23 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Người niệm Phật mà được sự hộ niệm của chư Phật, nhiếp trì nguyện lực của Phật A Di Ðà thì lúc mạng chung vào thẳng ngôi bất thoái, tự giác tiến tu thẳng đến thành Phật. Kinh A Di Ðà nói: “Những chúng sinh sinh lên nước ta đều là bất thoái chuyển, trong số đó có rất nhiều người một đời được bổ xứ làm Phật, số ấy rất nhiều, không thể tính đếm hết được”.
Suy xét câu một đời được bổ xứ thành Phật, tức là thân sau chót, như vậy há không phải một đời tức được thành Phật sao?
Hoặc hỏi: “Niệm Phật vốn là việc rất dễ, thành Phật là điều khó, Phật đạo cao xa, trong kinh nói phải trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp, siêng tu lục độ vạn hạnh mới được thành tựu, sao niệm Phật mà được thành Phật?”.
Ðáp rằng: “Pháp môn tu hành có nhanh chậm khác nhau. Chậm thì phải trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp tu nhân luyện hạnh mới thành Phật đạo, nhanh thì không cần phải trải qua ba đại a tăng kỳ vẫn được pháp thân, không thể khái luận chung chung được”.
Niệm Phật chính là hoành siêu sinh tử, thành tựu Bồ đề nhanh chóng, là pháp môn viên đốn; chỉ sợ mọi người không chịu niệm Phật, chứ nếu tinh tấn thì quả vị Phật quyết định có ngày thành tựu. Ðại sư Quang Minh Thiện Ðạo nói: “Nguyện cho hết thảy mọi người, khéo tự tư duy, đi, đứng, nằm, ngồi đều khắc ghi, ngày đêm chẳng bỏ thì lúc mệnh chung, niệm trước niệm sau liền sinh Cực lạc, vĩnh kiếp thọ niềm vui vô vi cho đến lúc thành Phật, như vậy há không sung sướng sao!”.
Ðại sư Thiện Ðạo cả đời chuyên tu pháp môn niệm Phật, niệm một tiếng miệng phóng ra một luồng ánh sáng, niệm trăm tiếng, nghìn tiếng ánh sáng cũng luôn phóng ra như thế. Như những lời khai thị trên đây, mỗi người tự nên tin sâu, thêm thiết nguyện thực hành vậy.
Lại Văn Thù Sư Lợi bảo Ðại sư Pháp Chiếu, Tổ thứ tư Liên tông rằng: “Trong các pháp môn tu, không pháp môn nào qua pháp môn niệm Phật”. Một ngày, Tứ Tổ đến chùa Trúc Lâm ở Ngũ Ðài Sơn, thấy hai vị đại sĩ Văn Thù, Phổ Hiền ngồi hai bên tả hữu, xoa đầu Tứ Tổ bảo rằng: “Ông chuyên tu niệm Phật, không lâu sẽ chứng vô thượng Bồ đề. Nếu thiện nam tín nữ, muốn chóng thành Phật, nên tu niệm Phật, mau chứng vô thượng chánh đẳng giác”. Suy xét lời của hai vị đại sĩ, rõ ràng chỉ thị niệm Phật có thể thành Phật, còn nghi ngờ gì nữa?
Người niệm Phật mà được sự hộ niệm của chư Phật, nhiếp trì nguyện lực của Phật A Di Ðà thì lúc mạng chung vào thẳng ngôi bất thoái, tự giác tiến tu thẳng đến thành Phật. Kinh A Di Ðà nói: “Những chúng sinh sinh lên nước ta đều là bất thoái chuyển, trong số đó có rất nhiều người một đời được bổ xứ làm Phật, số ấy rất nhiều, không thể tính đếm hết được”.
Suy xét câu một đời được bổ xứ thành Phật, tức là thân sau chót, như vậy há không phải một đời tức được thành Phật sao? Ðây là nói về sự. Nếu nói về lý, niệm Phật công thâm, vô niệm mà niệm, niệm mà vô niệm, tâm, Phật viên dung. Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật, chứng duy tâm Tịnh độ, thấy tự tánh Di Ðà, không chờ vãng sinh, tức thành Phật đạo, còn sự nhanh chóng nào hơn?
Hoặc nói: “Niệm Phật vãng sinh, điều ấy có đúng không?” Ðáp rằng: “Ba món tư lương tín, nguyện, hạnh đầy đủ thì tất được vãng sinh vậy!”. Ðại sư Vĩnh Minh nói: “Không thiền có Tịnh độ, mười tu mười đắc ngộ”. Tịnh Ðộ Vãng Sinh tập: “Xuất gia tại gia niệm Phật vãng sinh, số ấy rất nhiều, lâm chung đều có chứng nghiệm; hoặc biết trước giờ chết, hoặc ngồi thẳng mà đi, hoặc thân phát ra hương lạ, hoặc nhạc trời trổi dậy…” há lời nói hư dối sao? Thời Tống, Hoàng thợ rèn ở Hồ Nam sống bằng nghề rèn, nhà có bốn người, cuộc sống hoàn toàn dựa vào ông, ngày nào không làm việc thì coi như ngày đó không có gạo bỏ nồi.
