Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam Vãng Sanh Lưu Lại Cả Ngàn Viên Xá Lợi

Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam Vãng Sanh Lưu Lại Cả Ngàn Viên Xá LợiNgười tu theo pháp môn niệm Phật mà không biết gì về Ngài Lý Bỉnh Nam cũng là một điều đáng tiếc. Ngày nay, đa số Phật tử Việt Nam ở nước ngoài biết được và theo học với một nhà sư Tàu – Hòa Thượng Thích Tịnh Không. Ngài là người đang hoằng dương pháp môn giải thoát mà Đức Phật Thích Ca đã dạy riêng cho chúng sanh thời mạt pháp này.

Chúng tôi dùng chữ nhà sư Tàu, chẳng phải là chúng tôi phân biệt Tàu hay Việt, nhưng để mọi người thấy, Phật tử Việt Nam không phân biệt Tàu hay Việt. Cũng như chúng ta tu theo Phật, là tu theo ông Phật là người Nepal. Chúng tôi viết điều này ra ở đây để chứng minh Phật tử Việt Nam không phân biệt chấp trước. Tàu, Ấn Độ hay Nepal cũng được, bất cứ ai thấu suốt pháp môn giúp chúng sanh thoát khỏi lục đạo luân hồi thì chúng ta tu theo học. Có dịp chúng tôi sẽ trình bày chỗ chấp của một số người Việt Nam, mà nhiều năm qua làm hại Phật tử Việt Nam rất nhiều.

Tài liệu chúng tôi viết về cư sĩ Lý Bỉnh Nam là do cư sĩ Trần Văn Tường ở Úc lấy từ mạng điện toán của chùa Quảng Đức ở Úc gởi tặng chúng tôi.

Lý Bỉnh Nam là một cư sĩ thôi. Nhưng là một cư sĩ vĩ đại đã đào tạo cho chúng sanh thời mạt pháp này một vị Pháp sư lỗi lạc, một Hòa Thượng được người Việt Hoa khắp thế giới ngưỡng mộ. Khi viết về Ngài Lý Bỉnh Nam, có người vẫn chấp, sợ giới thiệu Ngài là một cư sĩ thì làm nhẹ thể vị Hòa Thượng khả kính. Tại vị ấy chấp, chứ Hòa Thượng Tịnh Không vẫn hãnh diện nói, Thầy tôi là một cư sĩ, và khi tôi được ông chấp thuận cho làm học trò, ông buộc tôi phải bỏ tất cả những gì tôi đã học được với hai vị Thầy cũng danh tiếng, đó là Giáo sư Đông Phương Mỹ và Chương Gia Đại Sư, một đại Lạt Ma.

Người tu phải nhìn thấu và biết buông xuống. Nếu được như vậy là thấu được điều Phật dạy “Nhứt thiết pháp không! Nhứt thiết pháp tùy tâm tưởng!”.

Những điều chúng tôi viết, chúng tôi thường nói thẳng điều mình biết mà không nuôi tâm chê trách ai. Nói để mong Phật giáo Việt Nam ngày mai sẽ vượt lên và mọi người đều buông hết, không chấp trước để cùng lo cho chúng sanh. Cái ta hãy bỏ đi, cái chủng tộc cũng buông đi, để hướng chúng sanh đi đến một đại đồng và siêu thoát.

Đây, bài viết về Đại Cư sĩ Lý Bỉnh Nam của chùa Quảng Đức – Úc Châu

Cư sĩ Lý Bỉnh Nam thời Dân Quốc, hiệu Tuyết Lư hay Tuyết Tăng; người thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông. Tự bé, ông đã đỉnh ngộ, hiếu học. Ông chuyên học về pháp luật, chính trị và học cả Trung y, nghiên cứu Phật học: Giáo, Thiền, Tịnh, Mật, ông đều thường tu trì. Ông từng giữ chức giám ngục của huyện Lữ, nhưng nhân từ tột bực, chung thân ăn chay.

Ông quy y với vị Tổ thứ mười ba của Tịnh tông là Ấn Quang Đại sư, được ban hiệu là Đức Minh. Ông gắng sức tự hành, dạy người chuyên tu Tịnh nghiệp. Sau ông đáp lời mời, làm bí thư cho vị chủ nhiệm quản trị nhà thờ phụng Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư (Khổng Tử).

