Kim Chỉ Nam Trên Con Đường Tu Tịnh Độ

Kim Chỉ Nam Trên Con Đường Tu Tịnh Độ1. NIỆM NIỆM tương tục (không gián đoạn) là như thế này:

Thí dụ như có người ở nơi đồng vắng bị giặc cướp cầm gươm rượt theo muốn giết (dụ cho sanh tử, vô thường, không tha mạng sống).

Người đó sợ hải quá, cắm đầu chạy riết, đến chỗ gặp một con sông chắn ngang qua (con sông sanh tử. Bờ bên này là sanh tử ngạn, bờ bên kia là giải thoát ngạn).

Người ấy vừa chạy trốn vừa thoáng nghĩ trong đầu rằng:

Nếu ta lội qua khỏi được con sông này, đến BỜ BÊN KIA thì mới mong bảo toàn thân mạng. Nhưng để y phục mà lội hay là cởi bỏ ?

Nếu để y phục mà lội sợ e vướng mắc, lúng túng tay chân khó bơi. Còn cởi bỏ thì không kịp nữa rồi, vì giặc cướp đã rượt tới sau lưng (đây là dụ cho cái chết đã gần kề không còn xa nữa).

Bấy giờ người ấy chỉ còn có một NIỆM DUY NHẤT là làm sao cho qua sông được thì thôi chớ không còn có ý nghĩa chi khác…

Thì người NIỆM PHẬT chúng ta đây cũng y như vậy, nghĩa là:

Chỉ chuyên tâm tha thiết niệm,

Ðừng nghĩ ngợi điều chi khác cả (tức là dứt hết mọi tạp tưởng).

Câu NIỆM PHẬT này vừa DỨT thì câu NIỆM PHẬT khác TIẾP NỐI theo liền (đừng có để phí thời giờ).

NIỆM NIỆM nối nhau liên tục như vậy cho đến MƯỜI NIỆM.

Ðây gọi là “THẬP NIỆM tương tục” (Tức là 10 niệm nối nhau không dứt).

(ÐÀM LOAN PHÁP SƯ dạy).

2. Ðức PHẬT (Thích Ca và A DI ÐÀ) xót thương, khuyên TA nên chuyên xưng danh hiệu A DI ÐÀ Phật.

Bởi vì phép niệm “Xưng danh hiệu A DI ÐÀ PHẬT” này rất dễ, nếu có thể giữ mãi mỗi niệm nối nhau như thế, lấy suốt cả đời mình để làm hạn định, thì:

Mười người tu, mười người vãng sanh.
Trăm (ngàn) người tu, trăm (ngàn) người vãng sanh.

Tại sao vậy?
Bởi vì:
Không có duyên tạp (Không có suy nghĩ điều chi khác hết) nên được CHÁNH NIỆM.

Hạp với bản nguyện của Phật A DI ÐÀ (Ðại nguyện thứ 18, 19, 20).

Vì không trái với lời kinh (kinh vô lượng Thọ, kinh Thập lục Quán, kinh Phật thuyết A DI ÐÀ v.v…).

Vì thuận theo lời PHẬT dạy, cho nên dễ vãng sanh.

(Liên Tông nhị Tổ – Thiên Ðạo Ðại Sư dạy).

3. Chí tâm niệm PHẬT nghĩa là: Ý nghiệp làm lành.

Xưng danh hiệu PHẬT nghĩa là: KHẨU nghiệp làm lành.

Chấp tay, cúi mình lạy PHẬT nghĩa là: THÂN nghiệp làm lành.

Nếu giữ ba nghiệp THÂN, KHẨU, Ý làm lành như vậy trọn đời, thì một câu niệm PHẬT có thể diệt được tội nặng trong 80 ức kiếp sanh tử.

(HOÀI CẢM ÐẠI SƯ dạy).

4. Lúc lễ bái, niệm PHẬT và phát nguyện phải:

– Khẩn thiết, chí thành.

– Không xen lẫn tạp tưởng.

– Như người sắp sửa bị giết mà cầu được tha.

– Như người bị giặc cướp rượt đuổi .. mà muốn được thoát.

– Như bị nước trôi, lửa cháy, một lòng mong được cứu nạn.

Niệm Phật phải khẩn cấp và chí thành như thế thì mới thành tựu được công phu.

Tóm lại nếu:
Nói một đường, làm một nẻo (Tức là miệng thì nói niệm PHẬT mà lòng không chịu niệm).

– Lời nói và hành động chẳng giống nhau.

– Lòng TIN (nơi Tịnh Ðộ pháp môn) không vững chắc.

– Nay thì niệm, mai mốt lại bỏ bê, biếng trễ vv…

– Niệm như thế ắt khó được vãng sanh.

(Liên Tông Lục Tỗ Vĩnh Minh đại sư dạy).

5. Người tu pháp NIỆM PHẬT, dù cho đang khi làm công việc nặng nhọc chi, song TRONG TÂM LÚC NÀO CŨNG KHÔNG QUÊN CÂU NIỆM PHẬT… Giả sử như lỡ có quên thì phải cảnh tỉnh ngay lập tức và nhiếp tâm niệm trở lại… Tập như thế lâu ngày thành quen…Ðến khi gần lâm chung thì dù cho thân có bị bịnh khổ dày vò, đau đớn, nhưng tâm vẫn KHÔNG QUÊN câu niệm PHẬT…

Khi vừa tắt thở thì thần thức liền nương theo câu niệm PHẬT ấy mà đi, quyết định sẽ được vãng sanh về nơi CỰC LẠC…

(Tuân Thức đại sư dạy).

6. a. Người tu Tịnh độ muốn được vãng sanh thì việc CHÁNH YẾU là phải CHUYÊN TÂM NIỆM PHẬT… còn phần phụ thì phải dứt trừ điều ác, làm những hạnh lành …

Ðem các công đức ấy mà hồi hướng và nguyện sanh về chốn Tây Phương, ắt sẽ được mau thành tựu, như thuyền đi xuôi gió, lại còn thêm được thuận dòng (nước) vậy.

b. Sớm tối chuyên tâm lễ PHẬT như người (làm quan) đi chầu vua không dám sơ sót. Còn như người niệm PHẬT thì phải:

– Miệng niệm PHẬT, tâm phải tưởng PHẬT.

– Tâm và miệng đều hợp nhau,

– Phát lòng chí thành, trân trọng.

– Tin chắc (nơi lời Phật dạy về pháp môn Tịnh độ) đừng có nghi ngờ.

– Mỗi ngày đều phải siêng năng chớ đừng nên biếng trễ.

Thì chắc chắn là sẽ thành tựu được môn NIỆM PHẬT Tam muội. Chừng đó lo gì không được vãng sanh.

(Từ Chiếu đại sư dạy).

7. a. Người niệm PHẬT phải nên:

Giữ một câu Nam mô A DI ÐÀ PHẬT như dựa vào núi Tu di, lay chuyển chẳng động (Tức là dù cho có ai bài bác, phá hoại thế mấy đi nữa quyết cũng chẳng nghe). Thường nhớ, thường niệm. Sáng cũng niệm, tối cũng niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm…

Tâm niệm PHẬT chẳng bỏ qua, câu niệm PHẬT chẳng rời lòng.

Mỗi giờ, mỗi khác, cũng nhớ niệm, niệm hoài không bỏ lỡ, giống như gà ấp trứng phải thường cho hơi ấm tiếp tục thì trứng mới nở con. Còn niệm Phật hoài mà không bỏ qua thời giờ gọi là “Tịnh niệm tương tục” ắt bông sen của mình sẽ mau nở vậy.

b. Chuyên lòng xưng danh hiệu PHẬT, nhứt tâm, nhứt ý nắm giữ một câu A DI ÐÀ PHẬT.

Bởi vì:
– Chỉ một NIỆM này tức là PHẬT A DI ÐÀ.

– Chỉ một NIỆM này là viên mãnh tướng (tướng mạnh) phá địa ngục.

– Chỉ một NIỆM này là thanh gươm báu chém bầy ma, tà.

– Chỉ một NIỆM này là ngọn đuốc sáng phá cảnh tối tăm (Vô minh).

– Chỉ một NIỆM này là con thuyền to vượt qua biển khổ.

– Chỉ một NIỆM này là thuốc hay trị dứt bệnh sanh tử.

– Chỉ một NIỆM này là đường tắt mau ra khỏi tam giới.

– Chỉ một NIỆM này là tự tánh DI ÐÀ.

– Chỉ một NIỆM này là duy tâm Tịnh độ.

Giữ chắc một câu NIỆM: Nam mô A DI ÐÀ PHẬT này đừng cho quên mất…

– Có việc cũng niệm như vậy.

– Không việc cũng niệm như vậy.

– Có bệnh cũng niệm như vậy.

– Không bệnh cũng niệm như vậy.

– An vui cũng niệm như vậy.

– Buồn khổ cũng niệm như vậy.

– Sống cũng niệm như vậy.

– Chết cũng niệm như vậy.

cứ NIỆM NHƯ VẬY mãi thì cần chi phải hỏi ở nơi người khác để tìm ra đúng đường về ư ?

(Ưu Ðàm đại sư dạy).

8. Kinh “Ðại Tập Nguyệt Tạng” dạy:

Niệm Phật lớn tiếng có 10 công đức là:

1. Ðánh tan cái tâm hôn trầm, mê ngủ.
2. Thiên ma kinh sợ.
3. Tiếng vang xa khắp 10 phương.
4. Ba đường ác được nhờ vào đó mà dứt khổ.
5. Tiếng động chung quanh không xâm nhập vào làm loạn thâm mình được.
6. Niệm tâm không tán loạn.
7. Mạnh mẽ tinh tấn.
8. Chư PHẬT vui mừng.
9. Tam muội hiện tiền.
10. Ðược vãng sanh Cực lạc.