Hoàng thường hay than oán, do đời trước không tu, đời nay mới khổ như vầy, Hoàng luôn nghĩ đến tu hành, nhưng không biết phải tu pháp nào, vừa làm việc mà vẫn tu được. Một ngày, nhân thấy vị khách tăng đi qua trước tiệm, Hoàng bèn mời vào thỉnh giáo. Tăng nói: “Có. Chỉ sợ anh không tin thôi!”.
Hoàng nói: “Ðại sư dạy, nào dám không tin!”. Tăng bảo: “Ông muốn lìa khổ được vui, thế giới Ta bà này không có thật lạc, chỉ có nước Cực lạc của Phật A Di Ðà mới không có các khổ, chỉ có an vui. Muốn sinh lên nước ấy chỉ cần nhất tâm xưng niệm danh hiệu A Di Ðà Phật, niệm niệm không ngừng thì lúc mạng chung nhờ Phật tiếp dẫn, tức được vãng sinh lên nước Cực lạc.
Tôi dạy ông lúc cầm ống thổi, niệm một câu Nam mô A Di Ðà Phật, lúc sắt cháy đỏ, lấy ra, nện một chùy, niệm một câu, mỗi mỗi búa đều như thế. Lúc không đánh búa cũng niệm, nếu cứ vậy niệm mãi, cam đoan lâm chung ông sẽ được vãng sinh Cực lạc”.
Hoàng thợ rèn nghe xong, vui mừng khôn xiết, cực kỳ tin tưởng, đã được tu hành lại được làm việc, liền y giáo phụng hành. Người đời đều chế nhạo Hoàng thợ rèn ngu ngốc, làm nghề rèn vốn đã rất vất vả, nay lại niệm Phật, há không phải khổ cộng thêm khổ sao? Hoàng thì không như thế, càng niệm càng thâm tín, bảo: “Pháp môn niệm Phật này thật sự có lợi ích! Tôi ngày thường đứng bên lò lửa, luôn cảm thấy khổ bị cái nóng bức bách; lúc nện búa, bị cái khổ của lao nhọc; nay niệm Phật hoàn toàn không thấy nóng, thấy mệt gì cả”.
Từ đó, Hoàng càng thêm tinh tấn. Ba năm trôi qua… Một ngày, Hoàng tự biết trước giờ chết, bèn cạo đầu, tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo sạch rồi bảo với vợ rằng: “Hôm nay tôi về nhà đây”. Người vợ nói: “Anh còn có nhà nào?”. “Ðây chẳng phải là nhà tôi, nhà tôi ở Tây phương kia”. Thế rồi lại đứng bên lò lùi sắt, vẫn niệm Phật luôn, sắt cháy đỏ, lấy ra nói kệ rằng: “Bon bon beng beng, luyện lâu thành thép; bình yên đã tới, tôi về Tây phương”.
Niệm một câu Nam mô A Di Ðà Phật, nện xuống một búa rồi đứng yên mà hóa, khắp thân phát ra mùi hương lạ, nhạc trời trổi dậy. Ðây là tướng lành Phật A Di Ðà tiếp dẫn vãng sinh Tây phương vậy. Mọi người ngửi thấy mùi hương lạ, không ai mà không kinh ngạc.
Từ đó, người Ðàm Châu về sau đều niệm Phật, đến nay còn rất thịnh. Xưa nay biết bao nhiêu chuyện niệm Phật vãng sinh, không thể không tin.
Lại hỏi: “Chúng sinh trong mười phương thế giới, nếu niệm Phật vãng sinh hết thì cõi Cực lạc chỗ đâu mà chứa?”. Ðáp: “Biển xanh nhận nước của muôn vạn dòng sông mà có đầy đâu, tấm gương nhỏ xíu chứa vạn cảnh nào có dư đâu. Những vật thế gian mà còn được như thế, huống hồ nguyện lực rộng lớn và lực bất khả tư nghì của Phật A Di Ðà, thành tựu vô biên cõi Phật trang nghiêm, sao không đủ chỗ để dung chứa?”.
Thiền sư Hoài nói: “Sinh thì thật có sinh, đi thời chẳng chỗ đi”. Nếu bảo thật có vãng sinh Tịnh độ, há không trái với lời người xưa sao?. Ðáp rằng: “Không trái. Ðây chính là cổ đức đã ngộ được yếu chỉ chân tục không trái, lý sự vô ngại của thật tướng niệm Phật vãng sinh. Anh chỉ đọc mà không hiểu.
