23 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Trong bài phú nôm “Cư Trần Lạc Đạo” của vua Trần Nhân Tông có những câu khẳng định Đức Phật A Di Đà chính là cái tâm trong sạch của mình:
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi tới Tây phương.
Di Đà là tánh lặng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.
Ta hãy nghe thiền sư Trung Hoa Không Cốc Long, sống đầu thế kỷ 15, bàn về niệm Phật:
Pháp môn niệm Phật là con đường thể hiện Đạo Phật ngắn nhất. Đừng tin ở hiện hữu sắc thân hư huyễn này, bởi vì tâm trước vào những phù hư của kiếp sống thế gian là cội gốc của luân hồi. Cõi Tịnh độ là đáng mong cầu nhất và phép niệm Phật là đáng trông cậy nhất. Đừng hỏi niệm Phật như thế nào gấp rút hay thư thả; đừng hỏi tụng đọc danh hiệu Ngài như thế nào, cao giọng hay thấp giọng; đừng để gò bó bởi điều luật nào, mà hãy nhất tâm bất loạn, tịch tĩnh và trầm mặc niệm tưởng.
Khi chứng đến chỗ chuyên nhất không bị ngoại cảnh quấy nhiễu, rồi một ngày kia một biến cố sẽ bất ngờ gây ra trong mình một thứ cải biến tâm lý, và nhờ đó mà nhận ra rằng cõi Tịch Quang Tịnh Độ là chính cõi đất này, và Phật A Di Đà cũng chính là cái tâm này. Nhưng hãy cẩn thận đừng phóng tâm mong chờ một cảnh tượng như thế, vì nó sẽ trở nên chướng ngại sự chứng đắc.
Niệm Phật nghĩa đen là “nghĩ tưởng đến đức Phật,” và được kể như là một trong sáu đề tài thiền định. Đó là: 1) Niệm Phật; 2) Niệm Pháp; 3) Niệm Tăng; 4) Niệm Giới; 5) Niệm Thí Xả và 6) Niệm Chư Thiên. Theo Ngài Trí Giả Đại Sư, vị Tổ thứ ba của Thiên Thai Tông, trong bản sớ giải kinh Pháp Hoa thì niệm Phật là “tư duy về đức Phật” và tư duy được coi như để đối trị trạng thái hôn trầm tà tưởng và những mệt nhọc của thân thể.
Đối với người Phật tử, tư duy về Đức Bổn Sư là điều rất tự nhiên, vì nhân cách vĩ đại của Ngài còn quang trọng hơn cả giáo lý Ngài dạy trong kinh điển, bởi vì nhân cách ấy là giáo lý sống động do chính đời Ngài phô diễn. Những khi cảm thấy chán nản trên đường tu hay tâm trí phóng túng theo ngoại cảnh, thì cách tốt nhất để khích lệ đức tinh tấn cho người Phật tử là tư duy về Đức Bổn Sư.
Khởi thủy, niệm Phật thuần túy là một lối hành trì đạo đức, nhưng vì uy lực kỳ bí của một danh hiệu đã kích thích mãnh liệt trên sự tưởng tượng có tính chất tôn giáo của các Phật tử Ấn, lối tư duy về Đức Phật coi Ngài như một nhân cách có những đức tính lớn như môt trí tuệ lớn (đại trí), một tình thương lớn (đại bi) và một ý chí lớn (đại lực) đã được thay thế bằng lối nhắc nhở danh hiệu của Ngài.
Khi Đức Phật A Di Đà thành đạo, Ngài muốn cho danh hiệu của Ngài vang dội khắp cả đại thiên thế giới, để Ngài có thể cứu độ chúng sinh nào nghe được danh hiệu Ngài. Những câu thường được nghe trong 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà như: “phát tâm xưng danh, nhẫn đến mười lần,” “chí tâm nghĩ nhớ đến ta,” “nếu có chúng sinh phát tâm thanh tịnh, dù chỉ một lần.” Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy người tu Tịnh Độ “quy y đức Phật A Di Đà” vì khi xưng tán Phật hiệu “A Di Đà Phật” sẽ thoát khỏi tội chướng trong 2, 80 ức kiếp.
Trong kinh Phật Thuyết A Di Đà, Đức Phật Thích Ca khuyên mọi người hãy tâm niệm danh hiệu của Đức A Di Đà Như Lai thì khi lâm chung sẽ an tâm mà từ giã cõi sống này. Trong luận Thập Trụ Tì Bà Sa, Ngài Long Thọ cho rằng nếu có người muốn đi nhanh đến chỗ bất thối chuyển, người đó phải hết lòng cung kính tâm niệm danh hiệu của Phật A Di Đà. Chúng ta thấy dường như có sự sai biệt giữa “tâm niệm” và “xưng tán,” nhưng trên phương diện hành trì thì tâm niệm danh hiệu Phật cũng là xưng tán hồng danh bằng sự im lặng hay thì thầm.
Kinh Bát Chu Tam Muội, một trong những nguồn có thẩm quyền về Tịnh Độ tông, được dịch sang Hán văn đầu thế kỷ thứ 2 do Ngài Lô Ca Lặc Xoa (Lokaraska), cũng có đề cập đến danh hiệu của Phật A Di Đà như sau: “Bồ tát khi nghe danh hiệu Phật A Di Đà và muốn được thấy Ngài, có thể thấy được Ngài do niệm mãi quốc độ của Ngài.”.
Ở đây dùng chữ “niệm” chứ không phải “xưng danh.” Như vậy Đức Phật trở thành đối tượng tư duy, là niệm tánh Phật bản lai của chính mình. Như vậy hành giả Tịnh Độ ngoài những thời khóa tu trì danh niệm Phật lúc nào cũng sống với bốn chữ hay sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật,” lúc nào cũng dùng tâm để tưởng niệm. Việc chuyên tâm niệm Phật là cần thiết để đào sâu đức tin, vì nếu không có đức tin này thì không bao giờ có sự vãng sanh.
Chư Phật cứu độ chúng sinh bằng bốn phương pháp: 1) Bằng khẩu thuyết như được ghi chép lại trong Kinh tạng; 2) Bằng tướng hảo quang minh; 3) Bằng vô lượng đức dụng thần thông, đủ các thứ biến hóa; 4) Bằng các danh hiệu của các Ngài, mà một khi chúng sinh thốt lên, sẽ trừ khử những chướng ngại và chắc chắn sẽ vãng sinh Phật tiền.
Ngài Đạo Xước (562-645), một hành giả lỗi lạc của Tịnh Độ tông, cho rằng: “Thời này cách Phật bốn năm trăm năm, chính là thời chúng ta phải sám hối tội chướng, tu tập phước đức và xưng Phật danh hiệu. Kinh há chẳng nói dù chỉ một lần nghĩ nhớ đến Phật A Di Đà và xưng tụng danh hiệu Ngài liền trừ được tội chướng sinh tử của chúng ta trong 2, 80 ức kiếp? Chỉ một niệm mà đã thế, huống tu thường niệm, hằng sám hối?” Tất cả người tu niệm Phật kể từ sau Ngài Đạo Xước đều hăng hái chấp nhận thuyết này, và niệm Phật (nghĩ nhớ Phật) đã được đồng hóa với xưng danh (thốt lên danh hiệu).
Như vậy khi nói tới pháp môn Tịnh độ là nói tới “trì danh niệm Phật.” Trong sách Niệm Phật Thập Yếu, Đại sư Thiền Tâm có trình bày mười phương thức trì danh như sau: 1) Phản văn trì danh; 2) Sổ châu trì danh; 3) Tùy tức trì danh; 4) Truy đảnh trì danh; 5) Giác chiếu trì danh; 6) Lễ bái trì danh; 7) Ký thập trì danh; 8) Liên hoa trì danh; 9) Quang trung trì danh và 10) Quán Phật trì danh. Đại sư cho rằng: “Trì danh niệm Phật đã gồm khắp ba căn (thượng, trung, hạ), lại đắc hiệu mau lẹ, ai cũng có thể thật hành. Trì danh nếu tinh thành sẽ có cảm cách, hiện tiền thấy ngay chánh báo y báo cõi Cực lạc, tỏ ngộ bản tâm, đời nay dù chưa chứng thật tướng, sau khi vãng sanh cũng quyết được chứng.”
Trì danh niệm Phật là niệm ra tiếng hay niệm thầm bốn chữ hoặc sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật.” Khi đọc lên danh hiệu này, người tu Tịnh Độ dùng tất cả tâm trí tập trung vào danh hiệu Phật chứ không phải ở Đức Phật.
Ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm của Ngài không được vẽ trong tâm hành giả. Với một công phu nhiệt thành, một niềm tin lớn lao, một khát vọng nồng nàn, danh hiệu chiếm trọn môi trường ý thức của hành giả. Kinh Di Đà tiểu bản (tức kinh Phật Thuyết A Di Đà) nói: “Thiện nam hay thiện nữ nào nghe nói đến đức A Di Đà Phật, trì niệm danh hiệu của Ngài…” Trì niệm (chấp trì) có nghĩa là “giữ vững một đối tượng trong tâm,” là chú tâm trên chính danh hiệu chứ không chỉ tụng đọc suông.
Chắc chắn lối niệm Phật xuất phát từ tâm này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc tập định, nghĩa là tiếp cận cảnh giới “nhất tâm bất loạn.” Khi niệm Phật thuần thục và định tâm, đối tượng của tâm là câu “Nam mô A Di Đà Phật” trở thành nhất thể với bản tâm của hành giả; mỗi một niệm đều quay về nguồn suối lưu xuất của Chánh giác; danh và thể không phân hai, thì chính trong danh hiệu là toàn thể của Chánh giác, và vì thể của Chánh giác là như thế nên nó là bản thể vãng sinh của hết thảy hữu tình trong mười phương.
Kinh Di Đà tiểu bản nói: “không thể chỉ đem thiện căn nhỏ (thiểu thiện căn) làm yếu tố để được sanh Cực lạc..” Thiện căn nhỏ là những việc thiện ngoài sự trì danh niệm Phật. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “muốn sinh Cực lạc thì phải làm ba phước: một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, làm mười thiện nghiệp; hai là thọ trì tam quy, giữ đủ tịnh giới, không phạm uy nghi; ba là phát bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tiến người tu.” Chỉ có ba phước phải và nên làm, vậy mà người tu bỏ cả một đời vẫn không làm nổi! Thiện căn như vậy mà nói là nhỏ, là chỉ vì có yếu tố và cảnh ngộ mới có làm có giữ, không thì làm và giữ gián đoạn.
Ví dụ như con muốn hiếu dưỡng cha mẹ nhưng cũng không thể được vì cha mẹ đã quá vãng; bồ đề tâm đã phát cũng có khi quên mất nên tiếng là làm việc Phật hóa ra là đang bị ma đưa lối qủy đưa đường v.v.. Tuy nói là “thiện căn nhỏ” nhưng vẫn phải có để hỗ trợ cho sự sinh Cực lạc. Nên yếu tố sinh Cực lạc phải có chính có phụ. Yếu tố chính là sự niệm Phật một cách nhất tâm bất loạn. “Nhất tâm bất loạn” là niệm Phật thuần thục và định tâm cho đến đồng nhất tâm trí của hành giả vào danh hiệu của Phật.
gài Huyền Trang dịch đề kinh Di Đà tiểu bản là “Xưng Tán Tịnh Độ, Phật Nhiếp Thọ Kinh,” và dịch câu “nhất tâm bất loạn” là “hệ niệm bất loạn.” Hệ niệm bất loạn là buộc sự nhớ nghĩ của mình vào danh hiệu của Phật mà không nhớ nghĩ gì khác, dù gì khác đó là tốt hay xấu. Nếu sự tu tập theo chiều hướng “hệ niệm bất loạn,” thì một mai “thân hành giả trở thành Nam mô A Di Đà Phật và tâm hành giả trở thành Nam mô A Di Đà Phật.”
Cái mục tiêu minh bạch do các Sư Tổ của Tịnh độ tông tạo ra, theo đó trì danh niệm Phật là pháp môn giải thoát dễ hành nhất đối với mọi chúng sinh. Mục tiêu ấy dĩ nhiên y cứ trên bản nguyện của Đức Phật A Di Đà. Trong bản nguyện này Phật đoan chắc với chúng đệ tử là họ sẽ vãng sinh Cực lạc, chỉ cần xướng lên danh hiệu của Ngài, đồng thời bày tỏ lòng tịnh tín của mình và chí nguyện “vì tuệ giác bồ đề mà cầu sinh Cực lạc.”
Quảng Minh
23 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Chí thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm. Một là chí thành tâm. Chí tức là chân, thành tức là thực. Ý muốn nói tất cả chúng sinh, ba nghiệp thân khẩu ý tu tập giải môn, hoặc hành môn, đều phải từ tâm chân thật xuất phát, không thể bên ngoài hiện tướng hiền thiện, tinh tiến, mà trong tâm thì giả dối, tham lam, tà ngụy, gian trá đa đoan, hung ác dữ dằn, mưu mô nham hiểm; tuy cũng hành trì ba nghiệp, nhưng gọi là việc lành pha chất độc, cũng gọi là hành trì giả dối, không được gọi là nghiệp thiện chân thực.
Nếu như dùng tâm như vậy mà tu hành, dù có thân tâm lao nhọc, tinh tiến hành trì như cứu đầu đang bị cháy, cũng chỉ gọi là việc thiện pha chất độc. Muốn dùng công hạnh trộn độc này để cầu sinh Cực Lạc, đây là điều không thể được! Vì sao? Bởi vì Ðức Phật A Di Ðà, trong lúc tu nhân, dù trong một niệm, một sát na, ba nghiệp mà Ngài tu tập, đều phát xuất từ tâm chân thực, và những sự việc Ngài tạo tác, nguyện cầu, cũng đều là chân thực.
Lại nữa, chân thực có hai loại: một là tự lợi chân thực, hai là lợi tha chân thực.
