Thật Thà Niệm Phật

Thật Thà Niệm Phật“Trong thời đại Mạt pháp, trăm triệu người tu hành hiếm lắm mới có một người đắc đạo, duy chỉ nhờ ở niệm Phật mà được độ”.

Trong thời đại Mạt pháp, dù có trong trăm triệu người tu hành cũng không nhất định có được một người đắc đạo, cũng may là có Pháp môn Niệm Phật mà có thể thoát khỏi vòng sanh tử, ly khổ đắc lạc, vãng sanh thế giới Tây Phương.

Chúng ta không may sanh vào thời ma cường pháp nhược, mạt pháp cách xa Phật quá lâu, nhưng trong cảnh bất hạnh lại gặp may mắn là có “Pháp môn Niệm Phật”. Pháp môn Niệm Phật vừa tiết kiệm tiền, lại không tổn phí tinh thần, vừa dễ dàng, lại còn thuận tiện, và niệm Phật sẽ thành Phật.

Vì sao niệm Phật sẽ thành Phật? Bởi vô lượng kiếp trước đức Phật A Di Ðà phát 48 đại nguyện. Trong 48 nguyện nầy, có nguyện nói: “Nếu có chúng sanh nào niệm danh hiệu ta, nếu không sanh vào cõi Cực Lạc, ta thề không thành chánh giác”. Tất cả nguyện lực của đức A Di Ðà Phật phát ra, nguyện nguyện đều là tiếp thọ chúng sanh về cõi Tịnh Ðộ.

Ðiều kiện là chúng sanh phải có lòng tin, tin có đức Phật A Di Ðà đang ở tại Tây phương thế giới Cực Lạc, mà nguyện vãng sanh làm đệ tử của Ngài, và thực tâm xưng niệm danh hiệu của Ngài. Phải đủ tín, nguyện và hạnh tất sẽ sanh về Tây Phương.

Thế giới Cực Lạc không sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, không có ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Tuy có bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, chim cộng mạn, nhưng những giống chim đó đều do của đức A Di Ðà muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa ra.

Ðây là cảnh giới biến hóa hiện ra, chớ không phải là thật có súc sanh. Cực Lạc thế giới không có trăm nghìn sự khổ như cõi Ta-bà, cùng muôn điều ác và phiền não. Cực Lạc thế giới thì ngày đêm sáu thời đều diễn thuyết Diệu Pháp, niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng.

Nhưng, chúng ta muốn vãng sanh Cực Lạc thế giới thì phải “thật thà niệm Phật” (lão thật niệm Phật), không thể không thật thà niệm. Thật thà niệm là chuyên nhất tâm mình mà niệm, không màng sẽ thành Phật hay không thành Phật, cũng không màng sẽ được vãng sanh hay không vãng sanh.

Phải dụng công ngay ở điểm nầy, mà khi niệm Phật đã thành thục chuyên nhất, được nhất tâm bất loạn rồi, thì khi sắp lâm chung đức A Di Ðà nhất định tiếp rước quý vị đưa đến thành Phật.

Vì sao chúng ta chỉ là người lao động bình thường mà đức Phật Di Ðà đến tiếp đón chúng ta? Ðiều nầy thật khó tin. Ðúng vậy! Ðây chính là pháp khó tin, là nan tín chi pháp. Cho nên không ai hỏi mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại tự nói Kinh A Di Ðà. Bởi vì không ai biết, dù có kẻ biết cũng không tin pháp nầy, nên Ðức Thích Ca Mâu Ni từ bi khẩn thiết nói cho chúng sanh chúng ta trong thời Mạt pháp biết con đường tắt Mạt pháp tu hành này.

“Thật thà niệm Phật” tức miệng niệm tâm cũng niệm, đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật A Di Ðà. Khẩu niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà, thân hành trì theo hạnh của Ðức Phật A Di Ðà. Hành hạnh gì? Giống như chúng ta hiện tại đang đả Phật Thất, bất luận bận thế nào cũng buông bỏ để tham gia Thất, phải niệm cho được nhất tâm bất loạn.

Nhất tâm bất loạn tức là mỗi niệm đều niệm, niệm niệm tương tục, không phải niệm một lúc thấy mệt mỏi, bèn muốn bỏ đi nghĩ, giải đãi lười biếng, như thế không thể nào đắc được Niệm Phật Tam-muội. Ðó chính là không thật thà niệm Phật. Thật thà niệm Phật tức nhất tâm nhất ý lại niệm Phật. Lúc niệm Phật quên cả chuyện ăn uống, mặc áo, đi ngủ.

Nguyên lai ăn uống, may mặc, ngủ nghỉ là chuyện thường tình người đời khó ai bỏ đặng, mỗi cá nhân ngày ngày không thể thiếu những điều đó. Nhưng khi niệm Phật mà quên cả ba chuyện đó, không biết là có ăn uống hay chưa, có mặc áo, đói lạnh, ngủ thức hay không? Ðó chính là thật thà niệm Phật.

Nếu, còn biết lúc nào phải đi ăn cơm, đây không phải là thật thà niệm Phật. Hoặc nghĩ tưởng mặc thêm áo khi trời lạnh, đây không phải là thật thà niệm Phật. Hoặc muốn đi nghỉ khi thiếu ngủ, đây cũng không phải là thật thà niệm Phật. Thực thà niệm Phật là bất luận đi đứng nằm ngồi chỉ biết có sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Ðà Phật”.

Quý vị niệm thành một chuỗi liên tục không dứt, cho đến tiếng nước chảy đến cũng là “Nam Mô A Di Ðà Phật”, tiếng gió thổi cũng là “Nam Mô A Di Ðà Phật”, tiếng chim kêu cũng là “Nam Mô A Di Ðà Phật”. Phải niệm cho đến tiếng “Nam Mô A Di Ðà Phật” và bản thân mình tách không rời. Niệm cho đến ngoài “Nam Mô A Di Ðà Phật” không còn cái tôi nữa, ngoài cái tôi lại cũng không còn “Nam Mô A Di Ðà Phật” nữa.

Cái tiếng niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật” của tôi và tôi hợp thành một. Bấy giờ, gió có thổi cũng không xuyên qua, mưa rơi cũng không lọt vào, như thế là đạt đến Niệm Phật Tam Muội. Gió thổi, nước chảy đều là diễn nói Diệu Pháp, đều niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật”, đây chính là “Thật Thà Niệm Phật”.

Giả như nước chảy biết có nước chảy, gió động biết tiếng gió động, hoặc ngó ngang nhìn dọc xem động tĩnh chung quanh, thế tức là không thật thà niệm Phật. Nếu vừa niệm Phật vừa nhìn trước ngó sau như muốn trộm đồ, đó chính là không thật thà niệm Phật.

Thật thà niệm Phật là niệm niệm đều niệm (niệm tư tại tư), vọng tưởng gì cũng không có, cũng không nghĩ đến ăn món gì, hay uống trà, quên hết tất cả, đó chính là thật thà niệm Phật. Không có bí quyết gì cả, chỉ cần giữ tâm trụ ở chỗ niệm Phật, không nghĩ vớ vẫn thì đó là thật thà niệm Phật.

