04 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Trong cả đời tu học nếu người tu hành chẳng thoát khỏi tam giới thì chẳng kể là thành công, nhưng siêu việt tam giới thực sự là một việc rất khó. Tuy nói Tịnh Ðộ là pháp dễ hành (dễ hơn so với những pháp môn khác), trên thật tế thì cũng chẳng dễ, thế nên người niệm Phật thì nhiều nhưng người vãng sanh rất ít.
Người vãng sanh thực sự gồm có hai hạng. Một hạng là những người thượng căn lợi trí, họ có thể thông suốt chân tướng sự thật nên họ chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, tịnh niệm tiếp nối mà vãng sanh. Hạng thứ nhì là những người ‘ngu độn’, phần đông thường nói là những ông già, bà cả, cái gì họ cũng chẳng biết, chẳng hiểu, nhưng họ chết lòng trọn ý niệm câu A Di Ðà Phật đến cùng, những người này cũng có thể vãng sanh. Còn những người ở chính giữa chẳng phải là thượng trí cũng chẳng phải là hạ ngu thì khó hơn. Tại vì họ có phân biệt, có tri kiến, đây tức là chướng ngại. Chúng ta phải nên lắng lòng suy nghĩ xem chúng ta thực sự thuộc về hạng nào?
Bắt chước theo người thượng trí rất khó; bắt chước người ngu chỉ cần thực sự chịu học theo thì có thể học được, tức là phải buông xả hết thảy. Quan trọng nhất là phải buông xả hết danh văn lợi dưỡng. ‘Lợi dưỡng’ bao gồm ngũ dục, lục trần, ‘danh văn’ bao gồm quyền thế, địa vị, hết thảy chúng ta đều đừng đụng đến, chỉ một lòng một dạ chắc thật niệm Phật, phục vụ đại chúng. Như Ðàm Hư pháp sư nói trong phần sau của cuốn Niệm Phật Luận, trong những người xuất gia có thầy Tu Vô, thầy là người ngu độn, cái gì cũng chẳng biết, cái gì cũng chẳng hiểu. Bà họ Trương ở chùa Trạm Sơn, Thanh Ðảo, chồng bà làm nghề kéo xe chở khách, một ngày không kéo xe thì chẳng có cơm ăn. Mỗi ngày chủ nhật chùa Trạm Sơn có pháp hội, bà đều đến nhà bếp giúp việc rửa chén, bà làm những việc cực nhọc này, bạn hãy xem họ vãng sanh vô cùng thong dong, tự tại! Ðó là những người ‘ngu độn’. Người ngu cũng có thể vãng sanh, người tuyệt đỉnh thông minh cũng có thể vãng sanh, những người ở chính giữa hai hạng này thì khó hơn nhiều
Trích đoạn Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm của pháp sư Tịnh Không
Việt dịch & đọc: cư sĩ Thanh Trí tại Úc Châu
03 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Có một hiện thực luôn luôn hiện ra trước chúng ta toàn bộ sự thật của nó là cái chết. Và trước sự ra đi khỏi thế gian này của đồng nghiệp, bạn bè và những người thân, quả thực chúng ta có những giờ phút sống chân thực…
Có thể là buổi sáng khi chúng ta đang uống cà phê, có thể là một buổi chiều khi chúng ta đang trở về ngôi nhà của mình, và có thể một buổi tối khi chúng ta đang ngủ… chúng ta bỗng nhận được tin nhắn hoặc một cuộc gọi thông báo về một người bạn vừa rời bỏ thế gian. Hoặc trong suốt thời gian thức của mình, chúng ta luôn luôn nghe hoặc đọc những lời cáo phó trên đài truyền thanh, trên báo và trên tivi.
Những lúc đó, tôi thường sống im lặng và toàn bộ thế gian mênh mông hiện ra trước mắt. Trên thế gian mênh mông ấy, có một người quay lại nhìn tôi rồi lặng lẽ ra đi vĩnh viễn. Có thể tôi khóc lặng lẽ, có thể tôi thấy một cái gì đó như sự hư vô ùa qua mình, có thể là một ý nghĩ mới về đời sống, có thể là một nỗi tiếc nuối mơ hồ nhưng dai dẳng, có thể là sự thức dậy của ký ức về người đó, có thể là một câu hỏi vô nghĩa nhưng hình như không còn cách khác: “ Vì sao người ấy lại ra đi?” và có thể nó lại là một sự an ủi cho người vừa mất và cả người còn sống.