Tự lợi chân thực, lại có hai loại:
a/ Dùng tâm chân thực, chế phục, xả bỏ những ác hạnh của mình và người, cùng những cõi nước thô ác; trong tất cả mọi thời, nghĩ tưởng các vị Bồ tát chế phục, xả bỏ ác hạnh, mình cũng phải nên như vậy.
b/ Dùng tâm chân thực, siêng tu tất cả pháp thiện, dùng tâm chân thực, tán thán Ðức A Di Ðà cùng y báo và chánh báo của cõi Cực Lạc.
Lại từ tâm chân thực, dùng khẩu nghiệp quở trách, nhàm chán tất cả y báo chánh báo thô ác của mình và người trong ba cõi sáu đường, lại tán thán những thiện hạnh của ba nghiệp thân khẩu ý của tất cả chúng sinh, còn đối với những chúng sinh không làm thiện, kính nhi viễn chi, mà cũng chẳng tùy hỷ việc làm của họ.
Lại từ tâm chân thực, dùng thân nghiệp chắp tay lễ kính, cúng dường y phục, thức ăn, … đến Ðức Phật A Di Ðà, cùng y báo chánh báo của cõi Cực Lạc.
Lại từ tâm chân thực, dùng thân nghiệp, xem thường, nhàm chán y báo, chánh báo của mình và người trong ba cõi sinh tử này.
Lại từ tâm chân thực, dùng ý nghiệp suy ngẫm, quán sát, nhớ nghĩ Ðức Phật A Di Ðà, cùng y báo chánh báo của cõi Cực Lạc, giống như hiện đang trước mắt.
Lại từ tâm chân thực, dùng ý nghiệp xem thường, nhàm chán y báo, chánh báo của mình và người trong ba cõi sinh tử này.
Phải từ tâm chân thực, xả bỏ ba nghiệp bất thiện, và cũng phải từ tâm chân thực khởi ba nghiệp thiện thân khẩu ý.
Bất luận trong, ngoài, ngày, đêm, đều phải một lòng chân thực, cho nên gọi là chí thành tâm.
Hai là thâm tâm. Thâm tâm tức là lòng tin sâu, có hai loại:
a/ Quyết định tin sâu rằng thân hiện tại của mình là phàm phu tội ác, từ vô thỉ đến nay, chìm đắm, trôi lăn trong sinh tử, không có nhân duyên để xuất ly.
b/ Quyết định tin sâu, không còn nghi ngờ đắn đo, rằng Ðức A Di Ðà có bốn mươi tám lời nguyện, nhiếp thọ chúng sinh, nương vào nguyện lực của Ngài ắt được vãng sinh.
Lại quyết định tin sâu rằng Ðức Phật Thích Ca giảng nói về ba phước, chín phẩm, định thiện, tán thiện, cùng chứng minh, tán thán y báo chánh báo của cõi Cực Lạc là để cho chúng sinh hâm mộ.
Lại quyết định tin sâu rằng trong kinh A Di Ðà, mười phương chư Phật khuyến khích, chứng minh tất cả phàm phu quyết định được vãng sinh.
Ðối với lòng tin sâu này, ngưỡng nguyện tất cả hành giả, một lòng chỉ tin lời Phật, không luyến tiếc thân mạng, quyết định phụng hành. Phật bảo xả bỏ, nhất định phải xả bỏ, Phật bảo hành trì, nhất định phải hành trì, Phật bảo vãng sinh, nhất định phải vãng sinh, đây gọi là tùy thuận lời Phật dạy, tùy thuận ý muốn của Phật, tùy thuận bổn nguyện của Phật. Ðây gọi là Phật tử chân thực.
Tất cả hành giả, chỉ cần y theo Kinh này, tin tưởng hành trì, chắc chắn sẽ không bị sai lầm. Vì sao? Ðức Phật là Bậc đầy đủ tâm đại bi, là Bậc nói lời thật. Từ Phật trở xuống, tất cả phàm thánh khác, trí hạnh chưa đầy đủ, vẫn còn trong giai đoạn học tập, chưa trừ sạch phiền não chướng và sở tri chướng, nguyện hạnh chưa tròn, những người như vậy, giả sử muốn suy lường trí của Phật, cũng chưa chắc suy lường nổi; tuy có bình luận, phán đoán, nhưng phải qua sự ấn chứng của Phật mới trở thành định án.
Nếu như xứng ý của Phật, Ngài sẽ ấn khả: “Ðúng vậy! Ðúng vậy!”, nếu không xứng ý Phật, Ngài sẽ bảo: “Lời của ông nói, ý nghĩa không phải như vậy!” Không được ấn khả thì bị xem như lời nói không đáng ghi chép, hoàn toàn không lợi ích.
Những điều Phật ấn khả, tức là tùy thuận chánh giáo của Phật, còn những lời Phật nói, thì tức là chánh giáo, chánh nghĩa, chánh hành, chánh giải, chánh nghiệp, chánh trí, dù ít dù nhiều, cũng không cần hỏi Bồ tát, trời người là đúng hay sai! Nếu những lời Phật nói là liễu nghĩa, thì những lời của chư Bồ tát nói đều không liễu nghĩa. Phải nên biết như vậy!
Hiện nay ngưỡng mong quí vị có duyên với pháp Vãng sinh, chỉ nên tin sâu lời Phật, chuyên chú phụng hành, không nên tin những lời dạy không tương ưng của chư vị Bồ tát, khởi tâm nghi ngờ, tự làm chướng ngại, cố chấp mê mờ, mà đánh mất sự lợi ích lớn lao của sự vãng sinh.
Người có lòng tin sâu thiết, quyết định kiến lập tự tâm, thuận theo giáo pháp tu hành, vĩnh viễn dứt trừ nghi hoặc, lầm lẫn; quyết không vì tất cả giải ngộ khác biệt, hành trì khác biệt, sở học khác biệt, kiến giải khác biệt, sở thích khác biệt, mà làm cho mình thoái thất dao động.
Hỏi: Phàm phu trí tuệ nông cạn, tội chướng sâu dày, nếu gặp phải những người tu pháp môn khác đem những kinh luận khác ra dẫn chứng rằng: “Tất cả phàm phu tội chướng không thể vãng sinh”, làm thế nào để đối phó, hòng giữ vững lòng tin, quyết định tiến bước, không sinh khiếp nhược?
Ðáp: Nếu có người đem kinh luận ra dẫn chứng rằng không có sự vãng sinh, hành giả nên trả lời với họ rằng: “Ông tuy đem kinh luận ra dẫn chứng sự không thể vãng sinh, nhưng theo thiển ý của tôi, quyết không tiếp thọ lời nói của ông. Vì sao? Tôi không phải không tin những lời ông nói, thực sự, tôi tin tưởng tất cả kinh luận đó, thế nhưng lúc Ðức Phật giảng nói những kinh đó, xứ sở khác, thời gian khác, đối tượng thuyết pháp khác, sự lợi ích cũng khác; lại nữa, lúc Ðức Phật giảng nói những kinh đó, không phải là lúc Ngài nói Quán Kinh, A Di Ðà Kinh, v.v..
Vả lại, Ðức Phật nói pháp thích ứng cơ nghi, thời tiết không đồng, những kinh luận đó là nói chung về các giải hạnh cho hàng trời người và chư Bồ tát, còn hiện nay nói hai công hạnh định thiện và tán thiện trong Quán Kinh là cho hoàng hậu Vi Ðề Hy, cùng cho tất cả chúng sinh ở trong đời ác năm trược sau khi Ðức Phật diệt độ, xác chứng cho sự vãng sinh.
Do nhân duyên này, hiện nay tôi nguyện một lòng y theo lời dạy của Phật, quyết định phụng hành. Giả sử ông dẫn chứng trăm ngàn vạn ức kinh luận nói không vãng sinh, điều này chỉ càng làm tăng trưởng, thành tựu lòng tin của tôi đối với sự vãng sinh Cực Lạc”.
Hành giả nên nói với đối phương: “Ông hãy lắng nghe, tôi nay nói thêm cho ông biết về lòng tin quyết định của tôi. Giả sử địa tiền Bồ tát, La hán, Bích chi phật, dù một hay nhiều người đầy khắp mười phương, đều dẫn chứng kinh luận nói không có sự vãng sinh, tôi cũng không khởi một niệm nghi ngờ, và điều đó cũng chỉ làm tăng trưởng thành tựu lòng tin thanh tịnh của tôi đối với sự vãng sinh. Vì sao? Vì lời Phật là quyết định thành tựu liễu nghĩa, tất cả thế gian đều không thể phá hoại được.
Ông nên nghe cho kỹ, giả sử chư Bồ tát từ Sơ địa đến Thập địa, dù một hay nhiều người đầy khắp mười phương, cùng nhau nói rằng: “Ðức Phật Thích Ca tán thán Phật A Di Ðà, quở trách ba cõi sáu đường, khuyến khích chúng sinh chuyên tâm niệm Phật và tu tập các công hạnh lành khác, sau khi lâm chung nhất định sẽ vãng sinh Cực Lạc, đây quyết là lời hư dối, không thể tin được.”
Tôi tuy nghe những lời như thế, cũng không hề sinh khởi một niệm nghi ngờ, mà chỉ làm tăng trưởng thành tựu lòng tin quyết định bậc thượng thượng của tôi. Vì sao? Bởi vì lời của Phật là quyết định liễu nghĩa. Phật là Ðấng Thực trí, Thực giải, Thực kiến, Thực chứng, không phải là người dùng tâm nghi hoặc mà nói; lại nữa, lời dạy của Ngài không thể bị những dị kiến, dị giải của các vị Bồ tát phá hoại; nếu như thật là Bồ tát, những vị ấy quyết không đi ngược lời Phật dạy.
Hành giả nên biết, giả sử như Hóa thân Phật, Báo thân Phật, hoặc một hoặc nhiều vị, đầy khắp mười phương, mỗi vị đều phóng ánh sáng, hiện tướng lưỡi rộng dài biến khắp mười phương, đều nói rằng: “Ðức Phật Thích Ca tán thán Cực Lạc, khuyến phát tất cả phàm phu chuyên tâm niệm Phật, cùng tu các hạnh khác để được vãng sinh Cực Lạc, đây là điều hư dối, quyết định không có việc này.”
Hành giả tuy nghe chư Phật nói lời như vậy, nhất định không khởi một niệm nghi ngờ, thoái chuyển, sợ rằng không vãng sinh Cực Lạc. Vì sao? Bởi vì một vị Phật, hay tất cả các vị Phật, các Ngài có cùng tri kiến, giải hạnh, chứng ngộ, quả vị, đại bi, v.v.., hoàn toàn giống nhau, không một chút sai biệt, cho nên điều mà một vị Phật chế định, tất cả vị Phật khác cũng đều chế định.
Chẳng hạn như vị Phật trước cấm chế mười điều ác như sát sanh, v.v..; nếu rốt ráo không làm ác, không phạm ác, thì gọi là thập thiện, thập hạnh, và có nghĩa là tùy thuận lục độ; nếu có vị Phật sau ra đời, chả lẽ ngài lại sửa đổi mười điều thiện, khiến chúng sinh làm mười điều ác hay sao? Dựa vào đạo lý này để suy nghiệm, có thể biết rõ rằng lời nói, hành động của chư Phật không trái nghịch nhau.
Nếu như Ðức Thích Ca chỉ dẫn, khuyến khích tất cả phàm phu, trọn cuộc đời họ, chuyên niệm danh hiệu Phật, siêng tu các công hạnh, sau khi mạng chung, quyết định vãng sinh Cực Lạc, tức là các Ðức Phật khác ở mười phương ắt cũng đều phải tán thán, khuyến khích, chứng minh cho sự giáo hóa này.
Vì sao? Vì các Ngài đều chứng đắc đồng thể đại bi! Lời dạy của một Ðức Phật tức là lời dạy của tất cả chư Phật, lời dạy của tất cả chư Phật cũng tức là lời dạy của một Ðức Phật, chẳng hạn như Kinh A Di Ðà nói: “Ðức Thích Ca tán thán cảnh giới trang nghiêm của cõi Cực Lạc, lại khuyến khích tất cả phàm phu, một ngày cho đến bảy ngày, một lòng chuyên niệm danh hiệu của Ðức A Di Ðà, quyết định sẽ được vãng sinh”.
Kế đó, đoạn dưới nói: “Trong mười phương thế giới, mỗi phương có hằng hà sa chư Phật, đồng lên tiếng tán thán Ðức Phật Thích Ca ở cõi ngũ trược, ác thời, ác thế giới, ác chúng sinh, ác kiến, ác tà, lúc chúng sinh không có lòng tin, mà có thể chỉ dẫn, tán thán danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà, khuyên chúng sinh xưng niệm, quyết được vãng sinh, …” Ðây là một chứng minh cho sự nhất trí của chư Phật.
Mười phương chư Phật, e rằng chúng sinh không tin lời dạy của Phật Thích Ca, các Ngài bèn đồng tâm, đồng thời, hiện tướng lưỡi rộng dài, bao trùm các cõi tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thực: “Tất cả chúng sinh đều phải nên tin nhận lời dạy dỗ, tán thán, chứng tín của Phật Thích Ca.
Tất cả phàm phu, bất luận tội phước nhiều ít, căn cơ cao thấp, chỉ cần trọn cả một đời, hoặc ít nhất là một ngày cho đến bảy ngày, một lòng chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, quyết định sẽ được vãng sinh, chắc chắn không còn nghi ngờ.” Bởi thế, lời dạy của một Ðức Phật ắt sẽ được tất cả chư Phật chứng thành. Ðây gọi là từ người mà thiết lập lòng tin.
Kế đến, từ công hạnh thiết lập lòng tin. Công hạnh có hai loại: một là chánh hạnh, hai là tạp hạnh, v.v.., như phẩm Hai Hạnh ở trên đã nói, cho nên không ghi ra ở đây, xin người đọc hiểu ý.
Ba là hồi hướng phát nguyện tâm.
Nghĩa là đem tất cả thiện căn thế gian, xuất thế gian, hoặc do thân khẩu ý nghiệp tự tu tập, hoặc do thân khẩu ý nghiệp tùy hỷ công đức tu tập của tất cả phàm thánh, từ đời quá khứ cho đến hiện nay, dùng lòng tin thâm sâu chân thực, hồi hướng nguyện sanh Cực Lạc, đây gọi là hồi hướng phát nguyện tâm.
