Tha Thứ

Tha ThứThử một lần trượng phu

Một giai thoại kể rằng, chú tiểu nọ có tật xấu hay ăn cắp vặt và lúc nào cũng cãi chối. Nhiều lần các huynh đệ trình báo cho sư phụ biết nhưng không thấy sư phụ nói năng gì cả. Một hôm bắt gặp quả tang, các sư huynh đệ liền áp giải chú đến trước sư phụ và đều cùng quỳ xuống thưa: “Nếu sư phụ không đuổi sư em này đi thì chúng con sẽ bỏ đi hết”. Nhìn qua một lượt thấy nét nặt người nào cũng rất căng thẳng vì ấm ức còn riêng sư em thì rơm rớm nước mắt vì lo sợ, vị sư phụ liền ôn tồn nói: “Ta thấy các con đã đủ khôn lớn để chọn lựa việc phải trái nên các con muốn đi đâu thì đi, ta không ngăn cản vì không phải bận tâm nữa. Riêng sư em này còn nhỏ dại quá, chưa biết tội phước là gì nên phải cần ở lại với ta”. Khi ấy chú tiểu bật khóc nức nở và các huynh đệ kia ai nấy cũng đồng cảm kích trước tấm lòng vị tha cao cả của sư phụ. Các huynh đệ đó đã hiểu ra rằng nếu có người phạm lỗi là đón nhận bản án bị đuổi đi ngay lập tức thì chắc chắn trong tương lai sẽ khó có ai được ở lại để tu tập bền lâu với sư phụ vì ai mà không có những giây phút lỗi lầm. Về sau, chú tiểu kia trở thành một thiền sư lỗi lạc và danh tiếng.

Sống mà chỉ biết dựa vào những nguyên tắc cứng nhắc thì làm sao điều phục được con người, vì nguyên tắc vốn cố định còn bản chất con người thì muôn hình vạn trạng và liên tục đổi thay.

Phải có một nhận thức thấu đáo và nội lực vững vàng thì ta mới làm được cái quyết định sấm sét như vị sư phụ đó. Ông đã không ngại người đời hiểu lầm ,chê trách cũng không sợ các môn đồ bất mãn bỏ đi. Ông thà chịu mất lòng người khác chứ không chịu làm trái với đạo lý từ bi mà ông đang sống và giảng dậy cho môn đồ.

Mà cũng không phải vì đạo lý hay nguyên tắc nữa, đó chính là tình thương vô điều kiện của một người đã vuợt thoát ra ngoài sự khống chế và trói buộc của phiền não.

Ta có làm được như vị sư phụ đó không? Chỉ cần một nhận thức đứng đắn về nguyên nhân sâu xa của kẻ gây ra lỗi lầm, có một trái tim đủ lớn để chứa đựng thì tha thứ sẽ không còn là sự thực tập khó khăn nữa vì bản chất của nó tùy thuộc rất ít vào đối tượng. Biết đâu nhờ vào lòng vị tha của ta mà kẻ kia tỉnh ngộ và thay đổi cuộc đời, đó chẳng phải là việc làm cao cả của một bậc trượng phu sao?

Lỗi lầm này của ai?

Đời sống với khuynh hướng hưởng thụ đã khiến cho ta không có nhiều cơ hội để nuôi dưỡng và bảo vệ những đức tính quý báu trong tâm hồn, thậm chí ta còn liều lĩnh chấp nhận chịu hư hao những hạt giống tốt đẹp ấy để đổi lấy những thỏa mãn, tiện nghi. Khi đời sống tinh thần trở nên yếu kém thì chắc chắn ta sẽ gây ra ít nhiều những vụng về trong cách hành xử với người chung quanh hay lỡ chân trượt vào cạm bẫy.

Lúc đầu ta hay có thói quen đổ thừa cho hoàn cảnh, trách đời trách người nhưng khi tâm tư lắng đọng ta mới thấy rõ chính nhận thức sai lầm và nội lực yếu đuối của ta mới là nguyên nhân gốc rễ gây ra tất cả những vụng về, lầm lỡ đó.

Vừa mặc cảm ăn năn, vừa hốt hoảng lo sợ, tâm tư vốn sa sút giờ lại càng sa sút hơn. Nếu không có cánh tay hết lòng nâng đỡ của người thương yêu đưa tới, mà còn phải chịu thêm áp lực của những người chưa hiểu, chưa cảm thông thì có thể ta sẽ lún sâu vào vũng lầy lầm lỗi hay sẽ chọn giải pháp tồi tệ nhất để mong tìm một lối thoát thân.

Tôi được nghe kể về một em sinh viên vì không được toại ý về kết quả điểm thi, cho rằng các thầy cô đã cố tình chèn ép mình nên đã đối xử rất hung bạo với Ban Giám Hiệu nhà trường. Sự việc đáng tiếc này đã gây xáo trộn rất lớn trong dư luận. Thầy cô và bạn bè gần như tẩy chay em, gia đình đã trách giận và không muốn nhìn mặt em, những người chung quanh đã không tiếc lời cay đắng buộc tội và háo hức muốn trừng phạt em với một bản án tù xứng đáng. Kết quả là vài tuần sau đó, em đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng và trở thành bệnh nhân tâm thần cho đến nay.

Đúng là em đã phạm sai lầm, em đã từng là người của công chúng, là học sinh gương mẫu, đại diện thế hệ trẻ năng động và sáng tạo qua cuộc thi tài năng trẻ… Nhưng nếu nhìn cho thấu suốt, ta sẽ thấy hành động sai lầm của em hôm nay không chỉ của riêng bản thân em thôi , nó còn liên hệ sâu xa đến nhiều đối tượng đã và đang ảnh hưởng đến đời sống của em. Ta không thể nào nói em là một cá thể biệt lập, không có liên can gì tới ta. Không đâu, tất cả chúng ta đều có một phần trách nhiệm trong đó hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.