9. Nên biết pháp môn TỊNH ÐỘ này chẳng cần lựa chọn kẻ trí, ngu, sang, hèn, nghèo, giàu.

Cũng chẳng cần phân biệt kẻ nam, nữ, già, trẻ, tăng, tục.

Chẳng luận kẻ mới tu hay tu lâu.

Tất cả đều có thể niệm PHẬT được.

Hoặc niệm lớn, hoặc niệm nhỏ, niệm ra tiếng, niệm thầm, vừa lạy vừa niệm, nghiên cứu mà niệm, nhiếp tâm mà niệm, quán tưởng mà niệm, lần chuỗi mà niệm, vv…

Giữ câu NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT liên tục không dứt như dòng nước chảy mà niệm, cho đến đi cũng niệm, đứng cũng niệm, ngồi cũng niệm, nằm cũng niệm, ngàn muôn niệm (đời lộn xộn) đều gom về nơi một câu NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT như thế…

Niệm theo cách nào cũng được, điều cốt yếu là giữ cho lâu bền đừng lui sụt (đây tức là HẠNH đó), phát lòng TIN quyết định đừng cho bị lay chuyển (đây tức là TÍN đó).

Nếu quả thật hành trì câu niệm PHẬT được đúng như thế, thì cần chi tìm bậc tri thức để hỏi đường (nào về Cực lạc) ư!

(Tông Bổn đại sư dạy).

10. a. Niệm Phật có:

+ Niệm thầm (tiếng nhỏ).

+ Niệm ra tiếng (lớn).

+ Niệm không ra tiếng (mặc niệm).

+ Niệm Kim cang trì (se sẽ động môi, lưỡi mà niệm).

Niệm thầm thì dễ bị hôn trầm.

Niệm lớn tiếng thì bị mau mệt. (hao hơi)

Duy chỉ có cách niệm “KIM CANG TRÌ” là có thể bền lâu.

Tuy nhiên cũng không nhứt định, nếu như thấy cần thiết thì có thể thay qua, đổi lại cũng không sao.

b. Tâm hôn trầm, tán loạn đã có lâu kiếp nhiều đời rồi, ắt nhiên không thể nào trong một lúc mà an định được. Cho nên người niệm PHẬT nếu thấy tâm không được thanh tịnh cũng đừng có lo ngại chi. Chỉ cần khi niệm PHẬT, mỗi chữ, mỗi câu, đều do từ nơi TÂM mà phát ra, dụng công phu như vậy lâu ngày, sẽ có hiệu quả.

c. Tạp niệm là bịnh, niệm PHẬT là thuốc.

Niệm PHẬT chính là hành môn để trị tạp niệm đó.

Nếu niệm PHẬT mà không thấy hiệu quả, đó là tại mình dụng công chưa được chơn thành và tha thiết.

Cho nên mỗi khi tạp niệm nổi lên, phải chuyên tâm, cố gắng trì niệm, mỗi chữ, mỗi câu phải rành rẽ, rõ ràng. Thì tạp niệm tự nhiên được dứt trừ.

d. Người học PHẬT, niệm PHẬT đừng quá nên chạy theo hình thức bên ngoài, chỉ quý là ở nơi CHÂN THẬT TU HÀNH.

Hàng cư sĩ Phật tử tại gia không cần phải cạo tóc, mặc áo đà làm chi. Tự có thể để tóc, mặc áo trang (lam) mà niệm Phật cũng được.

Người thích thanh vắng, không cần phải đánh chông mõ. Tự có thể yên lặng mà niệm PHẬT cũng được.

Người sợ công việc phiền phức, không cần phải kết bè, lập hội làm chi. Tự mình có thể đóng cửa mà niệm PHẬT.

Người biết chữ, nếu có thật tâm quyết tu, không nhứt định và bắt buộc phải vào chùa nghe kinh. Tự có thể xem kinh, y theo lời dạy trong ấy mà niệm PHẬT.

Trải qua ngàn dặm xa xôi hành hương không bằng hiếu thuận với cha mẹ mà niệm PHẬT.

Giao du với bạn bè kém đạo đức, không bằng kẻ dốt nát mà chuyên tâm niệm PHẬT.

Hạnh thấp mà vọng nói đạo lý cao siêu, không bằng kẻ thiệt thà, chất phát mà niệm PHẬT.

Tánh ưa thích sự háo kỳ, ham cầu sự lịnh thiêng của thần thánh, ma quỷ, không bằng chánh tâm tin nơi lý nhơn quả mà niệm PHẬT.

Tóm lại:
a. Người niệm PHẬT:

+ Giữ lòng ngay.

+ Dứt hạnh ác.
Ðây gọi là THIỆN NHƠN.

b. Người niệm PHẬT.

+ Nhiếp tâm trừ tán loạn.

Ðây gọi là HIỀN NHƠN.
c. Người niệm PHẬT.

+ Tỏ rõ tâm tánh.

+ Dứt được hoặc nghiệp.
Ðây gọi là THÁNH NHƠN.

(Liên Tông Bát tổ LIÊN TRÌ đại sư dạy).

11. a. Pháp môn niệm PHẬT không có chi là kỳ lạ cả.

Chỉ cần: TIN SÂU, NGUYỆN THIẾT và CỐ GẮNG THẬT HÀNH mà thôi.

Ðiều cần yếu là phải:

+ TIN cho thấu đáo.
+ GIỮ cho bền lâu.

+ MỘT LÒNG chuyên niệm.

Mỗi một ngày đêm niệm hoặc là 30 ngàn câu, 50 ngàn câu, 100 ngàn câu niệm PHẬT, nhứt định không để cho thiếu.

Nếu giữ được như thế trọn đời mà không được vãng sanh thì chư Phật ba đời thành ra vọng ngữ.

(Nhứt định là không có lẽ đó).

b. Người chơn thật niệm PHẬT:

– Buông bỏ cả thân, tâm, ấy là ÐẠI BỐ THÍ.

– Không khởi tâm Tham, Sân, Si, ấy là ÐẠI TRÌ GIỚI.

– Không cải cọ, phải quấy, hơn thua, ấy là ÐẠI NHẪN NHỤC.’

– Không gián đoạn, xen tạp, ấy là ÐẠI TINH TẤN.

– Không để cho vọng tưởng buông lung, ấy là ÐẠI THIỀN ÐỊNH.

– Không bị các đường lối tu khác làm cho mê hoặc, ấy là ÐẠI TRÍ HUỆ.

Trái lại, nếu chẳng như thế thì không được gọi là CHƠN THẬT NIỆM PHẬT.

c. Niệm PHẬT có SỰ TRÌ và LÝ TRÌ:

1. SỰ TRÌ là TIN có Phật A DI ÐÀ ở phương Tây, có thế giới Cực lạc, có 9 phẩm sen vàng… quyết chí niệm PHẬT, cầu được sanh về nên niệm PHẬT hoài, thiết tha như con nhớ mẹ không lúc nào quên.

2. LÝ TRÌ là tin Phật A DI ÐÀ, cõi Tây Phương, 9 phẩm sen vàng… trong tâm mình đều có đủ hết, do tâm mình tạo ra hết cả.

Rồi đem câu Nam mô A DI ÐÀ PHẬT ấy, tạo thành ra cái CẢNH để buộc chặc Tâm mình vào đó, khiến cho không lúc nào quên.

(Liên Tông Cửu Tổ NGẪU ÍCH đại sư dạy).

12. a. Một chữ NGUYỆN bao gồm cả TÍN và HẠNH.

TÍN là tin nơi TỰ, THA, NHÂN, QUẢ, SỰ và LÝ.

Tin TỰ là tin tất cả đều do tâm mình tạo, nên nếu mình niệm PHẬT ắt sẽ được PHẬT tiếp dẫn.

Tin THA là tin Phật THÍCH CA không nói dối, Phật A DI ÐÀ chẳng bao giờ nguyện suông.

Tin NHÂN là tin niệm PHẬT đó chính là gieo nhân vãng sanh, giải thoát.

Tin QUẢ là tin sự vãng sanh, thành Phật là kết quả.

Tin SỰ là tin cõi Tây Phương và tất cả sự tướng nơi nước Cực Lạc mà Phật thuyết ra trong kinh thảy đều có thật (cũng như cõi Ta bà này có thật vậy).

Tin LÝ là tin “lý tánh duy tâm”, tức là TÂM của mình bao trùm hết tất cả các thế giới khắp 10 phương.

b. HẠNH là thực hành, là chuyên trì danh hiệu (A DI ÐÀ PHẬT) không xen tạp và không tán loạn (suốt cả đời mình).

c. NGUYỆN là mỗi tâm của mình (khởi ra) đều có lòng ưa thích (cõi Cực Lạc), mỗi niệm của mình (khởi ra) đều có ý mong cầu (được sanh về).

Trong 3 điều TÍN, HẠNH, NGUYỆN này, người tu Tịnh độ cần phải hội đủ, quyết định không thể thiếu được một điều nào cả.

NGUYỆN là điều cần yếu nhất.

Có thể có TÍN, HẠNH mà không có NGUYỆN.

Chớ chưa từng thấy có việc: có NGUYỆN mà không có TÍN, HẠNH bao giờ cả. (Cho nên nói chữ NGUYỆN bao gồm cả TÍN và HẠNH chính là như vậy).

d. Niệm PHẬT mà không phát tâm “BỒ ÐỀ” thì không tương ưng (không hợp) với bổn nguyện của Phật A DI ÐÀ, sẽ không được vãng sanh.

