạn bèn mất; huống hồ là lúc lâm chung cực thống khổ, mê man ư? Ðủ thấy tịnh cảnh cỏn con lúc bình thường chỉ là chuyện bên lề của tâm ý thức; đến lúc mê man thì ý thức thông minh chủ tể trọn chẳng dùng làm gì được!.

Kinh dạy: “Nhất tâm bất loạn” là đức Phật chỉ ngay vào công phu cùng tột, bất quá là chấp trì bốn chữ Phật danh, câu này gối lên câu kia, tiếng nọ đuổi theo tiếng kia như mãnh tướng vung gươm đuổi giặc, nỗ lực thẳng tiến, không chút nào thong dong. Hành trì như vậy nhất định sẽ bắn ngựa, bắt vua.

Công phu như vậy nào phải đâu là cứ thong dong năm chồng tháng chất rồi sẽ đạt được, cũng chẳng phải là đến lúc già nua, sắp chết bèn gấp gáp hành trì mà có thể thành tựu nổi. Chỉ là lúc mạnh khỏe, mỗi ngày mỗi hành trì sao cho đoạn được tâm thức, buông bỏ, ngưng nghỉ được quang cảnh trước mắt thì đến lúc mê man đau đớn cùng cực, [tâm niệm] mới giống hệt lúc đoạn được cả tiền tế lẫn hậu tế khi trước. Trở về cội, hợp vào thể như nước trở về với nước, tựa hư không hòa lẫn vào hư không, chẳng phải là tự tại hay sao?

Hãy tự biết rằng công phu này chẳng phải do bám vào công đức của Phật hiệu mà được thành tựu, mà là do cực lực truy đảnh bốn chữ Phật hiệu mà được thành công vậy! Khuyên thiện hữu đồng môn hãy theo đúng pháp mà niệm một ngày.

Nếu một ngày chưa thành thì nghỉ một ngày rồi lại niệm, hoặc niệm liên tiếp hai ngày, hoặc niệm liên tiếp ba ngày, bốn ngày cho đến bảy ngày, hoặc trong một tháng dũng mãnh niệm một ngày. Bảy ngày là thời hạn do đức Phật ước chừng một cách rộng rãi vậy. Nếu niệm chẳng khẩn thiết, đến hết bảy ngày chẳng thành tựu thì nên điều dưỡng tinh thần, sau bảy ngày lại niệm bảy ngày nữa, lấy việc đạt nhất tâm bất loạn làm hạn.

Ðể thực hành công phu truy đảnh niệm Phật thì chẳng luận là tăng, ni, đạo, tục, ai nấy đều có thể dũng mãnh tu tập được, nhưng phải phân chia đàn tràng nam nữ riêng, chẳng được xen tạp. Ngay từ đêm hôm trước ngày bắt đầu hạn kỳ [truy đảnh niệm Phật] thì vợ chồng ngủ riêng, ngủ thanh tịnh trên giường nhỏ. Canh năm tắm gội vào đàn, rỗng không tâm thức, ngăn chặn ngoại duyên, đóng cửa tuyệt sự. Lễ ba lạy xong, chẳng cần lễ nhiều. Suy cử một kẻ có trí làm thủ lãnh để dẫn dắt đại chúng, đề khởi bốn chữ A Di Ðà Phật, niệm nghiêm nhặt câu nọ tiếp đuổi theo câu kia.

Chớ nên niệm to tiếng tổn khí, chẳng nên miễn cưỡng niệm quá cấp bách trong một hơi thở khiến tâm bức rức, chẳng nên thầm niệm quá sức khiến bị tổn huyết, chẳng được niệm một cách thong dong, dưỡng thần, chẳng được trầm tịnh, hôn trầm. Mỗi lần niệm đứng, ngồi, hay đi đều phải trong vòng [cháy hết] nửa cây hương nhỏ, niệm xong lại quay lại từ đầu, nối tiếp chẳng ngớt. Ăn uống, vào nhà xí, thay áo v.v… đều nhất luật niệm Phật, chẳng được nói chuyện.

Bữa cháo sớm, bữa lót dạ, bữa ngọ và bữa cháo tối, tùy thời dùng các thứ thức ăn thô dở, chẳng được sanh tâm bày vẽ, tốn kém. Chỉ giữ cho bốn chữ Phật hiệu như nước từ núi cao đổ xuống, sức mạnh ngùn ngụt, chẳng ngăn trở được, buông bỏ chẳng được, từ trong tâm tưởng tự nhiên tuôn ra, tâm thức chẳng nương đậu vào đâu. Niệm đến hai canh giờ, nếu mệt mỏi, cứ đi ngủ một chút cũng chẳng ngại gì. Thức dậy lại niệm như cũ.

Niệm suốt một hai ngày, nếu thân lẫn tâm đều mỏi mệt thì nghỉ suốt một ngày một đêm cũng chẳng ngại gì, ngủ sâu cho đến khi tỉnh. Nếu thức dậy thấy tinh thần phấn chấn lại bắt đầu kỳ niệm mới, niệm một hai ngày nữa. Hành dần dần, niệm niệm tiếp nối, tâm tâm chẳng dời. Nếu như niệm suốt cả bảy ngày hoặc thấy mệt mỏi thì ngưng niệm cũng chẳng hại gì, chờ đến lúc khỏe khoắn lại niệm tiếp.