Quý vị không khống chế được tâm, để nó quấy động thời đó chưa phải thật thà niệm Phật. Quý vị đề khởi chánh niệm, đó là thật thà niệm Phật. Quý vị cố nghĩ đông nghĩ tây không ngớt, khởi tà niệm, nghĩ đến điều xằng bậy, là không thật thà niệm Phật.

Cho nên niệm Phật một cách thực thà thì vi diệu không thể nói, khi quý vị thật thà niệm Phật thời đạt Tự Tại, vô nhân, vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ giả, chỉ có tiếng Nam Mô A Di Ðà Phật.

Nói là Pháp, má hành mới là Ðạo. Chỉ nói mà không hành là như đếm tiền của người, không được chút nào lợi ích. Hôm nay tôi giảng đạo lý nầy để quý vị hiểu rõ, rồi thì phải thật thà niệm Phật, thực thà dự Thất, đây là thời gian quý báu nhất trong cuộc đời chúng ta, đừng để nó trôi qua luống uổng. Hy vọng quý vị nổ lực niệm Phật, đem tất cả ba tâm: kiên, thành, hằng để niệm Phật, đả Phật Thất.

Hòa thượng Tuyên Hóa

Mối Liên Kết Giữa Kinh Hoa Nghiêm Với Pháp Môn Tịnh Độ

Mối Liên Kết Giữa Kinh Hoa Nghiêm Với Pháp Môn Tịnh ĐộKhi nói đến Pháp môn Tịnh Độ người ta đều nghĩ đến các kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, và Luận Vãng Sanh Tịnh Độ của Bồ Tát Thế Thân hoặc kinh Niệm Phật Ba La Mật là các bộ kinh tông yếu nói về Pháp môn Tịnh Độ. Ít người biết rằng kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh nói về pháp nhất thừa viên giáo cũng nói đến Tịnh Độ, dạy tu Tịnh Độ, khuyên nguyện sanh về thế giới Cực Lạc.

Điều này cho thấy nguyện sanh Tịnh Độ không chỉ là bổn nguyện của thường nhơn mà cũng chính là bổn nguyện của bậc thượng căn đại trí. Nhưng Hoa Nghiêm nói đến Tịnh Độ như thế nào ? Người tu Tịnh Độ theo Hoa Nghiêm có giống như người tu Tịnh Độ thông thường hay không ? Có chống trái hay tương đồng cùng một bản nguyện ?

Trước hết, kinh Hoa Nghiêm cho ta biết tất cả quốc độ đều tùy nghiệp lực sanh hay do công đức nguyện lực của chư Phật thành tựu. Hoa Nghiêm đứng trên Pháp Giới Nhất Chơn nhìn thấy Thật tướng tất cả Pháp là Chân Không Diệu Hữu, tâm và cảnh tương quan như nhất. Tâm thanh tịnh thì cảnh thanh tịnh, tâm nhiễm ô thì dù cảnh trang nghiêm cũng biến thành uế trược xấu xa.

Đặc biệt Hoa Nghiêm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chư Phật và Bồ Tát. Các Ngài đến cõi nào, nơi đó biến thành thanh tịnh. Khi các Ngài nhập diệt hay ra đi thì cõi đó hết trang nghiêm. Như vậy, kinh Hoa Nghiêm chỉ rõ sự hình thành các thế giới nhiễm tịnh cho ta thấy. Đặc biệt về cõi nước Tịnh Độ thì thế giới Hoa tạng gồm có vô lượng thế giới cũng hình thành.

Ta Bà hay Cực Lạc cũng chỉ là một trong vô số cõi nước trong Hoa Tạng thế giới. Trong thế giới đó, có vô lượng cảnh Phật trang nghiêm thanh tịnh, chứ không phải chỉ có một thế giới Cực Lạc.

Thế nhưng, chúng sanh cõi Ta Bà phần đông chỉ khế hợp với Cực Lạc nên Phật nói rõ về cảnh Cực Lạc cho chúng sanh tiến tu.

Kinh Di Đà chỉ tán thán cõi Tịnh Độ trang nghiêm để cho người phát khởi niềm tin, phát nguyện tu hành, cầu sanh Tịnh Độ qua hạnh nhất tâm niệm Phật. Kinh Vô Lượng Thọ chỉ rõ tiền thân Phật A Di Đà phát ra 48 lời nguyện kiến tạo Cực Lạc rước người vãng sanh, và cảnh giới Cực Lạc trang nghiêm thanh tịnh, phân định rõ chín phẩm vãng sanh cho người học Phật.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ chỉ 16 pháp quán cho Vi Đề Hy cùng 500 thị nữ rõ ràng tường tận để quán sát nguyện về Cực Lạc.

Kinh Niệm Phật Ba La Mật chỉ cặn kẽ pháp tu cho người được Chánh định niệm Phật, thành tựu thật tướng niệm Phật.

Kinh Hoa Nghiêm cũng dạy người tu tin chắc vào Phật, Pháp, Tăng nhưng đi sâu hơn khi dạy ta tu niệm Phật, tin Phật với Bồ Đề tâm, khuyên phát tâm hành Đại thừa cúng dường chư Phật nhất tâm niệm Phật bất động để thấy vô lượng chư Phật, thấu suốt Pháp thân bất động của Như Lai, nguyện hành hạnh Phật cầu chứng Phật đạo. Cầu về Tịnh Độ là để thân cận cúng dường thỉnh chuyển Pháp luân, học theo hạnh Phật, để viên thành Phật quả, chứ không phải đới nghiệp vãng sanh.

Niệm Phật cũng là pháp thiết yếu đầu tiên mà hành giả muốn nhập Pháp giới phải tu. Thiện Tài Đồng Tử sau khi được Văn Thù Bồ Tát khai thị bổn tâm, chỉ rõ Chơn tâm khuyên hành Bồ Tát đạo, tu Bồ Tát hạnh đi tham học với 53 vị Thiện tri thức. Vị thầy đầu tiên Ngài đến cầu học là Đức Vân Tỳ Kheo đã dạy Ngài Thiện Tài Pháp môn “Ức niệm nhứt thiết cảnh giới chư Phật trí huệ quang minh phổ kiến”, tức dùng tâm thanh tịnh nhớ nghĩ tất cả cảnh giới Phật như kệ nói kệ.

Cảnh giới Như Lai nếu muốn tầm,

Nên tịnh ý mình như hư không,

Xa lìa vọng tưởng và chấp trước,

Hướng tâm đến chỗ chẳng ngại ngăn.

Khi tâm thanh tịnh nhất như thì 10 phương cõi Phật hiện tiền, rõ biết tâm Phật không hai, ngoài tâm không có Phật, đây chính là chỗ kinh Quán Vô Lượng Thọ nói : “Tâm nầy là Phật, tâm nầy làm Phật”. Khi rõ suốt lý này thì đạt được thật tướng niệm Phật biết mình và Phật đồng một thể. Thế nhưng, Thiện Tài Đồng Tử nhờ niệm Phật được Pháp định không vội nguyện sanh về Cực Lạc mà lại phát tâm cầu hành Phật pháp, hành Bồ Tát đạo, làm lợi ích chúng sanh.