Ông theo chủ nhiệm Khổng Thượng Công (Khổng Đức Thành) thiên di theo chính phủ về Trùng Khánh, sống ở biệt thự Ỷ Lan thuộc núi Ca Nhạc. Mỗi sáng sớm, ông lên chùa Vân Đảnh để lễ tụng, niệm Phật. Ít lâu sau, ông lãnh trách nhiệm giảng dạy cho Phật Học Giảng Diễn Hội của chùa mấy năm, người tin theo rất đông. Năm Dân Quốc 45 (1946), theo Khổng Thượng Công trở về Nam Kinh, ông thường giảng Kinh tại chùa Phổ Tế và Chánh Nhân Liên Xã.

Tháng Hai năm Dân Quốc 38 (1949), vào lúc sáu mươi tuổi, ông theo Khổng Thượng Công qua Đài Loan, ngụ tại Thành phố Đài Trung. Vừa mới sắp xếp công vụ xong, ông đã tìm được chùa Pháp Hoa để làm cơ sở hoằng pháp và lập phòng chẩn mạch Trung Y, lập Bồ Đề Y Viện và Thí Y Hội v.v… để chữa trị, hốt thuốc miễn phí. Ông khởi xướng những sự nghiệp hoằng hóa, từ thiện để tiếp dẫn quần cơ đồng tu Tịnh Nghiệp.

Ông thường nhóm chúng niệm Phật; cử phái viên hoằng pháp đến thăm các nhà giam và những gia đình liên hữu. Do đó, pháp duyên ngày càng rộng rãi; tòa giảng kinh của ông mở rộng đến các chùa Linh Sơn, Bảo Giác, Bảo Thiện v.v… Ông còn khuếch trương những cơ sở truyền giáo khắp cả Tam Đài (Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam), chuyên hoằng dương Tịnh Độ phổ độ chúng sanh.

Mỗi năm, cử hành Phật Thất nhiều lần; lần nào ông cũng đích thân chủ trì, ân cần, thiết tha huấn thị. Ông thường soạn các tài liệu Phật học hàm thụ và vấn đáp, soạn các chương trình phát thanh miễn phí gởi tặng các đài phát thanh.

Về trước tác có: A Di Đà Kinh Trích Chú Tiếp Mông Kỵ Nghĩa Uẩn (lược chú Kinh Di Đà để những người kém hiểu biết lãnh hội được ý nghĩa sâu xa), Đại Chuyên Học Sinh Phật Học Giảng Tòa (tài liệu giảng dạy Phật học cho sinh viên chuyên ngành Phật học) gồm sáu quyển: Phật Học Vấn Đáp Loại Biên, Hoằng Hộ Tiểu Phẩm Vựng Tồn, v.v… hóa độ nhân gian.

Nhân đó, ở các nơi gần hay xa, mọi người đều được bình đẳng hưởng thụ pháp ích. Sau ông nghỉ việc để tăng thời gian hoằng pháp; luôn luôn khuyên người khác tin sâu nhân quả, già dặn, chắc thật niệm Phật.

Trong Pháp môn Niệm Phật có hai công phu để hành trì:

1- Tu Phật Thất, dành cho người căn cơ bình thường.
2- Ban Châu Tam Muội, dành cho người siêu việt xuất chúng, có sức khỏe dẻo dai.

Hành giả thực hành Ban Châu Tam Muội phải đứng hay đi kinh hành trong thời gian 90 ngày không hề nằm, thường xuyên đắp y hoặc mặc áo tràng. Theo lời kể lại, cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã hai lần đạt được Ban Châu Tam Muội. Ngài đã được định rất sâu. Như vậy, có thể Ngài Lý Bỉnh Nam đã đạt được Lý Nhứt Tâm Bất Loạn hoặc Sự Nhất Tâm Bất Loạn.

Ngày mười hai tháng Tư năm Dân Quốc 75 (1986), ông bảo đệ tử hầu cận:

– Ta sắp đi đây!

Đến sáng hôm sau, ông niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, dặn dò đệ tử rồi nằm yên lành mà tịch. Thọ chín mươi bảy tuổi. Sau khi trà tỳ, thu được hơn cả ngàn viên xá lợi ngũ sắc.