(Tâm Bồ Ðề là tâm: Lợi mình, lợi người, trên cầu thành Phật quả, dưới nguyện độ chúng sanh).

Còn nếu như vẫn có phát tâm Bồ Ðề mà không chịu niệm PHẬT (thì) cũng không được vãng sanh nữa.

Vì vậy nên phải:
Lấy sự phát tâm Bồ đề làm CHÁNH nhơn.

Niệm PHẬT làm TRỢ (duyên) nhơn.

Sau đó rồi mới phát nguyện cầu sanh Cực lạc.

Người Phật tử tu Tịnh độ cần phải biết rõ các điều này.

(Liên Tông thập nhứt Tổ – TĨNH AM đại sư dạy).

13. Ðại sư dạy:
a. Thiệt vì sanh tử,

Phát lòng Bồ đề.
Lấy TÍN, NGUYỆN sâu,
Trì danh niệm PHẬT.
16 chữ này là tông yếu (Quan trọng bực nhất) của pháp môn Tịnh độ…

(Bởi tất cả sự khổ trong đời này không gì hơn việc sống, chết. Cho nên nếu tu hành, niệm Phật, mà không cầu để thoát vòng sanh tử là một điều sai lầm rất lớn).

Nhưng đã phát ÐẠI TÂM (Bồ đề tâm) rồi thì phải tu ÐẠI HẠNH. Mà trong các hành môn tu, thì phương pháp dễ dụng công, mau thành tựu, rất yên ổn, rất viên đốn (đầy đủ) thì không có môn tu nào bằng.

DÙNG TÍN, NGUYỆN SÂU,
TRÌ DANH NIỆM PHẬT.

Nói TRÌ DANH đây là chấp giữ một câu A DI ÐÀ PHẬT trong lòng KHÔNG PHÚT NÀO QUÊN. Nếu quên hoặc là có một niệm nào khác xen vào thì không được gọ là CHẤP GIỮ (chấp trì).

Như thế mà hành trì cho đến trọn đời, ắt sẽ được vào cảnh “Nhứt tâm bất loạn” mà thành tựu được sự nghiệp Tịnh độ vậy.

b. Tâm tạo nghiệp được,

Thì:
– Tâm cũng chuyển nghiệp được.

Và:
– NGHIỆP đã do TÂM tạo,

Thì:
– Cũng tùy theo TÂM mà chuyển được.

Nếu:
– TÂM mình không chuyển được NGHIỆP

Thì:
– Bị NGHIỆP trói buộc.

Còn như:
– NGHIỆP mà không chuyển được theo TÂM,

Thì:
– Có thể buộc TÂM.

NHƯNG:
– DÙNG TÂM THẾ NÀO mới chuyển được NGHIỆP?

ẤY LÀ:
– Giữ TÂM hợp với điều kiện ÐẠO ÐỨC, hợp với PHẬT.

VÀ:
– NGHIỆP làm sao buộc được TÂM?

ẤY LÀ:
– Cứ để TÂM y theo “đường xưa lối cũ”, buông lung theo cảnh lục trần.

(Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) vậy.

(Liên Tông thập nhị Tổ, TRIỆT NGỘ đại sư dạy).

TRÊN ÐÂY:
Người giải thích đã vì chư vị PHẬT TỬ và quý LIÊN HỮU mà lược thuật lại đôi lời dạy bảo về phương cách niệm PHẬT của chư Tổ sư, để làm “Kim chỉ nam” trên con đường tu Tịnh độ.

Những mong sao cho quý chư hiền học PHẬT, niệm PHẬT, nguyện cầu được sanh về cõi CỰC LẠC xem xong rồi nên phát lòng trân trọng, ít nhiều chi cũng nên y theo đó mà cố gắng thực hành…

Và như thế mới mong thành tựu bước đường “Tây quy” mà lòng ta vẫn hằng luôn ước ao, mong mỏi. Lành vậy thay!

Trích: TÂY PHƯƠNG NHỰT KHÓA
HT. Thích Thiền Tâm soạn thuật

Ngũ Khoa Tịnh Độ

Ngũ Khoa Tịnh ĐộPHẦN MỤC LỤC

1. Tam Phước.

Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, lòng từ bi không giết hại, tu thập thiện nghiệp.

Thọ trì tam quy, giữ vẹn các giới, chẳng phạm oai nghi.

Phát bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành.

2. Lục Hòa Kính.

Kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân.

3. Tam Học.

Giới, Định, Huệ.

4. Lục Độ.

Lục độ là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ.

5. Thập Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ Tát.

Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng, tùy hỷ công đức, thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế, thường tùy Phật học, hằng thuận chúng sanh, phổ giai hồi hướng.

PHẦN GIẢI THÍCH

1. Tam Phước.

Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, lòng từ bi không giết hại, tu thập thiện nghiệp.
Thọ trì tam quy, giữ vẹn các giới, chẳng phạm oai nghi.

Phát bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành.

Trong kinh Quán Vô Lượng thọ Phật gọi là Tịnh Nghiệp Tam Phước, ba thứ tịnh nghiệp này là Tam Thế Chư Phật Tịnh Nghiệp Chánh Nhân, câu này vô cùng quan trọng, khiến cho chúng ta hiểu rõ ba đời tất cả chư Phật tu hành chứng quả, đều phải y theo Tam Phước làm nền tảng, thì cũng như chúng ta xây cất nhà lầu vậy, bất luận là xây cao bao nhiêu tầng, đều phải đắp nền móng. Tịnh Nghiệp Tam Phước là nền móng, là nền tảng cộng đồng của Phật pháp, nhất định là phải từ trên nền tảng này xây dựng, mới có thể thành tựu tất cả Phật pháp, điều này vô cùng vô cùng quan trọng.

Phước báo nhân thiên. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, lòng từ bi không giết hại, tu thập thiện nghiệp.

Phước báo nhị thừa. Thọ trì tam quy, giữ vẹn các giới, chẳng phạm oai nghi.

Phước báo đại thừa. Phát bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành.

A. Phước báo nhân thiên: Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, lòng từ bi không giết hại, tu thập thiện nghiệp.

Hiếu dưỡng cha mẹ, chữ hiếu này thuộc về hội ý, chúng ta phải thể hội ý nghĩa của chữ này, trên là chữ Lão, dưới là chữ Tử, tức là bảo với chúng ta rằng, đời trước và đời sau là một thể, là một chẳng phải hai… Hay nói cách khác, toàn cả vũ trụ là một chữ Hiếu, tận hư không biến pháp giới là một chữ Hiếu… Chẳng những chúng ta nuôi dưỡng cái thân của cha mẹ, còn phải nuôi dưỡng cái tâm của cha mẹ, nuôi dưỡng cái chí của cha mẹ. Trong Giới Kinh nói: tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Đem cái tâm hiếu thuận cha mẹ phát dương quang đại, tận hư không biến pháp giới, tức là Hiếu Đạo.

Phụng thờ sư trưởng. Phật pháp là sư đạo, lấy hiếu đạo làm nền tảng, không có hiếu đạo thì không có sư đạo… Cho nên phải hiếu thuận cha mẹ cũng phải tôn kính thầy… Hiếu kính là tánh đức, chỉ có tánh đức mới có thể khai phát tự tánh… Đây là căn cơ của căn bản, vô cùng quan trọng… Người biết hiếu thuận cha mẹ thì biết tôn kính sư trưởng… Phật là vị thầy sớm nhất của chúng ta, Ngài chỉ dạy chúng ta phải tôn kính sư trưởng… Chúng ta tôn thờ tượng Phật Bồ Tát, và thờ Tổ Tiên, khi nhìn thấy hình tượng của Phật Bồ Tát, thì chúng ta nghĩ đến hiếu kính, hiếu thân tôn sư.

Lòng từ bi không giết hại, từ bi là tánh đức, là một khoa mục vô cùng quan trọng, lòng hiếu kính mở rộng tức là từ bi, có lòng từ bi thì không sát sanh, cái dụng ý này rất sâu… Trong tất cả ác nghiệp, sát nghiệp là nặng nhất. Tại vì sao? vì tất cả chúng sanh có mạng sống, không một ai mà không trân quí cái mạng sống của mình, không có một ai mà không tham sống sợ chết… Cho nên chúng ta không thể sát sanh, sát sanh là bất kính với Phật, là bất hiếu với cha mẹ, bởi vì Phật dạy chúng ta phải giữ giới căn bản, giới thứ nhất là không sát sanh, nếu chúng ta còn sát sanh, thì làm trái nghịch lời dạy của Phật, tức là không tôn kính sư trưởng cũng không hiếu thuận cha mẹ… Sát hại chúng sanh, chẳng những mất đi lòng từ bi cũng mất đi lòng hiếu kính.

Tu thập thiện nghiệp, thập thiện nghiệp là tiêu chuẩn thiện pháp của thế gian… Phật bảo với chúng ta rằng, phát tâm tu thập thiện nghiệp, thì tuyệt đối không đọa tam ác đạo, thượng phẩm thập thiện có thể sanh lên cõi trời, nếu có tu thêm thiền định, và tứ vô lượng tâm, tức là Từ Bi Hỷ Xả, thì có thể sanh lên cõi trời sắc giới và cõi vô sắc giới. Phật quy nạp thập thiện nghiệp thành ba đại loại, tức là Thân, Khẩu, Ý.