Mãi đến vị Thiện tri thức thứ năm mươi ba là Phổ Hiền mới dạy Thiện Tài Đồng Tử mười hạnh nguyện của mình, phải thường thân cận chư Phật cúng dường, nghe pháp, thỉnh chuyển Pháp luân. Khi Phật sắp Niết Bàn mời trụ thế làm an lạc chúng sanh. Khi Phật sắp Niết Bàn đến hầu hạ phụng sự.

Hành trí huệ và hạnh đức để đủ đạo Phổ Hiền. Lúc mạng sắp lâm chung nguyện sanh Cực Lạc thế giới của Phật Di Đà, sen nở thấy Phật liền được thọ ký đạo Bồ Đề, đầy đủ trí huệ, phương tiện nguyện lực, làm lợi ích khắp chúng sanh giới.

Như vậy, Kinh Hoa Nghiêm cũng hướng người tu hạnh Bồ Tát sanh về Cực Lạc nhưng khác biệt với các Kinh khác. Người tu Tịnh Độ chỉ cần tín sâu vào Phật, tin chắc nguyện Phật, phát tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương là như nguyện. Do không có công đức trí huệ nguyện lực sâu dày nên có khi mang nghiệp vãng sanh, sanh về Tây Phương mới chứng quả vô sanh. Trải vô lượng kiếp mới thành Phật đạo. Có thể nói người bình thường tu niệm Phật, sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư để chứng quả vô sanh, phát tâm Bồ Đề tiến tu Phật đạo.

Hành giả tu theo kinh Hoa Nghiêm rõ suốt nguồn tâm cầu hành Đại thừa có phát nguyện liền được vãng sanh. Quả tu hành chắc chắn vào Thượng phẩm, trước mặt Phật liền được thọ ký đạo Bồ Đề, cảnh giới an trụ là Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Người tu Tịnh Độ chán cảnh Ta Bà uế trược nguyện sanh Tịnh Độ an lành, nương Phật lực tiến tu, trước chứng vô sanh, sau phát Bồ Đề tâm, tu Bồ Tát hạnh. Tu theo Hoa Nghiêm trước cầu Diệu Pháp, trải thân hành đạo, nguyện sanh Tịnh Độ thân cận cúng dường … để viên thành Bồ Tát đạo, thân hành tự tại, nhập uế độ để trang nghiêm cứu tế chúng sanh về Tịnh Độ thân cận cúng dường hầu cận Phật chứng viên thành hạnh quả.

Nhìn theo một khía cạnh khác, tu theo Hoa Nghiêm là con đường của Bồ Tát, hành theo Tịnh Độ là việc của Thanh Văn hồi hướng bồ đề vô thượng. Tuy lược nhìn như thế nhưng nếu hành được Thật tướng niệm Phật, ngộ được thật lý đại thừa hành trì nào có sai biệt. Kinh Pháp Hoa nói : Pháp pháp bình đẳng không có sai biệt, tu tất cả thiện pháp thì viên thành Phật đạo. Sở dĩ có sai khác là do tâm hạnh nguyện lực chẳng đồng nhau.

Do đó không thể nói tu theo Hoa Nghiêm cao, tu theo Tịnh Độ thấp. Như thế, chắc chắn là Hoa Nghiêm là con đường viên đốn để thân chứng Phật thừa. Hành giả tu theo Hoa Nghiêm phải đầy đủ trí huệ, hạnh đức, đủ hạnh Phổ Hiền để khi đến nơi nào thì quốc độ đó trang nghiêm thanh tịnh.

Người tu niệm Phật tam muội viên thành như Bồ Tát Đại Thế Chí đến nơi nào thì cõi nước cũng trang nghiêm, sáu điệu vang động, rải hoa báu lớn. Như vậy, nếu thấu lý mầu, Hoa Nghiêm, Tịnh Độ nào khác biệt. Do căn cơ chủng tánh hành sai biệt khác nhau nên có ngàn sai muôn khác, cao thấp chẳng đồng.

Tóm lại! kinh Hoa Nghiêm cũng nói về Tịnh Độ nhưng chỉ rõ cho ta thấy nguyên nhơn có uế tịnh và cội nguồn hình thành thế giới. Nếu Tịnh Độ là pháp phổ thông cho quần chúng thì Hoa Nghiêm dành cho bậc thượng căn thượng trí. Người tu Hoa Nghiêm phải tu trí huệ hạnh đức, lấy nước từ bi nuôi lớn tâm Bồ Đề, hành Bồ Tát đạo để viên thành Phật đạo. Người tu Tịnh Độ rõ Phật tức tâm niệm Phật, nhớ Phật được gặp chư Phật, thân cận nghe pháp cúng dường thì cũng lần lần thành Phật không sai. Phương tiện tuy khác, nhưng lý tánh thì đồng đẳng.

Đặc biệt ta thấy khi viên mãn hạnh Phổ Hiền vẫn cầu sanh Tịnh Độ, gặp Di Đà. Đứng trên lý Di Đà là thể tánh, hành dụng đã mãn nhưng Pháp thân phải biến nhập mới phổ tế chúng sanh, viên thành Phật đạo. Niệm Phật cũng trở về tự tánh. Bao công đức thánh hạnh đều viên thành, đạt được Pháp thân như chư Phật không sai khác.

Đường hành có thiên sai vạn biệt, nhưng tất cả đều nhằm viên thành Phật đạo. Kinh Hoa Nghiêm đã làm cho Diệu pháp Tịnh Độ được rõ ràng sáng lý. Tướng cảnh dung thông, đều không lìa Pháp giới nhất chơn. Nguyện tất cả người tu Phật rõ suốt Hoa Nghiêm và Tịnh Độ dung thông không chống trái để cùng chứng nhập Nhất thừa Phật đạo.

Thích Nguyên Bình

Kệ Niệm Phật Hạ Thủ Công Phu

Kệ Niệm Phật Hạ Thủ Công Phu“Một câu A Di Đà
Không gấp cũng không hưỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ”.

Khi hạ thủ công phu, ở nơi một câu hồng danh của Phật “ Nam mô A Di Đà Phật, niệm cho được vừa chừng, không quá mau (không gấp), cũng không quá chậm (không hưỡn), là niệm cho đều đặn.

Kế đó, phải giữ làm sao cho tiếng niệm Phật cùng với tâm mình hiệp khắn nhau, nghĩa là tâm phải duyên theo tiếng, tiếng phải nằm ở trong tâm, không để cho nó xao lãng theo một tiếng gì khác. Hễ nó thoạt rời đi thì phải nhiếp kéo nó trở lại liền, để nó trụ nơi cái tiếng, như vậy gọi là “Tâm tiếng hiệp khắn nhau”.