Câu trước “sinh thì thật có sinh” là pháp giới tục đế thuộc sự, câu sau “đi thời chẳng chỗ đi” là pháp giới chân đế thuộc lý, tức là sinh duy tâm Tịnh độ, lý sự không cách hào tơ, làm sao có tướng đến đi? Niệm Phật vãng sinh, Phát Bồ Ðề Tâm Văn của Ðại sư Tỉnh Am, có kệ rằng: “Hoa sen hóa sinh Phật hiện tiền, hào quang Phật chiếu tía kim liên; thân theo chư Phật lên Tây cảnh, không đến không đi việc dường như”. Vãng sinh là điều có thật, không nên hoài nghi, nếu có một chút nghi ngờ tức là niềm tin chưa sâu, nguyện lực chưa thiết vậy.
Lại nữa, duy tâm Tịnh độ, không phải không có thế giới Tây phương Cực lạc trang nghiêm thanh tịnh mà là chỉ chân tâm, thể thì biến khắp mười phương; lượng thì đầy hư không giới. Tức cõi Tây phương Cực lạc cũng không ngoài tự tâm nên nói duy tâm Tịnh độ.
Người niệm Phật cẩn thận chớ hiểu sai chữ duy tâm; nếu lấy hai chữ “duy tâm”, tức bảo không có Tây phương Tịnh độ, vậy thì Kinh A Di Ðà, Ðức Thích Ca bảo Xá Lợi Phất: “Từ cõi Ta bà hướng về phía Tây, vượt qua 10 vạn ức cõi Phật, có thế giới gọi là Cực lạc, nước ấy có Phật hiệu là A Di Ðà, hiện đang thuyết pháp”.
Ðây há là lời dối người sao? Phật là bậc toàn giác, tuyệt không có việc dối người. Lại không thể không thấy thế giới Cực lạc rồi cho rằng là không có. Như có người chưa từng đến châu Âu, làm sao có thể nói rằng thật không có châu Âu? Niệm Phật chắc chắn thành Phật, Kinh Pháp Hoa nói rằng: “Nếu người nào tâm tán loạn, vào tháp miếu, xưng niệm một câu Nam mô Phật, đều có thể thành Phật đạo”. Người tâm tán loạn niệm một câu danh hiệu Phật, còn được thành Phật, huống hồ tinh tấn niệm Phật một đời, há có lý không thể thành Phật?
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Ðại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương nói: “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tại đương lai, nhất định thấy Phật, cách Phật không xa”. Suy xét câu “cách Phật không xa” rõ ràng là ý chỉ niệm Phật tức được thành Phật. Sao gọi là hiện tiền thấy Phật? Hoặc lúc chuyên tâm niệm Phật mộng thường thấy Phật.
Tôi từng mộng thấy thế giới Cực lạc Di Ðà từ tôn, đồng thời cũng được nghe thuyết pháp, Ðức Di Ðà dạy tôi hãy tu trì tịnh nghiệp, tự độ độ tha. Nên sau 36 năm thiền tịnh song tu, mỗi lần truyền giới tam quy hoặc pháp hội giảng kinh tôi đều hết sức khuyên mọi người phát tâm niệm Phật, cầu sinh Tịnh độ.
Tôi bảo họ rằng: “Tu hành niệm Phật là ổn đáng nhất, nên lấy trì danh niệm Phật làm chánh hạnh, tu các pháp thiện khác là trợ hạnh, chánh trợ cùng hành thì như buồm xuôi gió lại thêm sức chèo, vãng sinh Tịnh độ, phẩm vị cao là chắc chắn”.
Hoặc tam muội công thành, trong định thấy Phật. Như Ðại sư Tuệ Viễn, Sơ Tổ phái Liên tông, kết tập Liên xã ở Lô Sơn, chuyên tu pháp môn niệm Phật, ba mươi năm không xuống núi, trừng tâm nhập định, ba lần thấy Thánh tướng, tướng tốt trang nghiêm, một đêm tháng 7, xuất định ở Bát Nhã đài, thấy Phật A Di Ðà thân đầy khắp hư không, trong ánh viên quang có vô số hóa Phật, Quán Âm, Thế Chí hầu cận hai bên, lại thấy ánh sáng sông ngòi, phân thành 14 nhánh diễn nói pháp âm khổ, không, vô thường, vô ngã. Phật bảo rằng: “Ta dùng bổn nguyện lực đến an úy ông, ông sau bảy ngày sẽ sinh lên nước ta”.
Lại thấy các vị trong Liên xã trước đây như Phật Ðà Da Xá, Tuệ Trì, Tuệ Vĩnh, Lưu Di Dân… đều ở bên cạnh Phật A Di Ðà. Các vị ấy nói: “Thầy đã sớm phát tâm từ lâu, sao đến muộn vậy?”. Ðây đều là những minh chứng trong định thấy Phật. Ðến ngày 7 tháng 8, ngài triệu tập chúng cáo biệt, bảo hai đệ tử Pháp Tịnh, Tuệ Bảo rằng: “Trong 11 năm trở lại đây, ta ba lần thấy Thánh tướng, nay lại thấy nữa, ta vãng sinh đây!”. Dặn dò đệ tử xong, ngồi thẳng niệm Phật mà tịch, hương lạ khắp nhà, nhạc trời rền vang, đệ tử nhập tháp ngài trên đỉnh phía Tây Lô Sơn.