Quả thực, trong cách nghĩ thô thiển của mình, tôi luôn luôn bị ức chế bởi thế gian này quá chật chội. Chật đến nỗi cả trong giấc ngủ cũng thấy mình ở trong chen chúc, nồng nặc mùi mồ hôi kẻ lạ và bị vây bủa bởi ngàn vạn con mắt ngờ vực, soi xét. Nhưng khi biết có một người vừa rời khỏi thế gian, kể cả đó là người không hề có bất cứ mối quan hệ nào với mình thì mình cũng cảm thấy thế gian bị bắn thủng và để lại một lỗ hổng.
Nhưng trùm phủ lên tất cả những gì tôi vừa nói trên là một lời nhắc nhở của ai đó. Lời nhắc nhở đó cụ thể là: “Ngươi hãy xem lại cuộc sống của ngươi”. Với cá nhân mình, tôi thường được nghe lời nhắc nhở đó. Chính thế, tôi nghĩ về sự ra đi khỏi thế gian này của con người (có thể là ra đi vĩnh viễn) là lời nhắc nhở của Tạo hóa đối với chúng ta. Hầu hết con người sống trên thế gian này, trong đó có cá nhân tôi, rất hay quên mình phải sống như thế nào với người bên cạnh.
Có lần, một người bạn tôi đặt một câu hỏi nghe có vẻ rất “ngớ ngẩn”: “Tại sao chúng ta không sống với người đang sống như sống với người đã chết?”. Hình như câu hỏi này có điểm nào đó bất hợp lý nhưng tôi chưa biết bất hợp lý ở điểm nào. Nhưng nó có lý ở phía lý tưởng sống của con người. Đó là sự chia sẻ, cảm thông, hiểu biết, nhường nhịn, công bằng và thiện chí. Điểm hợp lý này đã trở thành cái đích của xã hội loài người mà con người trong suốt chiều dài lịch sử của mình luôn luôn tâm niệm và tìm cách đi tới.
Trong thâm tâm chúng ta ai cũng có lần suy ngẫm lại hành xử của mình đối với một đồng nghiệp, một người bạn hay một người thân khi người đó rời bỏ thế gian ra đi mãi mãi. Chúng ta nghĩ nếu người đó sống lại chúng ta sẽ không bao giờ hành xử thiếu thiện chí, bất công, ngờ vực, đố kỵ, thiếu chia sẻ, dửng dưng…với người đó như một đôi lần khi người đó còn sống. Chính thế mà ở một phía ý nghĩa của cái chết, tôi nghĩ rằng: việc thi thoảng có một người đi khỏi thế gian là một cách Tạo hóa nhắc nhở sự quên lãng những ý nghĩa nhân văn trong đời sống của con người.
Vậy tại sao khi người đó còn sống ở bên cạnh chúng ta trong gia đình, trong công sở, trong làng xóm hay trong khu phố thì chúng ta lại cảm thấy khó chịu, thấy ngờ vực và đôi khi căm ghét? Một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho chúng ta quên lãng những phẩm chất tốt đẹp vẫn luôn luôn trú ngụ trong con người chúng ta là tính sở hữu dục vọng của mình. Chúng ta muốn sở hữu danh tiếng, sở hữu công việc, sở hữu một vị trí, sở hữu trí tuệ, sở hữu sự sáng tạo cho đến sở hữu một chiếc xe, một chỗ ngồi, một lối đi trước nhà mình, thậm chí sở hữu cả một cái bàn ăn trong một tiệm ăn. Nhưng thế gian lại không chỉ có một mình chúng ta. Thế là chúng ta tìm nhiều cách chống lại những người khác mà chúng ta cho rằng người đó là nguy cơ chiếm mất những gì chúng ta thèm khát sở hữu như một sự độc quyền.
Có rất nhiều người khi ra đi khỏi thế gian này thì mới được người còn sống tin rằng anh ấy hay chị ấy là một người tốt. Cũng chỉ vì đến lúc đó chúng ta mới “thở phào” nhẹ nhõm rằng những nguy cơ cướp mất sự sở hữu của chúng ta không còn nữa. Nhiều lúc, chúng ta giống một con gà mái nuôi con xù lông tấn công một con trâu đi qua với ý nghĩ con trâu sẽ ăn thịt đàn con của nó. Nhưng con trâu chỉ biết ăn cỏ và nó không ăn thịt gà chấm muối chanh bao giờ. Nhưng con gà mái không tin chuyện đó. Có lẽ nó bị hình bóng những con cáo hay những con mèo ám ảnh.