Nếu gia đình chăm sóc đời sống tinh thần của em kỹ lưỡng hơn, bạn bè và môi trường chung quanh tiết chế được những năng lượng tiêu cực hơn, tôn giáo kịp thời đem tới cho em những phép thực tập có khả năng chế ngự những cảm xúc trong lòng hơn, học đường trao truyền cho em đầy đủ vốn liếng đạo đức và có tình thầy trò hơn, an ninh xã hội quản lý chặt chẽ hơn các nguồn phim ảnh hay trò chơi điện tử có tính chất bạo động, kinh tế phát triển cân đối hơn để con người bớt bận rộn, có nhiều cơ hội tìm hiểu và thương nhau nhiều hơn… thì chắc là em không dễ lạc vào nẻo đường tăm tối như vậy.

Ta nỡ đổ hết trách nhiệm này lên vai em thì sao em gánh nổi. Em sẽ gục ngã và mất hết tương lai và ta cũng sẽ mất dần những người em tiếp nối ta đi về tương lai. Những người em đó là tương lai của chúng ta. Em đã mắc phạm sai lầm và em cần được cứu giúp, đó là con đường thoát cho em và cho cả chúng ta. Ta đừng nên để sự giận hờn và thất vọng quá mức khiến ta trở thành kẻ thờ ơ, vô trách nhiệm, để rồi ngoảnh mặt quay đi hay thẳng tay trừng trị hết những người em nhất thời non dại.

Xin cho một con đường

Ta cũng chớ nên cho mình cái quyền lên án, buộc tội kẻ khác. Nếu chúng ta vẫn còn có những vụng về, mắc phải những lầm lỡ, dù người đời chưa biết đến thì chúng ta cũng không thể nào tự cho mình là trong sạch mà tùy tiện dán nhãn hiệu xấu xa lên đầu kẻ vừa phạm lỗi. Hãy cho người kia một cơ hội để chuyển hóa, vì như vậy cũng chính là ta đã tự cho mình một con đường thoát trong tương lai.

Vậy nên tha thứ là chất liệu quan trọng của bản chất thương yêu. Khi thiết lập bất cứ một liên hệ tình cảm nào, nếu ta ngây ngô nghĩ rằng người kia chắc chia từng lầm lỗi thì ta sẽ khổ và sẽ làm người thương của ta khổ. Đời sống còn chìm trong vô minh thì không thể tránh khỏi hành vi không tự chủ. Vấn đề là ta có khả năng chấp nhận và tha thứ rồi tìm cách giúp họ vượt thoát tình trạng hay không chứ không phải mong muốn người kia toàn hảo thì ta mới có thể yêu thương.

Tất nhiên là tùy vào mức độ sai lầm của người kia mà ta nên thể hiện cách tha thứ nào hiệu quả nhất, tại vì điều đó cũng có tính chất quyết định cho sự chuyển hóa hay khinh lờn của đối tượng. Cho dù cách thức nào đi nữa, thậm chí ngay cả sự lựa chọn không tha thứ ngay thì ta cũng đừng quên tự hỏi mình một câu hỏi quan trọng: Ta làm vậy vì người kia hay vì chính ta? Coi chừng ta đang bị thúc đẩy bởi sự tự ái hay tổn thương của bản ngã ích kỷ mà cứ ngỡ là vì người kia.

Nếu thật sự vì tương lai của người kia thì ta phải đủ sáng suốt và can đảm để thu gọn cảm xúc buồn giận trách móc của mình, tìm cách ứng xử với người kia như thế nào để họ sớm hồi phục. Chỉ cần kiểm tra lại tâm ý, lời nói và hành động của mình có xuất phát từ tình thương hay không là ta đủ yên tâm để làm quyết định.

Cho dù người kia có đứng ra bày tỏ sự ăn năn hối cải một cách thành khẩn hay không thì ta cũng nên nhớ rằng đó chỉ là hình thức để ta thấy được thái độ muốn sửa chữa sai lầm và cũng nên xem đó là một biên bản ngầm ký kết cho sự hợp tác giúp đỡ nhau. Ta đừng để mình bị kẹt vào những hình thức thể hiện bên ngoài mà không thấy được trái tim của người kia. Ta đã từng chứng kiến có rất nhiều người sẵn sàng buông xuôi tất cả nếu kẻ phạm lỗi chịu quỳ xuống cầu khẩn thiết tha, nhưng họ lại sẵn sàng đóng chặt trái tim khi người kia không biết đem sự hối cải trong tâm ra trình diễn cho đẹp lòng họ.

Khó vượt qua chính mình

Ta có thể đặt cho mình câu hỏi tại sao ta khó có thể tha thứ cho người kia? Ta chỉ thường chỉ nghĩ một chiều là do mức độ vi phạm của họ quá lớn nhưng tại sao cũng có trường hợp như vậy mà có người lại hành xử khác ta?

Có khi ta chịu nhiều áp lực từ những khó khăn trong cuộc sống hoặc đang bế tắc khổ đau vì những phiền não trong lòng, nên ta không còn đủ năng lượng để ngồi xuống lắng nghe hay không còn đủ thiện chí để tìm hiểu về lỗi lầm của người kia nên ta đã có những phán xét rất vội vàng.

Trường hợp này do ta sa sút về nội lực

Có khi người kia đã cố gắng hết sức nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm và chưa đủ cứng rắn nên để điều đáng tiếc phải xảy ra. Trong khi đó, ta lại tưởng là người kia đã không nhiệt tình; hoặc người kia do họ vụng về nhất thời mà buông ra những hành vi thất lễ nhưng ta lại cho rằng người kia đang rất khinh thường và có ý muốn loại trừ ta. Trường hợp này ta bị vướng vào trí tưởng tượng sai lầm.

Có khi người kia vì u mê dại dột hay vì yếu đuối nên không thoát khỏi vũng lầy đam mê để cho lỗi lầm cứ lập lại nhiều lần như một điệp khúc; hoặc ta chưa từng chứng kiến một người có thể gây ra lầm lỗi tày trời như vậy; hoặc ta chưa có thói quen tha thứ cho kẻ có quá nhiều ân tình với ta như vậy mà lại đang tâm phản bội ta. Trường hợp này, khả năng chứa đựng tình thương của trái tim ta còn quá nhỏ, chưa có cơ hội mở rộng ra.

