So Sánh Công Đức Niệm Phật Của Tuân Thức Đại Sư

So Sánh Công Đức Niệm Phật Của Tuân Thức Đại SưTrong Kinh Đại Bát Niết Bàn thuyết minh rằng: Giả sử có thiện nam tín nữ nào phát nguyện trong thời gian một tháng, thường đem y phục và các thức ăn uống cúng dường cho tất cả chúng sanh (tất cả chúng sanh không phải riêng chỉ cho nhân loại mà toàn thể chúng sanh trong lục đạo đều gồm trong ấy, vả lại không phải riêng chỉ cho chúng sanh trong một quốc độ nào, lại riêng nói một đạo trong sáu đạo là bàng sanh tức là súc sanh, súc sanh do người nuôi mà mệnh danh như thế, bàng sanh thì đúng hơn vì hình nó đi ngang đội trời mà đi, súc sanh chỉ số ít mà thôi. Như trong Kinh Lâu Thán, Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ thì bàng sanh chủng loại sai khác không đồng nhau gồm có 40 ức, lại còn có các vi tế côn trùng bò bay cựa động số ấy nhiều không thể nói được, đều thuộc trong bàng sanh, lớn nhất là chim đại bàng, kim sí điểu và cá ma kiệt, cho đến nhỏ nhất như con kiến riện, con mạt cũng nhiếp trong bàng sanh. Lại còn những thứ nhục nhãn không thấy như vi trùng trong không khí, vi trùng trong nước, thiên nhãn mới thấy? Tại sao chỉ nói đến bàng sanh đạo? Vì chúng sanh các đạo khác chư Thiên, quỷ, thần v.v… nhục nhãn nhân loại không thấy được) công đức này rất lớn, nhưng không bằng có thiện nam tín nữ nào, phát tâm chí thành niệm Phật trong một niệm. Chúng ta đem công đức bố thí rất lớn nói trên mà so sánh với công đức niệm Phật trong một niệm, thì công đức bố thí chỉ bằng một phần trong 16 phần mà thôi.

Giả sử có thiện nam tín nữ nào dùng vàng đúc hình người rồi dùng xe ngựa vận tải đem đi bố thí, cho đến dùng các vật quý báu khác mỗi thứ đủ số 100, cũng đem toàn bộ đi bố thí, công đức này rất lớn, nhưng không bằng công đức của thiện nam tín nữ nào phát tâm dở chân đi một bước đến chỗ Phật.

Giả sử có thiện nam tín nữ đem xe voi lớn vận tải hết tất cả trân bảo trong nước Đại Tần, và dùng chuỗi anh lạc đủ số 100 đem đi bố thí, cũng không bằng có thiện nam tín nữ phát tâm cất chân đi một bước đến chỗ Phật.

Nếu có thiện nam tín nữ dùng tứ sự (tứ sự: 1- Thức ăn; 2- Y phục; 3- Đồ nằm; 4- Thuốc thang) cúng dường cho tất cả chúng sanh trong tam Thiên đại Thiên thế giới, công đức này rất nhiều, nhưng vẫn không bằng có thiện nam tín nữ phát tâm cất chân đi một bước đến chỗ Phật, công đức của các tiện nam tín nữ đó vô lượng vô biên không thể dùng toán số ví dụ mà xác định được.

Như trên là thuộc về Kinh Văn. Sau đây là lời phổ khuyến của Đại Sư. Tôi (lời của Đại Sư) thành kính khắp khuyên tất cả thiện nam tín nữ Phật tử tại gia có tín tâm đối với Tam Bảo (trong đây Đại Sư chỉ khuyên nhắc hàng Phật tử tại gia vì hàng Phật tử xuất gia với việc đi đến Phật đường là việc hằng ngày) mỗi ngày trong lúc sớm mai mặc y phục chỉnh tề, giữ tâm thanh tịnh, đi đến Phật đường (tức là chỗ thờ Phật), một lòng thành kính chiêm ngưỡng lễ bái Phật như thấy tôn dung của Phật sống không khác. (Liên tông Thập Tam Tổ thường dạy, khi lễ Phật phải một lòng thành kính xem Phật Bồ Tát mình đang đảnh lễ như Phật Bồ Tát thật, đừng nghĩ là tượng vàng, đồng, giấy v.v… tức là tương tự với lời dạy của Tuân Thức Đại Sư) đừng cho một ngày nào thiếu sót. Nếu vì quá bận rộn về việc công hay việc tư cũng cần phải lưu tâm tạm vào Phật đường, đốt hương cúng dường, hai tay chấp lại chí thành cung kính xá Phật ba xá, đoạn lui ra đi làm việc. Nếu những vị có thời giờ rãnh rỗi, thì không hạn định trong lúc sớm mai, mà mai chiều hay tất cả thời đều có thể đến Phật đường làm các Phật sự như lạy Phật, tụng Kinh, sám hối cho đến cúng dường hoa hương, hay lau chùi bàn Phật, tượng Phật v.v… Quý vị nên nhận chân thân người khó được, Phật Pháp khó gặp, cơ hội thuận tiện lại còn khó hơn, vì sự vô thường không nhất định, giờ trước còn khỏe mạnh, giờ sau chẳng biết thế nào…

Xin quý vị xem kỹ đoạn Kinh Văn trên nói về công đức niệm Phật trong một niệm, và dở chân đi một bước đến Phật đường còn thù thắng đến dường ấy, huống chi mỗi niệm mỗi niệm đều niệm Phật, mỗi bước mỗi bước đi đến chỗ Phật, hay là nhiễu Phật niệm Phật, thì tội chướng được tiêu diệt, công đức được tăng trưởng thật không thể dùng tâm suy nghĩ hay lời luận bàn cho cùng được.

Lời phụ: Nguyên đề bài văn này là so sánh công đức niệm Phật của Tuân Thức Đại Sư.

Đại phàm nói so sánh thì phải đem việc này so sánh với việc khác, như thế tại sao chỉ nói so sánh công đức niệm Phật không thấy nói đem công đức gì để so sánh? Sự việc này chúng ta không nên thắc mắc, cứ đọc Kinh Văn của Đại Sư đã trích dẫn thì biết. Nghĩa là, Kinh Văn có nói rõ là đem công đức bố thí để so sánh với công đức niệm Phật, và đem công đức bố thí để so sánh với công đức phát tâm dở chân đi một bước đến Phật.

Trong đây có điều nên lưu ý là, phát lòng thành kính niệm Phật trong một niệm, và phát tâm cất một bước đi đến Phật, là để thấy rõ niệm Phật quá ít, cũng như cất chân đi đến Phật chỉ một bước, mà công đức dường ấy. Thì mỗi niệm đều niệm Phật, và mỗi bước đều để tâm đi đến Phật, thì công đức ấy làm sao diễn tả cho cùng. Sự việc này trong lời khuyến tấn Đại Sư có nói rõ, ở đây Thuật giả chỉ nhắc lại cho quý vị lưu ý mà dụng tâm niệm Phật trong mỗi niệm, và dù gần hay xa cũng gắng đi cho tới chỗ Phật, đừng sợ nhọc tâm nhọc sức mà sanh lười nhác chỉ niệm vài ba trăm câu rồi nghỉ, hay đi vài trăm bước sợ mỏi chân. Như thế thì với công đức vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn kia không gặt hái được phần nào, và trong đây nói đi đến chỗ Phật không nhất định như thờ Phật trong nhà, đi vài chục bước thì tới, nếu từ nhà đến Chùa thì không nhất định là bao nhiêu bước. Công đức phát tâm cất chân đi một bước đến chỗ Phật, cũng gồm nhiếp trong công đức niệm Phật. Nên ở đề mục chỉ nói so sánh công đức niệm Phật là đủ và có điều chúng ta nên ý thức là trong bài văn nói sự so sánh công đức niệm Phật này, nói việc phát tâm đi đến Phật là thuộc về việc sau khi Đức Thế Tôn đã nhập diệt. Thế nên lời khuyến tấn của Tuân thức Đại Sư có nhấn mạnh những vị bận rộn việc công tư cũng nên lưu tâm vào Phật đường v.v…

Tiện đây soạn giả xin y trong Kinh Hiền Ngu kính dẫn một đoạn nói về việc Trưởng giả Cấp Cô Độc phát tâm đi chiêm bái đức Bổn Sư Thích Tôn khi còn tại thế cũng tương tự như trong Kinh Niết Bàn đã nói trên. Sau đây là Kinh Văn:

Tu Đạt nghe nói một việc (việc ấy thuộc Kinh Văn ở trên) quý hóa, vui mừng bủn rủn chân tay một lòng tin kính, mong cho chóng sáng, để đến yết kiến Phật. Vì lòng thành kính thiết tha có thần cảm ứng, đương nửa đêm tối trời mà ông tự thấy ánh sáng tỏ soi khắp mặt đất như ban ngày, lòng hoan hỉ khôn xiết! Đứng dậy đi sang nước La Duyệt Kỳ để yết kiến Đức Thế Tôn, vừa ra khỏi thành gặp ngôi miếu thờ thiên thần, ông bước vào làm lễ, tự nhiên quên mất tâm khát vọng Phật, lại thấy tối om, sợ mãnh thú ác qủy, ông định trở về thành chờ đợi sáng sẽ đi.

Cũng may ông có người bạn thân, chết được sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương, thấy ông hối hận trở về, liền xuống bảo rằng: “Cư sĩ! Ông chớ e ngại nữa! Đi yết kiến Phật được phúc đức vô biên, ví nay được một trăm cỗ xe chở châu báu, không bằng cất chân một bước đi yết kiến đức Thế Tôn, còn được lợi gấp muôn ngàn.

Cư sĩ! Ông đi yết kiến Phật, chớ ngần ngại nữa, ví như kiếp này được một trăm con voi chở châu báu, cũng không bằng rời chân một bước để đi yết kiến đức Thế Tôn còn được lợi ích khôn kể.

Cư sĩ! Ông nên đi chớ ngần ngại nữa, chính như ông có được vàng bạc châu báu, đầy cõi Diêm Phù chăng nữa, cũng không bằng dời chân một bước đi yết kiến đức Thế Tôn, còn được lợi trăm muôn ngàn triệu.

Cư sĩ! Ông nên đi chớ ngần ngại nữa, ví như kiếp này ông được vàng bạc châu báu đầy bốn thiên hạ, cũng không bằng cất chân một bước đi viếng đức Thế Tôn, còn được lợi ích gấp trăm muôn ngàn triệu kể trên.

Thích Trí Minh

12 Phương Pháp Niệm Phật

Phương Pháp Niệm PhậtPháp môn niệm Phật vốn xuất phát từ chữ Phạn “Phật Đà Na Tức Lặc Đế”, ý nghĩa là nhờ niệm đức Phật, chuyển dần thành phương pháp tu trì quán tướng hảo Phật, xướng danh hiệu Phật v.v… Tại các tông phái đại thừa Phật giáo Trung Quốc, ngoài các thiền sĩ phái Tam Luận (Trung Quán) cho đến bộ phận tông Lâm Tế ra, không một phái nào không tu học pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ Cực lạc phương Tây.

1.- Niệm Phật là pháp tu cộng đồng đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc

Phật giáo đại thừa dù là hiển hay mật gần như đều xiển dương pháp môn Tịnh độ của Phật A Di Đà. Mật giáo có nghi quỹ tu trì của họ. Hiển giáo chủ yếu ý các vào kinh điển như ba bộ kinh nói về Tịnh độ là:

– Phật thuyết a Di Đà kinh.

– Phật thuyết Quán Vô Lượng Thọ kinh, cũng gọi là Thập Lục Quán Kinh.