Không ít những người đã và đang nghĩ rằng: cái chết là một điều gì đó khác với những gì chúng ta vẫn suy nghĩ lâu nay. Có người nghĩ rằng: đời sống chúng ta đang sống là một cánh đồng. Còn cái chết là một cánh đồng bên cạnh mà chúng ta chưa hề biết. Vậy khi chúng ta đã sống một cách trung thực và không ân hận với đời sống hiện tại thì khi ra đi khỏi đời sống này chúng ta sẽ thanh thản. Chúng ta chưa có ân huệ gặp lại một người trở về từ cánh đồng bên cạnh (sau cái chết) kể cho chúng ta về đời sống ở nơi chốn đó như một người đã đến thăm những khu phố cổ ở Stockhome trở về và kể lại. Ngay sau đó, chúng ta có ước muốn đến thăm những khu phố cổ ấy. Nếu khi chúng ta nghĩ và tin sau cái chết là một cánh đồng sự sống khác thì chúng ta sẽ bớt đi lòng tham và sự ích kỷ của chúng ta.
Có một hiện thực luôn luôn hiện ra trước chúng ta toàn bộ sự thật của nó là cái chết. Và trước sự ra đi khỏi thế gian này của đồng nghiệp, bạn bè và những người thân, quả thực chúng ta có những giờ phút sống chân thực. Và những phẩm tính tốt đẹp trú ngụ trong bóng tối dục vọng của chúng ta thức dậy và tỏa sáng. Nhưng rồi chúng ta lại quên ngay những điều kỳ diệu đó. Thế là, chúng ta lại hành xử với một người còn sống khác bên cạnh chúng ta với toàn bộ sai lầm mà chúng ta đã mắc phải với người đã ra đi trước đó. Bởi thế, cái chết, một quy luật tất yếu của thời gian đối với con người, có chứa đựng một lời nhắc nhở những người còn sống hãy sống tốt hơn như con người có thể.
Hạnh Nguyên
03 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Có một thứ mà bạn phải mang theo khi chết: đó là nghiệp. Nghiệp là kết quả của những hành động của chúng ta. Nghiệp tốt và nghiệp xấu theo ta không rời bước. Ta không thể nào xua đuổi nó được dù ta có muốn đi nữa.
“Sự Khẩn Cấp Chụp Lấy Tôi”
Dưới thời Ðức Phật có một vị tỳ khưu trẻ sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Trẻ trung và tráng kiện, thầy có đủ cơ hội để hưởng thụ mọi lạc thú của cuộc đời trước khi xuất gia. Thầy có sức khỏe, có đông bạn bè và thân quyến, và sự giàu có sung túc này khiến thầy được mọi người chiều chuộng và làm vừa lòng. Nhưng thầy đã từ bỏ tất cả để đi tìm sự giải thoát.
Một ngày nọ, nhà vua cưỡi ngựa dạo trong rừng. Thấy nhà sư trẻ, nhà vua dừng ngựa, đến gần và hỏi, “Thưa đại đức, đại đức còn trẻ trung và khỏe mạnh, và đang ở vào lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, Ðại đức lại sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Tại sao đại đức bỏ lỡ cơ hội để hưởng thụ tuổi trẻ của mình? Tại sao lại từ bỏ gia đình, khoác áo nhà tu và sống một mình? Ðại đức có thấy cô đơn không? Có thấy chán nản không?”
Nhà sư trẻ trả lời, “Thưa ngài, khi nghe lời giảng dạy của Ðức Phật, trong tôi đã khởi lên một tinh thần cấp bách. Sự cấp bách này đã thúc đẩy tôi. Tôi muốn trích xuất ra từ cơ thể này những cái gì quí báu nhất trước khi tôi từ giã cõi đời. Ðó là lý do tại sao tôi từ giã đời sống thế tục và khoác lên mình chiếc y vàng.”