Thân nghiệp có ba, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, đây là đối với các bạn đồng tu tại gia mà nói, nếu là người xuất gia thì không dâm dục, phải đem lòng tham ái đoạn cho được sạch sẽ rốt ráo. Trộm cắp tức không cho mà lấy, lậu thuế cũng là trộm cắp, trộm cắp của nhà nước, tạo cái nghiệp này rất nặng… Cho nên người chân chánh học Phật, nhất định phải tuân thủ pháp luật của nhà nước… Không phạm giới sát, không phạm giới dâm, không phạm giới trộm cắp, thì gọi là thân nghiệp thanh tịnh.

Khẩu nghiệp có bốn, một là vọng ngữ, tức là nói láo, nói lời lừa gạt người khác, nói không thành thật. Hai là lưỡng thiệt, tức là hai lưỡi, khiêu khích thị phi, nói lời thêm bớt, khiến cho hai người bất hòa với nhau, tạo cái nghiệp cũng rất nặng.

Ba là ác khẩu, tức là nói lời không có lễ phép, nói lời thô lỗ, khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu. Bốn là ỷ ngữ, là hoa ngôn xão ngữ, nói lời thêu dệt, nói được rất hay, khiến cho người nghe bị quyến rũ, nhưng dụng ý bất thiện, như hiện nay trên xã hội, nào là điện ảnh, ca vũ, âm nhạc, thấy chẳng có gì là ác, nghĩ lại những thứ này là loại giáo dục gì cho mọi người? Đều là dạy người sát sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ, đây thuộc về ỷ ngữ, nếu lìa khỏi bốn loại khẩu ác nghiệp, thì khẩu nghiệp thanh tịnh.

Ý nghiệp có ba, tức là Tham, Sân, Si. Tham là tham ái, bao gồm keo bẩn, thường nói là sân tham, dục vọng không có thỏa mãn, thí mạng đi tìm cầu, hy vọng đạt được thỏa mãn, đây là lòng tham, một khi đã đạt được, thì không chịu buông xả, không chịu bố thí giúp đỡ cho người khác, thì gọi là keo bẩn, đối với sự tu học là một chướng ngại rất lớn. Phật chỉ dạy cho chúng ta phương pháp bố thí để đối trị lòng tham. Kế đến là sân, tức là sân hận, tham không được thì sanh lòng sân hận, lòng sân hận là phiền não rất lớn, cho nên Tham Sân Si là tam độc phiền não. Lòng tham là nghiệp nhân của ngạ quỷ. Lòng sân hận là nghiệp nhân của địa ngục. Ngu si là nghiệp nhân của súc sanh. Cái gì gọi là ngu si? tức là chẳng có trí huệ, pháp thế gian và Phật pháp có chân có giả, có chánh có tà, có phải có quấy, có thiện có ác, họ không thể phân biệt, nhận thức không rõ ràng, đem giả cho là chân, đem tà cho là chánh, đây là ngu si, bất luận họ có ý hay vô ý. Tam độc phiền não là chướng ngại minh tâm kiến tánh rất nghiêm trọng, chúng ta tu học Phật pháp phải tu từ căn bản, căn bản là tâm, phải đoạn trừ Tham Sân Si, thì chân tánh mới hiện ra.

B. Phước báo nhị thừa: Thọ trì tam quy, giữ vẹn các giới, chẳng phạm oai nghi.

Thọ trì tam quy, trước tiên nhập Phật môn thì phải bái Lão Sư (lạy Thầy), cầu truyền thọ tam quy, là một việc rất long trọng, cũng là chánh thức lạy Thích Ca Mâu Ni Phật làm Thầy, tự nguyện một đời y theo lời dạy bảo của Thầy mà tu học, thật sự tu hành, được Thầy truyền thọ tổng cương lĩnh và nguyên tắc phương pháp tu học, gọi là truyền thọ Tam Quy Y. Tam Quy là Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng… Nếu từ trên ý nghĩa mà nói, tức là Quy Y Giác, Quy Y Chánh, Quy Y Tịnh. Phật là Giác, Phật là ý nghĩa Giác Ngộ. Pháp là Chánh, Pháp là Chánh Tri Chánh Kiến. Tăng là Tịnh, sáu căn thanh tịnh, một hạt bụi không nhiễm. Cho nên cái y cứ chủ yếu tu hành của chúng ta, là y theo tự tánh Giác, tự tánh Chánh, tự tánh Tịnh, gọi là tự tánh Tam Bảo.

Quy Y Phật, cái gì gọi là Quy Y? Quy là hồi đầu, Y là nương tựa, Phật chỉ dạy cho chúng ta, phải từ mê hoặc điên đảo hồi đầu, nương tựa tự tánh Giác, tự tánh vốn là Giác, Quy Y Phật không phải Phật bên ngoài, là Quy Y tự tánh Phật,

Đây là tự tánh Phật Bảo. Trong Tịnh Tông nói, tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ, cho nên Quy Y tự tánh Phật, tức là Quy Y tự tánh Giác, Giác mà không mê, mới là chân chánh Quy Y Phật.

Quy Y Pháp, tức là cách nghĩ cách nhìn cách làm của chúng ta đối với vũ trụ nhân sanh hoàn toàn cùng với chân tượng sự thật phù hợp, tư tưởng chính xác, kiến giải chính xác, tại trong kinh Phật gọi là Chánh Tri Chánh Kiến, hoặc là Phật Tri Phật Kiến, đây là tự tánh Pháp Bảo, không phải bên ngoài đến, Phật dạy chúng ta từ cách nghĩ cách nhìn cách làm sai lầm hồi đầu trở lại, nương theo Chánh Tri Chánh Kiến của tự tánh, gọi là Quy Y Pháp.

Quy Y Tăng, Tăng là ý nghĩa thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh, sáu căn là mắt tai mũi lưỡi thân ý, tiếp xúc cảnh giới bên ngoài sáu trần, sáu trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Người phàm phu khi sáu căn tiếp xúc sáu trần thì bị ô nhiễm, khởi lên lòng tham, lòng tham là ô nhiễm, chúng ta phải từ tất cả ô nhiễm hồi đầu trở lại, nương theo tâm thanh tịnh của mình, đây là tự tánh Tăng Bảo, tức là Quy Y Tăng.Tam Quy Y, tổng kết mà nói, Quy Y Phật tức là Giác mà không mê. Quy Y Pháp tức là Chánh mà không tà. Quy Y Tăng tức là Tịnh mà không nhiễm.Ngoài ra, còn có trụ trì Tam Bảo, trụ trì Tam Bảo tức là tượng Phật, kinh điển, người xuất gia. Ba thứ này tuy không phải là chổ Quy y chân chánh của chúng ta, nhưng tác dụng của nó tượng trưng cho Tam Bảo trụ thế, có thể đánh thức chúng ta hồi đầu nương tựa… Trụ trì Tam Bảo đối với chúng ta có sự lợi ích công đức rất lớn. Nên biết, Quy y không phải Quy y một vị pháp sư nào, pháp sư chỉ là đại biểu cho tăng đoàn, họ đem ý nghĩa của Tam Quy và cương yếu tu học truyền thọ cho chúng ta… Chúng ta từ trong tâm hồi đầu, nương tựa tự tánh Giác, Chánh, Tịnh, đây mới là chân chánh Quy Y Tam Bảo.Giữ vẹn các giới, chẳng phạm oai nghi, các giới tức là có rất nhiều giới điều, quan trọng nhất là ngũ giới, ngũ giới là căn bản đại giới của nhà Phật. Xuất gia Sa Di và Sa Di Ni phải giữ 10 giới, Tỳ Kheo phải giữ 250 giới, Tỳ kheo Ni phải giữ 348 giới. Thật ra giới điều chỉ có phía trước 17 điều, tức là 4 giới trọng và 13 giới tăng tàn, đây thuộc về giới, những giới điều khác thì thuộc về oai nghi. Oai nghi là gì? Oai nghi là lễ phép, lễ tiết, tức là trong cuộc sống hằng ngày xử thế, đối người, tiếp vật, phải tuân thủ quy củ… Trong ngũ giới điều thứ nhất không sát sanh, điều thứ hai không trộm cắp, điều thứ ba không tà dâm, điều tứ tư không vọng ngữ, điều thứ năm không uống rượu, bốn điều phía trước là tánh tội, bất luận có thọ giới hay không thọ giới, hể phạm đều là có tội… Những người có thọ giới đã phạm thì gọi là phá giới, chỉ có điều thứ năm không uống rượu, người không thọ thì không phạm tội… Chúng ta phải hiểu rõ giới điều, thì mới có thể trì giới… Mỗi một giới điều cũng có Khai, Giá, Trì, Phạm. Ở dưới trường hợp nào là Khai giới, không phải Phạm giới, ở dưới trường hợp nào Trì giới, không thể Giá giới… Giới luật là hành trì của Phật, không có giới luật thì không có Phật pháp.

C. Phước báo đại thừa: Phát bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành.

Đại thừa là xây dựng trên nền tảng của tiểu thừa, phước báo đại thừa có 4 câu.

Một. Phát bồ đề tâm, cái gì gọi là Bồ đề tâm? Bồ đề là tiếng phạn, dịch là giác ngộ, Bồ đề tâm tức là cái tâm thật sự giác ngộ, cái tâm chân thật không mê, đã giác ngộ cái gì? Giác ngộ đời người quá khổ, thường nói là tam khổ bát khổ… Sau khi giác ngộ, nhất định phải y theo phương pháp của Phật dạy tu hành, thì tự nhiên lìa khổ được vui, ra khỏi tam giới, vãng sanh tịnh độ, mới thật sự là phát Bồ đề tâm.