– Phật thuyết Vô Lượng Thọ kinh, lại còn gọi là Đại A Di Đà kinh. Kinh này từ đời Hán đến đời Tống trước sau cộng có 12 bản dich, từ Tống Nguyên về sau chỉ còn năm bản Cư sĩ Vương Nhật Hưu triều Tống, y cứ vào bốn bản dịch trong số đó, tổng hợp thành “Phật thuyết Đại A Di Đà kinh”. Năm Dân quốc thứ 35 (1946) có cư sĩ Hạ Liên Cư tập hợp năm bản dịch đời Hán, Ngụy, Ngô, Đường, Tống thành Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh, tổng cộng 48 chương. Kinh này giới thiệu rất tường tận y chính trang nghiêm, nhân quả sự lý đối với pháp môn Tịnh độ của Phật A Di Đà.

Lại có học giả Tịnh độ khác như đại sư Ấn Quang cho rằng, chương Đại Thế Chí Bồ tát niệm Phật Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm, cho đến phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện trong kinh Hoa Nghiêm cũng thuộc kinh điển trọng yếu hoằng dương pháp môn Tịnh độ của Phật A Di Đà. Do đó cùng với ba kinh trên hợp lại gọi là năm kinh Tịnh độ.

Tại Trung Quốc các tông phái đại thừa Phật giáo, ngoài các thiền sĩ phái Tam Luận (Trung Quán) cho đến bộ phận tông Lâm Tế ra, không dùng pháp môn niệm Phật, còn những nhà khác gần như không một phái nào không học pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ Cực lạc phương Tây. Do đó đủ biết niệm Phật là pháp tu cộng đồng đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc.

2.- Phương pháp niệm Phật trong kinh A Hàm

Pháp môn niệm Phật vốn xuất phát từ Phạn ngữ Phật Đà Na Tức Lặc Đế (Buddhanusireti), ý là nhờ chuyển niệm đức Phật, chuyển dần thành phương pháp tu trì quán tướng hảo Phật, xướng niệm danh hiệu Phật v.v… Trong kinh Tạp A Hàm thứ 33, niệm Phật thuộc về pháp môn lục niệm, trong kinh Tăng Nhất A Hàm thứ 2 thuộc về pháp môn thập niệm, phương pháp niệm Phật ấy là: “Thân ngay ý chính, ngồi thế kiết già, buộc niệm phía trước, không nghĩ gì khác, chuyên tinh niệm Phật, quán hình tướng Phật, chưa từng rời mắt. Đã không rời mắt, lại còn nhớ công đức của Như Lai. Thể của Như Lai, do kim cương tạo thành, đầy đủ thập lực, tứ vô sở úy, dũng kiện trong chúng. Diện mạo Như Lai, đoan chính vô song, nhìn không biết chán, thành tựu giới đức, cũng như kim cang, không thể hoại được. Thanh tịnh không tỳ vết, cũng như lưu ly. Tam muội Như Lai, chưa từng có giảm, đã thường tịch tịnh, không một niệm khác, kiêu mạn hung tàn, các thứ lo sợ, ý muốn oán giận, tâm ngu mê hoặc, đều được trừ hết. Huệ thân Như Lai, trí không ngằn mé, chẳng còn chướng ngại. Thân của Như Lai, thành tựu giải thoát, dứt bặt các đường, không sanh trở lại, vì nguyện độ sanh, mới sanh trở lại. Thân của Như Lai, vượt thành tri kiến, biết căn cơ người, nên độ hay không, chết đây sanh kia, xoay vần qua lại, trong khoảng sanh tử, có người giải thoát, đều biết rõ hết. Cho nên tu hành niệm Phật, sẽ được khen ngợi, thành quả báo lớn, điều lành đều đến, được cam lộ vị, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả sa môn, đến nơi Niết bàn”.

Phương pháp niệm Phật này buộc tâm nhớ niệm, chuyên tâm quán tưởng công đức vô lượng của Phật, bao quát quán tưởng thân thể, nhan sắc của Phật và năm phần pháp thân Phật như: giới đức, tam muội, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Nếu có thể theo đó mà tu hành pháp môn niệm Phật thì được thành tựu quả báo lớn, cho đến tự đến Niết bàn, tự được giải thoát. Đây là pháp môn niệm Phật của Tiểu Thừa.

3.- Phương pháp niệm Phật trong kinh Ban Chu Tam Muội

Nếu y theo Hành phẩm trong kinh Ban Chu Tam Muội đã nêu thì “Trì pháp nào được vãng sanh Cực lạc quốc?” Phật A Di Đà nói rằng: “Muốn sanh về nước kia, nên niệm danh hiệu ta, không lúc nào dừng nghỉ, thì sẽ được vãng sanh”. Phật lại nói rằng: “Chuyên niệm thì sẽ được vãng sanh. Thương nhớ thân Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, quang minh chiếu suốt, đoan chính không thể sánh, ở trong Bồ tát Tăng mà nói pháp… Muốn thấy được mười phương chư Phật hiện tại nên nhất tâm niệm cõi Phật kia, không được nghĩ khác, như thế sẽ thấy được”.

Qua kinh Ban Chu Tam Muội ta thấy, phương pháp tu hành là niệm danh hiệu Phật, niệm thân Phật tướng hảo quang minh, niệm tưởng cõi Phật. Nếu thành tựu được tam muội, thì sẽ thể nghiệm được “Điều ta hằng tâm niệm là thấy tâm thành Phật. Nếu tâm tự thấy biết chính nó thì tâm ấy chính là Phật, tâm Phật ở ngay nơi thân của ta. Nếu tâm còn thấy Phật (bên ngoài) thì tâm ấy không tự biết không tự thấy chính mình, tâm mà có tưởng đó là tâm si. Tâm không có tưởng chính là Niết bàn”. Đó là pháp môn Đại thừa từ niệm Phật mà thật chứng chân như thật tướng.

4.- Phương pháp niệm Phật trong kinh Vô Lượng Thọ

Căn cứ vào quyển hạ kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ có nói rằng “Có chúng sanh nào, nghe danh hiệu Phật A Di Đà, tín tâm hoan hỷ, cho đến một niệm, chí tâm hồi hướng, nguyện sanh về nước kia, liền được vãng sanh, trụ nơi bất thối chuyển, chỉ trừ kẻ ngũ nghịch hủy báng chánh pháp”. Theo kinh này thì điều kiện vãng sanh cõi nước Cực lạc rất đơn giản, không giống như kinh Ban Chu Tam Muội cần phải niệm danh hiệu Phật không được dừng nghĩ mới được vãng sanh Phật quốc. Chỉ cần nguyện sanh cõi nước kia, ngoại trừ người phạm tội ngũ nghịch (giết ca, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng) và người hủy báng chánh pháp đại thừa, thậm chí chỉ cần một niệm tín nguyện đều có thể vãng sanh về cõi kia”.

Chẳng qua kinh này dạy vãng sanh Cực Lạc có ba hạng người thượng, trung, hạ; hai hạng thượng và trung điều kiện niệm Phật vãng sanh là “chuyên niệm một hướng đức Phật Vô Lượng Thọ”, điều kiện niệm Phật vãng sanh của bậc hạ là “chuyên một ý hướng, cho đến mười niệm, niệm đức Phật Vô Lượng Thọ… Thậm chí chỉ một niệm niệm đức Phật kia,dùng tâm chí thành, nguyện sanh về nước Phật A Di Đà, người này lúc lâm chung, mộng thấy đức Phật A Di Đà cũng được vãng sanh”. Từ “chuyên niệm một hướng” đến “thậm chí một niệm”, đều có thể vãng sanh nước Phật. Vậy phải niệm Phật như thế nào? Phải chí thành tưởng nhờ Phật, buộc tâm vào danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ (Phật A Di Đà).

Nguyện thứ 18 trong 48 nguyện của kinh này tại quyển thượng có nói “Khi ta được thành Phật, chúng sanh trong mười phương, chí tâm tín nguyện, muốn sanh về nước ta, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh, ta không thành chánh giác”. Lúc đức Phật A Di Đà phát nguyện này vẫn còn ở giai đoạn hành đạo Bồ tát. Nay đã thành Phật, nguyện lực của ngài đương nhiên biến thành sự thật, cho nên khuyến khích chúng sanh, chỉ cần mười niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nhất định vãng sanh về cõi Phật, nhưng kinh này cũng hai lần nêu thêm “thậm chí một niệm” cũng được vãng sanh nước Phật.

5.- Phương pháp niệm Phật trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và các kinh khác

Căn cứ theo yêu cầu trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đàu tiên là “Cột niệm quán kỹ tịnh nghiệp của cõi Cực Lạc”, kế đến dạy “Cột niệm một chỗ, tưởng cõi Tây phương”. Rồi tưởng mặt trời, tưởng nước, tưởng đất, tưởng bảy hàng cây, tưởng ao nước bát công đức, tổng quán cây báu, ao báu cõi nước kia, quán y báo trang nghiêm của Phật Vô Lượng Thọ và hai vị Bồ Tát, quán thân pháp giới của chư Phật Như Lai nhập trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh (quán tưởng thành tựu, ngay trong đời hiện tại được niệm Phật Tam muội, tức là thân chứng thật tướng), quán ánh sáng thân Phật Vô Lượng, quán Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí, quán ngồi trong hoa sen và tưởng hoa sen khép nở, quán thân tương Phật Vô Lượng Thọ một trượng sáu đang đứng trên ao nước.

Phần trên là tiêu chuẩn niệm Phật quán tưởng, niệm Phật quán tượng, niệm Phật thật tướng, kế đến kinh này lại nói pháp môn niệm Phật vãng sanh chín phẩm, trong đó đề cập chỗ niệm Phật có:

a.- Thượng phẩm thượng sanh, tu hành lục niệm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thiên, niệm giới, niệm thí), hồi hướng phát nguyện một ngày cho đến bảy ngày liền được vãng sanh.

b.- Hạ phẩm thượng sanh, nghe được đầu đề của 12 bộ kinh đại thừa, trừ được ngàn kiếp ác nghiệp cực năng, lại dạy “Hai tay chắp lại xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, xưng danh Phật rồi”. Phật A Di Đà dùng hóa Phật, hóa Quán Thế Âm, hóa Đại Thế Chí, đến trước người ấy nghênh tiếp vãng sanh về cõi Phật.

c.- Hạ phẩm hạ sanh “Hoặc có chúng sanh tạo nghiệp bất thiện, ngũ nghịch thập ác, đủ các điều bất thiện”, đến lúc lâm chung, gặp được thiện trí thức vì người ấy nói diệu pháp, chỉ dạy niệm Phật, nếu chúng sanh này bị khổ bức bách “không thể niệm đức Phật kia, nên xưng danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ, chí tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật, niệm liên tục không dứt, đầy đủ mười niệm, xưng danh hiệu Phật rồi, ở trong mỗi niệm trừ được tội nặng trong đường sanh tử 80 ức kiếp… ở trong khoảng một niệm liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc, ở trong hoa sen mãn 12 đại kiếp hoa sen mới nở ra”. Thấy được hai vị đại Bồ Tát là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí vì người ấy mà nói pháp.

Theo kinh văn đã nêu, trừ ba loại niệm Phật quán tưởng, quán tượng và thật tướng, đối với chúng sanh phàm phu nói chung vẫn có thể dùng pháp môn lục niệm, xưng danh niệm Phật, đặc biệt đối với chúng sanh vãng sanh hạ phẩm nên dùng xưng danh niệm Phật là thích hợp nhất.

Phương pháp xưng danh niệm Phật, như phẩm Phương Tiện trong kinh Pháp Hoa có nói “Chỉ xưng Nam Mô Phật, đều đã thành Phật đạo”, lại nói “Tiếng vi diệu rất tinh, xưng Nam Mô chư Phật”.

Trong kinh Phật thuyết A Di Đà thì nói “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, nghe nói Phật A Di Đà, chấp trì danh hiệu ngài” một ngày cho đến bảy ngày đạt đến trình độ “nhất tâm bất loạn” thì lúc lâm chung liền được Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng đến trước người ấy tiếp dẫn vãng sanh về cõi Phật, xưng danh hiệu Phật, trì danh niệm Phật đều gọi là pháp môn niệm Phật.