Nếu bạn vẫn chưa đồng ý là cần phải hành thiền một cách cấp bách — mà không dính mắc vào thân thể hay đời sống — thì những lời dạy sau đây của Ðức Phật cũng có thể làm bạn đổi ý mà tinh tấn thực hành. Ðức Phật dạy chúng ta phải luôn luôn ý thức rằng thân thể này chẳng gì khác hơn là sự hợp thành của danh và sắc. Danh và Sắc không thể tồn tại được dù trong một thời điểm ngắn ngủi. Danh Sắc trôi chảy không ngừng. Một khi đã có thân tâm này, thì chẳng có cách gì làm cho nó đừng già. Khi còn trẻ ta muốn mình mau lớn, khi lớn tuổi lại muốn mình đừng già.
Chúng ta muốn được khỏe mạnh, nhưng sự mong mỏi của chúng ta không bao giờ được thỏa mãn. Chúng ta bị đau khổ và bất toại nguyện, bị bệnh tật dày xéo suốt cuộc đời. Chúng ta không thể nào sống mãi mãi được. Tất cả chúng ta đều phải chết. Chết là điều trái ngược với lòng mong cầu của chúng ta, nhưng chúng ta không ngăn cản được. Chỉ có một điều là lúc nào cái chết sẽ đến mà thôi. Ta không thể nào ngăn cản đừng cho thân thể này thay đổi hay biến chuyển theo thời gian.
Không một ai trên thế gian này có thể cam kết rằng những điều ước ao của chúng ta về một đời sống phát triển, khỏe mạnh và bất tử sẽ được bảo đảm. Người ta từ chối chấp nhận sự thật. Già muốn làm cho trẻ ra. Các nhà khoa học cố gắng tìm đủ mọi phương pháp, phát minh ra những máy móc kỳ diệu để trì hoãn tiến trình hủy diệt của con người. Họ cố tìm cách làm sống lại những người đã chết. Khi đau ta uống thuốc để cảm thấy dễ chịu. Nhưng dù cho có lành bịnh thì ta cũng đau lại, không thể đi ngược lại với thiên nhiên. Chúng ta không thể tránh khỏi già, bệnh, chết.
Ðiểm yếu đuối chính của chúng ta là thiếu an toàn. Hãy nhìn những sinh vật khác, những con thú, và nhất là con người. Có chỗ trú ẩn nào để tránh khỏi già, bệnh và chết không?
Nếu bạn hành thiền tích cực, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy những sự kiện này hiển bày trước mắt bạn. Nếu bạn có thể thấy bằng trực giác sự sinh diệt của các hiện tượng thân tâm, bạn sẽ biết rằng chẳng có một chỗ an toàn nào để ẩn trú cả. Không có một nơi nào an toàn. Dầu trí tuệ của bạn chưa đạt được điểm này, nhưng khi suy tư về sự không bền vững của cuộc sống cũng khiến bạn có những tư tưởng khẩn cấp và một sự khích lệ mạnh mẽ trong việc hành thiền cũng phát sinh. Thiền minh sát có thể dẫn bạn đến một nơi thoát khỏi những điều sợ hãi này.
Con người cũng có một điểm rất yếu nữa là không có quyền sở hữu. Ðiều này có vẻ kỳ lạ. Chúng ta được sinh ra, chúng ta bắt đầu có sự hiểu biết, chúng ta có tín nhiệm, phần lớn có việc làm và mua sắm với tiền lương của mình. Chúng ta gọi đó là tài sản của chúng ta. Và trong một mức độ tương đối, đó là những gì mà ta có. Không nghi ngờ gì về việc này. Nếu tài sản thật sự là của ta thì ta không bao giờ bị xa rời chúng. Nếu chúng bị vỡ hay mất, thì làm sao ta có thể gọi đó là của sở hữu của chúng ta? Trong ý nghĩa tuyệt đối của nó, khi con người chết, chẳng có thể mang theo được gì. Mọi vật chúng ta có được, chúng ta tồn trữ, thu vét, đều phải để lại. Bởi thế, có thể nói rằng, tất cả chúng sanh đều không có quyền sở hữu. Vào lúc chết, tất cả tài sản đều phải bỏ lại.