Nghĩa là cái tâm và cái tiếng không khi nào rời nhau, mà tâm và tiếng không rời nhau thì đó mới gọi rằng thiết thật niệm Phật. Chớ nếu trong lúc mình niệm Phật mà mình lại tưởng và niệm những việc khác, đó là mình niệm việc khác chớ đâu phải là thật niệm Phật. Nếu là thật niệm Phật thì trong tâm mình chỉ nhớ và tưởng Phật mà thôi.

Bây giờ niệm danh hiệu Phật, tất nhiên là mình nhớ và tưởng lấy ở nơi cái tiếng niệm Phật, cái hiệu của Phật, như vậy mới gọi là thiết thật niệm Phật. Thành ra, mình làm cái gì cũng phải cho thiết thật trúng cái đó, chớ nếu sai đi, tất nhiên khó có thể thành công được, do đó mới có câu “Tâm tiếng hiệp khắn nhau”.

Nên nhớ kỹ lắm mới được! Khi niệm Phật phải nhớ câu đó và phải làm cho đúng theo mới có lợi lạc. Nếu được tâm tiếng hiệp khắn nhau như vậy mới gọi là niệm đúng cách và thiết thật.

Giờ đây, phải “ Thường niệm cho rành rõ” . Tâm tiếng hiệp khắn nhau rồi, nhưng phải để ý cho nó rành. Rành là rành rẽ, tức là từ tiếng, từ câu không có lộn lạo; còn rõ là rõ ràng. Tiếng niệm Phật cho rõ ràng, hễ “ Nam” thì rõ tiếng “ Nam”. “A” thì “A”, cho đến “phật” thì “Phật”. Cái tiếng không trại đi, phải cho thật rõ, vì điều này rất cần lắm.

Nếu mình niệm mà không nhận cho rành rẽ và rõ ràng, niệm một cách bơ thờ, về sau khi công phu được thuần thục, mà khi được thuần thục rồi, cái niệm trong tâm nó tự nổi lên cũng không rành rõ, nó hơi trại đi.

Còn nếu lúc nào cũng giữ cho rành rõ, thì khi thuần thục, thì trong tâm mình nó cũng nổi lên tiếng miệm Phật rõ lắm, điều này rất quan trọng. Nên nhớ chữ “Thường” nếu muốn được cái tâm mà từ sau nó tự niệm lấy nó, không cần ép buộc nó mới niệm, phải thường, nghĩa là luôn luôn niệm cho được nhiều giờ và thời gian cho được tương tục nên gọi là thường.

Chớ nếu trong một ngày, một đêm mà chỉ niệm có một hay hai tiếng đồng hồ thôi, còn hai mươi hai tiếng kia nghĩ việc này việc nọ thì biết bao giờ tâm mới thuần thục được! Phải tập cho nó niệm luôn, lâu ngày thành quen thuộc.

Nhưng bây giờ mình bận đủ công việc, đâu phải như những vị rảnh rang, cấm túc, kiết thất hay tịnh niệm, tịnh khẩu chẳng hạn, vậy mình phải làn sao đây ? Tất nhiên trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi và lúc rảnh, phải bắt tâm mình nó niệm Phật, trừ khi nào tâm mình bắt buộc chú trọng đến những công việc gì khác, nhưng xong rồi phải nhớ niệm Phật lại.

Ví như lúc mặc áo cũng niệm Phật được, bởi vì lúc đó cái tâm có thể rảnh để niệm Phật. Lúc ngồi ăn cơm cũng vẫn niệm Phật được, hoặc lúc nằm nghỉ… chớ không phải chỉ niệm Phật lúc ở trước bàn Phật có chuông, có mõ quỳ nơi đó. Nếu chỉ có như vậy thì thời gian ít lắm, không thể gọi là thường làm được, và nếu không làm được như vậy thì khó thuần thục, khó thành thói quen. Về công hạnh niệm Phật, điều đó cần phải nhớ lắm mới được.

“ Nhiếp tâm là Định học
Nhận rõ chính Huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ.”

Trong một câu niệm Phật gồm cả ba môn Vô lậu học mà các vị đệ tử của Phật cần phải thực hành là Giới, Định, Huệ. Như vậy, trong câu niệm Phật đang thực hành mà tương ưng với Giới, Định, Huệ là thế nào ? Đáng lẽ là bài kệ phải nói Giới trước rồi mới tới Định và Huệ, nhưng vì phải theo việc trình bày, thành ra phải để Giới về sau.

Trước hết là mình nhiếp tâm niệm Phật cho đúng và cũng phải cố gắng khuyên những ngưòi có duyên với mình đều phải tín, phải nguyện và thực hành như mình để cho mình cùng tất cả mọi người được lợi ích nơi Pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc thế giới mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy và đúng theo bản hoài của Ngài là muốn cho tất cả chúng sanh đều thành Phật.

Tóm lại, mấy câu kệ nói trên nói về nơi hạ thủ công phu. Ở nơi một câu hồng danh của Phật “ Nam Mô A Di Đà Phật” hay là “ A Di Đà Phật”, niệm cho vừa chừng, không quá mau gọi là không gấp, không quá chậm gọi là không hưỡn và nơi đó phải nhiếp tâm theo cái tiếng niệm Phật. Tâm với tiếng phải đi đôi với nhau, gọi là tâm tiếng hiệp khắn nhau. Phải niệm cho được nhiều giờ trong ngày đêm.

Khi niệm cái tiếng phải cho nó rõ ràng, nhận cho nó rành rõ, nên gọi rằng thường niệm cho rành rõ. Kế đó mới hiệp câu niệm Phật cho tương ưng với ba môn Vô lậu học Giới, Định và Huệ. Khi mình niệm thì nhiếp tâm, không cho tán tâm, tâm trụ nơi tiếng niệm Phật.

Như vậy gọi rằng tâm duyên nơi một cảnh, nghĩa là cái tâm ở nơi một cảnh hồng danh của đức Phật, đó tất nhiên học về môn Định. Và khi niệm đó thì trí rất sáng, nhận ra tiếng niệm Phật rõ ràng, từ câu rành rẽ. Trí sáng đó tất nhiên là tương ưng với môn Huệ học, lần lần trí huệ sẽ phát.

Trong khi mình niệm thì nhiếp tâm nơi chánh niệm, vọng niệm không xen vô, mà những lỗi lầm đều ở nơi vọng tâm phân biệt mà ra. Nay vọng tâm không có, tâm trụ ở chánh niệm, như vậy những lỗi lầm không có.

Mà Giới là chi ? Tất nhiên là để ngăn, không cho ở nơi thân khẩu ý tạo tội lỗi. Giờ đây, thân khẩu ý trụ nơi câu niệm Phật là chánh niệm, không có những tội lỗi, thì tương ưng với Giới. Như vậy, trong một câu niệm Phật, lúc mình chuyên tâm đúng cách thì đầy đủ cả Giới Học, Định Học và Huệ Học. Khi Giới, Định, Huệ phát ra thì thành tựu, là chứng quả thánh.