Lại nữa, sự hồi hướng phát nguyện vãng sinh này, phải là do tâm chân thực quyết định, hồi hướng phát nguyện cầu sinh; lòng tin thâm sâu chân thực này, cứng chắc như kim cương, quyết không bị những người dị kiến, dị học, biệt giải, biệt hành, làm động loạn phá hoại. Chỉ nên một lòng quyết định, thẳng đường tiến bước, không được nghe lời kẻ khác, rồi phân vân lưỡng lự, sinh lòng sợ hãi, làm mất đi lợi ích lớn của sự vãng sinh.
Hỏi: Nếu như có người tu tạp hạnh, tà hạnh, không cùng kiến giải, hạnh nguyện, đến làm mê hoặc, não loạn, hoặc dùng đủ thứ luận điệu cho rằng không có sự vãng sinh, hoặc nói rằng chúng sinh từ vô thỉ đến nay, ba nghiệp thân khẩu ý, đối với tất cả phàm thánh, đã tạo đủ các tội, như thập ác, ngũ nghịch, phạm bốn giới trọng, hủy báng chánh pháp, làm nhất xiển đề, phá giới, phá kiến, v.v.., chưa thể diệt hết, quả báo của những tội ác này là ác đạo trong ba cõi, làm sao có thể trong một đời tu phước, niệm Phật, mà có thể tức khắc chứng nhập vào cõi vô lậu vô sinh, vĩnh viễn chứng đắc bất thoái chuyển.
Ðáp: Giáo, lý, hành, giải của chư Phật, số lượng nhiều hơn hằng sa, tất cả tùy theo cơ duyên, tình cảnh của chúng sanh mà thiết lập. Những điều có thể thấy có thể tin trên thế gian, chẳng hạn như ánh sáng phá trừ bóng tối, không gian có thể bao hàm vạn hữu, đất có thể chuyên chở, nuôi dưỡng vạn vật, nước đem đến sự tươi nhuận, lửa đem đến sự thành hoại của vạn vật, tất cả những sự việc này là pháp đối đãi, mà còn có thể đem đến ngàn muôn sự lợi ích khác nhau, huống là thần lực không thể nghĩ bàn của Phật pháp, lẽ nào không có muôn ngàn sự lợi ích?
Nếu như tạo một nghiệp, thì sẽ tự đem đến cho mình một phiền não, nếu như tu một pháp môn, thì sẽ bước vào một cửa trí tuệ giải thoát. Mọi người đều tùy theo nhân duyên của mình mà khởi hạnh tu tập, cầu mong sự giải thoát, ông vì cớ gì đem những pháp tu mà tôi không có duyên đến làm chướng ngại sự tu tập của tôi.
Pháp môn mà tôi ưa thích, tức là pháp môn mà tôi có duyên, đây không phải là chỗ ông mong cầu; còn pháp môn mà ông ưa thích, tức là pháp môn mà ông có duyên, nó cũng không phải là chỗ tôi mong cầu, như vậy, mỗi người tùy theo ý thích của mình mà tu tập, ắt sẽ mau gặt được quả giải thoát.
Hành giả nên biết, nếu muốn học tập giải môn, thì từ phàm phu đến bậc thánh, nhẫn đến thành Phật, tất cả pháp môn đều phải học, còn nếu muốn tu tập hành môn, cần phải nương vào pháp môn mà mình có duyên, ít dùng sức, ít lao nhọc, mà được nhiều sự lợi ích.
Xin bẩm bạch cùng các hành giả tu hạnh Vãng sinh, hiện nay xin đưa ra một ví dụ, giúp cho hành giả giữ vững lòng tin của mình, không để cho bọn tà ma, ngoại đạo dị kiến lung lạc.
Ví như có người đi về hướng tây, trăm ngàn dặm đường, khoảng giữa lộ trình có hai dòng sông chắn ngang, dòng sông lửa ở phía nam, dòng sông nước ở phía bắc, mỗi dòng sông rộng độ một trăm bước, sâu không thấy đáy, hai phía nam bắc không thấy ngằn mé. Băng qua hai dòng sông nước và lửa, có một con đường trắng rộng độ hơn một tấc, từ bờ phía đông sang bờ phía tây, dài độ hai trăm bước.
Bên phía dòng sông nước, sóng vỗ ào ạt, làm mặt đường trở thành trơn trợt, còn bên phía dòng sông lửa, lửa bốc mù mịt, làm cho mặt đường trở thành nóng bỏng, hai bên nước lửa tung tóe, không lúc nào ngừng.
Người đó đến gần bờ sông, chung quanh đồng không mông quạnh, bỗng nhiên có lũ đạo tặc và ác thú, thấy người đó đơn độc bèn đuổi theo muốn sát hại, người đó sợ chết bèn bỏ chạy về hướng tây, thấy hai dòng sông lớn này, trong lòng tự nghĩ: “Dòng sông này dài không thấy đầu đuôi, băng ngang là một con đường trắng nhỏ hẹp, hai bờ tuy cách nhau không xa, nhưng làm sao qua được.
Hôm nay chắc bị chết ở chốn này!” Vừa muốn quày đầu, liền thấy lũ đạo tặc và ác thú phía sau đã đến gần kề, nếu muốn đi về phía nam hoặc bắc thì lại bị ác thú, rắn độc đón đầu, muốn theo con đường chạy về phía tây, lại sợ hai con sông nước, lửa. Trong lúc đang bàng hoàng sợ hãi, bèn tự nghĩ thầm: “Bây giờ quay lại cũng chết, đứng lại cũng chết, đi tới cũng chết, đường nào cũng chết, chi bằng cứ theo phía trước mà tiến bước, nếu đã có con đường này, ắt sẽ thoát hiểm!”
Vừa nghĩ như vậy, bỗng nghe bên bờ phía đông (phía sau) có tiếng người khuyến khích: “Ông nên kiên quyết đi về hướng tây, ắt không còn nguy hiểm, nếu đứng lại thì sẽ chết.” Lại nghe bên bờ phía tây (trước mặt) có tiếng người gọi: “Ông nên một lòng chánh niệm đi thẳng qua đây, ta sẽ bảo vệ cho ông, không nên sợ bị rơi xuống nước, lửa.”
Người đó nghe tiếng hai phía, bên khuyên bên gọi, tức thời chấn chỉnh thân tâm, quyết định không còn rụt rè nghi ngại, đi thẳng theo con đường trước mặt. Vừa mới đi được một đoạn, bỗng nghe bọn đạo tặc bên bờ phía đông kêu réo: “Ông hãy quay lại, con đường trước mặt rất hiểm nghèo không qua được, chắc chắn sẽ bị chết, chúng tôi không có ác ý gì với ông!” Người đó tuy nghe tiếng kêu réo, vẫn nhất quyết không quày đầu, một lòng lần theo con đường đi thẳng tới trước, không bao lâu đã qua đến bờ bên kia, vĩnh viễn lìa xa ách nạn, gặp lại bạn bè, vô cùng hạnh phúc.
Ở đây, bờ phía đông ví cho cõi nhà lửa Ta bà, bờ phía tây ví cho cõi nước báu Cực Lạc, lũ đạo tặc và ác thú giả vờ thân thiện ví cho sáu căn, sáu thức, sáu trần, ngũ ấm, tứ đại, v.v..; đồng không mông quạnh ví cho sự việc thường theo bọn ác tri thức, không gặp được thiện tri thức chân thực; hai con sông nước, lửa ví cho chúng sinh tham ái giống như nước, sân ghét giống như lửa; con đường trắng rộng độ hơn một tấc ví cho trong sự tham sân phiền não của chúng sinh, có thể sinh khởi tâm nguyện vãng sinh thanh tịnh.
Lại như tâm tham sân si hẫy hừng, nên ví với nước lửa, còn tâm thiện yếu ớt, nên ví với con đường trắng nhỏ hẹp. Lại nữa, “sóng vỗ ào ạt làm mặt đường trở nên trơn trợt”, ví cho tâm tham ái thường khởi động làm nhiễm ô thiện căn; “lửa bốc mù mịt làm mặt đường trở thành nóng bỏng”, ví cho tâm hiềm hận có thể thiêu đốt công đức pháp tài; “người đi về phía tây”.
Ví cho sự hồi hướng các công hạnh tu tập để vãng sinh Cực Lạc; “nghe bên bờ phía đông có tiếng người khuyến khích, bèn đi về phía tây”, ví cho sau khi Ðức Thích Ca diệt độ, người đời sau tuy không còn thấy được Ngài, nhưng vẫn còn giáo pháp để lại, giống như âm thanh (lời dạy); “vừa mới đi một đoạn, nghe bọn đạo tặc kêu réo”, ví cho những người biệt giải, biệt hành, hoặc những kẻ ác kiến, v.v..,
Dùng những luận điệu mê hoặc não loạn, làm cho hành giả thoái thất đạo tâm; “bờ phía tây có tiếng người gọi”, ví cho nguyện ý của Ðức A Di Ðà; “không bao lâu qua đến bờ bên kia, gặp lại bạn bè”, ví cho chúng sinh đắm chìm trong sinh tử, luân hồi dài lâu, mê hoặc điên đảo, tự trói tự buộc, không được giải thoát, nhờ ơn Ðức Thích Ca chỉ dạy pháp môn Tây Phương Tịnh Ðộ.
Lại nhờ ơn Ðức A Di Ðà thiết tha mời gọi, hiện nay tin tưởng, thuận theo ý nguyện của hai Ngài, không quan tâm đến hai dòng sông nước, lửa, tâm tâm niệm niệm hướng về Tây Phương, nương theo con đường nguyện lực của Phật, sau khi mệnh chung, vãng sinh Cực Lạc, được diện kiến Ðức A Di Ðà, vui mừng không tả xiết.
Lại nữa, tất cả hành giả, trong lúc đi đứng nằm ngồi, ba nghiệp tu tập, bất luận ngày đêm sáng tối, thường phải nên hiểu như vậy, nghĩ như vậy, cho nên gọi là “hồi hướng phát nguyện tâm”.
Lại nữa, hồi hướng còn có nghĩa là sau khi vãng sinh Cực Lạc, khởi tâm đại bi, quay trở lại cõi sinh tử, giáo hóa chúng sinh, đây cũng gọi là hồi hướng.
Ba tâm đầy đủ, không hạnh nào không thành tựu, nguyện hạnh đã thành tựu, không thể nào không vãng sinh Cực Lạc. Lại nữa, phải nên biết rằng tâm này bao hàm tất cả ý nghĩa của hai hạnh định thiện và tán thiện.
Trích: Niệm Phật Tông Yếu
Pháp Nhiên Thượng Nhân soạn
Thích Tịnh Nghiêm, Nguyễn Văn Nhân dịch Hán Việt
23 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Trong tâm có Phật, là tùy thời tùy chỗ khởi tưởng niệm Phật, đi, đứng, ngồi, nằm, lúc động, tịnh, nhàn nhã, bận rộn, công việc không dụng tâm mà đều có A Di Ðà Phật, lúc miệng không niệm mà tâm vẫn ở nơi niệm, chẳng niệm mà tự niệm, không niệm mà không phải chẳng niệm, Phật không rời tâm, tâm không rời Phật, mới có thể được “nhất tâm bất loạn”, tâm ta với tâm Phật thông nhau, tâm và Phật ở cảnh giới “nhất như”, được niệm Phật tam muội.
Trong miệng niệm Phật không ổn định, trong tâm nghĩ bậy tưởng loạn, phép niệm như thế thì đọc tiếp ➝
23 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Được vãng sinh đến thế giới Cực Lạc thì không còn tái sinh đọa lạc, hoàn toàn không còn tạo nghiệp, tự mình gia công tiến tu cho đến ngày thành Phật độ chúng sinh. Tu hành các pháp môn khác cố nhiên cũng tốt. Nhưng công phu tu không đạt đến cứu cánh tất nhiên sẽ bị đọa lạc.
Như thuở quá khứ có ba vị Bồ Tát Thế Thân, Vô Trước, Sư Tử Giác cùng tu tập Duy thức quán, ba vị phát nguyện sinh nội viện Đâu Suất thấy Bồ Tát Di Lặc. Các vị cam kết với nhau rằng, nếu ai sinh về đó trước thì quay trở lại báo cho những người khác biết. Đầu tiên, Sư Tử Giác viên tịch, trải qua ba năm không thấy trở lại báo, ba năm sau Thế Thân lại viên tịch. Lúc Thế Thân sắp lâm chung, Vô Trước bảo với Thế Thân rằng: “Sau khi ông đến cõi trời Đâu Suất dù bất kỳ lý do gì ông cũng phải trở lại đây báo cho tôi biết”. Thế Thân qua đời, đúng ba năm sau ngài quay trở lại.
Vô Trước hỏi Thế Thân: “Vì lý do gì mà ông trở lại đây muộn thế ?”. Thế Thân đáp: “Tôi đến nội viện Đâu Suất chắp tay đảnh lễ tam bái, nhiễu quanh Bồ Tát Di Lặc một vòng là quay trở lại liền”. Vô Trước lại hỏi: “Hiện nay Sư Tử Giác đang ở đâu ? Vì sao không thấy trở lại ?”. Thế Thân đáp: “Ông ấy sinh vào cõi trời ngoại viện Đâu Suất, không có trong nội viện. Do sinh vào cõi trời ngoại viện đang bị ngũ dục trói buộc nên không thấy Bồ Tát Di Lặc, chính vì lý do đó mà không thể trở lại đây được”.
Vô Trước sau khi nghe nói sinh thiên rất nguy hiểm, nên phát nguyện không sinh thiên mà phát nguyện sinh Tịnh độ (theo Tịnh Độ Thập Nghi Luận của Đại sư Trí Giả). Thiết nghĩ, ngài Sư Tử Giác là một vị Bồ Tát Đại thừa, sinh thiên còn bị ngũ dục dẫn dắt, hà huống gì là phàm phu chúng ta, qua đó cho thấy rằng sinh thiên là điều nguy hiểm vô cùng ! Đối với người tu thiền định, nếu công phu chưa đạt đến trình độ siêu xuất tam giới, không luận sinh lên một cõi trời nào, sau khi hưởng hết phước sẽ bị đọa lạc, rồi tùy theo nghiệp mà thọ báo.