Hai. Tin sâu nhân Quả, cái phước báo thứ ba này là Bồ Tát sở tu, cái nhân quả này không phải nhân quả thông thường, chúng ta cũng hiểu, thiện có thiện báo, ác có ác báo, thiện nhân thiện quả, ác nhân ác quả. Phật khuyên Bồ Tát tin sâu nhân quả, là Phật tại trong Kinh Hoa Nghiêm có nói: Thập Địa Bồ Tát thủy chung không rời niệm Phật, từ Sơ Địa cho đến Đẳng Giác, 11 ngôi vị thứ. Họ tu cái gì? Họ tu pháp môn niệm Phật, thì ra chổ này nói nhân quả là chỉ cho, niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Cho nên Phật ở chổ này khuyên Bồ Tát tin sâu nhân quả, tức là niệm Phật là nhân, thành Phật là quả.

Ba. Đọc tụng kinh đại thừa, đây là Bồ Tát thiện, Bồ Tát học Phật, không thể một ngày không thấy Phật, không thể một ngày không đọc tụng kinh đại thừa, nên biết, đọc kinh không phải là đọc cho Phật nghe. Kinh là do Phật nói, Phật đâu có cần chúng ta đọc cho Ngài nghe, chúng ta đọc kinh là tiếp nhận lời dạy bảo của Phật, để đánh thức chính mình, dạy cho chúng ta khi khởi tâm động niệm, xử thế, đối người, tiếp vật, không làm trái nghịch lời của Phật dạy… khi hiểu rõ phương pháp và mục đích của việc đọc tụng kinh điển, thì phải y theo cương lĩnh mà tu học, mới có thể đạt được công đức lợi ích của Phật pháp thù thắng.

Bốn. Khuyến tấn người tu hành, tức là phải khuyên mọi người nên học Phật, giúp đỡ mọi người tu hành tinh tấn, khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, đây là hạnh Bồ Tát.

2. Lục Hòa Kính.

Kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân.

1. Kiến hòa đồng giải, tức là xây dựng cùng ý thức chung, ở trong một đoàn thể, chúng ta đối với phương pháp và lý luận của sự tu học, nhất định phải có cùng chung một kiến giải, đây là nền tảng cộng tu của đại chúng.

2. Giới hòa đồng tu, mọi người khi đã cùng ở chung với nhau tu học, thì phải lập ra một quy củ, nếu không có quy củ thì là sẽ loạn, không có trật tự, dĩ nhiên là có một quy ước cùng ở chung với nhau, nhất định bao gồm giới căn bản của Phật đã chế định, mọi người nhất định phải tuân thủ.

3. Thân hòa đồng trụ, tức là mọi người cùng ở chung một nơi tu hành, xây dựng đạo tràng là thành tựu cho mỗi một phần tử, mục đích là ở chổ này, tuyệt đối không phải trốn tránh trách nhiệm xã hội, mà vào trong Phật môn tìm đường sống. nếu có cái quan niệm này, thì là hoàn toàn sai lầm, mọi người sinh hoạt trong đạo tràng đều bình đẳng như nhau.

4. Khẩu hòa vô tranh, đây là nói mọi người cùng ở chung với nhau không có tranh luận, thật sự có thể dụng công tâm hướng theo đạo, mọi người ở chung với nhau, rất dể dàng tạo khẩu nghiệp, cho nên người xưa thường nói: bịnh từ miệng vào, họa từ miệng ra. Cổ đức dạy cho chúng ta: nói ít một câu, niệm thêm Phật hiệu.

5. Ý hòa đồng duyệt, đây tức thường hay nói Pháp Hỷ Sung Mãn,chúng ta học Phật, bất luận tu học pháp môn nào, sự thành tựu kém cõi nhất, tức là được hoan hỷ, giả như học Phật, mà không đạt được khoái lạc, nhất định là có vấn đề, tức là phương pháp đã dùng sai, phải tự mình kiểm thảo tìm ra khuyết điểm, mọi người cùng nhau tu hành, người đều được pháp hỷ, người người đều được thành tựu.

6. Lợi hòa đồng quân, đây là nói mọi người cùng ở chung một nơi tu hành, cuộc sống vật chất là bình đẳng, tài nguyên của đạo tràng, vào thời xưa, một phần là do nhà vua hộ trì, tức là do nhà nước xây dựng thập phương đạo tràng, kế đến là những vị đại phú trưởng giả quyên gốp ủng hộ, đạo tràng xây cất xong, thì thỉnh những vị cao tăng đại đức đến làm trụ trì, tu hành, giáo hóa chúng sanh, cho nên bất luận là nhà nước cúng dường, hoặc là đại chúng ở địa phương cúng dường vật chất, phàm là ở trong ngôi đạo tràng này, đều được hưởng thụ nhất loạt bình đẳng.

3. Tam Học.

Giới, Định, Huệ.

Cái gì gọi là Giới Định Huệ Tam Học? những chúng sanh tạo thập ác nghiệp, thì Phật dùng Giới học để đối trị, Giới học là thuốc để đối trị ác nghiệp.

Tâm của chúng sanh tán loạn, không được định, không được thanh tịnh, thì Phật dùng Định học để đối trị, Định học là đối trị tâm tán loạn.

Chúng sanh ngu si, không biết tà chánh, thiện ác, phải quấy, đúng sai, lợi hại, thì Phật dùng Huệ học để đối trị.

Nói tóm lại, chúng sanh tạo ác, tán loạn, ngu si, thì Phật dùng Giới Định Huệ để đối trị.

4. Lục Độ.

Lục độ là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ.

1. Bố Thí: Bố thí có ba loại, tức là Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí. Tài thí thì được giàu có. Pháp thí thì được thông minh trí huệ. Vô úy thí thì được khoẻ mạnh sống lâu. Cho nên muốn được giàu có, thông minh trí huệ, khỏe mạnh sống lâu, nhất định phải phát tâm tu tài thí, pháp thí và vô úy thí.

2. Trì Giới: Trì giới tức là thủ pháp, tất cả vạn sự vạn vật thế gian và xuất thế gian, bất luận lớn nhỏ, cũng có phép tắc của nó, nhất định phải thuận theo phép tắc, thì mới có thể làm được cứu cánh viên mãn. Trong Lục Độ, Trì giới là bảo chúng ta lúc bình thường phải giữ phép tắc, không chỉ là thọ trì ngũ giới hoặc thập giới, đây là giới căn bản, mà là bảo chúng ta ở trong gia đình phải có quy củ, cha con, vợ chồng, anh em, đây là luân thường, phải có thứ tự lớn nhỏ, không được đảo lộn. Tại trong Phật cũng vậy, phải theo thứ tự tu học, trước tiên phải phát đại tâm, đại tâm tức là tâm nguyện phải độ tất cả chúng sanh, sau đó đoạn phiền não, đoạn tập khí, kế đến học pháp môn, sau cùng viên thành Phật đạo.

3. Nhẫn Nhục: Nhẫn nhục tức là nhẫn nại, bất luận làm sự việc gì, cũng phải có tâm nhẫn nại, nếu không có tâm nhẫn nại, làm bất cứ việc gì cũng không thể thành tựu, tâm nhẫn nại là một điều kiện vô cùng quan trọng. Đức Thế Tôn tại trong Kinh Kim Cang nói về Bồ Tát tu lục độ, đặc biệt nhấn mạnh Bố thí và Nhẫn nhục, hai điều này là then chốt của sự tu hành thành công hay thất bại.

4. Tinh Tấn: Tinh là chuyên tinh, chuyên nhất, Tấn là tiến bộ, do đây có thể biết, Phật pháp không phải bảo thủ, cũng không phải rớt lại phía sau, Phật pháp là ngày ngày đều cầu tiến bộ… trong vô lượng pháp môn, nhất định phải nhất môn thâm nhập, mới có thể thành tựu, nếu môn nào cũng muốn học, thì tuyệt đối không thể thành tựu, học một môn khi đã thành tựu rồi, thì hiểu hết tất cả những môn khác. Cho nên nói một thông tất cả đều thông, như pháp môn niệm Phật phải chuyên tu… Bất luận là pháp thế gian hoặc xuất thế gian, nếu muốn trong đời này được thành tựu, nhất định phải biết tinh tấn, bất luận là niệm Phật, tham thiền, trì chú, hoặc là nghiên cứu giáo lý, cũng phải biết tuân thủ cái nguyên tắc này. Nếu như tự mình phát tâm tu học, và cũng muốn giúp đỡ cho người khác, tốt nhất trong một đời chỉ học 1 bộ kinh, chuyên giảng 1 bộ kinh, đây mới là chuyên tinh. Phật Bồ Tát dạy cho chúng ta tu học phải nhất môn thâm nhập, thì gọi là tinh tấn, công đức lợi ích của tinh tấn vô lượng vô biên.

5. Thiền Định: Thiền định là bao gồm cả thiền định của thế gian và xuất thế gian, thiền định thế gian là nói Tứ thiền Bát định, nếu như tu thành, thì tương lai sanh lên cõi sắc giới, vô sắc giới. Thiền định xuất thế gian có Đại thừa và Tiểu thừa, chư Phật Như Lai tu thiền định, chúng ta gọi là Thượng Thượng Thiền Định xuất thế gian, cái then chốt tu học toàn cả Phật pháp là ở nơi Định, không phải chỉ có Thiền tông mới tu Thiền định, còn những tông phái khác không tu Thiền định. Như niệm Phật mà nói, mục đích niệm Phật là phải đạt đến nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất loạn tức là thiền định, Giáo hạ tu chỉ quán, chỉ quán cũng là Thiền định, trong Mật tông tu tam mật tương ứng, tương ứng tức là Thiền định, do đây có thể biết, mỗi một tông phái, pháp môn, tuy dùng danh từ khác nhau, thật ra cũng là tu Định.