Thế nào gọi là đương lai thấy Phật? Nếu niệm Phật công thành, lúc mạng chung sẽ thấy Phật A Di Ðà hiện thân tiếp dẫn, đây là đương lai thấy Phật vậy. Lại hóa sinh sen báu, hoa khai kiến Phật, thân ánh sắc vàng, chứng vô sinh nhẫn, được vào địa vị bổ xứ, không chỉ thường được thấy Phật mà còn được thành Phật.
Pháp môn viên đốn thù thắng này, có thể cắt ngang dòng sinh tử, đến bờ giác tức thì. Phàm muốn ly khổ đắc lạc, siêu phàm nhập thánh, hãy nên trì pháp niệm danh hiệu Phật, là pháp môn duy nhất không pháp nào trên.
Tác giả: pháp sư Viên Anh
Dịch giả: Thích Nguyên Anh
23 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Được vãng sinh đến thế giới Cực Lạc thì không còn tái sinh đọa lạc, hoàn toàn không còn tạo nghiệp, tự mình gia công tiến tu cho đến ngày thành Phật độ chúng sinh. Tu hành các pháp môn khác cố nhiên cũng tốt. Nhưng công phu tu không đạt đến cứu cánh tất nhiên sẽ bị đọa lạc.
Như thuở quá khứ có ba vị Bồ Tát Thế Thân, Vô Trước, Sư Tử Giác cùng tu tập Duy thức quán, ba vị phát nguyện sinh nội viện Đâu Suất thấy Bồ Tát Di Lặc. Các vị cam kết với nhau rằng, nếu ai sinh về đó trước thì quay trở lại báo cho những người khác biết. Đầu tiên, Sư Tử Giác viên tịch, trải qua ba năm không thấy trở lại báo, ba năm sau Thế Thân lại viên tịch. Lúc Thế Thân sắp lâm chung, Vô Trước bảo với Thế Thân rằng: “Sau khi ông đến cõi trời Đâu Suất dù bất kỳ lý do gì ông cũng phải trở lại đây báo cho tôi biết”. Thế Thân qua đời, đúng ba năm sau ngài quay trở lại.
Vô Trước hỏi Thế Thân: “Vì lý do gì mà ông trở lại đây muộn thế ?”. Thế Thân đáp: “Tôi đến nội viện Đâu Suất chắp tay đảnh lễ tam bái, nhiễu quanh Bồ Tát Di Lặc một vòng là quay trở lại liền”. Vô Trước lại hỏi: “Hiện nay Sư Tử Giác đang ở đâu ? Vì sao không thấy trở lại ?”. Thế Thân đáp: “Ông ấy sinh vào cõi trời ngoại viện Đâu Suất, không có trong nội viện. Do sinh vào cõi trời ngoại viện đang bị ngũ dục trói buộc nên không thấy Bồ Tát Di Lặc, chính vì lý do đó mà không thể trở lại đây được”.
Vô Trước sau khi nghe nói sinh thiên rất nguy hiểm, nên phát nguyện không sinh thiên mà phát nguyện sinh Tịnh độ (theo Tịnh Độ Thập Nghi Luận của Đại sư Trí Giả). Thiết nghĩ, ngài Sư Tử Giác là một vị Bồ Tát Đại thừa, sinh thiên còn bị ngũ dục dẫn dắt, hà huống gì là phàm phu chúng ta, qua đó cho thấy rằng sinh thiên là điều nguy hiểm vô cùng ! Đối với người tu thiền định, nếu công phu chưa đạt đến trình độ siêu xuất tam giới, không luận sinh lên một cõi trời nào, sau khi hưởng hết phước sẽ bị đọa lạc, rồi tùy theo nghiệp mà thọ báo.
Lời này đã được Phật nói cho A Nan trong Kinh Lăng Nghiêm. Đúng là tu Tịnh độ không có nguy hiểm. Nên nói: “Nhiều người tu đến phi phi tưởng, không bằng quy hướng Tây phương”. Ý nói sinh đến tứ không của phi phi tưởng, khi tuổi thọ tận, phước hết đều bị đọa lạc, không bằng sinh về cõi Cực Lạc, dù có sinh nơi hạ hạ phẩm cũng có thể dần dần chứng đến thượng phẩm, so với việc sinh về cõi trời phi phi tưởng tốt hơn nhiều.
Trong thời khóa niệm Phật, mỗi ngày chúng ta nên đọc Kinh Di Đà, thường nên đọc vào công phu chiều. Đọc một lần, là một lần bạn đã huân tập cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm vào trong tàng thức. Giống như bạn xem phim, một lần xem là một lần những hình ảnh trong phim đã huân tập vào tàng thức của bạn. Cũng vậy bạn đọc Kinh Di Đà lâu ngày, cảnh giới thù thắng trang nghiêm của cõi Cực Lạc sẽ dần dần huân tập vào trong tàng thức của bạn.