Lời này đã được Phật nói cho A Nan trong Kinh Lăng Nghiêm. Đúng là tu Tịnh độ không có nguy hiểm. Nên nói: “Nhiều người tu đến phi phi tưởng, không bằng quy hướng Tây phương”. Ý nói sinh đến tứ không của phi phi tưởng, khi tuổi thọ tận, phước hết đều bị đọa lạc, không bằng sinh về cõi Cực Lạc, dù có sinh nơi hạ hạ phẩm cũng có thể dần dần chứng đến thượng phẩm, so với việc sinh về cõi trời phi phi tưởng tốt hơn nhiều.
Trong thời khóa niệm Phật, mỗi ngày chúng ta nên đọc Kinh Di Đà, thường nên đọc vào công phu chiều. Đọc một lần, là một lần bạn đã huân tập cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm vào trong tàng thức. Giống như bạn xem phim, một lần xem là một lần những hình ảnh trong phim đã huân tập vào tàng thức của bạn. Cũng vậy bạn đọc Kinh Di Đà lâu ngày, cảnh giới thù thắng trang nghiêm của cõi Cực Lạc sẽ dần dần huân tập vào trong tàng thức của bạn.
Tuy hiện tại bạn chưa sinh Cực Lạc mà trong tâm đã được bao vây bởi cảnh giới Tây phương. Trong tương lai, đến giây phút lâm chung của bạn, ngoài công đức trì niệm danh hiệu Phật mà hằng ngày bạn huân tập, sẽ được Phật và Thánh chúng hiện ra tiếp dẫn. Lại còn những cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh mà hằng ngày bạn đọc Kinh A Di đã được huân tập, cũng từ trong tâm thức hiện ra trợ giúp cho bạn vãng sinh nhanh chóng hơn.
Điều được gọi là : “Tự tính Di Đà duy tâm Tịnh độ”. Chúng sinh chính là Phật, Phật cũng là chúng sinh. Phật và chúng sinh, Phật tính vốn bình đẳng như nhau. Tâm tức là độ, độ tức là tâm, tất cả đều do tâm sở hiện.
Vậy người niệm Phật nên có công phu như thế nào ? Nếu tín, hạnh, nguyện, kiên cố không thay đổi, tự tính và Phật tức là một, tự tính tức là Phật, Phật tức là tự tính. Phật vốn đầy đủ vô lượng thọ, chúng sinh cũng vốn đầy đủ vô lượng thọ, Phật vốn đầy đủ vô lượng quang, chúng sinh cũng vốn đầy đủ vô lượng quang. Phật A Di Đà có thế giới Cực Lạc, y báo, chính báo, tướng hảo trang nghiêm; chúng sinh cũng có nhị báo, tướng hảo trang nghiêm.
Trong Kinh Di Đà có nói : “Tất cả đều do Phật A Di Đà, muốn cho pháp âm chan hòa khắp nơi, mà biến hóa ra như vậy”. Từ câu kinh này có thể chứng minh rằng các cảnh giới của thế giới Cực Lạc đều tùy theo nghiệp tướng phước đức của Phật A Di Đà, duy tâm mà sở hiện.
Trong khi đó Phật tính của chúng sinh vốn đầy đủ như Phật, mà chúng sinh lại không thể hiển hiện được những cảnh giới như Đức Phật Di Đà hay sao ? Cho nên nói tự tính Di Đà, duy tâm tức Tịnh độ là vậy. Tự tính không nằm ngoài Phật và chúng sinh, Tịnh độ cũng không ngoài tâm mà có. Tây phương Di Đà và tự tính Di Đà, Tây phương Tịnh độ và duy tâm Tịnh độ đều là một.
Cần phải hiểu đúng chữ “duy tâm”, duy tâm nói đây không phải là tâm điên đảo vọng tưởng duyên theo sáu trần hằng ngày, mà gọi “pháp pháp duy tâm”. Nói duy tâm là để hiển bày tự tính vốn bao trùm chu biến khắp pháp giới hư không, để thấy thân tứ đại chỉ là giả hợp. Từ đó người niệm Phật mỗi ngày khi đọc tụng Kinh Di Đà cần hiểu rõ như vậy, để lòng tin phát khởi kiên cố.
Kinh Di Đà là kinh vô vấn tự thuyết, trong kinh miêu tả về y báo, chính báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc và pháp môn niệm Phật sinh Tây phương. Ý nghĩa của Kinh Pháp Hoa và Kinh Di Đà giống nhau. Vì Kinh Pháp Hoa Phật cũng nói cho Tôn giả Xá Lợi Phất, cũng không ai hỏi mà tự nói.
Sau khi Phật nói Kinh Vô Lượng Nghĩa xong, Ngài ngồi xếp bằng nhập vào chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam Muội, thân và tâm của Phật đều không lay động, từ nơi lông trắng giữa chặng mày phóng ra một luồng hào quang, chiếu khắp cả một muôn nghìn cõi ở phương Đông, hiện ra vô số tướng trang nghiêm, khiến cho hàng đại chúng vô cùng nghi nan.
Sau khi đại chúng được Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Di Lặc giải quyết các nghi ngờ. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn từ chánh định an lành mà dậy, không có người nào thưa hỏi mà bảo với ngài Xá Lợi Phất rằng: “Trí tuệ của Phật rất sâu vô lượng, môn trí huệ đó khó hiểu khó vào, tất cả hàng Thanh Văn cùng Bích Chi Phật đều khó biết được… thành tựu pháp vị tằng hữu thậm thâm…
Tóm yếu mà nói, vô lượng vô biên pháp vị tằng hữu, Đức Phật thảy đều thành tựu”. Tôi thường nói : “Kinh Pháp Hoa là nói rộng Kinh Di Đà, Kinh Di Đà lược nói Kinh Pháp Hoa”. Hai bộ kinh này đều lần lượt đi từ sự đến lý, không như các kinh khác nói rất nhiều danh từ pháp tướng dẫn dắt người tu ngộ lý rồi tu sự, hoàn toàn nói đến cảnh hiện lượng và tâm hiện lượng. Nếu mọi người để tâm nghiên cứu, so sánh hai bộ kinh này chắc chắn sẽ thấy rõ hơn.
Kinh Pháp Hoa gồm 7 quyển 28 phẩm. 14 phẩm đầu là khai quyền hiển thật, 14 phẩm sau là khai mở việc gần để nói việc sâu xa, tất cả đều nói pháp tối thượng thừa. Ví như trong Kinh Di Đà có nói : “Nếu có người thiện nam tín nữ nào, được nghe danh hiệu A Di Đà Phật, rồi niệm danh hiệu đó, trong một ngày, hay hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hay là bảy ngày, được nhất tâm bất loạn.
Thế là người ấy vào phút lâm chung, Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mặt, người ấy lúc chết tâm không điên đảo, tức được vãng sinh về nơi Cực Lạc”. Trong Kinh Pháp Hoa phẩm “Dược Vương Dược Thượng Bồ Tát bổn sự” quyển thứ 6 có nói : “Nếu có người nghe kinh này, đúng như lời mà tu hành, đến lúc mạng chung liền qua cõi An Lạc, chỗ trụ xứ của Phật A Di Đà, cùng chúng đại Bồ Tát vây quanh, mà sinh trong tòa báu hoa sen”.
Hai đoạn kinh nói trên ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Kinh Di Đà nói về sự trang nghiêm thanh tịnh, thọ mạng, quang minh và sự hộ niệm của sáu phương chư Phật… Tuy Kinh Pháp Hoa dùng văn tự để nói rộng có khác, thế nhưng về mặt cảnh giới và ý nghĩa hoàn toàn giống Kinh Di Đà. Vì vậy một câu “A Di Đà Phật” là pháp tối thượng thừa, bao quát vô lượng pháp môn.
Một câu “A Di Đà Phật”, niệm được tương ưng, lập tức lục căn được thanh tịnh. Ví dụ, quý vị hiện tại đang niệm Phật, mắt thường thấy Phật đó là nhãn căn thanh tịnh, tai nghe âm thanh niệm Phật của mình và đại chúng, là nhĩ căn thanh tịnh, mũi ngửi hương trầm, là tỷ căn thanh tịnh, lưỡi đang co giãn phát ra danh hiệu Phật, là thiệt căn thanh tịnh, thân thể đang ở trong đạo tràng thanh tịnh, ngày ngày hướng Phật lễ bái đó là thân căn thanh tịnh, niệm Phật lạy Phật, tâm nhớ Phật là ý căn thanh tịnh.
Lục căn thanh tịnh thì ba nghiệp thanh tịnh, ba nghiệp thanh tịnh thì thân không trộm cắp, sát sinh, tà dâm; miệng không nói hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, nói lời thêu dệt; ý không tham, sân, si đó là tu thập thiện. Người tu hành không dễ gì mà đối trị được tam nghiệp, chỉ có niệm bốn chữ “A Di Đà Phật” mới có thể thu nhiếp, làm chủ được nghiệp, dần dần lâu ngày, niệm Phật thành phiến, tịnh nhân tăng trưởng, đến lúc lâm chung nhất định được vãng sinh Cực Lạc.
Phật và chúng sinh đều có chung quan niệm công phu mà thành. Phật một niệm đầy đủ thập pháp giới, chúng sinh một niệm cũng đầy đủ thập pháp giới. Nếu tâm khởi một niệm tham đó là Ngạ Quỷ, tâm khởi một niệm sân là Địa Ngục, tâm khởi một niệm si là Súc Sinh, khởi một niệm mạn nghi là A Tu La; một niệm vui ở ngũ thường, ngũ giới chuyển vào cõi Người, một niệm vui ở thượng phẩm thập thiện, thì sinh vào cõi Trời, nếu lấy Tứ Đế làm quán niệm đó là Thanh Văn, lấy Mười Hai Nhân Duyên làm quán niệm, đó là Duyên Giác, lấy Lục Độ làm quán niệm là Bồ Tát, lấy tự lợi lợi tha, vạn hạnh bình đẳng làm quán niệm đó là Phật.
Lại như trong nhân gian có các quan niệm : Sĩ, Nông, Công, Thương, Quân, Chính, Cảnh, Học Sinh, đều là do quan niệm từ ban đầu mà hình thành. Vậy quan niệm là cái gì ? Đó là do nhận thức của mọi người. Người niệm Phật cũng giống như vậy, mỗi ngày mắt thấy Phật, miệng niệm Phật, thân lễ lạy Phật, tâm nhớ Phật, tai nghe danh hiệu Phật, từng giây từng phút lấy việc siêu sinh Tịnh độ làm quan niệm, cứ như thế cho đến ngày thọ mạng hết, nhất định vãng sinh Tịnh độ và quyết định thành Phật.
Như tôi đã nói ở trên, Phật giáo Trung Quốc, để thích hợp với xu thế tự nhiên, người sau mới phân chia thành một số tông phái như: Thiên Thai tông, Hiền Thủ tông, Pháp Tướng tông (cũng gọi Từ Tư tông hoặc Duy Thức tông), Tịnh Độ tông, Chân Ngôn tông, Thiền Tông, Luật tông v.v… đều do quan hệ truyền bá và học tập chuyên môn, mới thành lập ra như vậy.
Trong các tông phái trên, chỉ có Tịnh Độ tông và Luật tông, việc hành trì cũng như giáo nghĩa thâm nhập vào các tông phái khác, được các tông phái kiêm tu, đồng thời cũng được bảy chúng đệ tử Phật tu tập. Thí dụ như: Thiên Thai tông, Hiền Thủ tông, Tam Luận tông, Pháp Tướng tông…
Phán giáo và tu quán hoàn toàn khác nhau. Nhưng tóm lại mà nói, tất cả họ đều lấy pháp môn Tịnh độ làm phương tiện cứu cánh, đều lấy việc niệm Phật để thành Phật. Như Thiền tông trong tham thoại đầu cũng lấy câu “Người niệm Phật là ai ?” để tu tập. Chẳng những vậy, bạn thấy không luận là một người xuất gia hay tại gia, cũng không luận là người học Phật vì động cơ như thế nào.
Song, mục đích duy nhất của người học Phật, không ngoài việc niệm Phật thành Phật, đồng thời trong quá trình học Phật đó cần phải giữ gìn giới luật thanh tịnh. Thí dụ như : không luận Bắc tông, Nam tông hay một tông phái nào, hiện nay tại Trung Quốc, mỗi lúc mọi người lên chánh điện lạy Phật hay nhiễu quanh Phật đều niệm “Nam mô A Di Đà Phật”.
Lúc nói chuyện hay trả lời người khác mọi người đều niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Tuy nhiên, mục đích tối hậu là không ngoài việc vãng sinh Tịnh độ thấy Phật thành Phật. Điều đó cho thấy rằng pháp môn niệm Phật rất phương tiện lại còn phổ biến. Giới luật cũng không kém quan trọng, Phật pháp có hưng thịnh hay không, cũng từ chỗ đệ tử của Phật có giữ gìn giới luật thanh tịnh hay không. Mọi người có giữ gìn giới luật thì Phật pháp trụ thế, ngược lại thì Phật pháp sẽ diệt vong.
Thích Tâm An dịch
23 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Tịnh độ là pháp môn rất đặc biệt trong giáo lý Phật Đà. Vì sao? Vì Tịnh độ có ba điều thù thắng mà các pháp môn khác không có:
1- Đúng thời cơ
2- Phổ độ muôn căn (mọi căn cơ)
3- Dễ tu hành, nhưng lợi ích lại không thể nghĩ bàn.
Thật là con đường lý tưởng để ra khỏi sanh, tử. Nhất là cho hàng Phật tử tại gia. Tác phẩm nhỏ này hy vọng rằng sẽ giúp cho người tu niệm Phật nhận ra được chân diện mục của Tịnh độ, từ đó phát khởi tín tâm, hoan hỷ trì niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà và phát nguyện sanh về thế giới Tây phương Tịnh độ của Ngài.
PHẦN 1: VẤN ĐỀ NGƯỜI NIỆM PHẬT LÚC LÂM CHUNG ĐƯỢC VÃNG SINH HAY KHÔNG?