(theo Lý Công Tuyết Hư Lão Cư Sĩ Lược Sự)

Hòa Thượng Tịnh Không nói về Đại Cư sĩ Lý Bỉnh Nam:

Như chư liên hữu thấy, sau khi vãng sanh, cư sĩ Lý Bỉnh Nam lưu lại hơn cả ngàn viên Xá Lợi ngũ sắc. Đó là kết quả của người thật sự có công phu tu tập trong nhiều năm niệm Phật.

Rải rác trong các băng giảng, Hòa Thượng Tịnh Không thường nhắc đến vị Thầy vĩ đại của mình. Chúng tôi chẳng nhớ trong băng giảng nào đã ghi ra tài liệu dưới đây:

Theo Hòa Thượng Tịnh Không, tướng của Lý Bỉnh Nam không phải là người trường thọ. Vì cái lỗ tai và cái càm ông ngắn không phải là người sống lâu. Nhưng nhờ ông biết làm việc thiện, như chữa bệnh miễn phí cho mọi người, dạy Phật pháp cho mọi người. Sự thu nhập tài chánh của ông rất dồi dào, nhưng ông đem bố thí cho thiên hạ. Ông sống trong một căn nhà nhỏ, không cần người giúp việc hầu hạ. Đến 90 tuổi, ông sống một mình với thân thể khỏe mạnh cường tráng.

Phước báu mà ông có chẳng phải là do đời trước mà có. Sau khi học Phật ông mới tu. Phước báu thọ mạng của ông là nhờ tu trong đời này. Đây là điều mọi người chúng ta cần tìm hiểu học hỏi. Nhiều vị chỉ biết khen người, mà không noi theo gương người để áp dụng cho mình, thì lời khen ấy trở thành rỗng không. Ngài Lý Bỉnh Nam vãng sanh vào lúc 97 tuổi. Điều đáng lưu ý, tuy không ai kêu gọi, thiên hạ mến mộ công đức của Ngài, mỗi ngày có khoảng 600 người đến hộ niệm. Tất cả đều tự động đến, không phải để chia buồn, nói những lời rỗng tuếch, mà đi xung quanh quan tài hộ niệm. Tiếng niệm Phật không ngừng nghỉ trong suốt 49 ngày.

Hòa Thượng Tịnh Không nói : kết quả mà Ngài Lý Bỉnh Nam đã tu trong đời này. Thông minh trí tuệ do Ngài bố thí pháp. Khỏe mạnh trường thọ là bố thí vô úy. Vô úy mà không não hại tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh gặp ta có cảm giác an toàn. Đó là vô úy. Ngài Lý Bỉnh Nam có trên 200 ngàn đệ tử. Thật là vĩ đại!

Theo Những Chuyện Niệm Phật Thấy Phật Vãng Sanh
Cư sĩ Tịnh Hải

Kinh Hành Niệm Phật Thoát Nạn Bom Nổ

Kinh Hành Niệm Phật Thoát Nạn Bom NổMột buổi sáng rằm, đầu mùa đông ngoài trời se lạnh, nhưng trong căn phòng khách cửa mở ra hướng Nam không bị gió thổi xốc vào nên cũng khá ấm áp. Tôi xông một ít trầm hương để ngay giữa bàn, hương trầm thơm dìu dịu thanh khiết. Tôi và người bạn đạo ngồi uống trà nhìn theo làn khói trầm mỏng mảnh đang bay ra từ miệng con rồng chạm trổ công phu trên chiếc lư trầm cổ, trong lòng thầm khâm phục người nghệ nhân đúc đồng xa xưa đã cho người đời sau chiêm ngưỡng một tác phẩm thủ công thật tinh xảo.

Tôi bật đầu đĩa nghe một bản nhạc đạo quen thuộc theo lời yêu cầu của anh bạn Phật tử, anh ấy vừa nghe vừa hát theo với một tâm trạng an vui:

“Thầy dạy con nên thường niệm:
Nam mô A Di Đà Phật!
Khi niệm con phải nhất tâm
Cho đời thoát cơn mê lầm
Lòng thành con luôn thường niệm
Nam mô A Di Đà Phật!
Dù trong lúc đang làm gì
Nam mô A Di Đà Phật!
Lời thầy ghi nhớ trong đời
Niệm Phật cho ta thảnh thơi
Niệm Phật thân tâm rạng ngời
Niêm Phật ta có được gì
Niệm Phật cho ta lối đi
Niệm Phật tâm thêm từ bi…”.