6. Trí Huệ: Tiếng Phạn gọi là Bát nhã, Trí huệ Bát nhã là ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày… đối với tất cả pháp đã hiểu rõ, thông đạt, mà không chấp trước tất cả pháp, tận tâm tận lực đi giúp đỡ người khác. Vì sao phải đi giúp đỡ cho người khác? Vì chư Phật Bồ Tát hiểu được tận hư không biến pháp giới, tất cả chúng sanh đều cùng với mình đồng một thể, đã là đồng một thể, cho nên giúp đỡ tất cả chúng sanh không cần nói điều kiện, gọi là Đồng Thể Đại Bi, Vô Duyên Đại Từ.

Nói tóm lại, làm tất cả việc đều có phương pháp, đều có thứ tự, thì gọi là Trì Giới. Có tâm nhẫn nại, có nghị lực, gọi là Nhẫn Nhục. Chuyên tinh không giải đãi nhất môn thâm nhập, gọi là Tinh Tấn. Trong tâm có thể làm chủ được, không bị ngoại cảnh lay động, gọi là Thiền Định. Đới với tất cả vạn sự vạn vật đều thấu triệt, rõ rõ ràng ràng, minh minh bạch bạch, gọi là Trí Huệ Bát Nhã.

5. Thập Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ Tát.

Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng, tùy hỷ công đức, thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế, thường tùy Phật học, hằng thuận chúng sanh, phổ giai hồi hướng.

Thập Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ Tát là ở trong Kinh Hoa Nghiêm, đây là pháp môn thành Phật, là pháp môn lý nhất tâm bất loạn, là cảnh giới của pháp thân đại sĩ, đặc sắc của hạnh Phổ Hiền, tức là tâm lượng quảng đại như hư không pháp giới vậy. Cho nên thập nguyện của Phổ Hiền, nguyện nguyện đều cứu cánh viên mãn.

Một. Lễ kính Chư Phật, hai chữ Chư Phật này, Phật tại trong Kinh Hoa Nghiêm bảo với chúng ta rằng: Tình và Vô Tình, đồng viên chủng trí. Đây tức là Chư Phật, Tình là chỉ cho tất cả hữu tình chúng sanh, tức là tất cả động vật. Vô Tình là thực vật và khoáng vật. Cho nên Chư Phật là bao gồm sở hữu tất cả, đem cái tâm cung kính của chúng ta đối với Phật, chuyển qua đối với tất cả chúng sanh, đây tức là tâm Phổ Hiền… Tâm cung kính của Phổ Hiền là chân thật, chúng ta cung kính Chư Phật như thế nào, thì cung kính tất cả chúng sanh như thế đó, sự cung kính hoàn toàn như nhau. Tại vì sao? vì tất cả chúng sanh vốn tự thành Phật, nếu đắc tội với một chúng sanh nào thì đắc tội với Phật, tức là đối với Phật bất kính, phải đối với tất cả chúng sanh cung kính, đây là hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền viên mãn nhất, Phương pháp tu hành thù thắng nhất.

Hai. Xưng tán Như Lai, câu thứ nhất Lễ kính Chư Phật, vì sao câu thứ hai Xưng tán Như Lai, không gọi là Xưng tán Chư Phật, cái dụng ý này rất sâu. Lễ kính Chư Phật là từ trên hình tượng mà nói, từ trên tướng mà nói nhất loạt phải cung kính, nhìn thấy người thiện cung kính, nhìn thấy người ác cũng phải cung kính, không phân biệt thiện ác, không phân biệt tà chánh, cung kính chánh pháp, cũng cung kính tà pháp. Xưng tán Như Lai, là từ trên tánh mà nói, cái khác biệt ở chổ này, thiện thì chúng ta xưng tán họ, không thiện thì chúng ta không xưng tán họ, chỉ cung kính mà không xưng tán, chổ khác biệt ở tại đây.

Ba. Quảng tu cúng dường, đặc sắc của hạnh Phổ Hiền, là tâm lượng quảng đại như hư không pháp giới, tại trong Phật pháp đại thừa là tánh đức viên mãn khởi dụng… Cho nên tánh đức của Phổ Hiền Bồ Tát khởi dụng là viên mãn, nguyện nguyện đều là tận hư không biến pháp giới… Ngoài cúng dường, cúng dường một đức Phật tức là cúng dường tất cả chư Phật, không những cúng dường tất cả chư Phật đã thành Phật, cũng cúng dường Tình và Vô Tình chúng sanh chưa thành Phật, cho nên một là tất cả, tất cả là một, đây là phương pháp tu học của Bồ Tát, cũng tức là cảnh giới của Hoa Nghiêm.

Bốn. Sám hối nghiệp chướng, tất cả chúng sanh đều có nghiệp chướng, khi khởi tâm động niệm thì là tạo nghiệp, nhất định sanh ra chướng ngại. Chướng cái gì? Là chướng bản tánh của chúng ta, trong bản tánh chân tâm của chúng ta, có vô lượng trí huệ, có vô lượng đức năng, hiện tại trí huệ, đức năng, thần thông vì sao không thể khởi tác dụng… Vì có nghiệp chướng, tu hành khó thành tựu, nếu muốn nghiệp chướng sám trừ, chỉ cần thật sự phát nguyện sữa lỗi, chí thành niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh độ, thì nghiệp chướng sẽ tiêu trừ. Pháp sư Từ Vân có nói: Tất cả kinh chú khó mà tiêu nghiệp chướng, chỉ có một câu A Di Đà Phật này mới có thể tiêu nghiệp chướng. Đây là sự thật… Muốn sám hối nghiệp chướng, chỉ có niệm Phật mới là chân thật sám hối… Chân thật niệm Phật thì tiêu trừ tất cả tội chướng.

Năm. Tuỳ hỷ công đức, là đối trị cái phiền não nặng nhất của người phàm phu, đó là cái tâm ganh ghét, cái tâm ganh ghét là sẳn có khi sanh ra, có cái tâm ganh ghét này, đối với sự tu học là một chướng ngại rất lớn. Cho nên Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta phải tu tùy hỷ công đức, chẳng những không ganh ghét người ta, mà còn tùy hỷ, khi nhìn thấy người ta làm việc thiện, làm việc tốt, mà có thể sanh lòng vui mừng, tận tâm tận lực đi giúp đỡ cho họ được thành tựu, nhà Nho nói: Thành nhân chi mỹ, thành nhân chi thiện. Nên biết thành tựu cho người khác, tức là thành tựu cho mình, cái phương pháp tùy hỷ công đức này rất thù thắng.

Sáu. Thỉnh chuyển pháp luân, chúng ta là đệ tử Phật, chịu sự giáo dục của Phật, đạt được sự lợi ích chân thật, chúng ta phải dùng phương pháp gì để báo ơn Phật? Nên biết tâm nguyện của Phật, là hy vọng tất cả chúng sanh có thể nghe được chánh pháp, y theo Phật pháp tu học, sớm được viên thành Phật đạo… Cho nên muốn thật sự báo ơn của Phật, tức là Thỉnh chuyển pháp luân, dùng lời hiện nay mà nói, tức là lễ thỉnh Pháp sư đại đức đến giảng kinh thuyết pháp, hoằng pháp lợi sanh, đây là phước đức rất lớn, người đứng ra lễ thỉnh Pháp sư đến giảng kinh thuyết pháp, cái phước báo này rất lớn.

Bảy. Thỉnh Phật trụ thế, Thỉnh chuyển pháp luân mục đích chủ yếu là tuyên truyền Phật giáo, đem giáo pháp của Phật giới thiệu rộng rãi cho mọi người, trong đời này của chúng ta muốn tu học có được thật sự thành tựu. Thỉnh chuyển pháp luân vẫn chưa đủ… Cho nên nhất định phải Thỉnh Phật trụ thế, tức là phải lễ thỉnh vị Thầy có đức hạnh đến thường trú lâu dài, để chỉ dẫn cho chúng ta, chúng ta có thời gian lâu dài tiếp nhận huân tu, thì mới có thể thành tựu… Mọi người nếu muốn thành tựu, nhất định phải Thỉnh Phật trụ thế, nay Phật đã diệt độ, nhưng còn đệ tử của Phật, bất luận là xuất gia hoặc là tại gia cư sĩ, chỉ cần họ có tu, có học, có đức hạnh, có thể làm cái gương tốt cho chúng ta, có thể hướng dẫn cho chúng ta tu học, thì phải lễ thỉnh họ đến địa phương này thường trú, hoằng pháp lợi sanh, khiến cho địa phương này được họ chỉ dạy trường kỳ tu tập, như vậy mới có thể thật sự thành tựu. Cho nên muốn được thành tựu, thì nhất định phải thật sự phát tâm Thỉnh Phật trụ thế.

Tám. Thường tùy Phật học, Phật còn tại thế thì nương theo Phật tu học, Phật là tấm gương tốt nhất của chúng ta, là mô phạm của chúng ta, nay Phật không còn tại thế, nhưng kinh điển của Phật vẫn còn ở thế gian, chúng ta nương theo kinh điển mà tu hành, cũng là Thường tùy Phật học, đây là tiêu chuẩn tu học Phật pháp cao nhất.