1. Hỏi: Nếu bảo rằng người niệm Phật đều được vãng sinh Tây phương, tại sao tôi thấy có nhiều người xuất gia cũng như tại gia, bình thường cũng hay niệm Phật và nói rằng mong được vãng sinh. Nhưng đến lúc lâm chung, thì chết một cách mơ mơ hồ hồ. Không thấy mấy ai được thực sự vãng sinh là tại sao?
Đáp: Đó là người niệm Phật đến lúc lâm chung không đủ nhân duyên. Nếu nhân duyên đầy đủ thì chắc chắn được vãng sinh.
2. Hỏi: Nhân duyên là sao?
Đáp: Người tu bình sinh chân tín, thiết nguyện, niệm Phật cầu sinh Tây phương mà đến lúc lâm chung vẫn có được tâm niệm này, thì đó gọi là nhân tự lực. Nếu bình sinh chưa biết về tín, nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương, đến lúc lâm chung may mắn được gặp thiện hữu tri thức hướng dẫn mà sinh tín, phát nguyện, cầu sinh Tây phương, thì đó cũng là nhân tự lực.
Giáo chủ Tây phương Cực lạc Thế giới là đức Phật A Di Đà cùng vạn đức hồng danh của Ngài có thể khiến cho chúng sinh được sang cõi Tây phương Cực lạc, thì đó gọi là duyên tha lực. Lúc lâm chung mà được thiện hữu trợ niệm, cũng là duyên tha lực.
3. Hỏi: Người tu hành đến lúc lâm chung mà đầy đủ nhân duyên thì chắc chắn được vãng sanh, xin giải rõ lý do.
Đáp: Người tu đến lúc lâm chung mà chân tín, thiết nguyện, niệm Phật, thì đức Phật A Di Đà là duyên tha lực, còn cái tâm năng niệm là nhân tự lực. Ngay lúc đó dùng tâm năng niệm , lại nhờ sự hiển hiện của đức Phật A Di Đà mà được thanh tịnh. Ngay phút giây đó chính là tự lực và tha lực cảm ứng đạo giao, nhân duyên hòa hợp, do đó mà được sanh Tây phương Cực lạc.
4. Hỏi: Người niệm Phật đến lúc lâm chung mà không đủ nhân duyên thì không được vãng sanh, xin giải rõ lý do này?
Đáp: Người tu bình sinh tín, nguyện niệm Phật mà công phu chưa được thuần thục, thì đến lúc lâm chung tuy có tín nguyện cầu sanh Tây phương (có nhân), nhưng bị bệnh khổ và đủ thứ phiền não bức bách nên cái tâm niệm Phật khởi nên không nổi. Nếu không có thiện hữu hướng dẫn, trợ niệm (không duyên), lại gặp thân thuộc không hiểu đạo lý, cứ khóc lóc, cứ hỏi han, thì tâm người ta khởi nên đủ thứ tạp niệm không được vãng sanh. Trường hợp này gọi là có nhân, mà không có duyên nên không thể vãng sanh.
Lại cũng có người bình thường tín, nguyện niệm Phật cho có lệ. Đến lúc lâm chung may mắn được thiện hữu tri thức trợ niệm (có duyên), thân thuộc cũng không khóc lóc làm chướng ngại. Khổ nỗi người tu tự tâm mình sinh điên đảo, tham luyến thế gian, không khởi tâm cầu sanh Tây phương (không nhân), bởi vậy theo ái dục mà đầu thai các nẻo thiện ác. Đây gọi là có duyên, mà không có nhân, nên không thể vãng sanh.
Lại cũng có người bình thường niệm Phật chỉ để cầu gia đạo bình an, mạnh khỏe sống lâu..v.v..Do đó đến lúc lâm chung thì chỉ có sợ chết. Khi bệnh chưa nặng lắm thì cũng niệm Phật nhưng để cầu lành bệnh chứ không hề có tâm nguyện vãng sanh (không nhân). Đến khi bệnh trở nên nguy kịch, thì bị khổ bức bách do đó không thể niệm Phật. Thân thuộc cứ theo thế tình mà làm động tâm thêm, lại không được thiện hữu trợ niệm (không duyên). Đây gọi là không nhân lẫn không duyên, nên không thể vãng sanh.
5. Hỏi. Vậy thì người niệm Phật đến lúc lâm chung, thế nào là nhân duyên đầy đủ để được vãng sanh?
Đáp: Như có hạng người đại căn cơ lúc bình sinh chân tín, thiết nguyện, niệm Phật. Tín- nguyện đã rất chân thành, công phu niệm Phật lại rất thuần thục. Đến lúc lâm chung, không cần phải người khác trợ niệm mà vẫn cứ một mực tín, nguyện niệm Phật, tâm niệm an trụ nơi hồng danh của đức Phật A Di Đà. Kinh A Di Đà chép: “Nhất tâm bất loạn ắt được vãng sanh”, là chỗ này. Đây gọi là nhân duyên đầy đủ của hàng thượng căn.
Cũng có hạng người tu bình thường chân tín, thiết nguyện nhưng công phu niệm Phật chưa được thuần thục. Đến lúc lâm chung thì lòng tín nguyện cầu sanh Tây phương so với lúc bình thường lại càng tha thiết, không bị bệnh khổ hay các chướng duyên làm dao động. Lại có được thiện hữu trợ niệm, nhờ vậy tâm của người này niệm niệm an trụ nơi hồng danh của Đức Phật A Di Đà mà được vãng sanh. Đây là nhân duyên đầy đủ của hàng trung căn.
Cũng có hạng người tu bình thường không biết gì về tín nguyện cầu sanh Tây phương. đến lúc lâm chung may mắn gặp được thiện hữu khai thị. Hoặc nói về y báo, chánh báo thanh tịnh trang nghiêm của thế giới Cực lạc khiến tâm người này hoan hỷ hân cầu. lại nói về bổn nguyện tiếp dẫn chúng sinh của Đức Phật A Di Đà khiến tâm người này sanh chánh tín và quyết định niệm Phật cầu sanh Tây phương. Quyến thuộc lại chịu nghe theo sự hướng dẫn của thiện hữu không làm điều gì khiến cho tâm người bệnh dao động. Nhờ vậy ngay phút lâm chung, người này niệm Phật với sự tha thiết như đứa bé thơ bị lạc mẹ. Do đó được từ lực của Phật tiếp dẫn mà vãng sanh. Đây là nhân duyên đầy đủ của hàng hạ căn.
6. Hỏi: Người lúc bình thường không biết tín, nguyện niệm Phật. Đến lúc lâm chung gặp được thiện hữu khai thị, sau khi nghe xong, tâm sinh hoan hỷ, tín thọ, phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương. Quyến thuộc cũng không gây ra các chướng ngại. lại được trợ niệm mà vãng sanh Tây phương. Sao mà dễ dàng như thế được?
Đáp: Xin giải rõ thêm: Người này lúc bình thường chưa hề có tín, nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương là vì không biết. Đến lúc lâm chung gặp được thiện hữu khai thị mà sinh tâm quyết định tín, nguyện niệm Phật. Điều này chứng tỏ rằng đời trước đã có căn duyên niệm Phật. Đây là nhân thù thắng, được thiện hữu khai thị, trợ niệm là duyên thù thắng. Trường hợp này hy hữu rất hiếm có.
7.-Hỏi: Chúng tôi là hàng Phật tử tại gia. Nếu đến phút lâm chung của người thân mà không mời được thiện hữu trợ niệm thì phải làm sao đây để giúp thân nhân được vãng sanh?
Đáp: Quý vị có lòng như thế rất đáng quý. Xin hãy đọc kỹ những điều hướng dẫn sau đây:
PHẦN 2: NHỮNG ĐIỀU MÀ QUYẾN THUỘC CỦA NGƯỜI LÂM CHUNG CẦN CHÚ Ý
1. Theo Phật pháp, phút lâm chung là thời điểm rất quan trọng của một kiếp người. Vì sao vậy? vì đây là lúc đột biến để thăng hay giáng theo sáu đường. Những điều xảy ra ở phút lâm chung(cận tử nghiệp) ảnh hưởng rất lớn đến sự thăng giáng này. Đối với người tu theo Pháp môn Tịnh độ thì lại càng cực kỳ trọng yếu.
2. Khi có người thân sắp lâm chung, nếu có hội trợ niệm cần phải mời họ đến. Khi họ đã đến thì tất cả mọi người trong nhà phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của họ, không được xen ý riêng của mình vào.
Nếu không có hội trợ niệm, thì người nhà lo trợ niệm cũng được, cần yếu là đúng Phật pháp (sẽ được trình bày ở phần sau). Điều quan trọng cần tuân thủ là hãy làm ma chay, đừng sát sanh và cả nhà cùng ăn chay trong thời điểm này.
3. Phải biết rằng khi người thân lâm chung, họ phải theo một trong bảy đường sau:
– Ba đường dữ: Địa ngục, ngã quỷ, súc sanh.
– Ba đường lành: Trời, Người, Atula.
– Thánh đạo Tây phương Cực lạc, mình trợ niệm để họ được vãng sanh Tây phương, vĩnh viễn thoát khỏi 6 nẻo luân hồi. Trái lại nếu mình khóc lóc kêu réo, thở than thì chỉ khiến cho họ động tâm mà đọa vào ba đường dữ. Hãy suy nghĩ cặn kẽ điều này.
4. Trong kinh điển Phật đã dạy tường tận rằng: Nếu đọa vào ba đường dữ thì chịu muôn vàn thống khổ, nhất là Địa ngục thời gian rất là dài lâu. Những điều này là thật sự chứ không phải truyện ngụ ngôn mà Đức Phật đặt ra để răn đời.Trái lại nếu được vãng sinh Tây Phương thì vĩnh viễn thóat khỏi 3 đường giữ, được ở địa vị bất thối chuyển,thân cận Đức A Di Đà,và thánh chúng an vui tu tập.
5.-Nếu người bệnh bình thường mà có tâm nguyện niệm Phật cầu sinh Tây Phương thì rất tốt.Nếu không có tín tâm hoặc không thông hiểu về chuyện niệm Phật cầu sinh Tây Phương thì người thân sẽ giải thích cho họ hiểu rằng: Làm người không phải vĩnh viễn cứ làm người.Có 6 đường sinh tử luân hồi,trong đó có 3 đường dữ rất thống khổ mà lại dễ đọa vào. Ngược lại thế giới của A Di Đà thì lại rất là an lạc. Được sinh sang đó thì vĩnh viễn không bị đọa vào 3 đường dữ. Phước lạc của người được sinh sang đó thật không thể nghĩ bàn.
Điều kiện để được vãng sinh thì do bổn nguyện của đức A Di Đà nên rất dễ dàng. Hễ có tín nguyện mà niệm danh hiệu của ngài (NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT) thì lúc lâm chung chắc chắn được Ngài đến rước về cõi Tây Phương Cực Lạc.
6.-Tâm niệm của người sắp lâm chung ảnh hưởng rất lớn đến kiếp lai sinh của họ (Cận tử nghiệp) do đó người thân để họ không bị phiền não. Khi họ tỉnh táo hãy hỏi họ cần căn dặn. Làm sao để họ yên tâm mà ra đi.Tuyệt đối đừng đem những vấn đề nhiêu khê của kiếp người mà làm họ bận tâm trong thời điểm này. Phải biết rằng làm vậy thì không những người chết bị đọa lạc, mà người sống cũng bị chướng duyên nặng nề trong tương lai.
7.-Nếu có thân hữu hoặc bà con đến thăm người bệnh thì trước khi họ gặp người bệnh hãy yêu cầu họ đừng nói hay làm gì có thể gây chướng duyên cho vấn đề vãng sinh.
8.-Vấn đề trợ niệm cũng phải hết sức tế nhị. Khi người bệnh còn tỉnh táo, hãy hỏi kỹ về ý muốn của họ.
Ví dụ : muốn được lớn tiếng trợ niệm hay niệm vừa đủ nghe là được. Dùng khánh mõ hay chuông…..Tùy theo hòan cảnh mà thiết trí tượng Đức A Di Đà chứ không phải nhứt thiết là ở hướng Tây. Đừng chấp chặt theo hình thức mà làm người bệnh phiền não.
9.-Cũng có người bệnh do nghiệp chướng của họ mà không muốn người khác thế họ niệm Phật, không muốn nghe người khác niệm Phật, hoặc nghe niệm Phật thì bực bội. Gặp trường hợp này quyến thuộc hãy đến trước bàn thờ Phật, thành khẩn vì họ mà cầu xin sám hối.
Xin kể hai chuyện mới xảy ra gần đây. Năm ngóai có một vị cư sĩ. Khi mẹ ông bị bệnh sắp mất, ông liền mời Hội Trợ Niệm đến nhà để hộ niệm cho mẹ. Mẹ ông khi nghe niệm Phật, trong lòng bức rức chịu không nổi nên yêu cầu đừng niệm.Thầy Quy Y của vị Cư Sĩ thấy vậy,biết rằng đây là nghiệp chướng phát hiện.liền tụng cho bà mấy bộ Kinh Địa Tạng.Vị cư sĩ cũng hết sức thành khẩn đối trước Phật ăn năn sám hối cho mẹ. Sau đó, bà đột nhiên hoan hỷ muốn nghe niệm Phật mà an nhiên vãng sinh.
Lại có một cư sĩ khác, cha ông bị bệnh khi sắp mất, thấy một người đàn bà và một con chó đến đòi mạng. Cư sĩ liền niệm Phật sám hối cho cha thì ông không còn thấy nữa. Sau đó cha ông lại thấy hai nhà Sư hiện đến nói rằng: Ông đời trước ngăn cản chúng tôi vãng sinh, nay chúngtôi đến để cản ông đây. Cư sĩ lại vì cha đối trứơc Phật sám hối và cầu siêu cho hai vị tăng. Cha ông không còn thấy họ nữa. Sau cùng cha ông thấy một lão tăng hiện đến mà bảo rằng:“Oan nghiệp của ông đã được tiêu trừ, ba lần bảy nữa ông được vãng sinh. Cứ nói ba lần bảy“ là ông sẽ hiểu. Cả nhà cho rằng ba lần bảy là 21 ngày. Trợ niệm bấy lâu đã mệt, nay lại thêm 21 ngày nữa qủa thật là khó khăn. Không ngờ 21 giờ sau người cha được vãng sinh. Hai câu chuyện có thật trên đây cho thấy sự trọng yếu của vấn đề trợ niệm lúc lâm chung.