Có khi người kia mắc những sai lầm không đáng kể nhưng vì tính ta vốn quá chỉnh chu, đòi hỏi mọi việc phải hoàn hảo nên lúc nào cũng canh chừng lỗi lầm của người khác để kết tội; hoặc do ta không hề quan tâm đến hoàn cảnh hay trình độ nhận thức của người khác, chỉ muốn áp đặt theo hình thức của riêng mình. Trường hợp này, ta bị kẹt vào sự cố chấp và định kiến, đó một loại bản năng tự vệ rất cổ hủ.

Có khi sự việc diễn ra ta đã liền bực tức và vội vàng tuyên bố đoạn tuyệt, sau khi điềm tĩnh nghĩ lại thì thấy mình cũng hơi quá đáng, nhưng muốn kẻ phạm lỗi kia phải thành khẩn biểu lộ sự ăn năn thì ta mới chịu bỏ qua. Lỡ như người kia thiếu ý thức hay cứng đầu thì lỗi lầm ấy sẽ biến thành bản án treo không rõ ngày kết thúc. Trường hợp này, ta là kẻ yếu đuối, hành xử theo cảm tính.

Có khi người ta phạm những lồi lầm với ta vô cùng nghiêm trọng, hay có ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của ta; hoặc ta đã muốn tha thứ rồi nhưng lại sợ người khác cười chê ta thiếu kỷ cương nề nếp hay dung túng cho kẻ làm điều xấu; hoặc ta e ngại nếu tha thứ quá dễ dàng thì người kia sẽ ỷ lại, chẳng coi ta ra gì.Trường hợp này, ta bị kẹt vào danh dự, thực chất cũng là một loại nghiện cảm xúc, một loại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân.

Tất cả những trường hợp không thể tha thứ vừa nêu đếu có cùng một nguyên do chính là sự vướng kẹt vào bản ngã. Vì quá nâng niu bản ngã nên ta chỉ nghĩ đến những điếu có thể đem lại lợi ích thiết thực cho chính ta thôi. Đó chính là căn bệnh vị kỷ truyền kiếp, hành tung của nó hết sức tinh vi và phức tạp, nếu thiếu quan sát tinh tế thì ta rất dễ bị nó đánh lừa là ta đang vì kẻ khác.

Càng vị kỷ thì càng không thể vị tha trong khi tình thương phải bắt nguồn từ trái tim biết buông bỏ bớt những cái riêng của mình để chia sẻ đến tha nhân, vì tha nhân cũng chính là một phần đời sống của ta. Không có tha nhân thì không có tình thương, làm sao ta sống nổi khi đời sống không có tình thương?

Thà là ta cứ tha lầm thì mức độ hối tiếc sẽ thấp hơn nhiều so với chấp lỡ. Bởi khi nhận ra chính thái độ cố chấp của ta ngày ấy đã đẩy người kia rớt xuống vực thẳm của khổ đau thì ta sẽ gánh chịu mặc cảm ăn năn suốt đời. Còn khi phát hiện ra quyết định tha thứ của ta đã không mang tới hiệu quả thì ta vẫn còn nhiều cơ hội để cứu được, vì trái tim ta đang trong chiều hướng nở ra và mạnh mẽ chứ không co rút lại.

Điều đáng sợ nhất là trong quá trình thương yêu, ta đã để cho trái tim mình trở nên bé nhỏ và không còn là vật rung cảm linh thiêng nữa.

Này bạn! Tôi không có ý khuyên bạn hãy trở thành bậc thánh để sẵn sàng tha thứ hết mọi lầm lỡ của con người. Nhưng nếu trái tim bạn còn sức chứa đựng thì đừng suy tính gì nữa, hãy tha thứ cho nhau đi. Tha thứ luôn là linh dược màu nhiệm có thể trị liệu mọi nỗi khổ niềm đau cho người được tha thứ và cho cả người tha thứ.

Mắm muối không hề mặn
Với lượng cả dòng sông
Lỗi lầm kia bé nhỏ
Với cõi lòng mênh mông…

Hoài Niệm

Y Pháp Bất Y Nhân (Tu Theo Giáo Pháp Của Phật Chứ Đừng Nương Tựa Vào Người)

Y Pháp Bất Y Nhân…Con gái tôi hằng ngày thường đi chùa gần nhà và có một vị … ở trong chùa lại bảo với con gái tôi rằng má con làm như vậy coi chừng “Dục Tốc Bất Đạt”, câu nói này làm cho tôi hơi thối chí. Vậy kính mong chư vị là người đã tu theo pháp môn Tịnh Độ này thời gian dài và có nhiều kinh nghiệm, xin hãy cho tôi một lời khuyên là tôi làm như vậy là đúng hay là sai, có phải dục tốc bất đạt không?

Trả lời:

Ngài Ấn Quang Đại Sư dạy, người tu hành mà không nguyện vãng sanh, thì dù cho tu hành có giỏi cho mấy thì thời nay cũng không thể thoát ly sanh tử luân hồi. Người không nghe lời Tổ Sư thì tự mình tu theo đường ma đạo vậy.

Ngài dạy, người niệm Phật mà chỉ lo cầu phước báu nhân thiên thì chẳng khác gì kẻ đem viên ngọc như ý, đáng giá liên thành, đổi lấy tán kẹo của con nít. Thật quá oan uổng! Ngài dạy, chân tâm chúng ta là Phật mà không chịu nguyện về Tây-phương, mà chỉ lo mấy thứ phước báu hữu lậu, thì thật quả là kẻ vô minh!

Ngài Tĩnh Am Đại Sư dạy, người lo tu hạnh làm phước, dù cho phước báu lớn tới đâu thì việc thoát ly sanh tử cũng không thể thực hiện. Ngài nói: Việc thiện càng lớn, sanh tử càng nặng, khi chết một niệm luyến ái nổi lên nhất định bị vạn kiếp trầm luân. Tổ Sư dạy người niệm Phật cầu vãng sanh, người mà chỉ lo tu thiện phước mà không cầu vãng sanh thì đáng thương hại lắm vậy!

Ngài Thiện Đạo Đại Sư dạy, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì vạn người tu vạn người vãng sanh, gọi là muôn người tu muôn người chứng. Ngài nói, dù niệm Phật chưa được nhất tâm bất loạn, nhưng nếu tổ chức hộ niệm cẩn thận thì người nào cũng được vãng sanh. Là Tổ Sư đâu thể nói giỡn chơi!

