05 09 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Có nhiều vị đã tham gia hộ niệm hoặc quan tâm đến pháp Hộ Niệm Vãng Sanh đã phát hiện ra những sơ suất từ các Ban Hộ Niệm (BHN) trong nước cũng như ở ngoài nước.
Nghe được những thông tin này làm Diệu Âm cũng khá ưu tư. Hôm nay muốn xin chia sẻ một số điều với tất cả các Ban Hộ Niệm, cùng chư vị quan tâm như sau:
Pháp hộ Niệm là chánh pháp có thể cứu huệ mạng một người phàm phu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc đọc tiếp ➝
30 08 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Quê hương tôi nằm trên vùng biển xanh cát trắng Nha Trang. Từ nhỏ, mấy chị em tôi đã được mẹ đưa về chùa làm lễ quy y, trở thành Phật tử.
Chúng tôi thường được mẹ dẫn đi chùa, mẹ khuyến khích mấy chị em tôi ai học thuộc kinh Bát Nhã, chú Đại Bi thì sẽ có thưởng. Thằng em thứ ba của tôi rất thông minh, học giỏi nên chỉ trong ba ngày, nó đã thuộc và “trả bài’’ vanh vách. Còn tôi thì ì ạch lắm mới thuộc được kinh Bát Nhã. Với chú Đại Bi thì ôi thôi, chữ nào vô được trong đầu thì ngày sau nó cũng tìm đường chui ra. Tôi chẳng có hứng thú gì với những dòng chữ Phạn khô khan, khó hiểu ấy cả. Thế rồi tôi bỏ luôn không học nữa.
Ba tôi thường dạy cho chúng tôi hát những ca khúc Phật giáo. Tôi còn nhớ một số bài hát mà mấy cha con đã từng hát thật say sưa. Có lẽ đây là quãng thời gian êm đềm, hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi.
Sau năm 1975, ba tôi rời thành phố Nha Trang khăn gói lên đường đi kinh tế mới. Thấm thía lẽ vô thường, sự thăng trầm của cuộc đời, cùng với những hiểu biết giáo pháp của Đức Phật, ba phát tâm ăn chay trường, sống thiểu dục tri túc, thực hành hạnh từ bi nhẫn nhục… cho đến tận bây giờ.
Mẹ con chúng tôi ở nhà, giữa cái thời bao cấp đầy khốn khó, tiền lương của mẹ không đủ sống nên một mình mẹ xoay xở đủ cách để nuôi bốn đứa con. Tôi cũng tìm cách đi bỏ kẹo, thắt lá buông phụ giúp gia đình… Chị em chúng tôi cũng dần dần lớn lên dưới đôi tay yếu ớt nhưng tràn đầy tình yêu thương và nghị lực của mẹ.
Học xong 12, tôi thi vào sư phạm. Ra trường, đi dạy xa nhà rồi lập gia đình. Chồng tôi cũng là giáo viên. Hai đứa con lần lượt ra đời. Vâng lời mẹ, tôi có thỉnh tượng Bồ tát Quan Âm về thờ và thắp hương hàng đêm. Nhưng thực ra, trong tôi chỉ có một niềm tin mù mờ, xa vời. Làm giấy tờ hoặc kê khai lý lịch viên chức ở mục tôn giáo, tôi luôn luôn ghi chữ “không’’. Tôi luôn cảm thấy bất an, lo sợ người ta biết nhà tôi thờ Phật, vì bấy giờ tôn giáo tín ngưỡng gần như bị liệt vào “tiêu cực và mê tín dị đoan”. Cùng với những vất vả thiếu thốn, phải hơn thua, giành giựt với đời để mưu sinh làm cho tôi càng ngày càng xa rời mái nhà tâm linh Phật giáo…
Trong vòng xoáy hơn thua của cuộc đời, đôi khi tôi cảm thấy nghẹt thở, mỏi mệt và kiệt sức. Nhiều lần, nhìn tôi vô minh khổ đau tranh chấp với đời, ba tôi đem giáo pháp của Đức Phật ra giáo hóa, mong tôi sớm thức tỉnh để tu hành nhằm chuyển hóa khổ đau. Nhưng vì lưới vô minh và lòng tham lam, đố kỵ bao phủ nên những gì ba nói đều làm tôi khó chịu. Khi ba tôi giảng: “Mọi khổ đau hay hạnh phúc trên thế gian này đều là giả’’, tôi phản ứng liền. Tôi cho rằng ba sống không thực tế, những điều ba nói là viễn vông, không thực trong xã hội đầy bon chen hiện nay.
Nghe tôi nói, ba buồn vì biết tôi còn quá vô mình và nhiều ngộ nhận. Ba dỗ dành: “Nếu con quá bận rộn thì hãy chọn một pháp môn phù hợp với hoàn cảnh bận rộn, đó là pháp môn Tịnh độ. Đây là con đường hay nhất để giúp con giải thoát”. Sau đó, ba đưa cho tôi quyển kinh Vô Lượng Thọ và sách Tây Phương Du Ký. Tôi về xem qua rồi… cất luôn vào tủ, chẳng mảy may ngoái nhìn. Tôi thấy những điều này sao quá hoang đường, vu vơ, không thật, giống như truyện cổ tích. Và tôi vẫn tiếp tục lao theo dòng xoáy vô minh tham đắm với đời .
Thỉnh thoảng, tôi cũng có đi chùa cầu nguyện gia đình bình an, con cái học giỏi, phát lộc phát tài. Dù chưa thật sự có niềm tin vào Phật pháp nhưng vì lòng tham, lo sợ mất phước nên tôi cứ làm cho chắc, biết đâu được Phật linh thiêng độ trì cho gia đình.
Tôi phung phí hơn nửa đời người vào những cuộc ăn chơi, giành giật, bon chen, ích kỷ, thị phi triền miên. Để rồi, hằng đêm, tôi luôn luôn phải thao thức, trăn trở, vật vã vì những cái hơn thua, được mất đầy phù du, ảo vọng. Ngoảnh lại đời mình, một chuỗi dài những nhọc nhằn, khắc khoải, toan tính, lo âu. Lắm lúc tôi tự hỏi: Con người sinh ra để làm gì? Tôi sinh ra để làm gì? Phải chăng là để cùng nhau trải nghiệm, thi thố, thể hiện năng lực đấu tranh sinh tồn? Để rồi mai này, khi sức tàn lực kiệt, con người lại trở về hư vô hay sẽ trôi lăn về đâu? Cuộc đời sao thật là vô nghĩa!
Một “Phật tử’’ như tôi đã sống như vậy đó.
Nhưng rồi, một lần tình cờ tôi đọc được những bài viết trên chuyên mục “Những chuyện kì bí của thế giới tâm linh’’ của tác giả Hoàng Anh Sướng trên báo Thế Giới Mới kể những cuộc tìm mộ liệt sĩ, tìm mộ người thân của các nhà ngoại cảm. À, thì ra đâu phải chỉ có thế giới duy vật là duy nhất hiện hữu quanh ta.
Tôi bắt đầu chịu khó gồng mình đọc quyển sách Sống Chết Bình An của Đại sư Sogyal Tây Tạng do mẹ tôi đưa. Càng đọc tôi càng ngạc nhiên. Tôi đọc lại lần thứ hai rồi lần thứ ba. Tôi tò mò vào mạng kiếm tìm và bắt gặp được trang “Chết và tái sinh’’. Tôi bắt đầu cảm nhận một điều gì đó khác lạ và sự đấu tranh tư tưởng về một thế giới sau cái chết là có thật.
Một lần đi chùa, một cô Phật tử đưa tôi xem tờ báo Tiền Phong nói về trái tim xá lợi của Bồ tát Thích Quảng Đức. Tôi thấy là lạ và ngạc nhiên. Về nhà lên mạng tìm hiểu thêm, tôi khám phá ra những trang web có liên quan, thấy có nhiều điều mà từ trước đến nay tôi chưa hề biết đến. Thế là từ đó, rảnh rỗi giờ nào là tôi lao vào mạng. Tôi say sưa tìm, nghe, đọc trong niềm thích thú đam mê cứ như thể mình tìm được một báu vật linh thiêng giải đáp mọi thắc mắc và hồ nghi trong tâm của mình.