Của sở hữu chia làm ba loại. Bất động sản là những thứ ta không mang đi được như đất đai, nhà cửa, v.v… Theo tục đế, thì nó thuộc về bạn, nhưng bạn phải bỏ nó lại khi bạn chết. Loại tài sản thứ hai, là động sản, là những thứ ta có thể mang đi được như ghế bàn, áo quần, đồ dùng, v.v… Sau đó là kiến thức, mỹ thuật và khoa học, tài năng bạn dùng để duy trì cuộc sống và gia đình. Bao lâu chúng ta còn có một cơ thể lành mạnh thì tài sản, kiến thức rất cần thiết, tuy nhiên, không có một bảo đảm nào để tránh khỏi sự mất mát. Bạn có thể quên những điều bạn biết. Bạn có thể bị cấm đoán bởi chánh quyền, hay gặp những chuyện bất hạnh khác khiến bạn không thể xử dụng những hiểu biết của bạn. Chẳng hạn như bạn là một bác sĩ giải phẫu, nhưng chẳng may tay bạn bị gãy hoặc gặp những bất trắc khác khiến bạn bị loạn thần kinh nên bạn không thể tiếp tục nghề nghiệp của mình.
Không một loại tài sản nào trên đây có thể đem lại sự an toàn cho bạn ngay khi bạn còn đang sống trên mặt đất này nói chi đến đời sau. Nếu bạn hiểu rằng mình chẳng làm chủ một thứ gì cả, và sự sống này chuyển biến không ngừng, thì bạn sẽ cảm thấy an lạc nhiều hơn khi mọi đổi thay xảy đến cho bạn.
Gia Tài Thật Sự Của Chúng Ta
Tuy nhiên, có một thứ mà bạn phải mang theo khi chết: đó là nghiệp. Nghiệp là kết quả của những hành động của chúng ta. Nghiệp tốt và nghiệp xấu theo ta không rời bước. Ta không thể nào xua đuổi nó được dù ta có muốn đi nữa.
Sự tin tưởng rằng nghiệp là gia tài của bạn, khiến bạn hăng say trong việc hành thiền. Bạn sẽ hiểu rằng những hành động thiện là căn bản, là vốn đầu tư hạnh phúc trong tương lai, và hành động bất thiện sẽ đem lại cho bạn nhiều đau buồn sau này. Ðược như thế, bạn sẽ làm nhiều việc thiện phát xuất từ lòng từ ái. Bạn sẽ giúp đỡ cho bệnh viện, cho những người đau khổ vì thiên tai; bạn hỗ trợ cho những người trong gia đình, các bà con thân quyến, lo cho người già, người tàn tật và cô đơn, bạn bè, và những người cần sự giúp đỡ. Bạn muốn tạo một xã hội tốt đẹp hơn bằng cách giữ gìn giới luật trong sạch; có lời nói và việc làm hợp theo lẽ đạo. Bạn sẽ đem lại sự bình an cho mọi người xung quanh bằng cách hành thiền và chế ngự các phiền não đang dâng tràn trong tâm mình. Bạn sẽ tuần tự thành đạt các tuệ giác, và cuối cùng nhận chân được mục đích tối hậu. Tất cả các việc làm như bố thí, cúng dường, giữ gìn giới luật cũng như hành thiền đều sẽ theo bạn sau khi bạn chết như bóng với hình. Bởi thế, hãy cố gắng làm các việc lành!
Tất cả chúng ta đều nô lệ cho ái dục. Ðó là một điều hèn hạ xấu xa, nhưng đó là sự thật. Ái dục chẳng bao giờ no chán, vô chừng vô độ, không sao thỏa mãn nổi. Khi nhận được một vật chưa đúng ý mình, bạn tìm cách để có một vật khác. Và khi có được vật mình ưa thích rồi, bạn lại muốn được một vật mới lạ khác nữa. Lòng tham muốn không bao giờ được thỏa mãn. Ðó là bản chất cố hữu của con người. Túi tham không đáy! Tham ái không bao giờ thỏa mãn được tham ái. Nếu hiểu đúng đắn chân lý này, chúng ta sẽ không tìm kiếm sự thỏa mãn bằng cách tự hủy hoại mình như thế. Vì vậy, Ðức Phật nói: “Biết đủ là gia tài lớn lao nhất.”
Bạn hãy đọc câu chuyện về người đan rổ sau đây: Có một người đan rổ bình dị, luôn luôn vui sống với công việc của mình. Anh ca hát, và huýt sáo suốt ngày trong khi ngồi đan rổ. Tối đến, anh trở về căn chòi lá bé nhỏ của mình và ngủ một giấc ngủ ngon lành. Ngày nọ, một nhà triệu phú đi ngang qua chỗ anh bán rổ. Thấy anh nghèo nàn, nhà triệu phú thương hại và tặng một ngàn đồng.