10.-Khi người bệnh sắp tắt thở thì nếu đã có người trợ niệm, thân nhân hãy đối trước bàn thờ Phật A Di Đà, khẩn thiết cầu xin Ngài tiếp dẫn, thần thức người chết vãng sinh Tây Phương. Nếu người trợ niệm ít hoặc không có,thân nhân hãy bước đến người gần sắp chết mà trợ niệm, Nhớ là đừng đứng ngay trước mặt vì ở thời điểm này người chết rất dễ động tâm, trở ngại chánh niệm. Do đó không nên để cho thấy mặt. Giọng niệm Phật nhớ đừng bi lụy vì sẽ khơi dậy tình cảm cho người chết, khó mà vãng sinh.Thân nhân cần phải ghi nhớ điều này.
11.-Sau khi người chết đã tắt thở nhưng thi thể chưa lạnh hẳn (Nghĩa là thần thức còn đó chưa đi), thân nhân cần để ý các điều sau:
-Vẫn tiếp tục lớn tiếng niệm Phật trợ niệm.
-Hãy coi chừng đừng để ruồi muỗi đậu lên thi thể người chết vì họ vẫn còn cảm giác!
-Đừng khám xét thi thể để đóan xem đi về đâu vì làm vậy rất có hại cho người mất.
-Nếu có Ban Trợ Niệm thì tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của họ.
Tuyệt đối đừng tin theo các thủ tục phổ thông của nhân gian như: Cho rằng khi thi thể còn nóng, các khớp xương còn mềm mại, phải thay quần áo cho họ lúc này. Cho rằng khi người thân tắt thở cần phải khóc lóc lớn tiếng để đẩy lui hung tinh. Cho rằng tắt thở là phải lo liệm ngay, nếu không sẽ mắc nợ “miên sàng”……
PHẦN 3: TRỢ NIỆM VẤN ĐÁP
1.-Hỏi: Xin cho biết ý nghĩa của 2 chữ Trợ Niệm.
Đáp “Trợ“ là phụ giúp.“Niệm“ là chánh niệm. Nghĩa là phụ giúp người lâm chung chánh niệm hiện tiền để được vãng sinh.
2.Hỏi: Chánh Niệm, ở đây nghĩa là sao?
Đáp: Chánh Niệm ở đây là một lòng nhớ tưởng đến Đức A Di Đà, không bị cảnh duyên làm điên đảo.
3.-Hỏi.-Người lâm chung vì sao cần người khác trợ niệm?
Đáp : Con người đến lúc lâm chung lúc tứ đại phân ly, đủ thứ khổ bức bách nên người xưa ví như con cua rơi vào chảo nước sôi: Nếu người tu mà bình sinh công phu Niệm Phật đã thuần thục thì miễn bàn. Nhưng nếu công phu niệm Phật chưa được vậy thì sự trợ niệm rất là cần thiết.
4.-Hỏi : Khi người bệnh đã thắt thở, mà người trợ niệm vẫn tiếp tục niệm Phật là vì sao ?
Đáp: Người bệnh tuy đã tắt thở, nghĩa là đã chết nhưng theo trí huệ của các vị có đức thì thần thức họ chưa hòan tòan lìa khỏi thân thể. Chỗ tái sinh của họ chưa được quyết định.Vào lúc này mà niệm Phật trợ niệm cho họ thì rất lợi cho họ.
Xin hãy nhớ rằng con người vào lúc lâm chung là lúc họ đứng trước ngã 3 đường, bị đủ mọi thứ nghiệp chi phối (Túc nghiệp,hiện nghiệp,cận tử nghiệp). Hễ nghiệp mạnh thì họ phải theo.
Sự trợ niệm vào thời điểm này có 2 tác dụng trọng yếu: Một là giúp thần thức họ được chánh niệm. Hai là khẩn cầu Đức Phật A Di Đà đến rước họ về Tây Phương Cực lạc theo bổn nguyện của Ngài.
5.-Hỏi : Có người cho rằng phải niệm Phật đến chỗ nhất tâm bấn lọan thì khi lâm chung Phật mới đến rước về Tây Phương. Xin giải rõ điều này.
Đáp : Vấn đề này phải hiểu theo Tịnh Độ chứ không phải theo Thiền. Nói vậy nghĩa là sao ? Nếu hiểu theo Thiền thì phân ra “Lý Nhất Tâm“ và „ Sự Nhất Tâm“. Cả hai đều khó, ngòai khả năng của một người cư sĩ bình thường. Đúng ra theo Tịnh Độ, thì „nhất tâm bất lọan“Nghĩa là một lòng nhớ tưởng Đức A Di Đà, tin theo bổn nguyện và trì danh hiệu Ngài (tức là Nam Mô A Di Đà Phật) để cầu xin khi lâm chung được Ngài rước về cõi Tây Phương Cực Lạc.
6.Hỏi : Có người cho rằng lúc lâm chung cần phải chánh niệm Phật mới đến rước. Điều này qủa thật không phải dễ. Xin giải thích mối nghi này.
Đáp : Người tu niệm Phật đến lúc lâm chung được Phật Di Đà đến rước vì đó là Bổn nguyện của Ngài. Phật đến rước là để cho tâm người đó được chánh nịệm, không bị điên đảo theo các cảnh duyên khác, chứ không phải cần có chánh niệm Phật mới đến rước. Cũng chính vì vậy mà sự trợ niệm rất là cần yếu.
PHẦN 4: VẤN ĐỀ NHẤT NIỆM VÃNG SINH TÂY PHƯƠNG
1.-Hỏi : Thế Giới Tây Phương Cực Lạc xa đến mười vạn ức cõi Phật, làm sao một niệm sau chót của người niệm Phật lúc lâm chung có thể sanh được ?
Đáp : Vì do ba sức mạnh không thể nghĩ bàn dung họp lại. Một là Phật lực: Đại nguyện của Đức Phật A Di Đà là tiếp dẫn chúng sanh tin nguyện niệm vãng sinh về cõi Cực Lạc. Hai là tâm lực của người niệm Phật: Một lòng tin nguyện muốn sinh về Thế Giới của Đức A Di Đà. Ba là Pháp Lực: Sự cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn.
Lời khai thị của Ngẫu Ích Đại Sư :
“Tâm người niệm Phật cảm động đến tâm Phật.Tâm Phật ứng hợp với tâm người. Hai đường giao chập với nhau thành một vẽ, giống như lấy bàn in, in thành nét đẹp rồi thì bỏ bàn đi. Như thế Phật A Di Đà và các Thánh Chúng, tuy tâm các Ngài chẳng ở đâu lại, mà chính thân các Ngài có đến thực, cúi xuống tiếp dẫn mình. Người tu Tịnh Nghiệp, tâm mình cũng chẳng đi đâu, mà chính thân mình có đi thực, mang thể chất mình gửi trong hoa sen báu.” (Trích trong A Di Đà Kinh Yếu giải).
PHẦN 5.-NHỮNG ĐIỀU MÀ NGƯỜI TRỢ NIỆM CẨN PHẢI AM TƯỜNG
1.-Phát tâm trợ niệm giúp người khác được vãng sinh Tây Phương là khiến họ thóat khỏi sinh tử luân hồi. Công đức này không thể nghĩ bàn. Cũng chính vì vậy mà trách nhiệm của người niệm Phật thật là lớn lao. Hễ sai một ly là đi một dặm. Xin hãy cẩn thận. Xin hãy cẩn thận.
2.-Khi đến nhà người lâm chung, trước hết hãy mời thân quyến đến để nói cho họ hiểu rằng đây là thời điểm cực kỳ trọng yếu của người lâm chung vì đang ở ngưỡng cửa của siêu thăng hay đọa lạc. Do đó thân quyến cần triệt để tuân thủ những gì mà Ban Trợ Niệm căn dặn.Tất cả những điều này là để người lâm chung được vãng sinh Cực Lạc.
3.-Khi vào trong phòng người bệnh, Ban Trợ Niệm phải cẩn thận về thái độ, cử chỉ và lời nói của mình để người bệnh khỏi sinh phiền não hay hòai nghi. Nếu có khả năng hãy khéo léo phát khởi hoặc củng cố tín tâm của họ. Hãy xem như người sắp mất là thân nhân của chính mình.
4.-Ngòai những hướng dẫn cần thiết đối với người bệnh, Ban Trợ Niệm không nên hỏi han hay nói chuyện với họ. Một điều cần ghi nhớ là tuyệt đối đừng nói chuyện phiếm vì sẽ làm người bệnh động tâm, mất đi chánh niệm. Ở thời điểm này nếu có ai đến thăm bệnh nhân, hãy yêu cầu thân nhân tiếp đãi họ, không nên cho gặp người bệnh, nên dặn trước người trong nhà điều này.
5.-Trợ niệm dùng 6 chữ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT hay dùng 4 chữ A DI ĐÀ PHẬT, niệm liên tục, niệm lớn hay niệm nhỏ, niệm nhanh hay niệm chậm, những vấn đề này nếu được thì nên hỏi trước bệnh nhân là tốt hơn cả. Nếu không hỏi được thì sau đây là những nguyên tắt chung: Không nên niệm nhanh quá vì sẽ nghe không rõ. Nếu chậm qúa thì bị dễ bị hôn trầm. Nếu niệm lớn quá thì khó mà niệm lâu. Nếu niệm nhỏ qúa thì bệnh nhân không nghe được.Vấn đề dùng Khánh hay Mõ cũng vậy. Lý tưởng nhất là niệm Phật vừa phải, rõ ràng mà êm tai, tóat ra lòng thành khẩn. Được vậy thì không những phát khởi, củng cố chánh niệm nơi người lâm chung mà còn chiêu cảm sự lai nghinh của Đức Phật A DI ĐÀ.
6.-Khi có trợ niệm một thời gian lâu, bỗng nhiên bệnh nhân có vẻ tỉnh táo, hoặc có thể nói chuyện hay than thở. Đây là dấu hiệu cho biết trong vòng 2 giờ nữa họ sẽ tắt thở. Như ngọn đèn dầu bùng lên trước khi tắt. Xin đừng thấy vậy mà ngưng trợ niệm!
7.-Khi Ban Trợ Niệm đến nơi mà bệnh nhân vừa mới tắt thở, hoặc vài ba tiếng đồng hồ trở lại thì xin nhớ đây là thời điểm rất quan trọng. Phải lập tức lớn tiếng hướng dẫn họ như sau:“Hỡi ông (bà) X ! mọi chuyện lành dữ trong qúa khứ xin đừng nghĩ đến nữa. Hãy buông bỏ tất cả mà một lòng niệm “ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT“ Được vãng sanh sang cõi Cực Lạc.Tất cả chúng tôi sẽ niệm Phật, trợ niệm cho Ông, tâm ông sẽ nghe câu niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT“ Hãy an trụ vào đó mà vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Hướng dẫn xong là trợ niệm ngay. Nhớ phải niệm lớn tiếng NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT hoặc A DI ĐÀ PHẬT. Lúc lâm chung mà nghe được Phật hiệu thì công đức không thể nghĩ bàn. Kinh Địa Tạng chép: Người mà lúc lâm chung được nghe danh hiệu của một vị Phật thì tiêu diệt được 5 tội vô gián tại Địa Ngục.
PHẦN 6: NHÂN QỦA THÙ THẮNG CỦA NGƯỜI TRỢ NIỆM
Nhân qủa bao trùm tất cả,Pháp hữu vi lẫn pháp vô vi. Hễ gieo nhân nào thì gặt qủa đó. Chúng ta có thể phát tâm giúp đỡ người khác niệm Phật vãng sanh Tây Phương, thì tương lai đến lúc lâm chung của mình, nhất địng sẽ có người khác phát tâm trợ niệm giúp chúng ta vãng sinh Tây Phương. Hơn nữa người nhờ chúng ta trợ niệm mà được vãng sinh thì vào lúc đó cũng sẽ theo Đức Phật A DI ĐÀ đến rước mình về cõi cực lạc. Lý đương nhiên là vậy. Chúng ta cần hiểu rằng lý do mà Chư Phật ra đời là muốn độ thóat hết thảy chúng sinh. Đức Thích Ca thuyết pháp 49 năm cũng vì vậy, mà Đức A DI ĐÀ phát 48 lời nguyện, trang nghiêm Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là cũng vì vậy.
Tất cả những Pháp Môn khác trong Phật Giáo đều nương vào tự lực mà tu hành. Người tu cần phải hòan tòan dứt hết phiền não mới có thể ra khỏi sinh tử. Bởi mới gọi là Pháp Môn khó tu (nan hành). Pháp môn Tịnh Độ là nương theo đại nguyện tiếp dẫn của Đức A DI ĐÀ mà vãng sinh về cõi Cực Lạc bất thối chuyển. Nên gọi là pháp môn dễ tu (dị hành).
PHẦN 7.- VẤN ĐỀ SẠCH SẼ TRONG PHÒNG NGƯỜI BỆNH:
Trong phòng người bệnh nên quét dọn sạch sẽ. Nếu được nên dẹp đi tất cả những gì không cần thiết, càng rộng rãi càng tốt. Một là khỏi làm người bệnh động tâm. Hai là có chỗ cho Ban Trợ Niệm ra vào thỏai mái.
Nếu bệnh nhân tỉnh táo, hãy khuyên họ nên hướng về phía Tây. Nằm thì bảo họ nghiêng bên hông phải và tâm niệm đến vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Nếu bệnh nhân bị đau đớn bức bách thì mọi chuyện phải thuận theo họ, chớ nên miễn cưỡng.
Trước giường người bệnh phải thiết trí Tôn Tượng Phật A DI ĐÀ PHẬT hoặc Tây Phương Tam Thánh đối diện với họ. Trước Tôn Tượng cần phải cúng dường hương hoa qủa phẩm.