Một hôm, vừa làm việc, vừa mở trang “Thư viện Phật giáo” và nghe cuốn băng “Khuyên người niệm Phật’’ của cư sĩ Diệu Âm. Nghe tới đâu tôi sửng sốt, bàng hoàng tới đó. Tôi bỏ dở mọi công việc, tìm lại cuốn kinh Vô Lượng Thọ và Tây Phương Du Ký đang bị bỏ quên trong tủ. Tôi nghẹn ngào: “Con ngu quá ba ơi’’. Nước mắt tôi chan hòa, ân hận. Hơn nữa đời người thấm đau với đời, giờ tôi mới tỉnh ngộ.
Từ đó, tôi tranh thủ từng giây từng phút nghỉ ngơi hiếm hoi để đắm mình say sưa vào các trang web của chùa Hoằng Pháp, A Di Đà thôn, Pháp âm đạo Phật ngày nay, pháp sư Tịnh Không, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, bác sĩ Quách Huệ Trân, các gương vãng sanh… Tôi đọc nghiến ngấu những cuốn sách Tịnh độ mua từ chùa Long Sơn, các hiệu sách lớn ở Nha Trang như kẻ khát gặp được cơn mưa. Giáo pháp của Đức Phật từ bi, trong sáng, trí tuệ, tích cực, mầu nhiệm biết bao. 48 lời thệ nguyện của Từ Phụ A Di Đà đầy yêu thương, bao la và vĩ đại nhường nào. Lòng tôi nở bừng, lan tỏa một niềm phúc lạc vô bờ. Cái mầm Phật pháp héo hắt trong tôi bắt đầu chuyển mình. Kẻ lạc đường đã tìm được địa chỉ cố hương. Cánh cửa giác ngộ trong tôi đã hé mở.
Tôi bắt đầu “tập’’ niệm Phật, sám hối và cầu nguyện vãng sanh khi bỏ báo thân. Nhưng sao tôi cứ thấy lóng ngóng. Lý thuyết tôi đã tạm thông, nhưng thực hành lại thiếu tự tin, không biết mình hành có đúng không? Hồi giờ đi chùa tôi đâu hề biết đến pháp tu này. Tôi phải tìm thầy thôi. Tôi cố tâm tìm hiểu những ngôi chùa Tịnh độ ở Khánh Hòa và phát hiện được chùa Linh Sơn Pháp Ấn cách nhà tôi 20km. Vào một buổi chiều mưa vần vũ nhưng không có giờ lên lớp, tôi độc hành tìm đến chùa. Mình mẩy ướt nhèm. Tim tôi đập rộn rã khi lần theo dốc đá vào chánh điện. Thật phước duyên và diễm phúc, tôi gặp được thầy trụ trì. Ánh mắt từ ái, nụ cười cởi mở của thầy làm tôi hết sức tự tin. Tôi kể lể, dốc hết nỗi lòng mà tâm sự, mà thắc mắc với thầy. Thầy từ bi điềm đạm khai tâm mở trí, hướng dẫn tôi phương pháp hành trì. Trước khi ra về, thầy tặng cho tôi một số sách và băng đĩa Phật pháp. Tôi run run đón nhận “báu vật’’ thầy ban mà lòng vô cùng sung sướng.
Vài ngày sau, thầy gọi điện cho biết: “Ngày nay là ngày tu, nếu sáng nay bận thì chiều hãy đến chùa tu nửa ngày nghe”. Buổi chiều, tôi hồi hộp đến giảng đường, Phật tử về tu đông quá. Mọi người đang tụng kinh Vô Lượng Thọ. Tôi rón rén tìm chỗ ngồi và cảm xúc lắng nghe. Khi đi kinh hành, bước những bước chân đầu tiên trong tiếng “A Di Đà Phật’’ trầm hùng của đại chúng, tôi đã bật khóc vì sung sướng. Nước mắt tôi rơi lã chã theo từng bước chân. Sau bao năm dãi dầu bước chân trên những con đường vô minh tội lỗi, giờ tôi đã tìm được lối đi đầy ánh sáng. Hai dòng chữ hai bên tôn tượng Phật A Di Đà: “Nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật – Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” như tiếng chuông cảnh tỉnh dội vào tâm can. Dẫu biết niệm Phật là phải nhất tâm, nhưng tôi không làm chủ được cảm xúc. Đức Từ Phụ ơi! Đứa con lầm đường lạc lối của Ngài nay đã quay về.
Tôi đã phát hiện chân lý và bước chân vào cửa Đạo như vậy đó.
Bây giờ, tôi đã khác trước rất nhiều. Tín – Nguyện – Hạnh tôi gắng giữ và thực hành. Làm theo lời Phật dạy, giữ ngũ giới, hành thập thiện, buông xả những gì cần buông xả, sám hối các lỗi lầm đã mắc phải. Tôi cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng vô cùng. Tôi cố gắng từ bỏ ngũ dục đã từng hành hạ, làm khổ tôi và tập sống cuộc sống thiểu dục tri túc như ba tôi đã dùng cả cuộc đời của mình mà thực hành. Tôi cũng đã có một đạo tràng ấm cúng để sinh hoạt và tu tập cùng thầy và các bạn đạo. Tôi đã biết quý từng giây từng phút “sống’’ trong hiện tại, cố gắng sửa đổi thân – khẩu – ý tịnh thanh, tâm luôn hướng về Đức Từ phụ A Di Đà, mong mỏi một ngày nào đó được trở về cố hương.
Giờ đây, mỗi khi làm giấy tờ, kê khai ký lịch, tôi có thể tự hào và hãnh diện viết vào mục tôn giáo: Phật giáo. Mỗi khi mặc bộ đồ lam đi chùa, tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc. Cầm lá cờ Phật giáo ngũ sắc, lá cờ của Bi – Trí – Dũng trong mỗi dịp lễ Phật đản, lòng tôi lâng lâng nhẹ nhàng. Vì một lẽ hết sức giản đơn: Tôi là Phật tử.
Diệu Túy
10 08 2012 | Gương Vãng Sanh |
Được Phật A Di Đà gia hạn sống thêm 5 năm. Sư Bà Thích Như Phụng thấy Phật, thấy cả cảnh giới Tây Phương Cực Lạc và được chết trong mùi thơm đúng như ước nguyện.
NHƯ Lai trưởng tử trụ Ta bà,
PHỤNG sự nhân quần dĩ lợi tha,
TÂY xứ phu tòa quy bỉ ngạn,
HƯNG Thiền châu kết độ hà sa,
NI đồ phổ nhuận Tôn Sư đức,
TRƯỞNG ấu đồng triêm pháp lục hòa,
MINH hiển từ tâm hành lục độ,
CẢNH huyền cao chiếu nhứt thiền gia.
Tháng 10 năm 2002, chúng tôi có việc phải về Việt Nam, trong thời gian mười ngày bên đó, chúng tôi được nghe quý Sư và Phật tử thường nhắc về hạnh tu của Sư Bà Như Phụng. Chúng tôi rất muốn được đến thăm Sư Bà nhưng vì lý do đặc biệt khiến chúng tôi không thể rời khỏi nhà. Sau khi trở về bên này, trong câu chuyện tham khảo ý kiến với Bác Tịnh Hải về vấn đề vãng sanh, chúng tôi có trình bày với bác rằng: “Dựa theo sách Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi của bác, cháu nghĩ tại Sa Đéc sẽ có hai vị cao tăng Ni sau này sẽ vãng sanh lưu Xá lợi”. Dự đoán ấy nay đã trở thành sự thật!
Mấy tuần trước, chúng tôi được gia đình cho biết, Sư Bà Như Phụng đã thị tịch và để lại rất nhiều xá lợi. Chúng tôi liền báo tin cho Bác Tịnh Hải rõ, bác yêu cầu chúng tôi liên lạc về Sa Đéc để thu thập hình ảnh và bài tiểu sử của Sư Bà do liên hữu Thiện Thành gởi qua, chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với Sư cô Thích nữ Như Hiền thuộc chùa Tây Hưng để xin thêm những chi tiết về công hạnh tu tập và trường hợp vãng sanh của Sư Bà.