Tuy hiện tại bạn chưa sinh Cực Lạc mà trong tâm đã được bao vây bởi cảnh giới Tây phương. Trong tương lai, đến giây phút lâm chung của bạn, ngoài công đức trì niệm danh hiệu Phật mà hằng ngày bạn huân tập, sẽ được Phật và Thánh chúng hiện ra tiếp dẫn. Lại còn những cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh mà hằng ngày bạn đọc Kinh A Di đã được huân tập, cũng từ trong tâm thức hiện ra trợ giúp cho bạn vãng sinh nhanh chóng hơn.
Điều được gọi là : “Tự tính Di Đà duy tâm Tịnh độ”. Chúng sinh chính là Phật, Phật cũng là chúng sinh. Phật và chúng sinh, Phật tính vốn bình đẳng như nhau. Tâm tức là độ, độ tức là tâm, tất cả đều do tâm sở hiện.
Vậy người niệm Phật nên có công phu như thế nào ? Nếu tín, hạnh, nguyện, kiên cố không thay đổi, tự tính và Phật tức là một, tự tính tức là Phật, Phật tức là tự tính. Phật vốn đầy đủ vô lượng thọ, chúng sinh cũng vốn đầy đủ vô lượng thọ, Phật vốn đầy đủ vô lượng quang, chúng sinh cũng vốn đầy đủ vô lượng quang. Phật A Di Đà có thế giới Cực Lạc, y báo, chính báo, tướng hảo trang nghiêm; chúng sinh cũng có nhị báo, tướng hảo trang nghiêm.
Trong Kinh Di Đà có nói : “Tất cả đều do Phật A Di Đà, muốn cho pháp âm chan hòa khắp nơi, mà biến hóa ra như vậy”. Từ câu kinh này có thể chứng minh rằng các cảnh giới của thế giới Cực Lạc đều tùy theo nghiệp tướng phước đức của Phật A Di Đà, duy tâm mà sở hiện.
Trong khi đó Phật tính của chúng sinh vốn đầy đủ như Phật, mà chúng sinh lại không thể hiển hiện được những cảnh giới như Đức Phật Di Đà hay sao ? Cho nên nói tự tính Di Đà, duy tâm tức Tịnh độ là vậy. Tự tính không nằm ngoài Phật và chúng sinh, Tịnh độ cũng không ngoài tâm mà có. Tây phương Di Đà và tự tính Di Đà, Tây phương Tịnh độ và duy tâm Tịnh độ đều là một.
Cần phải hiểu đúng chữ “duy tâm”, duy tâm nói đây không phải là tâm điên đảo vọng tưởng duyên theo sáu trần hằng ngày, mà gọi “pháp pháp duy tâm”. Nói duy tâm là để hiển bày tự tính vốn bao trùm chu biến khắp pháp giới hư không, để thấy thân tứ đại chỉ là giả hợp. Từ đó người niệm Phật mỗi ngày khi đọc tụng Kinh Di Đà cần hiểu rõ như vậy, để lòng tin phát khởi kiên cố.
Kinh Di Đà là kinh vô vấn tự thuyết, trong kinh miêu tả về y báo, chính báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc và pháp môn niệm Phật sinh Tây phương. Ý nghĩa của Kinh Pháp Hoa và Kinh Di Đà giống nhau. Vì Kinh Pháp Hoa Phật cũng nói cho Tôn giả Xá Lợi Phất, cũng không ai hỏi mà tự nói.
Sau khi Phật nói Kinh Vô Lượng Nghĩa xong, Ngài ngồi xếp bằng nhập vào chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam Muội, thân và tâm của Phật đều không lay động, từ nơi lông trắng giữa chặng mày phóng ra một luồng hào quang, chiếu khắp cả một muôn nghìn cõi ở phương Đông, hiện ra vô số tướng trang nghiêm, khiến cho hàng đại chúng vô cùng nghi nan.
Sau khi đại chúng được Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Di Lặc giải quyết các nghi ngờ. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn từ chánh định an lành mà dậy, không có người nào thưa hỏi mà bảo với ngài Xá Lợi Phất rằng: “Trí tuệ của Phật rất sâu vô lượng, môn trí huệ đó khó hiểu khó vào, tất cả hàng Thanh Văn cùng Bích Chi Phật đều khó biết được… thành tựu pháp vị tằng hữu thậm thâm…
Tóm yếu mà nói, vô lượng vô biên pháp vị tằng hữu, Đức Phật thảy đều thành tựu”. Tôi thường nói : “Kinh Pháp Hoa là nói rộng Kinh Di Đà, Kinh Di Đà lược nói Kinh Pháp Hoa”. Hai bộ kinh này đều lần lượt đi từ sự đến lý, không như các kinh khác nói rất nhiều danh từ pháp tướng dẫn dắt người tu ngộ lý rồi tu sự, hoàn toàn nói đến cảnh hiện lượng và tâm hiện lượng. Nếu mọi người để tâm nghiên cứu, so sánh hai bộ kinh này chắc chắn sẽ thấy rõ hơn.