6.- Phương pháp niệm Phật từ một niệm đến mười niệm

Trong nhiều đời các vị đại sư ở Trung Quốc, người tuyên duyên pháp môn niệm Phật tương đối nhiều, vả lại mỗi vị từ đề xuất phương pháp cụ thể niệm Phật sinh Tịnh độ.

Đại sư Đàm Loan thời Bắc Ngụy, chú giải “Vãng Luận” của ngài Thế Thân giải thích mười niệm vãng sanh như sau “Tâm không nghĩ gì khác, nhất tâm tương tục, niệm Phật A Di Dà đủ mười số gọi là mười niệm”. Lại nói ” Niệm mười niệm này, dùng ghi nhớ niệm làm nghĩa, duyên theo tướng hảo của Phật, xưng danh hiệu Phật, dùng tâm mười niệm tương tục, chuyên tâm vào Phật A Di Đà, rất là quan trọng”.

Trong An Lạc Tập quyển thượng của đại sư Đạo Xước triều Đường có nó “Chỉ nhớ niệm Phật A Di Đà, hoặc tổng tướng hoặc biệt tướng, tùy duyên mà quán, thẳng tắt mười niệm, không xen tạp niệm khác gọi là mười niệm”.

Tập “Vãng Sanh Lễ Tán Thích Bổn Nguyện Văn” do đại sư Thiện Đạo triều Đường có viết “Mười phương chúng sanh xưng danh hiệu ta, cho đến mười tiếng, nếu không được vãng sanh, ta không thành chánh giác”. Tức là dùng miệng niệm mười tiếng Phật để giải thích phép tu mười niệm.
Trong “Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu” của đại sư Tân La Nguyễn Hiền, giải thích mười niệm tức là xưng niệm danh hiệu không chút gián đoạn, niệm đủ mười số. Thuyết này với thuyết của ngài Đàm Loan giống nhau.

Học giả Nhật Bản cận đại là Vọng Nguyệt Tín Hạnh khảo sát chữ niệm dùng trong niệm Phật bằng chũ Phạn ý là tâm niệm (chữ Phạn là Citta) ở trong kinh Vô Lượng Thọ nói rõ chỗ ba hạng niệm Phật vãng sanh, chữ niệm trong Vô Lượng Thọ Phật ý là tùy niệm (chữ Phạn là Anusmrti) hoặc có ý là tư duy (chữ Phạn là Mansikr).

Đủ chứng tỏ chữ niệm trong mười niệm cho đến một niệm vốn là tâm ghi nhớ, tư duy thêm vào xưng danh niệm hoặc trì danh niệm, tức là trong miệng xưng danh hiệu Phật A Di Đà, đồng thời ở trong tâm cũng biết rõ là đang tuyên xưng danh hiệu Phật A Di Đà, trong tâm rõ ràng không có vọng tưởng tạp niệm, chỉ biết lấy từ trong miệng mình đang tuyên xưng danh hiệu Phật, một tiếng Phật hiệu này cũng là một thời niệm niệm Phật, trong miệng niệm liên tục không gián đoạn cho đủ mười tiếng, trong tâm không có xuất hiện tạp niệm nào khác, đó là mười niệm tương tục cũng là niệm Phật mười niệm.

7.- Ngũ niệm môn

Đại sư Đàm Loan thời Bắc Ngụy được tôn là thủy tổ tu pháp Tịnh độ tại Trung Quốc có chú thích “Vãng sanh luận” của Bồ tát Thế Thân, giải thích Ngũ niệm môn của Bồ tát Thế Thân chủ trương như sau:

a.- Lễ bái môn: Trong tâm nguyện sanh về cõi nước an lạc, cần phải lễ bái Phật A Di Đà.
b.- Tán thán môn: Xưng niệm danh hiệu Tận Thập Phương Vô Ngại Quang Như Lai (tên khác của Phật A Di Đà).
c.- Tác nguyện môn: Như thật tu hành Xa Ma Tha (tu chỉ).
d.- Quán sát môn: Như thật tu hành Tỳ Bà Xá Na (tu quán).
e.- Hồi hướng môn: Đem tất cả công đức căn lành có được, vì muốn bạt trừ tất cả khổ của chúng sanh, mà nguyện nhiếp thủ họ đồng sinh về cõi nước an lạc.

Phương pháp niệm Phật ngũ niệm môn này thật là Lễ Bái Đức Di Đà tin nguyện được vãng sanh, xưng danh niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, phát tâm Bồ đề quảng độ chúng sanh.

8.- Ngũ phương tiện niệm Phật môn

Ngũ phương tiện niệm Phật môn của đại sư Trí Khải tông Thiên Thai triều Tùy giới thiệu tu pháp niệm Phật môn như sau:

a.- Xưng danh vãng sanh niệm Phật tam muội môn: Hành giả lúc miệng xưng Nam Mô A Di Đà Phật, tâm phát nguyện sanh về Tịnh độ nước Phật. Môn này là vì chúng sanh thích xưng danh hiệu Phật nói nói.

b.- Quán tướng diệt tội niệm Phật tam muội môn: Hành giả tưởng hình tượng Phật chuyên chú không thôi, bèn được thấy Phật, các tội chướng đều được tiêu trừ. Môn này là vì người ưa thích thấy thân Phật, lo sợ tội chướng mà nói.

c.- Chư cảnh duy tâm niệm Phật môn: Hành giả quán tưởng thân Phật là tự tâm sanh khỏi, không có cảnh giới nào khác. Môn này là vì người tâm mê chấp cảnh mà nói.

d.- Tâm cảnh câu ly niệm Phật môn: Hành giả quán tưởng tâm này, cũng không phải tự mình có thể được. Môn này là vì người hay suy tín tự tâm thật có mà nói.

e.- Tánh khởi viên thông niệm Phật tam muội môn: Hành giả lúc này vào sâu định vắng lặng, sắp nhập Niết bàn, nương nhờ vào sự gia bị hộ niệm của chư Phật mười phương, hưng khởi công năng trí tuệ, trong khoảng một niệm thanh tịnh cõi nước của Phật, thành tựu chúng sanh. Môn này là vì người ưa thích định vắng lặng nhập cảnh giới Niết bàn mà nói.

Ngũ phương tiện niệm Phật môn đã nêu trên, thứ nhất là xưng danh niệm Phật, thứ hai là quán tướng niệm Phật, thứ ba và thứ tư là nhân hành và quả cảnh của thật tướng niệm Phật, thứ năm là phát đại Bồ đề tâm.

Đại sư Trí Giả từ trong văn này, đặc biệt cường điệu “Nếu dùng một lời nói mà đầy đủ các môn, thì không gì qua niệm Phật”. Lại nói “Nếu lúc niệm Phật, nên biết người này cùng với đức Văn Thù Sư Lợi không có khác biệt”.

9.- Pháp tu trì niệm Phật tam muội

Trong kinh Địa Tạng, giới thiệu kinh luận về niệm Phật tam muội và các trứ thuật của lịch đại Tổ sư tương đối nhiều, chẳng hạn như: Ban Chu tam muội trong kinh Ban Chu Tam Muội, Kinh Đại A Di Đà quyển hạ, phẩm nhập pháp giới trong kinh Hoa Nghiêm dịch đời Tấn, Nhất Hạnh Tam muội trong kinh Văn Thù Sư Lợi sở thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Đại Trí Độ Luận quyển 21, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận quyển 12, Tư Duy Lược Yếu Pháp, Nhiếp Đại Thừa Luận quyển hạ, Ngũ Phượng Tiện niệm Phật môn của Trí Khải tông Thiên Thai, Hoa Nghiêm kinh Hạnh nguyện phẩm Biệt Hành sớ sao quyển 4 của Ngũ Tổ Tông Mật tông Hoa Nghiêm, An Lạc Tập quyển hạ của Đạo Xước, Thích Tịnh Độ Quần Nghi luận quyển 7 của Hoài Cảm.

Y cứ theo các tư liệu trên thì tu pháp niệm Phật tam muội phải đầy đủ:

a.- Phải có chỗ nhất định, kỳ hạn nhất định.
b.- Phải có tín nguyện vãng sanh cõi Phật.
c.- Phải dùng tâm chí thành thường niệm Phật không dứt.
d.- Niệm Phật phải có thứ lớp tiến dần, có thể chia làm bốn cấp:

– Xưng danh niệm Phật: Buông bỏ các ý tạp, mỗi tiếng một câu, niệm niệm tương tục, miệng niệm danh hiệu Phật, tâm buộc vào tiếng niệm Phật.
– Quán tượng niệm Phật: Buông bỏ các ý tạp, niệm niệm quán sát 32 tướng, 80 vẻ đẹp của thân hình đức Phật, phóng ra ánh sáng lớn ở trong chúng nói pháp.
– Quán tưởng niệm Phật: Buông bỏ các ý tạp, niệm niệm hướng tâm về cõi nước Phật, quán tưởng y chính trang nghiệm của Tịnh độ quốc, cùng tất cả công đức pháp thân, tu trí giải thoát của Phật, Bồ tát và La hán.
– Thật tướng niệm Phật: Buông bỏ các ý tạp, không giữ tướng mạo trong ngoài, niệm niệm tương tục, quán tưởng thể nghiệm, tâm Phật chúng sanh, tất cả các pháp, thật tướng vô tướng, chân tâm vô tâm, chẳng không chẳng có, tức không tức có, chân tục không hai, vạn pháp bình đẳng.

Bốn thứ lớp nêu trên, hàng phàm phu tốt nhất nên từ xưng danh hiệu niệm Phật khởi tu, nếu được thân tâm an ổn tiến tu tầng cấp thứ hai, thứ ba, cho đến thật tướng niệm Phật thì tương đương với minh tâm kiến tánh của Thiền tông. Cần phải tiêu trừ nghiệp chướng, thân tâm an ổn, không sanh phiền não nhân ngã mới có thể tu trì được, trái lại chỉ luống công nhọc mệt, lại còn tự dối mình dối người. Làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng? Xưng danh niệm Phật, lễ bái, sám hối, phát tâm Bồ đề là phương pháp tốt nhất.

Tuy nhiên đại sư Ấn Quang thời gần đây cho rằng người hạ căn ở thời đại mạt pháp này, trong bốn loại niệm Phật nói trên, thật tướng niệm Phật là pháp môn khó trong khó. Thế nhưng đời Minh Thanh, vẫn có không ít tăng tục đại đức, chuyên tu niệm Phật tam muội như đại sư Liên Trì (Vân Thê Châu Hoằng) cuối đời Minh, ngài Tỉnh Am (Thật Hiền) triều Thanh đều từng khắc kỳ tu trì niệm Phật tam muội, lấy một trăm ngày làm kỳ hạn. Đại sư Liên Trì từng nói: “Một câu A Di Đà Phật, gồm đủ tám giáo, viên nhiếp năm tông, nên biết niệm Phật tam muội tức là căn nguyên một đời giáo hóa của Phật”. Lại đem trì danh niệm Phật chia làm:

– Minh trì, niệm ra tiếng.
– Mặc trì, niệm không ra tiếng.
– Bán minh bán mặc trì (giống như Kim cang trì của Mật tông), niệm hơi khẻ động môi, Hoặc ký số niệm, hoặc không ký số niệm đều được.

Đại sư Liên Trì lại chủ trương chấp trì danh hiệu trong kinh A Di Đà. Chấp là nghe danh hiệu, trì là nhận và giữ lấy danh hiệu Phật, không lúc nào quên, mà chấp trì này có thể chia ra:

– Sự trì, nhớ niệm không gián đoạn.
– Lý trì, thể cứu không gián đoạn.

Cùng cực của chấp trì là được nhất tâm, cũng có thể chia làm:

– Sự nhất tâm, tức là nghe danh hiệu Phật, thường nhớ niệm Phật, chữ chữ phân minh, tương tục không dứt, chỉ có một niệm này.