Ngài Trung Phong Pháp Sư dạy, người niệm Phật mà không cầu vãng sanh, thì dù công phu có cao cho mấy cũng chỉ là hư vọng, vì đã làm sai lời Phật dạy. Chúng ta tu theo lời Phật dạy, hay tu theo người nói sai lời Phật dạy?

Ngài Liên Trì Đại Sư dạy, ba tạng kinh, mười hai phần giáo ai muốn nghiên cứu cho ngộ đạo thì cứ việc nghiên cứu, tám vạn bốn ngàn pháp môn ai muốn tu trì thì cứ việc tu trì, riêng Ngài chỉ niệm câu Phật hiệu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ. Ngài còn nói, người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ chính là người thượng căn, còn những người tu theo các cách khác, nếu không là hạ căn thì cũng chỉ trung căn là cùng. Tại sao vậy? Vì chỉ có người niệm Phật cầu vãng sanh mới một đời thoát ly sanh tử luân hồi, bất thối thành Phật. Tổ Sư dạy vậy, tại sao chúng ta còn ngồi đây lý luận làm gì? Không có đường tu nhất định, rõ ràng, khi luống qua đời này (nghĩa là chết, mất phần vãng sanh) thì biết kiếp nào gặp lại Phật pháp nữa để lo chuyện giải thoát đây?

Ngài Quán Đảnh Đại Sư dạy: Thời mạt pháp này tất cả kinh sám không còn có khả năng cứu độ nổi chúng sanh, chỉ còn câu Phật hiệu A-Di-Đà Phật mới làm nổi. Tại sao vậy? Vì nghiệp chướng chúng sanh trong thời mạt pháp này quá nặng, nhất định không thể tự chứng đắc, nếu không niệm Phật thì quyết chắc sẽ bị lọt lại trong sáu đường đau khổ. Bây giờ nói giỏi nói hay, đến khi chung cuộc (tức là lúc sắp chết) đành phải khóc ròng! Lúc đó dẫu cho ân hận cũng đâu còn kịp nữa?…

Ngài Lý Bỉnh Nam dạy, người thời này mà không chịu niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì nếu không phải kẻ ngu si cũng là thứ cuồng vọng!

Ngài quyết lòng dạy người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Trong đời Ngài đã cứu rất nhiều người vãng sanh Tây-phương Cực-lạc.

HT Tịnh Không nói, người nào không chịu niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, nếu không phải là kẻ ngu si thì cũng là người cuồng vọng! Nhưng xét cho cùng, cuồng vọng cũng là ngu si…

Vì thiếu trí huệ mới nghi ngờ lời Phật. Vì cống cao ngã mạn mới chống lại lời Phật. Người không theo pháp Phật làm sao gọi là đệ tử Phật? Không phải đệ tử Phật thì muốn nói sao nói, muốn làm sao làm, muốn đọa lạc ở đâu lại chẳng được! Trong những đạo tràng của Ngài, ngoài việc niệm Phật cầu vãng sanh, tuyệt đối Ngài không cho phép bất cứ một hình thức tạp tu nào. Trong những năm qua, vô số người niệm Phật vãng sanh ở khắp nơi, hầu hết suy cho cùng đều nương nhờ vào lời pháp của Ngài.

Tất cả chư Tổ Sư đều dạy chúng sanh trong thời mạt pháp này hãy niệm Phật cầu sanh Tây-phương Cực-lạc để vãng sanh một đời thành đạo. Chúng ta nên thành tâm nghe theo lời chư Tổ Sư dạy để tu hành là an ổn nhất.

Thực ra, không phải chỉ có chư Tổ Sư dạy, mà đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật cũng dạy rất nhiều trong kinh điển.

Kinh A-Di-Đà, bốn lần Phật dạy rằng, phải phát tâm nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc. Người nào nghe Ngài thuyết về cõi Tây-phương mà tin tưởng, phát nguyện vãng sanh, rồi chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật niệm từ một ngày đến bảy ngày chuyên lòng nhất tâm thì khi lâm chung A-Di-Đà Phật và chư Thánh chúng sẽ hiện ra tiếp dẫn về Tây-phương Cực-lạc quốc. Phật dạy rõ ràng, tại sao không tin theo? Phật không bao giờ vọng ngữ, tại sao người Phật tử lại nghi?

Kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói không biết bao nhiêu lần, dạy chúng sanh phải một lòng niệm câu Phật hiệu cầu vãng sanh. Nếu người nào tin tưởng, phát nguyện vãng sanh, và chuyên nhất niệm câu Phật hiệu thì dẫu mười niệm (trước phút lâm chung) mà không được vãng sanh thì A-Di-Đà Phật thề không thành Phật. Tại sao ta không y giáo phụng hành để vãng sanh thành Phật, mà lại chạy theo người thế tục nói?

Kinh Đại Tập Phật dạy, thời mạt pháp này (dù cho) vạn ức người tu hành, khó tìm thấy một người chứng đắc (nghĩa là khó vượt sanh tử luân hồi). Nhưng Phật lại nói, chỉ có người nào trì giử pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì được thoát luân hồi.

Kinh Hoa Nghiêm, Thiện-Tài Đồng Tử đã chứng đắc pháp thân, người thầy căn bản là Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-tát dạy niệm Phật. Thiện Hữu Tri Thức mà Ngài đi tham phỏng, thì vị đầu tiên là ngài Đức-Vân dạy niệm Phật, vị cuối cùng là Phổ-Hiền Bồ-tát dạy mười đại nguyện vương cầu sanh Tây-phương Cực-lạc (Nghĩa là cũng niệm Phật cầu vãng sanh). Bồ tát minh Tâm kiến tánh mà còn phải niệm Phật, tại sao chúng ta không chịu niệm Phật?

Nhiều lắm, nhiều lắm. Tất cả kinh điển đều dạy chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Nhất là thời mạt pháp này, Phật dạy, nếu không chịu niệm Phật thì nhất định khó có thể thoát ly sanh tử luân hồi. Không thoát ly sanh tử luân hồi, thì tu có giỏi cho mấy vẫn phải chết trong sanh tử luân hồi. Quyết định khó có thể thành đạo giải thoát!