Kinh Pháp Hoa gồm 7 quyển 28 phẩm. 14 phẩm đầu là khai quyền hiển thật, 14 phẩm sau là khai mở việc gần để nói việc sâu xa, tất cả đều nói pháp tối thượng thừa. Ví như trong Kinh Di Đà có nói : “Nếu có người thiện nam tín nữ nào, được nghe danh hiệu A Di Đà Phật, rồi niệm danh hiệu đó, trong một ngày, hay hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hay là bảy ngày, được nhất tâm bất loạn.
Thế là người ấy vào phút lâm chung, Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mặt, người ấy lúc chết tâm không điên đảo, tức được vãng sinh về nơi Cực Lạc”. Trong Kinh Pháp Hoa phẩm “Dược Vương Dược Thượng Bồ Tát bổn sự” quyển thứ 6 có nói : “Nếu có người nghe kinh này, đúng như lời mà tu hành, đến lúc mạng chung liền qua cõi An Lạc, chỗ trụ xứ của Phật A Di Đà, cùng chúng đại Bồ Tát vây quanh, mà sinh trong tòa báu hoa sen”.
Hai đoạn kinh nói trên ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Kinh Di Đà nói về sự trang nghiêm thanh tịnh, thọ mạng, quang minh và sự hộ niệm của sáu phương chư Phật… Tuy Kinh Pháp Hoa dùng văn tự để nói rộng có khác, thế nhưng về mặt cảnh giới và ý nghĩa hoàn toàn giống Kinh Di Đà. Vì vậy một câu “A Di Đà Phật” là pháp tối thượng thừa, bao quát vô lượng pháp môn.
Một câu “A Di Đà Phật”, niệm được tương ưng, lập tức lục căn được thanh tịnh. Ví dụ, quý vị hiện tại đang niệm Phật, mắt thường thấy Phật đó là nhãn căn thanh tịnh, tai nghe âm thanh niệm Phật của mình và đại chúng, là nhĩ căn thanh tịnh, mũi ngửi hương trầm, là tỷ căn thanh tịnh, lưỡi đang co giãn phát ra danh hiệu Phật, là thiệt căn thanh tịnh, thân thể đang ở trong đạo tràng thanh tịnh, ngày ngày hướng Phật lễ bái đó là thân căn thanh tịnh, niệm Phật lạy Phật, tâm nhớ Phật là ý căn thanh tịnh.
Lục căn thanh tịnh thì ba nghiệp thanh tịnh, ba nghiệp thanh tịnh thì thân không trộm cắp, sát sinh, tà dâm; miệng không nói hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, nói lời thêu dệt; ý không tham, sân, si đó là tu thập thiện. Người tu hành không dễ gì mà đối trị được tam nghiệp, chỉ có niệm bốn chữ “A Di Đà Phật” mới có thể thu nhiếp, làm chủ được nghiệp, dần dần lâu ngày, niệm Phật thành phiến, tịnh nhân tăng trưởng, đến lúc lâm chung nhất định được vãng sinh Cực Lạc.
Phật và chúng sinh đều có chung quan niệm công phu mà thành. Phật một niệm đầy đủ thập pháp giới, chúng sinh một niệm cũng đầy đủ thập pháp giới. Nếu tâm khởi một niệm tham đó là Ngạ Quỷ, tâm khởi một niệm sân là Địa Ngục, tâm khởi một niệm si là Súc Sinh, khởi một niệm mạn nghi là A Tu La; một niệm vui ở ngũ thường, ngũ giới chuyển vào cõi Người, một niệm vui ở thượng phẩm thập thiện, thì sinh vào cõi Trời, nếu lấy Tứ Đế làm quán niệm đó là Thanh Văn, lấy Mười Hai Nhân Duyên làm quán niệm, đó là Duyên Giác, lấy Lục Độ làm quán niệm là Bồ Tát, lấy tự lợi lợi tha, vạn hạnh bình đẳng làm quán niệm đó là Phật.
Lại như trong nhân gian có các quan niệm : Sĩ, Nông, Công, Thương, Quân, Chính, Cảnh, Học Sinh, đều là do quan niệm từ ban đầu mà hình thành. Vậy quan niệm là cái gì ? Đó là do nhận thức của mọi người. Người niệm Phật cũng giống như vậy, mỗi ngày mắt thấy Phật, miệng niệm Phật, thân lễ lạy Phật, tâm nhớ Phật, tai nghe danh hiệu Phật, từng giây từng phút lấy việc siêu sinh Tịnh độ làm quan niệm, cứ như thế cho đến ngày thọ mạng hết, nhất định vãng sinh Tịnh độ và quyết định thành Phật.
Như tôi đã nói ở trên, Phật giáo Trung Quốc, để thích hợp với xu thế tự nhiên, người sau mới phân chia thành một số tông phái như: Thiên Thai tông, Hiền Thủ tông, Pháp Tướng tông (cũng gọi Từ Tư tông hoặc Duy Thức tông), Tịnh Độ tông, Chân Ngôn tông, Thiền Tông, Luật tông v.v… đều do quan hệ truyền bá và học tập chuyên môn, mới thành lập ra như vậy.