– Lý nhất tâm, nghe danh hiệu Phật, không chỉ nhớ niệm, mà còn nên phản quan, xem xét tỉ mỉ, nguồn gốc sâu sa, nơi bản tâm mình, hốt nhiên được khế hợp.

Còn đại sư Ngẫu Ích thì giải thích chấp trì danh hiệu là chấp trì danh hiệu Phật A Di Đà đạt đến chỗ nhất tâm bất loạn. Nếu có thể niệm niệm hằng nhớ danh hiệu Phật tam muội không lúc nào quên gọi là chấp trì. Cũng có thể chia làm hai giai đoạn:

– Sự trì, chưa đạt được lý tâm này là Phật, tâm này làm Phật như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ đã nêu.

– Lý trì, tin đức Phật A Di Đà ở phương Tây trong tâm ta vốn đủ, là do tâm ta tạo, đem danh hiệu vốn đầy đủ trong tâm mình mà làm cảnh để buộc tâm. khiến cho tạm không quên. Nếu từ chỗ hàng phục được phiền não cho đến kiến hoặc tư hoặc trừ hết, đều gọi là sự nhất tâm, nếu niệm đến chỗ tâm khai, thấy được bản tánh Phật, đều gọi là lý nhất tâm. Ngài không đồng ý cái lý thể cứu của đại sư Liên Trì, vì cho rằng lý nhất tâm đem làm phương pháp thể cứu niệm Phật hoặc tham cứu niệm Phật, chẳng qua là một loại phương tiện nhiếp Thiền tông về Tịnh độ mà thôi. Trên sự thật đại sư Liên Trì dựa vào kinh nghiệm tu thiền mà đem lý nhất tâm và lý trì, giải thích cho là minh tâm kiến tánh của Thiền. Đại sư Ngẫu Ích thì từ trên lý luận phận biệt thuyết minh Thiền là Thiền, Tịnh độ là Tịnh độ, không nên lẫn lộn. Lời pháp của đại sư Liên Trì là từ sự kết hợp thể nghiệm tu chứng và luận điểm Thiền Tịnh, mà đưa ra pháp môn tu niệm Phật như thế nào để không trái với pháp môn tu Thiền.

Lại do đại sư Trí Giả tông Thiên Thai từng nói: “Có bốn loại tam muội (thường đi, thường ngồi, nửa đi nửa ngồi, chẳng đi chẳng ngồi), đồng gọi là niệm Phật tam muội, niệm Phật tam muội là vua trong tam muội”. Vì thế đại sư Ngẫu Ích cuối đời Minh cũng nói: “Niệm Phật tam muội gọi là Bảo Vương Tam Muội, là vua trong tam muội”, còn cho rằng niệm Phật Tịnh độ của phái Lô Sơn là niệm tha Phật (Phật ngoài), còn Đạt Ma truyền lại là niệm tự Phật (Phật chính mình), phái của Vĩnh Minh Diên Thọ là niệm tự tha Phật lý sự song tu, Thiền Tịnh đều đủ. Chẳng qua bản thân của đại sư Ngẫu Ích chưa điều lý được phương pháp thật tiễn của niệm Phật tam muội, ngài từ chỗ tổng hợp quan điểm của các nhà Thiền Tịnh mà thôi.

Tóm lại, niệm Phật tam muội là Bảo Vương tam muội, vua trong tam muội. Chúng ta nên khuyến khích hành giả tịnh nghiệp nên tu hành theo pháp niệm Phật này. Hành pháp chín mươi ngày theo Ban Chu tam muội thì phải thường đi, thường nằm, không ngồi, không được nghỉ, đối với người bình thường mà nói rất khó mà hành trì được. Nhưng ở vào thời đại của đại sư Liên Trì từng khích lệ không ít cư sĩ tu hành niệm Phật tam muội đạt được kết quả, cũng lấy chín mươi ngày làm kỳ hạn.

Do đó, nên đem bốn cấp tu pháp niệm Phật tam muội như đã nêu trên, phối hợp với kỳ hạn chín mươi ngày để tu tập rất thích hợp.

10.- Niệm Phật lớn tiếng (cao thanh niệm Phật)

Xưng danh niệm Phật lại còn gọi là trì danh niệm Phật, xưng danh cần dùng miệng niệm ra tiếng, trì danh hoặc có thể ra tiếng cũng có thể niệm thầm, hoặc có thể khẻ động môi. Xưng danh niệm Phật tại Trung Quốc thực hành đã lâu. Đại sư Phi Tích đời Đường có soạn quyển Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận. Trong quyển Trung của luận này đặc biệt đề xướng phương pháp “niệm Phật lớn tiếng”. Tiếng vang của âm thanh niệm Phật được hình dung là “tiếng vang dội thôn xóm, chấn động cả núi rừng”. Xét về lý thì phương pháp niệm Phật lớn tiếng có năm đặc điểm sau:

“Điều cốt yếu của sự nhiếp tâm hay tán loạn chính là ở âm thanh. Sự phát tâm mà không cố gắng dụng công thì tâm thức sẽ nông nổi, hời hợt, phiêu dạt khó có thể kiên định được. Nếu khi phát thanh mà cố gắng dụng công âm thanh dìu dặt, đôn đốc nhau, sau đó đạt đến chỗ dốc cạn hết bình sinh, buông xả bao phiền muộn. Đó là đặc điểm thứ nhất, nếu nói một cách đơn giản trước mắt thì khi âm hưởng của câu niệm Phật rền trong tâm khảm, muôn ngàn tai họa thảy đều tiêu trừ, công đức tu hành vòi vọi như đỉnh tùng trên Thiên lãnh. Đó là đặc điểm thứ hai. Nếu nói xa hơn nữa, niệm Phật lớn tiếng có thể chiêu cảm từ quang rạng ngời chiếu diệu, tầng không hoa báu như mưa, tất cả đều nhờ âm thanh mà cảm được như thế. Đó là đặc điểm thứ ba. Lại nữa, giống như người lăn đá, hòn đá quá nặng không dễ gì nhích tới được. Nếu họ hét to lên một tiếng thì có thể nhấc lên dễ dàng. Đó là đặc điểm thứ tư. Khi cùng chiến đấu với ma quân, cờ xí phất phới, tiếng chiêng vang vọng, dùng thanh thế hiên ngang để phá tan cường địch. Đó là đặc điểm thứ năm”.

Đầy đủ năm nghĩa này thì còn sợ gì nữa? Nếu không thể song toàn ở hai trạng thái tĩnh và động thì song tu chỉ quán, hiệp với Phật ý há chẳng được sao? Khi định huệ quân bình thì đó chính là Phật tâm bặt hết năng sở?

Ngài Phi Tích cường điệu niệm Phật lớn tiếng có năm nghĩa, chứng minh công năng kỳ diệu của tiếng có thể định được tâm, trừ lo âu, tiêu tai họa, nhấc vật nặng, hàng phục ma, thạm chí đạt được trình độ thật tướng niệm Phật, chỉ quán song vận, định tuệ ngang nhau, tâm Phật đều quên v.v…

11.- Niệm Phật ngũ hội

Đại sư Pháp Chiếu triều Đường y cứ vào kinh Vô Lượng Thọ quyển thượng, có soạn một quyển “Tịnh độ ngũ hội niệm Phật lược pháp dự nghi tán”, đề xướng niệm Phật ngũ hội:

“Hoặc có cây báu, xa cừ làm gốc, vàng tía làm lá, san hô làm hoa, mã não làm quả. Hàng cây trồng đều nhau, lá cùng hướng, hoa trổ có thứ lớp, quả ra đều đặn, sắc tươi tỏa sáng, nhìn không thể xiết, gió thường nổi lên, phát ra năm thứ tiếng, cung thương vi diệu… hòa hợp tự nhiên”.

Lại kinh A Di Đà cũng miêu tả các thứ động thực vật trong nước Cực Lạc giống như kinh Vô Lượng Thọ như “Gió nhẹ thổi động các hàng cây báu và lưới báu, phát ra tiếng vi diệu ví như trăm ngàn thứ nhạc phát ra cùng lúc, người nghe âm thanh này đều sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”. Đại sư Pháp Chiếu dựa theo đây mà đề xướng pháp minh phương pháp niệm Phật ngũ hội.

Kỳ thực trong kinh chỉ nói “Phát ra năm thứ tiếng”, chỉ cho “cung, thương, giốc, chủy, vũ” loại âm nhạc xưa dùng để phổ nhạc, chứ không có ý là ngũ hội.

Ý của ngài Pháp Chiếu sử dụng ngũ hội có nghĩa là “Ngũ là số, hội là tập hợp. Năm loại âm thanh ấy từ hưỡn đến gấp, chỉ niệm Phật pháp Tăng, không có tạp niệm, niệm tức không niệm, Phật không có hai môn, tiếng thì vô thường là đệ nhất nghĩa”. Ngài lại nói “Người nghe âm thanh ấy được vào sâu pháp nhẫn, trụ nơi bất thối chuyển, cho đến thành Phật đạo”.

Đủ biết niệm Phật ngũ hội chính là dùng năm thứ âm phổ nhạc niệm Phật, trầm bổng, ngừng ngắt, hưỡn gấp, khiến cho người không đến nỗi rơi vào hôn trầm toán loạn, mà còn tùy theo tiết tấu âm nhạc, sản sinh cảm giác thú vị khiến cho tâm thần an định và vui vẻ. Nếu có thể chuyen tinh trì danh niệm Phật liên tục cũng có thể hoàn thành niệm Phật tam muội Ngũ hội là theo thứ tự từng giai đoạn niệm Phật, tiến hành theo phương pháp sau:

– Hội thứ nhất, niệm chậm tiếng bình Nam Mô A Di Đà Phật.
– Hội thứ hai, niệm chậm tiếng cao Nam Mô A Di Đà Phật.
– Hội thứ ba, niệm không chậm không nhanh Nam Mô A Di Dà Phật.
– Hội thứ tư, niệm nhanh dần Nam Mô A Di Đà Phật.
– Hội thứ năm, chuyển niệm nhanh bốn chữ A Di Đà Phật.

Thật ra, phương pháp niệm Phật của các tự viện tại Trung Quốc hiện nay, trên đại thể đều áp dụng giống như niệm Phật ngũ hội này, chẳng qua có đôi chút khác biệt mà thôi. Có một số nơi tổ chức tương đối khá, khiến người ta đến tham sự cộng tu niệm Phật, cảm hóa được trạng thái an lạc và mát mẻ. Thế nhưng hiện nay tại Đài Loan cũng có phổ thành nhạc khúc, do niệm Phật ngũ hội đệm nhạc cụ vào, khiến cho người nghe có cảm giác thư thái nhẹ nhàng, hưng phấn đầy đạo vị, nhưng dường như lại đánh mất đi phong cách Phạm ca, khiến cho người ta rất khó thành tựu dược niệm Phật tam muội.