Đúng là một bài hát có giai điệu rất hay và ca từ đẹp, không biết tác giả là ai vì trên đĩa CD chỉ ghi tên ca sĩ thể hiện chứ không thấy ghi tên nhạc sĩ sáng tác. Bài hát ngọt ngào cất lên tươi mát như dòng suối hiền hòa tinh khiết, khiến cho người lớn và trẻ con đều rất thích. Cả nhà tôi từ lớn đến bé kể cả ông khách quý đang ngồi uống trà với tôi đây đều thuộc bài hát này và ngân nga hát theo với cái tâm tràn đầy niềm hỷ lạc. Đặc biệt ca từ như một bài pháp ngắn gọn dễ hiểu bằng một thứ ngôn ngữ âm nhạc phong cách R&B chậm rãi, nên rất dễ ăn sâu trong lòng công chúng yêu nhạc đạo như chúng tôi. Toàn bài rất nhiều câu “Nam mô A Di Đà Phật” như một chuỗi niệm Phật, niệm danh hiệu Ngài chỉ có 6 âm thôi, nhưng những thanh âm kỳ diệu ấy khiến cho lòng ta thêm phấn chấn và hoan hỷ.

Phật giáo Ấn Độ xưng tụng danh hiệu Phật theo âm điệu và phong vận của Ấn Độ, khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa thì biến hóa theo âm điệu của người Trung Hoa, khi Phật giáo truyền đến châu Mỹ, châu Âu… cũng tự nhiên biến hóa theo cách của nước sở tại và khi Phật giáo truyền sang Việt Nam cũng biến hóa theo âm điệu của đất nước ta. Cho dù niệm “A Di Đà Phật” theo giọng Bắc, Trung hay Nam cũng đều hay, thật ra chỉ cần niệm Phật hiệu là tốt rồi. Vì Đức Phật A Di Đà là Vô Lượng Quang chiếu sáng vô lượng chúng sanh. Ngài còn được gọi là Vô Ngại Quang, cho nên dùng âm điệu hay phong vị nào thì đối với Ngài cũng không chướng ngại. Lại nữa, Đức Phật A Di Đà còn là Hoan Hỷ Quang và Giải Thoát Quang, cho nên niệm thế nào cũng được hoan hỷ, cũng có thể giải thoát và không khởi phiền não.

Thầy đã giảng cho tôi như vậy và khuyên: “Niệm Đức Phật A Di Đà, tín tâm niệm Phật, không giây phút nào rời Phật. Thế gian vô thường, mạng người khó giữ, khi đi đường tốt nhất quý Phật tử vừa đi vừa niệm Đức Phật A Di Đà thì luôn được tai qua nạn khỏi”. Tôi còn quá nhiều vọng tưởng, nên chưa thực hiện được chuyên cần những lời thầy dạy. May sao có thầy và bạn trong đạo tràng Phật tử cùng sinh hoạt với nhau luôn luôn nhắc nhở tôi. Và tôi cũng thấy đây là một pháp môn tu làm cho tâm thanh thản, cho nên dù công việc có bận rộn, tôi cố gắng luyện tập, khi đi đường thì mỗi bước niệm “A Di Đà Phật”. Sau một thời gian dài thực tập nuôi dưỡng thành thói quen, cứ nhấc chân bước một bước thì trong lòng tự động niệm thầm một tiếng “A Di Đà Phật”. Đi trong chánh niệm tỉnh thức và niệm thầm “A Di Đà Phật” quả nhiên đã cứu mạng tôi, khiến tôi tránh được một nạn lớn.