Chín. Hằng thuận chúng sanh, đây là phải đối với pháp giới tất cả hữu tình chúng sanh, nhất định phải Thuận, Thuận là vô cùng khó làm, không dễ gì làm nổi, cho nên người Trung quốc nói Hiếu, tiếp theo là Thuận, tức là Hiếu Thuận, nếu không Thuận thì không có Hiếu, học Phật là hết lòng Đại Hiếu. Hằng thuận chúng sanh phải quán sát cơ duyên, khuyên nhủ chỉ dạy cho chúng sanh đoạn ác tu thiện, giúp cho họ phá mê khai ngộ, thì nhất định phải biết thời tiết nhân duyên, đến lúc nào thì ta phải làm, mới hợp với thời tiết nhân duyên, thì thu hoạch được hiệu quả viên mãn, cho nên phải có trí huệ, thiện xão phương tiện, mới có thể Hằng thuận chúng sanh.

Mười. Phổ giai hồi hướng, tức là đem tất cả công đức học tập tu hành của chúng ta, toàn bộ hồi hướng cho pháp giới tất cả chúng sanh, hồi hướng cho họ chứng bồ đề, hồi hướng cho họ thành Phật đạo, mở rộng tâm lượng của mình, cùng với tận hư không biến pháp giới thành một thể, đạt đến cảnh giới này mới là chân chánh cứu cánh đại viên mãn.

Nói tóm lại, chúng ta y cứ kinh điển tu học Tịnh Tông, tức là y theo Tịnh Độ Ngũ Kinh Nhất Luận, trong kinh luận chỉ dạy phương pháp tu hành, có năm điều khoa mục: Tam Phước, Lục Hòa Kính, Tam Học, Lục Độ, Thập Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ Tát. Phương pháp vô cùng đơn giản, vô cùng dễ hiểu, một tí cũng không phức tạp. Chúng ta một đời tuân theo cái nguyên tắc này mà tu học, thì nhất định được thành tựu, như cổ đức có nói: vạn tu vạn người đi. Chúng ta đã có y cứ của kinh luận, đã có lý luận phương pháp tu hành, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta dùng tâm thái gì, dùng thái độ gì, để đối người, đối sự, đối vật? Chúng ta cứ tuân theo năm điều khoa mục này, thì tuyệt đối không bao giờ sai, sau đó nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ, tất cả mọi người đều được thành tựu viên mãn.

Lược trích trong Nhận Thức Phật Giáo do Pháp Sư Tịnh Không giảng tại Miami Mỹ Quốc năm 1991

Những Điềm Báo Trước Khi Chết

Những Điềm Báo Trước Khi ChếtNhững người tu hành đã đắc đạo, họ an lạc, tự tại, thong dong giữa hai bờ sống chết, họ có thể tái sinh về bất cứ cõi giới nào họ muốn. Còn chúng sanh mê muội, phàm phu tục tử đều phải tùy nghiệp mà thọ sanh, tức là sau khi chết, phải chịu sự dẫn dắt của nghiệp lực mà thọ sanh về cảnh giới thích ứng cho nghiệp mà mình đã gây tạo. Nói vậy không có nghĩa là Phật tử tin vào thuyết định mệnh, tức là cái đã sắp đặt sẵn mọi chuyện, mình phải đi theo cái có sẳn ấy. Ở đây, không phải vậy, người Phật tử tin rằng mình là chủ nhân ông của chính mình, tuy nhiên, một khi mình không làm chủ được mình để cho ác nghiệp đã được xảy ra, thì chính cái nghiệp ấy sẽ trở lại điều khiển mình. Do đó người Phật tử hãy thận trọng trong mọi hành vi, lời nói và ý nghĩ của mình, từ nơi đó sẽ đưa chúng ta tới an lạc, và cũng từ nơi đó sẽ đưa chúng ta đến khổ đau.

Trước khi một người chết, có những điềm báo trước, có thể tùy theo mỗi người mà có cảm thọ khác nhau về cảnh giới thiện hay cảnh giới ác, và những điềm này sẽ giúp cho ta dự đoán được nơi thọ sanh của người quá cố.

Những điềm lành báo trước sẽ có thể sinh về Tịnh độ:

Tâm hồn không bị bối rối
Biết trước ngày giờ chết
Tâm niệm chân chánh không mất
Biết trước giờ chết mà tắm rửa và thay quần áo.
Tự mình niệm Phật, niệm có tiếng hoặc niệm thầm
Ngồi ngay thẳng, chấp tay niệm Phật mà chết
Mùi thơm lạ lan tỏa khắp nhà
Có hào quang sáng soi vào thân thể
Nhạc trời vang dội giữa hư không
Tự nói ra bài kệ để khuyên dạy người ở lại.

Những điềm báo trước sẽ có thể thác sinh lên cõi trời:

Móng lòng thương mến
Phát khởi thiện tâm
Lòng thường vui vẻ
Chánh niệm được rõ ràng
Thân thể không bị hôi hám
Sống mũi không xiên xẹo
Tâm không giận dữ
Tâm không luyến ái tài sản, vợ, chồng, con, dòng họ
Mắt luôn trong sáng
Ngửa mặt lên trời và mỉm cười

Những điềm báo trước sẽ có thể tái sinh trở lại cõi người:

Đến khi chết vẫn nhớ nghĩ đến điều lành
Thân không đau khổ
Ít nói lời phô trương, thường nghĩ nhớ đến cha mẹ
Tai thường muốn nghe tên họ của anh chị em và bầu bạn
Đối với việc lành dữ nhận rõ không lầm loạn
Tâm tánh ngay thẳng không ưa sự dua nịnh
Biết rõ bà con bạn bè giúp đỡ cho mình
Thấy bà con trông nom sinh lòng vui mừng
Dặn dò mọi việc trong nhà trước khi chết
Sanh lòng chánh tín, thỉnh Phật, Pháp, Tăng đến đối diện quy y.

Những điềm xấu báo trước sẽ có thể đọa vào địa ngục:

Gặp phải tình trạng con cái và bà con đều nhìn kẻ sắp chết bằng đôi mắt ghét bỏ
Người sắp chết thường đưa hai tay lên mà rờ mó hư không
Dù bạn lành có khuyên bảo điều hay cũng không tùy thuận
Người sắp chết kêu gào than khóc
Đi ra đại tiện, tiểu tiện mà không hay biết
Nhắm nghiền đôi mắt
Thường hay che úp mặt mày
Nằm nghiêng mà ăn uống
Mình mẩy miệng mồm đều hôi hám
Gót chân, đầu gối luôn run rẩy
Sống mũi xiên xẹo
Mắt bên trái hay động đậy
Hai mắt đỏ ngầu
Úp mặt mà nằm
Thân hình co rút và tay bên trái chấm xuống đất

Những điềm báo trước sẽ có thể thác sinh vào cõi giới ngạ quỷ:

Ưa liếm môi miệng
Thân nóng như lửa
Thường lo đói khát và hay nói đến việc ăn uống
Mắt thường hay trương lên mà không nhắm
Hai mắt khô khan như mắt chim gỗ.
Đầu gối bên phải lạnh trước
Tay bên phải thường nắm lại

Những điềm báo trước sẽ có thể thác sinh vào loài súc sanh:

Yêu mến vợ con, đắm đuối không bỏ
Ngón tay và ngón chân đều co quắp
Khắp trong thân mình đều toát ra mồ hôi
Tiếng nói ra khò khè
Miệng thường ngậm đồ ăn

Trích trong sách của một Lạt-Ma Tây-Tạng

Không Nên Nhìn Lỗi Của Người

Không Nên Nhìn Lỗi Của NgườiMột người tu đạo chân chánh là không nên nhìn lỗi của người khác. Nếu không thì lỗi của người cũng chính là lỗi của mình. Nói tâm tôi rất an tịnh, tôi không có như thế, trên thực tế, quý vị không biết rằng khi phát hiện ra khuyết điểm của người khác thì bản thân nó đã trở thành khuyết điểm của quý vị rồi. Sự thật này, chân lý này, người bình thường ít khi nhận ra. Có người nói tâm tôi rất an tịnh, tâm tôi rất tốt, hôm nay tôi rất vui, nhưng thật ra đó chỉ là cảm giác nhất thời của quý vị, hoặc là cách nghĩ tạm thời để khống chế mình có được những trạng thái tâm mong muốn. Một khi quý vị phát hiện ra khuyết điểm của người, thì ngay chỗ khởi tâm động niệm đó đã là khái niệm của phiền não rồi đấy!

Tâm trạng quý vị đang vui, nhìn thấy người khác lúc nào cũng rất tốt; khi tâm khởi phiền não, nhìn thấy người khác chỗ nào cũng không ưa nổi. Khi trạng thái tâm mình như thế nào, nhìn người khác cũng có những tính chất tương tự. Đó là những trạng thái của tâm tốt và xấu. Tâm khởi phiền não cũng là vì trong lòng chất chứa đầy những vấn đề tốt xấu. Nói mình tốt, người khác xấu, đó đều là phiền não,vì tốt hay xấu vốn đã là phiền não. Vấn đề là quý vị có chịu thừa nhận hay không mà thôi.

Quý vị không biết, những điều mắt quý vị thấy đều là hư vọng, không toàn diện. Mắt của chúng ta chỉ có thể nhìn thấy phía trước mà không nhìn thấy phía sau, nó không thể có được một cái nhìn thẩm thấu, cho nên luận về công đức, mắt có đến 800 công đức, nhưng không bao giờ nó đạt đến trình độ viên mãn. Nên nói khi quý vị muốn biết thật sự về mình thì trước mặt và sau lưng đều cần phải có một tấm kính, như thế mới có thể nhìn thông được phía sau.