12.- Niệm Phật ký số mười niệm

Đại sư Ấn Quang năm đầu Dân Quốc, là vị Tổ sư vĩ đại sau cùng hoằng dương Tịnh độ Di Đà tại Trung Quốc cho đến nay, trong “Ấn Quang đại sư văn sao” có một chương “Chỉ bày phương pháp tu trì” rất thực dụng đối với người tu tịnh nghiệp, mà ngài đã đặc biệt khai thị về phương pháp niệm Phật. Độc giả nêm tìm đọc để hiểu thêm. Hiện tại chỉ rút ra hai loại phương pháp niệm Phật mà người niệm Phật hiện nay đều có thể ứng dụng được:

a.- Pháp môn mười niệm: Nếu vì công việc đa đoan, không có cách gì sinh hoạt theo thời khóa công phu sớm tối như tự viện được, nên vào lúc sáng sớm thức dậy súc miệng xong, lễ Phật ba lễ, ngồi ngay thẳng chắp tay, niệm Nam Mô A Di Đà Phật, dứt một hơi là một niệm, niệm đến mười hơi, rồi niệm văn Tịnh độ ngắn, hoặc chỉ niệm bốn câu kệ “Nguyện sanh Tây phương Tịnh đô trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh, bất thối Bồ tát vi bạn lữ”. Niệm xong lễ Phật ba lạy là hoàn thành công khóa pháp môn mười niệm buổi sáng. Nếu không có tượng Phật thì xoay mặt về hướng Tây xá ba xá. Pháp này do ngài Tuân Tức triều Tống sáng lập, vì đương thời vua quan quá bận rộn với triều đình nên ngài mới soạn ra phương pháp này. Pháp này có thể giúp cho tâm gom về một chỗ, nhất tâm niệm Phật, quyết định được vãng sanh.

b.- Pháp môn niệm Phật ký số mười niệm: Nhiều người niệm Phật thích dùng chuỗi hạt dài hoặc ngắn để ký số, thế nhưng đại sư Ấn Quang dạy hành giả tịnh nghiệp ký số mười niệm là không nên lần hạt, chỉ dùng tâm ghi nhớ.

Đại sư Ấn Quang nói: “Ký số mười niệm là dùng sức toàn tâm để vào một tiếng niệm Phật… đây là diệu pháp cứu cánh nhiếp tâm niệm Phật, các vị hoằng dương pháp môn Tịnh độ xưa kia chưa từng nói đến”. Ngài lại nói: “Bậc lợi căn thì không phải nói, như đối với hàng độn căn chúng ta, bỏ qua pháp ký số mười niệm này, muốn nhiếp được sáu căn, tịnh niệm nối luôn, thật là khó lắm”. Ngài lại nói: “Cái mầu nhiệm của pháp này là thực hành nhiều thì hiệu nghiệm nhiều”. Thế nào là ký số mười niệm? Tức là đang lúc niệm Phật, từ khi xưng niệm câu thứ nhất Nam Mô A Di Đà Phật đến câu thứ mười Nam Mô A Di Đà Phật, mỗi lần xưng niệm một câu phải niệm cho được rõ ràng, ghi nhớ cho rõ ràng, niệm cho đến mười câu là hoàn tất, rồi lại ký số niệm Phật từ câu thứ nhất đến câu thứ mười, cứ như thế dứt mười câu rồi lại niệm từ một đến mười.

Nếu suốt mười câu thấy khó nhọc thì có thể chia làm hai hơi, từ một đến năm, từ sáu đến mười. Nếu lại tổn sức thì chia làm ba hơi, từ một đến ba, từ bốn đến sáu, từ bảy đến mười. Xưng niệm danh hiệu Phật như thế, niệm được cho rõ ràng, nghe cho được rõ ràng, vọng niệm sẽ không còn chỗ đứng, lâu dần sẽ tự nhiên đạt được nhất tâm bất loạn.

Phương pháp ký số niệm Phật này, lúc tôi hướng dẫn tu thiền và phương phháp niệm Phật cũng thường giới thiệu cho những học giả mới, những người tu thiền nếu tu pháp sổ tức thấy khó thì nên dùng ký số mười niệm này rất là thuận lợi. Cho nên bản thân tôi cũng rất cảm ân đại sư Ấn Quang đã phát minh ra diệu pháp niệm Phật ký số mười niệm này.

Trích Niệm Phật Sinh Tịnh Độ
Tác giả: Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Chân Tín

Thật Thà Niệm Phật

Thật Thà Niệm Phật“Trong thời đại Mạt pháp, trăm triệu người tu hành hiếm lắm mới có một người đắc đạo, duy chỉ nhờ ở niệm Phật mà được độ”.

Trong thời đại Mạt pháp, dù có trong trăm triệu người tu hành cũng không nhất định có được một người đắc đạo, cũng may là có Pháp môn Niệm Phật mà có thể thoát khỏi vòng sanh tử, ly khổ đắc lạc, vãng sanh thế giới Tây Phương.

Chúng ta không may sanh vào thời ma cường pháp nhược, mạt pháp cách xa Phật quá lâu, nhưng trong cảnh bất hạnh lại gặp may mắn là có “Pháp môn Niệm Phật”. Pháp môn Niệm Phật vừa tiết kiệm tiền, lại không tổn phí tinh thần, vừa dễ dàng, lại còn thuận tiện, và niệm Phật sẽ thành Phật.

Vì sao niệm Phật sẽ thành Phật? Bởi vô lượng kiếp trước đức Phật A Di Ðà phát 48 đại nguyện. Trong 48 nguyện nầy, có nguyện nói: “Nếu có chúng sanh nào niệm danh hiệu ta, nếu không sanh vào cõi Cực Lạc, ta thề không thành chánh giác”. Tất cả nguyện lực của đức A Di Ðà Phật phát ra, nguyện nguyện đều là tiếp thọ chúng sanh về cõi Tịnh Ðộ.

Ðiều kiện là chúng sanh phải có lòng tin, tin có đức Phật A Di Ðà đang ở tại Tây phương thế giới Cực Lạc, mà nguyện vãng sanh làm đệ tử của Ngài, và thực tâm xưng niệm danh hiệu của Ngài. Phải đủ tín, nguyện và hạnh tất sẽ sanh về Tây Phương.

Thế giới Cực Lạc không sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, không có ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Tuy có bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, chim cộng mạn, nhưng những giống chim đó đều do của đức A Di Ðà muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa ra.

Ðây là cảnh giới biến hóa hiện ra, chớ không phải là thật có súc sanh. Cực Lạc thế giới không có trăm nghìn sự khổ như cõi Ta-bà, cùng muôn điều ác và phiền não. Cực Lạc thế giới thì ngày đêm sáu thời đều diễn thuyết Diệu Pháp, niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng.

Nhưng, chúng ta muốn vãng sanh Cực Lạc thế giới thì phải “thật thà niệm Phật” (lão thật niệm Phật), không thể không thật thà niệm. Thật thà niệm là chuyên nhất tâm mình mà niệm, không màng sẽ thành Phật hay không thành Phật, cũng không màng sẽ được vãng sanh hay không vãng sanh.

Phải dụng công ngay ở điểm nầy, mà khi niệm Phật đã thành thục chuyên nhất, được nhất tâm bất loạn rồi, thì khi sắp lâm chung đức A Di Ðà nhất định tiếp rước quý vị đưa đến thành Phật.

Vì sao chúng ta chỉ là người lao động bình thường mà đức Phật Di Ðà đến tiếp đón chúng ta? Ðiều nầy thật khó tin. Ðúng vậy! Ðây chính là pháp khó tin, là nan tín chi pháp. Cho nên không ai hỏi mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại tự nói Kinh A Di Ðà. Bởi vì không ai biết, dù có kẻ biết cũng không tin pháp nầy, nên Ðức Thích Ca Mâu Ni từ bi khẩn thiết nói cho chúng sanh chúng ta trong thời Mạt pháp biết con đường tắt Mạt pháp tu hành này.

“Thật thà niệm Phật” tức miệng niệm tâm cũng niệm, đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật A Di Ðà. Khẩu niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà, thân hành trì theo hạnh của Ðức Phật A Di Ðà. Hành hạnh gì? Giống như chúng ta hiện tại đang đả Phật Thất, bất luận bận thế nào cũng buông bỏ để tham gia Thất, phải niệm cho được nhất tâm bất loạn.

Nhất tâm bất loạn tức là mỗi niệm đều niệm, niệm niệm tương tục, không phải niệm một lúc thấy mệt mỏi, bèn muốn bỏ đi nghĩ, giải đãi lười biếng, như thế không thể nào đắc được Niệm Phật Tam-muội. Ðó chính là không thật thà niệm Phật. Thật thà niệm Phật tức nhất tâm nhất ý lại niệm Phật. Lúc niệm Phật quên cả chuyện ăn uống, mặc áo, đi ngủ.

Nguyên lai ăn uống, may mặc, ngủ nghỉ là chuyện thường tình người đời khó ai bỏ đặng, mỗi cá nhân ngày ngày không thể thiếu những điều đó. Nhưng khi niệm Phật mà quên cả ba chuyện đó, không biết là có ăn uống hay chưa, có mặc áo, đói lạnh, ngủ thức hay không? Ðó chính là thật thà niệm Phật.

Nếu, còn biết lúc nào phải đi ăn cơm, đây không phải là thật thà niệm Phật. Hoặc nghĩ tưởng mặc thêm áo khi trời lạnh, đây không phải là thật thà niệm Phật. Hoặc muốn đi nghỉ khi thiếu ngủ, đây cũng không phải là thật thà niệm Phật. Thực thà niệm Phật là bất luận đi đứng nằm ngồi chỉ biết có sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Ðà Phật”.

Quý vị niệm thành một chuỗi liên tục không dứt, cho đến tiếng nước chảy đến cũng là “Nam Mô A Di Ðà Phật”, tiếng gió thổi cũng là “Nam Mô A Di Ðà Phật”, tiếng chim kêu cũng là “Nam Mô A Di Ðà Phật”. Phải niệm cho đến tiếng “Nam Mô A Di Ðà Phật” và bản thân mình tách không rời. Niệm cho đến ngoài “Nam Mô A Di Ðà Phật” không còn cái tôi nữa, ngoài cái tôi lại cũng không còn “Nam Mô A Di Ðà Phật” nữa.

Cái tiếng niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật” của tôi và tôi hợp thành một. Bấy giờ, gió có thổi cũng không xuyên qua, mưa rơi cũng không lọt vào, như thế là đạt đến Niệm Phật Tam Muội. Gió thổi, nước chảy đều là diễn nói Diệu Pháp, đều niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật”, đây chính là “Thật Thà Niệm Phật”.

Giả như nước chảy biết có nước chảy, gió động biết tiếng gió động, hoặc ngó ngang nhìn dọc xem động tĩnh chung quanh, thế tức là không thật thà niệm Phật. Nếu vừa niệm Phật vừa nhìn trước ngó sau như muốn trộm đồ, đó chính là không thật thà niệm Phật.

Thật thà niệm Phật là niệm niệm đều niệm (niệm tư tại tư), vọng tưởng gì cũng không có, cũng không nghĩ đến ăn món gì, hay uống trà, quên hết tất cả, đó chính là thật thà niệm Phật. Không có bí quyết gì cả, chỉ cần giữ tâm trụ ở chỗ niệm Phật, không nghĩ vớ vẫn thì đó là thật thà niệm Phật.

Quý vị không khống chế được tâm, để nó quấy động thời đó chưa phải thật thà niệm Phật. Quý vị đề khởi chánh niệm, đó là thật thà niệm Phật. Quý vị cố nghĩ đông nghĩ tây không ngớt, khởi tà niệm, nghĩ đến điều xằng bậy, là không thật thà niệm Phật.

Cho nên niệm Phật một cách thực thà thì vi diệu không thể nói, khi quý vị thật thà niệm Phật thời đạt Tự Tại, vô nhân, vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ giả, chỉ có tiếng Nam Mô A Di Ðà Phật.

Nói là Pháp, má hành mới là Ðạo. Chỉ nói mà không hành là như đếm tiền của người, không được chút nào lợi ích. Hôm nay tôi giảng đạo lý nầy để quý vị hiểu rõ, rồi thì phải thật thà niệm Phật, thực thà dự Thất, đây là thời gian quý báu nhất trong cuộc đời chúng ta, đừng để nó trôi qua luống uổng. Hy vọng quý vị nổ lực niệm Phật, đem tất cả ba tâm: kiên, thành, hằng để niệm Phật, đả Phật Thất.

Hòa thượng Tuyên Hóa

Kệ Niệm Phật Hạ Thủ Công Phu

Kệ Niệm Phật Hạ Thủ Công Phu“Một câu A Di Đà
Không gấp cũng không hưỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ”.