Tu mà không thành đạo thì tu làm chi cho uổng sức vậy?

Phật dạy đường thành đạo cho chúng sanh, ta tu hành mà không theo pháp Phật, không theo lời Phật, lại dạy chúng sanh đi ngược lời Phật dạy, làm cho chúng sanh mất phần giải thoát, mất phần thành tựu, thì tội lỗi này ai sẽ chịu thay cho mình đây?

Cho nên, dạy người tu không đúng theo kinh Phật rất có tội. Tội lớn lắm!

Phật dạy thời mạt pháp tu hành phải “Y pháp bất y nhân”. Nghĩa là, phải y đúng theo pháp Phật tu hành, không được theo bất cứ người nào cả. Nói rõ hơn, người nào nói đúng kinh pháp thì nghe, người nào nói ngược kinh pháp thì tuyệt đối không được nghe. Nếu ai nhẹ dạ nghe theo thì bị đọa lạc ráng chịu.

Lúc ta bị đọa lạc, nhất định không ai cứu nổi ta đâu.

Như vậy ta phải theo lời Phật để một đời này vãng sanh thành đạo, chứ tại sao lại theo những người nói ngược lời Phật, mà đành phải mất phần về Tây-phương, bị kẹt lại trong cảnh vô thường chịu nạn?

Đạo Phật là đạo cứu chúng sanh thoát vòng sanh tử, vãng sanh thành Phật, chứ đạo Phật đâu phải bắt chúng ta phải ở lại cõi Ta-bà này chịu cảnh ngũ trược ác thế để bị đọa lạc. Vậy thì người tu học Phật sao không lo chuyện thành đạo, lại cứ nắn né ở lại chốn vô thường này để tiếp tục chịu vô thường?

Tu theo đúng pháp Phật tại sao lại nói là “Dục tốc bất đạt”. Không cầu về Tây-phương, tức là muốn chúng sanh ở lại cõi vô thường này vô lượng kiếp để chịu nạn à? Chư Tổ Sư đều dạy: Sanh tử sự đại, phải quyết lòng thoát ly sanh tử. Rõ ràng việc sanh tử là điều tối hệ trọng, cần phải giải quyết. Muốn giải quyết sanh tử trong một đời này chỉ có Niệm Phật cầu vãng sanh, thì mười niệm tất sanh. Phật đã cho chúng sanh một con đường thẳng tắt để thành đạo, tại sao lại không đi?

Không đi mà còn cản ngăn người khác con đường thành đạo, thì thật là đại tội! Đại tội!

Trong kinh Phật dạy, “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp, thì danh ma nghiệp”. (Quên đường thành đạo, mà lo tu các thứ thiện pháp thế gian, thì dù có làm thiện lành cho mấy đi nữa cũng chỉ là ma nghiệp). Tại sao vậy? Vì đánh lạc mất hướng vãng sanh thành đạo của chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh trong các ngã đường sanh tử luần hồi, xui khiến họ không theo đường Phật dạy, lại đi theo con đường lẩn quẩn để sau cùng chịu nạn. Đây chính là ma nghiệp, ma đạo chứ còn gì nữa?

Thôi, xin đạo hữu hãy sáng suốt tự quyết định lấy. Đạo hữu hãy tự quyết định đường tu. Chỉ có chính đạo hữu quyết định tương lai của chính mình. Không ai giúp được đạo hữu đâu.

A-Di-Đà Phật.

Diệu Âm

Suy Ngẫm Về Sự Thật Cuộc Đời

Suy Ngẫm Về Sự Thật Cuộc ĐờiCó lẽ ai trong mỗi chúng ta có mặt trên cõi Ta Bà này đều không thoát khỏi luân hồi sinh tử, bánh xe ấy luôn chuyển xoay trong lục đạo qua từng thế kỷ không ngừng nghỉ. Đau khổ tột cùng khi người thân yêu bên cạnh ta tự nhiên ra đi mãi không về, ái tình đang cháy bỏng chợt gãy đổ, địa vị danh vọng bỗng chốc tiêu tan… Ấy vậy mà đã có không ít người nhận ra được sự thật phũ phàng đó, họ vẫn mải miết lê bước chạy theo vòng xoáy cuộc đời tìm kiếm danh lợi, để rồi khi quay đầu nhìn lại tất cả mọi việc đã quá muộn màng.

Hôm nay ngày 14/3 năm Canh Dần, sau khóa lễ sám hối buổi sáng đã xong, từ sân thượng nhìn ra phía bầu trời trước mặt chỉ toàn là một màu đen. Lúc này trời chưa sáng hẳn, ngồi một mình tôi bắt đầu suy nghĩ về cuộc sống của mình trong suốt những tháng năm qua, nghĩ về những người giàu có cho đến những kẻ bần cùng trong xã hội, và cả những người đang sống một cuộc đời phạm hạnh.… Tất cả như những thước phim lần lượt hiện về trong suy nghĩ của tôi.

Cuộc đời lặng lẽ trôi, nó luôn là một dòng chảy vô tận, từ thế hệ này qua thế hệ khác không ngừng nghỉ. Mới ngày nào đó, tôi vẫn là một đứa trẻ vô tư được Mẹ chở đến trường bằng chiếc xe đạp cũ, vậy mà giờ đây tôi cũng giống như Mẹ ngày xưa, cũng chở con đến trường mỗi ngày như Mẹ. Ký ức tuổi thơ vẫn còn nguyên vẹn chưa hề phai nhạt trong tôi, thế mà thời gian trôi đi thật là nhanh quá!

Còn nhớ cái ngày cả thế giới xôn xao “Ngày tận thế năm 2000, sự cố Y2K…”, vậy mà đã 10 năm rồi còn gì. 10 năm đã qua mà con người vẫn chưa tìm được đâu là đích cuối cùng để đến, họ vẫn chạy, và tôi cũng vẫn chạy… Càng nghĩ càng xót xa cho cuộc đời dâu bể, sống trọn kiếp người mấy ai thoát khỏi sự cám dỗ của lợi danh? Mấy ai quán được cuộc đời là vô thực? Mấy ai biết quay đầu tìm về đến cội gốc Tâm sẵn có trong mình? Cuộc sống trong “ngôi nhà lửa” thế gian thật là chật chội và ngột ngạt, nó đầy ắp sự toan tính thiệt hơn. Tại sao chúng ta không tự nghĩ rằng “ Những cái có được ngày nay không bao giờ là vĩnh cửu, những thứ ta nắm giữ trong tay không phải là của ta, nó chỉ là ảo ảnh của cuộc đời do ta đem lại, để đến một lúc nào đó ta cũng phải bỏ lại tất cả mà thôi”.