Nếu bệnh nhân bị đại tiểu tiện dơ dáy phải lập tức báo thân nhân lau rửa sạch sẽ.
Người trợ niệm xin lưu ý: Khi bệnh nhân sắp tắt thở mà trên người họ bị đại tiểu tiện dơ dáy thì chớ nên lau rửa. Hãy lo trợ niệm Phật mà thôi. Dù bị hôi hám khó chịu, người trợ niệm nên nhớ rằng mình đang gánh vác một trách nhiệm nặng nề là giúp họ vãng sinh về cõi Tây Phương bất thối chuyển. Phàm đã làm người thì khi đến lúc lâm chung ai cũng bị cảnh này. Chờ khi nào người bệnh tắt thở và hòan tòan thân lạnh hẳn mới nên lau rửa.
PHẦN 8 . PHÁ TRỪ NGHI CHƯỚNG
Nếu bện tình nặng nề,hãy hỏi bệnh nhân xem họ còn vướng mắc chuyện gì không. Nếu có phải giải quyết ngay nếu không sẽ trở ngại vấn đề vãng sinh. Nhớ là chỉ nói một lần mà thôi.
1. Nếu bệnh nhân nghi ngờ mà hỏi rằng “Tôi phát tâm niệm Phật thời gian chưa được bao lâu lại thêm nghiệp chương nặng nề, không hiểu có vãng sinh được hay không?”
Hãy trả lời với họ rằng Phát tâm niệm Phật sớm hay muộn không thành vấn đề, điều quan trọng nhất là từ khi phát tâm cho đến phút lâm chung không thối chuyển. Nay ông có túc duyên, đến lúc lâm chung gặp được thiện hữu hướng dẫn mà phát tâm niệm Phật, lại được trợ niệm thì quyết định vãng sinh.Vấn đè nghiệp chướng sâu dày thì trong kinh VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT. Phật dạy rằng niệm một câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT có thể tiêu trừ 80 ức đại kiếp trọng tội “Ông đã nghe rõ chưa?”
2.-Nếu người bệnh có tâm lưu luyến thân nhân hoặc thương tiếc tài sản, hãy giải thích với họ rằng“Chúng ta làm người trong cõi Ta Bà này phải chịu quá nhiều khổ não, nếu kể ra thì thật vô cùng vô tận. Được vãng sinh sang cõi cực lạc thì thóat khổ mà an vui vĩnh viễn. Ông (hay bà)hãy buông ngay cái tâm niệm tham luyến cõi này vì nó rất trở ngại cho vấn đề vãng sinh. Hãy một lòng cầu sinh về Tây Phương chúng tôi trợ niệm giúp ông.
3.-Nếu bệnh nhân nghi ngờ mà hỏi rằng“Tôi niệm Phật mà sao không thấy Phật“,hoặc „Khi tôi lâm chung không biết Phật có đến rước không. Hãy giải thích với họ rằng „Hiện nay đã được thấy Phật hay chưa thấy Phật đều không quan hệ. Nếu hiện tại chưa thấy, lúc lâm chung sẽ thấy. Điều quan trọng nhất là 6 chữ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT luôn luôn hiển hiện trong tâm Ông thì lúc lâm chung chắc chắn Phật A DI ĐÀ sẽ lai nghinh.Xin đừng nghi ngờ,sẽ trở ngại cho vấn đề vãng sinh.Phải biết rằng người tu Tịnh Độ cầu sinh Tây Phương, đến lúc lâm chung thấy Phật hịện tiền tiếp dẫn,thời gian có sớm có trễ.Sớm thì thấy trước một hai ngày,hoặc vài tiếng đồng hồ,hay vài chục phút.Trễ thì ngay phút giây tắc thở Phật mới hiện tiền.Phật A Di Đà có đại nguyện tiếp dẫn chúng ta có lòng tin và cầu xin về cõi Cực lạc .Vậy là đầy đủ,xin chớ lo.
4.-Nếu trong khi trợ niệm mà bẹnh nhân cho biết họ thấy hoặc nghe những cảnh giới hoặc âm thanh ghê rợn khiến họ sợ hãi không một lòng niệm Phật được.Hãy giải thích cho họ rằng „Những cảnh giới đáng sợ này là oan gia nhiều đời trước của ông.Họ thấy ông niệm Phật quyết định vãng sinh Tây Phương nên đến phá rối gây trở ngại cho ông đây.Xin cứ một lòng niệm Phật,chúng tôi sẽ thay ông sám hối cầu siêu cho họ.
5.-Nếu sắp đến lúc lâm chung mà bệnh nhân mộng thấy thân nhân đã qúa vãng đến đón thị phải biết rằng họ thuộc về lục đạo luân hồi,thường là các cảnh giới thấp.Do đó tuyệt đối đừng đi theo họ mà hãy lo một lòng niệm Phật thì họ sẽ tự nhiên biến mất.Khó khă hơn nữa là mộng thấy Chư Thiên đến rước.Xin đừng động tâm ! cứ tiếp tục một lòng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT mà chờ Phật đến rước.
PHẦN 9.-KHAI THỊ CHO NGƯỜI LÂM CHUNG
Ông (hay Bà) hãy hiểu rằng đã sinh ra trong cõi ta bà này thì không ai tránh khỏi bệnh khổ và tử vong. Ô (hay Bà) nếu bệnh khổ xin hãy an nhẫn mà niệm Phật cầu sinh Tây Phương thì Phật sẽ gia hộ cho đỡ đau khổ trên thân xác và được vvãng sinh về cõi Cực Lạc.
Xin hãy nhớ rằng Đức Phật A Di Đà có đại nguyện tiếp dẫn tất cả những ai niệm danh hiệu của Ngài và cầu sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc.Nếu Ông một lòng tin tưởng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT thì phút lâm chung Phật sẽ đến đón:Sỡ dĩ Phật đến đón là để tâm ông khỏi bị điên đảo bỡi các cảnh giới thiện ác của lục đạo luân hồi ,chứ không phải ở phút này tâm ông không điên đảo Phật mới lai nghinh.Xin đừng lo.
PHẦN 10.-QUYẾT NGHI VỀ BỆNH KHỔ LÚC LÂM CHUNG.
Người tu niệm đến lúc lâm chung nếu bị bệnh khỏ nặng nề xin chớ nghi ngờ hoặc sợ hãi.Ngay như Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trangcũng phải chịu vậy,huống chi hạng phàm phu ngiệp lực sâu dày như chúng ta ! phải hiểu rằng bệnh khổ này là do ác nghệp nhiều đời.Nhờ công đức niệm Phật mà trọng báo trở thành khinh báo.Hãy an nhẫn niệm Phật để được vãng sinh.Tuyệt đối đừng khởi tâm nghi ngờ rằng tại sao mình niệm Phật mà còn phải như thế này.Chỗ an trú duy nhất là 6 chữ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.Mọi chuyện khác đã có Đức Phật A DI ĐÀ lo cho.
PHẦN 11.- THỜI GIAN TẮM RỬA THAY ÁO QUÀN CHO NGƯỜI QUÁ VÃNG.
Sau khi bệnh nhân đã tắt thở mà bệnh nhân chưa lạnh hẳn,người trực Ban Trợ Niệm cần lưu ý như sau Tuỵệt đối không cho thăm dò trên thi thể.Thân nhân nếu khóc lóc thì yêu cầu họ đi chỗ khác .Hãy tiếp tục lớn tiếng trợ niệm 24 giờ nữa mới đình chỉ. Đối trước bàn thờ Phật hồi hướng cho người qúa vãng được vãng sinh.Từ đây những thủ tục về tẩm liệm có thể bắt đầu.Nếu các khớp xương bi cứng hãy dùng khăn vải nhúng nước nóng đắp lên chỗ đó,vài phút sau sẽ mềm ra,mắt nếu không nhắm được cũng làm như vậy,quần áo bình thường đừng bày vẽ rườm rà.Trường họp đặc biệt nếu sau 24 giờ mà thi thể vẫn chưa lạnh hẳn thì xin vẫn tiếp tục trợ niệm cho đến khi lạnh hẳn. Hãy ghi nhớ.
PHẦN 12.- PHƯƠNG PHÁP SIÊU ĐỘ HAY NHẤT:
Sau khi vong nhân đã vãng sinh thì phương pháp siêu độ hay nhất là trai giớpi mà niệm Phật.Nên mời vài vị Tăng Ni (Tu Tịnh Độ) đến để niệm Phật và cả nhà tham gia vào.Thời gian lâu mau mà tùy theo hòan cảnh mà định liệu.Công đức siêu độ cũng rất lớn lao.Nếu vong nhân đã được vãng sinh thì tăng cao phẩm vị ở liên đài.Nhược bằng chưa được vãng sinh thì cũng nhờ công đức Niệm Phật này mà vãng sinh.Không những vậy thân nhân còn sống cũng sẽ được kết duyên lành với Đức Phật A DI ĐÀ,
Phần đông khi cúng siêu độ,người ta cho rằng niệm Phật là tầm thường,và chọn những cách khác như:Tụng kinh,Lễ bái,Diệm khẩu (Trì Chú)Sở dĩ như vậy là họ không hiểu Phật lý.Kinh Phật THUYẾT QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT chép rằng „ Niệm một câu A DI ĐÀ PHẬT có thể tiêu trừ trọng tội của 800 vạn Đại kiếp sinh tử“Ai dám bảo niệm Phật là bình thưuờng.Lại chép rằng“Nghe nhan đề của 12 Bộ Kinh thì tiêu trừ 1000 kiếp ác nghiệp nặng nề.Niệm một câu danh hiệu A DI ĐÀ PHẬT thì tiêu trừ 500 Đại kiếp sinh tử.Lại chép rằng nếu nghe được danh hiệu của Đức Phật A Di Đà thì tiêu trừ của Vô Lượng đại kiếp sinh tử.Trên đay là dẫn chứng những lời do Đức Phật Thích Ca dạy để làm chỗ y cứ. Đại Sư Ấn Quang có dạy “Các nhà sư hiện nay là phần đông bày vẽ,chẳng được như Pháp. Chỉ cốt thể diện mà thôi.Nếu mà chuyên môn niệm Phật thì ai cũng biết niệm,công đức lại quảng đại và thiết thực. Nếu đem công đức niệm Phật mà hồi hương cho Pháp giới chúng sinh dể đồng sinh Tây Phương thì công đức lại còn lớn lao hơn nhiều. Sự lợi ích đối với vong nhân cũng rộng lớn hơn nhiều.”
Sau khi vong nhân đã vãng sinh Tây Phương thì trong vòng 49 ngày,thân quyến nên ăn chay niệm Phật, giữ gìn Ngũ Giới thì cả người sống lẫn kẻ qúa vãng đều được lợi ích.
PHẦN 13.- VẤN ĐÁP VỀ THÂN TRUNG ẤM
1.-Hỏi :Trong Đạo Phật sau người đã chết trong vòng 49 ngày gia quyến còn ăn chay niệm Phật,làm phước mà hồi hướng cho vong nhân có ý nghĩa như thế nào?
Đáp : Nếu vong nhân quả thật đã dược vãng sinh mà trong vòng 49 ngày gia quyến còn ăn chay niệm Phật,làm phước hồi hướng chio họ thì một mặt người qúa vãng được tăng cao phẩm vị trên liên đài.mặt khác bản thân gia quyên cũng được phước vô lượng.
Nếu vong nhân chua biết có được vãng sinh hay không thì vậy có nghĩa là thần thức của họ đang ở trong giai đọan Trung Ấm.Do đó, ở thời điểm này nếu gia quyến vì họ mà ăn chay niệm Phật,làm phước thì họ nhờ đó mà được vãng sinh Tây Phương.
2.Hỏi: Trung Ấm nghĩa là sao ?
Đáp.-Sau khi người chết thần thức ra khỏi thân này mà chưa thụ sinh,giống như ra khỏi phòng này mà chưa vào phòng khác,còn ở trung gian nên gọi là Trung Ấm.Có những trường hợp đặc biệt thì thần thức không phải qua giai đọan Trung Ấm : Một là cực thịên được về ngay cõi trời,Hai là kẻ cực ác phải sa vào Địa ngục.Ba là người đủ tín, hạnh,nguyện được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.Còn ngòai ra còn phải qua giai đọan Trung Ấm,thời gian lâu hay chậm tùy theo nghiệp lực của mỗi cá nhân,nhưng chậm nhất là 49 ngày.
3.-Hỏi.-Người ta sau khi chết cớ sao không đi thụ sinh ngay mà phải vào giai đọan Trung Ấm?
Đáp : Vì các nghiệp thiện ác từ nhiều đời cho đến nay chưa quyết định dứt khóat.Các niệm thiện ác cứ thi nhau mà sinh diệt , chưa có lực lượng nào thắng thế hẳn.Trong thời điểm này mà có sự tác động bên ngòai thì cán cân sẽ lệch hẳn và thần thức sẽ đi thụ sinh ở cảnh giới tương ứng.Cần hiểu rõ điều này để thấy rằng vấn đề trợ niệm thật là quan trọng ở giai đọan này.
4.-Hỏi : Nếu gặp gia đình hòan tòan nghèo khổ mà phải ăn chay niệm Phật làm phước trong vòng 49 ngày thì qủa là khó khăn.Phải giải quyết sao đây.
Đáp: Nếu hòan cảnh gia đình khó khăn thì khỏi mời các vị Tăng Ni,chỉ cần cả nhà ăn chay niệm Phật là đủ.Mỗi ngày sáng tối 2 lần,sau khi niệm Phật thì hồi hướng cho vong nhân. Điều cần ghi nhớ là phải hết dạ chí thành thì lợi lạc cho người qúa vãng và thân nhân thật không nghĩ bàn.