Giờ đây mới tiếp tục để tiến lần thêm ở nơi cái phần niệm Phật cho nó được nơi Sự Tam Muội, hay Lý Tam Muội, tức là chánh định niệm Phật về Lý. Theo đúng như trong Kinh nói:” Người niệm Phật mà được ở nơi sự Tam Muội, thì khi lâm chung chắc chắn vãng sanh, vãng sanh rồi tất nhiên không mất phần Trung phẩm, và nếu được gồm Lý niệm Phật nữa thì khi vãng sanh không mất phần Thượng phẩm.

Thượng phẩm tức là bậc Đại Bồ tát. Trung phẩm là ngang hàng với bậc Thánh của Nhị thừa, thành ra không phải bậc thường được. Đây theo nơi bài kệ để tuần tự giảng giải. Quý đạo hữu nên nghe kỹ và cố gắng để mình đi được bước nào thì được bước nấy.

“ Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam muội Sự thành tựu.

Khi niệm Phật nhiếp tâm đúng cách như vậy rồi, niệm mỗi ngày mỗi đêm, niệm được nhiều giờ, nhiều thời gian gọi rằng thường niệm. Đã thường niệm rồi, trải qua một thời gian tức nhiên cái tâm được thuần thục. Khi tâm được thuần thục rồi thì nó có cái trớn niệm Phật nơi tâm. Lúc đó thì không còn cần phải tác ý, không cần phải dụng công, nhưng nơi tâm vẫn cứ tiếp tục nổi lên tiếng niệm Phật. nhớ kỹ là cái tâm nổi lên tiếng niệm Phật không có gián đoạn, nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng nhận thấy rằng tâm mình nó vẫn có cái tiếng niệm Phật, không cần phải dụng công, tác ý gì hết, đó gọi rằng là được niệm lực tương tục, là sức chánh niệm nối tiếp.

Cho nên biết rằng, lúc mình tác ý dụng công thì phải cố gắng lắm cái tâm mới duyên theo tiếng niệm Phật, nhưng thật ra trong lúc đó, tâm có nhiều khi không ở nơi mình, cái miệng niệm Phật, tiếng có phát ra mà cái tâm nhiều khi nó có nhận ra câu thứ nhất, câu thứ nhì thì lơ là, hay là ở trong câu niệm Phật đó nó nhận tiếng Phật, tiếng A, tiếng Mô lại lơ là. Còn giờ đây tâm tự động niệm Phật, do sau khi mình niệm Phật được thường lâu ngày nó thuần thục.

Nói lâu ngày đây, chớ như trình độ này, có người chỉ trong một ngày một đêm có thể được, nếu căn trí lanh lợi và tinh tấn. Có người chừng bảy ngày đã được rồi, còn người niệm Phật không thường lắm thì phải thành ra lâu.

Nếu được cái sức niệm Phật ở nơi tâm tự động nó niệm, gọi là bất niệm tự niệm đó thì được cái chánh niệm nối tiếp luôn gọi là niệm lực được tương tục, mới đúng với cái nghĩa chấp trì danh hiệu mà trong kinh A Di Đà các đạo hữu thường tụng.

Thường thường, người tụng kinh A Di Đà ít có để ý, vì lời Phật nói ra không phải là thông thường, cần phải để ý lắm. Hễ Phật nói nhất tâm thì nhất định là cái tâm phải chuyên nhất thôi, không được xen gì hết mới gọi là nhất tâm.

Còn Phật nói nhất niệm thì tức nhiên là cái niệm phải cột nó lại trong một chỗ mới gọi là nhất niệm. Giờ đây, Phật gọi rằng chấp trì danh hiệu thì tất nhiên ở nơi danh hiệu đức Phật, nơi hồng danh đức Phật A Di Đà hay là Nam Mô A Di Đà Phật, phải nắm cầm cho chắc, không lúc nào rời và không để cái gì xen tạp vô, như vậy mới gọi rằng cái tâm nó chỉ nắm cầm hay là giữ chắc một câu niệm Phật không rời.

Nếu giữ chắc không rời câu niệm Phật mới gọi là niệm lực tương tục, dù không niệm tâm nó vẫn tự niệm, nói gọn lại là bất niệm tự niệm và cái chánh niệm nó được nối tiếp, nghĩa là tương tục. Đó mới thật là cái nhĩa chấp trì danh hiệu ở trong Kinh A Di Đà. Nên cuối câu kệ gọi rằng “ Niệm lực tương tục, đúng nghĩa chấp trì danh”.

Khi niệm lực được tương tục, rồi nắm giữ danh hiệu của đức Phật mà không có một tạp niệm xen vô thì trong một thời gian tâm nó dừng lại, lìa hết tất cả cảnh ngũ trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc nó không còn duyên nữa.

Lúc đó, dù có con kiến cắn cũng không hay, nghĩa là nơi xúc trần, dù có mùi hương thoảng cũng không biết là lìa nơi hương trần và cho có tiếng chi một bên cũng không nghe, có cái chi ở trước mắt cũng không thấy, dù lúc đó mở mắt, mà cái tâm chỉ duyên rành rẽ ở câu niệm Phật và chỉ có nhân câu niệm Phật mà thôi.

Lúc đó trong thì quên thân, ngoài không duyên theo cảnh, cái tâm nó đứng lặng là “ nhất tâm bất loạn” . Khi được như vậy rồi, trong kinh Vô Lượng Thọ nói, lúc đó Phật thân hiện, Phật A Di Đà hiện cho đến Phật cảnh Cực Lạc hiện, nên câu kệ gọi rằng: “ Nhất tâm Phật hiện tiền” Đó là thành tựu được sự Tam Muội. Câu kệ gọi là : “ Tam muội sự thành tựu”. Chánh định thuộc về sự, thì tâm mình chỉ trụ nơi câu niệm Phật.

Trong quên thân, ngoài không duyên theo cảnh, và lúc đó, Phật và Thánh cảnh hiện, nó thuộc về sự tướng. Nếu người được ngang nơi đây thì sau khi được vãng sanh, bảo đảm ở nơi Trung phẩm, tức ngang với hàng Thánh của Nhị thừa. Còn nếu được “ Niệm lực tương tục, đúng nghĩa chấp trì danh” ở trên là bảo đảm vãng sanh, nhưng mà trong phẩm vị thì chưa chắc phẩm nào, còn tùy theo ở nơi thiện căn công đức của người tu hành.

“Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý Pháp thân hiện.”

Bây giờ, do nơi chánh định thuộc về Sự nên tâm đứng lặng, do tâm đứng lặng thành ra trí huệ phát. Trí huệ đây gọi là Vô lậu trí huệ hay Thanh trí phát. Do nơi phát đó mà toàn thể tự tâm bổn tánh hiển hiện. Trong Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh. Lúc đó, đã thấy ở nơi bổn tánh rồi, mà bổn tánh không phải cái tánh riêng của một cái gì hết, nó là cái tánh của Tâm mà cũng là tánh của Pháp.

Mà đã là tánh của tất cả pháp rồi thì đương nhiên lúc niệm Phật đó, cái tâm nó trụ ở nơi câu niệm Phật, nơi sự niệm Phật. Chính ở nơi sự niệm Phật đó lại tỏ ngộ, thấy là vô niệm. Cho nên biết rằng, thể tánh chân thật của tất cả các pháp, nghĩa là không luận của tâm hay là của sắc đều là cái tánh không tịch cả.