Tu tập công phu này thì chẳng nên để hôn trầm, tán loạn, lao chao nhiễu động mình. Nếu vì sợ hôn trầm, tán loạn, lao chao bèn cố sức bài trừ, đối đầu trực tiếp với hôn trầm, tán loạn, lao chao thì càng đương cự càng lại bị nhiều. Chẳng bằng buông mình ngủ một giấc thì hôn trầm, tán loạn, lao chao sẽ tự diệt, tinh thần tươi tỉnh bội phần, đề khởi hồng danh mười phần sáng suốt, chuyện trước mắt sạch làu như tuyết, một sắc, một hương chính là chỗ cắt đứt tâm thức, mầu nhiệm khôn bàn; nhưng chẳng được tham ngủ!

Phải biết rằng: Thực hành công phu này đến chỗ cùng cực, nếu chẳng buông nghỉ, bị ấm ma sanh khởi hoặc đổ bệnh thì đều là do thực hành quá mức, không hiểu cách điều nhiếp. Người chủ trì công phu tu tập này phải nên lưu ý.

Nhận định:

Niệm Phật quý tại bình thời dụng công. Nếu trước đã có điều thành tựu thì sẽ được làm người khoái hoạt cả đời, lúc lâm chung quyết định vãng sanh. Pháp này tối diệu, tối ổn, xin hãy nhân lúc mạnh khỏe dũng mãnh thực hành hầu lúc lâm chung khỏi lâm cảnh chân tay luống cuống! Tuy tuổi già thân suy, khí lực chẳng đủ thì cũng nên khéo điều nhiếp để thực hành thử!

2.2. Trích dẫn quy chế “Mười Hai Thời Niệm Phật” của đại sư Hám Sơn

Phàm tổ chức pháp hội niệm Phật thì phải tùy số người, tùy ý nguyện mà tổ chức lớn nhỏ bất nhất. Nếu có sức thì lập nhiều chỗ, nếu sức kém hơn thì lập một chỗ. Về số người [tham dự] cũng [châm chước] như thế. Nhưng dù là người tham dự nhiều hay ít, đều nên chia thành sáu ban. Mỗi ban ngày đêm hai thời, căn cứ theo thời gian cháy hết hương mà luân lưu theo ban lễ niệm.

Những thời khác cứ tùy ý tịnh tọa lắng nghe niệm thầm theo. Ðây là tịnh nhiều, động ít, chẳng phiền, chẳng loạn nhưng Phật thanh chẳng dứt, vọng tưởng chẳng sanh. Giống như vừa hô liền đáp, chẳng hôn trầm, chẳng tán loạn, động tịnh hệt như nhau, tự – tha chẳng khác, ngủ thức giống hệt nhau. Ðó là diệu hạnh như ý bậc nhất. Ăn uống cũng điều hòa theo đúng pháp, cốt sao trong ngoài như một, ta lẫn người cùng mất, thị phi cùng tiêu khiến cho đạo tràng tịch tĩnh, an điềm, không chi quý hơn nữa!

Nhận định:

Ðây là diệu pháp ngày đêm niệm Phật bất đoạn tinh tấn bậc nhất. Nếu ít người chẳng đủ chia thành sáu ban, hoặc là người tại gia tinh tấn một mình, mỗi một ngày đêm niệm hai thời. Những lúc khác có thể dùng băng niệm Phật hoặc máy niệm Phật niệm thay, lắng nghe niệm thầm theo còn tịch tịch hơn cả pháp hội niệm Phật nữa!

2.3. Trích dẫn cách Kết Kỳ Trì Danh của đại sư Diệu Không

“Kết kỳ” là kết bảy ngày làm hạn. Nếu chỉ mỗi một mình ta kết kỳ thì có thể lấy bốn thứ: lương khô, trái cây có nước, gừng tươi, dầu mè làm thức ăn; dùng tám thứ: lò hương, dầu thắp đèn, bồ đoàn, ghế ngồi, áo vải, khăn trùm che gió, thùng vệ sinh, giấy bổi làm vật dụng. Ngoài ra đều chẳng giữ lại vật gì. Trong bảy ngày lại chẳng cùng người lai vãng, nghiễm nhiên niệm Phật.

Phải biết rằng cảnh niệm Phật cô tịch là tốt nhất. Niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng tùy nghi, mau chậm tùy phần, đánh thành một phiến chính là lúc này. Nếu năm, bảy người ngẫu nhiên tụ lại cùng nhau lập hội niệm Phật, điều đầu tiên là phải ước thúc để sau đó, mở miệng ra chỉ niệm bốn chữ. Mỗi chữ là một tiếng mõ, dùng cái dẫn khánh nhỏ chỉ gõ ngay khi đọc đến chữ Ðà, chẳng được gõ loạn xị đến nỗi bị phân tâm.

Nhận định:

“Ðả thất” một cách chân chánh là nhân duyên rất khó gặp. Tự riêng mình kết kỳ hoặc mời năm, ba tịnh hữu kết kỳ tinh tấn là chuyện tùy thời, tùy chốn tự do phát tâm. Nếu là kẻ quân nhân, công chức bận rộn thì cũng có thể lợi dụng lúc rảnh rỗi, nghỉ mệt để thực hành. Miệng chỉ niệm tụng, tụng chẳng ngớt. Tâm chỉ nhớ Phật, nhớ chẳng ngơi. Tai chỉ nghe tiếng Phật hiệu, nghe chẳng ngớt. Lúc uống ăn, đi vệ sinh tuy miệng chẳng niệm Phật được nhưng tâm nên nhớ Phật. Lúc nằm cũng thế, khi ngủ cũng vậy, tỉnh dậy lại tiếp tục.

Trích: NIỆM PHẬT PHÁP YẾU
Cư sĩ Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính sưu tập
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Đọc tiếp phần 2