Đó là một buổi trưa Chủ nhật, cách đây hai tuần, trên con đường đi bộ từ nhà tới khu chợ xép khoảng 300 mét. Đó là công việc thường nhật của tôi, trưa nào cũng vậy, tôi bới cơm trưa cho bà nhà tôi đang bán tại quầy trái cây ngoài chợ. Tôi vừa đi vừa niệm “A Di Đà Phật”, đi được một nửa quãng đường gặp người bạn đạo (anh bạn ngồi uống trà với tôi sáng hôm nay đây), anh ấy đi ngược chiều gọi tôi quay lại nói chuyện khoảng 5 phút. Bỗng tôi cảm thấy sau lưng có một ánh chớp rất mạnh và tiếp theo đó là một tiếng nổ dữ dội cách chỗ tôi đứng không xa, khoảng 20 mét. Sự chấn động và sức ép của tiếng nổ làm cho đất đá văng tới khiến cho tôi và anh bạn tức ngực, nhưng chúng tôi không sao cả. Tôi tưởng rằng chiếc lốp ô tô của ai đó đậu bên đường bị nổ, chúng tôi ngồi xuống lấy hai tay ôm đầu rồi cứ một mực niệm Phật, chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Sau tiếng nổ có người la lên: “Bom bi nổ, có người chết và người bị thương”. Trong đầu óc tôi lúc đó nghĩ rất đơn giản, chiến tranh đã qua lâu rồi, bom mìn đã được rà phá nhiều rồi, làm gì có bom nổ ở một đường phố đông đúc như thế này, nhưng tôi đã thấy rõ ràng xe cấp cứu đến và các y tá khiêng lên xe ba người bị thương khá nặng máu me vung vãi cả mặt đường. Ngày Chủ nhật đẹp như vậy, ai ngờ xảy ra một thảm họa khôn lường.

Sau vụ nổ người ta mới tìm ra nguyên nhân, hóa ra có một thanh niên trẻ sống bằng nghề đi rà phế liệu chiến tranh, anh ta đang trên đường đi đến chỗ thu mua phế liệu để bán những gì anh ta kiếm được trong buổi sáng, giữa đường bánh xe đạp của anh ta bị trục trặc, nên anh ta lấy ra một cục sắt trong bao phế liệu mà anh ta kiếm được, dùng để thay búa gõ vào trục sau cho vành xe trở về vị trí cũ (có lẽ do một chiếc ốc nào đó bị long ra). Nhưng không ngờ cục sắt cầm trên tay vì chôn trong lòng đất quá lâu ngày bị rỉ sét, nên anh không thể nhận ra đây là quả bom bi, vì vậy mới xảy ra chuyện đáng tiếc khiến anh ta và vài người đi đường bị thương rất nặng, rất may là không ai tử vong.

Chúng ta thường thấy trong kinh Phật nói: “Mạng người vô thường trong hơi thở”, quả không sai tí nào. Đời người là giả tạm và hư ảo, thân thể của chúng ta giống như bọt xà bông, bất cứ lúc nào cũng có thể vỡ tan, nay tuy còn khỏe mạnh nhưng cũng khó giữ gìn. Rõ ràng như vậy đó, nhưng cũng còn có người không để ý tới, rồi khi tai họa xảy đến thì đã muộn rồi. Tôi tính từ địa điểm và thời gian của vụ nổ mà suy ra, nếu như không có anh bạn đạo gọi tôi quay lại kịp thời, thì nhất định tôi sẽ đến ngay chỗ anh chàng thanh niên rà phế liệu đúng thời điểm bom bi phát nổ và ít nhất tôi cũng bị thương. Tôi tin chắc rằng mình được Phật lực gia hộ, vì trong khi đi tôi cứ niệm “A Di Đà Phật” theo từng bước, nên mới thoát được vụ nổ bom bi này.

Tôi đem câu chuyện này kể với thầy và các vị Phật tử trong đạo tràng, họ đều cảm nhận được khi niệm “A Di Đà Phật”, Đức Phật luôn ở bên ta; cảm nhận được năng lực cứu độ nhiệm mầu của Đức Phật khiến cho thân tâm tôi được bình an và thoát nạn. Thầy tôi dạy: Lòng từ bi của Đức Phật thì bình đẳng, không phân biệt sang hèn thiện ác; ai niệm Phật tức là cảm ứng với Đức Phật nên Ngài đến kịp thời để cứu độ. Chính lòng từ bi của Đức Phật đã cảm ứng, cứu độ hộ trì.