Trong các tông phái trên, chỉ có Tịnh Độ tông và Luật tông, việc hành trì cũng như giáo nghĩa thâm nhập vào các tông phái khác, được các tông phái kiêm tu, đồng thời cũng được bảy chúng đệ tử Phật tu tập. Thí dụ như: Thiên Thai tông, Hiền Thủ tông, Tam Luận tông, Pháp Tướng tông…
Phán giáo và tu quán hoàn toàn khác nhau. Nhưng tóm lại mà nói, tất cả họ đều lấy pháp môn Tịnh độ làm phương tiện cứu cánh, đều lấy việc niệm Phật để thành Phật. Như Thiền tông trong tham thoại đầu cũng lấy câu “Người niệm Phật là ai ?” để tu tập. Chẳng những vậy, bạn thấy không luận là một người xuất gia hay tại gia, cũng không luận là người học Phật vì động cơ như thế nào.
Song, mục đích duy nhất của người học Phật, không ngoài việc niệm Phật thành Phật, đồng thời trong quá trình học Phật đó cần phải giữ gìn giới luật thanh tịnh. Thí dụ như : không luận Bắc tông, Nam tông hay một tông phái nào, hiện nay tại Trung Quốc, mỗi lúc mọi người lên chánh điện lạy Phật hay nhiễu quanh Phật đều niệm “Nam mô A Di Đà Phật”.
Lúc nói chuyện hay trả lời người khác mọi người đều niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Tuy nhiên, mục đích tối hậu là không ngoài việc vãng sinh Tịnh độ thấy Phật thành Phật. Điều đó cho thấy rằng pháp môn niệm Phật rất phương tiện lại còn phổ biến. Giới luật cũng không kém quan trọng, Phật pháp có hưng thịnh hay không, cũng từ chỗ đệ tử của Phật có giữ gìn giới luật thanh tịnh hay không. Mọi người có giữ gìn giới luật thì Phật pháp trụ thế, ngược lại thì Phật pháp sẽ diệt vong.
Thích Tâm An dịch
23 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Hỏi: Bạch Thầy, mặc dù con tu Tịnh độ, nhưng con không hiểu tại sao mình phải niệm danh hiệu Ngài? Và người ta biết đến danh hiệu Ngài vào lúc nào? Kính xin thầy giải đáp cho con được rõ.
Đáp: Sở dĩ chúng ta niệm danh hiệu Ngài là vì chúng ta nương theo bản nguyện của Ngài. Vì đức Phật A Di Đà có phát ra 48 điều đại nguyện. Nguyện nào Ngài cũng muốn tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh về nước của Ngài. Do đó, hầu hết người tu theo pháp môn Tịnh độ đều niệm danh hiệu của Ngài.
Khi chúng ta niệm danh hiệu Ngài, ngoài sự thầm gia hộ của Ngài ra, chúng ta còn cần phải nhiếp tâm chí thành mà niệm. Vì chủ trương của pháp môn Tịnh độ, ngoài phần tự lực ra còn có phần tha lực. Tuy nhiên, Phật tử nên nhớ tự lực vẫn là phần chính yếu. Phần nầy rất là quan trọng. Chúng ta cần phải gia công nỗ lực tinh cần mà niệm danh hiệu Ngài. Khi niệm Phật điều quan trọng là phải nhiếp tâm thành ý.
Không nên để tâm lăng xăng chạy loạn, mà phải để tâm an trụ vào câu hiệu Phật sáu chữ Di Đà. Vì niệm Phật là niệm tâm. Niệm Phật tối kỵ nhứt là hai chứng bệnh hôn trầm và tán loạn. Nếu niệm với tâm tán loạn, nghĩ nhớ lung tung, thì đó là niệm chúng sanh chớ không phải niệm Phật. Còn hôn trầm là chìm trong mê tối Phật nói trạng huống đó là rơi vào hang quỷ. Cho nên khi niệm Phật, chúng ta phải cố gắng tránh hai chứng bệnh nặng nề nầy.
Yếu lý của sự niệm Phật quan trọng là ở nơi ba yếu tố: “tin sâu, nguyện thiết và hành chuyên”. Trong ba yếu tố nầy, thì tin và nguyện là điều kiện ắt có và đủ để quyết định được vãng sanh về Cực lạc. Còn nếu chúng ta hành chuyên, nghĩa là niệm Phật miên mật già dặn không gián đoạn, thì chúng ta sẽ được vãng sanh ở phẩm vị cao.
Tùy theo sự thật hành của hành giả chuyên cần hay không chuyên cần, mà phẩm vị ở cõi Cực lạc có cao thấp khác nhau. Vì cửu phẩm liên hoa ở Cực lạc có chia ra làm ba bậc: Thượng, Trung và Hạ. Trong mỗi bậc lại chia làm ba. Như bậc Thượng, thì có thượng phẩm thượng sanh, thượng phẩm trung sanh và thượng phẩm hạ sanh v.v… Ba món trên còn gọi là ba món tư lương, tức hành trang lên đường về quê hương Cực lạc của hành giả.