DẪN CHỨNG KINH ĐỊA TẠNG
„Lợi ích tồn vong“ trong Kinh Địa Tạng chép rằng :Trưởng Giả Đại Biện chấp tay cung kính thưa hỏi Bồ Tát Địa Tạng“Thưa Đại Sĩ chúng sinh ở cõi Nam diêm phù để sau khi mạng chung,nếu thân nhân quyến thuộc mà vì họ mà làm phước,tạo những nhân lành như Bố thí ,Trai Tăng…Thì vong nhân có được lợi ích lớn lao và giải thóat không ? Bồ tát Địa Tạng đáp: Này Ông Trưởng Gỉa ! Các chúng sinh đời hiện tại cũng như vị lai, đến lúc mệnh chung mà được nghe danh hiệi của một Đức Phật,Bồ Tác hoặc Bích Chi Phật thì chẳng kể là có tội hay vô tội, đều được giải thóat“ Lại dạy rằng“Qủi vô thường không hẹn mà đến,thần thức u mê chưa rõ tội phước nên trong vòng 49 ngày như ngây như dại.Hoặc ở các ty mà luận định nghiệp quả.Sau khi thẩm định thì căn cứ theo nghiệp mà thụ sinh,Trong thời gian chưa quyết định thì phải chịu biết bao nhiêu khổ sở huống gì đọa vào các nẻo ác.Vong nhân khi chưa được thụ sinh,trong vòng 49 ngày quả là rất mong sự cứu giúp của thân quyến.Qua 49 ngày thì tùy nghiệp mà thụ sinh.Nếu tội nhẹ thì đọa vào ngạ qủy súc sinh.Nếu tội ngỗ nghịch thì đọa vào Địa ngục mà chịu khổ lâu dài“.Lại dạy rằng „Nếu trong vòng 49 ngày mà quyến thuộc vì vong nhân mà làm mọi phước đức thì có thể khiến cho họ được xa lìa các nẻo Địa ngục,ngạ qủy súc sinh mà sinh về cõi Trời.Người mà thân nhân còn sống sẽ được lợi ích vô lượng“.
PHẦN CUỐI QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ TRỌNG YẾU TRONG PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ.
1.-Hỏi : Theo chỗ tôi hiểu thì niệm Phật có 4 phương pháp là : Trì Danh,Qúan Tưởng Quán Tượng,và Quán Thật Tướng.Trong đó Trì Danh là phương tiện thấp nhất dành cho hạng hạ căn không đủ sức tu những phương pháp kia.Do đó tôi vẫn hận mình là nghiệp nặng,không tu dược các Pháp Môn cao siêu trên! Xin giải quyết mối nghi này.
Đáp : Đây là ngộ nhận lớn nhất của người tu theo Tịnh Độ.Vì sao ? Vì Trì danh là pháp môn chánh tông của Tịnh Độ,các phương pháp kia chỉ là phương tiện bày thêm để thu nhiếp mọi căn cơ mà thôi Tông Tịnh Độ đặt nền tảng trên ba bộ Kinh : 1. PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ KINH 2.-PHẬT THUYẾT QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ KINH .3.-PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH: xin dẫn chứng kinh văn để làm chỗ y cứ :
Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ dạy về nhân địa tu hành và 48 Đại Nguyện của Đức Phật A DI ĐÀ.Trong 48 Đại nguyện thì nguyện thứ 18 được gọi là Bổn Nguyện Vương vì là nền tảng của 47 Đại Nguyện kia : Kinh Văn :“Khi tôi thành Phật nếu có Chúng sinh trong 10 phương,hết lòng tin tưởng muốn sinh sang nước tôi thì dù chỉ mười niệm mà không được vãng sinh thì tôi không ở ngôi Chánh Giác.Ngọai trừ kẻ Ngũ nghịch ,bài báng Chánh Pháp…“(Nguyện thứ 18 lời của Đức A DI ĐÀ).Và „Tất cả Chúng sinh nghe danh hiệu Ngài (Đức Phật A DI ĐÀ) mà tín tâm hoan hỷ thì dù chỉ một niệm và chí tâm hồi hướng,nguyện sinh sang cõi kia thì được vãng sinh không còn bị thối chuyển.Ngọai trừ kẻ Ngũ nghịch,bài báng chánh pháp“(Thành tựu văn : Lời của Đức Thích Ca -PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ KINH).
Dẫn chứng Kinh Văn trên cho thấy Bổn nguyện của Đức A Di Đà là dùng danh hiệu của Ngài để cứu độ tất cả chúng sinh.Do đó trì danh là chánh nhân để được hưởng quả vãng sinh thì Trì Danh là đệ nhất“.
Kinh PHẬT THUYẾT QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT nói rộng về cách vãng sinh khác nhưng cuối cùng ở phẩm „Phó chúc“ :Phật dạy Ông A Nan rằng : Ông nên giữ gìn lời nói này.Giữ gìn lời nói này tức là Trì Danh Hiệu Đức Phật Vô Lượng Thọ.“
Kinh PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ Dạy về chuyện xưng danh hiệu Đức A Di ĐÀ để được vãng sinh .Kinh chép :“Này Xá Lợi Phất !Nếu có thiện Nam Tử,Thiện Nữ Nhân nghe nói về Đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu Ngài hoặc một ngày,hoặc hai ngày,hoặc bốn ngày,hoặc năm ngày ,hoặc sáu ngày,hoặc bảy ngày một lòng không lọan.Người ấy đến lúc mệnh chung thì Đức Phật A Di Đà và các Thánh Chúng hiện ra trước mặt người ấy phút lâm chung tâm không điên đảo,liền được vãng sinh Quốc độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà „.
2.-Hỏi :Có thuyết cho rằng phải niệm Danh Hiệu Đức A Di Đà đến chỗ nhất tâm bất lọan mới được vãng sinh,rồi phân ra nào là sự nhất tâm,nào là lý nhất tâm,vậy thì qúa khó cho một căn cơ bình thường,làm sao mà phổ độ muôn căn được?
Đáp: Vấn đề nhứt tâm bất lọan có đề cập trong Kinh Phật Thuyết A Di Đà.Khi chú giải đọan này,người ta đã pha lẫn lý thuyết của Thiền hoặc của Tông Thiên Thai mà cho rằng nhất tâm bất lọan là tâm hòan tòan thanh tịnh không còn bị các vọng niệm chi phối hoặc khởi lên các vọng niệm.Mà vậy mấy ai làm nổi kể cả những bậc tinh tu ! Bỡi thế căn cứ theo chân nghĩa của Tịnh Độ.Tổ Pháp Nhiên dạy rằng : „ Nhất tâm bất lọan nghĩa là ,khi niệm Phật tâm không tóan lọan,dùng tín tâm chí thành mà chuyên niệm Phật Danh „.Ngài lại dạy thêm rằng „Đã sinh ra làm người trong cõi tán địa này,tâm làm sao khỏi tán lọan được.Tán tâm niệm Phật mà được vãng sinh là chỗ đáng qúy của Bổn Nguyện vậy „..
3.-Hỏi : Có thuyết cho rằng khi lâm chung cần phải chánh niệm,tâm không điên đảo thì Phật mới đến rước về Tây Phương.Nhưng mà ngay cả khi bình thường còn khó thay,huống gì vào lúc lâm chung,tứ đại phân ly,làm sao mà chánh niệm được?
Đáp : Kinh Phật thuyết A Di Đà chép „ Người tu đến lúc mệnh chung,Phật A Di Đà và các Thánh Chúng hiện ra trước mặt,người đó qua đời tâm không điên đảo,liền được vãng sinh Cực Lạc“.Rõ ràng là vào thời điểm ấy Phật hiện ra để tâm người tu không bị điên đảo bởi các cảnh giới khác mà vãng sinh Tây Phương.Tổ Pháp Nhiên chú giải đọan này rằng „ Phật đến rước là để người tu niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm chứ không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm Phật mới lai nghinh.Cho rằng lúc lâm chung cần phải chánh niệm Phật mới lai nghinh là không tin vào Phật Nguyện và không hiểu kinh văn“
4.-Hỏi . Người ta thường cho rằng lúc lâm chung cần phải chánh niệm mới được vãng sinh.Vậy những người tu Tịnh Độ mà do duyên nghiệp nhiều đời của họ nên chết bất đắc kỳ tử (Như tai nạn trúng gió…) có được vãng sinh không ?
Đáp: Thắc mắc rất quan trọng cần phải giải đáp thỏa đáng.Trước hết xin trả lời dứt khóat rằng chắc chắn họ được vãng sinh nếu lúc bình sinh họ có đầy đủ Tín,Nguyện và Hạnh.Xin lấy một ví dụ cho một vấn đề dễ hiểu hơn.Nếu người ta mua bảo hiểm thì khi gặp chuyện,bảo hiểm sẽ lo.(Thí dụ bảo hiểm chỉ là tạm mượn vì không thể ví với Phật Lực nhiệm mầu).Người tu có đủ Tín Nguyện và Hạnh thì mọi chuyện còn lại do Đức A Di Đà lo liệu vì đó là Bổn Nguyện của Ngài.Dù phải chết bất kỳ dưới hình thức nào,ngay sát phút lúc lâm chung Đức A Di Đà cũng đến rước thần thức người tu niệm Phật về Tây Phương.Tuyệt đối phải tin điều này.
5.-Hỏi.-Vấn đề trợ niệm cho người tu lúc lâm chung nên hiểu thế nào cho chính xác?
Đáp: Theo sách vở lưu truyền lại thì thuở xưa cổ nhân ít đề cập đến vấn đề trợ niệm và nó trở nên cấp thiết trong vấn đề trọng đại cho đến nay mà thôi. Đây cũng là dấu hiệu chỉ sự đi xuống của thời Mạt Pháp.Người tu Tịnh Độ hiểu rõ giá trị của vấn đề trợ niệm,nhưng họ biết rằng yếu tố chính để được vãng sinh là tín,Nguyện và Hạnh.Trợ niệm chỉ là trợ duyên thù thắng mà thôi.
Tuyệt đối không thể mong chờ ở sự trợ niệm mà lơ là Tín,Nguyện và Hạnh lúc còn sinh tiền.Một người không có Tín Hạnh và Nguyện thì khó nhờ vào trợ niệm để được vãng sinh.Tin vào Phật Lực nhiệm mầu.Người tu Tịnh Độ sẵn sàn trợ niệm để kết duyên lành nhưng luôn luôn sách tấn rằng các đạo hữu vấn đề là tu ngay bây giờ chứ không phải chờ để được trợ niệm vào lúc lâm chung.
Hỏi: Nghe rằng có hai lọai niệm Phật :Tự lực niệm Phật và tha lực niệm Phật.Sự phân biệt này có cần thiết hay không chỉ là vẽ rắn thêm chân?
Đáp: Sự phân biệt này rất chính đáng vì sẽ giúp người tu hiểu chính xác Pháp Môn Tịnh Độ.
-Trước hết cần giản biệt Ngọai Đạo niệm Phật,họ đã mượn 6 chữ Hồng Danh muôn đức NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT mà luyện điển mở luân xa,lại giải thích Kinh A Di Đà theo lối đó.Quả là Tà Ma Ngọai Đạo ! Không cần phải bàn thêm, đã gieo nhân nào thì sẽ có quả đó.
Bây giờ nói đến chuyện trong nhà Phật,và xin đi từ thô đến tế:
Không thiếu người niệm Phật để cầu phước báo nhân thiên,nghĩa là mong hiện đời mình ấm no hạnh phúc,sau khi chết được tái sinh về các nẻo Trời,Người. Đây là vì cầu phước mới niệm Phật-Lệch với bản hòai của Đức Thích Ca, Đức A Di Đà .Kế đến là những người tu dùng 6 chữ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT là để diệt trừ vọng niệm cho bản thân mình hoặc khai ngộ bổn tâm.Vậy là không họp với tôn chỉ của Tông Tịnh Độ do Đức Thích Ca dạy, đó là tự tu niệm Phật.Dĩ nhiên những người này không thể vãng sinh.
-Sau cùng xin bàn đến những người tu niệm Phật chân chánh nghĩa là họ có đủ Tín Nguyện và Hạnh,và Nguyện căn cứ theo lời Phật dạy trong ba Bộ Kinh : Phật Thuyết Vô Lượng Thọ,Phật Thuyết Qúan Vô Lượng Thọ Phật,và Phật Thuyết A Di Đà.
Trong ba Bộ Kinh trên,trọng yếu nhất là Phật Thuyết Vô Lượng Thọ .Trong bộ Kinh này, Đức Phật Thích Ca dạy cho chúng ta về nhân địa bản Hạnh và Đại Nguyyện của Đức Phật A Di Đà.Nếu không có Đại Nguyện của Đức A Di Đà thì không thể có cõi Tây Phương Cực Lạc và không ai có thể vãng sinh về đó được dù tu cao đến đâu ! Do không thấu triệt được điều này,nhiều người niệm Phật mà trong tâm tính tóan đủ điều .Nào là cần phải niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất lọan mới được vãng sinh,nào là không biết khi chết Phật A Di Đà có đến rước không đây,nào là những người giới hạnh thanh tịnh mà niệm Phật mới được vãng sinh..v..v…Đây gọi là Tự lực niệm Phật.Nghĩa là cứ trông cậy vào công hạnh của mình để được vãng sinh , dùng phàm trí mà suy lường Phật trí.Do đó tu rất nhọc nhằn mà không chắc là có được vãng sinh hay không.
Tha lực là những người tin tưởng tuyệt đối vào lời dạy của Đức Phật Thích Ca trong 3 Bộ Kinh trên. Nghĩa là tuyệt đối tin tưởng vào Bổn Nguyện của Đức A Di Đà là dùng Danh hiệu Ngài để cứu độ tất cả chúng sinh.Cõi Tây Phương Cực Lạc có là do Đức Phật A Di Đà tạo ra cho những người được nghe Danh hiệu Ngài,tin tưởng Ngài.Vì vậy khi có đại phước duyên là hiểu rõ và tin sâu điều trên , họ Trì Danh hiệu Phật với niềm hoan hỷ vô tư,trong tâm không thể tính tóan lo nghĩ gì cả.Họ biết rằng họ chỉ cần tin tưởng,siêng năng niệm Phật là đủ.Mọi chuyện còn lại là do Đức Phật A Di Đà lo.Vấn đề vãng sinh là chuyện đương nhiên.
Dịch Giả:Viên Thông
Đánh Máy: PT Nguyên Trí
43/68Đầu«...10...424344...50...»Cuối
Các Phúc Đáp Gần Đây