Anh đan rổ nhận tiền với lòng biết ơn. Anh ta chưa từng có đến một ngàn đồng trong đời. Anh cầm tiền và trở về căn chòi xiêu vẹo của mình. Anh phân vân không biết nên cất ở đâu. Căn lều này chẳng an toàn chút nào. Suốt đêm anh trằn trọc không ngủ vì sợ trộm, sợ chuột cắn nát tiền.
Sáng hôm sau, anh đem túi tiền ra chỗ mình ngồi đan và bán rổ, nhưng anh không hát và huýt sáo như thường lệ, vì anh lo lắng cho số tiền. Tối đó, anh lại mất ngủ nữa. Sáng hôm sau, anh đem tiền trả lại cho nhà triệu phú và nói: “Xin hãy trả lại hạnh phúc cho tôi”.
Bạn có nghĩ rằng Ðức Phật không muốn bạn tạo kiến thức và uy tín, không muốn bạn hăng say làm việc để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình và dành dụm phòng khi đau ốm hay gặp cảnh khó khăn chăng? Không phải vậy! Bằng mọi cách, hãy xử dụng đời sống và trí thông minh của bạn để thỏa mãn các nhu cầu của mình một cách hợp pháp và lương thiện.
Hãy tri túc, bằng lòng với những gì mình đang có! Ðừng nô lệ cho lòng tham ái của mình. Ðó là thông điệp của Ðức Phật. Hãy suy tưởng về sự yếu kém của chúng sanh, để tận dụng tối đa thân thể và đời sống này trước khi nó quá già, quá bệnh, không đủ sức để hành thiền và trở thành một cái thây vô dụng.
Thiền sư U Pandita
03 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Giản dị nhất là hãy loại trừ dần những gì không có ích cho ta. Rõ ràng là khi chết, phần đông những gì ta ưa thích lúc còn sống không còn giúp ích gì cho ta được nữa, ít ra là không giúp trực tiếp. Thế là của cải, gia tài mà ta đã khó khăn lắm mới gom góp được, nay sẽ hoàn toàn vô dụng.
Chức vị, thanh danh, tên tuổi cũng thế… Người thân cũng không còn trực tiếp giúp ta được: cha mẹ, con cái, vợ chồng, y sĩ, bạn bè kể cả sư phụ hay đệ tử, không ai ngăn cản nổi cái chết, ngay cả những người mà ta đặt hết tin tưởng và trông cậy cả một đời.
Hãy suy nghĩ một chút. Hiển nhiên là khi ta nhắm mắt lìa đời, thân và tâm vi tế sẽ rời khỏi cái vỏ vật chất trước để hướng đến một nơi tái sinh khác, thì của cải và tài sản sẽ hoàn toàn vô dụng, trong ý nghĩa là ta không đem theo được gì cả. Đừng nghĩ rằng vì ta đã thành công và sung túc, ngay cả giàu có đi nữa nên ta có thể đầu thai trở lại cùng với tiền bạc của cải vật chất. Điều này không thể được. Hơn nữa, ta cũng không thể đem bất cứ ai đi theo ta, kể cả những người thân yêu nhất. Ngay cả khi ta cảm nhận được một sự ràng buộc rất mật thiết, trên phương diện tâm linh hay gì khác, với một số người nào đó, những sự ràng buộc này cũng không còn “ích lợi” nữa, trong ý nghĩa là họ không có cách nào đi theo ta một quãng đường xa hơn.
Sự thật, chết nghĩa là thân và tâm vi tế phải tiếp tục con đường của mình để hướng đến một cuộc sống mới, nhưng không thể đem theo những gì mà mình đã sở hữu suốt cả cuộc đời vừa mới chấm dứt, cũng không thể dắt theo một người nào, dầu thân thiết đến đâu đi nữa. Vả lại, ngay cả cái thân thể nhờ những nghiệp lực đặc thù nào đó mà ta đã lấy được lúc phôi thai và đã sử dụng từ đầu đến cuối cuộc đời, chính cái thân thể gần gũi và trung thành với ta dường ấy, ta cũng bắt buộc phải bỏ lại sau lưng.
Nói tóm lại, tất cả những gì mà suốt đời chúng ta đã gọi là “của tôi”, đã nói là “thuộc về tôi”, “tôi có”, thì khi chết đi đều không thuộc về ta nữa, mà sẽ lọt vào tay những chủ nhân khác, cũng một cách tạm bợ không kém.