Giấc mơ rồi cũng sẽ kết thúc khi cuộc sống này chấm dứt, giàu sang tột đỉnh thì cuối cùng cũng tay trắng ra đi, sẽ chẳng được gì khi ta không còn nữa, có còn lại chăng chỉ là cái nghiệp ta mang theo. Biết được vậy sao ta ta không ươm mầm cái Tâm thật tốt cho hạt giống Bồ Đề ngày một nảy nở? Mỗi ngày xung quanh ta có biết bao nhiêu chuyện trái ngang diễn ra. Giàu có danh vọng chưa hẳn là hạnh phúc, bởi vì đằng sau lưng nó ẩn lấp một sự nơm nớp lo sợ, có người vì mải lo kiếm thật nhiều tiền, tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội mà quên đi cái hạnh phúc gia đình đang dần hủy hoại. Con không được sự chăm sóc của Cha Mẹ, nó chỉ biết tung phí thừa hưởng mọi sự giàu sang mà Cha Mẹ để lại, nó chỉ biết tiêu tiền mà không biết giá trị của đồng tiền… và để rồi khi nhìn lại con mình thì chúng ta không còn cách cứu vãn. Xã hội ngày một phát triển kéo theo sau nó cũng không ít những tiêu cực, trẻ em lạm dụng quá nhiều với những trò chơi vô bổ mà quên đi việc học tập, thanh niên thì lao vào tập tành hút sách, vũ trường… Đó là nói đến những người thuộc tầng lớp thượng lưu. Còn những người lao động chân tay bần cùng trong xã hội họ cũng gặp không ít những trái ngang, cuộc sống đã lam lũ vất vả đôi khi họ còn bị ngược đãi bởi bạo lực gia đình, bởi sự hiểu biết nông cạn của những người chồng… Những thiên tai hỏa hoạn đã cướp đi cả ngàn sinh mạng, những tai nạn bất ngờ liên tiếp sảy ra…. Tất cả như một bản án không báo trước.

Một sự thật đã trở thành quy luật của cuộc đời đó là “Sinh, lão, bệnh, tử”. Ở đời có sanh ắt có diệt, mang thân làm kiếp con người ai cũng phải trải qua cái quy luật nghiệt ngã đấy. Càng nghĩ càng cảm thấy ngao ngán, tôi cũng thế, bạn cũng thế, ai ai cũng thế. Sống trong “ngôi nhà lửa” chật chội và ngột ngạt của trần gian, đã có nhiều lúc tôi muốn tự mình thoát ra, nhưng càng cố vẫy vùng thì nó càng như xiết chặt bởi sợi dây vô hình của cuộc đời đã trói cột chân tôi.

Từ khi biết đến Phật Pháp, tôi như người được thoát khỏi giữa bãi bùn lầy đang dần lún xuống, mặc dù thân sống trong ngôi nhà rực lửa của thế gian nhưng tâm tôi đã được hạt mưa cam lồ Phật Pháp gột rửa đi những bụi trần đã từ lâu bám chặt, tôi cảm thấy tâm mình nhẹ nhàng an lạc. Vì lợi ích Phật pháp mang lại, tôi đã biết cảm nhận được sự thật xót xa trước sự tương tàn cảnh vật ngày ngày tiếp diễn. Sự sống ngày càng bị bóp nghẹt trước cảnh kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, chúng sinh lớn giết hại chúng sinh bé để phục vụ cho những bữa ăn, những cuộc vui chốn xa hoa. Một con Bò đang nằm nhai cỏ chậm rãi, cái đuôi phe phẩy đuổi những chú muỗi đang đậu trên lưng, bỗng đâu nó bị dắt đến một nơi… Thật khủng khiếp khi người ta lấy điện dí vào người nó, lấy búa tạ đập vào đầu nó, tiếng kêu của nó nghe thật đau đớn biết bao. Hằng đêm tại những lò mổ Heo, Gà đều diễn ra cảnh tượng đầy máu và kinh hãi, nguồn gốc của binh đao khói lửa là đây !

“Miếng ăn thịt đổ máu rơi
Giết bao sinh mạng ngập trời oán than
Thân người muốn được bình an
Xin đừng giết hại muôn ngàn sinh linh”

Và còn đây nữa:

“Xưa nay trong một bát canh
Oán thương dâu bể chất thành non cao
Muốn biết nguồn gốc binh đao
Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”

Sống trong cuộc đời con người sợ nhất là cái chết, nhắc đến cái chết mấy ai không sợ? Vậy tại sao chúng ta không nghĩ loài vật cũng vậy, nó cũng tham sống sợ chết như ta, nó chỉ khác ta ở dáng hình còn bản tính thì chúng sinh như một. Vậy mà chúng ta lại nỡ gây đau thương cho nó? Có lẽ khi viết ra điều này những người chưa biết đạo sẽ lên án và chửi tôi, có thể họ cho tôi là con người lập dị và mê tín, nhưng sự thật vẫn mãi là sự thật. Ở thế gian, sự thật này được gọi là “Quy luật sinh tồn”. Ôi! Một quy luật nghe mà thảm khốc !

Tôi, Bạn, tất cả mọi người rồi sẽ có ngày trở về với cái thân tứ đại “Đất, nước, gió, lửa”, nhưng không vì thế mà chúng ta buông thả mặc cho cuộc đời đưa đẩy. Ta sẽ còn được gì và mất đi cái gì? Chúng ta hãy tự soi lại mình sẽ thấy rõ hơn ai hết. Bản chất vô thường sinh diệt là điều tất yếu không ai tránh khỏi, chết chỉ là xác thên tiêu hủy, cái còn lại là Nghiệp sẽ đi theo chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu Bạn và Tôi cùng mọi người trên thế gian này gieo trồng duyên tốt thì chắc chắn không những ở kiếp này ta sẽ được an vui mà quả tốt ta trồng sẽ được gieo tiếp cho kiếp sau. Ngược lại nếu ta gieo trồng chủng tử xấu thì quả báu ta gánh là điều không thể tránh khỏi.