Nguyên nhân gì khiến mình nhìn thấy lỗi của người khác? Đó là vì chúng ta có một cặp mắt, khi có cặp mắt thì cũng đồng thời phát sinh ra cặp tâm phân biệt. Cặp mắt chính là tâm phân biệt; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều là tâm phân biệt của quý vị. Thế nào là tâm phân biệt? Chỉ cần mắt quý vị nhìn thấy vấn đề, phát hiện vấn đề thì đó đều là tâm phân biệt. Phật và Bồ tát có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không? Không có. Trong “Tâm Kinh” nói rất rõ: không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và cũng không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có cảnh giới của mắt, cho đến không có cảnh giới của ý thức; không có vô minh, nên không có sự diệt tận vô minh, cho đến không có già chết… Khi chúng ta phát hiện ra vấn đề của người khác, dùng cái gì để phát hiện? Dùng phiền não để phát hiện. Quý vị tự đeo cho mình một cặp kính màu thành kiến, rồi dùng cặp kính màu này để phát hiện ra lỗi của người.

Chúng ta muốn thật sự hiểu rõ chính mình và cái gì gọi là phiền não thì đầu tiên quý vị phải buông bỏ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chính mình. Có người nói, như thế tôi chẳng phải trở thành một kẻ mù hay sao? Nếu quý vị thật sự trở thành “một kẻ mù” thì quá tốt, mấu chốt ở chỗ là sợ mắt quý vị không mù, tai quý vị không điếc, miệng quý vị không câm. Nếu quý vị có thể trở thành một “người mù, người điếc…”, buông bỏ hết tất cả những thứ này thì tự thân quý vị sẽ không còn khởi phiền não, sẽ không còn nhìn thấy phiền não của người khác. Vì sự xả bỏ đó mà ba ngàn thế giới này đều là của quý vị, tâm quý vị không khởi phiền não thì thiên hạ ắt sẽ được thái bình.

Như có người tu hành, chúng ta đến bên cạnh người đó, mặc dù trong lòng đang khởi tâm động niệm, đang rất phiền não, nhưng chỉ một thoáng sau tất cả phiền não đều không còn. Gặp người tu hành có định lực, bất luận trong lòng quý vị có bao nhiêu phiền não, khi được ở bên cạnh người ấy, tất cả phiền não của quý vị đều được hóa giải. Chúng ta vì chưa hóa giải được, nên còn phiền não. Phiền não khởi lên không phải từ bên ngoài, mà hoàn toàn ngay chính tự thân. Do đó, điều răn thứ nhất trong quy luật Thiền môn là: Không bao giờ được nhìn lỗi người khác, phải luôn luôn thông hiểu cho người.

Quý vị nói sự thật là như thế, đó chính là lúc mắt quý vị đang phát huy tác dụng, nó có thể nhìn thấy được một số vấn đề: Anh ta đang làm việc trái pháp…đó là căn bệnh của mắt từ xưa đến nay. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” Đức Phật chẳng phải đã nói: Ánh sáng của ngọn đèn kia vì sao có một vòng tròn? Rốt cuộc là ngọn đèn kia phát ra vòng tròn hay chính cặp mắt của quý vị có vòng tròn? Kết quả phát hiện cho thấy do cặp mắt của quý vị có vấn đề, khi trị lành cặp mắt, vòng tròn kia sẽ không còn. Vòng tròn không phải do ngọn đèn sanh ra, mà do cặp mắt của quý vị tạo nên. Vì sao nói vòng tròn do mắt tạo ra? Là vì hạt giống phiền não trong tâm của quý vị đang có mặt và tất nhiên nó sẽ phát hiện ra được những hạt giống cùng loại nơi người khác.

Do sự thay đổi tư tưởng nơi chúng ta nên mới có lỗi lầm nơi người khác. Đó là tư tưởng gì? Ví dụ nói, chúng ta bây giờ xuất gia, tu đạo, giữ giới, khi nhìn thấy người khác không giữ giới, chúng ta phiền não. “Tại sao người ấy không giữ giới? Tại sao người ấy không nổ lực tu đạo? V.v..”, cứ thế không ngừng nhìn thấy lỗi của người. Đổi lại khi chưa xuất gia, chúng ta chưa nhận biết những lỗi này, vẫn cứ cho như thế là rất tốt. Nhưng thái độ giả lơ cũng không phải là thượng sách, những nhận thấy trên dầu sao cũng thuận với chánh pháp, đó là một quá trình nhận thức từng bước, từng bước. Tóm lại, phiền não khởi lên không phải từ bên ngoài, mà là từ trong nội tâm. Khi phát hiện ra lỗi lầm của người khác, quý vị nên dũng cảm thừa nhận lỗi lầm của mình, trước phải quán xét tự thân, phải sám hối với chính mình, như thế mới có thể giải quyết được vấn đề.

Lúc trước, chúng ta có nói đến pháp tu nhẫn nhục, thế nào gọi là nhẫn? Tức nhẫn điều không thể nhẫn. Không có năng nhẫn và sở nhẫn (người nhẫn và điều được nhẫn), không có hoàn cảnh, “ngã” của năng nhẫn và “tha” của sở nhẫn đều không tồn tại, đó gọi là năng nhẫn hay nhẫn. Quý vị chỉ có nhận thức với một thái độ như thế mới có thể nhận biết được vấn đề một cách như thật. Mở miệng tuyệt đối không nói lỗi lầm của người, bất cứ lúc nào trong tâm cũng không nên có tâm niệm thị phi. Có loại tâm niệm đó, phiền não nhất định sẽ phát sanh; không có tâm đó, phiền não sẽ không còn lai vãng.

Nói như thế, có phải là tôi không muốn sửa đổi, ngăn chặn lỗi lầm của người khác, vì vậy mà đôi lúc khiến cho công việc bị đổ vỡ? Trên thực tế, khởi đầu là do quý vị không chuyển được cảnh, đợi đến khi trong tâm của quý vị thật sự không còn tâm niệm thị phi thì những hiện tượng trên tự nhiên biến mất. Sở dĩ những hiện tượng trên có mặt là do ban đầu quý vị có gieo hạt giống đó, nó nhất định trổ quả cho quý vị xem, nó khiến cho quý vị phát hiện ra vấn đề. Một khi đã phát hiện ra vấn đề, bước đầu tiên quý vị vẫn còn cảm thấy rất thanh tịnh; bước thứ hai thì phát hiện ra người khác sao có quá nhiều vấn đề, quá nhiều sự việc; bước thứ ba quý vị sân si lên, anh làm sao mà trở nên như thế được hỉ? Bước thứ tư quý vị đi đến nước chịu hết nổi.

Khi phát hiện ra vấn đề của người khác thì phiền não tự thân đã nổi lên, đó là điều hiển nhiên. Bất luận quý vị phát hiện ra ưu điểm hay khuyết điểm của người cũng đều là phiền não. Vì có sự phân biệt ta, người, chúng sanh thì đã có phiền não. Có người và ta, là đã có sự đối lập. Nhận thấy có người khác thì cái ta liền phát sinh lên. Cái ta này từ đâu đến? Vì thấy có người khác, nên cảm nhận được sự có mặt của cái ta, nếu khi không có người khác thì cái ta cũng không tồn tại. Cho nên nói hiện tại chúng ta đã phạm phải một sai lầm rất lớn.

Có người nổi sân si, quý vị nói người đó đã làm ảnh hưởng đến mình. Bất luận quý vị nhận thấy cái tốt hay cái xấu của người cũng đều là phiền não của quý vị. Quý vị thấy anh ta hôm nay tốt, ngày mai tốt, ngày mốt thì đã xấu đi rồi. Đối với anh ta thì tốt, đối với người khác thì xấu, luôn luôn có sự phân biệt như thế. Nên nói tốt hay xấu đều do sự đối lập sinh ra, chỉ cần một phương diện khởi này lên thì phương diện kia liền sanh theo.

Tại sao nói nhìn thấy tốt hay xấu đều không đúng? Biết cái xấu, chúng ta không học theo. Nhưng khi chúng ta phát hiện ra chỗ tốt của người, liền khởi lên sự so sánh. Người này tu hành chân chánh, tốt quá, mình sẽ theo học với người ấy. Quý vị nhìn thấy người đó ngồi thiền sao mà trang nghiêm! tụng Kinh sao mà vang vọng! tu hành sao mà tinh tấn! Nhưng quý vị không biết rằng khi nhìn thấy những ưu điểm của người đó, đồng thời cũng nhìn thấy được mặt ngược lại của họ, hay mặt ngược lại tương tự nơi những người khác, người này như thế này, người này như thế kia, rốt cuộc ai là người tốt nhất? Đó là bản thân mình tốt nhất. Chuyển tới chuyển lui, chuyển xuôi chuyển ngược, cuối cùng dừng lại nơi mình. Nên nói chuyển một vòng thì cuối cùng cũng lộ ra “cái tôi” của chính mình, đây chỉ là một sự lừa bịp.

Trong sự tu hành, tuyệt đối đừng nên thấy có tướng nhân (thấy có sự tồ tại của người khác), chúng ta nên quán “chư pháp không tướng” mà xa rời tất cả tướng. Tất cả chúng sanh đều là cha mẹ kiếp trước của mình, đều là chư Phật trong tương lai. Tất cả đều là pháp thân của quý vị, thì quý vị còn có phiền não gì đáng nói nữa chứ? Có quán sát như vậy, mới có thể giải quyết được vấn đề. Nếu như quý vị chưa được như thế, thì chỉ còn cách nương theo thiện pháp thông thường mà đi tới. Quý vị muốn một lần đạt được cứu cánh rất khó, bao giờ cũng có những nơi quanh co khúc khủy, chi bằng ngay tại điểm này quán sát một cách triệt để, học lấy pháp cứu cánh, đây là phương thức lý tưởng nhất.

Pháp sư Diệu Tường