Còn về phần tha lực, tức là chúng ta nương vào bản nguyện oai lực của đức Phật A Di Đà. Vì đức Phật A Di Đà có phát ra 48 điều đại nguyện. Nguyện nào Ngài cũng muốn tiếp rước chúng sanh vể cõi nước Cực lạc của Ngài. Trong lúc lâm chung, nếu hành giả nhớ niệm danh hiệu Ngài, thì sẽ được Ngài phóng quang tiếp dẫn sanh về nước của Ngài.
Dù rằng nghiệp lực của chúng ta chưa dứt sạch, nhưng nếu chúng ta chí thành niệm danh hiệu Ngài thì cũng được Ngài tiếp dẫn. Đây gọi là đới nghiệp vãng sanh. Ví như tảng đá tuy to nặng, nhưng nếu để trên chiếc thuyền thì sẽ đi rất nhanh và nhẹ nhàng không có gì khó khăn.
Ngược lại, hạt cát tuy rất nhỏ, nhưng nếu bỏ xuống nước, thì hạt cát kia cũng dễ bị chìm đắm. Sự khác biệt giữa các pháp môn tự lực và tha lực là như thế. Đại khái đó là lý do tại sao người tu Tịnh độ phải niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà.
Còn Phật tử hỏi vì sao mà chúng ta biết đến danh hiệu của đức Phật A Di Đà và biết đến Ngài vào lúc nào? Xin thưa, sở dĩ chúng ta biết đến danh hiệu của Ngài là nhờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu ở trong các Kinh điển Tịnh độ. Nhất là Kinh A Di Đà. Đây là bộ kinh tự Ngài giới thiệu nói ra, chớ không có ai hỏi Ngài cả. Nên kinh nầy còn gọi là “vô vấn tự thuyết”.
Chính nhờ vào sự giới thiệu đó, nên chúng sanh ở cõi Ta bà nầy mới biết được. Nếu như đức Phật Thích Ca không nói, thì không ai có thể biết được. Vì đức Phật là đấng chơn thiệt ngữ, nên lời giới thiệu của Ngài là một sự thật. Chúng ta tin chắc chắn điều đó, không có gì phải nghi ngờ.
TK Thích Phước Thái
23 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Trong thời khóa niệm Phật, mỗi ngày chúng ta nên đọc Kinh Di Đà, thường nên đọc vào công phu chiều.
Đọc một lần, là một lần bạn đã huân tập cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm vào trong tàng thức. Giống như bạn xem phim, một lần xem là một lần những hình ảnh trong phim đã huân tập vào tàng thức của bạn.
Cũng vậy bạn đọc Kinh Di Đà lâu ngày, cảnh giới thù thắng trang nghiêm của cõi Cực Lạc sẽ dần dần huân tập vào trong tàng thức của bạn.
Tuy hiện tại bạn chưa sinh Cực Lạc mà trong tâm đã được bao vây bởi cảnh giới Tây phương. Trong tương lai, đến giây phút lâm chung của bạn, ngoài công đức trì niệm danh hiệu Phật mà hằng ngày bạn huân tập, sẽ được Phật và Thánh chúng hiện ra tiếp dẫn. Lại còn những cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh mà hằng ngày bạn đọc Kinh A Di đã được huân tập, cũng từ trong tâm thức hiện ra trợ giúp cho bạn vãng sinh nhanh chóng hơn.
Một câu “A Di Đà Phật”, niệm được tương ưng, lập tức lục căn được thanh tịnh. Ví dụ, quý vị hiện tại đang niệm Phật, mắt thường thấy Phật đó là nhãn căn thanh tịnh, tai nghe âm thanh niệm Phật của mình và đại chúng, là nhĩ căn thanh tịnh, mũi ngửi hương trầm, là tỷ căn thanh tịnh, lưỡi đang co giãn phát ra danh hiệu Phật, là thiệt căn thanh tịnh, thân thể đang ở trong đạo tràng thanh tịnh, ngày ngày hướng Phật lễ bái đó là thân căn thanh tịnh, niệm Phật lạy Phật, tâm nhớ Phật là ý căn thanh tịnh.
Lục căn thanh tịnh thì ba nghiệp thanh tịnh, ba nghiệp thanh tịnh thì thân không trộm cắp, sát sinh, tà dâm; miệng không nói hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, nói lời thêu dệt; ý không tham, sân, si đó là tu thập thiện.
Người tu hành không dễ gì mà đối trị được tam nghiệp, chỉ có niệm bốn chữ “A Di Đà Phật” mới có thể thu nhiếp, làm chủ được nghiệp, dần dần lâu ngày, niệm Phật thành phiến, tịnh nhân tăng trưởng, đến lúc lâm chung nhất định được vãng sinh Cực Lạc.
Trích từ “Luận Niệm Phật” của Đại Sư Đàm Hư
370/398Đầu«...10...369370371...380...»Cuối
Các Phúc Đáp Gần Đây