Sư Bà Thích nữ Như Phụng tự Diệu Thành, pháp hiệu Giác Mỹ, sinh năm 1911 tại làng Tân Vĩnh Hòa, Quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc. Là đệ tử xuất gia của Hòa Thượng Thích Vạn Ân thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41. Thân phụ là cụ Phạm Văn Lắm, người rất hiền hòa phúc hậu, thân mẫu là bà cụ Huỳnh Thị Trúc, một người mẹ đảm đang đức hạnh. Sư Bà là con thứ sáu trong gia đình có tám anh chị em và là chị của cố Ni Trưởng Thích nữ Như Lan, trụ trì chùa Thanh Thiền ở Sa Đéc và Ni Trưởng Thích nữ Như Hiếu, đương kiêm trụ trì chùa Tây Hưng.
Thuở thiếu thời, Sư Bà thường xuyên lui tới chùa Tây Hưng, tụng kinh niệm Phật, công quả sớm hơm và quy y Tam Bảo. Càng ngày Sư Bà nhận thức sâu sắc về cuộc đời giả tạm, khổ nhiều hơn vui, từ đây chí xuất trần tu thiện pháp càng mãnh liệt. Khi duyên lành đã sẵn đủ, lại được sự chấp thuận của song thân, Sư Bà lên đường tầm sư học đạo. Năm 1929, lúc vừa tròn 19 tuổi, Sư Bà đến chùa Tây Hưng cầu Hòa Thượng Thích Vạn Ân xin được thế phát xuất gia tu học. Tháng 11 năm 1945, Hòa Thượng Bổn sư viên tịch, Sư Bà được giao phó trọng trách.
Sư Bà chuyên tu theo pháp môn niệm Phật A Di Đà. Thuở ban đầu, ngay sau khi xuất gia, Sư Bà niệm Tam Thiên Phật, rồi Vạn Phật, Ngũ Bách, tụng Sám Hối Hồng Danh, nhưng về sau Sư Bà chỉ niệm thánh hiệu “A Di Đà Phật”. Ngay cả khi Sư Bà kết hạt chuỗi bo bo, mỗi hạt bo bo là một biến “A Di Đà Phật”.
Công phu niệm Phật của Sư Bà không bao giờ dãi đãi, thời khóa niệm Phật hàng ngày bắt đầu từ 2 đến 4 giờ sáng; 7 đến 9:30 giờ; 2 đến 4 giờ chiều; 5:30 đến 7 giờ tối. Sư Bà ngọ trai lúc 12 giờ trưa và sau đó tụng Kinh A Di Đà, việc này Sư Bà đã thực hành nghiêm chỉnh ngay từ lúc mới xuất gia.
Sư Bà đã niệm Phật miên mật như thế trong suốt thời gian dài làm cho chúng tôi nhớ đến lời dạy của Ngài Ngẫu Ích Trí Húc Đại Sư mà Hòa Thượng Minh Tâm đã ghi trong Lời Bạt của sách Những Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi: “Đời mạt pháp, ức vạn người tu hành, ít có một người đắc đạo. Chỉ còn nhờ phép Niệm Phật mới được độ thoát. Than ôi, nay chính là đời mạt pháp rồi mà bỏ pháp môn niệm Phật này thì còn pháp môn nào tu học được nữa”. Vì vậy trường hợp vãng sanh lưu lại Xá lợi của Sư Bà Như Phụng đối với hành giả chuyên tu theo pháp môn Niệm Phật chắc cũng không có gì ngạc nhiên.
Ngoài công phu niệm Phật, Sư Bà đã thực hành hạnh của Bồ Tát mà ít có người làm được. Như trên đã nói, Sư Bà kết chuỗi bo bo, mỗi hạt là một biến “A Di Đà Phật”, mỗi ngày kết hai tràng để tặng cho chúng sanh Phật tử, nguyện của Sư Bà là mong cho mọi người đều niệm Phật. Sư Bà phát năm cầu nguyện khi thí chuỗi là:
Cầu cho Phật tử dồi sào sức khỏe
Cầu cho người niệm Phật tài vật đầy đủ
Chí niệm thường tinh tấn
Thực hành hạnh nguyện Bồ Tát
Khi bỏ thân được vãng sanh Cực Lạc.
Ngày nay nhiều Phật tử ở hải ngoại có dịp về thăm lại chùa Tây Hưng vẫn thường nhớ đến những tràng chuỗi bằng hạt bo bo và ao ước có được xâu chuỗi như thế để tưởng Phật, niệm Phật.
Với tâm nguyện cứu độ chúng sanh, phát nguyện cầu siêu cho chư hương linh được siêu sanh lạc quốc, Sư Bà đã bỏ ra bốn năm trời, cứ vào mùa Thanh Minh, thường đến hết nghĩa trang này lại qua nghĩa địa khác để trì chú Tán Sa cho hương linh, mỗi phần mộ ba vòng. Năm 1948, Sư Bà cùng với Sư Bà viện chủ chùa Thiền Quang ở Sài Gòn tổ chức kỳ siêu, vớt vong bằng giàn Thủy Lục, trong đêm các Ngài tụng Kinh Địa Tạng, niệm Hồng danh “A Di Đà Phật” để hồi hướng cho chư hương linh.
Sau đó Sư Bà nhập thất ba năm. Trong thời kỳ nhập thất này, Sư Bà rất ít nói chuyện, thị giả hay Phật tử chỉ mang thức ăn vào thất rồi trở ra. Sư Bà chú tâm vào việc tụng Kinh niệm Phật để hồi hướng cho hương linh các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn.
Năm 1964, Sư Bà lại nhập thất tịnh tu ba năm, tiếp tục nhứt tâm niệm Phật và tụng Kinh để hồi hướng cho ngôi Tam Bảo sung túc, huynh đệ tu hành tinh tấn, đàn na hưng thịnh. Và trong suốt thời gian sau này, Sư Bà vẫn thường xuyên nhập thất niệm Phật.
Năm vừa qua, thấy tuổi hạc đã cao, Sư Bà phát nguyện trước chư Phật: “Con nay đã trên 90 tuổi rồi sao lại chưa đi, nếu như thọ mạng chưa dứt, xin chư Phật cho con ở lại thế gian 5 năm nữa để con gieo trồng bo bo, kết chuỗi hầu khuyến khích Phật tử niệm Phật”. Mấy hôm sau, bên tai Sư Bà nghe có tiếng nói: “Thôi, mãn nguyện rồi, con nên đi đi”. Ở đây, Sư Bà xin thêm 5 năm nữa, chúng tôi vẫn thắc mắc, không rõ trước kia Sư Bà có nguyện gì nữa không, nếu là có thì có thể đã có sự cảm ứng đạo giao mà Sư Bà thường ít nói nên không ai biết được chăng ?
Sư Cô Như Hiền có kể lại, là cách đây gần một năm, khi ngồi trước chánh điện niệm Phật, Sư Bà ngửi được mùi hương thơm phảng phất rất là dễ chịu và nhìn thấy được cảnh giới tốt đẹp với những thứ cỏ lạ đều đặn, thẳng tấp trên cát mịn màng, thoáng xa xa người người lui tới trong y phục đẹp, trang nhã và lịch sự nhưng Sư Bà chưa được vào cảnh giới đó. Bỗng chốc Sư Bà nhớ ra là mình đang niệm Phật và đang ngồi ở chánh điện.
Những giờ phút sau cùng của đời người, trước khi được về với Phật, Sư Bà rất tỉnh táo, vui vẻ, hay hỏi han vuốt ve các Phật tử tới viếng thăm. Sanh tiền Sư Bà thường nguyện với Đức Phật A Di Đà, xin “được chết thơm”, xin đến lúc lâm chung được ra đi nhẹ nhàng, tinh thần minh mẫn. Nay nguyện của Sư Bà đã được thành tựu như ý.