Đã không tịch tức nhiên nó không có một sự gì và cũng không có một tướng gì hết. Cái thể tánh nó chơn thật như vậy. Do đó, mới tùy duyên ra mà có tất cả sự, tất cả pháp. Vì vậy, nên khi tỏ ngô bổn tâm tự tánh rồi thì thấy cái chánh niệm mình đương niệm đó tức là vô niệm, gọi là “đương niệm tức vô niệm”.

Cái tánh của chánh niệm không phải mình làm cho nó không, bởi vì bổn lai (xưa nay) là không. Cũng như cái tánh của tất cả tâm, cái tánh của tất cả pháp, bổn lai nó là không tịch. Do đó, cho nên sợ rằng người học đạo không biết “ cố ý mà dằn ép cái tâm”, phải nhận rằng ở nơi niệm cái tánh là không.

Lúc đó, thấy cái niệm là không tánh mà cũng rõ biết rằng cái tánh của niệm bổn lai nó là không. Như vậy, mới thật là thấy cái thật tánh của niệm. Nếu thấy thật tánh của niệm thì thấy thật tánh của các Pháp, bởi vì tất cả pháp đều là một tánh mà thôi.

Cho nên thấy Phật tánh của một pháp tức nhiên thấy được thật tánh của tất cả pháp. Nên hai câu kệ mới nói đương niệm, chính lúc đương niệm đó không phải bỏ niệm, mà giác ngộ là vô niệm. Giác ngộ vô niệm là chi ? Tức là cái niệm tánh không tịch, mà cái niệm tánh không tịch đó là tánh bổn lai của cái niệm, cho nên gọi rằng “ niệm tánh vốn tự không” chứ không phải là nó mới “ không” đây, tại vì trước kia mình mê muội, mình theo sự tướng thấy nó thế này, thế kia đủ thứ hết.

Giờ đây giác ngộ được rồi thì thấy bổn tánh không tịch, bổn tánh không tịch đó là bổn lai từ hồi nào đến giờ nó vẫn không tịch như vậy, chớ không phải mới, không phải do mình tu hành đây rồi mới là không .

Kế đến câu : “Tâm làm Phật là Phật”.

Đồng thời, lúc đó phải giác ngộ cái tâm của mình đây chính là chơn tâm thật tánh của mình. Vì rằng ở trên, hễ giác ngộ ở nơi tâm niệm đó rồi thì thấy rõ bổn tâm của mình làm Phật, và bổn tâm đó chính là Phật.

Đó gọi rằng là bổn tâm chân thật. Lúc đó, tất nhiên gọi rằng chi ? Là đã chứng nơi Lý tánh, thành tựu Lý Tam muội niệm Phật và đồng thời Pháp thân Phật hiện. Ở trên về Sự Tam muội, gọi rằng Phật hiện tiền, lúc đó có Phật ở ngoài mình mà hiện ra, rồi mình Thấy Phật hiện. Còn giờ đấy nơi thân tâm mình làm Phật là Phật.

Nên biết rằng, sụ tỏ ngộ đó không phải ở nơi trí suy luận mà tỏ ngộ, chính là Hiện lượng chứng trí lúc đó nhận như vậy, thấy như vậy, chứng như vậy chứ không phải là suy luận. Mà đã chứng ngộ ở nơi bổn tâm mình làm Phật và tức là Phật, vậy Phật và tâm không phải hai, chính tâm là phật, Phât là tâm.

Như vậy tất nhiên là chứng nơi Pháp thân, gọi là pháp thân hiện tiền. Lúc đó, Pháp thân Phật hiện, còn ở trên nơi sự Tam muội mà Phật hiện đó là Phật sự tướng hiện, sắc thân Phật hiện, còn đây là “ Pháp thân Phật hiện”. Nếu người được đến đây rồi, khi vãng sanh quyết định ở nơi Thượng phẩm, tức là một vị Đại Bồ tát.

Hiện tại, người ấy ở tại đây cũng là một vị Bồ tát. Tầng bậc này đối với Thiền tông gọi là chứng tâm tánh. Sau khi minh tâm kiến tánh rồi, chứng tâm tánh gọi là đại triệt, đại ngộ. Nhưng ở nơi Pháp môn niệm Phật thì hơn nơi Thiền tông, bởi vì Thiền tông đến khi minh tâm kiến tánh hay là chứng nhập tánh rồi, còn cần phải theo một thời gian rèn luyện để dứt trừ những nghiệp chướng phiền não.

Còn người niệm Phật thì không như vậy. Bởi vì ngoài sự tỏ ngộ ra, còn có nguyện lực của Phật nhiếp trì, mà đã vào trong nguyện lực của Phật nhiếp trì rồi, tức nhiên chẳng những là chứng ngộ nơi tự pháp thân mà cũng ở vào nơi Pháp thân của Phật A Di Đà.

Do đó không luận nghiệp chướng phiền não, sau khi bỏ thân này rồi về Cực Lạc thế giới, được vãng sanh ở Thượng phẩm thì mấy cái đó tự mất. Thế nên trong Kinh Quán Vô Lưọng Thọ có nói : “ Người được vãng sanh về Thượng phẩm, bậc đó gọi rằng ở vào Sơ địa Bồ tát” Hiện tiền sau khi sanh về có thể dùng cái trí lực và thần thông, hiện thân làm Phật trong 100 thế giới không Phật.

Nghĩa là trong thế giới nào không Phật thì vị Bồ tát có thể hiện thân làm Phật để độ chúng sanh. Nên biết rằng, mỗi thế giới như vậy là có vô số tiểu thế giới hiệp lại, cũng như Ta bà thế giới của mình có 1.000 triệu cái tiểu thế giới hiệp lại, nghĩa là 1.000 triệu cái Thái dương hệ hiệp lại mới thành thế giới Ta Bà.

Do đó lúc đức Thích ca Mâu Ni thành Phật rồi, thì cái thân hiện ra gọi rằng “Thiên bá ức”, 1.000 trăm lần ức. Một ngàn trăm ức đó là 1.000 tỷ. Một ngàn tỷ thân Phật Thích Ca chớ không phải một thân Phật Thích Ca. Đó là một thế giới, mà đây vị Bồ tát chứng Lý Pháp thân, nghĩa là nơi Lý Niệm Phật Tam Muội thành tựu rồi, vãng sanh về cõi Cực Lạc, trụ nơi bậc Sơ địa có thể dùng thần thông trí huệ hiện thân làm Phật ở trong 100 thế giới không Phật tế độ chúng sanh.

Mình thấy pháp môn niệm Phật, nếu bắt đầu từ dưới nhìn lên trên và từ trên nhìn lần xuống dưới, đường đi rành rẽ hết sức là phân minh. Và ở nơi đó, mình cũng không đến nỗi quá khó, chỉ có khó là mình phải tin, quyết định thực hành, tin tấn và không giải đãi mà thôi. Khó là có chịu nhất định để tu và quyết định tinh tấn hay không ? Chỉ có khó nơi đó mà thôi.