Điều này áp dụng cho tất cả: tiền bạc, quần áo, nhà cửa, và ngay cả thân thể – thi thể – không còn là của ta, mà sẽ thuộc về những người ở lại, những người thừa kế của ta v.v… Và rồi có một ngày, họ cũng sẽ phải trải qua cảnh huống ấy.
Thế thì tất cả những của cải vật chất mà ta sở hữu trong suốt một đời, ta đều phải để lại khi chết đi, và chúng qua tay người khác. Còn đối với người thân, những người gần gũi nhất – cha mẹ, con cái v.v… – thì chết có nghĩa là phân ly với họ, vĩnh viễn. Ta sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa. Nói thế không có nghĩa là chúng ta sẽ không gặp lại họ trong những kiếp tái sinh, nhưng chắc chắn là sẽ không như trước nữa. Phải, chúng ta có thể gặp lại họ, nhưng trong những bối cảnh hoàn toàn khác biệt, trong ấy mỗi người sẽ có một địa vị không giống chút nào với những quan hệ mà ta đã đan kết trong kiếp sống này, những quan hệ mà ta hằng tha thiết.
Để diễn tả tất cả những cảnh phân ly và nhấn mạnh tính chất vĩnh cửu của chúng, đức Phật đã dùng đến đủ loại thí dụ minh họa, nhất là trong kinh Phổ Diệu, Đức Phật đã gợi đến cảnh lá rụng mùa thu. Khi trời trở lạnh và gió thổi mạnh, những chiếc lá trong tán lá hài hòa của ngọn cây bắt đầu rơi xuống và bay tán loạn theo cơn gió lốc. Sau đó, việc cố nhặt chúng về và gắn trở lại lên những cành cây xưa kia để hồi phục tán lá cũ là một công việc vô ích, không thể làm được.
Những chiếc lá cây một khi phân tán thì vĩnh viễn không tụ họp được với nhau nữa, giống như những cuộc phân ly sau cái chết, không thể vãn hồi được. Đức Phật dạy rằng không ai có thể phục hồi những hoàn cảnh y như trước. Ngài cũng lấy thí dụ của một dòng nước chảy, nó chảy xuống phía dưới và không bao giờ, không bao giờ chảy ngược về nguồn.
Vậy thì điều gì có thể có ích lúc ta chết? Để nhận thấy được, ta phải bắt đầu bằng kiểm nghiệm xem ta có thể mang gì theo khi chết đi. Theo Phật giáo, khi ta lìa một cuộc đời để hướng đến một kiếp tái sinh khác, ta chỉ có thể vỏn vẹn mang theo những gì đã tiêm nhiễm trong tâm, hay chính xác hơn, trong dòng tâm thức. Cái gì đã lắng đọng xuống trong dòng tâm thức? Cũng theo Phật giáo, đó là những “dấu ấn”, hay cũng gọi là những “tiềm năng”. Mỗi khi ta tác động lên một trong 3 bình diện thân, khẩu, ý là ta để lại trong tâm một dấu vết, một năng lượng hay một tiềm năng. Và ta chỉ có thể tác động theo hai phương cách: một là xấu, hai là tốt. Kết quả là những tiềm năng mà chúng ta tích tập theo thời gian có thể hoặc tốt hoặc xấu, tùy theo những hành vi phát khởi ra chúng: nếu mang lại lợi ích thì là thiện, ngược lại nếu tệ hại thì là ác.
Nói thế thì điều gì có lợi cho ta khi ta chết? Chúng ta sẽ mang theo, dầu muốn dầu không, tất cả những tiềm năng mà chúng ta đã tàng trữ. Lẽ dĩ nhiên những tiềm năng xấu không thể giúp ích cho ta. Ngược lại, chúng còn gây hại cho ta. Vậy thì cái gì còn lại để ta có thể nhờ cậy vào? Chỉ có những tiềm năng tốt mà thôi. Nếu trong suốt cuộc đời vừa qua chúng ta đã thường xuyên và mạnh mẽ thực hiện những hành vi tốt, chính đáng và vị tha, thì các tiềm năng phát sinh sẽ đi theo chúng ta và rất có lợi cho chúng ta. Chỉ có những hành vi này mà thôi. Ngoài ra, không có gì khác!
Diệu Hạnh
382/398Đầu«...10...381382383...390...»Cuối
Các Phúc Đáp Gần Đây