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, buổi sáng mùa đông se lạnh, nhưng căn phòng như ấm cúng hẳn lên bởi khói trầm thơm và tiếng hát của một bài nhạc đạo vẫn ngọt ngào ngân lên, niềm an vui tràn ngập cả căn phòng gồm hai người bạn đạo. Tôi và anh bạn nhớ lại câu chuyện bom bi nổ, không khỏi rùng mình hú vía, bỗng hai đứa cùng bật cười rộn rã cả căn phòng, có lẽ chúng tôi đã ngộ ra được một điều gì đó trong cuộc tồn sinh giữa chốn Ta bà, và không ai bảo ai, chúng tôi cùng ngân nga theo bài hát ấy:

“…Nam mô A Di Đà Phật!
Lời thầy ghi nhớ trong đời
Niệm Phật cho ta thảnh thơi
Niệm Phật thân tâm rạng ngời
Niệm Phật ta có được gì
Niêm Phật cho ta lối đi
Niệm Phật tâm thêm từ bi…”

Theo Giác Ngộ
Tựa đề gốc: Hòa âm linh diệu
Tác giả: Lê Đàn

Sư Bà Đứng Vãng Sanh [Video]

Sư Bà Như Phụng Đứng Vãng SanhVào ngày 16 – 05 – 2009 (22 – 04 Kỷ Sửu) Sư Bà Như Phụng viện chủ chùa Long Vân đã an tường đứng và xả báo thân vãng sanh về Tây Phương của Phật A Di Đà trong tiếng niệm Phật của đại chúng.

Khi còn tại thế Sư Bà luôn là một tấm gương lớn cho các chư Ni và quý Phật tử về tu tập, cũng như làm từ thiện tại nhiều nơi trong cả nước do Sư Bà phát động, Sư Bà không những dùng tâm từ bi để giúp đỡ chúng sanh mà còn dùng thân giáo để làm gương cho các đệ tử học theo. Chùa Long Vân của Sư Bà tu theo pháp môn Tịnh Độ và thường mở những khóa tu niệm Phật dành cho quý Phật tử về tu tập.

Sư Bà Đứng Vãng Sanh

Có lẽ khóa tu Phật thất lần thứ 5 Sư Bà đã viên mãn ở cõi Ta Bà, trong khi đại chúng đang cung thỉnh TT. Thích Bửu Chánh lên chính điện để thuyết pháp, Sư Bà cũng cùng với đại chúng xếp hàng để cung nghinh TT. Bửu Chánh trong tiếng niệm Phật vang rền ở chánh điện Sư Bà đã an nhiên tự tại đứng và nhẹ nhàng xả báo thân trong tiếng niệm Phật của các Ni và đại chúng.

Pháp môn Tịnh Độ không thể nghĩ bàn, Sư Bà mãi mãi là tấm gương không những cho hàng xuất gia mà hàng tại gia của chúng con nữa.
 

Phim Phật Thuyết Kinh A Di Đà

Phim Phật Thuyết Kinh A Di ĐàA-di-đà kinh là bản rút ngắn của Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh. Đây là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh Độ tông, lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Kinh này trình bày phương pháp nhất tâm niệm danh hiệu A-di-đà Phật và sẽ được Phật A-di-đà tiếp độ về cõi Cực lạc lúc lâm chung (niệm Phật).

Kinh A Di Đà do đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết về y và chánh báo của đức Phật A Di Đà nơi thế giới Cực lạc ở phương Tây, cách cõi Ta bà này mười muôn ức cõi Phật. Kinh cũng chỉ bày pháp môn niệm Phật để được vãng sanh về cõi Cực lạc của đức Phật A Di Đà.

Theo vi.wikipedia.org

Hào Quang Tỏa Sáng Khi Niệm Phật

Hào Quang Tỏa Sáng Khi Niệm PhậtCó 2 vị Lạt-Ma là Ajo và Reto cùng theo học 1 thầy. Reto là 1 học giả tinh thông Kinh điển, có thể giảng giải, trích dẫn hầu như tất cả sách vở 1 cách dễ dàng, trong khi Ajo chỉ chuyên tâm Lễ Bái và Thiền Định.

Lạt Ma Reto ghi danh vào Đại Học Drepung, tốt nghiệp thủ khoa, trở nên 1 Pháp Sư nổi tiếng của Tây Tạng, trong khi Lạt Ma Ajo vẫn ẩn tu tại làng Chumbi.