Vài dòng chia sẻ về “Sự thật cuộc đời” theo quan điểm cá nhân của riêng tôi, tôi không có ý lên án cuộc đời bởi những mặt tiêu cực mà tôi đã nhắc đến. Tuy nhiên đây cũng là một phần rất lớn và là nỗi đau nhức nhối trong xã hội mà không ít người đang phải gánh chịu. Tôi chỉ muốn thành tâm nói với Bạn rằng “Xin Bạn hãy cùng tôi nhìn nhận rõ bản chất vô thường của cuộc sống để cùng nhau hướng tới những điều tốt đẹp hơn góp phần làm cuộc sống thêm yêu thương được trải rộng và an lạc được bao trùm cả thế gian”.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Phật tử : Liên Hương
Theo chuahoangphap.com.vn

Lợi Ích Của Pháp Môn Niệm Phật

Lợi Ích Của Pháp Môn Niệm PhậtNiệm Phật là một phương pháp tu tập rất quen thuộc với người học Phật ở Việt Nam chúng ta. Pháp môn Niệm Phật còn được gọi là pháp môn Tịnh độ. Nó quen thuộc đến độ hễ nghe nhắc đến pháp môn Niệm Phật là người ta nghĩ ngay đến phương pháp trì niệm Hồng danh Đức Phật A Di Đà.

Trong nhiều pháp môn tu thì đây có thể nói là một pháp môn dễ hành trì và hành giả có thể cảm nhận được sự lợi ích từ pháp tu của mình ngay trong hiện tại cũng như trong tương lai. Trong kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Bồ tát Quán Thế Âm đã xác quyết rằng: “Pháp Niệm Phật tam muội là pháp thành Phật, là pháp chứng Vô thượng giác, là pháp thâm nhập cảnh giới bất tư nghì của chư Phật, là pháp mở bày tỏ ngộ tri kiến Như Lai, là pháp cứu độ tất cả mọi chúng sanh, là pháp siêu việt trên hết thảy hý luận cùng thiên kiến của nhị thừa”.

Trong xã hội hiện tại, theo như trong kinh điển gọi là thời mạt pháp, có rất nhiều chướng duyên, con người phần nhiều thường hay giãi đãi, hay thối thất chí nguyện hướng thiện và hướng thượng của mình, cho nên có thể nói rằng tu tập pháp môn Niệm Phật là phù hợp hơn cả. Như Thiền sư Thiên Như đã dạy: “Ðời mạt pháp về sau, các kinh sách đều bị tiêu mất hết, chỉ còn lưu lại bốn chữ A Di Ðà Phật để cứu độ chúng sinh mà thôi”. Qua đó cho chúng ta thấy pháp môn Niệm Phật có vai trò quan trọng và có sức ảnh hưởng sâu rộng đến mức nào. Sở dĩ pháp môn Niệm Phật có được sức ảnh hưởng lớn như vậy là vì nó đem lại nhiều lợi ích cho hành giả ngay trong giờ phút hiện tại và cả trong tương lai.

Trước hết, người niệm Phật sẽ có được sự an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Ngay trong lúc chúng ta chuyên tâm trì niệm Hồng danh Đức Phật Di Đà, tâm không còn chạy theo những ý niệm bất thiện, những tư tưởng loạn động, không còn bị những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê quấy nhiễu. Tâm của chúng ta ví như một căn phòng, và trì niệm Hồng danh Đức Phật là thắp lên trong căn phòng tâm thức của chúng ta một ngọn đèn, khi ánh đèn sáng tỏ đã được thắp lên thì bóng tối trong gian phòng ấy sẽ tự nhiên bị đẩy lùi, bị tiêu mất. Hơn nữa, khi ta niệm Phật thì tâm trí không còn nhớ nghĩ đến những điều xấu xa, miệng và thân không tạo ra nghiệp ác. Một giờ niệm Phật, là một giờ không tạo nghiệp bất thiện; một ngày chuyên niệm Phật, thì trong ngày đó chúng ta tránh được các nghiệp ác. Không tạo các nghiệp ác cũng đồng nghĩa là tâm không bị giày vò bởi những lo âu, phiền muộn, do vậy mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc, an vui.

Hơn nữa, khi lòng của chúng ta được an tĩnh thì tâm trí thường sáng suốt, minh mẫn. Nhờ vậy mà chúng ta phát huy được khả năng sáng tạo của mình đồng thời có thể đưa ra được những giải pháp đúng đắn, phù hợp để giải quyết những vấn đề khó khăn trong đời thường cũng như trong công việc. Vả lại, khi tu tập pháp môn Niệm Phật, chúng ta tưởng nhớ đến Đức Phật, đến những công hạnh của Ngài, quán chiếu về những phẩm tính cao quý của Ngài, những thứ đó sẽ dần dần thẩm thấu vào trong tâm thức, từ từ chuyển hóa những ý nghĩ, hành động và lời nói của chúng ta theo chiều hướng thiện lành. Nhờ vậy mà thân tâm được thanh lọc dần dần, và những phẩm hạnh cao quý được trưởng dưỡng ở trong ta. Hay nói cách khác, tu tập pháp môn Niệm Phật sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình, xây dựng cho mình một nhân cách đạo đức tốt, có được một cuộc sống hiền lương, thánh thiện.