Khi hạ thủ công phu, ở nơi một câu hồng danh của Phật “ Nam mô A Di Đà Phật, niệm cho được vừa chừng, không quá mau (không gấp), cũng không quá chậm (không hưỡn), là niệm cho đều đặn.

Kế đó, phải giữ làm sao cho tiếng niệm Phật cùng với tâm mình hiệp khắn nhau, nghĩa là tâm phải duyên theo tiếng, tiếng phải nằm ở trong tâm, không để cho nó xao lãng theo một tiếng gì khác. Hễ nó thoạt rời đi thì phải nhiếp kéo nó trở lại liền, để nó trụ nơi cái tiếng, như vậy gọi là “Tâm tiếng hiệp khắn nhau”.

Nghĩa là cái tâm và cái tiếng không khi nào rời nhau, mà tâm và tiếng không rời nhau thì đó mới gọi rằng thiết thật niệm Phật. Chớ nếu trong lúc mình niệm Phật mà mình lại tưởng và niệm những việc khác, đó là mình niệm việc khác chớ đâu phải là thật niệm Phật. Nếu là thật niệm Phật thì trong tâm mình chỉ nhớ và tưởng Phật mà thôi.

Bây giờ niệm danh hiệu Phật, tất nhiên là mình nhớ và tưởng lấy ở nơi cái tiếng niệm Phật, cái hiệu của Phật, như vậy mới gọi là thiết thật niệm Phật. Thành ra, mình làm cái gì cũng phải cho thiết thật trúng cái đó, chớ nếu sai đi, tất nhiên khó có thể thành công được, do đó mới có câu “Tâm tiếng hiệp khắn nhau”.

Nên nhớ kỹ lắm mới được! Khi niệm Phật phải nhớ câu đó và phải làm cho đúng theo mới có lợi lạc. Nếu được tâm tiếng hiệp khắn nhau như vậy mới gọi là niệm đúng cách và thiết thật.

Giờ đây, phải “ Thường niệm cho rành rõ” . Tâm tiếng hiệp khắn nhau rồi, nhưng phải để ý cho nó rành. Rành là rành rẽ, tức là từ tiếng, từ câu không có lộn lạo; còn rõ là rõ ràng. Tiếng niệm Phật cho rõ ràng, hễ “ Nam” thì rõ tiếng “ Nam”. “A” thì “A”, cho đến “phật” thì “Phật”. Cái tiếng không trại đi, phải cho thật rõ, vì điều này rất cần lắm.

Nếu mình niệm mà không nhận cho rành rẽ và rõ ràng, niệm một cách bơ thờ, về sau khi công phu được thuần thục, mà khi được thuần thục rồi, cái niệm trong tâm nó tự nổi lên cũng không rành rõ, nó hơi trại đi.

Còn nếu lúc nào cũng giữ cho rành rõ, thì khi thuần thục, thì trong tâm mình nó cũng nổi lên tiếng miệm Phật rõ lắm, điều này rất quan trọng. Nên nhớ chữ “Thường” nếu muốn được cái tâm mà từ sau nó tự niệm lấy nó, không cần ép buộc nó mới niệm, phải thường, nghĩa là luôn luôn niệm cho được nhiều giờ và thời gian cho được tương tục nên gọi là thường.

Chớ nếu trong một ngày, một đêm mà chỉ niệm có một hay hai tiếng đồng hồ thôi, còn hai mươi hai tiếng kia nghĩ việc này việc nọ thì biết bao giờ tâm mới thuần thục được! Phải tập cho nó niệm luôn, lâu ngày thành quen thuộc.

Nhưng bây giờ mình bận đủ công việc, đâu phải như những vị rảnh rang, cấm túc, kiết thất hay tịnh niệm, tịnh khẩu chẳng hạn, vậy mình phải làn sao đây ? Tất nhiên trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi và lúc rảnh, phải bắt tâm mình nó niệm Phật, trừ khi nào tâm mình bắt buộc chú trọng đến những công việc gì khác, nhưng xong rồi phải nhớ niệm Phật lại.

Ví như lúc mặc áo cũng niệm Phật được, bởi vì lúc đó cái tâm có thể rảnh để niệm Phật. Lúc ngồi ăn cơm cũng vẫn niệm Phật được, hoặc lúc nằm nghỉ… chớ không phải chỉ niệm Phật lúc ở trước bàn Phật có chuông, có mõ quỳ nơi đó. Nếu chỉ có như vậy thì thời gian ít lắm, không thể gọi là thường làm được, và nếu không làm được như vậy thì khó thuần thục, khó thành thói quen. Về công hạnh niệm Phật, điều đó cần phải nhớ lắm mới được.

“ Nhiếp tâm là Định học
Nhận rõ chính Huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ.”

Trong một câu niệm Phật gồm cả ba môn Vô lậu học mà các vị đệ tử của Phật cần phải thực hành là Giới, Định, Huệ. Như vậy, trong câu niệm Phật đang thực hành mà tương ưng với Giới, Định, Huệ là thế nào ? Đáng lẽ là bài kệ phải nói Giới trước rồi mới tới Định và Huệ, nhưng vì phải theo việc trình bày, thành ra phải để Giới về sau.

Trước hết là mình nhiếp tâm niệm Phật cho đúng và cũng phải cố gắng khuyên những ngưòi có duyên với mình đều phải tín, phải nguyện và thực hành như mình để cho mình cùng tất cả mọi người được lợi ích nơi Pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc thế giới mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy và đúng theo bản hoài của Ngài là muốn cho tất cả chúng sanh đều thành Phật.

Tóm lại, mấy câu kệ nói trên nói về nơi hạ thủ công phu. Ở nơi một câu hồng danh của Phật “ Nam Mô A Di Đà Phật” hay là “ A Di Đà Phật”, niệm cho vừa chừng, không quá mau gọi là không gấp, không quá chậm gọi là không hưỡn và nơi đó phải nhiếp tâm theo cái tiếng niệm Phật. Tâm với tiếng phải đi đôi với nhau, gọi là tâm tiếng hiệp khắn nhau. Phải niệm cho được nhiều giờ trong ngày đêm.

Khi niệm cái tiếng phải cho nó rõ ràng, nhận cho nó rành rõ, nên gọi rằng thường niệm cho rành rõ. Kế đó mới hiệp câu niệm Phật cho tương ưng với ba môn Vô lậu học Giới, Định và Huệ. Khi mình niệm thì nhiếp tâm, không cho tán tâm, tâm trụ nơi tiếng niệm Phật.

Như vậy gọi rằng tâm duyên nơi một cảnh, nghĩa là cái tâm ở nơi một cảnh hồng danh của đức Phật, đó tất nhiên học về môn Định. Và khi niệm đó thì trí rất sáng, nhận ra tiếng niệm Phật rõ ràng, từ câu rành rẽ. Trí sáng đó tất nhiên là tương ưng với môn Huệ học, lần lần trí huệ sẽ phát.

Trong khi mình niệm thì nhiếp tâm nơi chánh niệm, vọng niệm không xen vô, mà những lỗi lầm đều ở nơi vọng tâm phân biệt mà ra. Nay vọng tâm không có, tâm trụ ở chánh niệm, như vậy những lỗi lầm không có.

Mà Giới là chi ? Tất nhiên là để ngăn, không cho ở nơi thân khẩu ý tạo tội lỗi. Giờ đây, thân khẩu ý trụ nơi câu niệm Phật là chánh niệm, không có những tội lỗi, thì tương ưng với Giới. Như vậy, trong một câu niệm Phật, lúc mình chuyên tâm đúng cách thì đầy đủ cả Giới Học, Định Học và Huệ Học. Khi Giới, Định, Huệ phát ra thì thành tựu, là chứng quả thánh.

Giờ đây mới tiếp tục để tiến lần thêm ở nơi cái phần niệm Phật cho nó được nơi Sự Tam Muội, hay Lý Tam Muội, tức là chánh định niệm Phật về Lý. Theo đúng như trong Kinh nói:” Người niệm Phật mà được ở nơi sự Tam Muội, thì khi lâm chung chắc chắn vãng sanh, vãng sanh rồi tất nhiên không mất phần Trung phẩm, và nếu được gồm Lý niệm Phật nữa thì khi vãng sanh không mất phần Thượng phẩm.

Thượng phẩm tức là bậc Đại Bồ tát. Trung phẩm là ngang hàng với bậc Thánh của Nhị thừa, thành ra không phải bậc thường được. Đây theo nơi bài kệ để tuần tự giảng giải. Quý đạo hữu nên nghe kỹ và cố gắng để mình đi được bước nào thì được bước nấy.

“ Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam muội Sự thành tựu.

Khi niệm Phật nhiếp tâm đúng cách như vậy rồi, niệm mỗi ngày mỗi đêm, niệm được nhiều giờ, nhiều thời gian gọi rằng thường niệm. Đã thường niệm rồi, trải qua một thời gian tức nhiên cái tâm được thuần thục. Khi tâm được thuần thục rồi thì nó có cái trớn niệm Phật nơi tâm. Lúc đó thì không còn cần phải tác ý, không cần phải dụng công, nhưng nơi tâm vẫn cứ tiếp tục nổi lên tiếng niệm Phật. nhớ kỹ là cái tâm nổi lên tiếng niệm Phật không có gián đoạn, nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng nhận thấy rằng tâm mình nó vẫn có cái tiếng niệm Phật, không cần phải dụng công, tác ý gì hết, đó gọi rằng là được niệm lực tương tục, là sức chánh niệm nối tiếp.

Cho nên biết rằng, lúc mình tác ý dụng công thì phải cố gắng lắm cái tâm mới duyên theo tiếng niệm Phật, nhưng thật ra trong lúc đó, tâm có nhiều khi không ở nơi mình, cái miệng niệm Phật, tiếng có phát ra mà cái tâm nhiều khi nó có nhận ra câu thứ nhất, câu thứ nhì thì lơ là, hay là ở trong câu niệm Phật đó nó nhận tiếng Phật, tiếng A, tiếng Mô lại lơ là. Còn giờ đây tâm tự động niệm Phật, do sau khi mình niệm Phật được thường lâu ngày nó thuần thục.

Nói lâu ngày đây, chớ như trình độ này, có người chỉ trong một ngày một đêm có thể được, nếu căn trí lanh lợi và tinh tấn. Có người chừng bảy ngày đã được rồi, còn người niệm Phật không thường lắm thì phải thành ra lâu.

Nếu được cái sức niệm Phật ở nơi tâm tự động nó niệm, gọi là bất niệm tự niệm đó thì được cái chánh niệm nối tiếp luôn gọi là niệm lực được tương tục, mới đúng với cái nghĩa chấp trì danh hiệu mà trong kinh A Di Đà các đạo hữu thường tụng.

Thường thường, người tụng kinh A Di Đà ít có để ý, vì lời Phật nói ra không phải là thông thường, cần phải để ý lắm. Hễ Phật nói nhất tâm thì nhất định là cái tâm phải chuyên nhất thôi, không được xen gì hết mới gọi là nhất tâm.

Còn Phật nói nhất niệm thì tức nhiên là cái niệm phải cột nó lại trong một chỗ mới gọi là nhất niệm. Giờ đây, Phật gọi rằng chấp trì danh hiệu thì tất nhiên ở nơi danh hiệu đức Phật, nơi hồng danh đức Phật A Di Đà hay là Nam Mô A Di Đà Phật, phải nắm cầm cho chắc, không lúc nào rời và không để cái gì xen tạp vô, như vậy mới gọi rằng cái tâm nó chỉ nắm cầm hay là giữ chắc một câu niệm Phật không rời.

Nếu giữ chắc không rời câu niệm Phật mới gọi là niệm lực tương tục, dù không niệm tâm nó vẫn tự niệm, nói gọn lại là bất niệm tự niệm và cái chánh niệm nó được nối tiếp, nghĩa là tương tục. Đó mới thật là cái nhĩa chấp trì danh hiệu ở trong Kinh A Di Đà. Nên cuối câu kệ gọi rằng “ Niệm lực tương tục, đúng nghĩa chấp trì danh”.