Sư Cô Như Hiền nhớ lại lần thân bệnh vào năm trước, đôi lúc Sư Bà còn kêu than đau đớn nhưng lần sau cùng này, Sư Bà không kêu rên hay than đau và luôn luôn giữ thế nằm nghiêng về phía tay phải, thế nằm của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật khi nhập diệt.
Hơn chín mươi năm trụ thế, tấm thân ngũ uẩn được sử dụng để phụng sự Đạo pháp và chúng sanh đã hao mòn theo năm tháng, thân thế tuy mỏi mệt nhưng tinh thần luôn luôn trong sáng và tinh tấn niệm Phật. Khoảng bốn ngày trước khi vãng sanh, Sư Cô thị giả bạch thỉnh ý Sư Bà xin tụng bộ Kinh Đại Bi Đạo Tràng Sám Pháp – Lương Hoàng Sám để hồi hướng công đức cho Sư Bà, Ngài hoan hỷ chấp nhận, và thời gian này Sư Bà còn lên chánh điện để quan sát. Khi bộ Kinh được tụng đến quyển thứ bảy, qua phần Chú Vãng Sanh, đang tụng thời Sư Bà đã xả báo thân, thu thần viên tịch. Trong giây phút cận tử nghiệp này, Sư Bà vẫn còn nhép môi để niệm Phật, niệm thầm trong tư tưởng. Ngài ra đi với nét mặt hồng tươi khác lạ, da mặt căng thẳng và đầy nét hoan hỉ, trên tay vẫn còn cầm xâu chuỗi, cho đến lúc tay dũi thẳng ra xâu chuỗi mới rớt xuống một cách tự nhiên, nhẹ nhàng trước mặt quý Sư Cô. Lúc đó là 5 giờ chiều ngày mồng 8 tháng 9 năm Quý Mùi tức ngày 3 tháng 10 năm 2003. Nơi tịnh thất, trên chánh điện chùa Tây Hưng tiếng niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” vang lên. Sư Bà trụ thế 92 tuổi, hạ lạp trải qua 63 mùa an cư kiết hạ.
Với hạnh nguyện lợi tha cao cả, Sư Bà đã cống hiến cả cuộc đời mình một cách thầm lặng cho đời và đạo. Việc làm của Sư Bà tuy đơn giản nhưng nếu không có Bồ Đề tâm, không có Bồ Tát hạnh thì cũng không dễ gì làm được. Công đức và đạo hạnh của Sư Bà vẫn còn sống mãi trong lòng người con Phật, nhất là Ni giới và hàng Phật tử tại gia. Đặc biệt nhất vẫn là vô số xá lợi đủ màu mà Sư Bà đã lưu lại cho hậu thế, trong đó có 5 viên XÁ LỢI NGỌC. Theo lời Sư Cô Như Hiền, Sư Bà Như Hiếu chỉ giữ lại một số xá lợi như đã thấy trong hình để khuyến khích Phật tử tu hành niệm Phật, số còn lại được đem đi rải trên sông.
Sư Cô Như Hiền còn cho biết, sau lễ trà tỳ tại lò hỏa táng Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh – Sài Gòn, Xá lợi được đem về thất để lựa trong tối hôm đó. Đến 2 giờ khuya, giờ mà Sư Bà bắt đầu cho ngày tu niệm Phật, Sư Cô thị giả nghe thấy có luồng gió mát với hương thơm ngào ngạt giống như hương thơm của hoa sứ (ngọc lan). Mùi thơm này lưu lại cho đến mười phút.
Sư Bà Như Hiếu cho biết: “Sở cầu sở nguyện của Sư Bà Như Phụng đã được như ý nên Sư Bà đã trở về với Đức Từ Phụ A Di Đà Phật”.
Bốn năm trước đây, tại Sa Đéc, hàng Phật tử tại gia có cụ bà Diệu Thành đã vãng sanh để lại xá lợi với sự nhiệm mầu là từ chín viên nhỏ đã tự kết hợp lại thành ba viên xá lợi lớn (*), nay là Sư Bà Thích Nữ Như Phụng đã vãng sanh để lại nhiều xá lợi đủ màu và năm viên NGỌC XÁ LỢI. Sự vãng sanh của hai vị Bồ Tát nói trên thật là một tấm gương sáng, một bài học quý báu, giúp cho Phật tử ở Sa Đéc có lòng tin sâu xa vào sự thù thắng của Pháp môn Niệm Phật và nhứt là lời dạy vô cùng quan trọng của Đức Bổn Sư trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật nói phẩm thứ hai: “Bởi vậy mà Ta, Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn hôm nay trân trọng xác quyết rằng: VÃNG SANH ĐỒNG Ý NGHĨA VỚI THÀNH PHẬT, VÌ VÃNG SANH TỨC LÀ THÀNH PHẬT”. Chắc chắn là trong tương lai nơi đây sẽ còn có thêm nhiều vị được vãng sanh!
Thiện Thành và Minh Thịnh cẩn ghi.
(*) Đây là lời thuật của vị Sa Môn đã trường chay trong suốt hơn hai mươi năm trước khi được đắp y vàng từ ba mươi năm qua. Ngài nay đã chín mươi tuổi, có lòng tin sâu xa vào Pháp môn niệm Phật, đã và đang thực hành pháp môn này một cách rốt ráo.
Lời Tịnh Hải:
Xin chư vị lưu ý, trong tập sách này có rất nhiều chuyện vãng sanh. Và toàn là những người chết đẹp bởi sau khi được Phật A Di Đà rước, mọi nghiệp chướng đều được Phật A Di Đà dùng Phật lực xóa hết, nên đã để lại những gương mặt thật đẹp.
Tại sao mỗi vị được vãng sanh, Đức Phật A Di Đà phải tốn công như vậy?
Bởi đó là đại nguyện của Ngài. Ngay trong nguyện thứ nhứt, Ngài đã nói: “Hết thảy chúng sanh, sanh vào nước con đầy đủ thân sắc, chân kim vàng tía, băm hai vẻ đẹp, tướng đại trượng phu, đoan trang nghiêm chánh, tinh khiết thanh tịnh, đều đồng một loại.
Thân xác của chư vị được vãng sanh, lưu lại ở đây đẹp đẽ như vậy, chỉ là một chuyện rất tầm thường. Theo tinh thần lời Kinh, khi Sư Bà Như Phụng đến Cực Lạc liền được thân kim vàng tía và đổi sang tướng trượng phu, tức thân nam và hình dạng tướng mạo đều giống Đức Phật A Di Đà.
Tại sao được vậy?
Tại vì, người tu pháp môn niệm Phật đều gọi Phật A Di Đà là Từ phụ. Đây là đức cha hiền từ thương tất cả các con.
Chúng ta khi nhập thai ở cõi này, đâu từng thấy trước mặt mũi cha mẹ, vậy mà khi được sanh ra còn giống cha hay giống mẹ. Còn bây giờ, chúng ta thờ Ngài, ngày đêm lại tưởng nhớ, niệm danh hiệu Ngài. Do thần lực của Ngài, nên về đến Cực Lạc tất cả đều giống cha như khuôn đúc.
Có dịp chúng tôi sẽ trình bày điều này nhiều hơn.
Cuộc đời Sư Bà là tấm gương tu hành kiên trì, đúng đạo pháp và pháp môn niệm Phật. Ngoài việc tự lực niệm Phật cầu vãng sanh, Sư Bà còn có tinh thần lợi tha. Sư Bà đặc biệt lo cho sự siêu thoát các vong linh tử nạn vì chiến tranh. Chẳng rõ Sư Bà Như Phụng có khả năng cầu cho người chết siêu thoát được hay không. Nhưng hành động và tinh thần của Sư Bà không trục lợi là điều chúng ta khâm phục.
Đối với người sống, Sư Bà gieo trồng bo bo lấy hạt và mỗi ngày đều ngồi kết hạt bo bo làm chuỗi để tặng Phật tử. Một hạt bo bo được kết, Sư Bà lại niệm một câu hồng danh A Di Đà Phật. Do tâm không chạy theo trần cảnh, mà suốt ngày chỉ niệm A Di Đà Phật, quả chính là Sư Bà đã niệm Phật mà trong tâm có Phật, như Hòa Thượng Tịnh Không nói.