Theo pháp môn niệm Phật thì không có cái chi là khó lắm, không phải như các pháp môn khác. Vì các pháp môn khác do tự lực. Tự lực thành khó, và ở nơi các pháp môn khác mà đến chỗ chứng lý pháp thân hiện không phải dễ. Bên Thiền Tông thuộc về Vô tướng tu. Vô tướng tu đó khó nắm nơi đâu để mà làm cột trụ, để hạ thủ.

Nếu sai một chút thì thuộc về hữu tướng, mà hữu tướng tất nhiên không phải của Thiền tông, sai rồi thì không thành tựu được. Còn như theo Pháp Hoa tông mà tu thì cũng phải tâm chỉ tâm quán, cái đó không phải dễ được. Theo Hoa Nghiêm tông thì thuộc về pháp quán rất khó. Theo như Duy Thức tông tu thì phải là duy thức quán, quán chẳng phải dễ. Đó là những pháp môn tự lực tu

Muốn biết được trình độ gọi là chứng Lý pháp thân hiện thì phải ở các tông thuộc về Viên đốn Đại thừa. Nếu ngoài những tông đó ra mà tu những tông khác thì không thể đến các tầng đó được. Những tông vừa kể trên tu chứng đến tầng này khó lắm, bởi vì thuộc về tự lực. Còn đây, ngoài tự lực ra, pháp môn niệm Phật này còn có tha lực, tức là nguyện lực của Phật nhiếp trì. Do đó, có sự dễ dàng hơn, bảo đảm hơn.

Huống nữa là ở trong pháp môn niệm Phật này, nếu mình chỉ được ở nơi tầng công phu thấp nhất là có sự chuyên niệm được tương ưng với nơi nghĩa chấp trì tất nhiên bảo đảm vãng sanh. Nếu được vãng sanh rồi thì dự vào hàng Thánh, được Bất thối chuyển nơi đạo Vô thượng. Dù rằng đối với các bậc mà được Sự Tam muội niệm Phật hay Lý Tam muội niệm Phật là còn thấp.

Nhưng kỳ thật, khi đã được vãng sanh rồi thì dự vào hàng Thánh được Bất thối chuyển, nhất là được về thế giới Cực Lạc, không có sự khổ về già, bệnh, chết, không có các sự khổ như là những cảnh duyên nó làm mình xao động, hoặc là sự ép buộc ở nơi thời tiết, nhất là những việc ăn, việc mặc nó làm mình bận rộn cả ngày đêm. Không có tất cả điều đó tất nhiên rảnh rang tu hành, mà trong khi rảnh rang đó lại có tiếng gió thổi, tiếng chim kêu, tiếng nước chảy đều phát ra tiếng nói pháp hết.

Hơn nữa nơi Cực Lạc thế giới, như trong kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà mà các đạo hữu thường tụng, thì các bậc Nhất sanh Bổ xứ Bồ tát Thượng thiện nhơn là bạn, và người được vãng sanh sẽ được ở chung với các bậc đó.

Cho nên trong kinh A Di Đà có nói : “ Những người nào mà nghe nơi đây thì phải phát nguyện, nguyện sanh về Cực Lạc thế giới. Tại sao vậy ? Vì đồng với các bậc Thượng thiện nhơn Nhất sanh Bổ xứ Bồ tát câu hội một chỗ, ở chung một chỗ”.

Như vậy thì thấy, mình về bên đó rồi thì cùng ở chung với các bậc Đại Bồ tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và vô số các vị Bồ tát khác. Cung điện của mình ở đây, thì cung điện của các Ngài ở kia, muốn gặp lúc nào cũng được, muốn hỏi han lúc nào cũng tiện. Và hoá thân của Phật ở khắp nơi trong thế giới Cực Lạc, không có chỗ nào không có hóa Thân Phật hết.

Thành ra, muốn thấy Phật lúc nào cũng đưọc, trừ những bậc thuộc về Thượng phẩm, chứng Lý Pháp thân. Chừng đó tất nhiên về thế giới Cực Lạc, mới thấy được báo thân của Phật, còn những bậc dưới thì thấy hóa thân.

Hóa thân thì cũng như báo thân, bởi vì sự thuyết pháp độ sanh của Phật thì báo thân, hóa thân gì cũng giống nhau, nhưng cái thân có khác theo trình độ người: thân lớn, thân nhỏ, cái chỗ đẹp nhiều hay là đẹp ít khác nhau, theo cái trí lực ở nơi con mắt thấy nó sai khác, mà sự giáo hóa vẫn đồng.

Phật giáo bao giờ cũng theo căn cơ mà thuyết pháp. Cho nên, trong kinh A Di Đà Phật nói: “ Người nào theo kinh này mà thọ trì, tu hành cùng những người đã phát nguyện, đương phát nguyện, sẽ phát nguyện vãng sanh về cõi nước của đức Phật A Di Đà, thời những người đó đều đặng không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng chánh Giác” Nghĩa là người đó sẽ được vãng sanh và được bảo đảm đi thẳng đến thành Phật mà thôi.

Do đó, thấy căn cơ của mình hiện tại đây, cũng như tất cả mọi người trong thời gian này mà rời pháp môn niệm Phật, quyết khó bảo đảm giải thoát lắm, đừng nói là bảo đảm thành Phật. Vậy các đạo hữu nên tự tu cho tinh tấn và cũng đem pháp môn niệm Phật chỉ dạy người khác và khuyên bảo người khác nên thực hành như mình.

HT Thích Trí Tịnh

Vài Chia Sẻ Về Vấn Đề Niệm Phật

Vài Chia Sẻ Về Vấn Đề Niệm PhậtNgài Lý Bỉnh Nam (sư phụ của lão pháp sư Tịnh Không) nói rằng: Sáu chữ Hồng danh là vua trong các câu chú. Sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật là bí mật không phiên dịch, đều chẳng phải văn tự Trung Hoa. Pháp này cao tột, hơn trì bất cứ lời chú nào.

Thế mới biết một câu A Di Đà Phật đã bao gồm tất cả mọi câu thần chú trong ấy rồi. Sau khi liễu ngộ điều này, chúng ta nên buông bỏ mọi câu thần chú khác và chỉ chuyên nhất niệm câu A Di Đà Phật.

Một điều rất quan trọng chúng tôi xin thành tâm khuyên hành giả niệm Phật: đó là phải phát bồ đề tâm. Bồ đề tâm nói nôm na cho dễ hiểu là tâm thường nghĩ đến những điều lợi cho người, tức lợi tha. Đừng nghĩ đến lợi ích của riêng cá nhân mình mà mọi việc mình làm đều nên suy xét sao cho lợi chúng sanh.