Khi niệm lực được tương tục, rồi nắm giữ danh hiệu của đức Phật mà không có một tạp niệm xen vô thì trong một thời gian tâm nó dừng lại, lìa hết tất cả cảnh ngũ trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc nó không còn duyên nữa.

Lúc đó, dù có con kiến cắn cũng không hay, nghĩa là nơi xúc trần, dù có mùi hương thoảng cũng không biết là lìa nơi hương trần và cho có tiếng chi một bên cũng không nghe, có cái chi ở trước mắt cũng không thấy, dù lúc đó mở mắt, mà cái tâm chỉ duyên rành rẽ ở câu niệm Phật và chỉ có nhân câu niệm Phật mà thôi.

Lúc đó trong thì quên thân, ngoài không duyên theo cảnh, cái tâm nó đứng lặng là “ nhất tâm bất loạn” . Khi được như vậy rồi, trong kinh Vô Lượng Thọ nói, lúc đó Phật thân hiện, Phật A Di Đà hiện cho đến Phật cảnh Cực Lạc hiện, nên câu kệ gọi rằng: “ Nhất tâm Phật hiện tiền” Đó là thành tựu được sự Tam Muội. Câu kệ gọi là : “ Tam muội sự thành tựu”. Chánh định thuộc về sự, thì tâm mình chỉ trụ nơi câu niệm Phật.

Trong quên thân, ngoài không duyên theo cảnh, và lúc đó, Phật và Thánh cảnh hiện, nó thuộc về sự tướng. Nếu người được ngang nơi đây thì sau khi được vãng sanh, bảo đảm ở nơi Trung phẩm, tức ngang với hàng Thánh của Nhị thừa. Còn nếu được “ Niệm lực tương tục, đúng nghĩa chấp trì danh” ở trên là bảo đảm vãng sanh, nhưng mà trong phẩm vị thì chưa chắc phẩm nào, còn tùy theo ở nơi thiện căn công đức của người tu hành.

“Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý Pháp thân hiện.”

Bây giờ, do nơi chánh định thuộc về Sự nên tâm đứng lặng, do tâm đứng lặng thành ra trí huệ phát. Trí huệ đây gọi là Vô lậu trí huệ hay Thanh trí phát. Do nơi phát đó mà toàn thể tự tâm bổn tánh hiển hiện. Trong Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh. Lúc đó, đã thấy ở nơi bổn tánh rồi, mà bổn tánh không phải cái tánh riêng của một cái gì hết, nó là cái tánh của Tâm mà cũng là tánh của Pháp.

Mà đã là tánh của tất cả pháp rồi thì đương nhiên lúc niệm Phật đó, cái tâm nó trụ ở nơi câu niệm Phật, nơi sự niệm Phật. Chính ở nơi sự niệm Phật đó lại tỏ ngộ, thấy là vô niệm. Cho nên biết rằng, thể tánh chân thật của tất cả các pháp, nghĩa là không luận của tâm hay là của sắc đều là cái tánh không tịch cả.

Đã không tịch tức nhiên nó không có một sự gì và cũng không có một tướng gì hết. Cái thể tánh nó chơn thật như vậy. Do đó, mới tùy duyên ra mà có tất cả sự, tất cả pháp. Vì vậy, nên khi tỏ ngô bổn tâm tự tánh rồi thì thấy cái chánh niệm mình đương niệm đó tức là vô niệm, gọi là “đương niệm tức vô niệm”.

Cái tánh của chánh niệm không phải mình làm cho nó không, bởi vì bổn lai (xưa nay) là không. Cũng như cái tánh của tất cả tâm, cái tánh của tất cả pháp, bổn lai nó là không tịch. Do đó, cho nên sợ rằng người học đạo không biết “ cố ý mà dằn ép cái tâm”, phải nhận rằng ở nơi niệm cái tánh là không.

Lúc đó, thấy cái niệm là không tánh mà cũng rõ biết rằng cái tánh của niệm bổn lai nó là không. Như vậy, mới thật là thấy cái thật tánh của niệm. Nếu thấy thật tánh của niệm thì thấy thật tánh của các Pháp, bởi vì tất cả pháp đều là một tánh mà thôi.

Cho nên thấy Phật tánh của một pháp tức nhiên thấy được thật tánh của tất cả pháp. Nên hai câu kệ mới nói đương niệm, chính lúc đương niệm đó không phải bỏ niệm, mà giác ngộ là vô niệm. Giác ngộ vô niệm là chi ? Tức là cái niệm tánh không tịch, mà cái niệm tánh không tịch đó là tánh bổn lai của cái niệm, cho nên gọi rằng “ niệm tánh vốn tự không” chứ không phải là nó mới “ không” đây, tại vì trước kia mình mê muội, mình theo sự tướng thấy nó thế này, thế kia đủ thứ hết.

Giờ đây giác ngộ được rồi thì thấy bổn tánh không tịch, bổn tánh không tịch đó là bổn lai từ hồi nào đến giờ nó vẫn không tịch như vậy, chớ không phải mới, không phải do mình tu hành đây rồi mới là không .

Kế đến câu : “Tâm làm Phật là Phật”.

Đồng thời, lúc đó phải giác ngộ cái tâm của mình đây chính là chơn tâm thật tánh của mình. Vì rằng ở trên, hễ giác ngộ ở nơi tâm niệm đó rồi thì thấy rõ bổn tâm của mình làm Phật, và bổn tâm đó chính là Phật.

Đó gọi rằng là bổn tâm chân thật. Lúc đó, tất nhiên gọi rằng chi ? Là đã chứng nơi Lý tánh, thành tựu Lý Tam muội niệm Phật và đồng thời Pháp thân Phật hiện. Ở trên về Sự Tam muội, gọi rằng Phật hiện tiền, lúc đó có Phật ở ngoài mình mà hiện ra, rồi mình Thấy Phật hiện. Còn giờ đấy nơi thân tâm mình làm Phật là Phật.

Nên biết rằng, sụ tỏ ngộ đó không phải ở nơi trí suy luận mà tỏ ngộ, chính là Hiện lượng chứng trí lúc đó nhận như vậy, thấy như vậy, chứng như vậy chứ không phải là suy luận. Mà đã chứng ngộ ở nơi bổn tâm mình làm Phật và tức là Phật, vậy Phật và tâm không phải hai, chính tâm là phật, Phât là tâm.

Như vậy tất nhiên là chứng nơi Pháp thân, gọi là pháp thân hiện tiền. Lúc đó, Pháp thân Phật hiện, còn ở trên nơi sự Tam muội mà Phật hiện đó là Phật sự tướng hiện, sắc thân Phật hiện, còn đây là “ Pháp thân Phật hiện”. Nếu người được đến đây rồi, khi vãng sanh quyết định ở nơi Thượng phẩm, tức là một vị Đại Bồ tát.

Hiện tại, người ấy ở tại đây cũng là một vị Bồ tát. Tầng bậc này đối với Thiền tông gọi là chứng tâm tánh. Sau khi minh tâm kiến tánh rồi, chứng tâm tánh gọi là đại triệt, đại ngộ. Nhưng ở nơi Pháp môn niệm Phật thì hơn nơi Thiền tông, bởi vì Thiền tông đến khi minh tâm kiến tánh hay là chứng nhập tánh rồi, còn cần phải theo một thời gian rèn luyện để dứt trừ những nghiệp chướng phiền não.

Còn người niệm Phật thì không như vậy. Bởi vì ngoài sự tỏ ngộ ra, còn có nguyện lực của Phật nhiếp trì, mà đã vào trong nguyện lực của Phật nhiếp trì rồi, tức nhiên chẳng những là chứng ngộ nơi tự pháp thân mà cũng ở vào nơi Pháp thân của Phật A Di Đà.

Do đó không luận nghiệp chướng phiền não, sau khi bỏ thân này rồi về Cực Lạc thế giới, được vãng sanh ở Thượng phẩm thì mấy cái đó tự mất. Thế nên trong Kinh Quán Vô Lưọng Thọ có nói : “ Người được vãng sanh về Thượng phẩm, bậc đó gọi rằng ở vào Sơ địa Bồ tát” Hiện tiền sau khi sanh về có thể dùng cái trí lực và thần thông, hiện thân làm Phật trong 100 thế giới không Phật.

Nghĩa là trong thế giới nào không Phật thì vị Bồ tát có thể hiện thân làm Phật để độ chúng sanh. Nên biết rằng, mỗi thế giới như vậy là có vô số tiểu thế giới hiệp lại, cũng như Ta bà thế giới của mình có 1.000 triệu cái tiểu thế giới hiệp lại, nghĩa là 1.000 triệu cái Thái dương hệ hiệp lại mới thành thế giới Ta Bà.

Do đó lúc đức Thích ca Mâu Ni thành Phật rồi, thì cái thân hiện ra gọi rằng “Thiên bá ức”, 1.000 trăm lần ức. Một ngàn trăm ức đó là 1.000 tỷ. Một ngàn tỷ thân Phật Thích Ca chớ không phải một thân Phật Thích Ca. Đó là một thế giới, mà đây vị Bồ tát chứng Lý Pháp thân, nghĩa là nơi Lý Niệm Phật Tam Muội thành tựu rồi, vãng sanh về cõi Cực Lạc, trụ nơi bậc Sơ địa có thể dùng thần thông trí huệ hiện thân làm Phật ở trong 100 thế giới không Phật tế độ chúng sanh.

Mình thấy pháp môn niệm Phật, nếu bắt đầu từ dưới nhìn lên trên và từ trên nhìn lần xuống dưới, đường đi rành rẽ hết sức là phân minh. Và ở nơi đó, mình cũng không đến nỗi quá khó, chỉ có khó là mình phải tin, quyết định thực hành, tin tấn và không giải đãi mà thôi. Khó là có chịu nhất định để tu và quyết định tinh tấn hay không ? Chỉ có khó nơi đó mà thôi.

Theo pháp môn niệm Phật thì không có cái chi là khó lắm, không phải như các pháp môn khác. Vì các pháp môn khác do tự lực. Tự lực thành khó, và ở nơi các pháp môn khác mà đến chỗ chứng lý pháp thân hiện không phải dễ. Bên Thiền Tông thuộc về Vô tướng tu. Vô tướng tu đó khó nắm nơi đâu để mà làm cột trụ, để hạ thủ.

Nếu sai một chút thì thuộc về hữu tướng, mà hữu tướng tất nhiên không phải của Thiền tông, sai rồi thì không thành tựu được. Còn như theo Pháp Hoa tông mà tu thì cũng phải tâm chỉ tâm quán, cái đó không phải dễ được. Theo Hoa Nghiêm tông thì thuộc về pháp quán rất khó. Theo như Duy Thức tông tu thì phải là duy thức quán, quán chẳng phải dễ. Đó là những pháp môn tự lực tu

Muốn biết được trình độ gọi là chứng Lý pháp thân hiện thì phải ở các tông thuộc về Viên đốn Đại thừa. Nếu ngoài những tông đó ra mà tu những tông khác thì không thể đến các tầng đó được. Những tông vừa kể trên tu chứng đến tầng này khó lắm, bởi vì thuộc về tự lực. Còn đây, ngoài tự lực ra, pháp môn niệm Phật này còn có tha lực, tức là nguyện lực của Phật nhiếp trì. Do đó, có sự dễ dàng hơn, bảo đảm hơn.

Huống nữa là ở trong pháp môn niệm Phật này, nếu mình chỉ được ở nơi tầng công phu thấp nhất là có sự chuyên niệm được tương ưng với nơi nghĩa chấp trì tất nhiên bảo đảm vãng sanh. Nếu được vãng sanh rồi thì dự vào hàng Thánh, được Bất thối chuyển nơi đạo Vô thượng. Dù rằng đối với các bậc mà được Sự Tam muội niệm Phật hay Lý Tam muội niệm Phật là còn thấp.