Theo chúng tôi, Sư Bà đã diện kiến Phật A Di Đà một lần. Đó là lần Sư Bà yêu cầu cho hoãn lại ngày vãng sanh với hạn kỳ 5 năm. Căn cứ vào lời nguyện của Sư Bà và câu nói thầm lặng: “Thôi, mãn nguyện rồi, con nên đi đi” mà chúng tôi tin tưởng như vậy.
Ngoài ra, Sư Bà Như Phụng còn thấy cả cảnh giới Cực Lạc và được chết trong mùi thơm, đúng như Sư Bà ước nguyện.
Hòa Thượng Tịnh Không thường giảng: “có cầu sẽ có ứng”. Xin chư vị đọc kỹ cung cách tu hành của Sư Bà và hành động đúng theo Sư Bà, chắc chắn chư vị cũng được toại nguyện y như vậy.
Trích Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi
Cố cư sĩ Tịnh Hải
03 08 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Trong thời mạt pháp này tìm cho ra một người tu hành để một đời này giải thoát khó dữ lắm! Thứ nhất là vì con người trong thời này không chịu tu. Người chạy theo đường lục đạo sanh tử thì nhiều, còn tu hành thì không chịu tu! Lại có người muốn tu mà lại không tu theo con đường liễu giáo thành đạo, mà thường đồng hóa chữ “Tu Hành” với một chút phước báu gì đó cho vui vui, cho tốt tốt… giống như những hội đoàn xã hội!
Trong khi đó thì pháp môn niệm Phật để vãng sanh về Tây Phương là cái pháp môn chính yếu của đức Thế-Tôn dạy cho chúng sanh thực hiện, để trong thời mạt pháp này được vãng sanh mà rất nhiều người không tin. Chính vì vậy mà hôm qua mình có đưa vấn đề là hãy cố gắng Nhiếp Tâm Niệm Phật, quyết lòng trong một báo thân này mình về Tây Phương, đừng có nên mở cái lục căn mình ra để tiếp nhận những trào lưu bên ngoài mà coi chừng chúng ta bị loạn tâm, bị chao đảo…
Ví dụ, như nghiên cứu nhiều quá là mở cái ý ra. Một khi mà cái ý mở ra thì chúng ta bị vướng vào gọi là “Tri Chướng”. “Sở Tri Chướng” là những kiến thức của thế gian nó ngăn cản con đường vãng sanh thành đạo. Và hơn nữa, khi mình tu niệm Phật để vãng sanh, tức là do thiện căn phước đức của mình lớn lắm mới gặp được và tin tưởng câu Phật hiệu. Hòa Thượng Tịnh Không nói, đi ra ngoài mình nói chuyện niệm Phật vãng sanh với người ta, một trăm người, nhiều khi tìm không ra một người, một ngàn người chưa chắc gì tìm ra được hai người tin tưởng! Lạ lắm! Quý vị đi cho thiệt nhiều rồi mới thấy. Như vậy thì người chống đối, bài bác, người ta tìm cách bẻ cong bẻ quẹo chuyện vãng sanh là sự thường, nhiều lắm!…
Trong kinh Đại-Tập, Phật có đưa ra danh từ gọi là “NGŨ NGŨ”. Hôm qua mình có nhắc tới ngũ ngũ, thì hôm nay nói ngũ ngũ luôn. “Ngũ Ngũ Kiên Cố“. Ngũ là năm. Ngũ-Ngũ là năm lần 500 năm. Phật chia ra cứ 500 năm thành một kỳ. Trong kinh Đại-Tập Phật chia làm năm kỳ, thì kỳ cuối cùng tức là cái kỳ 500 năm lần thứ năm, tức là 2500 năm, ứng với chính cái thời kỳ chúng ta đây. Nhất định chính là thời kỳ chúng ta. Thời kỳ này Phật gọi là “Thời Kỳ ĐẤU TRANH KIÊN CỐ”. Ngài không nói tới thời kỳ thứ sáu, không có 500 năm thứ sáu, tại vì 500 năm lần thứ năm là thuộc về mạt pháp, mạt pháp này nó sẽ kéo luôn tới 9000 năm nữa. Đây là trong thời gian đấu tranh kiên cố. Cho nên khi mình tu hành cần phải cẩn thận!…
Thời kỳ thứ nhất là “Giải Thoát” 500 năm, rồi thời kỳ “Thiền Định” 500 năm. Hai thời kỳ này thuộc về “Chánh Pháp” (1000 năm). Rồi đến thời kỳ “Đa Văn“, thời kỳ “Tháp Tự“, thuộc về “Tượng Pháp” (1000 năm).Thời kỳ Tượng Pháp, triết học mở ra nhiều lắm. Rồi Tháp Tự, tức là chùa chiền cũng mọc lên như nấm. Đó là phước. Nghĩa là, cũng còn chút phước của thế gian, thuộc về Tượng Pháp. Qua đến 500 lần thứ năm, tức là từ 2000 năm trở đi thuộc về mạt pháp, sự “Kiên Cố” này nó không nằm ở những vấn đề khác mà nằm ngay ở chỗ “Đấu Tranh“. Đấu tranh dữ lắm! Cho nên khi chúng ta biết tu rồi, thì phải biết sợ cái chuyện này. Khi mở cửa ra nghiên cứu, thường thì ta đọc toàn là những chuyện đấu tranh không thôi!
Có một lần tôi qua bên Mỹ, rồi qua bên Canada, thì tình cờ tôi đọc một bộ sách dày như thế này… dày vầy nè. Tôi lật qua sẹc sẹc, chứ không phải là đọc. Người ta đưa ra những lời chống đối Phật giáo. Họ chống không thể tưởng tượng được! Nghĩa là bất cứ một người nào xuất hiện ra trên thế gian này mà dưới hình dạng là một vị Sư, là một vị Tăng-Ni, là một Phật tử, một Cư Sĩ tu học Phật, cũng đều bị chống hết. Họ chống đến nỗi mà thành một bộ sách, hình như là hai-ba tập, dày như thế này! Khi nhìn vô… Xin thưa thực… mình không dám đọc! Tại vì mình đọc những lời đó, nếu lỡ mà nó thâm nhập vô tâm của mình, thì mình bị biến thành người có tâm phỉ báng Phật pháp. Dễ sợ lắm!
Chính vì vậy mà để thoát khỏi cái ách nạn gọi là “Đấu Tranh Kiên Cố” thì xin là, mình phải giữ cái tâm mình thanh tịnh. Cố gắng: Rời bỏ những cái kiến thức. Rời bỏ những cái thị phi. Rời bỏ những cái buồn phiền. Rời bỏ những cái, theo như Phật nói, là tam nghiệp thân khẩu ý.
Cái này nó quan trọng lắm! Nếu ví dụ như mình tu như thế này, gặp một người tới, người ta nói mình là loại người dị đoan mê tín, nếu mình mở lời cãi lại thì nhất định cái tâm của mình sẽ vướng vô cái bãi lầy này… cái bãi “Đấu Tranh”. Nếu người ta viết một bài báo chửi mình, mà mình viết trả lời họ, thì nó lôi cuốn mình vô trong vòng gọi là “Đấu Tranh Kiên Cố” liền! Cái cạm bẫy này dễ sợ lắm! Chính vì vậy mà Hòa Thượng Tịnh-Không… Quý vị nghe cứ nghe những lời của Hòa Thượng nói, không biết người ta có hiểu không(?), chứ còn tôi thì hiểu rõ lắm. Không biết sao chứ tôi hiểu rõ lắm. Ngài nói: Người ta chửi mình… Nhất định mình không được chửi lại. Người ta nói xấu mình… Nhất định mình không nói xấu lại. Người ta có quyền phỉ báng mình… Nhất định mình không phỉ báng lại.