Sau nhiều năm không gặp nhau, 1 hôm Pháp Sư Reto có dịp công du qua làng cũ. Nhớ đến người huynh đệ đồng môn, ông ghé lại ngôi chùa xưa thăm hỏi. Gặp nhau cả 2 đều mừng rỡ chuyện trò vui vẻ, Reto bèn hỏi Ajo đã tu học đến đâu. Lạt Ma Ajo thành thật thưa rằng: “Bao năm nay chỉ chuyên tụng 1 bộ Kinh A Di Đà mà thôi”. Pháp Sư Reto lắc đầu than cho chú em quê mùa hủ lậu, Kinh điển thiên kinh vạn quyển không đọc mà chỉ đọc tụng có 1 bộ Kinh tầm thường mà gần như ai cũng biết. Reto bèn giảng giải cho Ajo một hồi về những pháp môn cao siêu cho đến tận khuya mới đi ngủ.

Vừa chợp mắt ít lâu, ông đã giật mình tỉnh giấc vì thấy ánh sáng ở đâu chói loà cả 1 vùng. Ánh sáng này phát ra từ phía chánh điện ngôi chùa nên ông ngạc nhiên rời trú phòng bước ra xem thế nào.

Ông thấy Lạt Ma Ajo đang chắp tay đảnh lễ, trì tụng Hồng Danh Đức Phật A Di Đà nhưng quanh ông này hào quang sáng rực cả chánh điện. Ông thấy trong hào quang đó có 1 ao sen lớn bằng các thứ ngọc báu với những lâu đài, dinh thự toàn bằng vàng. Ngoài ra, còn có những giống chim lạ cất tấu lên những điệu nhạc hoà nhã, vi diệu nghe như tiếng giảng Kinh, rồi trời đổ mưa hoa, những bông Mạn Đà La rơi xuống ao báu toả ánh sáng khắp nơi.

Pháp sư Reto nín thở theo dõi cho đến khi Lạt Ma Ajo trì tụng xong bộ Kinh A Di Đà thì linh ảnh đó mới biến mất. Quá xúc động, Reto vội bước vào hỏi làm sao Ajo lại có được thần thông như vậy. Lạt Ma Ajo cho biết ông không hề có thần thông gì cả mà chỉ chuyên tâm trì tụng 6 chữ Hồng Danh mà thôi.

Lạt Ma Reto lại hỏi: “Nhưng ta thấy hào quang sáng ngời trong chánh điện và những linh ảnh lạ lùng. Chắc chắn chú phải có những phương pháp tu luyện gì nữa chứ?”

Lạt Ma Ajo cho biết không hề áp dụng 1 phương pháp gì ngoài việc gìn giữ Thân-Khẩu-Ý cho thật thanh tịnh, trang nghiêm để trì tụng Hồng Danh Phật A Di Đà mà thôi.

– Làm sao có thể như vậy được? Như ta đây làu thông Kinh điển, tu tập bao năm nay mà đâu đã có kết quả gì? Lạt Ma Reto thắc mắc.

– Có lẽ huynh chỉ đọc văn giải nghĩa để thoả mãn trình độ trí thức giỏi biện luận như 1 nhà thông thái mà thiếu hành trì, không chí thành cung kính, đọc Kinh còn nghi ngờ, chỉ trọng về Lý Tánh mà không chuộng sự tu dưỡng Thân-Tâm chăng? Như em đây thì chuyên tâm tin tưởng vào lời khuyên dạy của Chư Phật, tin rằng có cõi Tây Phương Cực Lạc, tin vào Đại Nguyện của Phật A Di Đà và tha lực tiếp dẫn của Ngài, rồi chí thành nguyện cầu sẽ được sinh sang cõi nước Cực Lạc (Tín-Nguyện-Hạnh).

Pháp Sư Reto bừng tỉnh vội vã chắp tay đảnh lễ người em đã khai ngộ cho mình. Ông trở về Lhassa trình bày sự việc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, rồi xin từ chức Pháp Sư về nhập thất tu Thiền trong dãy Tuyết Sơn.

Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền lệnh cho xây 1 ngôi Chùa nguy nga rộng lớn để xứng đáng với công đức tu hành của 1 vị Cao Tăng và phong cho Lạt Ma Ajo chức Hoà Thượng (Rinpoche). Tuy nhiên, Hoà Thượng Ajo không thích việc có 1 ngôi chùa riêng như vậy, ông chỉ muốn tiếp tục sống trong ngôi chùa nhỏ bé nơi thung lũng Chumbi mà thôi. Vị quan trông coi việc xây cất lấy làm lạ bèn hỏi tại sao, thì Ngài cho biết dù chùa cao to đẹp đẽ, dù cung vàng điện ngọc cũng chỉ là hình thức bên ngoài, hữu sinh hữu hoại, nay còn mai mất, không thể so sánh với cảnh giới của cõi Cực Lạc được.

Sau cùng, người ta đành mời Ngài về trụ trì Chùa Tse Cholin, 1 ngôi chùa lớn trong vùng, vì vị trụ trì tại đây đã qua đời trước đó ít lâu. Hoà Thượng Ajo nhận lời quản trị ngôi chùa này nhưng vẫn tiếp tục sống tại ngôi chùa nhỏ bé cũ gần đó, vì ông biết rằng vị trụ trì Tse Cholin sẽ Hoá Thân trở lại đây trong 1 thời gian không lâu nữa.

Theo Hoà Thượng Ajo, thì Đức Phật đã chỉ dẫn rất nhiều Pháp môn khác nhau, các đệ tử tuỳ theo căn cơ trình độ lãnh hội mà tu hành được giải thoát. Tuy nhiên vì biết vào thời Mạt Pháp (Kali Yuga), chúng sanh nghiệp sâu, trí mỏng khó có thể trông cậy vào tự lực cá nhân mà giải thoát, nên Đức Phật đã truyền dạy riêng 1 phương pháp giản dị là Pháp môn Niệm Phật cầu Vãng Sanh. Pháp môn này giản dị mà công năng vô cùng mầu nhiệm, bất khả tư nghì, vì ngay như Đức Di Lặc chỉ còn 1 Kiếp nữa sẽ thành Phật mà Ngày Đêm 6 thời còn đảnh lễ, trì niệm Hồng Danh Chư Phật.

Theo Hoà Thượng Ajo, thì cách trì tụng Hồng Danh phải đặt căn bản trên sự chí thành, khẩn thiết thì mới được Cảm Ứng. Dù làm đúng các Nghi thức nhưng tâm không thành thì khó có kết quả gì, tóm lại vấn đề trọng yếu vẫn là ở TÂM. Ngài chỉ phương pháp Quán Tưởng, là lúc nào cũng giữ trong Tâm hình ảnh của Đức Phật A Di Đà và cảnh giới cõi Cực Lạc mà trong đó bất cứ thứ gì cũng phát ra hào quang sáng chói, nơi mà tiếng gió thổi, chim hót, lá cây rụng cũng phát ra những Diệu Âm. Ngài cho biết làm sao để lúc Đi-Đứng-Nằm-Ngồi cũng đều chú tâm vào hình ảnh Đức Phật A Di Đà cho đến lúc thật thuần thục, không thấy có mình là Người Niệm Phật và Phật là 1 Vị mà mình đang Niệm, chỉ có 1 ánh sáng vô tận, vô lượng chiếu soi. Niệm đến chỗ Vô Niệm, cho đến Nhất Tâm Bất Loạn, thì sẽ được cảnh giới bất khả tư nghì.

Hoà Thượng Ajo cho biết 6 chữ Hồng Danh A Di Đà Phật có 1 oai lực vô cùng rộng lớn với những Mật nghĩa sâu xa, mà chỉ có Phật với Phật mới hiểu rõ cùng tận mà thôi. Phật A Di Đà là Pháp giới tàng thân, bao nhiêu công đức của Chư Phật trong 10 phương pháp giới, nơi 1 Đức Phật A Di Đà đều đầy đủ cả. A Di Đà có nghĩa là nguồn sáng vô tận (Vô Lượng Quang), tuổi thọ vô lượng (Vô Lượng Thọ); hay nói theo nghĩa khác là bao gồm toàn thể không gian (ánh sáng) và thời gian (tuổi thọ) tượng trưng cho chân lý tuyệt đối bất khả tư nghì.

Trích Đường Mây Qua Xứ Tuyết
của Lama Anagarika Govinda
Việt văn của Nguyên Phong