Bên cạnh đó, tu tập pháp môn Niệm Phật sẽ làm vơi đi tâm sầu muộn. Trong những lúc buồn phiền, đau khổ, trong khi gặp nghịch cảnh như: lúc tử biệt sinh ly, lúc con cái hư hỏng, nhà cửa tiêu tan, kinh tế suy thoái, vợ chồng bất hòa, bạn bè phụ bạc, v.v… nếu chúng ta niệm Phật thì những điều buồn phiền, đau khổ ấy sẽ dần dần vơi đi. Vì khi niệm Phật, chúng ta không còn nhớ nghĩ đến những điều đau buồn ấy nữa. Hơn nữa, khi niệm Phật như thế, chúng ta tưởng nhớ đến đức hạnh của Ngài, những giáo lý Ngài đã dạy như là Vô thường, Tứ đế, Nhân quả,… thì sẽ có một cách nhìn nhận mới đối với những khổ đau, phiền muộn của chúng ta. Nhờ vậy mà ta không còn bị chi phối nhiều bởi những khổ đau, phiền muộn ấy nữa.

Không những thế, niệm Phật còn là một phương pháp an tâm rất hiệu quả. Những lúc bị lo âu, hồi hộp và bất an, để trấn an bản thân thì chúng ta nên niệm Phật, đưa tâm của mình về với câu Phật hiệu, nhờ vào sự nhất tâm trì niệm của bản thân cộng với sự gia trì của chư Phật, chúng ta dễ dàng tìm lại được sự an tĩnh. Đây là một điều lợi ích rất thiết thực của pháp môn Niệm Phật. Dù là ai đi nữa, nếu biết dùng câu Phật hiệu để tìm lại sự an tĩnh của tâm hồn thì đều dễ dàng đạt được kết quả như ý muốn. Cũng chính vì lợi ích này mà đôi khi có những em nhỏ đã đến với đạo Phật, biết đến câu Phật hiệu một cách rất dễ thương, rất hồn nhiên. Các em nhỏ thường hay sợ ma, nhất là đi vào những đoạn đường tối tăm một mình vào ban đêm. Thế nhưng vì hoàn cảnh, vì công việc mà buộc các em phải đi qua con đường đó chứ không còn con đường nào khác. Trong trường hợp như thế, có những ông bà, cha mẹ đã chỉ dạy các em niệm Phật. Họ bảo rằng, những lúc sợ ma, những lúc cảm thấy lo âu thì con nên niệm Phật, Đức Phật sẽ che chở cho con, gia hộ cho con thoát khỏi mọi hiểm nguy. Hoặc là lúc các em đi thi, các em cũng thường bị hồi hộp, bất an, để giúp con mình giữ được bình tĩnh, có những bậc phụ huynh đã dạy cho các em niệm Phật để lấy lại bình tĩnh, để được chư Phật gia hộ. Với niềm tin rất mộc mạc, dễ thương như thế, các em đó đã niệm Phật, để tìm lại sự an ổn cho tâm hồn. Như vậy, câu Phật hiệu đã trở thành một phương tiện hữu hiệu dẫn dắt các em vào đạo, hướng các em đến với con đường chân thiện mỹ.

Cùng với những ích lợi trên, tu tập pháp môn Tịnh độ còn giúp cho hành giả có được sự bình tĩnh trước những chướng duyên trong cuộc sống, và nhất là có được sự an định trong giờ phút lâm chung. Cận tử nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự tái sinh, sau khi kết thúc sinh mạng trong hiện tại. Người thiếu tu tập thì tâm thường rất hoảng loạn trong giờ hấp hối, khi đối mặt với tử thần, vì họ không biết mình sẽ đi đâu, về đâu, họ không nỡ dứt bỏ trần duyên, không đành từ bỏ những người thân yêu của mình, lại bị sự đau đớn, dày vò của thể xác nữa. Sự hoảng loạn và bám víu ấy sẽ khiến cho họ phải bị thác sinh vào những cảnh giới không mấy tốt đẹp. Nếu là người đã từng chuyên tâm tu tập pháp môn Niệm Phật, đã từng niệm Phật với niềm tin sâu sắc, với tâm nguyện chí thành, và với sự thực tập chuyên nhất thì trong giờ hấp hối lòng họ không hề nao núng, không chút hoảng loạn, vì họ hiểu rõ tính giả tạm của cuộc sống và tin chắc rằng họ sẽ được Đức Phật Di Đà phóng quang tiếp dẫn về thế giới Cực lạc.

Câu Phật hiệu còn là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất cho những người có niềm tin vào Tam bảo, niềm tin vào tha lực gia hộ và che chở của Đức Phật A Di Đà khi họ rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, không còn biết trông cậy, tin tưởng vào ai, không còn làm chủ được tình huống khi lực bất tòng tâm. Chẳng hạn như khi người thân của mình đang lâm trọng bệnh, chưa biết sống chết thế nào, khi họ phải đối mặt với tử thần. Trong những lúc ấy thì câu Phật hiệu là một liều thuốc vô giá đối với họ. Đặc biệt vào những lúc như thế thì mọi người thường niệm Phật vô cùng tha thiết và chí thành. Chính vì vậy mà chẳng những bản thân người niệm Phật được an tâm mà người thân của họ cũng được Phật lực gia hộ.

Còn có một điều lợi ích nữa của sự tu tập pháp môn Niệm Phật, đây cũng là mục đích chính yếu và lợi ích cao quý nhất của pháp môn này, đó là người tu pháp môn Niệm Phật đúng cách sau khi kết thúc đời sống hiện tại sẽ được vãng sanh về cõi Cực lạc. Vãng sanh Cực lạc thì chúng ta không còn phiền não, không bị bệnh tật, già yếu, lại còn được hưởng những niềm phúc lạc vô biên, và còn có điều kiện tốt, môi trường và hoàn cảnh tốt, bạn tốt để tu hành, chứng đạt quả vị giải thoát, giác ngộ, để rồi từ đó có đủ năng lực giáo hóa chúng sanh trong khắp mười phương.

Pháp môn Niệm Phật có những lợi ích thiết thực và cao đẹp như thế, cho nên Đại sư Ưu Đàm đã viết bài thơ để khuyến tấn mọi người rằng:

Đống xương sanh tử dường non cả,
Giọt lệ chia ly nước biển đầy!
Thế giới ngày kia rồi cũng hoại,
Đời người khoảnh khắc chớ mê say.
Cái thân nam nữ ngàn phen đổi,
Mà kiếp sừng lông vạn lúc thay.
Muốn khỏi luân hồi nhiều khổ hận,
Phải tu Tịnh độ gấp khi này.

Minh Nguyên
(Theo Giác Ngộ Online)