Tại vì nếu người ta hạch hỏi mình những điều để cho mình cãi, mà mình cãi lại, thì mình bị lôi vào con đường đấu tranh. Mà lôi vào con đường đấu tranh chính là cái bẫy, cái cạm bẫy vô cùng nguy hiểm của suốt thời mạt pháp! Mà khi chui vào đó rồi thì nhất định không thể nào có thể vãng sanh, không thể nào vượt qua tam giới. Cho nên, hồi trước mình không biết tu thì mình thường hay chống người này chống người nọ, nói xấu người này nói xấu người nọ, thì nay mình biết tu rồi, phải biết sợ cái cạm bẫy của thời mạt pháp! Nhất định không được chống. Bây giờ người ta chống mình, chống tới đâu đi nữa, cứ để những lời chống đó bay vào trong không gian, nó mất hút đi… thì nhất định mình sẽ vượt thoát cái cạm bẫy này. Nếu không, quý vị tưởng tượng, hễ mình chống một cái thì cái chân mình lún vào trong cái bẫy. Mình cứ tưởng tượng có những cái bẫy, giống như cái bẫy chuột hay cái bẫy heo gì đó, nó quặp hai cái chân mình. Nếu tay mình mà giơ lên, thì hai cái tay mình đút vào hai cái bẫy khác nữa. Tưởng tượng như tay mình, chân mình, tứ chi của mình đã bị những cái bẫy giữ rồi, nó kéo sệt… sệt… sệt… sệt… Kéo sệt vào hầm lửa! Làm sao mà mình có thể thoát ra được? Không cách nào có thể thoát ra được!
Vậy thì, khi mà chúng ta biết được con đường vãng sanh về Tây phương, thì Phật nói những câu hết sức đơn giản, không có gì khó khăn. Đừng đem những cái chuyện của thời “Đa Văn“, tức là triết học, là những đạo lý cao siêu, những cái gì bóng bảy của thời “Đa Văn” áp dụng vào đây. Không được! Tại vì chỉ áp dụng được trong thời gọi là tượng pháp và tiền thời tượng pháp. Bây giờ đã đến thời mạt pháp rồi, ta không có quyền làm như vậy. Tại vì căn cơ chúng ta yếu lắm. Thời kỳ “Tháp Tự” cũng đã qua rồi. Tại sao vậy? Tại vì cái phước báu của con người thời mạt pháp quá yếu rồi, không còn nữa. Chính vì vậy mà ngài Ấn-Quang Đại Sư đưa ra một cái mẫu đạo tràng trong thời mạt pháp này. Không biết là Ngài có nói như vậy không? Mà thực ra hình như là trong tâm của Diệu Âm cứ nghĩ như vậy. Là tại vì thời này là thời “Đấu Tranh Kiên Cố“. Muốn tránh được cái “Đấu Tranh Kiên Cố” thì không có cách nào khác hơn là hãy âm thầm lặng lẽ mở một cái đạo tràng rất nhỏ, 10 người, 20 người, âm thầm lặng lẽ: Không mở bảng hiệu. Không trương cờ xí. Không có quảng cáo, cũng không có làm cái gì cả.
Để chi? Để âm thầm len lén trốn tất cả cái đoàn người đó, cái đoàn người mà coi như là ức ức người đi vào con đường khổ nạn! Chỉ có con đường biết lén lén trốn ra, thoát ra, để niệm Phật đi về Tây Phương. Chính vì vậy, chúng ta lập cái đạo tràng này y hệt mẫu đạo tràng của ngài Ấn-Quang, bảng hiệu không có, âm thầm lặng lẽ, bốn bên hàng rào khóa lại, âm thầm mà tu… Nhất định những thứ: Nào lễ lộc, nào là cờ xí… tất cả những thứ đó đóng hết, để quanh năm suốt tháng cùng nhau niệm Phật. Thì cái mẫu mực này là mẫu mực của ngài Ấn-Quang đưa ra để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu mà chúng ta không theo Ngài, xin thưa thực, Ấn-Quang Đại Sư là ai? Là ngài Đại-Thế-Chí, Ngài đã thấy trước hết trơn rồi. Ngài nói bây giờ… Phật giáo đến cái thời mạt pháp này cũng không còn khả năng để cứu chúng sanh nữa. Ngài nói vậy đó…
Ngài Hạ-Liên-Cư cũng đưa ra một cái mẫu mực để tu tập, không có lập ra cái chùa, không có lập ra cái Tôn-Giáo, mà lập cái “Hội-Đoàn”, gọi là “Tịnh-Tông Học-Hội“. Cái hội đoàn niệm Phật, âm thầm niệm Phật. Cứ ngày ngày niệm câu “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”, không thêm không bớt gì hết, để quyết lòng đi về Tây Phương. Cho nên gọi là “Tịnh-Tông Học-Hội” chứ không phải là Tịnh-Tông Giáo-Phái. Không phải như vậy.
Thực sự mình không biết sao? Nhưng các Ngài đưa ra những mẫu mực, mà khi đi sâu vào thời mạt pháp này mới thấy là những cái quyết định của các Ngài quá tuyệt vời! Vậy mà hình như chúng sanh không tìm ra, nhưng ngài Tịnh-Không đã tìm ra được. Ngài nói bây giờ nếu mà lập lên một cái đạo tràng to, trang nghiêm, rùm beng như vậy, nhưng mà vô trong đó rồi mới thấy. Thấy gì? Đấu tranh kiên cố! Dễ sợ lắm! Tình thực mà nói dễ sợ lắm! Không cách nào có thể tịnh được! Bây giờ làm sao? Hãy rút về âm thầm làm thành một cái hội nho nhỏ. Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói, một cái nhà nhỏ, cỡ chừng 5, 10, 20 người là đủ, rồi âm thầm lặng lẽ niệm Phật đi về Tây Phương, thì đây là những đạo tràng thành tựu trong thời mạt pháp này.
Cho nên khi mình hiểu được như vậy, mà cố gắng lập ra cái chỗ này chắc có lẽ cũng nhờ chư Phật gia trì, chư Long-Thiên gia trì nên chúng ta mới lập được, để âm thầm lặng lẽ một đường mà đi. Như vậy, thì rõ rệt đây cũng là cái phước phần của chúng ta trên con đường vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Mong tất cả chư vị hiểu được cái lý đạo âm thầm này, chúng ta hãy gắn bó với nhau, lặng lẽ… Đừng nên thấy chỗ kia sao thịnh vượng quá, mình cũng muốn thịnh vượng như vậy. Không! Đạo tràng này nhất định không phải là “Đạo Tràng Thịnh Vượng“, mà gọi là “Đạo Tràng Thành Tựu“. Nên nhớ! Thịnh vượng là của thế gian pháp, thành tựu là của Phật pháp.
Chúng ta đi con đường lặng lẽ mà thành tựu, chứ không phải rườm rà để thịnh vượng. Càng thịnh vượng thì chúng ta đối đầu không nổi! Mong cho tất cả chúng ta ai ai cũng vững tâm một lòng niệm Phật, rồi hỗ trợ cho nhau một cách tích cực trong những giờ phút cuối cùng. Đây là hành động cuối cùng và nhất định là cần thiết để giải quyết tất cả những ách nạn còn sót lại trong con đường tu hành để chúng ta vững tâm về Tây Phương gặp A-Di-Đà Phật.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm(Minh Trị)
01 08 2012 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Chúng ta niệm Phật là để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Ta muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc nên ta niệm Phật. Người không muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc nên không muốn niệm Phật. Vì không niệm Phật nên họ không được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc!…
Người niệm Phật được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là do Thiện-Căn Phước-Đức và Nhân-Duyên đã hội tụ đầy đủ. Người không được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì nhất định, nếu không thiếu thiện-căn thì cũng bị khiếm khuyết phước-đức. Nếu có thiện-căn có phước-đức thì cũng mất nhân-duyên.
Người trong đời này gặp được pháp môn “Niệm Phật” là có “Nhân-Duyên”. Có nhân-duyên mà không muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì nhất định một là họ thiếu phước-đức hai là họ thiếu thiện-căn. Hồi trưa mình có nói sơ qua vấn đề phước-đức. Muốn biết phước-đức thì coi cách hành trì của họ. Phước-đức chính là làm thiện làm lành.
Kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ đã xác định cái phước-đức của người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là:
– Thứ nhất là phước Nhân-Thiên: Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát sanh, tu thập thiện nghiệp.
– Phước của Nhị-Thừa là: Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi.
– Phước của Đại-Thừa là: Phát Bồ-Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tấn hành giả.
Những người làm phước họ sẽ được phước. Người được phước vãng sanh tức là trước những giờ phút lâm chung, họ cười hè hè, bớt đau, bớt bệnh… Những người mà cười hè hè ra đi, ngồi xếp bàn ra đi… đúng là những người có phước. Còn chúng ta thì thiếu phước một chút cũng ráng cố gắng phóng sanh, cố gắng làm thiện, cố gắng buông xả… để bớt cái nghiệp xấu đi. Chúng ta cũng được cái phước để vãng sanh, cũng cười mà cười trong cơn đau một chút cũng được…
Còn Người thiếu thiện-căn là như thế nào?… Những Người mà trí huệ đã bắt đầu khai mở thì thuộc về người có thiện-căn. Khi mà trí huệ đã bắt đầu khai mở cũng dễ thấy lắm.
Thứ nhất là người ta tin vào pháp môn Niệm Phật. Điều đầu tiên là họ tin vào câu A-Di-Đà Phật, đó thuộc về thiện-căn. Người mà giảng giải kinh điển Phật đúng liễu nghĩa của Phật, đó là người có thiện-căn. Người giảng giải kinh Phật không đúng theo chơn nghĩa của Phật, nghĩa là nói lệch đi, giảng sai đi, tức là thiếu thiện-căn. Dựa vào đây mà truy nguyên thì mình có thể biết một người bị mất vãng sanh về Tây-Phương thuộc về phần nào…
Ví dụ như những người gặp được pháp môn Niệm Phật, gặp được câu A-Di-Đà Phật, gọi là họ có nhân-duyên, nhưng mà họ không tin, thì ta biết ngay rằng, “À! Người đó có nhân-duyên mà thiếu mất thiện-căn rồi”. Thiếu thiện-căn thì bắt buộc phải tu bồi thiện-căn. Tu bồi thiện-căn ở đâu?… Giới-Định-Huệ sẽ có thiện-căn.
Có những người nghe được câu A-Di-Đà Phật tức là có nhân-duyên. Tin vào câu A-Di-Đà Phật là có thiện-căn. Nhưng khi tu hành thì bị người này phá, người kia phá, người kia chống, người nọ chống, tạo mọi điều kiện để ngăn cản con đường tu hành của họ… thì ta biết người này có thiện-căn, có nhân-duyên, mà thiếu phước-đức. Tại sao thiếu phước-đức?… Trong đời trước, nhiều đời trước tu huệ thì nhiều mà tu phước thì ít. Vì tu phước ít cho nên thiếu phước. Thiếu phước cho nên bị cái vô-phước nó ngăn cản.
Hiểu được chỗ này rồi, mình mới thấy một người mất phần vãng sanh nguyên do nằm ở chỗ nào? Dễ dàng, rõ ràng vô cùng, không còn lơ mơ lờ mờ nữa. Chính vì vậy mà đừng bao giờ thấy một bà già hiền hậu chất phát ngày ngày cầm tập vé số đi bán ngoài đường mà ta cho họ là người thiếu thiện-căn. Không phải! Nếu mình đến hỏi: Bác có tin câu A-Di-Đà Phật không? Ồ! Bác tin sống tin chết!… Thì nhất định bà này có thiện-căn, vì “Tín năng trưởng dưỡng chư Thiện căn” mà.
Nghĩa là trong nhiều đời nhiều kiếp bà đã tu phước thiện, bà đã đọc kinh điển và thật ra cái tâm của người ta đã khai mở chút chút rồi, khai hơn những người không tin trong đó mà mình không hay. Tâm trí khai mở trong hoàn cảnh thiếu phước, nên dù có khai mà Bà vẫn phải cầm vé số đi bán! Bà cầm vé số đi bán, nhưng tối lại thì sẵn sàng đi hộ niệm cho người bệnh, nhất định bà ngồi từ đầu đêm cho đến cuối đêm niệm Phật. Vì thiếu phước-đức nhưng lòng tin của họ lại vững vàng, họ có thể niệm Phật trợ duyên cho người bệnh vãng sanh, niệm Phật từ đầu đêm đến cuối đêm không cần thay ca. Vô tình câu niệm Phật của họ sẽ tu bồi phước-đức cho họ.
– Tín năng trưởng dưỡng Thiện-Căn.
– Tín năng trưởng dưỡng Công-Đức.
– Tín năng trưởng dưỡng Phước-Thiện của họ.
Cho nên sau cùng rồi người này nhờ được thiện-căn, nhờ được cơ duyên niệm câu A-Di-Đà Phật. Dù thiếu phước nhưng nhờ trong thời gian họ thành tâm tu hành, thành tâm niệm Phật, niệm trước người bệnh. Một câu A-Di-Đà Phật là vạn đức, vạn phước, nhờ thế mà sau cùng họ lại được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nhiều khi được vãng sanh tự tại, không còn đau bệnh nữa. Không còn đau tức là có hưởng phước.
Chúng ta cứ lấy căn bản của lời Phật dạy ra để xác định rằng ta là hạng người bị thiếu thiện-căn? Ta là hạng người bị thiếu phước-đức? Ta là hạng người bị thiếu nhân-duyên hay là được đầy đủ?…
Còn về hình thức thì dù như thế nào đi nữa, chúng ta cũng chớ vội vã đánh giá sớm. Ví dụ như những người có phước, biết tu phước. Quá khứ có tu phước thì hiện đời đường tu của họ êm xuôi phẳng lặng, không ai ngăn cản. Người ta muốn lập một cái nơi ngon lành để tu hành là tự nhiên có khả năng lập liền. Ấy thế mà khi nghe đến câu A-Di-Đà Phật thì họ lặng lờ bỏ đi, họ không thèm nhìn tới. Mình biết ngay người này có phước nhưng mà thiện-căn của họ không có.
Cho nên quý vị đừng bao giờ sơ ý thấy một người tu hành có vẻ êm xuôi thì cho rằng, “À! người này thiện-căn lớn quá”. Không phải! Không phải! Không phải!… Thiện căn nó được thể hiện qua “Niềm Tin” vào câu Phật hiệu của người đó. Cho nên:
– Có nhiều người có phước-đức lại thiếu thiện-căn.
– Có người có thiện-căn nhưng lại thiếu phước-đức.
– Có nhiều người gặp nhân-duyên mà có thiện căn thì người ta tin.
– Có nhiều người có nhân-duyên gặp câu A-Di-Đà Phật mà không tin, chứng tỏ rằng trí huệ chưa chắc gì đã khai mở.
Có thiện-căn tức là có trí huệ, dù trí huệ ở một trình độ nào đó chưa biết?… Chính vì vậy, chúng ta cần nên xác định rõ rệt. Tại sao trong đời này ta là một phàm phu, danh phận thì không có, nhưng mà ta quyết lòng chết sống vì câu A-Di-Đà Phật, nhất định quyết một đời này vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc?… Xin thưa thật ra là:
– Nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã vun bồi phước-đức rồi,
– Nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã có tu Giới-Định-Huệ rồi.
– Nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã cúng dường hằng sa Thánh rồi.
Cho nên mới kết lại trong đời này ta được nhân-duyên gặp câu A-Di-Đà Phật và ta bám chắc, ta bám sát, ta bám vững để về Tây-Phương.
Xin thưa với chư vị, thế gian có câu: “Đắc thất nan truy họa phước”. Ta ngồi ở đây tu hành như vầy, ta cũng có bị thất…
– Ta thất là thất cái gì?… Thất Casino. Ta không có giờ đi Casino.
– Ta thất là thất cái gì?… Không có giờ đi coi xi-nê.