Nhưng kỳ thật, khi đã được vãng sanh rồi thì dự vào hàng Thánh được Bất thối chuyển, nhất là được về thế giới Cực Lạc, không có sự khổ về già, bệnh, chết, không có các sự khổ như là những cảnh duyên nó làm mình xao động, hoặc là sự ép buộc ở nơi thời tiết, nhất là những việc ăn, việc mặc nó làm mình bận rộn cả ngày đêm. Không có tất cả điều đó tất nhiên rảnh rang tu hành, mà trong khi rảnh rang đó lại có tiếng gió thổi, tiếng chim kêu, tiếng nước chảy đều phát ra tiếng nói pháp hết.

Hơn nữa nơi Cực Lạc thế giới, như trong kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà mà các đạo hữu thường tụng, thì các bậc Nhất sanh Bổ xứ Bồ tát Thượng thiện nhơn là bạn, và người được vãng sanh sẽ được ở chung với các bậc đó.

Cho nên trong kinh A Di Đà có nói : “ Những người nào mà nghe nơi đây thì phải phát nguyện, nguyện sanh về Cực Lạc thế giới. Tại sao vậy ? Vì đồng với các bậc Thượng thiện nhơn Nhất sanh Bổ xứ Bồ tát câu hội một chỗ, ở chung một chỗ”.

Như vậy thì thấy, mình về bên đó rồi thì cùng ở chung với các bậc Đại Bồ tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và vô số các vị Bồ tát khác. Cung điện của mình ở đây, thì cung điện của các Ngài ở kia, muốn gặp lúc nào cũng được, muốn hỏi han lúc nào cũng tiện. Và hoá thân của Phật ở khắp nơi trong thế giới Cực Lạc, không có chỗ nào không có hóa Thân Phật hết.

Thành ra, muốn thấy Phật lúc nào cũng đưọc, trừ những bậc thuộc về Thượng phẩm, chứng Lý Pháp thân. Chừng đó tất nhiên về thế giới Cực Lạc, mới thấy được báo thân của Phật, còn những bậc dưới thì thấy hóa thân.

Hóa thân thì cũng như báo thân, bởi vì sự thuyết pháp độ sanh của Phật thì báo thân, hóa thân gì cũng giống nhau, nhưng cái thân có khác theo trình độ người: thân lớn, thân nhỏ, cái chỗ đẹp nhiều hay là đẹp ít khác nhau, theo cái trí lực ở nơi con mắt thấy nó sai khác, mà sự giáo hóa vẫn đồng.

Phật giáo bao giờ cũng theo căn cơ mà thuyết pháp. Cho nên, trong kinh A Di Đà Phật nói: “ Người nào theo kinh này mà thọ trì, tu hành cùng những người đã phát nguyện, đương phát nguyện, sẽ phát nguyện vãng sanh về cõi nước của đức Phật A Di Đà, thời những người đó đều đặng không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng chánh Giác” Nghĩa là người đó sẽ được vãng sanh và được bảo đảm đi thẳng đến thành Phật mà thôi.

Do đó, thấy căn cơ của mình hiện tại đây, cũng như tất cả mọi người trong thời gian này mà rời pháp môn niệm Phật, quyết khó bảo đảm giải thoát lắm, đừng nói là bảo đảm thành Phật. Vậy các đạo hữu nên tự tu cho tinh tấn và cũng đem pháp môn niệm Phật chỉ dạy người khác và khuyên bảo người khác nên thực hành như mình.

HT Thích Trí Tịnh

Vài Chia Sẻ Về Vấn Đề Niệm Phật

Vài Chia Sẻ Về Vấn Đề Niệm PhậtNgài Lý Bỉnh Nam (sư phụ của lão pháp sư Tịnh Không) nói rằng: Sáu chữ Hồng danh là vua trong các câu chú. Sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật là bí mật không phiên dịch, đều chẳng phải văn tự Trung Hoa. Pháp này cao tột, hơn trì bất cứ lời chú nào.

Thế mới biết một câu A Di Đà Phật đã bao gồm tất cả mọi câu thần chú trong ấy rồi. Sau khi liễu ngộ điều này, chúng ta nên buông bỏ mọi câu thần chú khác và chỉ chuyên nhất niệm câu A Di Đà Phật.

Một điều rất quan trọng chúng tôi xin thành tâm khuyên hành giả niệm Phật: đó là phải phát bồ đề tâm. Bồ đề tâm nói nôm na cho dễ hiểu là tâm thường nghĩ đến những điều lợi cho người, tức lợi tha. Đừng nghĩ đến lợi ích của riêng cá nhân mình mà mọi việc mình làm đều nên suy xét sao cho lợi chúng sanh.

Cố lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam
Cố lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nhấn mạnh điều này qua câu nói:
Một vạn người niệm Phật, thật sự vãng sanh chỉ có vài ba người. Vì sao số người vãng sanh quá ít như vậy? Vì không phát tâm bồ đề, nên tâm không thanh tịnh. Bởi tâm không thanh tịnh nên còn thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn, nghi. Những thứ này không tương ứng với thế giới Cực Lạc một chút nào. Tây phương Cực Lạc là nơi tụ hội của chư thượng thiện nhân, tức là chỗ của những người thiện lành bậc nhất. Cho dù chúng ta niệm Phật rất siêng năng đến đâu, hoặc một ngày có thể niệm đến trăm ngàn lần, nhưng tâm của chúng ta không thiện, làm sao có thể lên Tây phương ở cùng chỗ của các bậc thượng thiện nhân?

Để tâm dần thanh tịnh, ngoài công phu chánh là niệm Phật chúng ta cần phải có trợ công phu nữa. Trợ công phu giúp chúng ta tiêu dần nghiệp chướng và bớt vọng tưởng vì chính những nghiệp chướng sâu dầy của chúng ta mà sinh ra vọng tưởng. Chúng cứ dồn dập kéo đến dễ làm cản trở lớn đến việc niệm Phật khi ta ngồi tĩnh toạ niệm Phật. Trợ công phu gồm có:

1- Thường xuyên sám hối nghiệp chướng của mình. Thường ngày chúng ta chỉ nên xem xét hành động của mình và tìm lỗi của mình mà sửa. Đừng bao giờ tìm hoặc chỉ lỗi người. Càng thấy mình có lỗi thì chúng ta càng nổ lực tu sửa và càng phải sám hối thì nghiệp chướng dần dần tiêu bớt đi. Chúng ta sinh nhằm thời mạt pháp này nên phước rất mỏng nhưng nghiệp chướng chắc chắn là sâu dầy nên không thể chỉ dùng câu A Di Đà Phật trong một thời gian ngắn mà có thể đoạn trừ chúng được. Vừa niệm Phật kết hợp với sám hối sẽ giúp chúng ta tiêu nghiệp mau hơn. Thấy người làm điều tốt mình cũng nên phát tâm hoan hỉ, vui theo thì công đức của mình cũng lớn như vậy. Dùng công đức ấy mình hồi hướng cho việc vãng sanh là điều rất nên làm.

2- Chúng ta nên sinh tâm chán ghét thế gian Ta Bà này và một lòng muốn về Tây Phương Cực Lạc. Nếu chúng ta muốn vãng sanh về thế giới của Phật A Di Đà mà lòng vẫn còn ham thích nhà lớn, xe mới đẹp ở thế gian này thì đó là chướng ngại lớn kéo chúng ta lại nơi này. Mỗi khi ra đường nhìn thấy nhà lầu đẹp chúng ta hãy nghĩ ở Tây Phương Cực Lạc lầu các bằng bảy báu đẹp hơn nhiều. Nếu nghe bài nhạc hay chúng ta hãy nghĩ nhạc ở đây dù hay cách mấy cũng làm sao sánh bằng âm thanh vi diệu phát ra từ cây báu, chim quý nơi cõi Cực Lạc? Khi chúng ta ngửi mùi thơm từ xa thoảng đến liền tự nhắc mình hương thơm ở Ta Bà này làm sao sánh bằng hương thơm ở Tây Phương? Đồ ăn cao sang mỹ vị dọn ra trước mắt chúng ta cũng nghĩ rằng thức ăn nơi thế gian này sao ngon bằng ở Cực Lạc quốc? Áo quần mô-đen dù đẹp đến đâu ở đây cũng không thể nào sánh bằng y phục của Thế Giới Cực Lạc. Có tâm chán ghét nơi thế gian Ta Ba này chúng ta mới thật lòng muốn về Tây Phương Cực Lạc. Thế cho nên mới có câu:

Thân tuy ngự ở Ta Bà
Mà lòng đã gửi ở toà Hoa Sen

Điều cuối cùng chúng tôi muốn chia sẻ với liên hữu đồng tu về vấn đề nhất tâm. Là hành giả niệm Phật cầu sanh Tây Phương chúng ta không nên đặt nặng về chuyện này khi niệm Phật. Cứ chuyên cần niệm nhưng đừng trông mong và gián đoạn. Cầu nhất tâm và gián đoạn là 2 điều tối kị sẽ đưa đến không thành. Xin quý vị đừng lo niệm Phật không được nhất tâm mà điều chúng ta nên quan tâm đến bây giờ là phải niệm Phật sao cho thành phiến. Niệm Phật thành phiến tức là câu trước câu sau dính liền nhau, ở giữa các câu không có ý nghĩ nào khác chen vào. Tâm chỉ đặt trên câu Phật hiệu, ngoài ra không còn một ý nghĩ nào khác. Niệm Phật thành phiến người niệm ít thì được mười mấy câu, nhiều thì được vài mươi xâu chuỗi. Ban đầu chúng ta chỉ bắt đầu niệm từ 2 câu vừa niệm vừa nghe cho rõ ràng từng âm từng chữ rành rọt không có một tạp niệm nào xen vào, rồi cố đến 3 câu, rồi 4 câu, lâu dần sẽ được nhiều. Vọng tưởng có kéo đến cũng đừng để ý đến chúng. Đây là điều bình thường đối với người niệm Phật không có gì đáng ngại. Điều đáng quý là chúng ta phải chuyên niệm, hễ có thời gian hay một chút rãnh rỗi là phải đề xướng câu Phật hiệu. Hãy niệm không ngừng nghỉ ngày cũng như đêm, đứng cũng như ngồi, ăn cũng như nghỉ, nằm cũng như đi chúng ta đều phải niệm Phật. Niệm thầm hay niệm ra tiếng công đức cũng đều như nhau. Có nhiều vị cho rằng mỗi khi vào nhà xí làm vệ sinh hay khi thay y phục chúng ta không nên niệm Phật vì như thế mắc tội không tôn kính. Thật ra vào những hoàn cảnh như thế chúng ta cũng không nên ngưng niệm Phật nhưng chỉ nên niệm thầm trong lòng. Lúc nằm cũng vậy chúng ta không nên niệm ra tiếng vì niệm Phật ra tiếng lúc nằm lâu ngày sẽ mang bệnh và lại không nghiêm trang.

Chúng ta hãy bền bỉ niệm Phật nhưng đừng trông mong. Bởi khi lâm chung dù chúng ta chỉ đạt ở trình độ niệm Phật thành phiến, Phật quang A Di Đà chiếu đến thân chúng ta thì công phu của chúng ta sẽ được nâng lên một bậc là Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu công phu của chúng ta đã đạt đến Sự Nhất Tâm Bất Loạn thì khi lâm chung được Phật A Di Đà phóng quang đến chúng ta sẽ có được Lý Nhất Tâm Bất Loạn. Đây là lời của lão pháp sư Tịnh Không nói chứ chúng tôi chẳng dám bịa ra. Vì thế xin quý hành giả niệm Phật hãy nên kiên trì niệm Phật đừng để cho gián đoạn chờ ngày vãng sanh quyết đoạt đài vàng nơi miền An Dưỡng quốc.

Hữu Minh