Cố lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam
Cố lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nhấn mạnh điều này qua câu nói:
Một vạn người niệm Phật, thật sự vãng sanh chỉ có vài ba người. Vì sao số người vãng sanh quá ít như vậy? Vì không phát tâm bồ đề, nên tâm không thanh tịnh. Bởi tâm không thanh tịnh nên còn thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn, nghi. Những thứ này không tương ứng với thế giới Cực Lạc một chút nào. Tây phương Cực Lạc là nơi tụ hội của chư thượng thiện nhân, tức là chỗ của những người thiện lành bậc nhất. Cho dù chúng ta niệm Phật rất siêng năng đến đâu, hoặc một ngày có thể niệm đến trăm ngàn lần, nhưng tâm của chúng ta không thiện, làm sao có thể lên Tây phương ở cùng chỗ của các bậc thượng thiện nhân?

Để tâm dần thanh tịnh, ngoài công phu chánh là niệm Phật chúng ta cần phải có trợ công phu nữa. Trợ công phu giúp chúng ta tiêu dần nghiệp chướng và bớt vọng tưởng vì chính những nghiệp chướng sâu dầy của chúng ta mà sinh ra vọng tưởng. Chúng cứ dồn dập kéo đến dễ làm cản trở lớn đến việc niệm Phật khi ta ngồi tĩnh toạ niệm Phật. Trợ công phu gồm có:

1- Thường xuyên sám hối nghiệp chướng của mình. Thường ngày chúng ta chỉ nên xem xét hành động của mình và tìm lỗi của mình mà sửa. Đừng bao giờ tìm hoặc chỉ lỗi người. Càng thấy mình có lỗi thì chúng ta càng nổ lực tu sửa và càng phải sám hối thì nghiệp chướng dần dần tiêu bớt đi. Chúng ta sinh nhằm thời mạt pháp này nên phước rất mỏng nhưng nghiệp chướng chắc chắn là sâu dầy nên không thể chỉ dùng câu A Di Đà Phật trong một thời gian ngắn mà có thể đoạn trừ chúng được. Vừa niệm Phật kết hợp với sám hối sẽ giúp chúng ta tiêu nghiệp mau hơn. Thấy người làm điều tốt mình cũng nên phát tâm hoan hỉ, vui theo thì công đức của mình cũng lớn như vậy. Dùng công đức ấy mình hồi hướng cho việc vãng sanh là điều rất nên làm.

2- Chúng ta nên sinh tâm chán ghét thế gian Ta Bà này và một lòng muốn về Tây Phương Cực Lạc. Nếu chúng ta muốn vãng sanh về thế giới của Phật A Di Đà mà lòng vẫn còn ham thích nhà lớn, xe mới đẹp ở thế gian này thì đó là chướng ngại lớn kéo chúng ta lại nơi này. Mỗi khi ra đường nhìn thấy nhà lầu đẹp chúng ta hãy nghĩ ở Tây Phương Cực Lạc lầu các bằng bảy báu đẹp hơn nhiều. Nếu nghe bài nhạc hay chúng ta hãy nghĩ nhạc ở đây dù hay cách mấy cũng làm sao sánh bằng âm thanh vi diệu phát ra từ cây báu, chim quý nơi cõi Cực Lạc? Khi chúng ta ngửi mùi thơm từ xa thoảng đến liền tự nhắc mình hương thơm ở Ta Bà này làm sao sánh bằng hương thơm ở Tây Phương? Đồ ăn cao sang mỹ vị dọn ra trước mắt chúng ta cũng nghĩ rằng thức ăn nơi thế gian này sao ngon bằng ở Cực Lạc quốc? Áo quần mô-đen dù đẹp đến đâu ở đây cũng không thể nào sánh bằng y phục của Thế Giới Cực Lạc. Có tâm chán ghét nơi thế gian Ta Ba này chúng ta mới thật lòng muốn về Tây Phương Cực Lạc. Thế cho nên mới có câu:

Thân tuy ngự ở Ta Bà
Mà lòng đã gửi ở toà Hoa Sen

Điều cuối cùng chúng tôi muốn chia sẻ với liên hữu đồng tu về vấn đề nhất tâm. Là hành giả niệm Phật cầu sanh Tây Phương chúng ta không nên đặt nặng về chuyện này khi niệm Phật. Cứ chuyên cần niệm nhưng đừng trông mong và gián đoạn. Cầu nhất tâm và gián đoạn là 2 điều tối kị sẽ đưa đến không thành. Xin quý vị đừng lo niệm Phật không được nhất tâm mà điều chúng ta nên quan tâm đến bây giờ là phải niệm Phật sao cho thành phiến. Niệm Phật thành phiến tức là câu trước câu sau dính liền nhau, ở giữa các câu không có ý nghĩ nào khác chen vào. Tâm chỉ đặt trên câu Phật hiệu, ngoài ra không còn một ý nghĩ nào khác. Niệm Phật thành phiến người niệm ít thì được mười mấy câu, nhiều thì được vài mươi xâu chuỗi. Ban đầu chúng ta chỉ bắt đầu niệm từ 2 câu vừa niệm vừa nghe cho rõ ràng từng âm từng chữ rành rọt không có một tạp niệm nào xen vào, rồi cố đến 3 câu, rồi 4 câu, lâu dần sẽ được nhiều. Vọng tưởng có kéo đến cũng đừng để ý đến chúng. Đây là điều bình thường đối với người niệm Phật không có gì đáng ngại. Điều đáng quý là chúng ta phải chuyên niệm, hễ có thời gian hay một chút rãnh rỗi là phải đề xướng câu Phật hiệu. Hãy niệm không ngừng nghỉ ngày cũng như đêm, đứng cũng như ngồi, ăn cũng như nghỉ, nằm cũng như đi chúng ta đều phải niệm Phật. Niệm thầm hay niệm ra tiếng công đức cũng đều như nhau. Có nhiều vị cho rằng mỗi khi vào nhà xí làm vệ sinh hay khi thay y phục chúng ta không nên niệm Phật vì như thế mắc tội không tôn kính. Thật ra vào những hoàn cảnh như thế chúng ta cũng không nên ngưng niệm Phật nhưng chỉ nên niệm thầm trong lòng. Lúc nằm cũng vậy chúng ta không nên niệm ra tiếng vì niệm Phật ra tiếng lúc nằm lâu ngày sẽ mang bệnh và lại không nghiêm trang.

Chúng ta hãy bền bỉ niệm Phật nhưng đừng trông mong. Bởi khi lâm chung dù chúng ta chỉ đạt ở trình độ niệm Phật thành phiến, Phật quang A Di Đà chiếu đến thân chúng ta thì công phu của chúng ta sẽ được nâng lên một bậc là Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu công phu của chúng ta đã đạt đến Sự Nhất Tâm Bất Loạn thì khi lâm chung được Phật A Di Đà phóng quang đến chúng ta sẽ có được Lý Nhất Tâm Bất Loạn. Đây là lời của lão pháp sư Tịnh Không nói chứ chúng tôi chẳng dám bịa ra. Vì thế xin quý hành giả niệm Phật hãy nên kiên trì niệm Phật đừng để cho gián đoạn chờ ngày vãng sanh quyết đoạt đài vàng nơi miền An Dưỡng quốc.

Hữu Minh