– Ta thất là thất cái gì?… Ta không có được tới chỗ nào đó ngắm cảnh xem hoa…
Ta bị thua người đời ở những chỗ đó.
Còn những người được những thứ đó, họ tưởng rằng họ được hưởng nhiều quá? Nhìn những người niệm Phật, họ than rằng: “Trời ơi!… Những người đó sao cứ chui vào trong cái nhà mà tụng niệm làm chi cho nhức đầu vậy?…” Người ta tưởng rằng người niệm Phật bị thua thiệt. Thật sự ra chúng ta chỉ thua họ những thứ hưởng thụ đó, nhưng mà ta được là được có Thiện-Căn, ta hơn họ là hơn cái Thiện-Căn này. Họ không tin câu A-Di-Đà Phật nhưng ta tin được vào câu A-Di-Đà Phật.
Một người bài bác câu A-Di-Đà Phật, họ nói, Trời ơi!… Người trí huệ thông minh như vậy tại sao lại niệm câu A-Di-Đà Phật?…
Như vậy họ thấy chúng mình bị mất! Mất chỗ nào? Mình mất ở chỗ không tu được những pháp cao quá! Không có nói năng được gì cho hay ho! Nhưng mà ta được chỗ nào?… Ta được câu A-Di-Đà Phật. Ta niệm câu A-Di-Đà Phật, chân thành thanh tịnh, để quyết lòng đi về Tây-Phương.
Còn họ mất cái gì? Họ mất câu A-Di-Đà Phật! Họ có thể được phước của thế gian, tức là được nhiều người ủng hộ, yểm trợ, sự nghiệp có thể đề huề, thịnh vượng.
Ta mất cái phước trước mắt này. Nhưng mà ta được cái gì?… Ta được là được đến lúc lâm chung ta hưởng cái phước đi về Tây-Phương. Còn họ không biết hưởng cái phước ở lúc lâm chung, nên họ không được đi về Tây-Phương đâu chư vị! Mà khi lâm chung họ hưởng cái cảnh… Tùng nghiệp thọ báo!…
Vì thế, Ngài Tịnh-Không dạy như thế này, “Ta tạo phước không được hưởng phước”. Đừng nên nghĩ làm phước thì phải cầu hưởng phước. Hưởng được phước hữu lậu thì sau cùng trụi lủi!… Bây giờ ta hãy cứ chịu thiệt thòi đi. Hòa Thượng Tịnh-Không nói, đời này càng chịu thiệt chừng nào ta càng được phước chừng đó. Có nghĩa là, ta chịu thiệt bây giờ, để cuối cùng khi nằm xuống ta đem tất cả cái phước đó hỗ trợ cho con đường vãng sanh của chúng ta. Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên hội tụ ngay thời điểm lâm chung để chúng ta an toàn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc…
Còn nếu chúng ta vội vã hưởng cái phước này thì lúc lâm chung chúng ta mất hết phước. Nghĩa là đau bệnh! Đau đến quằn quại! Đau quằn quại mà không có người hướng dẫn nữa, thì chúng ta muốn cất lên nửa câu A-Di-Đà Phật cũng cất không được!
Ta quyết định giữ lấy “Thiện-Căn”. Những lời nói nào sai kinh Phật nhất định đừng để nhập trong tâm. Nếu để nhập những lời nói sai kinh Phật trong tâm, thì ta thuộc vào hạng người không có thiện-căn!
Như vậy hôm nay chắc quý vị đã rõ thế nào gọi là Thiện-Căn? Thế nào gọi là Phước-Đức? Thế nào gọi là Nhân-Duyên rồi chứ?… Nhân-duyên là cơ hội ngồi tại đạo tràng này niệm Phật. Thiện-căn là lý giải kinh Phật phải đúng. Nhất định không được sơ ý một điều. Phật nói niệm Phật vãng sanh, thì ta quyết lòng tin niệm Phật vãng sanh. Dù một vạn người đem tất cả những lý lẽ gì để bài bác, ta tin vẫn cứ tin, thì thiện-căn chúng ta đã có đầy đủ.
Còn người nào nói: “Làm gì mà có chuyện hộ niệm vãng sanh?”. Người ta nói sai kinh Phật kệ họ. Nói sai kinh Phật thuộc về hạng người không có thiện-căn, dù hình thức tu hành có gì đi nữa, thì cũng là sai! Ly Kinh Nhất Tự Tức Đồng Ma Thuyết!…
Τrong kinh Phật thuyết A-Di-Đà, Phật dạy rằng: “Người nào niệm Phật thì lúc lâm chung A-Di-Đà Phật cùng chư Thánh Chúng hiện ra trước mặt người đó, tiếp dẫn người đó vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc”. Ta căn cứ vào đây mà niệm Phật đi về Tây-Phương. Ta quyết lòng cầu nguyện vãng sanh Tây-Phương. Trong kinh A-Di-Đà Phật dạy bốn lần, nhất định bốn lần chứ không phải là ba lần, phải cầu nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Phải nguyện vãng sanh về Tây-Phương thì tất cả những nguyện khác chúng ta cho nó là thứ yếu. Nghĩa là, có duyên thì ta làm, không có duyên thì ta không để trong tâm. Còn lời nguyện vãng sanh thì nhất định phải giữ trong tâm này, không bao giờ ly ra. Giả sử dù có một người nào đó cũng đem kinh Phật ra chứng minh rằng, “Cầu là vọng”, thì ta cũng phải giữ vững tâm ý:
– À!… Anh nói cầu là vọng! Còn tôi nói cầu vãng sanh không phải vọng, mà đây là Chánh-Cầu… Nhất định Phật không cho ta cầu cái gì khác, nhưng Phật lại dạy cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Nhất định ta phải cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Tâm nguyện vãng sanh vững vàng như vậy, thì chứng tỏ thiện-căn chúng ta đã có.
Nếu một người nào đó phước-báu tràn trề mà họ không chịu niệm Phật, thì chứng tỏ rằng họ đã dùng phước-báu đó để cầu danh cầu lợi gì đó, chứ không phải sử dụng nó để khi xả bỏ báo thân này được hưởng cảnh đời đời cực lạc tại cõi Tây-Phương, thì phước-báu đó dù lớn cho mấy đi nữa cũng chẳng qua là đem tiền mà gói lấy cái quan tài đắc giá dưới nấm mồ mà thôi!…
Vậy thì những người nào tiền bạc nhiều quá hãy lo tu hành đi, đừng sơ ý coi chừng đến khi chết xuống vì vướng vào đống tiền đó mà bị đại họa! Quý vị có nghe Hòa Thượng Tịnh-Không kể chuyện ở bên Hồng-Kông có người tới khoe vàng với Ngài không? Vì chấp vào đó thì khi chết rồi dễ gì mà được siêu sanh! Dễ gì mà thoát ách nạn thành một con mọt chui vào đó mà giữ tiền! Có phước-báu tưởng là ngon, ai ngờ sau cùng thành đại họa!…
Cần phải hiểu rõ đạo lý này. Ta có thiện-căn nên mới tin câu A-Di-Đà Phật. Ta có phước-đức nên mới ngồi với nhau niệm Phật, và làm những việc thiện lành nhưng lặng lẽ không cần một người biết. Hãy âm thầm đem cái phước đó gởi về Tây-Phương. Gởi về Tây-Phương thì lúc lâm chung A-Di-Đà Phật sẽ đem cái phước đó xuống đón ta về Tây-Phương để hưởng. Cơ hội hôm nay chúng ta đã gặp câu A-Di-Đà Phật, thì Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên đúng như trong kinh A-Di-Đà, đức Thế-Tôn nói, người có đủ Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên sẽ được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Ta phải gom trọn tất cả Thiện-Căn, Phước-Đức và Nhân-Duyên này đưa vào lúc xả bỏ báo thân nhất định không trở lại trong cõi Ta-bà này nữa. Một đời này vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Nếu những lời này làm cho chư vị vững tin, thì xin chúc mừng cho chư vị. Nhất định chư vị được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư Sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
29/68Đầu«...10...282930...40...»Cuối
Các Phúc Đáp Gần Đây